Nguyên nhân và dấu hiệu trẻ nhút nhát thiếu tự tin vào bản thân

Rate this post

Trẻ nhút nhát, thiếu tự tin sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc kết bạn, học tập và khó có thể thành công trong tương lai. Để giúp trẻ vượt qua sự nhút nhát và rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp, gia đình cần tìm hiểu nguyên nhân và áp dụng các biện pháp khắc phục phù hợp.

trẻ nhút nhát thiếu tự tin
Nhút nhát, thiếu tự tin là tình trạng khá phổ biến ở trẻ nhỏ

Dấu hiệu nhận biết trẻ nhút nhát, thiếu tự tin

Nhút nhát, thiếu tự tin là tình trạng khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Trẻ dưới 10 tuổi thường gặp phải tình trạng này do thiếu sự hiểu biết về thế giới xung quanh và chưa thể đánh giá khách quan điểm mạnh – điểm yếu của bản thân. Do đó, trong những năm đầu đời, con sẽ khá nhút nhát, tự ti, e ngại và thiếu sự tin tưởng vào bản thân.

Những đặc điểm trên rất phổ biến ở trẻ dưới 10 tuổi nên bố mẹ không cần phải lo lắng quá mức. Tuy nhiên, nếu tình trạng không được khắc phục, con có thể thiếu tự tin vào bản thân cả khi trưởng thành. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến tính cách của trẻ và phần nào cản trở con đường dẫn đến thành công trong cuộc sống.

Biểu hiện của trẻ nhút nhát
Biểu hiện của trẻ nhút nhát, thiếu tự tin là thường xuyên xấu hổ và e ngại khi gặp người lạ

Để kịp thời điều chỉnh và trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết, bố mẹ cần nhận biết sớm các dấu hiệu trẻ nhút nhát, thiếu tự tin vào bản thân.

  • Trẻ nhút nhát thường ngại giao tiếp, sống thu mình, thích chơi một mình hoặc chỉ chơi với một số người bạn đã quen biết từ trước.
  • Trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc kết bạn và hầu như không có bạn bè thân thiết hoặc chỉ có một vài người bạn đã quen từ khi còn nhỏ.
  • Trẻ thể hiện rõ sự e ngại, ngại ngùng khi gặp gỡ người lạ hoặc chuyển đến những môi trường mới.
  • Rất dễ xấu hổ khi bị người khác chỉ trích, phê bình và cười chê.
  • Trẻ bày tỏ sự lo lắng với bố mẹ về việc bản thân có thể bị chê cười. Tâm lý này khiến cho trẻ không dám trải nghiệm những điều mới mẻ và luôn thu mình với mọi người.
  • Thụ động khi vui chơi và học tập.
  • Cảm thấy không thoải mái khi đến những nơi đông người. Trẻ thường ở nhà sau thời gian học tập, ít vui chơi và gặp gỡ bạn bè.
  • Trẻ nhút nhát, thiếu tự tin thường sống phụ thuộc vào gia đình và đôi khi có phản ứng quá khích khi ở nơi không có bố mẹ hay bất cứ người thân quen nào.
  • Cho rằng bản thân yếu kém, vô dụng hơn các bạn bè. Điều này khiến cho trẻ không dám phát biểu, xây dựng bài vì sợ rằng những suy nghĩ của bản thân là không đúng và sẽ bị bạn bè cười chê.
  • Trẻ ít khi vui vẻ, thoải mái, thay vào đó là cảm giác buồn bã, lo lắng và bi quan thường trực.
  • Dễ bị bạn bè bắt nạt do tính cách thụ động, sống khép kín và tách biệt với mọi người.
  • Trẻ rất ngại thể hiện những năng khiếu của bản thân như ca hát, nhảy múa, đàn,…

Tự tin là tính cách cần thiết trong cuộc sống dù là với trẻ nhỏ hay người trưởng thành. Vì vậy, gia đình cần nhận biết trẻ tự ti, nhút nhát và thiếu tự tin vào bản thân để có biện pháp khắc phục sớm nhất.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Nguyên nhân khiến trẻ nhút nhát, thiếu tự tin vào bản thân

Trẻ nhút nhát, thiếu tự tin vào bản thân có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc xác định nguyên nhân sẽ giúp cho bố mẹ điều chỉnh cách giáo dục phù hợp, từ đó giúp con rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp và tự tin hơn vào bản thân.

Các nguyên nhân được xác định có liên quan đến tình trạng trẻ nhút nhát, thiếu tự tin vào bản thân:

1. Yếu tố di truyền

Các nhà tâm lý học cho biết, tính cách là yếu tố có khả năng di truyền. Thông qua cách giáo dục và tác động từ môi trường, tính cách sẽ có những thay đổi đáng kể với chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực. Do đó, trẻ cũng có thể di truyền tính cách nhút nhát, thiếu tự tin từ bố hoặc mẹ.

Đa phần những trường hợp bố, mẹ có tính cách hướng nội, ít nói, trầm lắng thường sinh ra trẻ có tính cách khá nhút nhát và kiệm lời. Tuy nhiên, tính cách là yếu tố có thể thay đổi. Vì vậy, bố mẹ không nên quá lo lắng khi nhận thấy con nhút nhát và thiếu tự tin. Nếu giáo dục đúng cách, con vẫn có thể tự tin như các bạn và hoàn toàn có thể đạt được thành công trong tương lai.

2. Cách giáo dục không phù hợp

Ngoài yếu tố di truyền, trẻ có tính cách nhút nhát, thiếu tự tin còn có thể là hậu quả do cách giáo dục không phù hợp. Giáo dục là yếu tố ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý và tính cách của trẻ. Những phương pháp giáo dục không phù hợp có thể khiến trẻ phát triển không lành mạnh và hình thành tính cách nhút nhát, thiếu tự tin.

Biểu hiện của trẻ nhút nhát
Gia đình bảo bọc, nuông chiều quá mức là nguyên nhân khiến trẻ hình thành tính cách nhút nhát và thiếu tự tin

Theo các chuyên gia, tính cách nhút nhát, thiếu tự tin ở trẻ có thể liên quan đến các phương pháp giáo dục không phù hợp sau:

  • Cha mẹ quá nuông chiều, bảo bọc: Khi còn nhỏ, gia đình thường có xu hướng bảo bọc con cái quá mức vì sợ con bị tổn thương. Tuy nhiên, cách giáo dục này lại khiến cho trẻ hình thành tâm lý ỷ lại vào gia đình và sợ va chạm với mọi thứ bên ngoài. Khi đến trường, trẻ có xu hướng thu mình, sống tách biệt vì thiếu những kỹ năng cần thiết.
  • Hay la mắng, quát nạt trẻ: Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, phải nghiêm khắc và la mắng để trẻ vâng lời, ngoan ngoãn và biết sợ bố mẹ. Tuy nhiên, việc la mắng trẻ cần phải được tiết chế. Quát nạt trẻ quá mức có thể khiến trẻ thường trực sự sợ hãi, từ đó trở nên nhút nhát, tự ti và thiếu tự tin vào bản thân. Ngoài ra, việc quát nạt trẻ quá mức còn khiến trẻ trở nên thụ động và không dám trải nghiệm bất cứ điều gì vì sợ bị người lớn đánh mắng.
  • Không lắng nghe con cái: Vấn đề thường thấy ở các bậc cha mẹ Việt là thiếu sự thấu hiểu và không lắng nghe con cái. Khi con gặp phải vấn đề và chia sẻ với gia đình, bố mẹ hiếm khi lắng nghe mà có xu hướng gạt đi và cho rằng con không nên quá quan tâm đến những vấn đề không liên quan đến việc học. Không lắng nghe con cái khiến cho trẻ mông lung, khó khăn trong việc đánh giá vấn đề và dần hình thành tâm lý xem nhẹ bản thân.

Hơn ai hết, gia đình là nơi ảnh hưởng sâu sắc nhất đến tính cách của con trẻ. Chính vì vậy, bố mẹ nên xem xét lại cách giáo dục nếu nhận thấy con có biểu hiện nhút nhát và thiếu tự tin. Ngoài ra, thay đổi cách giáo dục còn hướng con đến những phẩm chất tốt đẹp, có bản lĩnh và mạnh mẽ để có thể đương đầu, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

3. Ảnh hưởng tính cách của người thân trong gia đình

Trong một số trường hợp, trẻ có thể ảnh hưởng tính cách của những người thân trong gia đình. Đó có thể là bố mẹ, ông bà hoặc anh chị em. Trong giai đoạn phát triển, trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi tính cách, quan niệm sống và suy nghĩ của những người thân. Đây là lý do những trẻ sống chung với người có các rối loạn tâm lý, tâm thần sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Nếu trong gia đình có người thân có tính cách nhút nhát, e ngại, bố mẹ nên giúp con điều chỉnh và để trẻ biết rằng, cá tính của mỗi người là khác nhau, con nên xây dựng tính cách thật thay vì bị ảnh hưởng bởi tính cách của người khác. Trong trường hợp bố hoặc mẹ có dạng tính cách này, nên thay đổi để giúp con bồi dưỡng nhân cách và rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp.

4. Trẻ ít có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài

Trẻ ít có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài thường nhút nhát, tự ti hơn so với trẻ được trải nghiệm từ khi còn nhỏ. Ngày nay, môi trường sống ô nhiễm và nhiều vấn nạn đã khiến cho các gia đình lo sợ khi cho trẻ trải nghiệm cuộc sống bên ngoài. Chính vì vậy, nhiều gia đình chủ yếu cho trẻ vui chơi trong nhà và đến các trung tâm giải trí.

Biểu hiện của trẻ nhút nhát
Trẻ sống trong môi trường thu hẹp, ít được va chạm và tiếp xúc thường có tính cách nhút nhát và tự ti

Trẻ thiếu những trải nghiệm với cuộc sống sẽ trở nên nhút nhát, tự ti. Trong khi đó, những trẻ thường xuyên được vui chơi, khám phá thế giới sẽ tự tin hơn và có những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Hiện nay, những trẻ sống trong thành thị khó có thể tiếp xúc với thiên nhiên. Trong khi đó, bố mẹ lại quá bận rộn để có thể tổ chức các chuyến đi chơi cùng con cái. Điều này khiến cho trẻ phải sống trong môi trường thu hẹp, ít được tiếp xúc với thiên nhiên và con người dần dần hình thành tâm lý e ngại và nhút nhát.

5. Do những trải nghiệm tiêu cực trong cuộc sống

Những trải nghiệm tiêu cực trong cuộc sống cũng là nguyên nhân khiến trẻ trở nên nhút nhát, thiếu tự tin vào bản thân. Theo các chuyên gia, các sự kiện như bị tẩy chay, thầy cô đối xử bất công, bố mẹ ly hôn,… khiến cho trẻ trở nên tự ti, nhút nhát mặc dù trước đây rất vui vẻ và hoạt bát.

trẻ nhút nhát thiếu tự tin
Trong một số trường hợp, trẻ có thể trở nên nhút nhát và thiếu tự tin do gia đình tan vỡ, bố mẹ ly hôn

Khi đối mặt với các sự kiện sang chấn, tâm lý của trẻ ít nhiều sẽ bị tổn thương. Nếu như người lớn có kỹ năng kiểm soát và cân bằng cảm xúc thì trẻ em sẽ chật vật với một mớ cảm xúc hỗn độn và tâm lý bất ổn. Trước những trải nghiệm tiêu cực, trẻ có xu hướng sống thu mình và tách biệt với mọi người xung quanh.

6. Do sống trong gia đình độc hại

Gia đình độc hại hay cha mẹ độc hại thực sự là nỗi ám ảnh với con trẻ. Sống trong một gia đình độc hại khiến cho trẻ trở nên nhút nhát, e ngại, bi quan và buồn bã. Những bậc cha mẹ độc hại thường giáo dục con cái theo cách hà khắc, kiểm soát và áp đặt quá mức.

Bên cạnh đó, một số gia đình thờ ơ, không quan tâm đến tinh thần của con mà chỉ đáp ứng những nhu cầu về vật chất. Môi trường sống “độc hại” chính là nguyên nhân khiến con trẻ hình thành những tính cách thiếu lành mạnh và đôi khi dẫn đến sự méo mó trong quá trình phát triển nhân cách.

Nhút nhát, thiếu tự tin ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của trẻ?

Nhút nhát, thiếu tự tin không gây ra những ảnh hưởng quá rõ rệt. Những ảnh hưởng của tình trạng này xuất hiện một cách từ từ và ngày càng rõ rệt theo thời gian. Ban đầu, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc kết bạn, thụ động khi học tập và không dám bày tỏ ý kiến của bản thân vì sợ bị chê cười. Trẻ nhút nhát, thiếu tự tin cũng không dám thể hiện những năng khiếu và thế mạnh của bản thân.

Trẻ lớn lên với tính cách nhút nhát, tự ti sẽ khó có thể thành công vì luôn sợ hãi và e ngại. Tính cách này sẽ trở thành rào cản khiến trẻ không dám thể hiện năng lực và đánh mất nhiều cơ hội đáng quý. Bên cạnh đó, trẻ nhút nhát và thiếu tự tin vào bản thân cũng có rất ít bạn bè và các mối quan hệ khác trong cuộc sống.

trẻ nhút nhát thiếu tự tin
Trẻ nhút nhát, thiếu tự tin thường có ít bạn bè và sống khép kín, tách biệt với mọi người

Hơn nữa, tính cách khác thường cũng khiến cho trẻ trở thành đối tượng bị trêu chọc và thậm chí là bạo lực học đường. Nếu gia đình không có sự quan tâm đúng mực, trẻ sẽ phải tự đối mặt với những vấn đề này và phải chịu những tổn thương sâu sắc về mặt tâm lý. Trong trường hợp xấu nhất, trẻ có thể gặp phải một số vấn đề về tâm lý và méo mó nhân cách.

Có thể thấy, tính cách nhút nhát và thiếu tự tin ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của trẻ. Hậu quả dễ dàng nhận thấy là sự giảm sút kết quả học tập và các mối quan hệ bị giới hạn. Về lâu dài, trẻ sẽ gặp khó khăn khi xây dựng, duy trì các mối quan hệ và khó có thể thành công trong cuộc sống.

Cách giúp trẻ vượt qua sự nhút nhát và thiếu tự tin

Sự nhút nhát, thiếu tự tin chính là rào cản khiến con trẻ không thể phát triển và thể hiện được năng lực. Chính vì vậy, gia đình cần có biện pháp khắc phục phù hợp để giúp trẻ tự tin và dạn dĩ hơn. Bên cạnh đó, trẻ được giáo dục đúng cách cũng sẽ trở nên mạnh mẽ và bản lĩnh hơn trong cuộc sống.

Trước khi áp dụng biện pháp cải thiện, gia đình cần xem xét tính cách của con và xác định được nguyên nhân, yếu tố có thể gây ra tình trạng này. Bên cạnh đó, nên trò chuyện nhẹ nhàng để biết được trẻ có đang phải đối mặt với vấn đề ở trường học hay không. Khi tìm hiểu rõ nguyên nhân, bố mẹ sẽ dễ dàng tìm ra phương án xử lý phù hợp nhất.

Khi nhận thấy con trẻ nhút nhát, thiếu tự tin vào bản thân, bố mẹ có thể thử một số cách cải thiện sau đây:

1. Không nên bảo bọc trẻ quá mức

Trước tiên, gia đình cần thay đổi việc bảo bọc trẻ quá mức. Tâm lý này thường xuất phát từ sự lo lắng và tình yêu thương dành cho con cái. Tuy nhiên, bảo bọc quá mức sẽ khiến cho con hình thành tâm lý ỷ lại và phụ thuộc vào gia đình. Ngoài ra, cách giáo dục này cũng sẽ khiến trẻ ngại tiếp xúc, va chạm và tìm cách thoái thác khi gặp phải khó khăn.

Thay vì bảo bọc trẻ quá mức, bố mẹ nên dành sự quan tâm đúng mực đến con cái và khuyến khích con tiếp xúc, trải nghiệm cuộc sống. Sự quan tâm đúng mực sẽ giúp bạn cảm nhận được tình yêu thương của gia đình nhưng không có tâm lý ỷ lại hay phụ thuộc.

Nếu trẻ đã quen được nuông chiều và bảo bọc, gia đình sẽ mất một thời gian dài để thay đổi. Trong trường hợp này, đừng nên thay đổi cách giáo dục quá đột ngột. Thay vào đó, nên khéo léo thay đổi từ từ để con trẻ không cảm thấy khó chịu và có phản ứng chống đối.

2. Khuyến khích trẻ bằng lời khen

Tình trạng quát nạt, la mắng trẻ thường xuyên sẽ khiến cho trẻ trở nên nhút nhát và thiếu tự tin vào bản thân. Vì vậy, gia đình cần thay đổi cách giáo dục này nếu muốn con hình thành sự tự tin, bản lĩnh hơn trong cuộc sống. Một cách hiệu quả để giúp trẻ vượt qua sự nhút nhát là khuyến khích trẻ bằng lời khen.

Khi con trẻ có những hành động tích cực như chủ động học tập, thực hiện bài tập về nhà đầy đủ, giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà, chăm sóc em,… gia đình nên có lời khen để khuyến khích trẻ duy trì những hành động này. Thỉnh thoảng, bố mẹ có thể thưởng cho trẻ một số món quà như món ăn mà trẻ yêu thích, truyện tranh, cho trẻ đến các khu vui chơi, công viên,… để trẻ có động lực thực hiện những hành vi tốt và thay đổi những thói quen xấu.

trẻ nhút nhát thiếu tự tin
Khen ngợi đúng cách sẽ giúp trẻ trở nên tự tin và chủ động hơn trong cuộc sống

Tương tự như người lớn, trẻ sẽ cảm thấy vui vẻ khi nhận được lời khen từ người khác. Do đó, thay vì la mắng và áp đặt con cái, hãy khéo léo khen ngợi để trẻ hình thành những phẩm chất tốt và có ý thức hơn về hành vi của bản thân. Khi trẻ phạm phải lỗi lầm, bố mẹ cũng cần nghiêm khắc chỉ ra lỗi sai và yêu cầu trẻ thực hiện các hình phạt. Tuy nhiên, nên trò chuyện một cách nghiêm khắc thay vì quát nạt và la mắng.

Ngoài ra, bố mẹ cũng cần lựa chọn những hình phạt phù hợp và có ý nghĩa chẳng hạn như chép phạt, úp mặt vào tường, dọn dẹp nhà cửa, cấm xem ti vi, chơi game trong một khoảng thời gian,… thay vì đánh trẻ. Đánh trẻ có thể khiến trẻ hình thành tâm lý chống đối. Trong khi đó, những hình phạt gây ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ sẽ giúp trẻ ý thức hơn hậu quả từ những hành vi của bản thân và biết cách điều chỉnh phù hợp hơn.

3. Thay đổi cách giáo dục phù hợp

Các bậc cha mẹ Việt gặp rất nhiều khó khăn trong việc giáo dục con cái. Không khó để nhận thấy, rất nhiều gia đình vẫn giữ cách giáo dục cũ, luôn thể hiện uy quyền và kiểm soát con cái quá mức. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng chỉ quan tâm đến thể chất và kết quả học tập của con mà quên nuôi dưỡng tâm hồn, rèn luyện cho con những đức tính và phẩm chất tốt đẹp.

Thay đổi cách giáo dục chính là biện pháp hiệu quả giúp trẻ vượt qua sự nhút nhát và thiếu tự tin vào bản thân. Cách giáo dục phù hợp sẽ giúp trẻ hình thành những phẩm chất tốt đẹp, có lòng tin vào bản thân và tự tin hơn trong cuộc sống. Ngoài ra, giáo dục đúng cách còn hướng con trẻ đến những giá trị bền vững, trẻ bản lĩnh hơn khi đối mặt với những khó khăn và thách thức.

4. Tạo môi trường sống lành mạnh cho trẻ

Trẻ nhỏ rất dễ bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh. Do đó, gia đình cần tạo môi trường sống lành mạnh để trẻ có thể phát triển theo chiều hướng tích cực nhất. Trong trường hợp gia đình thường xuyên có mâu thuẫn, cần giải quyết hòa bình và tránh cãi vã trước mặt con trẻ. Ngoài ra, nên xem xét chuyển nhà nếu môi trường sống xung quanh không lành mạnh, thường xuyên có mâu thuẫn và bạo lực.

trẻ nhút nhát thiếu tự tin
Gia đình nên tạo môi trường sống lành mạnh để giúp trẻ vượt qua sự nhút nhát, tự ti

Môi trường sống ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách và tâm lý của con trẻ. Sống trong môi trường lành mạnh sẽ hướng trẻ đến những phẩm chất tốt đẹp, biết yêu thương bản thân và những người xung quanh. Trẻ cũng sẽ tự tin hơn về bản thân, mạnh mẽ, nhạy bén và chủ động trong cuộc sống.

5. Trao đổi với giáo viên và nhà trường

Trong trường hợp trẻ nhút nhát, thiếu tự tin vào bản thân do bị bạn bè bắt nạt hoặc thầy cô giáo có cách ứng xử không phù hợp, gia đình nên liên hệ với nhà trường để xây dựng cho con môi trường học tập lành mạnh. Nếu không nhận được sự hợp tác, bố mẹ nên xem xét việc chuyển trường cho con.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ bạo lực học đường có xu hướng tăng lên đáng kể. Hậu quả của vấn nạn này là trẻ hình thành tính cách nhút nhát, tự ti, bi quan và đánh giá thấp bản thân. Trong trường hợp xấu nhất, trẻ có thể mắc phải các vấn đề tâm lý do những hành vi bạo lực có tính chất nghiêm trọng.

trẻ nhút nhát thiếu tự tin
Cần trao đổi với giáo viên nếu trẻ nhút nhát, thiếu tự tin do bị bạn bè tẩy chay và bắt nạt

Gia đình rất khó có thể kiểm soát các vấn đề xảy ra trong trường học. Do đó, bố mẹ cần xây dựng mối quan hệ thân thiết, tin tưởng để con cái chủ động chia sẻ những vấn đề đang phải đối mặt. Bên cạnh đó, phải học cách lắng nghe và thấu hiểu con cái.

Ở lứa tuổi học đường, trẻ chưa có hiểu biết sâu sắc nên rất chật vật trong việc đối mặt và xử lý với những vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Nếu không có sự hỗ trợ của gia đình, trẻ có thể nảy sinh những hành vi lệch chuẩn và không phù hợp.

6. Giúp con nhận biết thế mạnh của mình

Một trong những cách giúp trẻ tự tin hơn là giúp con nhận biết thế mạnh của mình. Năng lực của mỗi trẻ là khác nhau nên trẻ có thể không xuất sắc trong việc học. Tuy nhiên, bố mẹ nên cho trẻ biết rằng, bất cứ ai cũng có thế mạnh riêng. Gia đình nên khuyến khích trẻ phát huy năng khiếu của bản thân bằng cách cho con học một số lớp phát triển năng khiếu hội họa, âm nhạc, thể dục thể thao,…

Khi nhận thức được thế mạnh của bản thân, trẻ sẽ dừng việc so sánh bản thân với những trẻ khác và không cảm thấy tự ti khi bản thân không ưu tú như những bạn bè đồng trang lứa. Tuy nhiên, gia đình cũng nên khuyến khích trẻ chăm chỉ học tập bởi cần cù sẽ giúp trẻ bù đắp những thiếu sót và trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

7. Cho trẻ học các lớp kỹ năng mềm

Phần lớn những trẻ nhút nhát, thiếu tự tin vào bản thân đều thiếu kỹ năng mềm. Do đó, gia đình nên xem xét cho trẻ học các lớp kỹ năng để có thể dễ dàng kết bạn, học cách duy trì các mối quan hệ, làm việc nhóm và biết cách ứng xử, đối phó với những tình huống trong cuộc sống. Khi có kỹ năng, trẻ sẽ tự tin hơn và ứng biến linh hoạt trước những tình huống bất ngờ.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Thiếu tự tin, nhút nhát là tình trạng khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết, gia đình đã biết cách xử lý tình trạng này và hướng con cái đến những phẩm chất tốt đẹp. Nếu gặp khó khăn trong việc giáo dục con cái, bố mẹ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý.

Tham khảo thêm:

ArrayArray
Rate this post
Array

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *