Tránh nhầm lẫn giữa trầm cảm sau sinh và loạn thần sau sinh
Trầm cảm sau sinh và loạn thần sau sinh đều là những vấn đề tâm lý thường gặp. Nếu không có hiểu biết sâu sắc, triệu chứng của hai bệnh lý này rất dễ bị nhầm lẫn. Thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc biết cách phân biệt và vượt qua trầm cảm, loạn thần sau sinh một cách dễ dàng hơn.
Vì sao phụ nữ sau sinh dễ mắc các vấn đề tâm lý?
Có thể nói, mang thai và sau sinh là 2 giai đoạn nhạy cảm và cơ thể có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Thống kê cho thấy, phụ nữ mang thai và sau khi sinh có nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý cao hơn bình thường. Nguyên nhân là do sự thay đổi đột ngột của nội tiết tố và hoạt động sinh lý của các cơ quan trong cơ thể.
Những thay đổi này khiến mẹ sau sinh trở nên nhạy cảm với những sự kiện xảy ra trong cuộc sống như mâu thuẫn vợ chồng, sức khỏe của bản thân, em bé không tốt, áp lực tài chính,… Chính vì vậy, mẹ sau sinh dễ bị stress, hội chứng Baby Blues, trầm cảm và loạn thần.
Nhiều người lầm tưởng các bệnh tâm lý xảy ra ở phụ nữ sau sinh không ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Tuy nhiên trên thực tế, mẹ mắc các vấn đề tâm lý sẽ khiến chất lượng nguồn sữa suy giảm, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hơn nữa, trẻ có thể cảm nhận được cảm xúc của mẹ và hình thành tâm lý tương tự.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ có mẹ mắc các bệnh tâm lý trong thai kỳ và sau khi sinh đều chậm phát triển về trí tuệ, thể chất và dễ gặp phải các rối loạn tâm lý. Thậm chí, một số mẹ còn hình thành ý nghĩ giết hại con và tự sát để giải thoát bản thân. Do đó, gia đình và bản thân mẹ bỉm cần phải nâng cao hiểu biết về các bệnh tâm lý để kịp thời thăm khám, điều trị và ngăn chặn những tình huống đáng tiếc.
Cách phân biệt trầm cảm sau sinh và loạn thần sau sinh
Trong những năm gần đây, tỷ lệ người bị trầm cảm sau sinh tăng lên đáng kể. Ngoài ra, đã có ghi nhận về nhiều trường hợp bị loạn thần sau sinh và nhiều vấn đề tâm lý khác. Thực trạng này phản ánh những hiểu biết của cộng đồng về sức khỏe tâm thần vẫn còn hạn chế. Đa phần gia đình chỉ quan tâm đến thể chất của phụ nữ sau khi sinh mà xem nhẹ tinh thần và tâm lý của mẹ bỉm.
Hiện tại, trầm cảm và loạn thần là hai vấn đề tâm lý thường gặp nhất ở mẹ sau sinh. Để có biện pháp can thiệp phù hợp, cần biết cách phân biệt 2 bệnh lý này:
1. Tính chất bệnh khác nhau
Trầm cảm và loạn thần đều là các vấn đề tâm lý thường gặp ở phụ nữ sau khi sinh nhưng tính chất bệnh khác nhau hoàn toàn. Trầm cảm là một dạng rối loạn khí sắc với sự giảm thấp dai dẳng của cảm xúc. Người mắc chứng bệnh này thường trực nỗi buồn sâu sắc cùng với tâm lý chán nản, uể oải, bi quan, tuyệt vọng, dần dần hình thành những suy nghĩ và quan niệm sai lệch về bản thân (bản thân mắc phải tội lỗi nghiêm trọng, đáng chết, đáng bị trừng phạt).
Các triệu chứng của trầm cảm sau sinh thường khởi phát từ từ và rõ ràng dần theo thời gian. Thông thường, triệu chứng của bệnh lý này sẽ xuất hiện rõ rệt sau sinh ít nhất vài tháng và triệu chứng kéo dài từ 6 tháng trở lên.
Nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh thường có liên quan đến những sự kiện có tính chất sang chấn, yếu tố di truyền và sử dụng rượu bia, chất gây nghiện. Ngoài ra, một số trường hợp trầm cảm nặng có thể đi kèm với biểu hiện loạn thần dẫn đến khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị.
Loạn thần sau sinh là tình trạng rối loạn tâm thần cấp tính có triệu chứng rõ rệt với tính chất nghiêm trọng. Theo thống kê, tỷ lệ người mắc chứng bệnh này là 0.1 – 0.2% và thường khởi phát trong 1 – 4 tuần đầu tiên. Loạn thần sau sinh cũng có liên quan đến di truyền và sang chấn tâm lý. Tuy nhiên, các chuyên gia xác định bệnh lý này có mối liên hệ mật thiết với những thay đổi đột ngột về tâm sinh lý. Trong đó, thay đổi nội tiết và sinh lý chỉ là yếu tố thuận lợi trong khởi phát bệnh trầm cảm.
2. Khác biệt về thời điểm khởi phát
Các triệu chứng của trầm cảm sau sinh khởi phát từ từ và không rõ ràng ở giai đoạn đầu. Khi mới khởi phát, bệnh dễ bị nhầm lẫn với hội chứng Baby Blues. Sau đó, các triệu chứng rõ rệt hơn sau khoảng vài tháng tính từ thời điểm sinh nở.
Ngược lại, loạn thần sau sinh là một dạng rối loạn tâm thần cấp tính nên triệu chứng khởi phát rõ ràng và thường xuất hiện từ tuần thứ 1 – 4 sau khi sinh. Có thể thấy, biểu hiện của loạn thần xuất hiện sớm hơn và rõ ràng hơn so với trầm cảm. Chính vì vậy, đa phần những trường hợp bị loạn thần sau sinh đều được khám và điều trị nội trú kịp thời. Trong khi đó, rất nhiều phụ nữ sau sinh bị trầm cảm không được can thiệp điều trị dẫn đến nhiều tình huống đáng tiếc như thực hiện các hành vi gây hại đến thân thể, tính mạng của bản thân và của trẻ.
3. Phân thiệt theo mức độ triệu chứng
Về mức độ triệu chứng, loạn thần có mức độ nghiêm trọng hơn với những hành vi nguy hiểm. Trong khi đó, trầm cảm sau sinh có biểu hiện khá mơ hồ trong giai đoạn đầu và chỉ rõ ràng sau một thời gian tiến triển. Tuy nhiên, người bị trầm cảm có thể không bộc lộ rõ cảm xúc và ý nghĩ tự sát. Ngược lại, người bị loạn thần sau sinh có các biểu hiện kích động và thường không kiểm soát được bản thân.
Triệu chứng nhận biết bệnh trầm cảm sau sinh:
- Thường trực cảm giác buồn chán, chán nản, thất vọng, bi quan, tuyệt vọng, cảm thấy cuộc sống u uất và không có niềm vui. Mức độ của các cảm xúc này thường nghiêm trọng hơn theo thời gian và bộc lộ rõ trên khuôn mặt. Tuy nhiên, những người xung quanh chỉ nghĩ đơn giản mẹ bỉm bị suy nhược do sinh nở và chăm sóc trẻ.
- Mẹ bỉm dành nhiều thời gian để chìm đắm trong suy nghĩ về những việc đã xảy ra với cách nhìn nhận tiêu cực và bi quan. Về lâu dài, mẹ sẽ hình thành những suy nghĩ lệch lạc như bản thân đã phạm lỗi nên đáng bị trừng phạt. Quan niệm sai lệch này khiến người bị trầm cảm sau sinh có xu hướng sống tách biệt, cô lập, ít giao tiếp vì luôn có cảm giác xấu hổ và tự dằn vặt bản thân.
- Người bị trầm cảm sau sinh vẫn chăm sóc con cái nhưng hành động thường lờ đờ, thiếu sức sống do giảm năng lượng.
- Nếu quan sát kỹ sẽ thấy mẹ bỉm dành nhiều giờ để nằm hoặc ngồi bất động. Một số người còn lặp đi lặp lại những hành vi đơn điệu và thường quẩn quanh trong nhà, ít ra bên ngoài.
- Khả năng tập trung kém, trí nhớ giảm và thiếu sự nhạy bén (thể hiện rõ qua các cuộc giao tiếp)
- Ngoài ra, người bị trầm cảm sau sinh còn gặp phải các triệu chứng thể chất như toàn thân uể oải, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, rối loạn tiết niệu, rối loạn sinh dục, rối loạn tim mạch, đau mỏi vai gáy,…
Các triệu chứng của trầm cảm sau sinh xuất hiện rất mờ nhạt nên dễ bị nhầm lẫn với suy nhược thần kinh và stress sau sinh. Sau vài tháng, các triệu chứng trở nên rõ ràng nên những người xung quanh chỉ có thể phát hiện ở thời điểm này.
Khác với trầm cảm, loạn thần sau sinh là một dạng rối loạn tâm thần cấp tính nên khởi phát triệu chứng đột ngột, mức độ nghiêm trọng và dễ nhận biết. Như đã đề cập, các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện trong 1 – 4 tuần đầu sau sinh. Đa phần bệnh nhân đều được nhập viện chỉ sau 1 tuần do các hành vi nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của bản thân và con trẻ.
Các triệu chứng nhận biết bệnh loạn thần sau sinh:
- Mất ngủ, khó ngủ, ngủ chập chờn và dễ thức giấc
- Khóc lóc không rõ nguyên nhân, buồn chán và uể oải. Các triệu chứng này khá giống với bệnh trầm cảm nên rất dễ bị nhầm lẫn.
- Tuy nhiên, mẹ bỉm bị loạn thần sau sinh còn gặp phải các triệu chứng rõ rệt hơn như rối loạn hoặc mất các năng lực định hướng như không nhận biết được bản thân, lú lẫn, giảm trí nhớ nghiêm trọng, mơ hồ về không gian và gần như không thể tự đưa ra quyết định vì mất khả năng phán đoán.
- Bộc lộ sự lo lắng thái quá về sức khỏe và an nguy của con, thậm chí một số mẹ bỉm không cho ai đụng đến trẻ vì sợ người khác sẽ làm hại trẻ. Nếu có ai cố gắng chống lại, mẹ bỉm thường sẽ có phản ứng quá khích như gào thét, la hét,… Tuy nhiên, cũng có những mẹ bỉm bỏ mặc trẻ, không quan tâm con cái ngay cả khi trẻ quấy khóc và bị ốm. Một số người nghi ngờ đến sự tồn tại của đứa bé và có những lời nói, hành vi kỳ dị.
- Xuất hiện ảo tưởng hoặc hoang tưởng kỳ lạ như giới tính của con, cho rằng con bị bệnh nặng, sức khỏe yếu ớt,… Ngoài ra, một số trường hợp còn xuất hiện ảo thanh với nội dung là lời buộc tội bản thân cùng với những lời chỉ trích, đe dọa. Dần dần, mẹ bỉm sẽ có hành vi kỳ lạ gây tổn hại đến thân thể của bản thân và con trẻ.
Thực tế, những trường hợp trầm cảm sau sinh nặng cũng có thể xuất hiện kèm theo loạn thần. Tuy nhiên nếu loạn thần sau sinh khởi phát đơn độc, các triệu chứng sẽ xuất hiện rất sớm. Trong khi đó, bệnh trầm cảm xuất hiện triệu chứng một cách từ từ và tiến triển chậm hơn.
Cách giúp phụ nữ vượt qua trầm cảm và loạn thần sau sinh
Dù đặc điểm, thời gian khởi phát và mức độ triệu chứng có sự khác nhau nhưng về cơ bản, trầm cảm và loạn thần đều ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của cả mẹ lẫn bé. Khi nhận thấy mẹ bỉm có biểu hiện bất thường, gia đình cần hỗ trợ để mẹ vượt qua các vấn đề tâm lý.
Các biện pháp giúp phụ nữ sau sinh vượt qua bệnh trầm cảm và loạn thần:
- Khám và điều trị y tế: Trước tiên, gia đình cần cho người bệnh đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị. Đối với trầm cảm, mẹ bỉm thường sẽ được điều trị ngoại trú (trừ những trường hợp đã có ý nghĩ và hành vi nỗ lực tự sát, tự hại). Ngược lại, phần lớn những trường hợp loạn thần sau sinh đều được điều trị nội trú để tránh những tình huống đáng tiếc. Cả hai bệnh lý này đều được điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý. Tuy nhiên, những trường hợp loạn thần sau sinh và trầm cảm đã có ý nghĩ tự tử sẽ phải can thiệp thêm liệu pháp sốc điện (ECT).
- Sự hỗ trợ từ gia đình: Gia đình cần quan tâm đến tâm lý của phụ nữ mang thai và sau sinh bên cạnh sức khỏe thể chất. Khi nhận thấy mẹ bỉm bị trầm cảm và loạn thần, gia đình – đặc biệt là bạn đời cần ở bên cạnh để bệnh nhân có động lực vượt qua bệnh tật. Sự quan tâm và tình yêu thương của những người xung quanh chính là “liều thuốc” giúp mẹ bỉm lấy lại sự cân bằng về tâm lý và phục hồi tốt hơn sau khi áp dụng các phương pháp điều trị.
- Lối sống khoa học: Ngoài yếu tố tâm lý, những thay đổi về mặt sinh lý cũng có vai trò trong cơ chế bệnh sinh của trầm cảm và loạn thần sau sinh. Do đó, gia đình cần đảm bảo mẹ bỉm được nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và có chế độ ăn uống hợp lý. Lối sống khoa học sẽ giúp mẹ bỉm cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, qua đó giảm nhanh triệu chứng của bệnh trầm cảm, loạn thần và các vấn đề tâm lý thường gặp khác.
- Trang bị kỹ năng giảm stress: Sau khi sinh, mẹ bỉm phải đối mặt với áp lực từ việc chăm sóc con cái, công việc, mâu thuẫn với bạn đời, bất đồng quan điểm với người thân,… Chính vì vậy, song song với các phương pháp điều trị, chuyên gia/ bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn mẹ bầu một số kỹ năng giảm stress để tránh căng thẳng chồng chất dẫn đến các vấn đề tâm lý. Một số kỹ năng giải tỏa stress mẹ bỉm có thể áp dụng bao gồm tắm nước ấm, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, nghe nhạc, ngồi thiền, tập yoga, dùng trà thảo mộc, đọc sách, liệu pháp mùi hương,…
Tỷ lệ người bị trầm cảm sau sinh rơi vào khoảng 10 – 15% cao hơn so với loạn thần (chỉ 0.1 – 0.2%). Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát loạn thần ở lần sinh nở tiếp theo lên đến 70% và tỷ lệ tái phát của trầm cảm là 50%. Do đó, gia đình cần chú ý đến vấn đề này để chủ động trong việc phòng ngừa.
Hiện nay ngoài những biện pháp phòng ngừa đơn thuần, các bác sĩ cũng xem xét việc dùng thuốc trong khi mang thai để giảm nguy cơ bị trầm cảm và loạn thần sau khi sinh. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai cũng nên can thiệp các liệu pháp tâm lý ngay từ khi mang thai để có tâm thế vững vàng sau khi sinh nở.
Hy vọng qua bài viết, bạn đọc có thể phân biệt được bệnh trầm cảm sau sinh và loạn thần sau sinh. Đối với những người có tiền sử mắc các bệnh tâm lý, nên thực hiện các biện pháp dự phòng để ngăn chặn kịp thời những tình huống đáng tiếc.
Tham khảo thêm:
- Phân biệt hội chứng Baby Blues và trầm cảm sau sinh
- Chồng Cần Làm Gì Khi Vợ Bị Trầm Cảm Sau Sinh?
- Muốn Chết Khi Mang Thai: Bệnh Tâm Lý Nguy Hiểm Cần Cảnh Giác
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!