12 bài tập cho trẻ tăng động giảm chú ý nâng cao tập trung
Ngoài tâm lý trị liệu và sử dụng thuốc, các bài tập hỗ trợ cho trẻ bị tăng động giảm chú ý (ADHD) cũng có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị. Thực hành các bài tập này thường xuyên giúp trẻ cải thiện khả năng tập trung, ghi nhớ và phát triển tư duy.
Đặc điểm của trẻ tăng động giảm chú ý
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một dạng rối loạn phát triển thần kinh thường gặp ở trẻ nhỏ bên cạnh rối loạn phổ tự kỷ và rối loạn hành vi. Hội chứng này đặc trưng bởi tình trạng giảm khả năng tập trung, tăng sự hiếu động, bốc đồng, hấp tấp và tăng động quá mức.
Các triệu chứng của ADHD thường xuất hiện trước 12 tuổi và có thể được nhận biết từ khi trẻ chỉ mới 3 tuổi. Chứng bệnh này cũng xảy ra thường xuyên hơn ở bé trai so với bé gái với một số dấu hiệu cảnh báo sau đây:
- Thiếu chú ý: Trẻ thường không chú ý đến chi tiết, dễ mắc lỗi bất cẩn. Bên cạnh đó, bé cũng khó tập trung hoàn thành một nhiệm vụ, không lắng nghe ngay cả khi đang nói chuyện trực tiếp. Ngoài ra, con còn khó ghi nhớ để làm theo hướng dẫn, thường xuyên quên thực hiện các hoạt động hàng ngày như làm việc nhà.
- Tăng động: Trẻ thường xuyên bồn chồn, không thể ngồi yên, hay vặn vẹo và thích di chuyển liên tục. Đồng thời, bé cảm thấy khó tham gia các hoạt động yên tĩnh và thường leo trèo, chạy nhảy lung tung. Hơn nữa, trẻ còn có xu hướng nói quá nhiều và dễ nóng nảy.
- Bốc đồng: Các bé thường hành động mà không suy nghĩ kỹ hay biết xin phép, buột miệng trả lời mà không đợi hết câu hỏi và đoán mò thay vì giải quyết vấn đề cẩn thận. Cùng với đó, các con cũng có xu hướng tự ý xen vào chuyện của người khác để ngắt lời khiến mọi người khó chịu.
Lợi ích của các bài tập đối với trẻ bị tăng động giảm chú ý
Việc điều trị bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ vẫn còn nhiều thách thức do chưa xác định được nguyên nhân. Vì vậy, bên cạnh các phương pháp y tế, gia đình cần hỗ trợ để điều chỉnh hành vi và gia tăng sự tập trung cho bé thông qua thực hiện các bài tập rèn luyện và kiểm soát bệnh.
Các bài tập này có thể cải thiện khả năng tập trung, giúp trẻ phát triển tư duy và trí tuệ. Thông qua đó bé có thể cải thiện sự tập trung khi học tập và chú ý lắng nghe lời dặn dò của cha mẹ, thầy cô. Hơn nữa, khi cùng trẻ thực hiện các bài tập này, mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái cũng sẽ được củng cố. Từ đó giúp trẻ hình thành tính trách nhiệm và nâng cao lòng tự trọng của bản thân.
Ngoài các bài tập rèn luyện trí óc, mẹ cũng có thể cho trẻ thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng để kiểm soát chứng tăng động và học cách kiên nhẫn hơn. Chúng còn có tác dụng rèn luyện thể chất, tăng chiều cao và giúp các bé khỏe mạnh hơn.
Một số bài tập cho trẻ bị tăng động giảm chú ý (ADHD)
Khác với trẻ khỏe mạnh, trẻ em bị tăng động giảm chú ý thường có khả năng chú ý rất kém, tính tình hấp tấp, gia tăng quá mức các hoạt động thể chất, trẻ gần như không chịu ngồi yên và cử động tay chân liên tục. Đôi khi, trẻ còn có các hành vi thiếu thận trọng làm gia tăng nguy cơ chấn thương, tai nạn như băng qua đường nhưng không chú ý, chạy xe quá nhanh, leo cầu thang không cẩn thận,…
Để cải thiện các triệu chứng do tăng động giảm chú ý, phụ huynh có thể cho trẻ thực hiện một số bài tập như:
1. Bài tập đếm ngược từ 10 – 0
Bài tập đếm ngược từ 10 – 0 là bài tập khá đơn giản nhưng với trẻ bị tăng động giảm chú ý lại gây ra nhiều trở ngại. Trẻ có thể đọc vanh vách từ 0 – 10 nhưng sẽ gặp khá nhiều khó khăn và dễ lẫn lộn khi đếm ngược do khả năng tập trung rất kém. Đây là bài tập khá đơn giản, mẹ có thể yêu cầu trẻ thực hiện vào những khi rảnh rỗi.
Ban đầu, trẻ có thể lúng túng nên cha mẹ có thể gợi ý khi trẻ mất nhiều thời gian nhưng không thể đếm ngược tiếp. Điều này sẽ giúp trẻ có động lực để hoàn thành bài tập. Nếu để quá lâu, trẻ sẽ mất bình tĩnh và từ chối hoàn thành bài tập được giao.
Trong trường hợp trẻ có khả năng tập trung quá kém, mẹ có thể đọc một dãy số bất kỳ (khoảng từ 3 – 4 con số) và yêu cầu trẻ đếm ngược lại. Bài tập này tuy khá đơn giản nhưng có thể rèn khả năng tư duy và giúp trẻ cải thiện khả năng tập trung, đồng thời chú ý hơn vào lời nói của người đối diện.
2. Bài tập nhận ra sự khác biệt giữa các bức tranh
Ngoài bài tập trên, mẹ cũng có thể cho trẻ bị tăng động giảm chú ý thực hiện bài tập nhận ra sự khác biệt giữa các bức tranh. Ban đầu, nên cho trẻ thực hành các với các bức tranh đơn giản để trẻ có thể dễ dàng nhận thấy sự khác biệt giữa các tranh vẽ. Điều này sẽ kích thích sự hứng thú khiến trẻ chăm chú và muốn tiếp tục trò chơi thay vì bỏ đi tìm kiếm các trò chơi hứng thú hơn.
Về sau, mẹ có thể tăng dần độ khó tùy theo độ tuổi của trẻ. Đối với bài tập nhận ra sự khác biệt giữa các bức tranh, trẻ sẽ hình thành thói quen chú ý đến những chi tiết nhỏ và kiên nhẫn hơn. Ngoài ra, thực hiện bài tập này thường xuyên cũng rèn cho trẻ tính nhanh nhạy và tăng khả năng tư duy.
3. Vẽ tranh và tô màu – Bài tập đơn giản tốt cho trẻ bị tăng động giảm chú ý
Đối với trẻ dưới 10 tuổi, các bài tập vẽ tranh và tô màu cũng có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh tăng động giảm chú ý rõ rệt. Khi vẽ tranh, trẻ sẽ tăng khả năng tưởng tượng vả buộc phải nhớ lại những chi tiết nhỏ ở con vật, cây cối,… để có thể thực hiện bức tranh sinh động và chân thực nhất. Mẹ cũng có thể yêu cầu bé vẽ tranh về những thành viên trong gia đình để trẻ rèn khả năng quan sát và tập ghi nhớ những chi tiết nhỏ.
Ngoài các bài tập vẽ tranh, mẹ cũng có thể cho trẻ tô màu theo các bức hình đã được vẽ sẵn. Ban đầu, nên cho trẻ tự tô màu theo ý thích để phát huy khả năng sáng tạo. Thông qua những bài tập này, gia đình cũng có thể phát hiện được thế mạnh và năng khiếu của bé. Từ đó có hướng giáo dục phù hợp thay vì giáo dục theo phương pháp truyền thống.
Bên cạnh đó, thỉnh thoảng mẹ nên cho trẻ tô màu theo mẫu. Với bài tập này, trẻ sẽ rèn luyện được khả năng tập trung và ghi nhớ. Thực tế, việc vẽ tranh và tô màu ít tạo ra hứng thú đối với trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý. Do đó, gia đình có thể tăng cảm hứng cho bé bằng cách thực hiện cùng với trẻ. Sau đó, sử dụng tranh để trang trí phòng ngủ, căn bếp, phòng khách,… để tạo cho trẻ sự hứng thú khi tham gia bài tập này.
4. Bài tập ghi nhớ với các thẻ bài
Với trẻ dưới 10 tuổi, gia đình cũng có thể cho trẻ thực hiện bài tập ghi nhớ với thẻ bài. Nên lựa chọn thẻ bài có màu sắc sặc sỡ với hình dáng đơn giản như các loại rau, củ, quả, con vật,… để trẻ dễ ghi nhớ. Ban đâu, sử dụng khoảng 2 – 3 lá cho trẻ xem nội dung, sau đó úp tất cả các thẻ bài và yêu cầu trẻ đọc tên của thẻ bài xem có chính xác hay không.
Bài tập ghi nhớ các thẻ bài sẽ rèn cho trẻ khả năng tập trung và gia tăng trí nhớ. Khi thực hiện bài tập này, mẹ nên có phần thưởng để trẻ cảm thấy hào hứng khi thực hiện. Ngoài ra, mẹ có thể cho trẻ thi cùng với anh chị em trong nhà hoặc những người thân khác. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy thích thú và hào hứng khi thực hiện bài tập.
5. Trò chơi úp cốc giấu vật
Úp cốc giấu vật không chỉ là trò chơi kích thích khả năng ghi nhớ và tư duy mà còn là bài tập hỗ trợ cho trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Trò chơi này được thực hiện bằng cách đặt vật bên trong ly (nên chọn ly bằng nhựa có màu để trẻ không nhìn thấy vật ở bên trong). Đặt vật ở bên trong và bắt đầu di chuyển cốc, sau đó dừng lại và hỏi trẻ vật nằm ở cốc bên trái hay bên phải.
Khi mới bắt đầu trò chơi, cha mẹ nên di chuyển cốc chậm để trẻ dễ dàng quan sát. Sau đó có thể tăng tốc độ và số lượng cốc để thu hút sự chú ý và tập trung của bé. Thực hiện bài tập này mỗi ngày giúp trẻ rèn khả năng chú ý, phản xạ mắt và có khả năng ghi nhớ tốt hơn.
6. Sao chép hình ảnh
Đối với trẻ có khả năng hội họa, ngoài vẽ tranh và tô màu, cha mẹ cũng có thể cho trẻ thực hiện bài tập sao chép hình ảnh đã có sẵn. Nên bắt đầu cho trẻ vẽ lại các bức tranh đơn giản như tranh hình trái cây, rau củ, các con vật, hình tròn, hình tam giác,… Sau đó, có thể tăng mức độ khó của hình.
Sao chép hình ảnh là bài tập hỗ trợ rất tốt cho trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý. Khi thực hiện bài tập này, khả năng ghi nhớ của trẻ sẽ được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ chú ý hơn đến những chi tiết và rèn luyện được tính kiên nhẫn.
7. Các bài tập thể dục đơn giản
Ngoài các bài tập rèn luyện trí nhớ, tư duy và khả năng tập trung, mẹ cũng nên cho bé thực hiện các bài tập thể dục đơn giản. Khi tập, cả gia đình nên thực hành cùng với trẻ để tạo không khí vui vẻ, kích thích sự hào hứng và thích thú. Tùy theo độ tuổi của trẻ, cha mẹ cần lựa chọn bài tập phù hợp để trẻ có thể dễ dàng chú ý, ghi nhớ và thực hành.
Các bài tập thể dục này không chỉ tốt cho sức khỏe thể chất mà còn giúp trẻ rèn khả năng tập trung và ghi nhớ tốt hơn. Đối với trẻ lớn, gia đình có thể tập yoga, bơi lội cùng với trẻ. Yoga đã được chứng minh có thể giải tỏa căng thẳng và giúp các bé học cách kiểm soát những cảm xúc tiêu cực tốt hơn.
8. Nhập vai với bài tập kỹ năng xã hội
Bài tập nhập vai được xem là một phương pháp hiệu quả giúp trẻ ADHD cải thiện kỹ năng xã hội. Trẻ có thể thực hành thông qua việc đóng vai các tình huống hằng ngày, chẳng hạn như cách xin lỗi, cảm ơn, xử lý mâu thuẫn với bạn bè. Đây là cách giúp trẻ có phản ứng tốt hơn để rèn luyện kỹ năng giao tiếp, lắng nghe và biết cách chia sẻ cảm xúc.
Khi thực hành nhập vai, phụ huynh cũng như giáo viên có thể tạo tình huống cụ thể để bé tham gia xử lý khéo léo. Qua đó bé tăng thêm khả năng tự kiểm soát bản thân, cải thiện tương tác với người khác và giảm các hành vi bốc đồng.
9. Khiêu vũ – Bài tập kiểm soát hành vi của trẻ
Khiêu vũ là hoạt động mang tính giải trí vui vẻ và giúp trẻ tập trung vào nhịp điệu, kiểm soát di chuyển để cải thiện sự chú ý và có khả năng phản ứng với các yêu cầu. Bộ môn này cũng tạo cơ hội cho các bé xả stress và điều tiết năng lượng của mình một cách tích cực.
Để khiêu vũ thực sự có hiệu quả, phụ huynh có thể chọn các bài hát có nhịp điệu vui tươi, động tác đơn giản và phù hợp với lứa tuổi của con. Hơn hết hãy khuyến khích trẻ tập trung vào từng động tác và thực hiện chúng có tổ chức để qua đó phát triển khả năng vận động, cải thiện khả năng tự kiểm soát.
10. Bài tập giải mã mê cung
Giải mã mê cung là một bài tập rất hữu ích trong việc phát triển khả năng tư duy logic và kiên nhẫn cho trẻ ADHD. Khi tham gia vào việc tìm đường trong mê cung, các bé phải tập trung, sử dụng trí nhớ và kỹ năng giải quyết vấn đề. Qua đó giúp bé học cách giữ bình tĩnh và xử lý thử thách mà không bị phân tâm hay bỏ cuộc giữa chừng.
Người lớn có thể bắt đầu hướng dẫn trẻ thực hành với các mê cung đơn giản và tăng dần độ phức tạp theo thời gian. Đồng thời, nên khen ngợi khi trẻ hoàn thành mỗi mê cung để bé tăng thêm sự tự tin và động lực.
11. Bài tập ném bóng rổ
Ném bóng rổ là hoạt động thể chất phù hợp giúp trẻ mắc chứng ADHD kiểm soát năng lượng và cải thiện khả năng tập trung. Việc nhắm mục tiêu và ném bóng yêu cầu bé phải tập trung cao độ, tính toán lực ném chuẩn xác. Đây cũng là bài tập để con trẻ rèn luyện tính kiên nhẫn và khả năng chịu đựng khi lặp lại một hoạt động nhiều lần.
Để bài tập ném bóng rổ đạt hiệu quả tốt nhất, phụ huynh có thể dành thời gian mỗi ngày cùng trẻ luyện tập với khoảng cách gần và tăng dần khoảng cách khi đạt được sự tiến bộ. Đồng thời, động viên trẻ khi có những tiến bộ nhỏ sẽ giúp bé duy trì hứng thú trong suốt quá trình rèn luyện.
12. Bài tập cờ vua
Cờ vua là một trò chơi trí tuệ giúp phát triển khả năng tư duy chiến lược và kiên nhẫn. Thông qua việc học và thực hành cờ vua, trẻ tăng động giảm chú ý phải suy nghĩ trước khi di chuyển, cân nhắc từng bước đi và lên kế hoạch dài hạn.
Phụ huynh cùng giáo viên có thể tổ chức các buổi chơi cờ cùng bé, khuyến khích trẻ tham gia câu lạc bộ cờ vua tại trường học. Điều này không chỉ giúp cải thiện khả năng tập trung mà còn dạy trẻ cách kiểm soát hành vi bốc đồng khi đối diện với các tình huống khó khăn.
Một số lưu ý khi thực hiện bài tập cho trẻ tăng động giảm chú ý
Phần lớn những trường hợp mắc bệnh đều phải sống chung với bệnh trong suốt cả đời. Ở giai đoạn trưởng thành, ADHD cũng ảnh hưởng đáng kể đến nghề nghiệp, các mối quan hệ, tài chính và những khía cạnh khác của cuộc sống. Do đó, việc kiểm soát sớm chứng bệnh này sẽ giúp trẻ có các kỹ năng cần thiết để phục vụ cho cuộc sống sau này.
Khi cho trẻ thực hành các bài tập hỗ trợ, gia đình cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Gia đình nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn bài tập thích hợp nhất với tình trạng của trẻ dựa vào độ tuổi và khả năng của bé.
- Trẻ mắc chứng bệnh này gần như không chú tâm đến lời nói của người khác. Thay vì trách phạt, phụ huynh cần nghiêm khắc chỉ ra lỗi của trẻ với các câu nói ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu.
- Tạo sự hứng thú cho trẻ bằng cách cho trẻ thực hành bài tập cùng với những người thân trong gia đình, dành cho trẻ lời khen và quà tặng sau khi hoàn thành bài tập.
- Đôi khi trẻ có thể chạy nhảy lung tung khi thực hành các bài tập như vẽ tranh, tô màu,… Đối với tình trạng này, mẹ nên nhắc nhở và yêu cầu con trở lại bàn. Nếu trẻ không hợp tác, nên chấm dứt bài tập và thay đổi các bài tập thú vị hơn vào ngày hôm sau.
- Để đạt hiệu quả tốt, gia đình cần cho trẻ thực hành các bài tập này thường xuyên bên cạnh sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý.
- Bên cạnh các bài tập, gia đình cũng cần bổ sung cho trẻ chế độ dinh dưỡng hợp lý và thay đổi cách giáo dục để rèn thói quen tốt, đồng thời giảm thiểu những hành vi và cảm xúc không mong đợi.
Các bài tập cho trẻ tăng động giảm chú ý luôn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ phát triển khả năng tập trung, kiểm soát hành vi và cải thiện các kỹ năng xã hội. Việc duy trì những bài tập này một cách thường xuyên sẽ hỗ trợ trẻ ADHD hòa nhập tốt hơn với cuộc sống hàng ngày và phát triển toàn diện.
Tham khảo thêm:
- Bệnh tăng động giảm chú ý có tự khỏi không? Có chữa được không?
- Chăm sóc trẻ bị tăng động giảm chú ý ba mẹ nên biết
- Cách chăm sóc trẻ bị rối loạn hành vi cha mẹ nên biết
- Hội chứng sợ chú hề (Coulrophobia): có biểu hiện thế nào?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!