Thuốc Trazodone trị trầm cảm, rối loạn lo âu có tốt không?

Trazodone thuộc nhóm thuốc chống trầm cảm không điển hình. Thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh trầm cảm, trầm cảm hỗn hợp và các dạng rối loạn lo âu. Loại thuốc này làm thay đổi nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ nên tiềm ẩn khá nhiều rủi ro và tác dụng ngoại ý bên cạnh những lợi ích mang lại.

trazodone là gì
Trazodone là thuốc gì? Có tác dụng gì?

Thông tin cần biết về thuốc Trazodone

  • Tên thuốc/ hoạt chất: Trazodone
  • Phân nhóm: Thuốc chống trầm cảm không điển hình
  • Nhóm pháp lý: Thuốc kê đơn ETC
  • Dạng bào chế: Viên nén
  • Hàm lượng: 50mg, 100mg, 150mg và 300mg

Cơ chế hoạt động của thuốc Trazodone

Thuốc Trazodone là một trong những loại thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, cơ chế thuốc không liên quan đến các nhóm như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs), thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA) hay thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs) nên được xếp vào nhóm thuốc trầm cảm không điển hình. Hiện nay, thuốc được sử dụng rất phổ biến trong điều trị các rối loạn tâm thần thường gặp.

Cơ chế chính xác của thuốc Trazodone chưa được biết rõ nhưng nhận thấy có tác dụng ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine. Loại thuốc này ra đời vào năm 1981 và đã được kỳ vọng có thể thay thế các loại thuốc cũ trong điều trị trầm cảm.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Thuốc Trazodone: Chỉ định và Chống chỉ định

Thuốc Trazodone tác động lên chất dẫn truyền thần kinh nhằm tăng nồng độ các yếu tố nội sinh trong não bộ, qua đó giảm các rối loạn về cảm xúc, tư duy và hành vi. Hiện nay, loại thuốc này được chỉ định trong điều trị nhiều bệnh lý như:

  • Các dạng rối loạn lo âu bao gồm rối loạn lo âu lan tỏa (GAD), rối loạn ám ảnh sợ xã hội, chứng nghi bệnh, rối loạn stress sau sang chấn,…
  • Trầm cảm
  • Trầm cảm hỗn hợp

Ngoài ra, thuốc Trazodone cũng được sử dụng trong điều trị các vấn đề sức khỏe khác như đau mãn tính, mất ngủ, căng thẳng,… Nếu có ý định dùng thuốc với các mục đích khác, vui lòng trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

Chống chỉ định thuốc Trazodone:

  • Nhồi máu cơ tim cấp
  • Ngộ độc thuốc ngủ
  • Ngộ độc rượu
  • Mẫn cảm, dị ứng với bất cứ thành phần nào trong thuốc

Cơ chế tác dụng của thuốc Trazodone có thể ảnh hưởng đến nhiều vấn đề sức khỏe sẵn có. Chính vì vậy, bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ tình trạng bệnh lý, tiền sử dị ứng, lịch sử dụng thuốc,… để được đánh giá nguy cơ trước khi dùng loại thuốc này.

Cách dùng và liều lượng thuốc Trazodone trị trầm cảm, rối loạn lo âu

Thuốc Trazodone được bào chế ở dạng viên nén nên được sử dụng bằng cách uống trực tiếp với nước lọc và thường được dùng sau các bữa ăn.

Về liều lượng, bác sĩ sẽ hiệu chỉnh tùy theo tình trạng sức khỏe của từng trường hợp. Tuy nhiên tương tự như các loại thuốc chống trầm cảm khác, Trazodone được dùng với liều thấp, sau đó tăng lên từ từ cho đến khi đạt được hiệu quả như mong muốn và sử dụng duy trì với liều thấp nhất có tác dụng.

Trazodone 100mg la thuốc gì
Thuốc Trazodone được sử dụng bằng đường uống và được dùng sau bữa ăn

Liều lượng sử dụng thuốc Trazodone cho người trưởng thành:

  • Liều khởi đầu: Dùng 150mg/ ngày, chia thành 2 – 3 lần uống
  • Sau 3 – 4 ngày, tăng lên 50mg cho đến khi đạt liều lượng thích hợp
  • Đối với bệnh nhân điều trị ngoại trú, không được dùng quá 400mg/ ngày và cần phải chia thành 2 – 3 lần sử dụng
  • Bệnh nhân bị trầm cảm nặng được điều trị nội trú có thể dùng tối đa 600mg/ ngày và chia thành nhiều lần uống
  • Liều duy trì: Liều duy trì thường là liều thấp nhất có hiệu quả, điều này phụ thuộc hoàn toàn vào cơ địa của từng bệnh nhân

Liều lượng thuốc Trazodone cho người suy nhược và cao tuổi:

  • Liều khởi đầu: Dùng 100mg/ ngày, chia thành 2 lần dùng
  • Sau đó, tùy theo đáp ứng và dung nạp, bác sĩ sẽ hiệu chỉnh liều lượng thích hợp
  • Đối với người cao tuổi, liều lượng thuốc Trazodone không vượt quá 300mg/ ngày

Liều lượng trên được áp dụng cho bệnh nhân bị trầm cảm, đối với điều trị rối loạn lo âu, thuốc Trazodone được dùng với liều lượng sau:

  • Liều khởi đầu 75mg/ ngày
  • Sau đó có thể tăng dần liều cho đến khi đạt liều tối đa 300mg/ ngày
  • Chia thuốc nhiều lần trong ngày hoặc dùng duy nhất 1 lần trong ngày trước khi đi ngủ
  • Chỉ sử dụng cho người lớn

Chưa có bằng chứng cho thấy thuốc Trazodone hiệu quả và an toàn với trẻ nhỏ. Do đó, thuốc chỉ được dùng cho người lớn và người cao tuổi.

Thận trọng, lưu ý trước khi dùng

Thuốc Trazodone tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương nên ảnh hưởng nhiều đến các cơ quan và những vấn đề sức khỏe sẵn có trong cơ thể. Do đó trước khi dùng loại thuốc này, bệnh nhân cần lưu ý những vấn đề sau:

Trazodone giá bao nhiều
Phụ nữ mang thai và cho con bú chỉ được sử dụng Trazodone khi lợi ích cao hơn rủi ro tiềm ẩn
  • Thận trọng khi dùng Trazodone ở những trường hợp rối loạn chuyển hóa porphyrin gây bí tiểu.
  • Trong giai đoạn đầu điều trị bằng Trazodone, bệnh nhân có thể nảy sinh ý nghĩ tự tử. Do đó khi dùng loại thuốc này, bác sĩ cần phải trao đổi với người nhà để theo sát bệnh nhân trong giai đoạn đầu dùng thuốc.
  • Sự diễn biến tâm lý ở bệnh nhân trầm cảm, rối loạn lo âu khi dùng thuốc rất phức tạp. Vì vậy, bệnh nhân cần phải được theo dõi sát sao để tránh những rủi ro và tình huống ngoài ý muốn.
  • Với bệnh nhân động kinh, bác sĩ sẽ hạn chế tối đa việc tăng hoặc giảm liều đột ngột. Ngoài ra, cần thận trọng khi dùng thuốc nếu bị suy gan và suy thận nặng.
  • Bệnh nhân có các vấn đề tim mạch thường không được chỉ định dùng Trazodone do nguy cơ cao. Tuy nhiên trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc để ngăn chặn ý nghĩ và hành vi tự sát ở người bệnh.
  • Thuốc Trazodone có thể gây ra tình trạng vàng da. Hầu hết những trường hợp này đều phải ngưng điều trị.
  • Khi dùng thuốc Trazodone cho bệnh nhân rối loạn lưỡng cực, trầm cảm có thể chuyển sang giai đoạn hưng cảm. Do đó, bệnh nhân và người nhà cần được hướng dẫn về cách nhận biết hưng cảm để kịp thời thông báo với bác sĩ.
  • Với bệnh nhân trầm cảm kèm triệu chứng loạn thần, thuốc Trazodone có thể làm nghiêm trọng các triệu chứng này.
  • Thuốc Trazodone có thể gây lệ thuộc. Do đó, buộc phải giảm liều từ từ trước khi ngưng hẳn thuốc. Nếu ngưng đột ngột, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng cai thuốc như khó chịu, nhức đầu và buồn nôn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn không có đủ bằng chứng cho thấy thuốc Trazodone có thể gây nghiện.
  • Dù khá hiếm gặp nhưng nếu mắc hội chứng không dung nạp galactose, kém hấp thu glucose galactose và thiếu Lapp lactase, bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ vì người mắc phải các hội chứng này thường không được dùng thuốc Trazodone.
  • Thuốc Trazodone không được dùng cho người dưới 18 tuổi. Với phụ nữ mang thai và cho con bú, bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ và lợi ích mang lại để xem xét có nên sử dụng loại thuốc này hay không.
  • Tương tự như các loại thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương khác, Trazodone có thể gây chóng mặt, buồn ngủ và mờ mắt. Do đó, bệnh nhân chỉ nên lái xe, vận hành máy móc và đưa ra những quyết định quan trọng khi thật sự tỉnh táo.

Tác dụng phụ của thuốc Trazodone

Thuốc Trazodone gây ra rất nhiều tác dụng phụ khi sử dụng – đặc biệt là vào thời gian đầu. Khi gặp phải tác dụng ngoại ý, bệnh nhân cần thông báo ngay với bác sĩ hoặc đến bệnh viện cấp cứu để được xử trí kịp thời.

Trazodone giá bao nhiều
Trong thời gian dùng thuốc, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng buồn nôn, nôn mửa, táo bón,…

Các tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc Trazodone điều trị trầm cảm và rối loạn lo âu:

  • Phản ứng dị ứng: Khó thở, sưng lưỡi, họng, môi, mặt, phát ban, nổi mề đay,…
  • Dương vật cương cứng hơn 6 giờ và đau đớn
  • Buồn nôn, mất ngủ, khô miệng, hoa mắt, mờ mắt, táo bón, mệt mỏi, kích thích,…
  • Làm nghiêm trọng hơn các triệu chứng sẵn có như khó ngủ, hoảng loạn, lo lắng, hành vi và tâm trạng không ổn định, hưng phấn, kích động, thù địch, nảy sinh ý nghĩ và hành vi tự hại hoặc tự sát.
  • Tim đập nhanh, ngất xỉu, đau đầu, chóng mặt
  • Tâm trạng giảm thấp hoặc nâng cao quá mức
  • Chảy máu, dễ bầm tím
  • Sốt cao, run, cứng cơ, xuất hiện các cơn vắng ý thức,…
  • Mất phối hợp, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, kích động, ảo giác,…

Ngoài những triệu chứng trên, bệnh nhân cũng có thể gặp phải một số tác dụng phụ khác. Khi nhận thấy các biểu hiện bất thường, nên thông báo ngay với bác sĩ để được hướng dẫn cách xử trí.

Tương tác thuốc

Tương tác thuốc có thể xảy ra khi dùng Trazodone. Để phòng ngừa tình trạng này, bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ lịch sử dùng thuốc trong vòng 14 – 21 ngày và hỏi ý kiến bác sĩ nếu có ý định sử dụng kết hợp với thuốc, viên uống bổ sung vitamin, khoáng chất và TPCN hỗ trợ chữa rối loạn lo âu, trầm cảm.

Dưới đây là một số loại thuốc thường gặp có thể tương tác với thuốc Trazodone:

  • Các loại thuốc chống viêm, giảm đau như Diclofenac, Naproxen, Ibuprofen, Aspirin, Etodolac, Nabumeton, Piroxicam, Indomethacin,…
  • Thuốc chống co giật, thuốc ngủ, thuốc giảm đau có chất gây nghiện, thuốc an thần, thuốc chống dị ứng,…
  • Các loại thuốc chống trầm cảm khác như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs), thuốc ức chế monoamin oxydase (MAOI), thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA),…
  • Digoxin
  • Thuốc kháng sinh như Pentamidine, Clarithromycin, Erythromycin, Levofloxacin,…
  • Thuốc kháng nấm Voriconazole, Ketoconazole,…
  • Thuốc chống sốt rét như Mefloquine, Chloroquine,…
  • Thuốc điều trị HIV/ AIDS như Indinavir, Ritonavir, Fosamprenavir,…
  • Methadone
  • Sumatriptan
  • Thuốc chống loạn nhịp tim như Disopyramide, Amiodarone, Quinidine, Procainamide,…
  • Thuốc chống co giật như Phenytoin, Carbamazepine,…

Ngoài những loại thuốc này, Trazodone cũng có thể tương tác với các loại thuốc khác. Tùy theo mức độ tương tác, bác sĩ có thể giảm/ tăng liều hoặc thay thế loại thuốc mới.

Quá liều và cách xử trí

Sử dụng thuốc Trazodone quá liều khuyến cáo có thể gây buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt và buồn nôn. Những trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp, co giật, hạ huyết, nhịp tim nhanh, hôn mê,… Các triệu chứng này thường chỉ xuất hiện sau 24 giờ dùng thuốc. Vì vậy ngay khi nhận biết dùng thuốc quá liều, bệnh nhân nên đến ngay bệnh viện để được kiểm tra và xử trí.

Vì không có thuốc giải độc đặc hiệu đối với Trazodone nên những trường hợp quá liều thường được dùng than hoạt tính và rửa dạ dày nếu phát hiện sớm trong vòng 1 giờ sau khi uống. Với những bệnh nhân đã phát sinh triệu chứng, bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng lâm sàng để điều trị.

Thuốc Trazodone điều trị trầm cảm, rối loạn lo âu có tốt không?

Trazodone là một trong những loại thuốc được dùng phổ biến trong điều trị trầm cảm, rối loạn lo âu và một số rối loạn tâm thần khác. Tương tự như các loại thuốc chống trầm cảm khác, thuốc tác động đến quá trình tái hấp thu chất dẫn truyền thần kinh nhằm nâng cao nồng độ norepinephrine và serotonin trong não bộ. Qua đó giúp cải thiện các triệu chứng trầm cảm và rối loạn lo âu như buồn bã, chán nản, lo lắng, căng thẳng, mất ngủ, khó ngủ,…

Hiện tại, hầu hết các loại thuốc điều trị trầm cảm và rối loạn lo âu bao gồm cả Trazodone đều có nhiều hạn chế. Mức độ đáp ứng với thuốc ở từng bệnh nhân là hoàn toàn khác nhau. Do đó, người mắc các chứng bệnh này thường phải thay đổi nhiều loại thuốc cho đến khi tìm được loại thích hợp nhất. Trong một số trường hợp, Trazodone có thể không mang lại cải thiện rõ rệt do đáp ứng kém. Tuy nhiên về cơ bản, loại thuốc này có thể giảm các triệu chứng của trầm cảm và rối loạn lo âu tương đối rõ rệt.

Vì tác động lên hệ thần kinh trung ương nên Trazodone chỉ được sử dụng theo toa của bác sĩ. Do đó, bác sĩ sẽ xem xét tình trạng sức khỏe, độ tuổi và mức độ đáp ứng để lựa chọn cho bệnh nhân loại thuốc thích hợp nhất.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ người mắc chứng trầm cảm, rối loạn lo âu tăng lên và có xu hướng trẻ hóa. Tuy nhiên, căn nguyên của các bệnh lý này chưa rõ ràng nên điều trị còn nhiều thách thức và khó khăn. Vì vậy, bệnh nhân cũng nên kết hợp với lối sống khoa học và các biện pháp hỗ trợ để tránh phụ thuộc quá mức vào thuốc.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Thuốc Trazodone có giá bao nhiêu?

Thuốc Trazodone chỉ được sử dụng khi có toa của bác sĩ và chủ yếu bán tại quầy thuốc của bệnh viện. Tuy nhiên hiện nay, một số nhà thuốc tư nhân cũng có bán Trazodone 100mg của thương hiệu Teva với giá 2 triệu đồng/ hộp 500 viên và giá bán lẻ là 4.000 đồng/ viên.

Thuốc Trazodone được sử dụng phổ biến trong điều trị trầm cảm, rối loạn lo âu. Bên cạnh những lợi ích mang lại, loại thuốc này gây ra khá nhiều tác dụng phụ và rủi ro. Do đó, bệnh nhân chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định và cần dùng đúng cách liều lượng, thời gian quy định.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *