Phức cảm tự ti (Mặc cảm thấp kém) là gì? Làm sao vượt qua?

Phức cảm tự ti khiến con người thường xuyên nghĩ bản thân là một người luôn thua kém và thất bại hơn so với người khác. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và những mối quan hệ. Khiến con người trở nên cô lập với thế giới và bỏ qua nhiều cơ hội phát triển trong công việc, học tập.

Phức cảm tự ti (Mặc cảm thấp kém) là gì?

Phức cảm tự ti hay Mặc cảm thấp kém (Inferiority Complex), đây là một triệu chứng thiếu tự tin trầm trọng trong cuộc sống. Những người mắc phải phức cảm này làm họ luôn cảm thấy bản thân mình thấp kém, thất bại và thua thiệt hơn so với người khác. Đây cũng giống như một loại ám ảnh khiến con người luôn mặc cảm về mọi thứ.

Phức cảm tự ti (Mặc cảm thấp kém) là gì?
Phức cảm tự ti khiến bản thân luôn tự thấy mặc cảm, thấp kém và thất bại hơn người khác.

Phức cảm tự ti được xuất hiện lần đầu tiên bởi một nhà tâm lý học người Áo – Alfred Adler (1870-1937). Ông đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của phức cảm tự ti trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của một con người. Nhà tâm lý học này cho rằng phức cảm này được đặc trưng bởi các dấu hiệu tâm thần riêng biệt.

Tình trạng này khiến con người luôn cảm thấy mặc cảm với mọi khía cạnh của bản thân khi so sánh với người khác. Họ luôn mang tâm lý mình không xứng đáng được như người khác, mình thấp kém và tệ hại trong mọi việc. Những người mắc phức cảm tự ti có một sự lo lắng, thất vọng và đánh giá thấp chính bản thân mình.

Tuy vấn đề về mặc cảm thấp kém có thể xảy ra ở mọi đối tượng, nhưng thông thường sẽ nhiều hơn đối với trẻ ở giai đoạn dậy thì. Trong độ tuổi này, tâm sinh lý và suy nghĩ phát triển rất phức tạp và mâu thuẫn. Chúng luôn phải đấu tranh giữa ranh giới đúng sai và rất nhạy cảm.

Sự nhạy cảm này dẫn đến việc dễ so sánh bản thân với bạn bè đồng trang lứa. Những đứa trẻ luôn cảm thấy mình thấp kém, tự ti, không tài giỏi như các bạn. Nhất là những trẻ có nhiều áp lực từ gia đình và xã hội, khiến chúng luôn phải cố gắng để không kém cỏi. Việc này khiến những đứa trẻ luôn lo lắng và bất an sẽ có người giỏi hơn mình.

Tự so sánh mình với các quy chuẩn vô hình, dần khiến con người mất đi sự tự tin nên có trong cuộc sống. Họ luôn thấy xấu hổ và mặc cảm về những việc mình làm, không bao giờ chấp nhận bản thân. Dần dần, sự tự ti mặc cảm kéo họ xuống với sự thất bại, chán chường và thiếu động lực phát triển.

Khi sự mặc cảm dần trở nên quá mạnh mẽ và căng thẳng khiến người mắc không thể kiểm soát được chúng, điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Bản thân không thể thành công nếu chỉ tập trung vào những khuyết điểm và suy nghĩ tiêu cực. Điều này dần khiến con người không còn muốn cố gắng để vươn lên.

Xem thêm: Áp lực đồng trang lứa: Nguyên nhân, tác hại và cách vượt qua

Nguyên nhân gây ra mặc cảm thấp kém

Mặc cảm thấp kém xuất hiện từ nhiều nguyên nhân và yếu tố khác nhau. Mỗi môi trường và đời sống sẽ có một nguyên do khác nhau gây nên phức cảm tự tin. Những nhìn chung thì khi con người cảm thấy áp lực từ những tiêu chuẩn cho xã hội hoặc chính bản thân đặt ra sẽ khiến họ luôn lo sợ và nghĩ mình không xứng đáng.

  • Áp lực tiêu chuẩn xã hội

Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến vấn đề phức cảm tự ti ở nhiều người. Xã hội luôn cho rằng chỉ có người giỏi, thông minh, tài năng mới có thể thành công và nhận được điều tốt đẹp. Bắt con người phải luôn luôn phát triển và đạt được những tiêu chuẩn như: ngoại hình đẹp, học giỏi, nhiều tiền, thông minh,….

Những tiêu chuẩn này lâu ngày tạo ra một sự “ràng buộc” trong tư tưởng. Khiến nhiều người khi chưa đạt được những điều đó luôn áp lực và căng thẳng. Họ cảm thấy bản thân thất bại và bất tài. Họ xấu hổ với gia đình, xã hội và với chính bản thân mình khi không đáp ứng được những kỳ vọng đặt ra.

Vấn đề này xảy ra ở rất nhiều nơi và môi trường sống. Mỗi môi trường đều có người giỏi và người chưa giỏi, nếu đặt ra những tiêu chuẩn đồng bộ sẽ khiến con người ngày càng tự ti và thụt lùi về sau. Luôn phải so sánh với người khác và suy nghĩ mình chẳng có tài năng gì sẽ càng khiến khả năng thất bại và thua cuộc lớn hơn.

  • Trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ

Nếu trong quá khứ, con người từng bị nhận phải những lời chê bai, trách móc, phê bình, kỳ thị,… rất có khả năng cao dễ mắc phải phức cảm tự ti. Dần khiến trong suy nghĩ của họ luôn nghĩ rằng bản thân là một người không có giá trị, tự chối bỏ mình vì không đáp ứng được mong muốn của người khác.

Khi bị trách móc, phê bình và kỳ thị quá nhiều, trong tư tưởng tự động phát sinh ra suy nghĩ những lời tiêu cực đó là đúng. Họ bị “nhấn chìm” bởi những đánh giá và bình phẩm của người khác khiến cuộc sống dần trở nên khó khăn và bi kịch hơn.

Ví dụ, một cô gái mũm mĩm nhưng rất thường xuyên bị người khác kỳ thị về ngoại hình, cho rằng cô xấu và không đẹp được như người này người kia. Lâu dần, trong suy nghĩ của cô gái ấy cũng tự chấp nhận rằng bản thân mình xấu xí và không có giá trị như những người có thân hình đẹp, chuẩn.

Do những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ, hình thành nên một rào cản khó vượt qua cho chính bản thân mình. Cảm giác luôn bị người khác khinh thường, chỉ trích khiến họ bị ám ảnh và trở nên tự ti mặc cảm hơn. Dù cho sau này họ có thể ở những môi trường tốt đẹp hơn, những trong tư tưởng vẫn ám ảnh những vấn đề từ quá khứ.

  • Cách giáo dục từ gia đình

Những đứa trẻ khi phát triển trong một gia đình với tư tưởng cổ hủ, kỷ luật sẽ khiến chúng bị kìm hãm sự tự tin và không thể nào thành công. Những đứa trẻ luôn nghĩ rằng dù có cố gắng như thế nào thì vẫn có người hơn mình và gia đình vẫn sẽ nghĩ chúng yếu kém và thất bại.

Những tư tưởng này “ăn sâu” vào ý thức khiến chúng luôn cảm thấy sợ hãi và lo lắng khi có những người giỏi hơn mình. Bản thân luôn trở nên kém giá trị và bất tài trong mắt gia đình. Điều này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của những đứa trẻ, dẫn đến sau này khi đi làm vẫn không thể tự tin thể hiện và phát huy khả năng của mình.

Nguyên nhân gây ra mặc cảm thấp kém
Gia đình quá kỷ luật khiến con trẻ dễ bị áp lực và cảm thấy kém cỏi.

Việc trưởng thành trong một môi trường giáo dục và nuôi dạy nhiều kỷ luật, chỉ trích có thể là nguyên nhân chính phát triển phức cảm tự ti. Nghiêm khắc là đúng nhưng nếu quá cứng nhắc và nhiều định kiến sẽ vô tình khiến con trẻ không còn đủ tự tin để phát triển bản thân.

Có nhiều bậc phụ huynh không hay khen thưởng con khi con có kết quả tốt và luôn răn dạy rằng nếu có người giỏi hơn thì chúng là kẻ thất bại. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến suy nghĩ của những đứa trẻ, khiến chúng mất đi động lực cố gắng. Trong cuộc sống, nếu mất đi động lực thì đồng nghĩa với khả năng thất bại cao.

  • Yếu tố di truyền

Ngoài những yếu tố trên thì di truyền cũng là một nguyên nhân gây nên sự tự ti. Nếu người bố hoặc mẹ luôn cảm thấy lo lắng và tự ti với bản thân mình, đứa con cũng có thể học theo và có tư tưởng phát triển giống bố mẹ chúng. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy rằng, di truyền cũng có khả năng cao gây ra phức cảm tự ti ở một người.

Một số gia đình di truyền được sự thông minh, tài năng thiên bẩm, khả năng lãnh đạo,… và tự ti cũng có thể di truyền qua nhiều thế hệ. Vì tư tưởng xấu hổ, mặc cảm đã dần hình thành nên tính cách và tính cách này dần ảnh hưởng mạnh mẽ hơn. Vì thế nên đứa con cũng sẽ có xu hướng tiếp nhận sự di truyền đó từ bố mẹ.

Xem thêm: Nguyên Nhân Và Dấu Hiệu Trẻ Nhút Nhát Thiếu Tự Tin Vào Bản Thân

Dấu hiệu nhận biết phức cảm tự ti

Nhiều người thường lầm tưởng rằng tự ti là một hành vi bình thường khi ta cảm thấy xấu hổ vì không giỏi hoặc tốt bằng người khác. Nhưng nếu hành vi này có những biểu hiện vượt xa khỏi sự kiểm soát của bản thân, khiến cuộc sống dần trở nên tồi tệ hơn, nặng nề hơn thì rất có thể đã mắc phải phức cảm tự ti.

Người bị mắc phức cảm tự ti và người bình thường cũng sẽ không có sự chênh lệch quá nhiều, nên sẽ khá khó để nhận biết được. Nhưng nếu có các triệu chứng bất thường kéo dài dai dẳng, tạo ra một nỗi ám ảnh khiến bản thân luôn cảm thấy sợ hãi, lo lắng, thường xuyên hạ thấp mình thì đó là một lời cảnh báo đến bạn.

  • Luôn cảm thấy lo sợ, bất an, căng thẳng.
  • Luôn so sánh bản thân với người khác.
  • Đánh giá thấp bản thân và tự coi thường mình.
  • Nhạy cảm với những chê bai, chỉ trích.
  • Tránh né các hoạt động nhóm, xã hội.
  • Luôn cảm giác phải cạnh tranh, tìm kiếm sự công nhận từ người khác.
  • Mất tập trung.
  • Mất ngủ, tinh thần mệt mỏi áp lực.
  • Xuất hiện dấu hiệu của trầm cảm, rối loạn lo âu, stress, những rối loạn về sức khỏe tâm thần.

Tuy nhiên, có nhiều người để có thể che giấu đi những mặc cảm, xấu hổ và tự ti của bản thân mình, lại chọn cách biểu hiện ngược lại. Họ dùng sự tự tin thái quá của mình để khỏa lấp đi sự kém cỏi của bản thân. Chứng minh cho người khác thấy mình là người tài giỏi thành công chứ không phải kém cỏi thất bại.

  • Luôn muốn nổi bật và vượt trội.
  • Tự tin thái quá, ái kỷ.
  • Hay chỉ trích, tìm ra lỗi sai của người khác.
  • Hạ thấp người khác.
  • Không chấp nhận lỗi sai của bản thân.

Mặc cảm thấp kém ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống

Mặc cảm thấp kém chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực rất nhiều đến chất lượng cuộc sống. Khi bản thân chỉ thấy mình thấp kém sẽ không thể nắm bắt được cơ hội để phát triển bản thân mình. Ngoài ra, phức cảm này còn ảnh hưởng rất nhiều đến đến các khía cạnh khác trong cuộc sống, kể cả bản thân và các mối quan hệ xung quanh.

  • Mất đi cái tôi và giá trị của bản thân

Việc thường xuyên cho mình là kém cỏi, là không có giá trị dần sẽ khiến bạn trở nên thật sự thất bại trong mắt người khác. Khi một người không có ý nghĩ xấu và coi thường bạn, nhưng bạn liên tục tự chê trách và đánh giá thấp bản thân mình, vô tình khiến người khác cũng dần suy nghĩ tương tự.

Bạn tự chê trách mình khiến bản thân dần quên mất cả tôi và lòng tự trọng vốn có. Đó không gọi là khiêm tốn mà nó gây ra một hệ quả nghiêm trọng khiến giá trị bản thân ngày càng thấp đi. Tự chê trách và nói xấu mình, khiến bản chỉ thêm thảm hại và thất bại trong mắt người khác.

Mặc cảm thấp kém ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống
Việc mất đi giá trị bản thân càng khiến bạn trở nên tồi tệ và thất bại.

Có thể bạn không đẹp, không giỏi, không thông minh, nhưng người khác vẫn đánh giá cao bởi giá trị tự nhiên của bạn. Nhưng bạn lại tự đánh mất nó và cho rằng mình không xứng đáng với những điều tốt đẹp, điều này sẽ khiến cái tôi và sự kiêu hãnh của bạn không còn có giá trị nữa.

  • Rối loạn tâm lý

Phức cảm tự ti trong một thời gian dài có thể khiến phát sinh ra những bệnh tâm lý nghiêm trong như: trầm cảm, stress, rối loạn tâm thần, lo âu,…. Đối với người quá nhạy cảm thì việc luôn tự ti và mặc cảm về bản thân sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng.

Họ luôn sống trong lo sợ, căng thẳng cực độ khi nhìn thấy những thành tích của người khác. Luôn so sánh và tự đánh giá mình là một người bất tài, không có giá trị và không xứng đáng được yêu thương. Điều này gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý khiến bạn dễ suy sụp và mất niềm tin vào cuộc sống.

  • Ảnh hưởng đến học tập, công việc

Tự cho rằng mình thấp kém và không tài giỏi khiến bạn dễ có nguy cơ mất đi nhiều cơ hội tiềm năng để phát triển. Việc tự nhìn nhận mình kém cỏi chính là một cách khiến bạn luôn thất bại và chậm hơn so với người khác. Bạn đối xử quá bất công với chính bản thân mình, không cho mình một cơ hội để thể hiện khả năng với người khác.

Phức cảm tự ti có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp và học tập, nó khiến bản thân không thể tiến bộ và tốt hơn khi cứ mãi tìm ra lỗi sai của bản thân mình. Bạn không dám chủ động đề xuất ý kiến vì sợ mọi người chê cười. Không dám đảm đương công việc vì sợ không giỏi và đủ năng lực như người khác.

Những lý do này kìm hãm sự phát triển và thăng tiến của bản thân rất nhiều. Dần dần, bạn sẽ không còn muốn cố gắng vì luôn cảm thấy có nhiều người giỏi hơn mình. Bạn trao cơ hội phát triển cho người khác trong khi mình xứng đáng. Điều này sẽ làm cho cuộc sống trở nên bế tắc và mệt mỏi vì những ám ảnh tự ti kéo dài.

  • Mất đi sự tự tin

Sự ảnh hưởng lớn và tồi tệ nhất của phức cảm tự ti chính là mất đi sự tự tin của chính mình. Bạn bắt đầu ngại những thử thách những sự mới lạ vì lo rằng mình không thể vượt qua và chiến thắng được nó. Bạn không còn cảm thấy tin tưởng vào khả năng của mình vì thường xuyên phải so sánh với sự thành công của người khác.

Thiếu tự tin chính là làm mất đi nhiều cơ hội trong cuộc sống, khiến bản thân bị giới hạn và trói buộc bởi những tiêu chuẩn vô lý của bản thân. Khiến bản thân không thể bứt phá và ngại khó khăn thử thách.

  • Không thể tạo dựng mối quan hệ

Khi bạn luôn cảm thấy mình thua kém người khác, sẽ khiến bạn dần thu mình lại và tách biệt khỏi mọi người, dẫn đến tình trạng tự cô lập chính mình. Phức cảm tự ti làm bản thân trở nên cô đơn và buồn tẻ vì bạn luôn tự xa lánh người khác để tránh bị đánh giá và chỉ trích.

Người mắc phức cảm sẽ không dám làm quen, tiếp xúc hay gặp gỡ các mối quan hệ mới trong xã hội vì bản thân sợ bị phê bình, chê trách. Làm mất đi cơ hội để có thể giao tiếp, gặp gỡ những đối tượng mới và phát triển bản thân mình. Cản trở việc tạo dựng và duy trì mối quan hệ, khiến người khác cảm thấy không thoải mái khi tiếp xúc.

Có nhiều người chỉ thích làm quen và gần gũi với những người tích cực. Họ không thích tạo mối quan hệ với những người tự ti, đánh giá thấp bản thân vì họ sợ bị ảnh hưởng tiêu cực. Vì thế phức cảm này gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc gây dựng một mối quan hệ tốt đẹp mới.

Xem thêm: Cảm giác bản thân vô dụng, vô giá trị thì làm gì là tốt nhất?

Cách vượt qua phức cảm tự ti

Sự mặc cảm thấp kém và tự ti đã ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống. Nó gây ra những hệ quả nghiêm trọng và tác động tiêu cực đến bản thân và cả các mối quan hệ. Làm đánh mất nhiều cơ hội phát triển và khẳng định khả năng của bản thân. Vì thế việc tìm ra cách để vượt qua được vấn đề này là rất cần thiết và cấp bách.

Thay đổi suy nghĩ về bản thân

Không ai có thể thay đổi tốt hơn là bản thân bạn, hãy cố gắng thay đổi để nhìn nhận lại chính mình. Khi bạn tự tin và suy nghĩ tích cực về giá trị của mình thì người khác cũng sẽ thấy như vậy. Đừng nên nghĩ mình thấp kém và thất bại vì ở ngoài xã hội vẫn còn nhiều trường hợp khó khăn nhưng họ vẫn phấn đấu và tin vào tương lai.

Bạn nên biết rằng mỗi người đều có một giá trị và khả năng riêng. Hãy thử nhiều lĩnh vực và tiếp xúc nhiều môi trường khác nhau để biết bản thân mình phù hợp với điều gì. Tập tin tưởng vào giá trị của bản thân và tự tạo sự động viên cho mình, để từ đó làm động lực thúc đẩy phát triển ngày càng tốt hơn.

Cố gắng loại bỏ những điều tiêu cực về mình, vì ai cũng có điểm mạnh và yếu. Cần biết cách phát huy những điểm mạnh của mình và khắc phục dần những hạn chế và yếu điểm để thấy mình tốt đẹp và giá trị hơn.

Biết công nhận thành công của mình

Khi đạt được thành công hoặc kết quả cao, hãy tự khen thưởng mình để tạo động lực. Dù chỉ là những thành tích nhỏ nhưng nó vẫn xuất phát từ sự cố gắng và nỗ lực của bản thân. Đừng quá sức để đạt được thành công giống người này người kia sẽ khiến bạn áp lực và căng thẳng hơn.

Cách vượt qua phức cảm tự ti
Biết ghi nhận thành công của mình sẽ tạo động lực cố gắng phát triển hơn trong tương lai.

Biết ghi nhận sự cố gắng của mình và không đánh giá thấp nó vì mọi nỗ lực tạo ra thành quả đều đáng quý như nhau. Cố gắng không gục ngã và cảm thấy thất bại vì chưa đạt được điều gì đó như mong ước. Hãy xem đó là chất xúc tác để giúp bạn cố gắng phát triển hơn từng ngày.

Ngừng so sánh với người khác

Cách vượt qua hiệu quả nhất đó là ngừng so sánh bản thân với người khác. Việc bạn so sánh khả năng của mình với người khác chỉ khiến bản thân trở nên kém cỏi và thất bại hơn. Vì bạn chỉ tập trung vào điểm yếu của mình và so với điểm mạnh của người khác nên dần hình thành sự tự ti và mặc cảm.

Hãy xem sự thành công của người khác là kinh nghiệm và động lực cho bản thân cố gắng phát triển hơn. Cần tập trung vào những điều tích cực về bản thân và từ chối những suy nghĩ tiêu cực kể cả do người khác hay chính bạn nhìn nhận. Bạn cần hiểu rằng mỗi người đều có khó khăn riêng và chỉ khi vượt qua nó mới có thể thành công.

Tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia

Nếu cảm thấy tình trạng tâm lý ngày càng chuyển biến xấu và không có dấu hiệu dừng lại, bạn có thể tìm đến sự giúp đỡ từ các chuyên gia hoặc bác sĩ tâm lý. Những người có chuyên môn sẽ giúp bạn tìm hiểu ra được vấn đề và tìm cách thay đổi. Phức cảm tự ti khiến tâm lý có thể hình thành nên bệnh và gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống.

Cần tìm cách ngăn chặn và điều trị kịp thời để những vấn đề mặc cảm không gây cản trở, khó khăn cho cuộc sống của bạn. Cần tìm đến các phòng khám và bác sĩ uy tín để có thể được kiểm tra, tư vấn và có cách điều trị phù hợp nhất cho tình trạng của bản thân.

Phức cảm tự ti là một vấn đề nan giải đối với nhiều người. Nó khiến con người cảm thấy mặc cảm, luôn nghĩ mình là người thất bại và kém cỏi. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phát triển và tiến bộ của bản thân. Nếu có dấu hiệu bất thường, hãy tìm cách khắc phục và bình tĩnh vượt qua để không gây khó khăn cho cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm: 

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *