Tự tử tuổi học đường: Vấn đề đáng báo động

Tự tử tuổi học đường có phải là vấn đề từ chính cha mẹ, bạo lực học đường hay áp lực điểm số… là một câu hỏi được đặt ra rất nhiều hiện nay nhưng vẫn gây ra vô vàn tranh cãi. Khi một học sinh tự tử, người đau khổ và cảm thấy có lỗi nhất chính là cha mẹ và đồng thời họ cũng luôn bị những người xung quanh đổ trách nhiệm, cho rằng vì cha mẹ thiếu quan tâm mới khiến con phải đi đến bước đường cùng này. Vậy nguyên thực sự là do đâu?

Thực trạng tự tử tuổi học đường

Một trong những thực trạng cực kỳ đáng buồn hiện nay chính là tỷ lệ tự tử tuổi học đường đang ngày càng tăng cao tới mức báo động. Những câu chuyện về những em học sinh trường chuyên nhảy lầu tự tử vì áp lực học tập quá lớn, nhảy cầu vì kết quả thi cử hay uống thuốc ngủ vì buồn chuyện tình cảm đã dần không còn xa lạ nhưng mỗi lần nhắc đến đều không khiến chúng ta phải xót xa.

tự sát tuổi học đường

Một thống kê vào năm 2020 được thực hiện trên 6.407 học sinh từ 11 – 17 cho thấy có đến khoảng 11% cho biết đã từng cố suy nghĩ việc việc tự sát trong vòng 1 năm qua dù năm 2010, tỷ lệ này mới chỉ khoảng 4,3%.  Tại Việt Nam, tỉ lệ tự tử đang có xu hướng trẻ hóa, trong 10 năm quá, số người tự tử trong độ tuổi 15-24 đã tăng hơn 40%, tỷ lệ trẻ dưới 15 tuổi có suy nghĩ hay hành vi này cũng rất cao.

Tự tử tuổi học đường thường liên quan đến các vấn đề tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc và đã xuất hiện trong thời gian dài nhưng không được phát hiện và giải quyết. Các hành vi tự sát tuổi học đường có thể bộc phát đột ngột khi cảm xúc của con không thể kiểm soát được, chẳng hạn như khi có một lời nói mang tính chất mỉa mai hay coi thường con. Tuy nhiên có nhiều trường hợp trẻ thậm chí còn lên kế hoạch chuẩn bị âm thầm cho sự ra đi của mình.

Không thể phủ nhận trong những năm gần đây, khi tỷ lệ tự tử học đường đang ngày càng tăng cao một cách đột biến, truyền thông hay các đơn vị có liên quan đã đưa ra rất nhiều thông tin cảnh báo. Cho dù vậy thực trạng này không những không giảm mà ngày càng xuất hiện nhiều hơn với mức độ thương tâm nghiêm trọng hơn.

Tự tử tuổi học đường liệu có phải xuất phát từ cha mẹ?

Một câu hỏi gây ra vô vàn nhiều tranh cãi từ nạn tự tử tuổi học đường chính là nguyên nhân thực sự bắt nguồn từ đâu. Tất nhiên khi nhắc đến vấn đề này, người ta thường chỉ ra các yếu tố như gia đình không hạnh phúc, áp lực học tập quá lớn, bị bạo lực học đường, tâm sinh lý còn yếu nên chưa thể đối diện với những khó khăn, căng thẳng trong cuộc sống. Đặc biệt, nếu có một học sinh tự tử, thường người bị chỉ trích nhiều nhất chính là cha mẹ chúng – cũng chính là người đau khổ nhất ở thời điểm đó.

tự sát tuổi học đường
Tự sát tuổi học đường không phải lỗi hoàn toàn do cha mẹ mà liên quan đến rất nhiều vấn đè khác nhau

Có vô vàn yếu tố khiến cha mẹ thường bị coi chính tác yếu tố tác động mạnh mẽ nhất khiến những đứa trẻ phải tự tử. Chẳng hạn

  • Cha mẹ tạo áp lực quá mức về việc học tập mới khiến con rơi vào căng thẳng, lo lắng, suy nghĩ đến mất ăn mất ngủ mỗi khi bị điểm kém.
  • Cha mẹ mải lo kiếm tiền, ít nói chuyện, ít quan tâm đến con cái, thậm chí không biết con muốn gì, con thực sự cần gì.
  • Cha mẹ có xu hướng kiểm soát quá mạnh, luôn muốn con phải làm theo ý của mình trong mọi việc, kể cả chuyện chọn ngành nghề trong tương lai.
  • Cha mẹ thường xuyên tranh cãi, xung đột trong gia đình cũng rất dễ khiến con bị tổn thương tâm lý cũng có thể dẫn đến tình trạng tự sát tuổi học đường
  • Cha mẹ bỏ rơi
  • Cha mẹ nghiện ngập hoặc có dân trí thấp nên có các hành vi thiếu văn minh, không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội

Thực tế, xét về một khía cạnh nào đó, tự tử tuổi học đường có thể có một phần trách nhiệm từ cha mẹ. Người lớn đã từng là trẻ con nhưng ở hiện tại, họ lại chỉ nhìn nhận vấn đề theo cách nhìn của một người lớn. Việc muốn con phải học giỏi,  phải theo ngành này ngành kia, so sánh với con nhà người ta cũng đều “phục vụ” suy nghĩ rằng chỉ có như thế mới là tốt, mới là thành công theo góc nhìn của cha mẹ.

Đáng trách nhất phải kể đến những người phụ huynh thiếu trách nhiệm với con cái. Thậm chí có những người còn lấy tiền học của con để phục vụ các nhu cầu cá nhân của bản thân chính là bài bạc, hút chích, nghiện ngập, thậm chí là bắt con nghỉ học để kiếm tiền phục vụ cho họ. Với những trường hợp này, thậm chí họ còn không quá tội lỗi khi thấy con cái mình tự tử.

Tuy nhiên, khi nhìn nhận vấn đề, đôi lúc chúng ta có thể hiểu vì sao phụ huynh lại làm như vậy. Bởi họ đã từng bươn chải nhiều nên họ biết nếu không có kiến thức, có học vấn thì sẽ rất vất vả, dễ bị coi thường nên ngay từ sớm mới muốn con học thật tốt, thật giỏi. Hay việc phụ huynh vô tâm không dành nhiều thời gian cho con cũng bởi họ đã dành hết sức lực để kiếm tiền nhằm mong muốn con có một cuộc sống tốt nhất.

Khi hiểu được vì sao phụ huynh lại tạo áp lực cho con như thế, bạn dường như chẳng thể trách cứ rằng tử tuổi học đường là nguyên nhân ở cha mẹ. Thế nhưng con người dường như chỉ đánh giá vấn đề theo những thứ xảy ra trước mắt, theo cách mà họ muốn hiểu mà không chịu nhìn nhận hay đi sâu vào đánh giá các vấn đề bên trong. Bởi thế phụ huynh vẫn luôn là người đứng trước mũi dùi dư luận mỗi khi có một đứa trẻ tự sát học đường.

Mới đây nhất câu chuyện về học sinh lớp 10 nhảy lầu 28 tại chung cư Hà Đô vào giữa đêm, sau khi đoạn CCTV cuối cùng được đưa lên, ai cũng chỉ trích người bố ép con quá mức khi giữa đêm vẫn ngồi canh con học, vẫn to tiếng dù trông con có vẻ mệt mỏi. Tuy nhiên chỉ sau khi những người nhà lên tiếng họ mới biết rằng, người bố mới chỉ đi làm về nên ngồi nghỉ ngơi, trong những lời quát mắng ông vẫn lo con ra ban công trời lạnh bị cảm.

Tự tử tuổi học đường nguyên nhân chính có phải do cha mẹ không thực tế không thể nói là phải, mà cũng chẳng thể nói là không, mỗi vế đều có một cái lý của riêng mình. Đồng thời chúng ta lại càng không thể đổ lỗi cho cha mẹ bởi chính họ mới là người đau khổ nhất, bản thân họ đã tự trách cứ, dằn vặt bản thân đến suốt cuộc đời rồi chứ không cần bất cứ ai quy thêm trách nhiệm.

Chúng ta cũng thường trách cứ cha mẹ không dành thời gian cho mình nhưng liệu đã bao giờ tự hỏi mình vì sao cha mẹ phải cật lực làm việc như thế hay đã bao giờ hỏi mơ ước cha mẹ là gì? Chúng ta cứ tự trách cứ, tự khiến bản thân mình mệt mỏi, khổ sở vì cho rằng tình cảm cha mẹ dành cho mình là không đủ, không giống như “phụ huynh nhà người ta”.

Hoặc cũng có nhiều trường hợp, cha mẹ chỉ la mắng một chút những đứa trẻ bốc chốc tổn thương và có những suy nghĩ tự tử. Thực tế cha mẹ đôi khi la mắng chỉ bởi muốn con tốt hơn, thói quen này có thể xuất phát từ quan niệm “thương cho roi cho vọt”. Phụ huynh có vô vàn các áp lực trong cuộc sống, họ làm tất cả vì muốn con có một cuộc sống tốt hơn nhưng khi con không đạt được điều đó cũng khiến họ cảm thấy hụt hẫng nên đôi khi không kiểm soát được cảm xúc của bản thân nên mới la mắng con.

Trong thực tế cũng có rất nhiều trường hợp dù có cha mẹ tâm lý, quan tâm con cái nhưng con vẫn bị trầm cảm, có các hành vi tự hại bản thân để kiểm soát cảm xúc. Trẻ ở tuổi dậy thì thường có tâm lý khá yếu, chưa quen đối diện với những khó khăn cùng tâm lý tuổi mới lớn nên rất dễ có những hành vi khó kiểm soát chứ không hoàn toàn là do sự vô tâm của phụ huynh.

Xét theo một khía cạnh khác, yếu tố thực sự dẫn đến tình trạng tự tử tuổi học đường không hoàn toàn là lỗi của cha mẹ mà liên quan đến toàn xã hội, đến những quy chuẩn vô hình mà xã hội đặt ra. Chẳng hạn phải có bằng khen mới là học giỏi, phải học đại học mới dễ thành công, phải mua được nhà được xe mới được coi là tài giỏi hay cố gắng bao nhiêu cũng là chưa đủ. Chính những điều này đã dần hình thành những áp lực vô hình trong tâm trí trẻ khiến chúng lúc nào cũng mặc định bản thân phải đạt được như thế mới được người khác công nhận.

Nói chung, tùy từng trường hợp để xác định rằng tự tử tuổi học đường có phải nguyên nhân xuất phát từ cha mẹ và gia đình hay không. Tuy nhiên cần hiểu rằng, bất cứ cha mẹ nào cũng thương con, chỉ là đôi lúc cách họ thể hiện tình cảm đó chưa thực sự đúng cách. Nuôi con lớn mới hiểu được hết lòng cha mẹ, chỉ khi chúng ta thực sự lớn khôn, tự lập lo cho chính mình thì mới thực sự cảm thấy biết ơn vì cha mẹ từng la mắng dạy dỗ như thế.

Phụ huynh cần làm gì để ngăn chặn tình trạng tự tử học đường

Rõ ràng để ngăn chặn tình trạng tự tử tuổi học đường không phải là một vấn đề đơn giản và cần có sự hỗ trợ của cả xã hội chứ không phải là trách nhiệm riêng của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên gia đình luôn là một nền tảng quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của mỗi đứa trẻ. Chính sự quan tâm và tình yêu thương của cha mẹ là sức mạnh để con vượt qua những khó khăn, thử thách ngoài kia.

tự sát tuổi học đường
Học cách làm bạn với con chính là cách để ngăn chặn nguy cơ tự tử tuổi học đường

Vậy phụ huynh cần làm gì để ngăn chặn tình trạng tự tử tuổi học đường cho con?

  • Luôn dành thời gian quan tâm, trò chuyện với con mỗi ngày. Cho dù quá bận rộn phụ huynh cũng nên dành thời gian quan tâm, trò chuyện hoặc đơn giản nhắn tin để biết ngày hôm đó của con như thế nào. Bản thân phụ huynh cũng cần học cách chia sẻ vấn đề của mình, từ đó mới có thể khuyến khích con chủ động trò chuyện với cha mẹ cả về các vấn đề cá nhân nhiều hơn
  • Trao đổi với giáo viên để biết rõ năng lực học tập của con, từ đó có thể lên kế hoạch phù hợp để hỗ trợ con. Chẳng hạn nếu thấy con kém hơn về môn toán có thể sắp xếp cho con học thêm hoặc kèm cặp để cải thiện kết quả.
  • Để ngăn chặn nguy cơ tự tử tuổi học đường rất cần cha mẹ thường xuyên lắng nghe và thấu hiểu con trong tất cả mọi trường hợp. Chẳng hạn khi con bị điểm kém nhưng phụ huynh cũng không nên vội vàng la mắng mà hãy thử hỏi về lý do, từ đó khiển trách con cũng không khiến con cảm thấy oan ức.
  • Chia sẻ với con về ước mơ và mong muốn của con, luôn động viên và đồng hành với những điều mà con yêu thích. Chẳng hạn nếu con thích làm một họa sĩ, nếu có điều kiện phụ huynh có thể cho con tham gia các lớp vẽ hay thường xuyên mua tặng con các cuốn sách, màu vẽ để con tìm tòi và khám phá.
  • Tôn trọng không gian riêng của con, đặc biệt nếu trẻ đang trong độ tuổi dậy thì để con cảm thấy thoải mái và an toàn trong chính ngôi nhà
  • Xây dựng thời gian biểu cho việc học tập và nghỉ ngơi một cách cân bằng, không nên bắt ép con học quá mức
  • Khuyến khích con luyện tập thể dục thể thao hằng ngày để tăng cường sức khỏe cả về mặt thể chất và tinh thần
  •  Khuyến khích con tham gia các hoạt động xã hội, các chương trình từ thiện, hướng đến lòng thiện nguyện để xây dựng lòng nhân ái, tương thân tương ái, biết giúp đỡ người khác ngay từ nhỏ cho con.
  • Để hạn chế tình trạng tự tử tuổi học đường, phụ huynh còn có thể cho tham gia  các lớp học kỹ năng mềm, kỹ năng ứng phó với các tình huống bất thường để con dạn dĩ hơn, biết cách đối mặt với những căng thẳng trong cuộc sống, đặc biệt cần thiết với nhóm trẻ có tính cách nhút nhát, sống nội tâm.
  • Phụ huynh ngay khi phát hiện con có các dấu hiệu bất ổn về tâm lý, chẳng hạn như rối loạn giấc ngủ, tính tình hay cáu gắt, dễ kích động, không muốn nói chuyện với ai, thay đổi tâm trạng bất thường, kết quả học tập sa sút nếu không thể tiếp cận và trò chuyện với con hãy sớm đưa con gặp gỡ các chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ đúng cách, phòng tránh nguy cơ con mắc các bệnh tâm lý khác.

Điều đáng buồn là cho dù hiện nay vấn đề sức khỏe tâm thần đang ngày được quan tâm hơn nhưng tỷ lệ tự tử tuổi học đường vẫn đang dần tăng, đòi hỏi gia đình, nhà trường và các ban ngành liên quan cần sớm hành động và đưa ra giải pháp. Nhưng hơn hết, chính sự quan tâm, kiên trì lắng nghe và tạo động lực cho con chính là nguồn năng lượng tốt nhất để con lúc nào cũng thật hạnh phúc, vượt qua mọi khó khăn để trưởng thành.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *