Hội chứng sợ thất bại (Atychiphobia): Khiến bạn khó thành công

Khó thành công trong cuộc sống đôi khi không phải do năng lực kém mà có thể bắt nguồn từ hội chứng sợ thất bại (Atychiphobia). Người mắc hội chứng này có sự sợ hãi mãnh liệt, phi lí về thất bại và tránh né tất cả các thử thách, nhiệm vụ vì sợ rằng bản thân sẽ không thành công.

hội chứng sợ thất bại
Hội chứng sợ thất bại có thể là nguyên nhân khiến một số người khó thành công trong cuộc sống

Hội chứng sợ thất bại (Atychiphobia) là gì?

Sợ thất bại là tâm lý chung của tất cả mọi người. Không ai muốn bản thân phải đối mặt với thất bại hay vấp ngã trong cuộc sống. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, sau mỗi lần thất bại, chúng ta sẽ có thêm những bài học quý giá và kinh nghiệm để có thể đạt được thành công trong tương lai. Dù mong muốn hay không, thất bại vẫn là một phần tất yếu của cuộc sống.

Tuy nhiên, nỗi sợ thất bại thông thường không giống với Atychiphobia – hội chứng sợ thất bại. Hội chứng sợ thất bại đề cập đến một hội chứng tâm lý mà người bệnh sợ hãi quá mức về việc sẽ thất bại. Nỗi sợ hãi mãnh liệt đến mức người bệnh không dám thực hiện bắt đầu kế hoạch, dự án nào vì lo sợ sẽ không thành công.

Hội chứng này khiến bệnh nhân thường xuyên căng thẳng, lo lắng, đau khổ, xấu hổ và hoảng loạn. Nếu không được điều trị sớm, chứng Atychiphobia sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Phần lớn người mắc chứng sợ thất bại ít khi chủ động điều trị bởi mọi người xung quanh và cả bản thân người bệnh dễ nhầm lẫn hội chứng này với tính cách cầu toàn.

Atychiphobia chưa được công nhận là hội chứng tâm lý chính thức trong DSM-5 (Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần). Mặc dù vậy, hội chứng này vẫn sẽ được điều trị nếu ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống cũng như sức khỏe. Về bản chất, hội chứng sợ thất bại có cơ chế tương tự như các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác như hội chứng sợ nhện, chứng sợ không gian hẹp, chứng sợ độ cao,…

Nhận biết hội chứng sợ thất bại

Hội chứng sợ thất bại (Atychiphobia) không đơn thuần chỉ là cảm giác lo lắng, bất an bản thân sẽ vấp ngã và thất bại. Hội chứng này gây ra sự ám ảnh và sợ hãi mạnh mẽ, đồng thời nỗi sợ này sẽ chi phối khiến cho người bệnh phải đối mặt với nhiều cảm xúc tiêu cực và hành vi không phù hợp.

hội chứng sợ thất bại
Người mắc hội chứng sợ thất bại luôn né tránh các thử thách, nhiệm vụ vì lo sợ sẽ thất bại

Các dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ thất bại:

  • Lo sợ thất bại trong mọi tình huống, ngay cả khi với những nhiệm vụ nhỏ và dễ thực hiện.
  • Tránh tất cả các tình huống có thể dẫn đến thất bại mặc dù việc né tránh có thể khiến người bệnh bỏ lỡ những cơ hội quý giá. Ví dụ như người bệnh từ chối lời mời phỏng vấn, từ chối tham gia các cuộc thi, từ chối lời đề bạt thăng chức vì sợ rằng bản thân sẽ thất bại khi ở vị trí mới,…
  • Cố gắng trì hoãn tất cả các dự định vì lo sợ sẽ thất bại ê chề.
  • Nỗi sợ thất bại mạnh mẽ đến mức khiến bệnh nhân có cái nhìn bi quan và tiêu cực về tất cả mọi thứ.
  • Hành vi né tránh các tình huống có thể dẫn đến thất bại khiến người bệnh cảm thấy an toàn. Tuy nhiên, điều này cũng khiến người bệnh trở nên đau khổ, buồn bã, chán nản vì cuộc sống không có đột phá và thành tựu.
  • Lo lắng về việc sẽ bị người khác chỉ trích, đánh giá. Đồng thời thường rất nhạy cảm với những lời góp ý – ngay cả khi đó là những lời góp ý thiện chí.

Tương tự như các rối loạn ám ảnh sợ hãi khác, chứng Atychiphobia cũng gây ra các cơn hoảng loạn khi bệnh nhân ở trong tình huống phải đối mặt với thất bại (trượt phỏng vấn, kỳ thi, bị khiển trách vì hoàn thành công việc không tốt,…). Trong các cơn hoảng loạn, bệnh nhân thường gặp phải các triệu chứng như sau:

  • Sợ hãi tột độ
  • Hoảng loạn
  • Chóng mặt, choáng váng
  • Ớn lạnh, đổ nhiều mồ hôi, run rẩy
  • Tim đập nhanh
  • Đau thắt ngực
  • Buồn nôn
  • Khó thở
  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Có cảm giác mất kiểm soát
  • Trong cơn hoảng loạn, bệnh nhân có nỗi sợ bản thân sẽ chết đi hoặc bất tỉnh
  • Có cảm giác tách rời khỏi chính mình (phản ứng phân ly)
  • Cố gắng kiềm chế nỗi sợ nhưng bất thành

Trên thực tế, khi đối mặt với những thất bại lớn và bất ngờ như vỡ nợ, phá sản,… một số người cũng sẽ trải qua những triệu chứng như trên. Để phân biệt hội chứng sợ thất bại với cảm giác sợ thất bại thông thường, bệnh nhân có thể dựa vào một số điểm khác biệt.

Phân biệt hội chứng sợ thất bại với cảm giác sợ hãi thông thường:

  • Nỗi sợ thất bại không chỉ xảy ra trong một vài tình huống mà xuất hiện ở hầu hết các tình huống từ gia đình, nhà trường, cơ quan,…
  • Nỗi sợ về thất bại quá mức và không tương xứng với tình huống (chẳng hạn như người bệnh sợ hãi thất bại từ những điều rất nhỏ nhặt như thất bại khi chế biến món ăn nào đó, thất bại khi bắt chuyện và kết bạn với ai đó,…)
  • Liên tục có các hành vi né tránh để không phải đối mặt với thất bại. Mặc dù những hành vi này sẽ khiến cho bệnh nhân mất đi những cơ hội quý giá trong cuộc sống như từ chối thăng chức, từ chối phỏng vấn,… Trong khi đó, nỗi sợ thông thường không dẫn đến các hành vi né tránh. Ngược lại, cảm giác sợ hãi thông thường sẽ tạo động lực để người đó cố gắng đạt được thành công.
  • Nỗi sợ về thất bại mạnh mẽ và kéo dài ít nhất 6 tháng, đồng thời phải ảnh hưởng đến các mối quan hệ, kết quả làm việc, học tập,…

Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ thất bại

Hội chứng sợ thất bại (Atychiphobia) chưa được nghiên cứu nhiều do tỷ lệ mắc bệnh khá thấp. Do đó, nguyên nhân gây ra hội chứng này vẫn chưa được xác định. Sau đây là một số yếu tố, nguyên nhân có liên quan đến chứng sợ thất bại:

hội chứng sợ thất bại
Những người thất bại liên tục trong quá khứ có thể phát triển nỗi sợ vô lý và ám ảnh về thất bại
  • Trải nghiệm tiêu cực: Giống như các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác, trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ là điều kiện để phát triển chứng sợ thất bại. Những người bị thất bại liên tục hoặc phải đối mặt với thất bại nặng nề (vỡ nợ, phá sản,…) có thể hình thành nỗi ám ảnh, sợ hãi quá mức với thất bại.
  • Tiền sử cá nhân, gia đình: Những người bị hội chứng sợ thất bại (Atychiphobia) thường có các vấn đề tâm lý, tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách hoặc mắc các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác. Ngoài ra, tiền sử gia đình mắc các vấn đề tâm lý kể trên cũng gia tăng tỷ lệ mắc chứng Atychiphobia ở con cái.
  • Cách giáo dục của gia đình: Nhiều gia đình giáo dục con cái nghiêm khắc và không cho phép con thất bại. Mục đích ban đầu của cách giáo dục này là muốn con cái nỗ lực để đạt được thành công. Tuy nhiên, nghiêm khắc quá mức sẽ khiến cho trẻ sợ hãi, ám ảnh về thất bại và nhạy cảm với những lời nhận xét.
  • Tính cách cầu toàn: Cầu toàn và chứng sợ thất bại có khá nhiều điểm tương đồng. Người cầu toàn ngại bắt đầu một kế hoạch, dự án nào đó vì lo sợ sẽ thất bại. Tuy nhiên, cảm giác lo lắng này không đủ lớn để dẫn đến các hành vi né tránh như hội chứng sợ thất bại. Trong một số trường hợp, tính cách cầu toàn kết hợp với những trải nghiệm tiêu cực chính là nguyên nhân dẫn đến chứng Atychiphobia.
  • Áp lực trong cuộc sống: Hội chứng sợ thất bại thường xuất hiện ở thanh thiếu niên và người trưởng thành, hiếm khi gặp ở trẻ dưới 10 tuổi. Trong khi đó, trẻ dưới 10 tuổi thường phát triển các hội chứng ám ảnh sợ như sợ bóng tối, sợ quái vật, sợ chú hề,… Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng, những áp lực trong cuộc sống như áp lực điểm số, áp lực tài chính, áp lực đồng trang lứa là nguyên nhân dẫn đến hội chứng sợ thất bại.
  • Một số yếu tố khác: Hội chứng sợ thất bại (Atychiphobia) còn có liên quan đến một số yếu tố như thiếu tự tin, năng lực kém, lòng tự trọng thấp,…

Ảnh hưởng của hội chứng sợ thất bại

Hội chứng sợ thất bại (Atychiphobia) làm cản trở quá trình học tập, nghề nghiệp và các mối quan hệ xã hội. Nỗi sợ thất bại quá lớn khiến người bệnh không dám bắt đầu kế hoạch hay dự án nào – thậm chí cả những việc nhỏ nhất như bắt chuyện với người khác, nêu ý kiến của bản thân,…

Người mắc hội chứng này thường từ chối các cơ hội như thăng chức, lời mời phỏng vấn, du học,… chỉ vì sợ sẽ thất bại. Các hành động né tránh thất bại khiến bệnh nhân không có cơ hội thăng tiến trong công việc cũng như cuộc sống. Việc né tránh giúp người bệnh cảm thấy thoải mái và dễ chịu tạm thời. Tuy nhiên, khi cuộc sống của bản thân bị tụt lùi so với người khác, bệnh nhân lại cảm thấy căng thẳng, đau khổ, bi quan và muộn phiền.

Atychiphobia là gì
Nếu không được điều trị, chứng Atychiphobia có thể gia tăng nguy cơ bị rối loạn lo âu và trầm cảm

Ngoài ra, những người mắc hội chứng sợ thất bại (Atychiphobia) cũng khó có thể duy trì được các mối quan hệ lâu dài. Bởi bệnh nhân rất nhạy cảm với những lời góp ý và nhận xét. Hơn nữa, tính cách bi quan, tiêu cực quá mức cũng khiến người bệnh khó có thể mở rộng các mối quan hệ xã hội.

Bản thân người mắc chứng Atychiphobia có thể nhận ra sự bất thường của bản thân. Tuy nhiên, dù ý thức được nỗi sợ của mình là phi lý nhưng bệnh nhân vẫn không thể kiểm soát và chế ngự. Nếu không được trị liệu kịp thời, không ít bệnh nhân lựa chọn sử dụng chất gây nghiện, rượu bia và hút thuốc lá để giải tỏa cảm giác bất lực, bức bối.

Tương tự như các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác, chứng sợ thất bại không được điều trị có thể dẫn đến nhiều vấn đề tâm lý, tâm thần như rối loạn nhân cách tránh né, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn hoảng sợ và các rối loạn tâm thần do nghiện chất. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng phải đối mặt với nguy cơ mất việc và sống phụ thuộc vào gia đình.

Chẩn đoán hội chứng sợ thất bại

Như đã đề cập, hội chứng sợ thất bại chưa được công nhận là rối loạn tâm lý, tâm thần chính thức. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn có thể chẩn đoán hội chứng này thông qua tiêu chuẩn chẩn đoán của rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi.

Chẩn đoán chứng Atychiphobia chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng. Vì hội chứng này chưa được công nhận nên bác sĩ sẽ loại trừ các khả năng có thể xảy ra thông qua một số xét nghiệm cận lâm sàng trước khi đưa ra chẩn đoán chính thức.

Các phương pháp điều trị hội chứng sợ thất bại

Hội chứng sợ thất bại (Atychiphobia) cần phải được trị liệu trong thời gian sớm nhất. Nếu để lâu dài, chất lượng cũng như sức khỏe của người bệnh sẽ xuống dốc nhanh chóng. Nếu được can thiệp điều trị, bệnh nhân có thể giảm bớt sự sợ hãi vô lý với thất bại và có thể dũng cảm đối mặt với những thử thách, nhiệm vụ trong cuộc sống.

Các phương pháp điều trị thường được áp dụng cho hội chứng Atychiphobia bao gồm:

1. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý được áp dụng cho tất cả những người bị hội chứng sợ thất bại (Atychiphobia). Phương pháp này có vai trò chính trong việc kiểm soát và quản lý nỗi sợ hãi vô lý. Hiện nay, các chuyên gia thường lựa chọn 3 hướng can thiệp sau đây:

– Liệu pháp tiếp xúc

Liệu pháp tiếp xúc (liệu pháp phơi nhiễm) là phương pháp chính khi điều trị các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. Trong hội chứng sợ thất bại, chuyên gia sẽ cho bệnh nhân tiếp cận với nỗi sợ (sự thất bại) cho đến khi người bệnh giảm hoàn toàn nỗi sợ vô lý.

Trước tiên, chuyên gia sẽ trò chuyện với người bệnh về sự thất bại. Trong những cuộc trò chuyện có đề cập đến nỗi sợ, người bệnh sẽ không thoải mái và liên tục bất an, lo lắng,… Lúc này, chuyên gia sẽ hướng dẫn người bệnh cách đối phó và kiềm chế nỗi sợ của chính mình. Cứ như vậy, bệnh nhân có thể nói về thất bại với thái độ và phản ứng bình thường.

Atychiphobia là gì
Liệu pháp tiếp xúc có thể giúp bệnh nhân giảm bớt nỗi sợ vô lý về thất bại

Sau khi bệnh nhân đã thích nghi với tình huống này, chuyên gia sẽ cho bệnh nhân tiếp cận với nỗi sợ bằng cách tưởng tượng về việc bản thân thất bại. Tương tự như tình huống trước, chuyên gia cũng sẽ hướng dẫn để bệnh nhân cách đối phó.

Thất bại không phải là một tình huống/ đối tượng có thể dễ dàng mô phỏng như vật nhọn, chú hề, bóng tối,… Do đó, liệu pháp tiếp xúc có thể không mang lại hiệu quả tối ưu đối với hội chứng sợ thất bại. Ngoài ra, phương pháp này cũng đòi hỏi chuyên gia phải có kinh nghiệm để bệnh nhân không bỏ dở điều trị giữa chừng.

– Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) được xem là liệu pháp chính đối với bệnh nhân mắc hội chứng sợ thất bại. Phương pháp này cho phép chuyên gia tìm hiểu về nguồn gốc của nỗi sợ thất bại và xác định những niềm tin, suy nghĩ sai lầm của người bệnh.

CBT sẽ giúp bệnh nhân thay đổi những suy nghĩ méo mó và cực đoan về thất bại. Đồng thời giúp người bệnh hiểu rằng thất bại là một phần tất yếu và thất bại cũng dạy cho chúng ta những bài học quý giá để thành công trong tương lai. Khi thay đổi những suy nghĩ sai lệch, bệnh nhân sẽ giảm bớt nỗi sợ vô lý về thất bại và có thể loại bỏ sự tiêu cực, bi quan trong cách nhìn nhận.

– Liệu pháp thôi miên

Liệu pháp thôi miên được cân nhắc nếu bệnh nhân không tiếp nhận những suy nghĩ đúng đắn về thất bại. Liệu pháp này đưa bệnh nhân vào trạng thái dễ ám thị để có thể cởi mở tiếp thu những suy nghĩ phù hợp, từ đó hiểu hơn về bản chất và lợi ích mà thất bại mang lại. Tuy nhiên, do những định kiến về “thôi miên” nên liệu pháp này không thực sự phổ biến và ít bệnh nhân chấp nhận trị liệu.

2. Sử dụng thuốc

Thuốc hiếm khi được sử dụng trong điều trị hội chứng sợ thất bại (Atychiphobia). Bởi nỗi sợ quá mức về thất bại có liên quan đến tổn thương tâm lý nên trị liệu tâm lý sẽ là giải pháp tối ưu hơn.

Tuy nhiên, thuốc vẫn sẽ được xem xét sử dụng nếu bệnh nhân lo lắng, hoảng loạn, mất ngủ, đau khổ và buồn phiền. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần và thuốc chẹn beta.

3. Các biện pháp hỗ trợ

Các phương pháp trị liệu tâm lý có thể cải thiện đáng kể nỗi sợ phi lý nhưng mất khá nhiều thời gian. Vì vậy, trong suốt quá trình điều trị, bệnh nhân nên thực hiện thêm các biện pháp hỗ trợ.

Atychiphobia là gì
Ngoài các phương pháp điều trị, bệnh nhân nên xây dựng chế độ ăn hợp lý để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần

Các biện pháp hỗ trợ dành cho bệnh nhân mắc chứng sợ thất bại (Atychiphobia):

  • Nỗi sợ quá mức có thể khiến bệnh nhân bị suy nhược do mất ngủ và ăn uống kém. Do đó, cần thực hiện các biện pháp thư giãn để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ như ngồi thiền, yoga, tắm nước ấm, xoa bóp đầu và cổ vai gáy, liệu pháp mùi hương,…
  • Ngoài việc đảm bảo giấc ngủ, bệnh nhân nên xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý và cân bằng. Nên bổ sung các loại thực phẩm giảm stress như cá béo, các loại hạt, đậu,… Hạn chế đường, muối, gia vị cay nóng, dầu mỡ, rượu bia và caffeine để tránh gia tăng mức độ căng thẳng, lo âu.
  • Chia sẻ tình trạng sức khỏe với những người khác, đặc biệt là gia đình và đồng nghiệp để được hỗ trợ. Khi hiểu rõ tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, những người xung quanh sẽ có sự đồng cảm và giúp đỡ người bệnh hòa nhập với mọi người.
  • Nỗi sợ thất bại khiến bệnh nhân không ngừng suy nghĩ tiêu cực. Thay vì dành nhiều thời gian nghĩ ngợi, hãy viết suy nghĩ của mình ra giấy. Sau đó, gạt bỏ chúng sang một bên và tận hưởng cuộc sống với những sở thích cá nhân như đọc sách, nghe nhạc, vẽ tranh,…

Hội chứng sợ thất bại (Atychiphobia) là “hòn đá” cản trở sự phát triển trong công việc cũng như cuộc sống. Vì vậy, bệnh nhân nên chủ động điều trị để có thoải mái trải nghiệm, dám đương đầu với khó khăn và thử thách. Nếu nghi ngờ bạn bè hoặc người thân mắc chứng bệnh này, bạn nên khuyến khích họ thăm khám sớm để tránh những hậu quả lâu dài.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *