Trầm cảm khi đi du học: Nỗi lo của cả học sinh và phụ huynh
Trầm cảm khi đi du học là một trong những nỗi lo của các phụ huynh khi có con đi học xa xứ. Nỗi cô đơn khi phải sống ở đất khách quê người; những áp lực về học tập, chi tiêu; chế độ sinh hoạt kém khoa học, không hòa hợp được với môi trường mới làm hình thành cảm xúc cô độc, chán nản, tuyệt vọng và dẫn tới căn bệnh tâm lý này.
Hiểu hơn về trầm cảm khi đi du học
Được đi du học là một trong những niềm tự hào của rất nhiều người bởi nó vừa chứng tỏ năng lực của bản thân, vừa được khám phá thế giới rộng mở ngoài kia, điều mà không phải ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên song song đó cũng luôn tồn tại rất nhiều vấn đề, chẳng hạn như chi phí, sức khỏe, nơi ăn ở, con người nơi đó khiến các du học sinh và gia đình đều vô cùng lo lắng.
Một số thống kê gần đây cho thấy, tỷ lệ người bị trầm cảm khi đi du học cũng là một con số đáng báo động, không nên xem nhẹ. Rất nhiều học sinh khi ở nhà vốn là người nhanh nhẹn, tươi vui, hoạt bát nhưng sau một thời gian xa gia đình lại có xu hướng bất ổn về tâm lý, luôn trong trạng thái buồn bã, mất tinh thần, khóc lóc liên tục khi gọi về nhà.
Rất nhiều trường hợp cha mẹ phải vội vàng đón con về nhà vì con có những biểu hiện bất thường về tâm lý nhưng lại không có ai đáng tin tưởng để hỗ trợ nhờ cậy. Tuy nhiên không phải học sinh nào cũng chia sẻ với gia đình mà sẽ chịu đựng, tự gồng mình đấu tranh với những đau khổ của bản thân cho tới thời điểm các cảm xúc tiêu cực vượt quá giới hạn của bản thân và bùng nổ.
Đáng buồn hơn, nhiều người phát hiện bản thân có dấu hiệu trầm cảm khi đi du học nhưng lại không dám khám, không dám báo với cha mẹ hay về nhà vì sợ tốn kém chi phí, vì sợ bị những người xung quanh đánh giá. Những áp lực mà các du học sinh mang khiến chính họ tự nhấn chìm bản thân xuống những vực thẳm của tiêu cực.
Thực tế bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của trầm cảm, không giới hạn nơi ở, nghề nghiệp, giới tính, trình độ học vấn. Bởi con người ai cũng có những khó khăn, đau khổ riêng, ai cũng có những cảm xúc tiêu cực xấu xí, chỉ là cách chúng ta vượt qua như thế nào. Những du học sinh khi chưa chuẩn bị kỹ hành trang khi đi xa, không thể hài hòa được mọi thứ thì sẽ rất dễ bị trầm cảm.
Biểu hiện trầm cảm ở du học sinh
Trầm cảm vốn đã không dễ dàng nhận biết nhưng nếu nó xuất hiện trên các du học sinh lại càng khó để phát hiện hơn. Nguyên do một phần là do không có gia đình ở bên cạnh nên nếu không có bạn bè hay người thân thiết trò chuyện, tâm sự trực tiếp sẽ khó nhìn nhận được hết những bất thường ở du học sinh hoặc cũng chỉ động viên được qua màn hình điện thoại.
Ngoài ra nhiều người cũng mặc định việc du học sinh có nỗi lo hay cảm thấy cô đơn, muốn khóc là bình thường có thể do họ nhớ nhà hay mệt mỏi nên cũng chỉ khuyên nhủ chứ không thực sự suy nghĩ sâu xa đến các vấn đề khác. Những cảm xúc tiêu cực, bất ổn của người bệnh cứ lớn dần và xâm lấn toàn bộ suy nghĩ, cảm giác hạnh phúc của người đó.
Một số biểu hiện của người bị trầm cảm khi đi du học như
- Cảm thấy buồn bã, lo lắng, sợ hãi khi đến ngày mai
- Khí sắc u buồn, chán nản được biểu hiện trên các hành vi, lời nói, hoạt động của người
- Cảm thấy hối hận vì quyết định đi du học, luôn trong trạng thái dằn vặt, tội lỗi
- Cảm thấy bản thân là gánh nặng, luôn tự trách chính mình
- Trầm cảm ở du học sinh khiến việc học tập sa sút nghiêm trọng, điểm số tụt dốc không phanh
- Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ, ngủ không sâu, thường dễ gặp ác mộng
- Ăn uống không ngon dẫn tới cơ thể xanh xao, suy nhược, sụt cân nghiêm trọng. Tuy nhiên một số cũng có xu hướng ăn quá mức khi bị stress căng thẳng dẫn tới tăng cân đột ngột
- Dần ít cuộc gọi về cho gia đình, cha mẹ hoặc các cuộc gọi ngắn vì những người trầm cảm lo lắng bản thân không thể kiểm soát được cảm xúc nên thường tắt cuộc gọi sớm
- Người trầm cảm khi đi du học có thể có xu hướng cô lập bản thân, không muốn ra ngoài, chỉ muốn trốn trong nhà, không giao tiếp hay liên hệ với ai
- Sử dụng bia rượu, thuốc lá hay các chất kích thích khác để giải tỏa cảm xúc lo lắng, căng thẳng
- Tính tình thay đổi theo hướng tiêu cực, bốc đồng hơn, dễ bùng phát khi tranh cãi, dễ xung đột với những người xung quanh chẳng hạn như đồng nghiệp hay bạn cùng phòng
- Cảm thấy bực bội, khó chịu với mọi thứ, để cả sự hỏi han từ cha mẹ
- Không muốn làm gì hết, không điều gì có thể đem lại hứng thú cho các du học sinh bị trầm cảm, kể cả những điều mà trước kia họ từng rất thích
- Cảm thấy cô độc, tự tách biệt với bản thân, mọi hoạt động xung quanh đều khiến họ thấy khó chịu, thậm chí cảm thấy phiền hà và tức giận
- Có xu hướng tự làm hại bản thân hoặc tự sát
Nguyên nhân gây trầm cảm khi đi du học
Du học là một quyết định lớn, không hề dễ dàng và đơn giản. Ngay chỉ như việc chuyển đến một thành phố lớn cách chỉ 200km cũng đã có thể gây ra stress ở sinh viên thì việc đến một đất nước xa lạ hoàn toàn, không dùng ngôn ngữ mẹ đẻ, không có bất cứ ai quen biết khiến cho các du học sinh bị trầm cảm cũng không quá bất ngờ.
Bắt đầu đi du học, chắc chắn ai cũng cảm thấy cực kỳ hồ hởi, háo hức, hi vọng về một tương lai tươi đẹp, được ngắm cảnh vật lạ ngày càng tan biến, thay vào đó là những suy nghĩ tiêu cực và mong mỏii được về nhà. Trầm cảm khi đi du học chính là bắt đầu từ những cảm xúc này. Nguyên nhân gây ra trạng thái này được cho là có liên quan đến các yếu tố sau
Áp lực về tài chính
Áp lực về tài chính cũng là một trong những nguyên do lớn gây trầm cảm ở du học sinh. Trừ những trường hợp có gia đình khá giả có thể lo toàn bộ chi phí cho con còn hầu hết các du học sinh đều phải đi làm thêm để phụ một phần nào đó chi tiêu đắt đỏ nơi đất khách quê người. Thậm chí nhiều du học sinh phải đi làm thêm để gửi tiền cho gia đình để trả các phí cần để có thể du học trước đó.
Áp lực về chi phí sinh hoạt, tiền học, tiền phải gửi về khiến các du học sinh thậm chí không có thời gian để nghỉ ngơi, lúc nào cũng suy nghĩ đến việc làm thêm, làm sao để có thể kiếm thêm nhiều tiền. Chưa kể việc chi tiêu ở các đất nước khác như Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc thường đắt đỏ hơn tại Việt Nam gấp nhiều lần khiến họ tiêu xài gì cũng phải cân đo đong đếm thật kỹ.
Chính gánh nặng tài chính khiến rất nhiều người trầm cảm khi đi du học. Có những du học sinh không dám ăn uống nhiều, không dám mua đồ cho bản thân, không dám gặp gỡ bạn bè vì lo sẽ tốn nhiều tiền. Nỗi lo tài chính khiến học sinh không được thỏa mãn các nhu cầu cá nhân nên rất dễ dẫn đến căng thẳng, ức chế tâm lý và mệt mỏi với cuộc sống hiện tại.
Không hòa hợp được với môi trường mới
Đến một đất nước xa lạ với nhiệt độ khác biệt hoàn toàn, cảnh vật hoàn toàn xa lạ, văn hóa trái ngược hoàn toàn có thể khiến những du học sinh choáng ngợp. Tất nhiên trước khi đi du học, ai cũng đã tìm hiểu về các vấn đề này, tuy nhiên khi đã trải nghiệm thực tế thì mới cảm nhận được hết những khác biệt, điều này có thể khiến các du học sinh ngỡ ngàng và hụt hẫng.
Chẳng hạn khi Nhật Bản thường được ca tụng đất nước văn minh, phát triển, lương bổng cao, tuy nhiên nhiều du học sinh sau thời gian sinh sống lại cảm thấy ngột ngạt vì có quá nhiều nguyên tắc khắt khe và lạ kỳ. Có những câu chuyện kể về việc nếu bạn vô tình nhìn hoặc chạmchạm vào cây hồng của một gia đình người Nhật thì hôm sau có thể họ đã chặt cây đó đi để không bị làm phiền.
Rất nhiều người trầm cảm khi đi du học do những thay đổi quá lớn về cách sống cho dù họ đã chuẩn bị trước. Bạn thích ăn ngọt trong khi đến một đất nước chỉ ăn cay, bạn sợ lạnh nhưng nơi đó mùa đông có thể xuống tới 7ºC, khung giờ sinh hoạt tại đó khác biệt với những gì bạn đã làm suốt 18 năm qua, tất cả đều có thể khiến bạn rơi vào trầm cảm lúc nào không hay.
Trầm cảm khi đi du học do cô đơn
Khi đi du học chắc chắn không ai là không tránh khỏi cảm giác cô đơn. Chẳng hạn những ngày lễ tết, thấy hình ảnh gia đình, bạn bè thân thiết đang tụ họp trong khi bản thân chỉ có một mình lủi thủi, phải đi làm khiến ai cũng không tránh khỏi cảm giác tủi thân. Chưa kể những người có tính cách hướng nội cũng thường phải tốn rất nhiều thời gian để tìm kiếm được người bạn thân thiết.
Sự cô đơn nghe tưởng chừng rất bình thường nhưng lại vô cùng đáng sợ với du học sinh bởi họ chẳng biết đi đâu, chẳng biết chia sẻ cùng ai, muốn về nhà nhưng lại không thể. Những lúc đau ốm cũng không ai bên cạnh càng khiến họ thấm thía nỗi đáng sợ của cô đơn. Hạnh phúc, niềm vui của mỗi người dần bị cô đơn gặm nhấm khiến họ chết dần chết mòn.
Nhiều người vì quá cô đơn nơi đất khách nên cũng có những hành vi sai lầm, chẳng hạn yêu đại một ai đó cho vơi bớt cảm giác cô đơn. Tuy nhiên tình cảm lại là thứ không thể cưỡng cầu, không thể “chọn đại”, vô tình điều này càng khiến họ tổn thương sâu sắc hơn, cho rằng mình “cô độc nhất thế gian, không ai hiểu mình” dẫn tới trầm cảm khi đi du học.
Áp lực về việc học
Nhiều du học sinh mới qua chưa rành về ngôn ngữ, không có sự hỗ trợ từ giáo viên hay bạn bè có thể có cảm giác bị cô lập. Nhiều người ở Việt Nam dù có năng lực học rất tốt nhưng khi qua trường mới chưa thích nghi được, không hiểu những điều thầy cô giảng dạy, không thể tiếp thu được các kiến thức trong khi những bạn bè khác quá năng nổ nên thường thấy xấu hổ, tự ti về bản thân.
Nhiều du học sinh vừa phải áp lực về việc kiếm tiền nhưng vẫn phải đảm bảo có kết quả học tập tốt nhất khiến họ cảm thấy kiệt sức. Họ lo lắng nếu bản thân xếp chót sẽ bị mọi người đánh giá, chưa kể những áp lực từ gia đình khiến họ loay hoay không biết xoay sở thế nào. Đặc biệt trong những tháng đầu du học, những cảm xúc tiêu cực này hầu như xuất hiện ở mọi sinh viên.
Nhiều sinh viên rơi vào trầm cảm khi đi du học bởi chương trình học quá nặng nề, thậm chí sau mỗi kỳ thi có những người sút đến vài ký vì học quá sức. Nỗi ám ảnh không đạt yêu cầu của trường, phải thi lại trong khi chưa hiểu hết những kiến thức mà thầy cô truyền đạt khiến các du học sinh lo đến mất ăn mất ngủ, sa sút cả về thể chất lẫn tinh thần.
Xung đột với bạn bè
Có những du học sinh nỗi ám ảnh của họ không phải là lịch học hay công việc mà chính là bạn cùng phòng. Thường khi đi học học, các du học sinh sẽ được sắp xếp ở ghép, ở kí túc xá của trường. Tuy nhiên không phải lúc nào việc chung sống này cũng được hòa bình, việc xảy ra các xung đột là một điều hiển nhiên nhưng việc tách ra lại có nhiều rắc rối buộc họ phải chịu đựng.
Nhiều người chia sẻ, họ mắc trầm cảm khi đi du học chính bởi ám ảnh từ người bạn sống cùng. Bạn cùng phòng đưa người yêu về, quá bừa bộn, không biết dọn vệ sinh, luôn ồn ào, tính cách ích kỷ khiến họ luôn cảm thấy sợ hãi khi về nhà. Dù vậy nếu chuyển ra lại tốn quá nhiều chi phí, việc chịu đựng trong thời gian dài khiến tâm lý họ ức chế, tiêu cực và có thể kích động bất cứ lúc nào.
Một số nguyên nhân khác
Trầm cảm ở du học sinh thực tế được hình thành từ vô vàn các nguyên nhân chứ không chỉ một. Những yếu tố tiêu cực khi không được giải quyết và loại bỏ sẽ dần tích tụ giống như một ngọn núi lửa sắp phun trào. Tâm trí con người không phải là một cái hố sâu không đáy mà chúng ta có thể cất giấu được mọi nỗi buồn. Do đó khi các cảm xúc tiêu cực này được phát tán sẽ rất nghiêm trọng.
Một số yếu tố khác có liên quan trực tiếp đến nguyên nhân gây trầm cảm khi đi du học như
- Tính cách: những người hướng nội, ít nói, ít thích giao tiếp với bạn bè, ít có xu hướng chia sẻ với người khác thường có xu hướng cao dễ bị trầm cảm khi đi du học hơn bởi họ không tìm kiếm được những người đồng cảm có thể giải tỏa được các nhu cầu cá nhân.
- Chưa chuẩn bị kỹ về mọi mặt: nhiều người nghĩ đi du học cũng chỉ đơn giản như việc đi học đại học bình thường nhưng sự thật nó có rất nhiều vấn đề cần lo lắng. Nhiều người có ý tưởng du học đột ngột nên chưa có sự chuẩn kỹ về tinh thần, sức khỏe cùng các vấn đề khác dẫn tới những “cú sốc tâm lý” khi đến một vùng đất mới.
- Các vấn đề tình cảm: yêu xa, chia tay hoặc những vấn đề tình cảm hoàn toàn có thể chính là nguyên nhân khiến rất nhiều du học sinh rơi vào trầm cảm. Khi đến một vùng đất xa lạ, nhiều người muốn phụ thuộc vào một ai đó, điều này khiến họ cảm thấy an toàn và được bảo vệ nên khi tình cảm đó đột ngột biến mất khiến họ cảm thấy cô độc, thiếu an toàn, hoang mang, tuyệt vọng với tất cả.
- Các vấn đề sức khỏe: trầm cảm khi đi du học cũng xuất hiện ở những người thường xuyên ốm yếu, mệt mỏi do không phù hợp với khí hậu, ăn uống không hợp, làm việc quá sức. Nhiều người sau khi đi du học bị sụt cân đáng kể, tinh thần cũng uể oải, chán nản, sa sút hơn với trước kia rất nhiều.
- Áp lực về gia đình: nhiều người đi du học vì gia đình bắt ép trong khi không hề mong muốn, không có hứng thú với chuyên ngành đang theo đuổi. Hoặc một số gia đình cũng vay mượn một số tiền lớn để cho con đi du học sau đó có xu hướng than vãn tạo áp lực khiến con phải nhanh chóng gửi tiền về để trả nợ. Tất cả những điều này đều khiến các du học sinh cảm thấy mệt mỏi, chán nản với tất cả mọi thứ.
- Lối sống kém khoa học: Trầm cảm khi đi du học cũng có thể bắt nguồn từ lối sống kém khoa học, ăn uống thiếu chất, ngủ không đủ giấc, không dành thời gian cho bản thân, không biết cách giao tiếp hay kết bạn với người khác..
- Bị phân biệt đối xử: dù không phải là nguyên nhân bổ biến nhưng một số người khi đến du học tại các đất nước khác cũng bị phân biệt đối xử, màu da dẫn tới bị cô lập, không kiếm được công việc, bị coi thường, hạ thấp làm tự trọng.. Tình trạng này cũng làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm khi đi du học.
- Không thể tự chăm sóc bản thân: nhiều người khi ở nhà đã quen với việc được cha mẹ chăm sóc. làm cho mọi thứ từ nấu cơm, giặt giũ, đưa đón đi học, quét dọn nhà cửa.. Do đó khi đi du học, không có ai bên cạnh hỗ trợ, phải tự làm tất cả mọi thứ khiến những du học sinh bối rối, hoang mang, cảm thấy bế tắc.
Trầm cảm khi đi du học cùng những hệ lụy khó lường
Trầm cảm vốn đã là một căn bệnh nguy hiểm, có thể tác động nghiêm trọng đến cả thể chất lẫn tinh thần của mỗi người nếu không sớm được điều trị. Đặc biệt do những du học sinh thường ở rất xa gia đình, ít bạn bè thân thiết, nhất là với những người mới qua nên thường được phát hiện và điều trị rất muộn gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực không mong muốn cho những học sinh này.
Nếu thường xuyên cập nhật các kênh thông tin du học nước ngoài sẽ không ít lần bạn thấy thông tin về việc các du học sinh tự tử, mắc bệnh tâm thần khi về nhà. Nguy hiểm hơn là tình trạng nhiều người bị trầm cảm không kiểm soát được cảm xúc của bản thân nên có thể bộc phát các hành vi bốc đồng, chẳng hạn như tấn công người khác nếu bị kích thích.
Nhiều người mắc trầm cảm khi đi du học nhưng lại không dám báo cho gia đình vì sợ bị la mắng, sợ tốn kém chi phí, cảm thấy tiếc thời gian nên cố gắng trụ lại nơi đất khách, tự chịu đựng một mình mà không tìm ai giúp đỡ. Nhưng cảm xúc của con người không phải là thứ có thể dấu diếm được và chỉ đợi một thời điểm nào đó sẽ bùng nổ như một trái bom nổ chậm.
Trầm cảm khi đi du học nên làm gì?
Điều quan trọng với người bị trầm cảm khi đi du học chính là cần nhận thức được các vấn đề của bản thân, tìm kiếm sự giúp đỡ bởi ở nơi đất khách quê người không phải lúc nào cũng có người bên cạnh hỗ trợ. Không phải gia đình nào cũng hiểu về các bệnh tâm lý nhưng khi họ thấy có con những hành vi, lời nói bất ổn cũng sẽ nhanh chóng phát hiện và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đơn vị du học.
Điều trị chuyên môn
Trầm cảm ở du học sinh cần được gặp các bác sĩ tâm thần hay các chuyên gia tâm lý để thực hiện các kiểm tra, làm các bài test để xác định chính xác tình trạng của từng người. Bác sĩ cần nói chuyện trực tiếp với từng bệnh nhân để xác định các dấu hiệu, thông qua đó mới đưa ra các liệu trình điều trị thích hợp nhất.
Việc dùng thuốc điều trị trầm cảm thường không giúp điều trị hoàn toàn bệnh, tuy nhiên có thể giúp ích trong việc cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm các hành vi tiêu cực, ổn định cảm xúc, cân bằng các hóa chất trong não bộ. Thuốc có thể chỉ định dùng duy trì trong khoảng 6 tháng để cân bằng hoàn toàn các yếu tố sinh hóa. Rất nhiều người trầm cảm khi đi du học đã có những tiến triển tốt hơn khi dùng thuốc.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc dùng thuốc với bệnh trầm cảm luôn kèm theo nhiều hệ lụy không mong muốn, chẳng hạn uể oải, mệt mỏi, buồn ngủ nhiều hơn, đặc biệt nếu phải dùng trong thời gian dài. Do đó các liệu pháp trị liệu chăm sóc tâm lý để phục hồi sức khỏe tinh thần là biện pháp được hướng tới rất nhiều hiện nay vì vừa hiệu quả, vừa không gây ra các tác dụng phụ.
Nhà trị liệu sẽ thông qua trò chuyện để nắm bắt được tâm lý của bệnh nhân, hiểu rõ gốc rễ của vấn đề nỗi buồn để đưa ra hướng hỗ trợ cho từng người. Trị liệu hành vi nhận thức được đánh giá có thể mang đến nhiều lợi ích nhất, giúp người bệnh trầm cảm nhìn nhận rõ vấn đề vướng mắc của bản thân, thay thế những cảm xúc tiêu cực bằng những nhận thức tích cực hơn.
Có những người bị trầm cảm khi đi du học sau khi trò chuyện với nhà trị liệu đã tìm thấy được sự đồng cảm, thấu hiểu, dần cởi mở hơn, chấp nhận những thiếu sót của mình và dần thoảioải mái hơn trong mọi thứ. Quan trọng nhất vẫn là người bệnh trầm cảm cần phải trung thực khui chia sẻ các vấn đề của bản thân thì nhà trị liệu mới đưa ra được hướng giải quyết đúng đắn.
Khi người bệnh đã học được cách nhìn nhận vấn đề một cách tích cực, buông bỏ những thứ không đáng, hướng tới những giá trị tốt đẹp cho bản thân thì các trạng thái tiêu cực, tuyệt vọng cũng dần biến mất, người bệnh có thể hòa nhập dần với cuộc sống thường ngày.
Tự chăm sóc và điều trị
Để vượt qua trầm cảm, người bệnh không chỉ thể phụ thuộc vào bác sĩ, thuốc hay nhà trị liệu mà cần tự giúp chính mình. Thực tế trầm cảm là một vấn đề cá nhân, các biện pháp điều trị xung quanh cũng chỉ mang tính chất hỗ trợ phần nào. Nếu bản thân người bệnh không tự chủ động quyết tâm cố gắng thì dù có dùng bao nhiêu thuốc, gặp gỡ bao nhiêu nhà trị liệu cũng không thể phục hồi.
Điều quan trọng hơn hết do những du học sinh bị trầm cảm thường sống xa gia đình nên thời điểm này rất cần phải có người bên cạnh hỗ trợ để tránh việc người bệnh có các suy nghĩ bốc đồng bộc phát. Do đó thường nhà trường hay các trung tâm du học khi biết thông tin thường sẽ cố gắng sắp xếp người ở cùng những du học sinh bị trầm cảm cho tới tình trạng có phần được cải thiện.
Một số biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp ích cho người bị trầm cảm khi đi du học như
- Gặp gỡ và tuân thủ đầy đủ các chỉ định của bác sĩ, chuyên gia trong suốt thời gian điều trị
- Duy trì giấc ngủ ổn định đúng với giấc ngủ tự nhiên
- Tạo thói quen luyện tập thể dục thể thao hằng ngày để nâng cao cả thể chất lẫn tinh thần
- Thiền nguyện có thể giúp người trầm cảm học cách thanh lọc tâm trí, kiểm soát cảm xúc căng thẳng, nâng cao chất lượng giấc ngủ nên rất có ích
- Chia sẻ cảm xúc của bản thân với những người đáng tin cậy, chẳng hạn gia đình, bạn bè…. Bạn hoàn toàn có thể liên lạc qua điện thoại, thông qua Facebook, Zalo..
- Tránh xa căng thẳng, tạo điều kiện cho bản thân nghỉ ngơi để phục hồi tốt nhất
- Hướng bản thân đến các hoạt động tích cực, thư giãn, chẳng hạn như đi ăn uống, đi tham quan ở đâu đó
- Do là du học sinh nên vẫn phải tham gia đầy đủ việc học. Người bị trầm cảm khi đi du học cũng có thể cân nhắc đến việc thông báo, trao đổi với nhà trường về tình trạng của bản thân để nhận được sự hỗ trợ về mặt học tập
- Trao đổi những vấn đề gây lo lắng với các đơn vị du học ( nếu đi qua các công ty trung gian) hoặc trực tiếp với nhà trường. Chẳng hạn nếu bạn căng thẳng, áp lực bởi không theo kịp bạn bè, không hiểu thầy cô nói gì có thể trao đổi để xin thêm tài liệu hoặc có người hướng dẫn để bắt kịp tiến độ so với bạn bè
- Tham gia các dịch vụ tư vấn cho sinh viên. Hầu hết các trường học ở nước ngoại hiện nay đều khá chú trọng và đưa các dịch vụ này vào trong trường để phòng tránh nguy cơ trầm cảm ở du học sinh hay các sinh viên đang theo học. Nếu bạn lo lắng về chi phí cũng có thể xem xét các dịch vụ này.
- Bổ sung chế độ dinh dưỡng khoa học, ưu tiên các nhóm thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe như các loại hạt, rau xanh, trái cây. Hạn chế sử dụng quá nhiều các loại đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên nấu nhiều lần, đồ ăn quá nhiều gia vị
- Không sử dụng bia rượu, thuốc lá hay bất cứ các chất kích thích nào
- Thừa nhận lỗi lầm của bản thân và tìm cách khắc phục thay vì chỉ ở yên một chỗ và than vãn. Chẳng hạn nếu lo lắng về việc không theo kịp bạn bè thì có thể dành nhiều thời gian hơn để học tiếng hoặc lo lắng về tài chính có thể tìm thêm các công việc online, chẳng hạn như phiên dịch..
- Học cách mở lòng và kết bạn với những người xung quanh. Ở nơi đất khách quê người khi có một người bạn tốt, có thể cùng sẻ chia mỗi ngày chắc chắn sẽ giúp trái tim bạn được sưởi ấm phần nào.
- Xét xét các yếu tố, có thể bảo lưu việc học để về nước cùng gia đình bởi sức khỏe và sự hạnh phúc của bạn mới chính là thứ quan trọng nhất.
Làm thế nào để phòng tránh nguy cơ trầm cảm khi đi du học?
Mỗi quyết định của chúng ta đều đưa cuộc đời đi theo hướng khác nhau và chính chúng ta phải là người chịu trách nhiệm với chính những điều đó. Trầm cảm khi đi du học luôn là điều không ai nghĩ tới vì thường tin rằng phải rất đau khổ, chấn thương, căng thẳng kéo dài mới có thể mắc các bệnh tâm lý.
Bước sang một vùng đất mới, luôn có rất nhiều vấn đề phát sinh mà không ai lường trước được, kể cả khi bạn cho rằng mình luôn sẵn sàng, luôn thoải mái, dễ dàng thích nghi với những điều mới. Tuy nhiên việc bạn thay đổi cách nhìn nhận và có sự chuẩn bị từ trước vẫn có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh lý này phần nào. Cụ thể
- Học cách chăm sóc bản thân, nấu những món ăn cơ bản, dọn dẹp nhà cửa.. ngay từ khi còn ở nhà.
- Tìm hiểu về ẩm thực, văn hóa của đất nước sắp tới trên sách báo hoặc từ chính các du học sinh tại đó. Hiện nay trên Facebook hoặc các trang mạng xã hội khác thường có các hội nhóm du học sinh ở các nước, bạn có thể tham khảo để kết bạn hoặc hiểu rõ hơn về những nơi này
- Học vững các ngôn ngữ trước khi chính thức đi du học, đặc biệt tham khảo thêm cả các từ chuyên ngành để tránh bị bỡ ngỡ khi bước vào giảng đường
- Học cách kết bạn, điều này cực kỳ quan trọng với các du học sinh khi đến nơi đất khách quê người. Tại mối quan hệ với bạn cùng phòng hay bạn đại học là rất cần thiết để có thể hỗ trợ nhau về mọi mặt và có người chia sẻ, đồng hành vượt qua những khó khăn. Hoặc bạn cũng có thể tìm kiếm bạn bè tại các hội nhóm đồng hương trong khu vực đó
- Trao đổi trước với các đơn vị hỗ trợ du học để hiểu hơn về khu vực sắp tới. Trong trường hợp gặp bất cứ khó khăn nào bạn cũng nên liên hệ trực tiếp với các đơn vị này để được hỗ trợ, đặc biệt nếu trầm cảm khi đi du học
- Cân bằng giữa việc học – việc làm đồng thời vẫn dành thời gian để nghỉ ngơi, khám phá xung quanh
- Dành thời gian gọi điện và trao đổi nhiều hơn với gia đình, bạn bè, chắc chắn sẽ luôn có những người yêu thương và động viên bạn bất cứ lúc nào
- Thừa nhận những khó khăn và cảm xúc của bản thân, đừng cố tỏ ra luôn hạnh phúc bởi điều này chỉ khiến bạn mệt mỏi hơn mà thôi.
- Tự động viên bản thân cố gắng từng ngày, nhìn nhận mọi thứ một cách tích cực, hướng về những giá trị tốt đẹp ở tương lai thay vì chỉ tập trung vào những khó khăn, đau khổ ở hiện
Trầm cảm khi đi du học khiến người bệnh phải luôn đấu tranh với rất nhiều thứ, cảm giác cô độc nơi đất khách quê người càng khiến họ sợ hãi, hoảng loạn hơn. Mỗi người cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cả thể chất, tinh thần, các kỹ năng chăm sóc bản thân, kỹ năng xã hội trước khi đi học xa nhà để hạn chế tối đa nguy cơ này.
Có thể bạn quan tâm:
- Trầm cảm thể thao – Mặt trái đằng sau những kỉ lục đỉnh cao
- Trầm cảm ở học sinh: Dấu hiệu nhận biết và hậu quả khó lường
- Mối liên hệ giữa chứng mất ngủ và trầm cảm bạn nên biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!