Uống thuốc trầm cảm trong bao lâu? Lời khuyên từ bác sĩ

Quá trình điều trị bệnh trầm cảm cần phải được kiên trì thực hiện trong một khoảng thời gian dài. Để giải đáp thắc mắc “uống thuốc trầm cảm trong bao lâu?” sẽ phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ bệnh, nguyên nhân gây ra bệnh, các tác động từ môi trường, khả năng đáp ứng thuốc của mỗi người.

Uống thuốc trầm cảm trong bao lâu?
Sử dụng thuốc để điều trị trầm cảm cần phải kiên trì thực hiện trong một khoảng thời gian dài

Trầm cảm là một căn bệnh rối loạn tâm thần rất nguy hiểm và cần thời gian điều trị lâu dài. Các triệu chứng của bệnh nếu không được sớm phát hiện và can thiệp đúng phương pháp sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống hoặc thậm chí là cướp đi tính mạng của con người.

Hiện nay nhờ vào sự phát triển của y học mà trầm cảm cũng được kiểm soát và cải thiện bằng nhiều phương pháp khác nhau. Đối với những tình trạng bệnh nhẹ chỉ cần nhanh chóng thay đổi lối sống hàng ngày cũng giúp cho người bệnh dễ dàng đẩy lùi được các triệu chứng của bệnh.

Tuy nhiên khi bệnh tình bắt đầu chuyển biến nặng hơn, người bệnh có kèm theo các hành vi gây tổn hại đến bản thân hoặc có ý muốn tự sát sẽ được kết hợp đồng thời nhiều phương pháp khác nhau. Hiện nay, trị liệu tâm lý và sử dụng thuốc chống trầm là hai biện pháp được áp dụng phổ biến nhất.

Tìm hiểu về thuốc chống trầm cảm

Quá trình điều trị bệnh trầm cảm, đôi lúc bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng một số loại thuốc nhằm kiểm soát tốt các triệu chứng nguy hiểm và hỗ trợ việc cải thiện bệnh được thuận lợi hơn. Tùy vào từng tình trạng bệnh khác nhau mà các chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ cân nhắc để lựa chọn những loại thuốc phù hợp nhất.

Mỗi loại thuốc chống trầm cảm sẽ hoạt động theo một cách khác nhau. Tuy nhiên nguyên lí chung của chúng đều giúp gia tăng các chất dẫn truyền thân kinh để người bệnh cảm thấy thoải mái hơn, đồng thời giảm bớt các triệu chứng mà bệnh trầm cảm gây ra như mất tập trung, mệt mỏi, chán nản, lo lắng,….

Một số nhóm thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng hiện nay như:

  • Nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI): Bao gồm fluoxetine (prozac), paroxetin (pexeva, paxil), escitalopram (lexapro), citalopram (celexa), sertraline (zoloft). Đây là nhóm thuốc được thường được ưu tiên áp dụng đối với những người bệnh trầm cảm. Cũng bởi các loại thuốc nhóm SSRI ít gây ra tác dụng phụ, kể cả khi người bệnh sử dụng với liều lượng cao.
  • Nhóm thuốc ức chế tái hấp thu norepinephrine và serotonin (SNRI): Bao gồm venlafaxine (effexor XR), duloxetine (cymbalta), levomilnacipran (fetzima), desvenlafaxine (khedezla, pristiq). Thông thường nếu người bệnh không thể đáp ứng tốt với nhóm thuốc SSRI thì sẽ được cân nhắc sử dụng các loại thuốc nhóm này.
  • Nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng: Bao gồm nortriptyline (pamelor), imipramine (tofranil), desipramine (norpramin), doxepin, amitriptylin. Đây là một trong các nhóm thuốc có từ rất lâu đời, tuy nhiên những loại thuốc nhóm này lại có nhiều khả năng gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. Vì thế hiện nay các loại thuốc nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng không còn được áp dụng phổ biến nữa. Trong trường hợp người bệnh không thể đáp ứng tốt hai nhóm thuốc trên thì mới được cân nhắc áp dụng.
  • Nhóm thuốc ức chế oxy hóa monoamine (MAOI): Bao gồm isocarboxazid (marplan), phenelzine (nardil), tranylcypromin (PARNATE). Các loại thuốc nhóm này chỉ được áp dụng khi người bệnh đã sử dụng hầu hết những loại thuốc trên nhưng không mang lại kết quả tốt. Nhóm thuốc này có khả năng gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, đồng thời nó có tương tác với nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc. Vì thế người bệnh cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, đồng thời chú ý đến chế độ ăn uống mà bác sĩ đề ra.
  • Nhóm thuốc chống trầm cảm không điển hình: Bao gồm  vortioxetine (trintellix), mirtazapine (remeron), bupropion (aplenzin, wellbutrin, forfivo XL), vilazodone (viibryd). Những loại thuốc này không thuốc bất kì nhóm thuốc chống trầm cảm nào. Trong đó, khi sử dụng bupropion có thể làm gây ra tình trạng suy giảm chức năng tình dục ở người bệnh.

Hầu hết các loại thuốc chống trầm cảm đều có khả năng gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Vì thế trong quá trình điều trị bệnh nhân cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ chuyên khoa. Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng bất thường thì cần thông báo ngay với chuyên gia để được hướng dẫn cách xử lý tốt nhất.

các loại thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm sẽ hoạt động theo nguyên lí gia tăng các chất dẫn truyền thân kinh để người bệnh cảm thấy thoải mái hơn, đồng thời giảm bớt các triệu chứng của bệnh.

Uống thuốc trầm cảm trong bao lâu?

Uống thuốc trầm cảm trong bao lâu còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, ví dụ như mức độ nghiêm trọng của bệnh, thời gian phát hiện bệnh, khả năng đáp ứng đối với thuốc, sự tuân thủ của người bệnh và một số yếu tố tác động từ môi trường. Tuy nhiên, quá trình điều trị trầm cảm bằng thuốc thường phải kéo dài trong một khoảng thời gian, đối với những trường hợp bệnh nặng đôi lúc phải dùng thuốc cả đời. 

Tuy nhiên, nhiều người bệnh lại có tâm lý nóng vội, luôn muốn ngưng thuốc ngay sau khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh được cải thiện hoặc có ý định muốn bỏ ngang việc dùng thuốc đột ngột khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Điều này không chỉ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng mà còn làm cho tình trạng bệnh chuyển biến nghiêm trọng hơn.

Quá trình điều trị nội khoa đối với những trường hợp bệnh trầm cảm thường phải trải qua hai giai đoạn, đó là giai đoạn điều trị tấn công và giai đoạn điều trị duy trì. Thông thường đối với giai đoạn tấn công người bệnh phải kiên trì sử dụng trong khoảng 6 đến 12 tuần, sau khi nhận thấy các triệu chứng bệnh được cải thiện thì tiếp tục duy trì từ 16 đến 20 tuần cho đến khi các triệu chứng trầm cảm hoàn toàn biến mất.

Uống thuốc trầm cảm trong bao lâu?
Tùy vào tình trạng sức khỏe của mỗi bệnh nhân mà các chuyên gia sẽ kê đơn thuốc với liều lượng, thời gian sử dụng khác nhau. 

Thông thường mỗi đợt điều trị trầm cảm thường kéo dài ít nhất khoảng 6 tháng. Đối với những trường hợp bệnh nặng hoặc trầm cảm đã chuyển sang mạn tính thì cần duy trì trong thời gian dài hơn, thậm chí là dùng thuốc cả đời. Các chuyên gia cho biết rằng, tất cả các loại thuốc chống trầm cảm thường có hiệu quả khá chậm, người bệnh phải sử dụng liên tục ít nhất 2 đến 4 tuần mới nhận thấy tác dụng của thuốc.

Sau khi kiên trì áp dụng khoảng 2 tháng, người bệnh sẽ cảm thấy thoải mái và vui vẻ hơn, lúc này tâm trạng cũng được ổn định hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, nếu người bệnh dừng sử dụng thuốc ngay lúc này thì sẽ khiến cho các triệu chứng trầm cảm không được biến mất triệt để và có nhiều nguy cơ tái phát nghiêm trọng hơn.

Các chuyên gia cho biết rằng, nếu người bệnh ngừng uống thuốc giữa chừng và không kiên trì thực hiện đúng theo phác đồ điều trị (tối thiểu 6 tháng) thì tỉ lệ tái phát trong khoảng 2 tháng đầu lên đến 25%. Trong khi đó tỉ lệ tái phát của những bệnh nhân theo đuổi đúng liệu trình sẽ thấp hơn rất nhiều.

Xem thêm: Ngừng thuốc chống trầm cảm đột ngột có sao không?

Tại sao khỏi bệnh nhưng vẫn phải dùng thuốc?

Tại sao khỏi bệnh nhưng vẫn phải dùng thuốc? Các chuyên gia giải đáp rằng, đối với những loại thuốc thông thường thì khi các triệu chứng biến mất người bệnh có thể ngừng sử dụng thuốc để hạn chế được các tác dụng phụ mà thuốc có thể gây ra. Tuy nhiên đối với những loại thuốc chống trầm cảm, thực chất không có tác dụng điều trị tận gốc mà chỉ hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng tạm thời.

Do đó, dù người bệnh nhận thấy các triệu chứng của bệnh đã biến mất nhưng thực tế nguyên nhân gây bệnh vẫn còn tồn tại, việc ngưng thuốc lúc này sẽ làm cho bệnh tình có nguy cơ tái phát nhanh chóng và chuyển biến nặng nề hơn. Cũng bởi khi mắc phải căn bệnh trầm cảm, nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh bên trong não bộ, nhất là serotonin, norepinephrine sẽ bị thay đổi đột ngột. Sự thay đổi này sẽ làm cho các triệu chứng bệnh kéo dài và rất khó cân bằng trở lại.

Dựa trên hoạt động của bệnh trầm cảm, các loại thuốc hỗ trợ điều trị sẽ giúp tác động vào các chất dẫn truyền thần kinh, tạo cảm giác hưng phấn, cân bằng cảm xúc và hỗ trợ người bệnh ngủ ngon hơn, suy nghĩ tích cực hơn. Vì thế sau khi các triệu chứng bệnh đã khỏi, người bệnh cũng cần phải duy trì dùng thuốc trong một thời gian nữa để giúp gia tăng và ổn định serotonin, norepinephrine trong não bộ. Từ đó bệnh nhân sẽ đẩy lùi hoàn toàn các triệu chứng như buồn bã, chán nản, tuyệt vọng, não cũng sẽ phục hồi được chức năng và hoạt động bình thường trở lại.

Theo thống kê nhận thấy, hầu hết các trường hợp người bệnh trầm cảm tái phát đều có liên quan đến việc ngừng sử dụng thuốc quá sớm. Một loại thuốc chống trầm cảm cần phải được duy trì sử dụng trong khoảng 2 đến 4 tuần mới nhận thấy hiệu quả và phải kiên trì uống thêm ít nhất 6 đến 9 tháng sau mới có thể dừng hoàn toàn. Lúc này các yếu tố sinh hóa bên trong não bộ mới thực sự quay về trạng thái hoạt động bình thường, nhờ đó mà người bệnh hạn chế được nguy cơ tái phát về sau.

tại sao khỏi bệnh vẫn phải dùng thuốc trầm cảm?
Đối với những trường hợp trầm cảm mạn tính thì việc uống thuốc sẽ được duy trì đến suốt đời.

Nếu người bệnh đang sử dụng một loại thuốc chống trầm cảm và đáp ứng tốt với thuốc nhưng lại dừng sử dụng thuốc quá sớm sẽ khiến cho cơ hội chữa bệnh bị đánh mất. Khi bệnh bắt đầu tái phát các triệu chứng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn so với ban đầu, thời gian điều trị sẽ kéo dài và tốn kém nhiều hơn.

Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp người bệnh bỏ thuốc giữa chừng do một số tác dụng phụ mà thuốc gây ra. Trong thực tế, khi sử dụng bất kì loại thuốc chống trầm cảm nào cũng có thể gây ra một số biểu hiện như buồn nôn, đau đầu, mất ngủ, căng thẳng, dễ kích động, bồn chồn, khô miệng, mờ mắt, táo bón, ngủ nhiều vào ban ngày, giảm ham muốn tình dục,….khiến cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi và lo lắng.

Tuy nhiên, các bác sĩ sức khỏe tâm thần cho biết các triệu chứng này có thể chỉ xuất hiện vào thời gian đầu và dần biến mất sau khi người bệnh đã quen với thuốc. Ngay khi nhận thấy các biểu hiện bất thường, người bệnh cũng nên thông báo ngay với chuyên gia để được xử lý kịp thời, tuyệt đối không được tự ý ngừng sử dụng thuốc đột ngột.

Để hạn chế và khắc phục tốt các triệu chứng do thuốc chống trầm cảm gây ra, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp như uống nhiều nước, chỉ uống thuốc khi bụng no, uống thuốc trước khi đi ngủ, tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông hoặc máy móc ngay sau khi vừa mới sử dụng thuốc. Song song với việc dùng thuốc đúng quy định của bác sĩ thì người bệnh nên cố gắng xây dựng lối sống khoa học và lành mạnh, xây dựng chế độ ăn uống với nhiều rau xanh, hoa quả tươi, tập thể dục mỗi ngày, suy nghĩ tích cực và lạc quan hơn.

Bài viết trên đây đã đưa ra một số thông tin giúp bạn đọc giải đáp được thắc mắc “Uống thuốc trầm cảm trong bao lâu?”. Để đảm bảo được quá trình điều trị mang lại kết quả tốt thì người bệnh cần phải tuân thủ và chấp hành nghiêm ngặt các chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không được ngưng sử dụng thuốc nếu chưa được sự đồng ý của bác sĩ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *