Bạo hành lạnh: Vấn đề đang bị bỏ quên cần được quan tâm

Bạo hành lạnh không gây ra nỗi đau về thể xác nhưng lại tạo thành những vết thương lớn về mặt tinh thần, nhưng lại luôn được xem là “không có gì”. Tình trạng này có thể xuất hiện trong mọi mối quan hệ từ yêu đương, vợ chồng, bạn bè, gia đình hay cả trong công việc. Hành vi bạo hành lạnh thường mang tính chất một chiều và khiến người còn lại cảm thấy cực kỳ tổn thương và day dứt mãi không nguôi.

Hiểu thế nào về bạo hành lạnh?

Nhiều người luôn gắn liền hai từ “bạo hành” với các hành vi gây tổn thương về mặt thể xác, chẳng hạn như một người dùng tay đánh một người khác thì mới là bạo hành. Thế nhưng, có một nỗi đau về mặt tinh thần không ai có thể cảm nhận được gây ra không bởi hành vi thực thể, cũng không bằng lời nói mà bằng sự im lặng. Hành vi này được gọi là “bạo hành lạnh”.

Bạo hành lạnh
Khi bạn liên tục liên hệ với đối phương nhưng luôn tục bị “bỏ bơ”, chỉ nhận được sự im lặng đáng sợ chính là dấu hiêu của “bạo hành lạnh”

Hiểu một cách đơn giản nhất, “bạo hành lạnh” là hành vi im lặng, không đáp lại cảm xúc của người khác, thờ ơ, bỏ mặc một ai đó. Im lặng hoặc việc giảm giao tiếp bằng ngôn ngữ, cử chỉ, tương tác, luôn tảng lờ đối phương là đặc trưng nổi bật nhất của trạng này. Hành vi này sẽ chỉ xuất hiện từ một phía và cá nhân người bị bạo hành thường cảm thấy cô độc.

Đây cũng giống như hành vi “cô lập”, tuy nhiên trong bạo hành lạnh, nạn nhân dường như trở nên vô hình trong mắt của đối phương, bất kể họ làm gì cũng không được đáp lại, không được chú ý, điều này còn khiến họ trở nên khủng hoảng hơn khi bị bắt nạt. Bởi vì đối phương không nói gì, không làm gì nên gì nên họ không có lý do để phản kháng.

Hoặc cũng có thể hiểu trạng thái này khá tương đồng với khái niệm “chiến tranh lạnh” một trạng thái cũng thường xuất hiện nhiều ở các cặp đôi khi cả hai cùng chọn cách im lặng khi có các khúc mắc chưa giải quyết. Tuy nhiên ở “bạo hành lạnh” chỉ xuất hiện ở một bên, người còn lại dù cố gắng liên lạc, gây chú ý, tìm cách gặp gỡ như thế nào cũng không được đáp ứng.

Khái niệm “bạo hành lạnh” bắt đầu được chú ý hơn thông qua những tài liệu nghiên cứu về bạo lực gia đình của tác giả Lỗ Đản Ma vào năm 2016. Theo đó, những người đàn ông Trung Quốc thường trừng phạt vợ, bạn đời hay cả con cái bằng cách im lặng và làm lơ chúng, đây là một lối giáo dục cực kỳ sai lầm.

Ngay sau đó, nhiều tác phẩm điện ảnh khác cũng được ra đời với nội dung bạo hành lạnh. Chẳng hạn như trong một bộ phim ngắn có tên The Stained Club được thực hiện bởi nhóm sinh viên  Supinfocom, có một nhân vật 8 tuổi mang một vết sẹo trắng, trong khi những người khác trong nhóm lại mang màu đỏ. Dù đã hỏi mẹ nhiều lần nhưng mẹ câu luôn tảng lờ bằng cách tăng âm lượng TV. Điều này khiến cậu từ cảm xúc tự hào vì cho rằng vết sẹo của mình rất đẹp trở nên hoang mang, cho rằng liệu có phải nó thật xấu xí, nó xuất hiện do cậu đã làm điều xấu.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý
Thực tế thì bạo hành lạnh không phải một thực trạng xa lạ bởi nó xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống, thậm chí chính bản thân bạn đã từng là nạn nhân của hành vi này. Thế nhưng vì nó không gây ra những tổn thương thể chất, cũng không dùng những lời nói mang tính chất “sát thương” tinh thần nên thường bị xem nhẹ, không được “hung thủ” chấp nhận là hành vi bạo hành.

Biểu hiện của bạo hành lạnh

Bản thân bạn hoàn toàn có thể là nạn nhân hoặc chính là người đã gây bạo hành lạnh với một người nào đó bởi các phương thức gây ra ra hành vi này cực kỳ phổ biến. Tuy nhiên tùy theo mức độ hành vi, thời gian diễn ra, biểu hiện mà mức độ tổn thương của nạn nhân có thể khác nhau. Hiểu rõ về các hành vi như thế nào được coi là “bạo hành lạnh” sẽ giúp bạn thay đổi và hạn chế việc làm tổn thương một ai đó.

Bạo hành lạnh
Sự im lặng, bỏ mặc chính là biểu hiện rõ rệt nhất của bạo hành lạnh

Những hành vi được coi là ” bạo hành lạnh” có thể bao gồm

  • Im lặng khi xảy ra mâu thuẫn, xung đột, khúc mắc và điều này xảy ra đơn phương từ một hướng, trong khi người còn lại vẫn cố gắng liên lạc và giải quyết vấn đề
  • Tảng lờ, bỏ qua khi đối phương, coi đối phương như người vô hình kể cả khi họ đang đứng trước mặt và đặt ra câu hỏi
  • Lạnh nhạt, thể hiện sự chán ghét, không còn thể hiện sự quan tâm như trước đây
  • Né tránh và từ chối việc thể hiện tình cảm hay quan tâm đến đối phương
  • Có thể đột ngột biến mất hoặc từ chối việc gặp gỡ, giao tiếp nhưng không đưa ra một lý do cụ thể

Các hành vi bạo hành lạnh có thể xảy ra khác nhau dựa trên các mối quan hệ giữa cả hai. Chẳng hạn

  • Cha mẹ nhốt con cái vào phòng kín và không chịu nói chuyện với con, mặc cho con gào thét, khóc lóc hay cầu xin đến khi trẻ có thể đáp ứng yêu cầu nào đó của cha mẹ
  • Hai người đang yêu nhau nhưng một người đột ngột im lặng, không trả lời tin nhắn, không gặp gỡ, trốn tránh người con lại mặc cho đối phương điên cuồng tìm kiếm cách liên lạc khắp nơi
  • Học sinh khi đi học nhưng giơ tay phát biểu không bao giờ được gọi, kể cả khi chỉ có mình trẻ; trẻ khi hỏi bài không được cô giải đáp trong khi cô sẵn sàng hỗ trợ một học sinh, thậm chí bài thi của trẻ còn bị bỏ quên, không được chấm điểm
  • Người đi làm luôn bị các đồng nghiệp “bơ”, không chào hỏi, không cho tham gia vào các nhóm chung để trao đổi công việc,  không có bất cứ đồng nghiệp hay sếp nào giao việc cho dù họ chủ động đề nghị; không bị khiển trách cho dù làm sai, sẽ có những người khác tự động thay thế để giải quyết sự cố..

Rõ ràng có thể thấy mức độ phổ biến của bạo hành lạnh có thể xuất hiện ở khắp mọi nơi. Im lặng, bỏ mặc ai đó một cách đột ngột chính là đặc trưng phổ biến nhất của hành vi này. Những người thực hiện các hành vi này luôn biện minh rằng việc “im lặng” không phải là bạo hành mà chỉ do họ muốn có thời gian suy nghĩ, muốn cả hai bình tĩnh lại nhưng họ lại không hề biết rằng mình đã khiến đối phương cảm thấy lo âu, dằn vặt, tự trách.

Đặc biệt, bạo hành lạnh cực kỳ dễ xuất hiện trong các mối quan hệ thân mật hoặc giữa những người cần có sự kết nối, hợp tác với nhau. Điều này sẽ càng khiến nạn nhân cảm thấy dằn vặt, sợ hãi, lo âu hơn là việc vị cô lập theo những cách bình thường.

Một vấn đề trong bạo hành lạnh khác chính là trạng thái này có thể không kéo dài quá lâu. Một số người chọn cách bỏ qua luôn những xung đột trước đó và giảng hòa bằng cách hành động thân thiết với nạn nhân chứ không chấp nhận giải quyết gốc rễ vấn đề. Nếu nhắc lại các xung đột đó thì sự im lặng có thể lại tiếp diễn.

Đôi khi bạn cũng chính là người đã gây bạo hành lạnh với người khác một cách vô tình mà không lường trước được hậu quả. Chẳng hạn như khi bạn và người yêu đang có những tranh cãi, tuy nhiên xung đột có thể nghiêm trọng tới mức không có điểm dừng. Bạn quyết định chọn cách im lặng, chặn liên lạc tạm thời, không muốn gặp đối phương vì nghĩ rằng làm như vậy cả hai sẽ cùng dịu lại và có thời gian suy nghĩ. Tuy nhiên khi chỉ có một mình bạn biến mất trong khi đối phương vẫn muốn tiếp tục giải quyết vấn đề, như thế bạn đã bạo hành lạnh với đối phương.

Vì sao nhiều người lại có hành vi bạo hành lạnh?

Một điều thú vị nhất chính là trong tình yêu, người thường thực hiện hành vi “bạo hành lạnh” lại là phái nam. Khi có những cuộc cãi vã với người yêu, họ thường chọn cách tắt điện thoại, không liên lạc, thậm chí chia tay bằng cách mất tích, im lặng đột ngột. Dù cho người con gái có cố gắng thế nào, họ cũng đơn giản nói rằng đã hết tình cảm và đừng liên lạc nữa mà không cho đối phương một lời giải đáp thỏa đáng.

Bạo hành lạnh
Người bạo hành lạnh thường luôn muốn chiến thắng, ích kỷ và hèn nhát bởi họ không dám đối mặt với khó khăn mà luôn chọn các trốn tránh

Người chọn cách im lặng trong một mối quan hệ thực sự là một kẻ hèn nhát. Bởi họ dám đối diện với những khó khăn của bản thân, không thể giải quyết được các vướng mắc nên mới chọn cách im lặng, lờ đi và bỏ mặc. Ngay cả việc cha mẹ chọn các nhốt trẻ vào phòng kín, yêu cầu trẻ tự suy nghĩ về lỗi sai của mình cũng chỉ chứng tỏ họ bất lực, yếu kém trong việc giáo dục con cái.

Mặt khác, người thường xuyên thực hiện hành vi bạo hành lạnh cũng là những người có tâm lý lệch lạc, từng bị tổn thương ở quá khứ, từng bị bỏ rơi hoặc cũng từng bị người khác bạo hành lạnh. Những suy nghĩ sai lệch, những cảm xúc tiêu cực trong quá khứ khi không được loại bỏ khiến họ mang trong mình sự u uất và trở thành kiểu người mà mình từng ghét.

Một vài đặc điểm khác bạn cũng có thể nhìn nhận rõ trong tính cách của những kẻ thích bạo hành lạnh chính là có tính sở hữu cao, ích kỷ, luôn coi bản thân là nhất, không muốn chịu thua ai và rất có xu hướng bạo lực bằng cả ngôn từ và hành động.

Những người đã thực hành “bạo hành lạnh” chắc chắn không chỉ một lần mà là rất nhiều lần và họ hoàn toàn có thể biết chắc việc mình làm như thế sẽ khiến cho đối phương sợ hãi. Tuy nhiên vì bản tính hiếu thắng của mình, họ muốn im lặng và để đối phương phải sợ hãi, đau khổ, phải van xin thì họ mới hài lòng nên luôn chọn cách im lặng, biến mất khi xảy ra mâu thuẫn.

Hậu quả từ bạo hành lạnh

Tổn thương từ bạo hành lạnh không xuất hiện trên thân thể nhưng nó có thể “tàn phá” dữ dội tâm trí mỗi người. Đây là một hành vi độc hại có thể giết chết các mối quan hệ, tạo thành nỗi ám ảnh, dằn vặt trong tâm trí nạn nhân. Thế nhưng hầu hết rất nhiều người lại cảm thấy rằng việc im lặng trong một mối quan hệ, đột nhiên biến mất hay bỏ mặc ai đó là điều bình thường.

Bạo hành lạnh
Nạn nhân của bạo hành lạnh luôn cảm thấy cô đơn, lo lắng, tự trách bản thân, cho rằng mọi vấn đề xuất phát từ mình

Nạn nhân của bạo hành lạnh phải chịu đựng những gì?

  • Bực bội, khó chịu, tức giận nhưng vì đối phương luôn làm lơ, trốn tránh nên không có cách nào để giải quyết vấn đề
  • Sống trong sự lo lắng, sợ hãi, tự dằn vặt bản thân, luôn tự trách mình dù bản thân họ không biết mình đã làm gì sai
  • Stress, tăng huyết áp, mất ngủ, tinh thần suy nhược nếu bị bạo lạnh trong thời gian dài
  • Ám ảnh, sợ hãi, dần thu mình, hạ thấp bản thân trong các mối quan hệ sau đó
  • Đánh mất lòng tự trọng, suy giảm sự tự tin vốn có trước đó
  • Tinh thần tiêu cực, gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu…

Có thể nói “bạo hành lạnh” giống như một hình thức “thao túng tâm lý” có thể biến đúng thành sai, người có lỗi thành người vô tội rất có hiệu quả mà rất nhiều người đang vướng phải hiện nay. Khi xảy ra xung đột nhưng một người lại không chịu giải quyết, im lặng sẽ khiến người còn lại luôn tự hỏi chính bản thân mình rằng, vì sao lại như thế, liệu lỗi đó có phải do bản thân mình không, vấn đề xảy ra có phải xuất phát từ mình?

Thực tế trường hợp này xảy ra cực kỳ nhiều và điều thú vị là nạn nhân thường không phải người có lỗi nhưng họ luôn phải xuống nước, thậm chí càng về sau càng trở nên phụ thuộc hoàn toàn vào người kia. Cảm giác im lặng khiến họ như bị bóp nghẹt trong lồng ngực, không thể thở được, thậm chí tự đưa ra lời biện minh cho người kia, làm mọi thứ mà họ yêu cầu chỉ để họ không im lặng hay biến mất.

Một yếu tố khác khiến bạo hành lạnh trở thành hình thức thao túng tinh thần của người khác chính là người thực hiện luôn biết cách “đánh lạc hướng”, xoa dịu tinh thần của nạn nhân. Khi nạn nhân đang đau khổ họ có thể đột ngột xuất hiện, nói những lời ngọt ngào, tặng quà, xin lỗi và tự nhận lỗi về bản thân, đưa ra các lý do “có vẻ thuyết phục” hay hứa không bao giờ lặp lại điều đó ( mặc dù bản thân họ sẽ không hề ý thức được lỗi sai của mình).  Điều này lại càng làm nạn nhân cảm thấy lỗi sai ở bản thân mình.

Tất nhiên có những người khi tình trạng này lặp đi lặp lại quá nhiều, họ vẫn có lý trí để tự thoát ra khỏi mối quan hệ đầy tiêu cực này. Tuy nhiên nỗi ám ảnh, vết thương tinh thần thì vẫn còn mãi khiến nhiều người không dám mở lòng cho những mối quan hệ sau. Hoặc bản thân họ trở nên mất tự tin, luôn hạ mình trong các mối quan hệ tiếp theo để tình trạng này không lặp lại.

Làm thế nào để thoát khỏi “bạo hành lạnh”?

Nạn nhân bị bạo hành lạnh kéo dài thường luôn có suy nghĩ rằng bản thân mình là người kém cỏi, xấu xí, sẽ không ai cần mình nên trở nên phụ thuộc quá mức vào kẻ bạo hành, thậm chí tìm cách bảo vệ cho họ. Ngay cả khi họ đã chấm dứt mối quan hệ thì tâm trí họ vẫn bị “giam cầm” trong nỗi cô đơn, đau khổ mà không có cách nào lành lặn lại được.

Để thoát khỏi bạo hành lạnh thì bản thân những nạn nhân phải tự nhìn nhận được vấn đề mà bản thân đang gặp phải, dám đối diện với nó chứ không thể nào mãi trốn tránh. Chính những nạn nhân mới có thể giúp mình chứ không phải bất cứ ai khác, chỉ khi họ đã chấp nhận sự thật thì người khác mới có thể kéo họ ra khỏi vùng tăm tối trong những mối quan hệ độc hại.

Kiên quyết với kẻ bạo hành

Im lặng và bỏ rơi đôi khi có thể là đối phương thực sự muốn cả hai bình tĩnh lại để giải quyết vấn đề, tuy nhiên nếu lặp đi lặp lại quá nhiều lần khiến bản thân bạn cảm thấy cực kỳ khó chịu, tiêu cực, bức bối thì chắc chắn là hình thức “bạo hành lạnh”. Bạn càng cố gắng liên lạc, càng cố van nài thì đối phương sẽ càng được nước làm tới và làm cho bạn muốn “phát hỏa” hơn mà thôi.

Bạo hành lạnh
Bình tĩnh và nghiêm túc yêu cầu đối phương giải quyết vấn đề một cách trực tiếp thay vì chỉ im lặng

Hãy nghiêm túc đề nghị đối phương chấm dứt sự im lặng, bơ mình mà hãy giải quyết vấn đề một cách thẳng thắn, trực tiếp. Trong trường hợp đối phương chấp nhận, hãy nói thẳng vào vấn đề, bao gồm cả cảm xúc hiện tại của bản thân khi họ luôn im lặng như thế đồng thời yêu cầu không tái diễn trạng thái này bất cứ lần nào. Cả hai bên hãy luôn trực tiếp giải quyết mâu thuẫn một cách bình tĩnh.

Tuy nhiên, không phải kẻ bạo hành lạnh nào cũng chấp nhận vấn đề một cách nhanh chóng và đơn giản như thế bởi họ thường không phải người chấp nhận thua cuộc. Bản thân bạn cũng có thể thấy đây là mối quan hệ tiêu cực và người tổn thương luôn là bạn, vì vậy hãy mạnh dạn chấm dứt mối quan hệ này ( nếu nó là quan hệ yêu đương hay công việc).

Dù vậy, việc kiên quyết chấm dứt mối quan hệ này có thể khó khăn nếu người gây bạo hành lạnh là gia đình. Nhiều phụ huynh quá gia trưởng, độc đoán và không chấp nhận ý kiến của con cái. Bạn có thể phải cố gắng chịu đựng đến khi trưởng thành để có thể sống tự lập nếu không thể nói chuyện thẳng thắn với gia đình.

Đừng chiến đấu một mình

Nếu người bạo hành lạnh là ai đó trong gia đình, chẳng hạn như cha mẹ hay chồng và bản thân bạn không thể đàm phán trực tiếp, hãy thử nhờ người thứ 3 là một người có tiếng nói, chẳng hạn như ông bà. Chia sẻ vấn đề của bản thân và nhờ một người có uy tín trong mắt của đối phương góp ý một cách khéo léo cũng có thể giúp bạn giải quyết vấn đề phần nào.

Mặt khác bạn cũng có thể nhờ đến sự hỗ trợ của những bạn bè, người thân xung quanh, ít nhất là để tâm sự, chia sẻ vấn đề mà bản thân đang gặp phải. Đôi lúc bạn không thể nhìn rõ vấn đề mà bản thân đang gặp phải bằng một người ngoài cuộc. Họ có thể cho bạn biết rằng mình đang bị bạo hành lạnh, đó là một mối quan hệ tiêu cực cần sớm được chấm dứt.

Mặt khác, người thường hay bạo hành lạnh cũng có xu hướng bạo lực bằng hành động nếu bản thân họ cảm thấy bị hạ thấp danh dự, thua cuộc dẫn tới các hành vi gây nguy hiểm cho chính bạn. Do đó việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh cũng là điều cực kỳ cần thiết để bảo vệ bản thân tránh khỏi nguy cơ này.

Thực tế không ít trường hợp nạn nhân sau khi thông báo muốn chấm dứt quan hệ với kẻ bạo hành lại bị họ làm phiền, đe dọa ngược lại khiến họ luôn phải sống trong nỗi ám ảnh. Vì thế hãy luôn có biện pháp bảo vệ bản thân an toàn nhất có thể.

Chăm sóc phục hồi tâm lý

Nhiều người sau khi bị bạo hành lạnh đã tổn thương tâm lý, luôn mang trong mình nỗi ám ảnh về những gì đã xảy ra trước đó, đánh mất lòng tự trọng và không dám bắt đầu một mối quan hệ mới. Nỗi ám ảnh có thể theo họ vào trong từng giấc ngủ khiến họ sa sút tinh thần nghiêm trọng. Do đó với các đối tượng này, việc chăm sóc phục hồi tâm lý cũng là việc rất cần thiết.

Bạo hành lạnh
Người mang nỗi ám ảnh vì bị bạo hành lạnh nên gặp gỡ nhà trị liệu để được gỡ bỏ những khúc mắc

Nhà trị liệu sẽ thông qua việc trò chuyện trực tiếp để giải quyết những tổn thương trong quá khứ, giúp nạn nhân hiểu rõ đó không phải là lỗi của bản thân họ. Những suy nghĩ tiêu cực sẽ được thay thế bằng những nhận thức đúng đắn, lạc quan, gia tăng lòng tự trọng và lấy lại sự tự tin cá nhân cho từng người. Dần dần nạn nhân của bạo hành lạnh dần chấp nhận mở lòng, chia sẻ vấn đề và bắt đầu những mối qua hệ mới.

Những ám ảnh tổn thương từ quá khứ nếu không được loại bỏ mà cứ mãi giữ trong lòng sẽ làm bào mòn dần niềm vui sống của mỗi người nên cần phải giải quyết nhanh chóng. Bạn không cần bất cứ liều thuốc nào cho tâm hồn mà chỉ cần tự giải phóng cho sự tiêu cực của bản thân, chỉ có như thế bạn mới thực sự hạnh phúc.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu
Bạo hành lạnh không phải một vấn đề hiếm gặp bởi nó hầu như luôn xuất hiện đâu đó quanh chúng ta mỗi ngày. Mỗi người có một cách giải quyết vấn đề riêng, tuy nhiên hãy luôn trực tiếp dám đối mặt, dù nó khó khăn đến thế nào. Im lặng và trốn tránh chưa bao giờ là một cách giải quyết hợp lý. Đừng biến bản thân trở thành kẻ “gieo rắc” tổn thương cho người khác bằng sự hèn nhát, ích kỷ của mình!

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *