Tâm lý người tự sát: Diễn biến tâm lý và biểu hiện cần chú ý

5/5 - (1 bình chọn)

Tâm lý người tự sát trải qua rất nhiều giai đoạn tiêu cực khác nhau. Nếu không có sự phát hiện và giải quyết kịp thời từ những người xung quanh, họ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng là tìm đến cái chết.

Ngày nay, áp lực cuộc sống ngày càng gia tăng, con người phải đối mặt với vô vàn những vấn đề không thể giải quyết. Khi bị dồn vào bước đường cùng, có người sẽ đưa ra những quyết định tiêu cực, trong đó có tự sát.

Vậy tâm lý của người tự sát thường diễn biến như thế nào, và chúng ta cần làm gì để giúp họ – những người đang bế tắc vượt qua giai đoạn khó khăn? Hãy cùng Tạp chí Tâm lý học tham khảo ở bài viết dưới đây.

Tự sát là gì?

Tự sát là khi một người cố ý thực hiện một hành động tiêu cực nào đó để tự gây ra cái chết cho chính bản thân mình. Những phương thức thường được dùng nhiều nhất là uống thuốc ngủ quá liều, rạch cổ tay, tuyệt thực, nhảy lầu, thắt cổ…

Tâm lý người tự sát
Tâm lý người tự sát thường trải qua bằng nhiều giai đoạn tiêu cực khác nhau.

Tâm lý muốn tự sát là một người không còn niềm tin vào cuộc sống này nữa, họ có ý niệm muốn chết, luôn cân nhắc hoặc lên kế hoạch về việc tự sát nhưng chưa thực hiện.

Ý tưởng này có nhiều mức độ khác nhau, có thể chỉ là một suy nghĩ thoáng qua nào đó trong lúc nhất thời, hoặc cũng có thể là những suy nghĩ luôn thường trực lâu dài trong tâm trí họ, hoặc cũng có thể là những suy nghĩ cụ thể với những kế hoạch chi tiết.

Tự sát ngày nay đã trở thành một trong những vấn đề đáng báo động trên khắp thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ khoảng 40 giây sẽ có một người chết do tự tử. Hàng năm, con số người tự tử có thể lên tới 10 – 20 triệu người, trong đó có khoảng 1 triệu người chết. Còn ở Việt Nam, mỗi năm có từ 36.000 – 40.000 tự sát, trong đó có khoảng 5.000 người chết. 

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Ý tưởng tự sát thường bắt nguồn từ những nguyên nhân nào?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến một người muốn thực hiện hành vi tự sát để kết thúc cuộc sống, có thể kể đến như:

  • Mắc các bệnh về tâm thần như trầm cảm nặng kèm theo hoang tưởng, tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn phân ly… 
  • Áp lực cuộc sống: Những vấn đề trong cuộc sống không thể giải quyết khiến tâm lý người bệnh càng thêm căng thẳng, mệt mỏi, stress kéo dài, đó có thể là áp lực tài chính, học tập, công việc… 
  • Bị mắc các bệnh mạn tính không thể chữa như ung thư, HIV, bại liệt, mất thị giác… thời gian sống của những người này thường còn rất ngắn hoặc phải liệt giường cả đời. 
  • Mâu thuẫn với những người xung quanh, bạo lực gia đình, tan vỡ hạnh phúc, những sự phản đối về tình yêu, hôn nhân, sự nghiệp… 
  • Bị bạo lực học đường, bạo lực mạng, bạo lực gia đình, bị lạm dụng thân thể, danh dự,… 
  • Hoang tưởng, ảo giác do sử dụng ma túy và các chất kích thích khác.

Tâm lý người tự sát sẽ diễn biến như thế nào?

Mỗi người đều có một ngưỡng chịu đựng khác nhau khi phải đối mặt với những biến cố. Và không phải ai cũng đủ mạnh mẽ để bản thân có thể đứng vững và vượt qua những bế tắc trong cuộc sống. Và khi không thể chịu đựng được những áp lực tâm lý, nhiều người sẽ tìm đến phương thức tự tử.

Tâm lý của người tự sát sẽ diễn ra theo một trình tự dưới đây:

Tâm lý người muốn tự tử
Những người muốn tự sát thường có tâm lý tuyệt vọng, chán nản tất cả mọi thứ.

Cảm thấy tuyệt vọng

Ý định muốn tự tử không chỉ xuất hiện ở những người có cuộc sống nghèo khó mà còn ở những thành phần trí thức, những người có chất lượng cuộc sống cao.

Đối với những hoàn cảnh nghèo khó, những áp lực từ kinh tế, gia đình, bệnh tật… thường khiến họ cảm thấy túng quẫn và không có khả năng vươn lên. Họ cũng là đối tượng dễ bị bắt nạt, coi thường từ người khác. Những mặc cảm, tự ti khiến họ càng ngày thu mình và không có cách nào thoát khỏi vũng bùn của bản thân. Từ đó họ muốn rời khỏi cuộc sống chán nản này.

Tuy nhiên, những người có địa vị xã hội cao cũng thường là những đối tượng dễ rơi vào trầm cảm hơn. Bởi vì khi họ càng ở trên cao, những trọng trách, niềm tin đặt vào họ ngày càng nhiều, điều đó vô tình trở thành một áp lực vô hình đè nặng họ.

Những người này thường có tính cầu toàn rất cao, họ không cho phép bản thân mình mắc sai lầm hay thua kém người khác. Nếu không sẽ sinh ra tâm lý chán nản và tuyệt vọng.

Chẳng hạn những em bé sinh ra trong một gia đình tri thức, việc học được gia đình quan tâm ngay từ nhỏ, áp lực thành tích và thi cử làm tâm lý các em bị đè nặng, thậm chí là sợ hãi đến trường, sợ bị điểm kém, dần dần rơi vào trầm cảm và có ý định tự tử.

Hàng năm, số ca tự tử liên quan đến áp lực học tập thường chiếm số lượng rất cao, nhất là ở các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản,…

Rõ ràng, cái cốt lõi của việc tự tử chính là những kỳ vọng, tiêu chuẩn quá cao của con người. Những người càng áp lực thành công, quá để ý cái nhìn của người khác thì càng dễ dàng rơi vào tuyệt vọng nếu thất bại.

Tự trách bản thân

Có thể nói, những người có lòng tự trọng càng cao thì càng dễ tự vẫn. Họ hay để ý suy nghĩ và cái nhìn của mọi người, họ luôn suy nghĩ về những sai lầm của bản thân và nghĩ mình thực sự thua kém người khác.

Chính những điều đó làm họ rơi vào bất lực, tủi hổ và cảm thấy tội lỗi. Những sai lầm hay những thất bại liên tiếp sẽ khiến tâm lý của họ ngày càng tồi tệ hơn. Họ sẽ dần chán ghét bản thân và tự đẩy mình ra khỏi xã hội.

Nhận thức cao về bản thân

Những người muốn tự tử thường không ngừng đặt ra những tiêu chuẩn, so sánh để đánh giá bản thân của hiện tại. Họ sẽ nghĩ về những hạnh phúc và thành tích trong quá khứ, nhìn thành công của những người xung quanh để so sánh với bản thân mình lúc này.

Họ sẽ cảm thấy bản thân không còn may mắn, họ thua kém tất cả mọi người, họ chỉ là một kẻ thất bại. Những ý nghĩ này ngày một nhiều hơn và nhấn chìm họ không thể vượt qua được.

Bắt đầu có những suy nghĩ tiêu cực

Khi chịu đựng những cảm xúc tiêu cực trong một thời gian dài thì những suy nghĩ tiêu cực sẽ bắt đầu xuất hiện. Họ không muốn mãi sống như thế, họ muốn giải thoát cho bản thân, họ muốn những người ghét họ phải trả giá… bằng việc tự sát. 

Suy giảm nhận thức

Ở giai đoạn này, những thứ trong nhận thức của con người bắt đầu sụp đổ, suy nghĩ của con người cũng trở nên khác biệt một cách đáng sợ hơn.

Bằng chứng là những người muốn tự tử thường cảm thấy chán ghét và lo lắng về hiện tại, khó khăn khi nghĩ về tương lai. Họ muốn thoát khỏi những suy nghĩ này bằng cách nghĩ đến sự sợ hãi về cái chết. Đây được xem như một cơ hội giúp họ phản kháng.

Mất phản xạ có điều kiện

Đây là giai đoạn cuối cùng tách biệt ý định tự tử và hành động tự tử. Theo nghiên cứu cho thấy, có rất nhiều người từng có ý nghĩ tự tử, nhưng những người thực sự làm nó lại rất ít. Bởi vì bên cạnh việc muốn chết, họ còn phải vượt qua được nỗi sợ cái chết và có khả năng chịu đau.

Những người thường xuyên chịu những cơn đau đớn về thể xác khi bị bạo hành, bị lạm dụng… thường khiến họ quen dần với nỗi đau, tạo thành nhân tố thôi thúc nạn nhân dễ dàng tìm đến cái chết hơn.

Tâm lý người muốn tự sát trải qua nhiều giai đoạn
Những người muốn tự sát luôn suy nghĩ và hay nhắc đến cái chết.

Tâm lý người tự sát được thể hiện qua những dấu hiệu nào?

Trước khi thực hiện hành vi tự sát, hầu hết tinh thần và trạng thái của nạn nhân thường trong trạng thái hoảng loạn trong một thời gian dài. Có lẽ những người xung quanh thường không để ý đến những chi tiết này và bỏ qua rất nhiều dấu hiệu cầu cứu được lồng ghép trong mỗi hành động của họ. Nếu được nhận ra và ngăn chặn sớm hơn, có lẽ những chuyện tồi tệ đã không xảy ra.

Đối với những người bạn giao tiếp, trò chuyện hàng ngày hay những người bạn theo dõi qua mạng xã hội, hãy để ý những hành vi của họ để xem họ có đang có ý định tự tử hay không.

Trạng thái, cảm xúc của người muốn tự tử

Trước khi có suy nghĩ muốn tự tử, bệnh nhân thường sống trong một thời gian dài trong những suy nghĩ tiêu cực và đau khổ. Càng ngày cảm xúc ấy càng tồi tệ hơn và khiến họ rơi vào trạng thái trầm cảm nặng. Những bệnh nhân này thường có những biểu hiện như:

  • Họ cảm thấy cô đơn, lạc lõng giữa đám đông, họ không muốn giao tiếp, không hứng thú với các buổi trò chuyện và muốn tách biệt mình ra khỏi thế giới.
  • Tâm trạng thay đổi liên tục, thường xuyên bực bội, cáu gắt, có ý định thù địch với tất cả mọi người.
  • Họ cảm thấy xấu hổ, tội lỗi, cảm thấy bản thân bị ghét bỏ và trở thành gánh nặng cho người khác.
  • Luôn rơi vào trạng thái bế tắc, cảm thấy bản thân vô dụng và thất bại trong mọi thứ.
  • Sợ hãi bị người khác tổn thương, lặng mạ, hạ thấp danh dự của mình. Muốn dùng cái chết để trả thù những ai từng làm tổn thương đến họ.

Suy nghĩ của những người muốn tự tử

Những bất thường trong suy nghĩ cũng chính là những dấu hiệu rõ ràng nhất của những người muốn tự tử.

  • Những tổn thương mà họ từng phải chịu như những lời nói xúc phạm của ai đó, những hành động gây hại cả thể chất lẫn tinh thần… đã để lại những ám ảnh tiêu cực không thể xóa nhòa trong tâm trí họ, khiến họ thường mất niềm tin vào những người xung quanh.
  • Họ không còn hy vọng vào cuộc sống, họ cảm thấy như cả thế giới đều muốn quay lưng với họ, chỉ có cái chết mới giúp họ giải thoát.

Nhận biết người muốn tự tử thông qua lời nói

Lời nói thường thể hiện tính cách và suy nghĩ của một người. Những người bình thường sẽ không nói ra những lời không bình thường. Vì vậy, hãy theo dõi mọi người xung quanh, nếu họ nói ra những điều dưới đây thì có nghĩa tâm lý của họ ít nhiều đã có sự thay đổi và có thể họ đang suy nghĩ đến cái chết:

  • Thường nói những điều bi quan về cuộc đời như: Cuộc đời này thật tồi tệ, cuộc sống không có chỗ dành cho họ, cuộc sống này không còn quan trọng nữa… Hãy nhớ rằng, những người sống vui vẻ, tích cực sẽ không nói ra những điều như thế.
  • Liên tục nhắc đến cái chết như: Nếu như tôi chết đi, ước gì tôi chưa từng được sinh ra, tôi muốn chết, tôi không muốn sống như vậy nữa… Đó có thể chính là dấu hiệu cầu cứu trong tuyệt vọng của họ.
  • Những câu nói về thù hận, trách móc ai đó, muốn dùng cái chết để trả thù, làm người đó hối hận như: Tôi sẽ khiến họ phải hối hận, tôi muốn chết đi để họ phải sống day dứt cả đời,..

Nhận biết tâm lý người tự tử qua hành động

Bên cạnh những bất thường về suy nghĩ và lời nói thì hành động của những người muốn tự tử cũng có những sự khác lạ. Họ thường có khuynh hướng muốn thực hiện những việc mà mình từng muốn làm trước khi tìm đến cái chết để kết thúc cuộc sống.

Những việc này vừa muốn thỏa mãn mong ước của bản thân, vừa muốn sắp xếp ổn thỏa cho những người còn sống. Những việc đó có thể kể đến như:

  • Thường xuyên nói những câu yêu thương với người thân, hoặc xin lỗi vì những lầm lỡ trước đây của mình.
  • Thường cập nhật những dòng trạng thái buồn, tâm trạng, chán nản lên mạng xã hội, thậm chí nhắc đến cả cái chết.
  • Nói lời chào tạm biệt mọi người không vì lý do gì cả.
  • Thích ở một mình và ngồi thẫn thờ nhiều giờ liền. 
  • Mất ngủ thường xuyên, uống rất nhiều thuốc, thích nhìn ngắm những vật có thể gây thương tích như dao, kéo, dây thừng,…
  • Viết di chúc.
  • Thậm chí nhiều người sẽ có cuộc sống buông thả hơn. Họ thường dùng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, ma túy… Thích thực hiện những hành vi liều lĩnh hơn như chạy xe với tốc độ cao, đánh nhau, có nhiều bạn tình…
tâm lý người muốn tự sát
Những người có tâm lý muốn tự sát thường tách biệt mình với thế giới bên ngoài.

Những biểu hiện này thường kéo dài một khoảng thời gian rất lâu, nếu như không ai nhận ra và giúp nạn nhân thoát khỏi tâm lý bế tắc, họ sẽ đi đến quyết định cuối cùng là tìm đến cái chết. Vì vậy nếu bạn cảm thấy nghi ngờ người thân, bạn bè mình có ý định dại dột, hãy ngăn chặn kịp thời để cứu lấy họ.

Cần làm gì để thay đổi tâm lý người muốn tự sát?

Nếu như những người xung quanh bạn có những biểu hiện của việc tự sát, hãy ngăn chặn kịp thời để không xảy ra hậu quả đáng tiếc. Dưới đây là một số biện pháp giúp những nạn nhân có thể khôi phục tinh thần:

Tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ

Khi phát hiện một người nào đó có ý định muốn tự sát, hãy đưa họ tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý. Các nhà tâm lý là những người có chuyên môn, họ thấu hiểu sâu sắc những khó khăn mà các bệnh nhân gặp phải, từ đó có thể đưa ra những phương pháp trị liệu an toàn, hiệu quả, nhanh chóng.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu
Ngoài ra, nếu phát hiện một người đã thực hiện hành vi sai lầm, hãy nhanh chóng gọi cấp cứu. Phần lớn những bệnh nhân tự tử thường được cứu sống khi được phát hiện kịp thời.

Thay đổi nhận thức của họ

Giúp họ thay đổi những suy nghĩ tiêu cực bằng những ý nghĩ tích cực hơn. Hãy giúp họ có những cảm nhận rằng bản thân họ vẫn có thể bắt đầu lại, họ không phải là những người thất bại.

Thay vì những vấp ngã, hãy nghĩ đến đến họ vẫn còn tay, còn chân, còn mạng sống, còn gia đình… những điều đáng quý và đáng trân trọng hơn gấp ngàn lần những thứ từng mất đi.

Đưa ra những giải pháp cụ thể để giúp họ vượt qua khó khăn. Hãy để họ biết rằng, sự tồn tại của họ mới là niềm hạnh phúc của những người xung quanh. Họ chết đi chỉ khiến những người yêu quý cảm thấy đau khổ. 

Giải tỏa cảm xúc

Hãy dành thời gian tâm sự, chia sẻ nhiều hơn với bệnh nhân để họ trút bớt gánh nặng trong lòng. Hãy khuyến khích họ giải tỏa những áp lực trong lòng bằng các hành động như khóc, gào thét, đập phá những thứ xung quanh… thay vì kìm nén và uất ức trong lòng. Đây là một cách vô cùng hiệu quả để giải thoát những cảm xúc tiêu cực.

Thường xuyên ở bên cạnh, đưa họ đi ngoài vận động, chơi thể thao, gặp gỡ nhiều người hơn, giúp họ có thời gian thư giãn, tỉnh táo đầu óc. Ngoài ra, có thể cho họ nghe những bản nhạc tích cực, những bộ phim truyền động lực để vực dậy tinh thần.

Tìm giải pháp cho những khó khăn

Những người có tâm lý tự tử thường thiếu chỗ dựa về tinh thần. Họ thường là những người ít được quan tâm. Họ thường chỉ có một mình để đối với mặt với những khó khăn. Vì vậy hãy trở thành một người đáng tin cậy cho họ. Hãy ở bên cạnh lắng nghe cũng cảm xúc của họ, trở thành chỗ dựa vững chắc của họ.

Hãy giúp họ tìm ra những nút thắt của vấn đề, giải quyết những bế tắc của họ bằng những hành động và kế hoạch cụ thể. Hãy để họ thấy rằng, khó khăn nào cũng có thể giải quyết, áp lực nào cũng có thể vượt qua, chỉ cần chúng ta giữ vững tinh thần và không bao giờ chùn bước. 

giúp đỡ người có tâm lý muốn tự sát
Tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý để họ vượt qua giai đoạn khó khăn.

Có thể thấy, cuộc đời này ai cũng có lúc thất bại, chỉ là cách đón nhận của mỗi người như thế nào. Khi cuộc sống quá bế tắc và khó khăn, có người sẽ dũng cảm đối mặt với nó, có người sẽ không tìm được lối thoát mà tìm đến những phương thức tiêu cực như tự sát.

Tâm lý người tự sát thường rất phức tạp và đôi khi được thể hiện qua chính hành động và lời nói của họ. Hãy thường xuyên theo dõi những người xung quanh, nếu ai có những biểu hiện bất thường của việc tự sát, hãy ngăn chặn kịp thời và giúp họ vượt qua khó khăn. Bởi vì sự ra đi của họ không phải chỉ là giải thoát, mà điều đó mang lại nỗi đau cho rất nhiều người ở lại.

Tham khảo thêm:

ArrayArray
5/5 - (1 bình chọn)
Array

Bình luận

  1. nguyễn dương says: Trả lời

    chết có là giải quyết được vấn đề không hãy suy nghĩ thấu đáo đừng nghĩ quẩn nữa

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *