Bệnh tâm thần phân liệt có chữa được không?
Bệnh tâm thần phân liệt có chữa được không luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm bởi nó là một loại bệnh tâm thần nặng. Nếu tình trạng này không sớm được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ khiến các triệu chứng bệnh càng gia tăng mạnh mẽ, nhiều nguy cơ gây ra các hành vi tự làm tổn thương bản thân hoặc những người bệnh cạnh.
Tìm hiểu về bệnh tâm thần phân liệt?
Tâm thần phân liệt được xếp vào loại bệnh tâm thần ở mức độ nặng. Các triệu chứng bệnh thường xuất hiện và phát triển một cách từ từ, thầm lặng và có nhiều khả năng tiến triển thành các dạng bệnh mãn tính. Do tính chất phát triển âm thầm mà đôi lúc những người xung quanh và ngay cả bản thân người bệnh nếu không để ý sẽ khó có thể nhận biết ở giai đoạn sớm.
Vào một thời điểm nào đó, các triệu chứng của bệnh có thể khởi phát một cách đột ngột với mức độ biểu hiện dữ dội. Bệnh có thể làm ảnh hưởng đến cảm xúc, hành vi, làm sa sút nhận thức, khả năng học tập, tác phong làm việc,…
Về triệu chứng thì người bệnh tâm thần phân liệt có các biểu hiện rất đa dạng và phong phú, chúng luôn biến đổi linh hoạt qua từng giai đoạn khác nhau. Qua các cuộc nghiên cứu chuyên khoa thì các nhà khoa học đã chia thành hai nhóm, đó là triệu chứng âm tính và triệu chứng dương tính.
Triệu chứng âm tính có thể hiểu đó là các triệu chứng thể hiện sự hao hụt, mất tính thống nhất, toàn vẹn của những hoạt động tâm thần. Bệnh nhân sẽ không còn để tâm nhiều đến những hoạt động sinh hoạt hàng ngày, thờ ơ với các tình huống xảy ra trong cuộc sống, ngôn ngữ bị nghèo nàn, suy nghĩ chậm chạp, lời nói ngắt quãng, nét mặt vô cảm, ánh mắt lờ đờ, rối loạn cảm xúc, biểu cảm thể hiện khác thường (có tin buồn thì cười vui, khi có tin vui thì khóc lóc), có nhiều xu hướng cô lập bản thân, sống thu mình lại,…
Triệu chứng dương tính là những biểu hiện, triệu chứng bất thường xuất hiện trong quá trình mắc bệnh. Những triệu chứng này khá đa dạng, phong phú và liên tục biến đổi. Một số triệu chứng xuất hiện, sau đó tự biến mất và các triệu chứng khác lại thay thế vào. Một vài triệu chứng thường gặp ở người bệnh tâm thần phân liệt như nói nhiều, suy nghĩ hấp tấp, sử dụng những lời lẽ, câu từ vô nghĩa, xuất hiện ảo tưởng, hoang tưởng,…
Các triệu chứng âm tính và dương tính của tâm thần phân liệt khiến cho người bệnh gặp nhiều khó khăn trong quá trình hòa nhập và kết nối cộng đồng. Bệnh nhân có thể trở thành gánh nặng của gia đình và cả xã hội nếu không sớm nhận được sự quan tâm và can thiệp tích cực.
Thông thường các triệu chứng của bệnh sẽ khởi phát từ khoảng 18 đến 28 tuổi. Theo nghiên cứu thì những đối tượng có cuộc sống cô độc, tính cách nhút nhát, ngại giao tiếp, người bị khuyết tật nghe nhìn, người lạm dụng quá nhiều các chất kích thích gây ảo giác, người bị stress trong thời gian dài, gia đình có tiền sử mắc bệnh trước đó sẽ có nguy cơ cao mắc phải chứng tâm thần phân liệt.
Tâm thần phân liệt có phải bệnh nguy hiểm?
Như đã chia sẻ ở trên, tâm thần phân liệt là một bệnh tâm thần nặng với các triệu chứng rất nguy hiểm. Các triệu chứng ảo giác, hoang tưởng, rối loạn ngôn ngữ, hành vi nếu không sớm được phát hiện và ngăn ngừa hiệu quả sẽ gây ra rất nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe và đời sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Một vài tác động tiêu cực mà bệnh tâm thần phân liệt có thể gây ra như:
- Xuất hiện các hành vi tiêu cực: Nếu các triệu chứng bệnh không được kiểm soát kịp thời, người bệnh sẽ có nhiều khả năng xuất hiện các hành vi tiêu cực như tự làm hại bản thân, thậm chí là những người xung quanh. Cũng bởi khi các triệu chứng ảo giác, hoang tưởng luôn tồn tại sẽ làm cho người bệnh dần trở nên hoảng loạn, không thể phân biệt rõ ràng giữa những điều có thực và không có thực. Lúc này họ hoàn toàn có khả năng gây ra những hành động, lời nói làm tổn thương đến người khác, thậm chí là đe dọa, đánh đập, hành hung, giết người.
- Chất lượng cuộc sống bị suy giảm: Đa phần những đối tượng mắc phải chứng bệnh tâm thần phân liệt đều bị suy giảm nghiêm trọng về hiệu suất làm việc, học tập. Họ không thể tập trung vào những việc cần làm, hành động dần trở nên chậm chạp, thiếu quyết đoán.
- Cản trở các mối quan hệ xã hội: Những người bị tâm thần phân liệt sẽ thường xuyên xuất hiện các hành vi, suy nghĩ, lời nói, cảm xúc lệch lạc. Khi các triệu chứng này kéo dài liên tục sẽ khiến cho họ gặp nhiều cản trở trong quá trình giao tiếp, không thể hòa nhập và kết nối tốt với những người xung quanh, từ đó các mối quan hệ xã hội cũng dần trở nên hạn hẹp.
Như vậy có thể thấy những ảnh hưởng mà bệnh tâm thần phân liệt gây ra không hề nhẹ. Nếu tình trạng bệnh không sớm được quan tâm và có biện pháp điều trị phù hợp sẽ gây nên nhiều hệ lụy nguy hiểm, nhiều trường hợp có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh và cả những người bên cạnh.
Bệnh tâm thần phân liệt có chữa được không?
Thời gian trước đây, các chuyên gia xếp tâm thần phân liệt là một bệnh nội sinh, các triệu chứng của bệnh là do cơ thể tự tạo ra và không có bất kì nguyên nhân cụ thể nào. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu gần đây cho biết, tâm thần phân liệt có thể khởi phát do một số nguyên nhân như biến đổi gen, sự rối loạn của những chất dẫn truyền thân kinh tại các khớp nối của các tế bào thần kinh, do nhiễm virus, sự bất thường về cấu trúc não,….
Cũng nhờ vào các nghiên cứu đó mà tâm thần phân liệt được nhìn nhận và hành động đúng đắn hơn, từ đó các phương pháp điều trị cũng được mở rộng, mang đến cho người bệnh nhiều cơ hội mới. Theo nhận định của các chuyên gia cho biết rằng nếu có thể điều trị tâm thần phân liệt trong giai đoạn sớm và áp dụng phương pháp phù hợp thì bệnh nhân sẽ có nhiều khả năng thuyên giảm hoặc khỏi hẳn bệnh.
Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới nhận thấy nếu có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, điều trị kịp thời, sử dụng thuốc phù hợp, kết hợp cùng các liệu pháp điều trị đúng đắn và duy trì tối thiểu trong vòng 5 năm thì tỉ lệ khỏi hẳn bệnh lên đến hơn 50%. Tuy nhiên, vấn đền bệnh tâm thần phân liệt có chữa được không còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Không chỉ dựa vào trình đồ chuyên môn của bác sĩ chuyên khoa mà còn chịu sự ảnh hưởng lớn của người thân trong gia đình và sự giúp đỡ của cộng đồng.
Phương pháp chữa bệnh tâm thần phân liệt hiệu quả
Các chuyên gia cho biết rằng, trong quá trình điều trị bệnh tâm thần phân liệt đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa nhiều biện pháp như trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng, liệu pháp lao động và sử dụng thuốc. Cụ thể như sau:
1. Sử dụng thuốc
Sử dụng các loại thuốc điều trị rối loạn thần kinh là một trong các biện pháp hiệu quả và có vai trò quan trọng đối với việc cải thiện bệnh tâm thần phân liệt. Cũng bởi các loại thuốc này sẽ có tác dụng làm dịu bớt những trạng thái kích động, hưng phấn, hoang tưởng, ảo giác, loạn thần của người bệnh.
Một số loại thuốc chống loạn thần thường được sử dụng như Haloperidol, Tisercin, Aminazine,…Những loại thuốc an thần thế hệ mới như Olanzapin, Chlozapin, Risperidone,….Hiện nay các loại thuốc thế hệ mới được ưu tiên áp dụng nhiều hơn bởi chúng ít gây tác dụng phụ, hiệu quả cũng được đánh giá tốt hơn.
Bên cạnh hai nhóm thuốc trên thì một số loại thuốc chống loạn thần như Haldol decanoate, Fluphenazine deconoate,…cũng sẽ được sử dụng đối với những người bệnh không chịu uống thuốc hàng ngày. Các loại thuốc này sẽ có tác dụng kéo dài hơn và không cần phải sử dụng liên tục.
Nếu bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng thuốc thì người thân trong gia đình cũng cần phải nhắc nhở, đôn đốc để họ sử dụng thuốc đúng theo yêu cầu của bác sĩ. Các loại thuốc điều trị tâm thần phân liệt có thể gây nên một số tác dụng phụ ngoài ý muốn nên người bệnh cần phải uống thuốc đúng giờ, uống đủ liều, tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc hoặc thay đổi liều lượng để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nếu trong quá trình uống thuốc, người bệnh có xuất hiện các triệu chứng khác thường như kích động, thay đổi giấc ngủ, nói nhiều, cáu gắt, các hành vi tự làm hại,…thì nên nhanh chóng thông báo ngay với bác sĩ để được can thiệp kịp thời. Trong thời gian điều trị bệnh cũng không được sử dụng rượu bia, thuốc lá, ma túy, cà phê,…vì các chất này có khả năng làm giảm công dụng của thuốc hoặc khiến cho bệnh có nhiều nguy cơ tái phát.
2. Phục hồi chức năng tâm thần
Trong thực tế, đa số người bệnh tâm thần phân liệt đều bắt đầu bệnh khi còn trẻ và kéo dài mãn tinh. Căn bệnh này có thể làm cho họ bị suy yếu hoặc mất đi hoàn toàn các khả năng sinh hoạt hàng ngày như học hỏi, suy nghĩ, giao tiếp, tình cảm, các mối quan hệ xã hội,…Việc khó khăn và gặp nhiều cản trở nhất trong quá trình điều trị tâm thần phân liệt đó chính là giảm bớt nguy cơ bị tàn phế và giúp bệnh nhân phục hồi được sự tương tác xã hội để quay về cuộc sống bình thường.
Tuy nhiên, nếu chỉ điều trị bằng thuốc thì không thể hoàn thành tốt mục đích điều trị. Một vài người bệnh phải bắt đầu điều trị tại những bệnh viện tâm thần, lâu dần họ quen với nếp sống phụ thuộc, được người khác chăm sóc và chỉ dẫn. Sau nhiều năm như thế họ cũng sẽ mất đi khả năng sáng tạo, thiếu nghị lực, các kỹ năng xã hội cũng không còn tồn tại nhiều. Nếu người bệnh không được cải thiện tốt các chức năng này thì họ vẫn sẽ tiếp tục là gánh nặng đối với gia đình và xã hội.
Chính vì thế, mục đích chủ yếu của quá trình phục hồi chức năng tâm thần (PHCNTT) cho người bệnh tâm thần phân liệt đó chính là giúp họ làm lại cuộc đời. Chương trình này sẽ tác động đến toàn bộ con người, từ tinh thần, cơ thể và cả trí nhớ để giúp người bệnh cải thiện tốt các chức năng cá nhân, biết các quản lý sức khỏe bản thân, tái hòa nhập tốt với cộng đồng.
Mục đích của phương pháp phục hồi chức năng tâm thần cụ thể như sau:
- Hỗ trợ ngăn ngừa và làm giảm tình trạng mất khả năng sống của người bệnh, hạn chế tối đa các tái phát cấp tính và giúp bệnh nhân có thể thích ứng tốt hơn với cuộc sống sau điều trị.
- Gia tăng chất lượng cuộc sống của người bệnh bằng cách thúc đẩy sự độc lập, nâng cao các kỹ năng cần thiết, học cách tự chủ,…
- Cải thiện thể lực, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật trước khi trả người bệnh về cộng đồng.
3. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu cũng là một trong các biện pháp mang lại hiệu quả tốt đối với quá trình cải thiện tình trạng bệnh tâm thần phân liệt. Mục tiêu của phương pháp này đó chính là phát triển tốt các mối quan hệ hợp tác giữa người bệnh, các thành viên trong gia đình và chuyên gia tâm lý để bệnh nhân có thể hiểu và biết cách tự quản lý bệnh tật cá nhân, xử lý căng thẳng hiệu quả, dùng thuốc đúng theo hướng dẫn.
Thường thì tâm lý trị liệu sẽ bắt đầu bằng việc giải quyết những nhu cầu cơ bản của người bệnh, hỗ trợ cung cấp và giáo dục về bản chất của tâm thần phân liệt, thúc đẩy những hoạt động thích ứng sẽ mang lại hiệu quả tốt cho hơn. Một số bệnh nhân còn cần hỗ trợ tâm lý theo cách đồng cảm để có thể thích ứng tốt với những sự hạn chế về mặt chức năng.
Bên cạnh liệu pháp tâm lý cá nhân thì hiện nay các chuyên gia cũng có thể áp dụng liệu pháp nhận thức hành vi đối với người bệnh tâm thần phân liệt. Chẳng hạn, đối với liệu pháp này sẽ được áp dụng trong môi trường trị liệu cá nhân hoặc trị liệu theo nhóm, có thể tập trung chủ yếu vào việc làm thuyên giảm các tư duy ảo tưởng của người bệnh.
Đối với các trường hợp người bệnh sinh sống cùng với gia đình, người thân thì quá trình can thiệp tâm lý giáo dục theo hướng gia đình sẽ có nhiều khả năng giảm bớt nguy cơ tái phát bệnh. Gia đình và cộng đồng cũng cần có sự giúp đỡ, quan tâm và thông cảm để đối xử tốt với người bệnh. Cùng giúp đỡ họ tham gia vào những hoạt động tập thể, tạo cho họ cảm giác gần gũi, thoải mái và được tin tưởng.
Như vậy, tâm thần phân liệt hiện nay đã có khá nhiều các biện pháp hỗ trợ điều trị, người bệnh sẽ có thêm nhiều cơ hội để tái hòa nhập tốt với cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, việc bệnh tâm thần phân liệt có chữa được không còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Ngay khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh bạn cần chủ động tiến hành thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tham khảo thêm:
- Rối Loạn Phân Liệt Cảm Xúc (SZD): Biểu Hiện Và Cách Chữa Trị
- Bệnh Loạn Thần Là Gì? Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Điều Trị
- Rối Loạn Tâm Thần Là Gì? Nguyên Nhân, Biểu Hiệu Và Chữa Trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!