Trầm cảm u sầu (Melancholia): Dấu hiệu và cách điều trị
Người mắc thể trầm cảm u sầu (Melancholia) dần trở nên mất toàn bộ hứng thú trong tất cả mọi hoạt động trong đời sống, luôn trong trạng thái u uất, mất mát, tuyệt vọng. Trạng thái kéo dài có thể dẫn đến nguy cơ tự sát rất cao nên cần nhanh chóng phát hiện và can thiệp càng sớm càng tốt.
Trầm cảm u sầu (Melancholia) là gì?
Các rối loạn trầm cảm (depressive disorders) được phân thành nhiều thể nhưng đều có đặc trưng về sự rối loạn khí sắc (mood disorders) hay chính là trạng thái buồn bã, chán nản, hoặc có thể vui vẻ, kích động quá mức bình thường. Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm lý phổ biến nhất hiện nay, bắt gặp ở mọi lứa tuổi, ngành nghề và gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực khác.
Trầm cảm u sầu (Melancholia) được xếp trong các thể trầm cảm khác, có gây ra sự đau khổ và suy giảm về chức năng xã hội, nghề nghiệp cùng các khía cạnh khác trong cuộc sống, nhưng không đáp ứng đủ tiêu chuẩn như các dạng rối loạn trầm cảm khác, chẳng hạn rối loạn trầm cảm chính (Major Depressive Disorder – MDD) hay rối loạn trầm cảm dai dẳng (Dysthymia – DD)
Theo Cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần DSM-5, trầm cảm u sầu được xác định khi có các tiêu chí sau
- Không tìm được niềm vui trong tất cả các hoạt động, kể cả các hoạt động trước kia từng rất yêu thích
- Luôn trong trạng thái đau khổ, u uất như mất mát một điều gì đó nhưng không thể diễn tả được
- Không có phản ứng với mọi kích thích, cho dù tất cả mọi người đều cảm thấy nó thú vị
- Tỉnh giấc quá sớm so với giờ giấc sinh hoạt trước đây ( ít nhất khoảng 2h so với thời gian mong muốn)
- Các triệu chứng trầm cảm u sầu có xu hướng nghiêm trọng hơn vào buổi sáng
- Luôn cảm thấy tội lỗi nghiệm trọng so với tính chất các tình huống hoặc luôn tìm cách đổ lỗi cho bản thân
- Kích động tâm thần vận động
- Ăn uống không ngon miệng, chán ăn dẫn đến sự thay đổi cân nặng đáng kể, thậm chí dẫn tới suy nhược cơ thể
- Melancholia cũng tồn tại các triệu chứng điển hình tương tự như các dạng trầm cảm khác, chẳng hạn khó khăn khi đưa ra quyết định, tâm lý tiêu cực, có thể bật khóc bất cứ lúc nào, cô lập bản thân và từ chối tham gia các hoạt động ngoài xã hội, cảm thấy trống rỗng..
- Xuất hiện suy nghĩ tự sát
Một số triệu chứng kích động tâm thần vận động điển hình trong trầm cảm u sầu như
- Vận động quá mức ( mang tính xung động) hoặc không muốn di chuyển
- Khó kiểm soát hành vi, cảm xúc; có các hành vi phá hoại gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh
- Cử động tay chân chậm chạp, nặng nề
- Tư thế chùng xuống, lưng gù, cúi mặt
- Giảm âm lượng giọng nói hoặc thay đổi giọng nói
- Không giao tiếp bằng mắt khi giao tiếp hoặc nhìn cố định vào một nơi nào đó, không phải người đối diện
- Khoảng 70% người mắc trầm cảm u sầu đều cho biết họ cảm thấy đau nhức xương khớp, toàn thân uể oải
Nói chung, đặc trưng rõ nhất của trầm cảm u sầu chính là trạng thái u uất, chán nản, tuyệt vọng xuất hiện bao trùm lấy toàn bộ các hoạt động và gây ra sự đau khổ, suy giảm các chức năng đời sống nghiêm trọng.
Nguyên nhân trầm cảm u sầu
Tương tự như các dạng rối loạn trầm cảm khác, Melancholia cũng chưa thể xác định những nguyên nhân cụ thể hay cơ chế bệnh sinh. Điều này đã làm ảnh hưởng khá nhiều đến quá trình điều trị dứt điểm hội chứng này. Dù vậy các nghiên cứu cũng đã tìm ra nhiều yếu tố liên quan trực tiếp đến trầm cảm u sầu, bao gồm cả các tác động bên trong và bên ngoài não bộ.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng sự thay đổi các hóa chất trong não bộ, cụ thể trục hạ đồi- tuyến yên- thượng thận (HPA) dẫn tới mức độ căng thẳng gia tăng và làm suy giảm hứng thú trong các hoạt động khác. Đồng thời HPA cũng có liên quan đến sự điều chỉnh nội tiết tố của cơ thể, lúc này nồng độ cortisol tiết ra cao quá mức và làm tăng các phản ứng lo âu, sợ hãi của cơ thể.
Khi các tín hiệu trong não bộ thay đổi cũng ảnh hưởng đến cách chúng ta phản ứng với các tình huống. Mức độ thèm ăn giảm xuống, cơ thể mệt mỏi, dễ kích động hơn, giảm trí nhớ là những diễn biến xảy ra trong trầm cảm u sầu do ảnh hưởng những yếu tố này.
Một vài yếu tố khác được cho là có liên quan đến trầm cảm u sầu chính là yếu tố gia đình, tính khí, giới tính, môi trường sống. Chẳng hạn nếu trong gia đình có người mắc chứng trầm cảm, luôn biểu hiện sự u uất thì những người trong gia đình cũng dễ bị ảnh hưởng. Hay người vốn có tính cách nhút nhát, ít chia sẻ, sống trong môi trường nhiều tiêu cực, bạo lực cũng rất dễ hình thành tâm lý này.
Một vài nghiên cứu cũng chỉ ra, yếu tố thời tiết cũng hoàn toàn có thể liên quan đến trầm cảm u sầu. Các triệu chứng của Melancholia có thể nghiêm trọng hơn vào thời điểm mùa đông ít ánh sáng hay khi trời lạnh. Đây cũng là lý do các biểu hiện u sầu có xu hướng nặng nề hơn vào sáng sớm.
Tìm hiểu thêm: Ăn chay có gây trầm cảm không?
Trầm cảm u sầu có nguy hiểm không?
Bất cứ dạng trầm cảm nào cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm nếu không sớm có hướng kiểm soát. Ở rối loạn trầm cảm chính, đôi lúc người bệnh vẫn có thể cảm thấy ổn hơn, có thể hứng thú với một điều gì đó ( nếu chưa diễn biến nặng), tuy nhiên ở Melancholia, trạng thái u uất bao trùm lấy tất cả, người bệnh không có một chút năng lực hay phản ứng thích thú nào.
Trầm cảm u sầu khiến người bệnh hầu như không thể tận hưởng niềm vui, không thể hiểu thế nào là hạnh phúc. Mỗi giây phút trôi qua họ đều cảm thấy đau khổ và tội lỗi trong khi chính họ cũng không thể giải thích vì sao mình lại cảm thấy như thế. Người bệnh dần tách biệt mình, gặm nhấm nỗi cô đơn, đau khổ, tuyệt vọng.
Sự suy giảm về thể chất, tinh thần, công việc hay các mối quan hệ xung quanh được biểu thị một cách rõ rệt. Người bệnh suy nhược nhanh chóng, toàn thân xanh xao, lúc nào cũng không có năng lượng. Trạng thái này kéo dài có thể dẫn đến nguy cơ tự sát rất cao. Do đó cần nhanh chóng phát hiện và điều trị trầm cảm u sầu để tránh các hệ lụy tiêu cực này.
Hướng điều trị trầm cảm u sầu
Trầm cảm u sầu được thực hiện chẩn đoán dựa trên danh sách tiêu chuẩn được quy định trong Thang đánh giá của các tài liệu y khoa về trầm cảm. Do có các biểu hiện tương đồng với trầm cảm nhưng lại không đủ tiêu chí so với MDD nên đôi khi vẫn có những chẩn đoán sai lệch nếu không đủ chuyên môn.
Mặt khác, bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện các kiểm tra xét nghiệm cần thiết khác để tránh nhầm lẫn với một số bệnh lý về thể chất khác có các triệu chứng tương đồng. Người bệnh nên tìm đến các bệnh viện có chuyên khoa tâm thần hay trung tâm tâm lý để thực hiện đầy đủ kiểm tra chẩn đoán cần thiết và có lộ trình can thiệp thích hợp nhất.
Trị liệu tâm lý
Mục tiêu của các liệu pháp tâm lý trong điều trị trầm cảm u sầu là điều chỉnh lại năng lượng cảm xúc, gia tăng sự hứng thú trong các hoạt động hằng ngày, thay đổi những tư duy sai lệch đang kìm hãm người bệnh. Tinh thần người bệnh dần thả lỏng hơn, tích cực hơn, dần lấy lại sự hoạt bát, năng động hơn sau trị liệu tâm lý.
Nhà trị liệu sẽ thông qua trò chuyện và yêu cầu thân chủ chia sẻ về các trải nghiệm của bản thân để tìm kiếm gốc rễ vấn đề khiến tinh thần trở nên u uất. Mỗi người cần hiểu về suy nghĩ của chính mình, tự thay thế bằng những cảm xúc lành mạnh, loại bỏ dần tư duy cũ kỹ, theo lối mòn của bản thân để sẵn sàng bắt đầu cho hành trình mới.
Tuy nhiên, trầm cảm u sầu có liên quan đến các hóa chất trong não bộ nên đôi khi chỉ trị liệu tâm lý không mang đến hiệu quả tốt nhất. Dù vậy, ít nhất thông qua liệu pháp này, người bệnh cũng cảm thấy thả lỏng hơn, ngủ ngon hơn, tự điều chỉnh cảm xúc và rèn luyện được các kỹ năng đối phó với căng thẳng nên vẫn luôn được coi là biện pháp điều trị chính.
Biện pháp hóa dược
Thuốc hay liệu pháp ánh sáng, liệu pháp điện giật (ECT) được đánh giá mang đến phản ứng tích cực trong điều trị trầm cảm u sầu. Các biện pháp này đều giúp ích trong việc điều chỉnh lại các hóa chất não bộ, nhờ đó cũng giảm mức độ u uất, gia tăng phản ứng với các kích thích trong đời sống. Tuy nhiên bác sĩ vẫn khuyến khích nên kết hợp cùng tâm lý trị liệu để mang đến kết quả tốt nhất.
Các nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) thường được chỉ định đầu tiên nhằm điều chỉnh lại các hóa chất trong não bộ, từ đó điều chỉnh cảm xúc, hứng thú cho người bệnh. Bên cạnh đó một số tài liệu cho rằng chất ức chế monoamine oxidase (MAOIs) cũng mang đến những cải thiện tích cực trong điều trị Melancholia.
Trong trường hợp dùng thuốc không có tác dụng, bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp điện giật (ECT) để tạo ra các kích thích thay đổi dẫn truyền thần kinh nhanh chóng. Đặc biệt với những người có nguy cơ tự sát, chống đối ăn uống, có sự kích động tâm thần sẽ được bác sĩ đề nghị phương án này.
Liệu pháp ánh sáng cũng có thể được chỉ định trong một vài trường hợp nhằm đẩy nhanh quá trình sản xuất các hormone cần thiết cho tâm trạng của não bộ. Với trầm cảm u sầu, bệnh nhân thường dậy sớm quá mức cần thiết sẽ được khuyến khích trị liệu ánh sáng từ 3 giờ chiều đến 7 giờ tối để có hiệu quả tốt nhất.
Các biện pháp hóa dược sẽ được chỉ định theo từng tình trạng, dựa trên tiến triển của người bệnh. Một số biện pháp có thể đi kèm nhiều tác dụng phụ nên cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ chuyên môn.
Chăm sóc và điều trị tại nhà
Để vượt qua trầm cảm u sầu, chắc chắn cần kết hợp với một chế độ sống lành mạnh, tích cực, để tăng cường mức năng lượng đang ở trạng thái cạn kiệt của người bệnh. Gia đình cũng được khuyến khích nên đồng hành cùng người bệnh trong giai đoạn này nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực đồng thời đẩy nhanh tiến độ phục hồi sức khỏe tinh thần cho các cá nhân.
Một số biện pháp được khuyến khích trong quá trình chăm sóc và điều trị tại nhà bao gồm
- Tắm nắng hằng ngày thay vì chỉ mãi trốn tránh trong nhà. Các nghiên cứu đều chỉ ra ánh nắng giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và tăng cường sản sinh các hormone hạnh phúc cho não bộ
- Thiền định sẽ giúp bạn loại bỏ được những tạp niệm sai trái, gia tăng lòng tin vào bản thân, cải thiện các vấn đề thể chất như mất ngủ, đau nhức cơ thể, rối loạn tiêu hóa, ổn định huyết áp, đặc biệt là điều chỉnh cảm xúc tích cực hơn
- Duy trì thói quen vận động hằng ngày để năng động và hoạt bát hơn. Tùy theo tình trạng sức khỏe để lựa chọn các bộ môn phù hợp như bơi lội, chạy bộ, đạp xe, yoga.. Người mắc chứng trầm cảm u sầu cũng có thể tham gia các hoạt động thể chất mang tính đồng đội, đối khác như đá bóng, cầu lông..
- Tăng cường sức khỏe thể chất thông qua việc bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, ăn uống đủ chất, tập thể dục mỗi ngày
- Tham gia các hoạt động cải thiện kỹ năng mềm hay gia tăng giá trị bản thân để tìm kiếm niềm vui. Chẳng hạn sinh hoạt câu lạc bộ, học một bộ môn nào đó, gặp gỡ những người bạn mới
- Viết nhật ký hoặc chia sẻ với những người đáng tin cậy để giải tỏa cảm xúc và cảm thấy thoải mái hơn
Thể trầm cảm u sầu không quá phổ biến tuy nhiên những hệ lụy kèm theo rất nghiêm trọng nên cần có hướng kiểm soát càng sớm càng tốt. Để phòng tránh rối loạn tâm thần này, mỗi người cần học cách quan tâm, chăm sóc đến sức khỏe tinh thần nhiều hơn, duy trì một lối sống tích cực lâu dài để hướng đến cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp hơn mỗi ngày.
Có thể bạn quan tâm:
- Trầm cảm theo mùa (SAD): Dấu hiệu, nguyên nhân và điều trị
- Trầm cảm nội sinh là gì? Dấu hiệu nhận biết và điều trị
- Trầm cảm sau khi phá thai: Nhận biết và cách phòng tránh
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!