Trầm cảm thể thao – Mặt trái đằng sau những kỉ lục đỉnh cao
Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao là một trong các cách hữu hiệu, an toàn có thể giúp người bệnh trầm cảm cải thiện tốt tình trạng sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, trong thực tế lại có không ít các trường hợp vận động viên thể thao mắc phải chứng trầm cảm và gây nên nhiều ảnh hưởng đối với quá trình tập luyện, thậm chí là làm giảm khả năng chiến đấu.
Thực trạng trầm cảm thể thao
Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm thần được xếp vào dạng rối loạn khí sắc vô cùng phổ biến trong đời sống hiện nay. Căn bệnh này có thể tác động đến bất kì đối tượng nào và gây nên nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe, chất lượng cuộc sống hoặc thậm chí là đe dọa tính mạng của con người.
Căn bệnh này thường khởi phát ở những người liên tục phải đối diện với những áp lực, căng thẳng trong công việc, học tập, kinh tế, các mối quan hệ đời sống hàng ngày. Trong đó, các vận động viên thể thao chuyên nghiệp và nổi tiếng cũng từng rơi vào trạng thái tiêu cực này và cần phải được thăm khám, điều trị để khắc phục tốt.
Mặc dù theo chia sẻ của các chuyên gia, việc vận động và thường xuyên tập luyện thể thao có tác dụng tốt trong việc phục hồi sức khỏe người bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, đối với các vận động viên thi đấu chuyên nghiệp, họ phải liên tục đối diện với những áp lực về thành tích, các chấn thương nghiêm trọng trong quá trình thi đấu nên dễ gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Theo nghiên cứu, những vận động viên chuyên nghiệp sẽ dễ phải đối diện với những căng thẳng, lo lắng nhất định trước, trong và sau quá trình thi đấu. Đặc biệt họ sẽ dễ rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần nặng nề nếu thành tích đạt được không như mong muốn hoặc sự thất bại thảm hại trong quá trình chinh chiến.
Do đó, những người theo đuổi các bộ môn thể thao đòi hỏi nhiều sự khổ luyện thì càng có tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm cao hơn so với bình thường. Từ nhỏ họ đã phải trải qua những sự rèn luyện khắc nghiệt, các cơn đau dữ dội về mặt thể xác, sự khó khăn trong việc tuyển chọn, những mơ mộng về chiến thắng trong tương lai khiến họ phải đấu tranh tâm lý trong suốt thời gian đó. Bên cạnh đó, những biến cố có thể xảy ra trong quá trình tập luyện và thi đấu cũng có thể tác động lớn đến tinh thần của các tuyển thủ.
Tuy rằng đây là một tình trạng phổ biến và đáng được quan tâm nhưng cho đến hiện nay vẫn chưa có bất kì một số liệu thống kê chính thức về trầm cảm thể thao. Kết quả của một cuộc khảo sát dựa trên thông tin của 2000 vận động viên ở nhiều lĩnh vực thi đấu khác nhau cho thấy rằng, có khoảng 20% các vận động viên đã từng trải qua trạng thái stress nặng sau khi thi đấu, đặc biệt là những trận đấu có kết quả thấp, thua cuộc. Trong đó, có khoảng gần 10% các vận động viên bị căng thẳng kéo dài liên tục và không được can thiệp tốt dẫn đến trầm cảm thể thao.
Một trong các ví dụ điển hình nhất của vấn đề này có thể nhắc đến Simone Biles – thần đồng thể dục dụng cụ nổi tiếng trên toàn thế giới. Dù tuổi đời còn rất trẻ (24 tuổi) nhưng cô đã đạt được rất nhiều các huy chương và thành tích đáng ngưỡng mộ tại các đấu trường quốc tế. Cô cũng được công nhận là một trong các vận động viên thể dục thể dụng cụ thành công nhất đối với lịch sử thể thao của thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng.
Tuy nhiên, để gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp, cô phải trải qua sự vất vả trong quá trình tập luyện và thi đấu. Những chấn thương kéo dài, những lần bị quấy rối tình dục, các áp lực từ việc thi đấu, kì vọng ở người hâm mộ khiến cô trở nên mệt mỏi về mặt tinh thần, dần rơi vào trạng thái suy sụp, bế tắc, trầm cảm.
Về trầm cảm thể thao, tại Việt Nam cũng có thể nhắc đến Nguyễn Thị Oanh, Quách Thị Lan, Quách Công Lịch từng rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý, mất ngủ kéo dài, thậm chí còn có ý định từ bỏ sự nghiệp. Gần đây nhất phải kể đến tình trạng trầm cảm thể thao của Nguyễn Thị Ánh Viên – Kình ngư của đoàn Quân Đội Việt Nam. Cô đã phải chấp nhận từ bỏ sự nghiệp, dừng việc thi đấu ở tuổi 25 vì sự ảnh hưởng của chứng trầm cảm kéo dài.
Dấu hiệu nhận biết trầm cảm thể thao
Có rất nhiều dấu hiệu để nhận biết chứng trầm cảm thể thao, mỗi người bệnh có thể có những biểu hiện riêng biệt. Tùy vào mức độ trầm cảm của mỗi người mà tần suất của các triệu chứng cũng có phần khác nhau. Thông thường, để xác định một vận động viên thể thao mắc phải chứng trầm cảm, sẽ dựa vào các biểu hiện đặc trưng như:
- Khí sắc kém, thường xuyên buồn bã, chán nản, tuyệt vọng, ũ rũ, thiếu sức sống, cả ngày u uất.
- Giảm hoặc mất dần hứng thú với các hoạt động diễn ra xung quanh, kể cả các môn thể thao sở trường và đúng sở thích.
- Rối loạn giấc ngủ, bị mất ngủ liên tục, trằn trọc khó ngủ, giấc ngủ không đảm bảo hoặc có thể lờ đờ, mệt mỏi và buồn ngủ liên tục.
- Chán ăn, ăn không ngon miệng, thường xuyên bỏ bữa hoặc ăn không kiểm soát khiến cân nặng bị giảm hoặc tăng ngoài ý muốn.
- Cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng, không muốn hoạt động, di chuyển chậm chạp.
- Mất tập trung, giảm sự chú ý, hay quên, trí nhớ suy giảm.
- Khó khăn trong việc đưa ra các quyết định, lựa chọn đơn giản.
- Cảm thấy bản thân là kẻ vô dụng, tự đổ lỗi cho chính mình.
- Xấu hổ, mặc cảm và tự tách biệt với xã hội, không muốn giao tiếp, trò chuyện với bất kì ai.
- Suy nghĩ tiêu cực, nghĩ về cái chết và muốn thực hiện hành vi tự sát để tự giải thoát cho chính mình.
Đặc biệt, đối với các trường hợp trầm cảm thể thao, người bệnh sẽ dễ mắc phải các lỗi kỹ thuật cơ bản, thể lực bị suy giảm đáng kể, luôn cảm thấy mệt mỏi và cố gắng tìm lý do để trì hoãn việc tập luyện, thậm chí có trường hợp từ bỏ thi đấu.
Trầm cảm thể thao – Nguyên nhân xuất phát từ đâu?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, đặc biệt là đối với trầm cảm xảy ra trong thể thao lại càng có những đặc trưng riêng biệt. Theo nghiên cứu và tìm hiểu, các nhà khoa học cũng đã phân loại trầm cảm thành 3 dạng trong thể thao với những nguyên nhân cụ thể sau đây.
1. Trầm cảm mang tính chất tổ chức
Dạng trầm cảm này xuất phát từ những tác động tiêu cực từ bên ngoài ảnh hưởng đến tâm lý và khiến cho các vận động viên trở nên căng thẳng, áp lực và khủng hoảng tâm lý trầm trọng. Những người tham gia thể thao chuyên nghiệp thường phải đối diện với rất nhiều áp lực đến từ việc tập luyện, thi đấu, các sức ép từ huấn luyện, lãnh đạo và người hâm mộ.
Loại trầm cảm này thường sẽ liên quan đến các nguyên nhân như:
- Các sự cố và thay đổi đột ngột trong quá trình tập luyện, thi đấu hoặc sự thiếu hụt về trang thiết bị, vật chất phục vụ cho quá trình rèn luyện.
- Áp lực từ những sự khắt khe, những lời chửi mắng của huấn luyện viên, sự chê bai từ đối thủ, đồng nghiệp,…
- Sự kỳ vọng quá lớn của khán giả cùng người hâm mộ.
- Những lần va chạm, mâu thuẫn với đồng đội, lãnh đạo.
- Bất mãn về sự không công bằng hoặc các vấn đề không được đáp ứng tốt.
- Khó khăn trong vấn đề sinh hoạt, ăn ở để luyện tập và thi đấu.
2. Trầm cảm mang tính cạnh tranh
Dạng trầm cảm này thường sẽ có sự liên quan trong quá trình tập luyện hoặc thời gian chuẩn bị cho thi đấu, trong hoặc sau giải đấu. Người bệnh sẽ liên tục lo lắng, căng thẳng, suy nghĩ về những thành tích, kết quả đạt được, thậm chí có nhiều người tự gây áp lực cho bản thân, dẫn đến việc căng thẳng kéo dài dai dẳng.
Cụ thể, một số nguyên nhân thường gặp như:
- Do chấn thương hoặc tái phát chấn thương
- Áp lực thành tích
- Địa điểm thi đấu gặp nhiều trở ngại
- Những trục trặc trong quá trình chuẩn bị thi đấu.
- Áp lực tăng cao khi cận kề ngày thi.
3. Trầm cảm mang tính chất cá nhân
Chứng trầm cảm này khởi phát từ chính người bệnh nên có sự ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe và đời sống. Rất nhiều những trường hợp quyết định từ bỏ quyền thi đấu, chấp nhận dừng sự nghiệp vì những tổn thương tinh thần to lớn đến từ trầm cảm.
Nguyên nhân chính gây nên dạng trầm cảm thể thao này đó là:
- Các vấn đề liên quan đến tài chính
- Tình trạng mất ngủ, căng thẳng hoặc lạm dụng chất.
- Trải qua các biến cố lớn như người thân đột ngột qua đời, ly hôn, thất tình, mâu thuẫn trong các mối quan hệ quan trọng,
Hệ lụy khôn lường của trầm cảm thể thao
Trầm cảm là một căn bệnh nguy hiểm và gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe, đời sống của người bệnh, đặc biệt là chứng trầm cảm thể thao càng để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng hơn. Nếu tình trạng này không sớm được phát hiện và có biện pháp can thiệp phù hợp sẽ khiến cho tinh thần của các vận động viên càng bị suy sụp.
Người bệnh trầm cảm sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, chán chường, uể oải, tuyệt vọng. Họ sẽ có xu hướng thu mình lại, không muốn làm bất cứ việc gì và không còn ý chí, tinh thần để cố gắng, nỗ lực cho những mục tiêu đã đặt ra, không còn hứng thú với việc thi đấu, chinh phục những đỉnh cao, từ đó phong độ sự nghiệp cũng bị giảm đi đáng kể.
Đặc biệt, do những cảm xúc tiêu cực cứ mãi xâm chiếm lấy tâm trí khiến người bệnh trở nên mệt mỏi và vô cùng khó chịu nên họ có nhiều khả năng lạm dụng các chất kích thích, chất gây nghiện độc hại. Việc sử dụng rượu bia, thuốc lá, ma túy có thể tạm thời giúp bạn cải thiện tốt tâm trạng, tạo cảm giác hưng phấn và thoải mái hơn. Tuy nhiên, lâu dài sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với sức khỏe thể chất và tinh thần, khiến cơ thể suy kiệt, sức đề kháng yếu và làm gia tăng nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Hậu quả lớn nhất mà trầm cảm thể thao có thể gây ra đó chính là làm gia tăng khả năng tự sát ở người bệnh. Nhiều trường hợp trầm cảm kéo dài dai dẳng và không được can thiệp tốt sẽ khiến cho bệnh nhân trở nên tuyệt vọng, bế tắc và mất dần niềm tin vào cuộc sống. Họ suy nghĩ tiêu cực, tự làm tổn thương chính mình và có thể thực hiện hành vi tự sát để giải thoát cho chính bản thân.
Trầm cảm thể thao không chỉ gây ảnh hưởng đến cá nhân người bệnh mà còn tác động tiêu cực đến tập thể, đồng đội. Những cảm xúc tiêu cực do trầm cảm gây nên cũng có thể lây lan từ người này sang người khác. Nếu bạn thường xuyên tiếp xúc với những người bi quan, tuyệt vọng và có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống thì phần nào bạn cũng sẽ bị tác động và ảnh hưởng bởi những điều đó.
Chính vì thế, nếu trong tập thể có một người mắc phải chứng trầm cảm thể thao thì những người bên cạnh có nhiều khả năng trở nên hoang mang, lo lắng hoặc thậm chí là nghi kỵ lẫn nhau, hình thành tâm lý tiêu cực trong tập thể. Những suy nghĩ, hành vi sai lệch và sự chậm trễ trong quá trình tập luyện có thể ảnh hưởng đến kết quả của tập thể, đặc biệt là những bộ môn thể thao cần có tính đồng đội.
Làm sao để thoát khỏi trầm cảm thể thao?
Cũng giống như các chứng trầm cảm thông thường, trầm cảm thể thao cũng sẽ được ưu tiên điều trị bằng các biện pháp trị liệu tâm lý, sử dụng thuốc và kết hợp cùng với việc cân bằng, ổn định lối sống lành mạnh. Tùy vào mức độ nghiêm trọng và tình trạng của mỗi người bệnh mà các chuyên gia sẽ cân nhắc để áp dụng phương pháp can thiệp hiệu quả, giúp người bệnh mau chóng cải thiện tinh thần và tiếp tục cố gắng cho sự nghiệp.
Khi nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo về chứng trầm cảm thể thao, bạn cần tiến hành thăm khám và chẩn đoán chính xác tại các cơ sở, bệnh viện chuyên khoa để có biện pháp điều trị thích hợp. Sau đây là một số phương pháp thường được áp dụng như:
1. Tự cải thiện tại nhà
Đối với các trường hợp trầm cảm nhẹ, triệu chứng của bệnh chưa xuất hiện thường xuyên và ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người bệnh thì có thể cải thiện tốt bằng các biện pháp đơn giản tại nhà. Bản thân người bệnh cần phải có ý thức và sự cố gắng trong việc loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh, đồng thời xây dựng lối sống tích cực và lành mạnh hơn.
Nếu nhận thấy bản thân đang có dấu hiệu của chứng trầm cảm, bạn cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp sau đây:
- Tìm và loại bỏ nguyên nhân khiến bạn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi và áp lực.
- Lên kế hoạch cụ thể cho việc tập luyện, đặt ra mục tiêu thi đấu phù hợp với khả năng của bản thân.
- Cố gắng giữ bình tĩnh, cố gắng hết mình và không quá đặt nặng những kỳ vọng của mọi người xung quanh.
- Nhanh chóng loại bỏ các mối quan hệ độc hại.
- Tập trung điều trị chấn thương, các vấn đề về sức khỏe để không làm ảnh hưởng đến quá trình tập luyện.
- Chú ý nhiều hơn đến chất lượng giấc ngủ, cần phân bố thời gian nghỉ ngơi và tập luyện phù hợp, tránh thức khuya liên tục.
- Ăn uống điều độ, bổ sung nhiều chất dinh dưỡng qua những thực phẩm ăn uống hàng ngày.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện độc hại.
- Trang bị cho bản thân những bài tập thư giãn hữu ích như hít thở sâu, yoga, thiền định, thái cực quyền,…
- Học cách chia sẻ những khó khăn, căng thẳng với người thân và bạn bè để giải tỏa cảm xúc tiêu cực, tránh tình trạng che giấu cảm xúc lâu ngày khiến tinh thần trở nên kiệt quệ hơn.
2. Trị liệu tâm lý
Đối với hầu hết các trường hợp mắc phải những vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần đều sẽ được khuyến khích áp dụng biện pháp trị liệu tâm lý để cải thiện hiệu quả và an toàn. Bằng cách giao tiếp và trò chuyện trực tiếp cùng với chuyên gia tâm lý sẽ giúp cho người bệnh dần hiểu hơn về nguồn gốc gây ra những bất ổn trong tâm trí và có cách điều chỉnh, khắc phục hiệu quả.
Thông qua các buổi trị liệu, người bệnh sẽ dần hiểu rõ hơn về vấn đề mà bản thân đang gặp phải và dần loại bỏ nó tốt hơn. Chuyên gia tâm lý sẽ giúp cho họ nhìn nhận được những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi sai lệch của mình và giúp họ tìm ra cách để điều chỉnh nó theo hướng tích cực, lành mạnh hơn. Chính nhờ thế mà người bệnh trầm cảm cũng dần ổn định hơn về mặt tâm lý, họ có thể vượt qua được những cảm xúc tiêu cực do trầm cảm gây ra.
Đồng thời, sau khi nhận thấy bệnh nhân đã dần phục hồi sức khỏe tinh thần, nhà trị liệu cũng sẽ trang bị thêm cho họ những kỹ năng cần thiết để ứng phó tốt với những thách thức, khó khăn trong tương lai. Bệnh nhân có thể học thêm về kỹ năng quản lý và kiểm soát cảm xúc, kỹ năng đương đầu và vượt qua căng thẳng, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm,…
Tùy thuộc vào từng tình trạng của mỗi bệnh nhân mà các chuyên gia tâm lý sẽ cân nhắc lựa chọn liệu pháp trị liệu phù hợp nhất. Thông thường, những vận động viên mắc phải chứng trầm cảm sẽ được ưu tiên trị liệu bằng liệu pháp nhận thức và hành vi, liệu pháp cá nhân, liệu pháp nhóm, liệu pháp thôi miên,….Quá trình trị liệu đòi hỏi người bệnh phải kiên trị và phối hợp tốt với nhà trị liệu mới có thể đạt được thành công như mong đợi.
3. Sử dụng thuốc điều trị
Một số trường hợp đặc biệt, các triệu chứng của trầm cảm thể thao ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và quá trình tập luyện, thi đấu của các vận động viên thì có thể được cân nhắc sử dụng kèm thêm một vài loại thuốc điều trị. Việc dùng thuốc không có tác dụng loại bỏ triệt để căn bệnh này nhưng nó có thể giúp kiểm soát và làm thuyên giảm các triệu chứng của bệnh, hạn chế được nguy cơ tự sát.
Những loại thuốc chống trầm cảm sẽ được cân nhắc áp dụng cho từng trường hợp khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và sự đáp ứng của mỗi người. Bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt theo các chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không được tự ý thay đổi liều lượng của thuốc hoặc ngừng sử dụng đột ngột. Nếu trong thời gian dùng thuốc có xuất hiện các triệu chứng bất thường thì cần thông báo ngay với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn cách xử lý kịp thời, hạn chế các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra.
Trầm cảm thể thao là một vấn đề nghiêm trọng cần được quan tâm và chữa trị kịp thời để tránh gây ra những tổn thất to lớn về mặt sức khỏe và thành tích thi đấu của các vận động viên. Mong rằng những chia sẻ của Tạp Chí Tâm Lý Học sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về chứng rối loạn tâm thần này và có cách khắc phục hiệu quả.
Tham khảo thêm:
- Rối loạn trầm cảm hậu Covid-19: Di chứng thường gặp sau nhiễm Covid
- Nguyên nhân khiến bệnh trầm cảm tái phát và cách xử lý
- Các giai đoạn và mức độ tiến triển của bệnh trầm cảm
- Trầm cảm có tự khỏi được không? Có chữa được không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!