Rối loạn trầm cảm dai dẳng là gì? Xử lý như thế nào?
Rối loạn trầm cảm dai dẳng là chứng trầm cảm ở mức độ nhẹ nhưng kéo dài mãn tính. Tuy ít nghiêm trọng nhưng bệnh vẫn sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe, các mối quan hệ của người bệnh nếu không được can thiệp kịp thời.
Rối loạn trầm cảm dai dẳng là gì?
Rối loạn trầm cảm dai dẳng còn được biết đến với tên gọi khác là chứng trầm cảm thường xuyên. Tuy đây là tình trạng bệnh nhẹ nhưng lại được xếp vào dạng trầm cảm mãn tính. Các triệu chứng của bệnh điển hình như buồn bã, thiếu sức sống, chán nản, bi quan, suy nghĩ tiêu cực, rối loạn giấc ngủ và ăn uống, mất dần các hứng thú đối với những hoạt động xung quanh, mất tập trung, trí nhớ suy giảm.
Những triệu chứng của bệnh trầm cảm sẽ xuất hiện một cách liên tục và kéo dài dai dẳng trong nhiều năm (tối thiểu là 2 năm). Tuy rằng bệnh không biểu hiện ở mức nghiêm trọng nhưng nó vẫn có thể gây cản trở rất nhiều đến đời sống sinh hoạt hàng, chất lượng học tập, công việc, các mối quan hệ của người bệnh. Khi rơi vào trạng thái này, người bệnh sẽ rất khó cảm nhận trọn vẹn được cảm giác vui vẻ, hạnh phúc, thậm chí họ có thể quên đi sự kiện tạo niềm vui gần nhất.
Đối với người bệnh trầm cảm dai dẳng sẽ thường xuyên được nhận xét là người có tính cách lạnh nhạt, ảm đạm, thờ ơ, hay buồn chán, phàn nàn. Nếu căn bệnh này không được sớm phát hiện và điều trị kịp thời có thể khiến cho người bệnh bị ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, bởi vì mức độ buồn chán có thể tăng dần từ nhẹ đến nặng.
Cách nhận biết rối loạn trầm cảm dai dẳng
Những người mắc phải chứng rối loạn trầm cảm dai dẳng cũng sẽ có các triệu chứng giống như trầm cảm điển hình. Cụ thể như:
- Khí sắc kém, thường xuyên cảm thấy chán nản, buồn bã, ủ rũ, đầu óc trống rỗng.
- Cảm thấy thất vọng về bản thân, cho rằng mình vô dụng và tự đổ lỗi.
- Không còn hứng thú đối với các sự kiện, hoạt động xảy ra xung quanh. Ngay cả những điều mà bản thân đã từng rất yêu thích trước kia.
- Cơ thể luôn mệt mỏi, thiếu sức sống, không muốn làm bất cứ việc gì.
- Mất tập trung, suy giảm sự chú ý, khó khăn trong việc đưa ra quyết định hay lựa chọn, dù là những việc đơn giản.
- Trí nhớ bị suy giảm nhanh chóng, hay quên, không có khả năng ghi nhớ hoặc rất kém.
- Lòng tự trọng thấp, có xu hướng tự thu hẹp bản thân và không muốn giao tiếp hay trò chuyện với bất kì ai.
- Lười vận động, di chuyển chậm chạp, hiệu suất làm việc bị giảm đi đáng kể.
- Lo lắng, căng thẳng quá mức.
- Trở nên nhạy cảm, dễ khóc hoặc cáu gắt, nóng giận một cách vô lý.
- Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều nhưng vẫn cảm thấy người lờ đờ, mệt mỏi.
- Thay đổi khẩu vị ăn uống, có thể chán ăn, ăn không ngon miệng hoặc thèm ăn không kiểm soát.
Đối với các trường hợp rối loạn trầm cảm dai dẳng xuất hiện ở trẻ em thường sẽ có biểu hiện rõ rệt về tâm trạng chán nản và thường xuyên cáu gắt. Thông thường, các triệu chứng của bệnh sẽ xuất hiện và biến mất trong một khoảng thời gian (khoảng vài năm). Tùy vào thời gian kéo dài của mỗi bệnh nhân mà cường độ của chúng cũng sẽ thay đổi.
Tuy nhiên, các triệu chứng này sẽ không tự nhiên biến mất trong khoảng hơn 2 tháng của mỗi đợt. Đặc biệt hơn, những đợt trầm cảm nặng có thể xuất hiện trước hoặc trong thời gian xảy ra rối loạn trầm cảm dai dẳng – thường được gọi là tình trạng trầm cảm đúp. Bệnh nhân cũng có thể xuất hiện các triệu chứng không được đề cập trên đây. Thế nhưng khi nhận thấy các thay đổi thấy thường về cảm xúc, hành vi, suy nghĩ liên tục kéo dài thì nên chủ động đến thăm khám và chẩn đoán tại các cơ sở chuyên khoa uy tín.
Nguyên nhân gây ra chứng rối loạn trầm cảm dai dẳng
Cho đến hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định được cụ thể về nguyên nhân gây ra chứng rối loạn trầm cảm dai dẳng. Thế nhưng qua nhiều nghiên cứu và các trường hợp thực tế, các chuyên gia cũng đã đưa ra được một số lý do phổ biến như sau:
- Yếu tố di truyền: Theo rất nhiều nghiên cứu khoa học nhận thấy rằng, gen cũng là một trong các yếu tố có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm. Các đối tượng được sinh ra trong gia đình có người thân như ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột từng mắc chứng bệnh này thì nguy cơ bị bệnh của họ sẽ cao hơn so với người bình thường.
- Sự thay đổi của các chất hóa học bên trong não: Theo nhận định từ các chuyên gia thì các chất dẫn truyền thần kinh bên trong não bộ chính là các chất hóa học tự nhiên đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của não. Vì thế, khi các chất này bị tác động hoặc thay đổi chức năng sẽ gây ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe của bộ não, đồng thời làm gia tăng nguy cơ mắc phải chứng rối loạn trầm cảm dai dẳng.
- Sự khác biệt sinh học: Những sự thay đổi đột ngột của các chất trong não bọ cũng có thể là nguyên nhân gây nên các vấn đề về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là trầm cảm.
- Gặp phải các biến cố: Chứng rối loạn trầm cảm dai dẳng có thể xuất hiện khi bạn phải đối diện với những tình huống, sự kiện ảnh hưởng đến tâm lý. Cụ thể như mất người thân, phá sản, thất nghiệp, mâu thuẫn gia đình, áp lực công việc kéo dài,…..
Việc có thể xác định được cụ thể nguyên nhân gây ra bệnh sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình điều trị trầm cảm. Bệnh nhân sẽ được chữa bệnh triệt để và hạn chế được nguy cơ tái phát nhiều lần về sau.
Khi nào người bệnh cần đến gặp bác sĩ?
Rối loạn trầm cảm dai dẳng tuy không phải là chứng bệnh đặc biệt nghiêm trọng nhưng nó vẫn có khả năng gây ra nhiều hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người bệnh. Vì thế, khi nhận thấy các triệu chứng về mặt cảm xúc, hành vi, suy nghĩ sai lệch tồn tại trong một khoảng thời gian nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm và có tác động một phần đến đời sống thì bạn cần tiến hành thăm khám cụ thể.
Quá trình trao đổi và trò chuyện cùng với các chuyên gia/ bác sĩ tâm lý sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của bản thân. Tuy nhiên, nếu bản thân chưa thực sự sẵn sàng để đối diện với các chuyên gia tâm lý thì có thể tìm kiếm đến sự hỗ trợ và giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.
Bạn nên chia sẻ thoải mái những vấn đề của bản thân với những người mà mình tin tưởng nhất để họ có thể giúp đỡ bạn thật tốt. Đặc biệt nếu nhận thấy bản thân có những suy nghĩ tiêu cực hoặc hành vi làm tổn hại đến bản thân thì nên nói ngay với người thân nhằm giúp hạn chế tối đa các hệ lụy nguy hiểm.
Xử lý chứng rối loạn trầm cảm dai dẳng như thế nào?
Thông thường, khi người bệnh được chẩn đoán mắc chứng rối loạn trầm cảm dai dẳng sẽ được cân nhắc áp dụng hai phương pháp phổ biến đó là tâm lý trị liệu và điều trị bằng thuốc. Tùy vào tình trạng của mỗi đối tượng mà các bác sĩ sức khỏe tâm thần sẽ cân nhắc lựa chọn biện pháp phù hợp nhất. Một số yếu tố có thể giúp chuyên gia cân nhắc kỹ lưỡng trong việc đưa ra phác đồ chữa bệnh như:
- Mong muốn cải thiện các vấn đề từ người bệnh.
- Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh.
- Sở thích cá nhân của mỗi bệnh nhân.
- Những phương pháp điều trị mà bệnh nhân đã từng áp dụng trước đây.
- Nguyên nhân gây ra bệnh
- Khả năng đáp ứng thuốc của mỗi người bệnh.
Đối với các trường hợp bệnh nhẹ hoặc những đối tượng đặc biệt (trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ) sẽ được ưu tiên áp dụng liệu pháp tâm lý để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, một vài trường hợp bệnh cần thiết cũng sẽ được kết hợp thêm một số loại thuốc hỗ trợ kiểm soát bệnh.
Cụ thể các phương pháp thường được sử dụng để khắc phục chứng rối loạn trầm cảm dai dẳng như:
1. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu thường được sử dụng để nói về liệu pháp điều trị tâm lý bằng cách giao tiếp, trò chuyện giữa người bệnh và nhà trị liệu/ chuyên gia tâm lý. Bằng cách sử dụng ngôn ngữ giao tiếp hoặc phi giao tiếp (cử chỉ tay chân, ánh mắt, gật đầu, lắc đầu, nụ cười,…) mà các chuyên gia sẽ dần khai thác được những nút thắt trong lòng của người bệnh, từ đó hỗ trợ họ tìm ra hướng giải quyết thích hợp nhất.
Tâm lý trị liệu có rất nhiều các liệu pháp khác nhau, tùy vào tình trạng và tính cách của mỗi bệnh nhân mà các chuyên gia sẽ áp dụng những liệu pháp phù hợp. Tuy nhiên, đối với các trường hợp bệnh rối loạn trầm cảm dai dẳng thường sẽ được cải thiện tốt nhờ vào liệu pháp nhận thức và hành vi. Với biện pháp này người bệnh sẽ được điều chỉnh hành vi và nhận thức theo hướng tích cực và đúng đắn hơn để hạn chế các triệu chứng sai lệch.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể trao đổi trực tiếp với chuyên gia tâm lý để có thể lựa chọn về loại hình điều trị phù hợp với mong muốn và mục đích của bản thân. Quá trình trị liệu sẽ luôn đảm bảo an toàn bởi không sử dụng đến thuốc hoặc can thiệp vào cơ thể của bệnh nhân. Kết thúc liệu trình người bệnh cũng sẽ được phục hồi sức khỏe một cách tự nhiên mà không để lại biến chứng về sau.
Hơn thế, các chuyên gia còn hướng dẫn cho người bệnh cách kiểm soát tốt cảm xúc của mình. Đồng thời họ còn biết cách xử lý và đối mặt với những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống để hạn chế tối đa nguy cơ bị tái phát về sau. Để quá trình trị liệu mang lại hiệu quả tốt nhất, người bệnh cũng cần phải cởi mở và chia sẻ thoải mái với chuyên gia. Những người thân trong gia đình cũng có thể tham gia vào các buổi trị liệu để biết cách hỗ trợ tốt cho người thân của mình.
2. Điều trị bằng thuốc
Đối với những trường hợp rối loạn trầm cảm dai dẳng biểu hiện ở mức độ nghiêm trọng hơn thì sẽ được cân nhắc để kết hợp cùng một số loại thuốc chống trầm cảm. Các chuyên gia sau khi nắm rõ được tình trạng bệnh lý của mỗi người sẽ lựa chọn loại thuốc phù hợp và kê đơn thuốc với liều lượng tốt nhất cho mỗi bệnh nhân.
Một số loại thuốc thường được áp dụng để cải thiện chứng bệnh này như:
- Các chất ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRIs)
- Serotonin và các chất ức chế tái hấp thu norepinephrine (SNRIs)
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs)
Tuy nhiên, các loại thuốc này không có khả năng điều trị dứt điểm tận gốc rễ của bệnh. Nhưng nó sẽ giúp kiểm soát tốt các triệu chứng mà trầm cảm gây ra, đồng thời hạn chế nguy cơ tự sát ở người bệnh. Mặt khác, thuốc chống trầm cảm cũng có nhiều khả năng gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn. Vì thế người bệnh cần phải cẩn trọng trong việc điều trị và tuân thủ đúng theo các chỉ định dùng thuốc của chuyên gia.
Một số lưu ý dành cho các trường hợp bệnh được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm như:
- Không được tự ý mua thuốc về sử dụng khi chưa có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Không được sử dụng lại đơn thuốc cũ hoặc dùng chung đơn thuốc với người bệnh khác.
- Phải tuân thủ đúng theo các yêu cầu dùng thuốc của bác sĩ như uống đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời gian,….
- Không nên uống thuốc vào lúc đói, đặc biệt là các đối tượng gặp vấn đề về dạ dày.
- Tuyệt đối không sử dụng rượu bia, các chất kích thích, chất gây nghiện trong suốt quá trình điều trị trầm cảm.
- Bảo quản thuốc đúng nơi quy định, nên để xa tầm tay của trẻ nhỏ và thú cưng.
- Không được tự ý ngừng sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ điều trị.
- Trong quá trình sử dụng nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường thì cần thông báo ngay với chuyên gia để được hướng dẫn cách xử lý kịp thời.
- Nếu có ý định sử dụng thêm bất kì loại thuốc hỗ trợ nào cũng cần tham khảo và trao đổi kỹ với bác sĩ để tránh tình trạng tương tác thuốc.
3. Thay đổi lối sống tích cực hơn
Thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình cải thiện sức khỏe của bệnh trầm cảm dai dẳng. Người bệnh nên cố gắng thay đổi cách ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt theo hướng tích cực và lành mạnh hơn. Một số lưu ý dành cho người bệnh trầm cảm như:
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng qua các thực phẩm ăn uống hàng. Người bệnh nên chú ý lựa chọn những thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất có lợi cho não bộ. Hạn chế các món ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, thực phẩm béo, đồ ăn đóng hộp hoặc chế biến sẵn.
- Không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ma túy, thuốc lắc, trà đặc.
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng, cải thiện sức khỏe tinh thần. Theo nghiên cứu nhận thấy rằng, khi cơ thể được vận động mỗi ngày sẽ giúp sản sinh ra nhiều hormone serotonin giúp tạo cảm giác hạnh phúc, vui vẻ và ngăn chặn tình trạng căng thẳng, buồn bã.
- Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi để có được giấc ngủ trọn vẹn và chất lượng. Đối với người trưởng thành nên ngủ đủ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày và tập thói quen ngủ trước 23 giờ. Nếu cảm thấy khó ngủ bạn cũng có thể áp dụng thêm một số mẹo như ngâm chân với nước ấm, nghe nhạc, thiền định, massage, xoa bóp,….
- Chủ động hơn trong việc giao tiếp, trò chuyện với mọi người xung quanh. Khi cảm thấy mệt mỏi, bế tắc bạn có thể tâm sự cùng với người thân của mình để giải tỏa nỗi lòng. Điều này không chỉ giúp ích cho quá trình chữa bệnh trầm cảm mà còn giúp bạn phòng tránh được nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần.
- Tìm kiếm những hoạt động thư giãn phù hợp với sở thích của bản thân. Sau những giờ làm việc căng thẳng và mệt mỏi bạn có thể tham gia các hoạt động giải trí như vẽ tranh, ca hát, đọc sách, xem phim, chăm sóc cây cảnh, nghe nhạc, bơi lội,….
Thông tin của bài viết trên đây đã giúp cho bạn đọc hiểu thêm về tình trạng rối loạn trầm cảm dai dẳng. Căn bệnh này tuy ít nguy hiểm nhưng vẫn có thể gây ra nhiều hậu quả ảnh hưởng đến người bệnh. Do đó, ngay khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh bạn cần chủ động hơn trong việc thăm khám và chẩn đoán để nắm rõ tình trạng sức khỏe của bản thân, từ đó có được biện pháp khắc phục kịp thời.
Tham khảo thêm:
- Rối loạn trầm cảm tái diễn là gì? Có chữa được không?
- Hội chứng trầm cảm cười là gì? Dấu hiệu nhận biết và điều trị
- Trầm cảm ẩn (trầm cảm che giấu): Cách nhận biết và điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!