Báo động nguy cơ tự sát ở thanh thiếu niên và cách phòng

Tự sát ở thanh thiếu niên luôn trong tình trạng đáng báo động, tỉ lệ tự sát ở lứa tuổi này đang ngày càng gia tăng nghiêm trọng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết rằng, tự tử là nguyên nhân gây tử vong xếp thứ 2 đối với các đối tượng từ 15 đến 29 tuổi, chỉ đứng sau các vụ tai nạn giao thông. 

Tự Sát Ở Thanh Thiếu Niên
Tự tử là nguyên nhân gây tử vong xếp thứ 2 đối với các đối tượng từ 15 đến 29 tuổi, chỉ sau tai nạn giao thông

Báo động nguy cơ tự sát ở thanh thiếu niên

Cứ mỗi 40 giây trên thế giới lại có một người muốn tìm đến cái chết, hàng năm có đến 800.000 ca tự sát vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy đây là con số được thống kê trên mọi lứa tuổi nhưng các chuyên gia cho biết rằng thanh thiếu niên là đối tượng chiếm tỉ lệ cao nhất. Tổ chức Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cũng đã từng đưa ra thông tin, trung bình mỗi ngày có đến hơn 3.000 cái chết của trẻ vị thành niên do hành vi tự sát.

Đặc biệt tình trạng này đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ nhưng vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ và can thiệp của người lớn. Các bậc phụ huynh nên hiểu rằng tự sát không phải chỉ là những hành vi thực hiện mục đích tìm đến cái chết đã được hoàn thành mà bao gồm cả việc cố gắng thực hiện nhưng không đạt được thành công hoặc chỉ dừng lại ở việc nảy sinh ý nghĩ muốn kết liễu cuộc đời.

Theo số liệu thống kê vào năm 2016 thì nước ta nằm trong 13 quốc gia Châu Á có tỉ lệ tự tử ở thanh thiếu niên cao nhất tại thời điểm đó. Tuy rằng Việt Nam đang đứng ở vị trí cuối danh sách nhưng tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng và cần phải có biện pháp phòng tránh để ngăn chặn tốt các hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.

Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ tự sát ở thanh thiếu niên

Dựa vào các nghiên cứu khoa học nhận thấy nguyên nhân hàng đầu có thể dẫn đến tình trạng tự sát ở thanh thiếu niên đó chính là các vấn đề sức khỏe tâm thần, chủ yếu là trầm cảm, rối loạn lo âu. Bên cạnh đó, một số yếu tố tác động từ môi trường, tâm lý xã hội hoặc do tiền sử gia đình cũng có thể dẫn đến hành vi nguy hiểm này.

Dù xuất phát từ bất kì nguyên nhân nào thì hành vi tự sát cũng cần phải được can thiệp kịp thời để ngăn chặn các hậu quả nghiêm trọng. Để hỗ trợ tốt cho các đối tượng đã có ý định tự tử thì trước tiên bạn cần phải tìm và hiểu được nguyên nhân khiến họ cảm thấy đau khổ, tuyệt vọng, bế tắc.

Dưới đây là một số yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ tự tử ở thanh thiếu niên:

1. Các vấn đề rối loạn tâm thần

Hầu hết các trường hợp tự sát dù ở bất kì độ tuổi nào cũng có liên quan đến một số vấn đề rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, rối loạn lưỡng cực, stress sau chấn thương hoặc các trường hợp bị nghiện chất kích thích,…Các chuyên gia cho biết rằng, trầm cảm, lo âu là vấn đề rất phổ biến ở các đối tượng thanh thiếu niên. Đây cũng được xem là một trong những độ tuổi rất nhạy cảm do sự thay đổi về tâm sinh lý.

Tại nước ta, một trong các nguyên nhân thường xuyên gây nên các rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên, thanh thiếu niên đó chính là do áp lực từ việc thi cử, học hành. Nhiều đối tượng phải vùi đầu vào việc học, không có thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn hoặc tham gia vào bất kì hoạt động yêu thích nào khác. Rất nhiều các trường hợp trẻ rơi vào trạng thái “sốc tâm lý” và bắt đầu có những suy nghĩ tiêu cực.

Trong thực tế, vấn đề sức khỏe tâm thần, nhất là ở lứa tuổi thanh thiếu niên ở Việt Nam vẫn chưa thực sự được chú trọng và quan tâm. Dựa vào số liệu thống kê cho biết, tỉ lệ trẻ vị thành niên mắc phải chứng rối loạn trầm cảm chiếm đến 26,3%, tỉ lệ trẻ có suy nghĩ về cái chết chiếm 6,3%, tỉ lệ trẻ bắt đầu lập kế hoạch tự tử chiếm 4,6% và có đến 5,8% tỉ lệ trẻ cố gắng thực hiện hành vi tự tử.

2. Tiền sử gia đình

Tình trạng tự tử ở thanh thiếu niên có thể bị ảnh hưởng bởi tiền sử gia đình. Nếu người thân như cha mẹ, anh chị em,….đã từng có hành vi tự sát dù thành công hay thất bại cũng sẽ làm tác động đến tâm lý của trẻ. Bên cạnh đó, các chuyên gia còn cho biết thêm, nếu đối tượng có người thân trong gia đình từng mắc phải các chứng rối loạn như trầm cảm, rối loạn hành vi hoặc từng dính líu đến các vấn đề liên quan đến pháp luật thì cũng có nguy cơ tự sát rất cao ở tuổi thanh thiếu niên.

Bên cạnh đó những sự mâu thuẫn trong gia đình hoặc thiếu sự thấu hiểu, chia sẻ giữa con cái và cha mẹ cũng có thể là yếu tố làm gia tăng nguy cơ tự tử ở thanh thiếu niên. Bởi trong độ tuổi này trẻ có thể gặp phải rất nhiều khó khăn, cản trở từ việc học tập cho đến các mối quan hệ bên ngoài. Nếu không thể chia sẻ, giải bày cùng với cha mẹ để có hướng giải quyết thích hợp sẽ khiến trẻ cảm thấy tuyệt vọng, bế tắc và dần muốn giải thoát chính mình bằng cái chết.

3. Một số yếu tố tâm lý xã hội

Bên cạnh yếu tố xã hội thì vấn nạn tự tử ở thanh thiếu niên có thể liên quan đến một số yếu tố tâm lý xã hội. Các tác động đến từ xã hội có thể khiến cho con người trẻ nên bế tắc, khủng hoảng nghiêm trọng về mặt tâm lý và khi không có lối thoát họ sẽ lựa chọn con đường tự sát.

Những yếu tố tâm lý xã hội có thể thôi thúc thanh thiếu niên tự tử như:

  • Sự ra đi đột ngột của người thân
  • Từng bị bạo hành, xâm hại ở thời thơ ấu
  • Bị xã hội cô lập
  • Là nạn nhân của bạo lực học đường
  • Xảy ra mâu thuẫn ở trường lớp, bị tấn công hội đồng.
  • Áp lực học tập, thi cử.
  • Mâu thuẫn với bạn bè
  • Không thuận lợi trong vấn đề tình cảm
  • Bắt chước theo trào lưu

Trong thực tế nếu nói về nguyên nhân khiến cho thanh thiếu niên quyết định tự sát thì không thể nào kể xiết. Tại Việt Nam đã có rất nhiều các cái chết thương tâm cũng bởi vì những việc hết sức đơn giản như bị cha mẹ mắng chửi, thầy cô trách phạt, gia đình cấm đoán chuyện yêu đương, bị nghi ngờ trộm cắp, thất tình,….

Những điều mà người lớn cho là nhỏ bé, vụn vặt cũng có thể cướp đi một tính mạng của con người. Việc thiếu quan tâm, chia sẻ và không kịp thời phát hiện ra những bất ổn trong tâm lý của trẻ, đặc biệt là trẻ vị thành niên có thể gây ra rất nhiều các hậu quả nghiêm trọng, trong đó có tự tử.

Nhận biết trẻ có nguy cơ tự sát

Tình trạng tự tử ở thanh thiếu niên đang có xu hướng gia tăng đáng kể nhưng vẫn chưa thực sự chú trọng tại nước ta. Để có thể hạn chế được những cái chết thương tâm thì người lớn cần phải dành nhiều sự quan tâm, chia sẻ và chú ý quan sát để có thể phát hiện ra những hành vi bất thường của trẻ.

Tự Sát Ở Thanh Thiếu Niên
Những trẻ đang có ý định muốn tự sát thường xuyên buồn rầu, chán nản, tách biệt với thế giới bên ngoài

Nếu trẻ có những biểu hiện sau thì nhiều nguy cơ trẻ đang có ý định muốn tự sát:

  • Trẻ thường xuyên than thở, buồn rầu, chán nản, khóc lóc, cho rằng bản thân vô dụng, bất tài và tự đổ lỗi cho chính mình, cho rằng mình mang đầy tội lỗi xấu xa, không đáng được tha thứ.
  • Có ý định hoặc đã cất giấu, tàng trữ các vật dụng phục vụ cho quá trình tự sát, cụ thể như dây thừng, thuốc ngủ, thuốc trừ sâu, dao,….
  • Có những hành vi bất thường so với trước, ví dụ như ăn mặc quần áo đẹp, trò chuyện vui vẻ với những người đã từng không thân thiết hoặc đã ngừng giao tiếp một khoảng thời gian dài, dặn dò bạn bè, người thân,…
  • Trẻ hay nhắc đến những chuyện chết chóc, nói về cái chết một cách bình thản, nhẹ nhàng,…

Cách khắc phục và phòng tránh nguy cơ tự sát ở thanh thiếu niên

Hành vi tự tử ở thanh thiếu niên có thể ngăn cản và phòng tránh được. Nếu các bậc phụ huynh có thể hiểu rõ được nguyên nhân, biết được các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm sẽ tìm ra được cách giải quyết và ngăn ngừa được những hậu quả nghiêm trọng. Nếu trẻ đã có ý định muốn tự sát hoặc cố gắng thực hiện hành vi tự sát nhiều lần thì cha mẹ cần phải đưa trẻ đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện để được chăm sóc và hỗ trợ đặc biệt.

Ngay khi nhận thấy con có những dấu hiệu tự sát, các bậc phụ huynh nên nhanh chóng áp dụng các biện pháp xử lý sau đây:

1. Nhập viện khi cần thiết

Thông thường, khi thanh thiếu niên có hành vi tự sát, muốn kết liễu mạng sống của bản thân sẽ luôn ở trong trạng thái bất ổn về mặt tinh thần. Lúc này gia đình cần phải thực sự bình tĩnh và nhanh chóng đưa trẻ đến ngay các bệnh viện gần nhất để có thể kịp thời cứu chữa. Nếu nhận thấy tình trạng ở mức độ nghiêm trọng thì các bác sĩ sẽ đề nghị nhập viện để thuận tiện trong việc theo dõi và chăm sóc, phòng tránh các hành vi tự làm tổn thương bản thân hoặc tiếp tục tự sát ở thanh thiếu niên.

Sau khi cấp cứu được tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá tâm lý và xem xét về việc sử dụng một số loại thuốc an thần để giúp người bệnh ổn định tâm trạng, giảm bớt sự kích động. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của phương pháp tự sát và sự hoảng loạn của người bệnh mà quá trình điều trị nội trú sẽ có thời gian kéo dài khác nhau.

2. Điều trị bằng thuốc

Như đã chia sẻ ở trên, hầu hết các trường hợp tự tử ở thanh thiếu niên đều có liên quan đến những rối loạn tâm lý như trầm cảm, stress, áp lực kéo dài, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi,…Do đó, trẻ sẽ được tiến hành đánh giá tâm lý để có thể chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và tìm hiểu về nguyên nhân gây ra những vấn đề tâm lý.

Tự Sát Ở Thanh Thiếu Niên
Đối với các trường hợp tự sát cho rối loạn tâm thần thì sẽ được cân nhắc điều trị bằng một số loại thuốc

Sau khi xem xét và biết rõ được cụ thể tình trạng sức khỏe của mỗi bệnh nhân thì bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn một số loại thuốc điều trị phù hợp. Một số loại thuốc thường được sử dụng như:

  • Thuốc chống loạn thần
  • Thuốc giải lo âu
  • Những loại thuốc chống trầm cảm như thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc, thuốc ức chế MAOI,….
  • Một số loại thuốc bổ sung khoáng chất, vitamin, thuốc bổ thần kinh,…

Quá trình sử dụng thuốc cần được sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ, chuyên gia sức khỏe tâm thần. Người bệnh cần phải tuân thủ đúng theo chỉ định dùng thuốc để đảm bảo được sự an toàn. Tốt nhất người thân trong gia đình nên giữ và theo dõi quá trình uống thuốc của trẻ để tránh trường hợp trẻ sử dụng thuốc quá liều.

3. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là một trong các phương pháp can thiệp hiệu quả đối với những đối tượng mắc phải các căn bệnh rối loạn tâm thần hoặc những vấn đề tâm lý phức tạp. Nhờ vào biện pháp này mà người bệnh có thể ổn định được trạng thái tâm lý, ngăn ngừa tốt nguy cơ tự sát. Sau quá trình trò chuyện và trao đổi trực tiếp với người bệnh, chuyên gia cũng sẽ hiểu và nắm bắt được các vấn đề gây khó khăn, cản trở và gợi ý hướng giải quyết phù hợp cho mỗi đối tượng khác nhau.

Bên cạnh đó, sau khi kết thúc liệu trình trị liệu, người bệnh cũng sẽ được hướng dẫn cách kiểm soát cảm xúc, biết được các kỹ năng nhằm đối phó và xử lý tốt các vấn đề khó khăn, cản trở trong cuộc sống để phòng tránh tốt những suy nghĩ tiêu cực, ý định muốn tự sát. Tuy nhiên, đối với các trường hợp đã có hành vi tự tử thì sẽ được kết hợp với việc dùng thuốc để kiểm soát hiệu quả hơn.

4. Sự hỗ trợ của người thân, công đồng

Gia đình có vai trò rất quan trọng đối với sự hình thành tính cách, tâm lý ở trẻ, đặc biệt là tuổi vị thành niên, thanh thiếu niên. Để có thể giúp con vượt qua được những khủng hoảng về mặt tâm lý thì cha mẹ cần phải dành nhiều sự quan tâm và chăm sóc, lắng nghe và thấu hiểu để có thể biết rõ tâm tư của trẻ và kịp thời ngăn chặn được những suy nghĩ lệch lạc hoặc các bất ổn trong tâm trí.

  • Gia đình, thầy cô không nên áp đặt quá nhiều về thành tích học tập của trẻ, hạn chế việc đặt kì vọng quá cao sẽ khiến cho trẻ cảm thấy áp lực và mệt mỏi. Hãy quan tâm đến những ưu điểm và sở thích của trẻ để có thể tạo cho trẻ môi trường tốt nhằm phát huy đúng năng lực của mình.
  • Cha mẹ cần dành nhiều sự quan tâm cho trẻ, cố gắng chia sẻ và tâm sự nhiều hơn để có thể nắm bắt được những suy nghĩ, giúp trẻ kịp thời tháo gỡ được những khúc mắc, vướng ngại trong lòng. Nếu các vấn đề của trẻ xuất phát từ môi trường học tập thì phụ huynh cũng cần kết hợp với phía nhà trường để có thể đưa ra được biện pháp hỗ trợ hiệu quả nhất cho trẻ.
  • Kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội, internet của con cái. Cũng bởi trong thực tế có không ít các trường hợp tự tử ở thanh thiếu niên vì những trào lưu, các vấn đề tấn công trên các trang mạng. Để phòng tránh được điều này cha mẹ cũng cần đưa ra quy định cụ thể về thời gian sử dụng mạng xã hội, hướng dẫn con cách chọn lọc thông tin phù hợp để hạn chế được tình trạng Cyberbullying. Đồng thời, khuyến khích con tham gia vào nhiều các hoạt động lành mạnh.
  • Cho trẻ tham gia vào các câu lạc bộ kỹ năng, tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với môi trường bên ngoài, nâng cao khả năng giao tiếp và đương đầu với những biến cố trong cuộc sống.
Tự Sát Ở Thanh Thiếu Niên
Gia đình cần phải quan tâm, chăm sóc và chia sẻ nhiều hơn với trẻ để phòng tránh tốt nguy cơ tự sát

Nguy cơ tự tử ở thanh thiếu niên hiện đang ở mức báo động và cần nhiều sự quan tâm từ gia đình và cộng đồng. Hi vọng những thông tin từ bài viết này sẽ giúp các bậc phụ huynh hiểu thêm về vấn nạn này và có được các phòng tránh tốt nhất cho trẻ.

Tham khảo thêm:

4.7/5 - (69 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *