Rối loạn đa nhân cách là gì? Triệu chứng và cách chữa trị

5/5 - (1 bình chọn)

Rối loạn đa nhân cách (Multiple Personality Disorder – MPD) là một dạng rối loạn phân ly, đặc trưng bởi tình trạng mất ý thức, đồng hóa bản thân với người khác và thường có nhiều hơn 2 nhân cách thay nhau kiểm soát, chi phối. Tỷ lệ người mắc chứng bệnh này rất thấp và thường có liên quan đến sang chấn tâm lý từ thời thơ ấu. 

Rối loạn đa nhân cách
Rối loạn đa nhân cách còn được gọi là bệnh đa nhân cách và rối loạn nhân dạng phân ly

Rối loạn đa nhân cách (MPD) là bệnh gì?

Rối loạn đa nhân cách (Multiple Personality Disorder – MPD) còn được biết đến với tên gọi là bệnh đa nhân cách, rối loạn tách rời nhận thức và rối loạn nhân dạng phân ly (Dissociative Identity Disorder – DID). Thuật ngữ này đề cập đến một dạng rối loạn tâm thần mà bản thân người bệnh có ít nhất 2 nhân cách khác biệt thay nhau chi phối, kiểm soát và tồn tại trong thời gian tương đối lâu.

Người mắc chứng bệnh này không có khả năng ghi nhớ những sự kiện sang chấn, thông tin cá nhân quan trọng và các sự kiện xảy ra hằng ngày. Tuy nhiên, tình trạng quên ở bệnh nhân đa nhân cách khác với đãng trí và suy giảm trí nhớ thông thường. Bởi những ký ức này sẽ xuất hiện theo nhân dạng và quên mất khi bệnh nhân chuyển sang nhân dạng khác. Người bệnh luôn cho rằng bản thân đã đi ngủ trong thời gian này.

Trước đây bệnh được gọi là rối loạn đa nhân cách và bệnh đa nhân cách nhưng cách gọi này dễ bị nhầm lẫn với rối loạn nhân cách. Trong khi về bản chất, chứng bệnh này là một trong những dạng lâm sàng của rối loạn phân ly. Người mắc chứng rối loạn đa nhân cách có tâm lý rất phức tạp và thường xảy ra do nhiều yếu tố kết hợp, trong đó luôn có vai trò của chấn thương tâm lý mạnh từ thời thơ ấu.

Rối loạn đa nhân cách (MPD) có thể khởi phát ở bất cứ độ tuổi nào với tỷ lệ đồng đều ở cả nam và nữ giới. Đây là chứng rối loạn tâm thần rất hiếm gặp, chiếm khoảng 1 – 3% dân số thế giới, trong đó thường gặp hơn ở người Bắc Mỹ và Châu Âu.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Nguyên nhân gây bệnh đa nhân cách

Nguyên nhân chính xác gây rối loạn đa nhân cách vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên qua các nghiên cứu đã được thực hiện, các chuyên gia nhận thấy, bệnh lý này có liên quan đến sang chấn tâm lý mạnh vào thời thơ ấu. Chính sang chấn này khiến bệnh nhân hình thành nhiều nhân cách tách biệt để trốn tránh thực tế hoặc bảo vệ bản thân. Cũng chính vì vậy mà nhân cách được phát triển thường trái ngược với nhân cách chính.

Rối loạn đa nhân cách do sang chấn tâm lý
Sang chấn tâm lý từ thời thơ ấu là yếu tố quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của rối loạn đa nhân cách

Các nguyên nhân, yếu tố có thể gây ra chứng rối loạn đa nhân cách:

  • Sang chấn tâm lý thời thơ ấu: Các sang chấn tâm lý mạnh từ thời thơ ấu như bị lạm dụng tình dục, tình cảm, thể chất, bố mẹ mất sớm, gia đình gặp tai nạn kinh hoàng,… có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh đa nhân cách. Khi đối mặt với sang chấn khi còn quá nhỏ, trẻ bắt đầu hình thành những suy nghĩ, đánh giá phức tạp về bản thân và những người xung quanh. Theo thời gian, cảm xúc, ký ức và tri giác có thể trở nên tách biệt. Kết quả là dần hình thành nhiều nhân cách trong cùng một cá thể.
  • Các yếu tố nguy cơ: Ngoài sang chấn tâm lý, nguy cơ mắc bệnh rối loạn đa nhân cách tăng lên đáng kể khi có một số yếu tố như tiền sử gia đình mắc các rối loạn tâm thần nói chung và rối loạn đa nhân cách nói riêng, cấu trúc não bộ bất thường, mất cân bằng các yếu tố sinh hóa,…

Hiện nay, các nghiên cứu về căn nguyên bệnh chưa cho thấy những bằng chứng xác thực để đưa ra bất cứ khẳng định nào. Tuy nhiên, sang chấn tâm lý là yếu tố không thể phủ nhận vai trò trong cơ chế bệnh sinh của rối loạn đa nhân cách.

Triệu chứng của rối loạn đa nhân cách

Rối loạn đa nhân cách (rối loạn nhân dạng phân ly) có đặc điểm chính là sự xuất hiện của ít nhất 2 nhân cách khác biệt trong thời gian tương đối lâu, mất khả năng ghi nhớ các sự kiện lớn và những thông tin quan trọng về bản thân không thể lý giải. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp phải một số triệu chứng đi kèm khác.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh lý này có sự khác biệt rõ rệt ở từng bệnh nhân. Trên thực tế, có những bệnh nhân chỉ có khoảng 2 nhân cách nhưng có một số người sở hữu đến hàng trăm nhân cách. Số lượng nhân cách tỷ lệ thuận với mức độ phức tạp và sự đa dạng của triệu chứng.

1. Đa nhân dạng (có nhiều nhân cách)

Đúng như tên gọi, bệnh đa nhân cách có đặc điểm chính là nhiều hơn 2 nhân dạng. Trong đó được chia thành 2 hình thái là chiếm hữu và không chiếm hữu.

  • Chiếm hữu

Hình thái chiếm hữu trong bệnh đa nhân cách đặc trưng bởi sự xuất hiện các nhân dạng hoàn toàn khác biệt so với nhân cách bình thường của người bệnh. Các nhân dạng này xem bản thân là tác nhân bên ngoài (linh hồn siêu nhiên, người khác) đã kiểm soát được cơ thể của người bệnh khiến người bệnh có những hành vi và lời nói rất khác biệt.

Trong hình thái chiếm hữu, những người xung quanh rất dễ nhận ra sự bất thường ở bệnh nhân. Sự chiếm hữu của các nhân dạng khác thường xảy ra một cách không mong muốn khiến người bệnh không hiểu lý do và dần rơi vào trạng thái đau khổ tuyệt vọng. Ngoài ra, người bệnh cũng phải đối mặt với những rắc rối và phiền toái do các nhân dạng khác gây ra.

  • Không chiếm hữu

Ngược lại với chiếm hữu là hình thái không chiếm hữu. Trong hình thái này, sự xuất hiện của các nhân dạng không có sự khác biệt rõ rệt nên những người xung quanh gần như không phát hiện ra sự bất thường. Bản thân người bệnh cảm nhận được sự giải thể nhân cách (cảm giác tách rời khỏi thể chất, tinh thần, bị loại khỏi bản thân và có cảm giác không thực).

Trong hình thái không chiếm hữu, người bệnh cảm nhận bản thân đang tách rời và quan sát được cuộc sống của bản thân từ bên ngoài nhưng không thể kiểm soát được hành vi, cảm xúc, lời nói. Khi nhân dạng khác đang ngự trị, người bệnh sẽ có những tiếng nói, luồng tư tưởng khó hiểu và thay đổi về sở thích, thái độ một cách đột ngột.

Tương tự như hình thái chiếm hữu, hình thái này cũng gây ra không ít phiền toái đối với cuộc sống. Vì không thể nhớ được những sự kiện đã xảy ra trong khoảng thời gian nhân cách khác ngự trị nên bệnh nhân thường rơi vào trạng thái đau khổ, không hiểu rõ bản thân, dằn vặt và bất an, bồn chồn.

Dấu hiệu rối loạn đa nhân cách
Người bị đa nhân cách có ít nhất 2 nhân cách, các nhân cách này thay nhau kiểm soát và chi phối cảm xúc, suy nghĩ và hành động

Đặc điểm đa nhân dạng ở bệnh nhân rối loạn đa nhân cách:

  • Hành vi, tâm lý và cảm xúc bị kiểm soát và chi phối bởi nhiều nhân cách khác nhau
  • Mỗi trạng thái nhân cách sẽ có trải nghiệm và ghi nhớ những ký ức khác biệt hoàn toàn so với các nhân cách còn lại
  • Nhân cách bình thường của người bệnh thường trái ngược hoàn toàn so với các nhân cách còn lại. Các nhân cách này sẽ xuất hiện một cách đột ngột, không báo trước tùy theo tình huống cụ thể. Thông thường, các nhân cách khác của người bệnh thường chỉ trích và coi thường nhân cách chính.
  • Trong tất cả các nhân cách sẽ có nhân cách mạnh hơn nắm quyền và phân phối thời gian cho các nhân cách còn lại.
  • Thời gian chuyển đổi giữa hai nhân cách chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn và thường xảy ra dưới áp lực tâm lý.
  • Khi chuyển đổi nhân cách, bệnh nhân thường có các biểu hiện như giọng nói, cơ mặt thay đổi, nháy mắt không ngừng,… Trung bình, mỗi bệnh nhân sẽ có khoảng 2 – 10 nhân cách.

2. Quên phân ly

Một đặc điểm quan trọng khác ở bệnh nhân rối loạn đa nhân cách là mất khả năng ghi nhớ những thông tin quan trọng về bản thân và những sự kiện lớn trong đời nhưng không thể giải thích. Chứng quên này khác hẳn với tình trạng đãng trí và suy giảm trí nhớ do các vấn đề sức khỏe thể chất, tâm thần khác.

Quên phân ly ở bệnh nhân rối loạn đa nhân cách thể hiện qua các dấu hiệu sau:

  • Mất một đoạn ký ức về những sự kiện quan trọng trong quá khứ như từng bị lạm dụng thời thơ ấu, mất gia đình, người thân,… Thậm chí người bệnh hoàn toàn không hề nhớ đến những sự kiện và cảm giác đã trải qua trong quá khứ.
  • Bệnh nhân không có cảm giác hay ý thức được những nhân cách khác của bản thân. Những sự kiện xảy ra khi nhân cách khác đang ngự trị người bệnh đều không thể ghi nhớ và cho rằng khoảng thời gian đó bản thân đã đi ngủ.
  • Tình trạng đa nhân cách và quên phân ly ở bệnh nhân rối loạn nhân dạng phân ly hoàn toàn không có liên quan đến vấn đề thực thể, sử dụng thuốc hay chất kích thích.
  • Nhầm lẫn các sự kiện, ký ức
  • Luôn tìm kiếm bằng chứng về những việc đã làm hoặc nói nhưng hoàn toàn không có ký ức về việc này. Thông thường, người bệnh chỉ cố gắng tìm kiếm bằng chứng khi những người xung quanh kể lại hoặc có thể vô tình nhận thấy các đồ vật, nét chữ khác thường mà không phải bản thân mình viết hay mua sắm.
  • Tình trạng quên phân ly ở bệnh nhân rối loạn đa nhân cách rất đặc biệt. Nhân cách nào càng thụ động càng có ít ký ức. Ngược lại, những nhân cách có tính chất hung hăng, chống đối, giận dữ thường điều khiển và ghi nhớ ký ức tốt hơn.
  • Bệnh nhân thường cố gắng che giấu tình trạng quên ký ức của bản thân. Tuy nhiên, điều này rất dễ bị nhận ra bởi những người xung quanh vì bản thân người mắc chứng đa nhân cách thậm chí không thể nhớ được tên tuổi và những thông tin quan trọng.

3. Các triệu chứng khác

Ngoài hai nhóm triệu chứng chính, bệnh nhân rối loạn đa nhân cách cũng có thể gặp phải một số triệu chứng khác như:

triệu chứng rối loạn đa nhân cách
Bệnh nhân có cảm giác như thể có ai đang muốn khóc bằng mắt của chính mình hoặc nghe tiếng nói chỉ trích từ nhân dạng khác
  • Xuất hiện ảo thanh do các nhân cách khác xâm nhập vào ý thức ngay cả khi nhân cách chính đang ngự trị.
  • Thậm chí có thể xuất hiện ảo giác, khứu giác, thị giác, vị giác,… Những cảm giác nay đều do các nhân cách khác xâm nhập vào ý thức gây ra. Hoàn toàn không phải là biểu hiện của chứng loạn thần trong các rối loạn tâm lý khác.
  • Có cảm giác như thể có ai đang muốn khóc bằng mắt của chính bản thân hoặc nghe tiếng nói chỉ trích từ nhân dạng khác.
  • Bệnh nhân cũng có thể gặp phải một số triệu chứng như rối loạn chức năng tình dục, xuất hiện các cơn co giật không phải động kinh, tự cắt xén tóc tai, quần áo, lạm dụng chất, tự làm tổn thương bản thân, lo âu và trầm cảm

Sự chuyển đổi của các nhân dạng và tình trạng quên phân ly khiến cuộc sống người bệnh trở nên hỗn độn. Bệnh nhân không thể lý giải tại sao những sự kiện kỳ lạ lại xảy ra với bản thân và thường có xu hướng cố gắng giấu giếm. Dần dần, người bệnh rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm và có hành vi tự làm tổn thương mình hay thậm chí là tự sát.

Rối loạn đa nhân cách có nguy hiểm không?

Rối loạn đa nhân cách gây ra rất nhiều ảnh hưởng đối với cuộc sống của người bệnh – đặc biệt là suy giảm chức năng nghề nghiệp, giảm hiệu suất học tập và các mối quan hệ cá nhân, xã hội. Sự suy giảm ở người mắc chứng bệnh này rất đa dạng tùy theo số lượng và tính cách của các nhân dạng.

rối loạn đa nhân cách có nguy hiểm không
Rối loạn đa nhân cách khiến người bệnh khó kiểm soát cảm xúc, hành vi gây cản trở công việc và các mối quan hệ trong cuộc sống.

Người bệnh thường giảm chức năng nghề nghiệp, không thể duy trì các mối quan hệ thân thiết và thậm chí là các mối quan hệ xã giao. Ngoài ra, sự chuyển đổi của các nhân cách còn gây nhiễu loạn cuộc sống, gia tăng nguy cơ thất nghiệp, xung đột và mâu thuẫn. Người bị rối loạn đa nhân cách thường bị những người xung quanh cho rằng thiếu trung thực, hay giả vờ và muốn thay đổi thân phận để phục vụ cho mục đích xấu.

Hơn nữa, bệnh nhân còn chịu sự sai khiến thông qua ảo thanh khi các nhân cách khác xâm nhập vào ý thức. Các sai khiến này có thể khiến bệnh nhân phát sinh những hành vi bạo lực như đánh nhau, xúc phạm và thậm chí là gây hại cho người khác. Tuy nhiên, rất ít trường hợp bệnh nhân đa nhân cách có hành vi giết người. Vì về bản chất, sự hình thành của các nhân cách khác nhằm mục đích bảo vệ bản thân, hoàn toàn không gây tổn hại đến những người xung quanh.

Tuy nhiên, sự nhiễm loạn và gián đoạn trong cuộc sống khi chuyển đổi các nhân cách có thể khiến bệnh nhân gặp rắc rối khi thi cử, công việc. Chất lượng cuộc sống suy giảm cùng với những sự kiện không thể lý giải khiến bệnh nhân rơi vào trầm cảm và rối loạn lo âu. Nếu không được điều trị sớm, bệnh nhân có thể nảy sinh ý nghĩ và hành vi tự sát.

Chẩn đoán bệnh rối loạn đa nhân cách

Chẩn đoán bệnh rối loạn đa nhân cách chủ yếu vào biểu hiện lâm sàng. Để phân biệt với các rối loạn tâm thần khác, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng thuốc, trao đổi chi tiết và thôi miên. Sau khi đã thu thập triệu chứng, bệnh nhân rối loạn nhân dạng phân ly sẽ được chẩn đoán dựa trên tiêu chí DSM-5:

chẩn đoán rối loạn đa nhân cách
Rối loạn đa nhân cách được chẩn đoán thông qua khai thác triệu chứng, thôi miên và dùng thuốc an thần để đánh giá mức độ đáp ứng
  • Có ít nhất 2 trạng thái nhân cách tồn tại đủ lâu để tạo nên sự gián đoạn đáng kể trong cảm giác của nhân cách chính.
  • Xuất hiện những khoảng trống trong ký ức về thông tin cá nhân, sự kiện sang chấn và sự kiện diễn ra hàng ngày.
  • Các triệu chứng gây ra tình trạng đau khổ hoặc suy giảm đáng kể chức năng nghề nghiệp, xã hội

Các kỹ thuật được thực hiện trong quá trình chẩn đoán như các cuộc trò chuyện kéo dài, dùng thuốc an thần, thôi miên giúp bệnh nhân thể hiện đầy đủ các nhân dạng. Điều này giúp bác sĩ xác định các nhân dạng khác nhau, tìm ra mối quan hệ giữa các nhân cách và cố gắng ghi chép lại những cảm xúc, suy nghĩ của từng nhân dạng trong thời gian ngự trị.

Cách chữa bệnh rối loạn đa nhân cách

Rối loạn đa nhân cách hoàn toàn có thể cải thiện và phục hồi nếu được thăm khám và điều trị sớm. Ở những bệnh nhân khởi phát bệnh sau sang chấn và không có các vấn đề khác đi kèm, khả năng đáp ứng với điều trị tốt và có thể hồi phục hoàn toàn.

chữa rối loạn đa nhân cách
Điều trị tâm lý là cách tối ưu nhất cho các bệnh nhân rối loạn đa nhân cách

Ngược lại, những trường hợp đi kèm với rối loạn khí sắc, rối loạn nhân cách, rối loạn lạm dụng chất gây nghiện,… thường có cải thiện chậm và điều trị chỉ có thể giảm bớt triệu chứng, rất hiếm khi đạt được sự hợp thành thể thống nhất.

Hiện tại, điều trị rối loạn đa nhân cách bao gồm tâm lý trị liệu, sử dụng thuốc và một số biện pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị cụ thể sẽ được điều chỉnh tùy theo tình trạng sức khỏe và mức độ đáp ứng của từng trường hợp.

1. Trị liệu tâm lý

Trị liệu tâm lý là phương pháp chính trong điều trị rối loạn đa nhân cách. Mục tiêu của phương pháp này là hợp nhất các trạng thái nhân dạng để bệnh nhân có thể duy trì cuộc sống ổn định. Tuy nhiên với những trường hợp không thể hợp nhất các nhân cách, trị liệu tâm lý sẽ được thực hiện để giảm triệu chứng và tạo sự hòa hợp giữa các nhân dạng.

Bệnh nhân rối loạn đa nhân cách thường phải trải qua sang chấn tâm lý lớn. Do đó, bước đầu trong liệu pháp tâm lý là đảm bảo sự an toàn, yên tâm và giúp bệnh nhân ổn định hoàn toàn. Sau đó, bác sĩ sẽ khám phá các nhân dạng và những sự kiện gây tổn thương tâm lý.

Đối với bệnh nhân rối loạn đa nhân cách, bác sĩ sẽ sử dụng kỹ thuật thôi miên để kích thích sự chuyển đổi và giao tiếp với từng nhân dạng nhằm tạo điều kiện hợp nhất các nhân cách của bệnh nhân. Ngoài ra, liệu pháp phơi nhiễm cũng được cân nhắc nhằm giải mẫn cảm về ký ức buồn bã và đau khổ trong quá khứ.

Bước cuối cùng trong trị liêu tâm lý là kết nối, hòa nhập các trạng thái nhân cách và khôi phục nhân cách chính của bệnh nhân. Người bệnh cũng sẽ được trang bị những kỹ năng cần thiết để kiểm soát stress và ứng phó với những sang chấn tâm lý trong tương lai.

2. Sử dụng thuốc

Dùng thuốc không phải là phương pháp được khuyến khích trong điều trị rối loạn đa nhân cách. Tuy nhiên với những bệnh nhân có các bệnh lý kết hợp, sử dụng thuốc có thể cải thiện các cảm xúc tiêu cực như buồn bã, căng thẳng, lo âu, chán nản, uể oải, hung hăng,…

thuốc chữa rối loạn đa nhân cách
Sử dụng thuốc có thể làm giảm triệu chứng của các rối loạn tâm thần đi kèm bệnh đa nhân cách

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn đa nhân cách:

Sử dụng thuốc có thể giảm các triệu chứng lâm sàng nhưng hoàn toàn không có ý nghĩa trong việc hợp nhất các nhân dạng. Do đó, bệnh nhân mắc chứng đa nhân cách nhưng không đi kèm với các rối loạn khác thường không được chỉ định dùng thuốc.

3. Các biện pháp hỗ trợ

Ngoài trị liệu tâm lý và dùng thuốc, bệnh nhân rối loạn đa nhân cách cũng có thể áp dụng thêm một số biện pháp hỗ trợ như âm nhạc trị liệu, liệu pháp nghệ thuật,… Các biện pháp này giúp người bệnh thể hiện đầy đủ các nhân dạng và tạo ra sự hòa hợp giữa các nhân cách, từ đó tạo điều kiện để hợp nhất.

Trên thực tế, các phương pháp điều trị rối loạn đa nhân cách còn khá hạn chế và rất ít trường hợp có thể chữa trị hoàn toàn. Điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân phải điều trị lâu dài trong suốt cả cuộc đời để ổn định cuộc sống.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu
Rối loạn đa nhân cách (rối loạn nhân dạng phân ly) là một dạng rối loạn tâm thần hiếm gặp. Hiện nay, có rất nhiều tranh cãi xoay quanh căn nguyên, biểu hiện và cách điều trị bệnh lý này. Tuy nhiên về cơ bản, thăm khám và điều trị sớm có thể cải thiện triệu chứng và giúp bệnh nhân ổn định, duy trì cuộc sống bình thường.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *