Cha mẹ cần cảnh giác khi con có suy nghĩ tự sát

Rate this post

Khi nhận thấy con trẻ có suy nghĩ tự sát, phản ứng chung của bố mẹ là bất ngờ, hoảng loạn và sợ hãi. Tuy nhiên, bố mẹ cần lấy lại bình tĩnh và có cách xử lý thấu đáo để kịp thời ngăn chặn hành vi này. 

suy nghĩ tự sát
Bố mẹ cần phát hiện và ngăn chặn kịp thời khi con có suy nghĩ tự sát

Nhận biết con có suy nghĩ tự sát

Tự sát (tự tử) là hình thức tự tìm đến cái chết vì nhiều mục đích khác nhau. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là hoàn cảnh túng quẫn và ảnh hưởng của các bệnh tâm lý, tâm thần. Trong những năm gần đây, tỷ lệ tử vong do tự tử tăng lên đáng kể – đặc biệt ở thanh thiếu niên và người trẻ tuổi.

Theo thống kê của Tổ chức WHO, tự sát là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở độ tuổi 15 – 29 chỉ đứng sau tai nạn giao thông. Thực trạng này cảnh báo thanh thiếu niên và người trẻ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý. Tuy nhiên, đa phần người dân ở nước ta chưa có sự hiểu biết sâu sắc về các bệnh tâm lý. Hậu quả là dẫn đến những trường hợp tự sát, tự hại vô cùng thương tâm.

Để can thiệp kịp thời, phụ huynh cần nhận biết sớm con có suy nghĩ tự sát thông qua một số dấu hiệu sau:

  • Trẻ thường có tâm trạng buồn rầu, chán nản, mệt mỏi, trống rỗng và mất hứng thú với những hoạt động mà bản thân từng yêu thích
  • Trẻ bộc lộ sự bi quan về tương lai và cách nhìn nhận đối với mọi khía cạnh trong cuộc sống.
  • Trẻ cho rằng bản thân là người vô dụng, kém cỏi và luôn cho cảm thấy bản thân đã mắc phải tội lỗi nghiêm trọng.
  • Khó kiểm soát cảm xúc với những biểu hiện như giận dữ, cáu kỉnh, đôi khi nóng giận một cách vô cớ kèm theo những hành vi nổi loạn.
  • Ngoài những biểu hiện về mặt cảm xúc, trẻ có suy nghĩ tự sát cũng có một số triệu chứng thể chất như giảm trí nhớ, mất tập trung, chán ăn hoặc ăn quá nhiều, mất ngủ, khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
  • Một số trẻ còn bộc lộ suy nghĩ muốn chết thông qua lời nói.
  • Trước khi có suy nghĩ tự sát, trẻ cũng có thể có những hành vi tự hại như cắt, rạch tay, tự đánh vào đầu và người

Nếu như vừa trải qua sang chấn tâm lý, trẻ thường có cảm xúc bất ổn và những hành vi bất thường. Trong giai đoạn này, trẻ dễ nảy sinh ý nghĩ và hành vi tự sát. Chính vì vậy, gia đình cần quan tâm và đồng hành cùng trẻ để tránh những hậu quả đáng tiếc.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Vì sao con trẻ có ý nghĩ tự sát?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến suy nghĩ và hành vi tự sát nhưng đa phần đều có liên quan đến vấn đề tâm lý. Theo số liệu thống kê, khoảng 26.3% trẻ vị thành niên bị trầm cảm và có đến 6.3% trường hợp suy nghĩ đến cái chết. Trong đó, 5.8% trẻ cố gắng thực hiện những hành vi tự sát và 4.6% trẻ lên kế hoạch tự tử.

Ngoài ra, tự sát ở con trẻ còn bắt nguồn từ một số vấn đề tâm lý khác như rối loạn lo âu, các rối loạn liên quan đến stress, rối loạn nhân cách, tâm thần phân liệt, hoang tưởng,… Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ vị thành niên và người trẻ tuổi mắc các chứng bệnh này chưa được thống kê cụ thể. Dù vậy, có nhiều bằng chứng rõ ràng cho thấy tỷ lệ tự sát có liên quan mật thiết đến những vấn đề tâm lý.

suy nghĩ tự sát
Đa phần trẻ có suy nghĩ tự sát đều bị trầm cảm, rối loạn lo âu, căng thẳng thần kinh, stress nặng,…

Thông thường, trẻ có suy nghĩ tự sát hầu hết đều phải trải qua những sự kiện gây sang chấn tâm lý như bố mẹ ly dị, gặp thất bại trong chuyện tình cảm, học tập, nghề nghiệp, bị lạm dụng, bạo hành, bố mẹ mất đột ngột,… Do tuổi còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm sống, người từ 15 – 29 tuổi rất dễ bị trầm cảm, rối loạn lo âu,… sau khi trải qua những sự kiện trên.

Ngoài những nguyên nhân trên, một số ít trẻ có suy nghĩ tự sát do ảnh hưởng từ những video và trào lưu độc hại trên các nền tảng mạng xã hội. Việc tiếp xúc với những thông tin độc hại gây méo mó tư duy dẫn đến sự lệch lạc trong suy nghĩ và nhận thức. Bên cạnh đó, thói quen dùng thuốc lá, chất kích thích và nghiện rượu bia cũng gia tăng ý nghĩ và hành vi tự sát ở trẻ vị thành niên, người trẻ tuổi,…

Cha mẹ cần làm gì khi con có suy nghĩ tự sát?

Khi nhận thấy con cái có suy nghĩ tự sát, bố mẹ không tránh khỏi cảm giác hoang mang và sợ hãi. Trẻ có ý nghĩ tự sát thường sống khép kín và cố gắng bình thường hóa lời nói, hành vi để có thể thực hiện thành công kế hoạch tự tử. Nếu không chú ý, bố mẹ có thể bỏ qua các dấu hiệu nhận biết và phải đối mặt với những tình huống xấu nhất.

Khi phát hiện con có suy nghĩ lệch lạc, gia đình cần có cách cư xử khôn khéo để tránh trẻ bị kích động và hoảng loạn. Dưới đây là các bước bố mẹ nên thực hiện ngay sau khi nhận thấy con có suy nghĩ tự sát:

1. Cất giấu những dụng cụ, đồ vật có thể dẫn đến hành vi tự tử

Khi có suy nghĩ tự sát, trẻ thường sẽ cất giấu những vật dụng để phục vụ cho hành vi tự tử như dây, dao, kéo, súng, thuốc ngủ,… Chính vì vậy, việc đầu tiên bố mẹ cần làm là phát hiện và cất giấu những đồ vật này. Tuy nhiên, nên khéo léo cất giấu trong thời gian trẻ không có ở nhà.

Trẻ cũng có thể cất thuốc ở bên trong balo, cặp sách nên bố mẹ khó có thể loại bỏ hết những dụng cụ có thể gây ra hành vi tự tử. Do đó, bố mẹ cần ở bên cạnh trẻ trong suốt thời gian này để trẻ không có cơ hội thực hiện hành vi tự sát. Nếu nhà có lầu hoặc sống ở chung cư, gia đình nên khóa chặt cửa để đảm bảo an toàn.

2. Động viên và đồng hành cùng con cái

Ý nghĩ tự sát thường chỉ xuất hiện khi đã đến tận cùng của nỗi đau. Vì không thể thoát khỏi cảm giác đau khổ nên trẻ có ý nghĩ và nỗ lực tự tử để giải thoát bản thân. Do đó khi nhận thấy con trẻ có suy nghĩ tự sát, bố mẹ nên động viên và trấn an tinh thần của con.

con có suy nghĩ tự sát
Gia đình cần ở bên cạnh động viên và chia sẻ khi con có suy nghĩ tự sát

Lúc này, gia đình nên kiềm chế lời nói và hành vi để tránh tình trạng trẻ kích động quá mức. Trước tiên, nên ở bên cạnh động viên, khuyến khích trẻ nghỉ ngơi tại nhà trong vài ngày. Sau đó, trò chuyện để chia sẻ những vấn đề trẻ đã và đang phải đối mặt.

Trong rất nhiều trường hợp, cha mẹ là nguyên nhân khiến trẻ bị áp lực dẫn đến stress, rối loạn lo âu và trầm cảm. Chính vì vậy, trẻ có thể sẽ không hợp tác khi trò chuyện. Lúc này, bố mẹ có thể nhờ sự hỗ trợ của anh chị em ruột của trẻ hoặc ông bà hay bất cứ ai có mối quan hệ thân thiết.

Khi trẻ giãi bày suy nghĩ của bản thân, bố mẹ cần phải chấp nhận và bày tỏ sự thấu cảm thay vì trách móc và chì chiết. Nếu bố mẹ có lỗi, cần phải nhận lỗi và thay đổi để trẻ có động lực sống tiếp. Trong trường hợp nguyên nhân do áp lực học tập, công việc, các mối quan hệ tình cảm,… bố mẹ nên đồng hành cùng con để trẻ cảm thấy luôn có chỗ dựa tinh thần vững chắc.

3. Đưa con đến gặp bác sĩ

Sau khi tâm lý con đã ổn định, bố mẹ nên khuyên con nên đến bệnh viện để được thăm khám sớm. Lúc này, trẻ có thể không chấp nhận việc bản thân mắc các bệnh tâm lý – tâm thần. Vì vậy, bố mẹ cần phải lựa lời để trẻ hiểu rằng, việc đối mặt với những vấn đề tâm lý là hoàn toàn bình thường.

Để chẩn đoán chính xác vấn đề mà trẻ phải đối mặt, bác sĩ sẽ khám tổng quát và trao đổi trực tiếp với bệnh nhân. Thông thường, trẻ có suy nghĩ tự sát thường mắc các vấn đề tâm lý như stress nặng, khủng hoảng tâm lý, sang chấn tâm lý, trầm cảm, rối loạn lo âu,… Ngoài ra, trẻ cũng có thể mắc phải các bệnh thể chất như suy nhược thần kinh, mất ngủ, đau mỏi vai gáy và các bệnh lý có liên quan khác.

4. Tích cực điều trị các bệnh tâm lý

Sau khi xác định được bệnh lý mà trẻ phải đối mặt, gia đình nên hỗ trợ con trong quá trình điều trị. Ban đầu, việc điều trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn do bác sĩ phải đánh giá lần lượt mức độ đáp ứng với từng loại thuốc và bản thân trẻ cũng không chấp nhận việc mình có vấn đề về tâm lý, tâm thần. Ngoài việc nắm rõ bệnh tình và cách sử dụng thuốc, gia đình cần động viên, an ủi để giúp trẻ ổn định tinh thần trong thời gian sớm nhất.

Các loại thuốc được sử dụng để điều trị các rối loạn tâm lý – tâm thần có thể gia tăng nguy cơ tự tử trong thời gian đầu. Chính vì vậy, gia đình cần phải theo sát trẻ để tránh những tình huống đáng tiếc. Trước tiên, cần đảm bảo trẻ dùng thuốc đúng liều lượng, tần suất và phát hiện sớm các tác dụng không mong muốn trong thời gian điều trị.

có ý nghĩ tự sát
Khi nhận thấy con có ý nghĩ tự sát, gia đình nên cho trẻ thăm khám và điều trị y tế

Ngoài sử dụng thuốc, tất cả trẻ có suy nghĩ tự sát do bất cứ nguyên nhân nào đều phải can thiệp tâm lý trị liệu. Liệu pháp này được thực hiện bằng hình thức giao tiếp với mục đích giải tỏa cảm xúc, điều chỉnh những suy nghĩ và hành vi sai lệch. Tùy vào đối tượng, chuyên gia tâm lý cũng sẽ giúp bệnh nhân trang bị thêm những kỹ năng cần thiết để hoàn thiện bản thân và dễ dàng kiểm soát các vấn đề trong cuộc sống.

Tâm lý trị liệu có thể được thực hiện theo hình thức cá nhân hoặc theo nhóm, gia đình. Nếu con trẻ chưa sẵn sàng, gia đình nên can thiệp trị liệu cùng để trẻ cảm thấy an tâm hơn. Ngoài ra, trị liệu tâm lý gia đình còn giúp bố mẹ hiểu hơn về tâm lý và cảm xúc của con. Từ đó có lời nói, hành vi và cách cư xử hợp lý, giúp trẻ nhanh chóng lấy lại sự cân bằng và tìm được niềm vui trong cuộc sống.

5. Xây dựng cho con lối sống lành mạnh

Lối sống lành mạnh sẽ góp phần cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất cho con trẻ. Do đó bên cạnh việc điều trị tích cực, gia đình cần xây dựng cho con lối sống khoa học như sau:

có ý nghĩ tự sát
Bên cạnh các phương pháp điều trị, nên cho trẻ ăn uống, sinh hoạt điều độ để cải thiện sức khỏe toàn diện
  • Cho trẻ ăn uống điều độ trong thời gian này để đảm bảo sức khỏe, tránh mệt mỏi và suy nhược. Trẻ thường có biểu hiện chán ăn khi có suy nghĩ tự sát. Do đó, gia đình cần động viên trẻ ăn uống đủ bữa và chế biến các món ăn mà trẻ yêu thích để kích thích vị giác.
  • Khi tinh thần trẻ đã ổn định, nên khuyến khích trẻ chơi thể thao. Nếu có thể, cả gia đình nên tập thể dục và chơi thể thao cùng với trẻ để cải thiện sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Chỉ với 30 phút tập thể dục mỗi ngày, những cảm xúc tiêu cực và các vấn đề sức khỏe thể chất sẽ được cải thiện đáng kể.
  • Đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc và có thời gian nghỉ ngơi. Nếu cần thiết, nên cho trẻ nghỉ học một thời gian. Trẻ có thể cảm thấy bất an vì bỏ lỡ mất bài học nhưng hãy trấn an để trẻ an tâm điều trị trước khi quay trở lại trường học.
  • Đảm bảo trẻ không sử dụng thuốc lá, chất gây nghiện, rượu bia và hạn chế lượng caffeine dung nạp mỗi ngày. Nếu trẻ đã từng sử dụng chất gây nghiện, gia đình cần tìm kiếm sự giúp đỡ của các nhân viên y tế để chăm sóc trẻ tốt hơn.
  • Hướng dẫn trẻ một số cách kiểm soát cảm xúc như hít thở sâu, ngủ đủ giấc, liệu pháp mùi hương, tắm nước ấm, thiền định, chăm sóc thú cưng, cây cối, nấu ăn,… Những thành viên trong gia đình nên cùng con trẻ thực hiện các hoạt động này để nâng đỡ tinh thần và giúp trẻ cảm thấy lạc quan, vui vẻ hơn.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu
Việc ngăn chặn các hành vi tự sát là điều không dễ dàng. Hy vọng qua những thông tin trong bài viết, bố mẹ đã biết nên làm gì khi có có suy nghĩ tự sát. Nếu cần thiết, nên cho trẻ nhập viện một thời gian để ổn định tinh thần và tránh các hành vi tổn hại thể chất của người khác.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *