Bệnh tâm thần phân liệt thể thanh xuân: Dấu hiệu và điều trị

Tâm thần phân liệt thể thanh xuân là một thể bệnh tâm thần phân liệt thuộc dạng mãn tính. Những người mắc phải chứng bệnh này thường sẽ có những suy nghĩ, hành vi không liên quan hoặc thậm chí là bất hợp lý.

Bệnh tâm thần phân liệt thể thanh xuân
Bệnh tâm thần phân liệt thể thanh xuân là một dạng tâm thần phân liệt mức độ nặng.

Bệnh tâm thần phân liệt thể thanh xuân là gì?

Theo số liệu thống kê nhận thấy rằng, hiện nay đang có khoảng 1,1% tổng dân số trên toàn thế giới đang chịu ảnh hưởng bởi chứng tâm thần phân liệt. Trong đó, tâm thần phân liệt thể thanh xuân là một dạng của tâm thần phổ biến. Chứng bệnh này được xếp vào nhóm tâm thần nghiêm trọng và có sự tiến triển từ từ.

Những người mắc phải chứng bệnh tâm thần này sẽ tồn tại các hành vi, suy nghĩ không liên quan và có phần bất hợp lý liên quan đến tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, cho đến hiện nay thì căn bệnh này không được được xem là một dạng tách biệt của tâm thần phân liệt. Nguyên nhân chủ yếu đó chính là do sự phân biệt của các thể bệnh không hỗ trợ tốt trong quá trình chẩn đoán bệnh.

Theo nhận xét của các chuyên gia thì chứng bệnh tâm thần phân liệt sẽ có khả năng cao xuất hiện ở những người trẻ, đặc biệt là các đối tượng từ 15 đến 25 tuổi. Tuy rằng bệnh có thể điều trị ổn nếu người bệnh sớm phát hiện các triệu chứng và tuân thủ đúng với phác đồ điều trị của bác sĩ nhưng nó vẫn có nguy cơ gây ra một số biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe và thể chất.

Triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt thể thanh xuân

Người bị bệnh tâm thần phân liệt thể thanh xuân sẽ có đa dạng các triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, dựa vào Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần của Hiệp hội tâm thần Hoa Kỳ thì chứng bệnh này sẽ có các dấu hiệu nhận biết điển hình như sau:

1. Hiện tượng ảo tưởng

Người bệnh sẽ luôn tồn tại cảm giác tội lỗi, mặc cảm, e ngại và lo sợ bị hại. Tuy rằng đây không phải là một trong các triệu chứng phổ biến mà bất kì người bệnh tâm thần phân liệt nào cũng có nhưng nó dùng để diễn tả về các yếu tố, sự kiện đang chống đối lại họ và làm cho họ tin rằng bản thân đang nắm giữ một sức mạnh phi thường, một thế lực hùng mạnh nào đó đang ẩn nấp đằng sau họ.

Bảng phân loại quốc tế về bệnh tật ICD 1 còn bổ sung thêm vào hiện tượng này đó chính là tình trạng bệnh nhân không có tính thống nhất, cố định về mặt tôn giáo, họ tin tưởng việc có một thế lực siêu nhiên nào đó đang tồn tại trong cuộc sống. Ví dụ như người bệnh tâm thần phân liệt thể thanh xuân có một niềm tin rằng đang có một ai đó điều khiển không gian, thời gian, thời tiết và cả cử chỉ của con người.

2. Hiện tượng ảo giác

Theo chia sẻ của các chuyên gia và cả người bệnh thì tình trạng tâm thần phân liệt thể thanh xuân sẽ có sự liên quan đối với một số yếu tố như cảm giác, mùi vị, hình ảnh, mùi hương,…Trong đó, ảo thanh là một trong các dạng thường gặp nhất của ảo giác khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu.

Về hiện tượng này thì các nhà khoa học cũng đã đưa ra được lời giải thích, đó chính là việc người bệnh nghe thấy những tiếng động, âm thanh vang lên trong đầu. Đó có thể là những tiếng động quen thuộc, những cuộc thảo luận hoặc có thể xuất phát từ các cơ quan bên trong cơ thể, ví dụ như nghe thấy tai phải đang trò chuyện với tai trái.

Bệnh tâm thần phân liệt thể thanh xuân
Người bệnh thường xuất hiện các hoang tưởng, ảo giác gây khó chịu.

Hiện tượng ảo giác có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và kéo dài dai dẳng trong một thời gian. Bên cạnh đó, triệu chứng ảo giác có khả năng kèm theo một số hoang tưởng thoáng qua hoặc là những hoang tưởng chưa hoàn thiện, chúng sẽ thường không có quá nhiều nội dung hoặc nội dung không được rõ ràng.

3. Suy nghĩ và nói vô tổ chức

Đây được xem như một trong các triệu chứng dễ nhận biết và điển hình của những ai đang mắc phải chứng bệnh tâm thần, đặc biệt là bệnh tâm thần phân liệt thể thanh xuân. Người bệnh sẽ gặp khó khăn hoặc thậm chí là không thể hình thành nên những suy nghĩ, lời nói hợp lý và mạch lạc.

Tình trạng này sẽ được biểu hiện bằng hình thức nói không trôi chảy, lắp bắp, luống cuống. Đối với một cuộc trò chuyện thì bệnh nhân sẽ không thể hòa nhập tốt vào một chủ đề đang được mọi người nhắc đến. Hơn thế, trong các trường hợp nặng hơn, lời nói của người bệnh sẽ làm cho những người xung quanh không thể hiểu họ đang muốn truyền tải điều gì.

4. Hành vi vô tổ chức

Không chỉ dừng lại ở lời nói mà những người mắc bệnh tâm thần phân liệt thể thanh xuân còn gặp khó khăn về việc kiểm soát hành vi của mình. Các hành vi của người bệnh rất đa dạng từ những biểu hiện ngây ngô, ngớ ngẩn, trẻ con cho đến các hành vi nguy hiểm, hung hăng, bạo lực.

Một số trường hợp còn có xu hướng thực hiện các hành vi kích động, thực hiện hành vi tình dục ở nơi công cộng. Thực hiện các hành động kỳ quặc, vận động thái quá, mất đi khả năng đáp ứng đối với những cuộc trò chuyện hoặc các hướng dẫn. Ngoài ra, bệnh nhân còn có những tác phong căng trương, chẳng hạn như sững sờ, không nói, không hành động, dễ dàng phủ định mọi việc.

5. Triệu chứng âm tính

Triệu chứng này nói đến quá trình mà người bệnh không thể hoạt động được như bình thường, chẳng hạn như không thể tự chăm sóc, tự vệ sinh cá nhân, luôn trốn tránh và e ngại xã hội, không có khả năng để bày tỏ cảm xúc, tránh né việc giao tiếp bằng ánh mắt, nói chuyện bằng giọng đơn điệu.

Nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần phân liệt thể thanh xuân

Cho đến hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định cụ thể về nguyên nhân gây ra chứng bệnh tâm thần phân liệt thanh xuân. Tuy nhiên, trong kết quả của một số nghiên cứu nhận thấy rằng có một vài các rối loạn chức năng não bộ có khả năng tác động và làm ảnh hưởng bởi sự kết hợp của những yếu tố môi trường và sinh học. Một số loại hóa chất nằm bên trong não bộ, điển hình như serotonin hoặc dopamine được cho là có sự liên quan đối với quá trình khởi phát các triệu chứng của tâm thần phân liệt.

Vào năm 2009, kết quả của một cuộc điều tra đã được đăng tải trên tạp chí Molecular Psychiatry nói về nguyên nhân gây bệnh. Chuyên gia cho biết các triệu chứng của tâm thần phân liệt thanh xuân có khả năng phát triển là do tín hiệu đến từ tế bào đến tế bào diễn ra trong bộ não. Những nhà khoa học đã nghiên cứu và tìm ra 49 gen hoạt động khác nhau ở trong não bộ của những người bệnh tâm thần phân liệt.

nguyên nhân bệnh tâm thần phân liệt thể thanh xuân
Cho đến hiện nay vẫn chưa thể xác định cụ thể về nguyên nhân gây tâm thần phân liệt.

Các yếu tố nguy cơ có khả năng gây ra bệnh tâm thần phân liệt thể thanh xuân như:

  • Di truyền học: Theo nghiên cứu nhận thấy rằng, tỉ lệ mắc bệnh tâm thần phân liệt sẽ cao hơn nếu trong gia đình có người thân từng mắc phải chứng bệnh này, tỉ lệ chiếm 10%. Ngược lại, nếu gia đình không có tiền sử mắc bệnh tâm thần phân liệt hoặc các chứng bệnh liên quan thì cơ hội phát triển bệnh rất thấp, chiếm khoảng 1%. Các chuyên gia còn cho biết thêm, rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt là hai bệnh lý có cùng nền tảng di truyền.
  • Nhiễm virus: Nếu trong quá trình mang thai, thai nhi bị nhiễm virus thì khả năng mắc bệnh tâm thần phân liệt sau khi sinh ra sẽ cao hơn so với mức bình thường. Tuy rằng hiện nay vẫn chưa có danh sách cụ thể về các loại virus có khả năng gây bệnh nhưng một số virus được đánh giá có nguy cơ cao như Toxoplasmosis, virus cúm, Rubella và Herpex.
  • Thai nhi bị suy dinh dưỡng: Nếu trong thai kỳ, chế độ ăn uống của người mẹ không được đảm bảo hoặc gặp phải bất kì vấn đề gì khiến thai nhi bị suy dinh dưỡng thì nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt cũng sẽ gia tăng.
  • Tuổi của cha mẹ khi sinh con: Độ tuổi khi sinh con của cha mẹ cũng ảnh hưởng rất nhiều đối với nguy cơ mắc bệnh của trẻ nhỏ. Theo đó, cha mẹ càng lớn tuổi thì nguy cơ bị tâm thần phân liệt thể thanh xuân ở trẻ nhỏ càng cao.
  • Trải qua sự kiện căng thẳng, biến cố thời thơ ấu: Nguy cơ bị bệnh sẽ tăng cao nếu trẻ em thường xuyên phải đối mặt và trải qua các giai đoạn biến cố, căng thẳng từ quá sớm. Tình trạng này có thể là do bị lạm dụng, bạo lực, chấn thương khi còn nhỏ.
  • Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc hoặc chất gây nghiện có khả năng ảnh hưởng đối với trí não, tinh thần trong thời thanh niên và làm gia tăng nguy cơ bị tâm thần phân liệt. Việc sử dụng ma túy cũng là một trong các yếu tố lớn. Tuy rằng vấn đề này vẫn chưa được khẳng định chắc chắn nhưng việc dùng ma túy sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống.

Biến chứng và tác hại của bệnh tâm thần phân liệt thể thanh xuân

Bệnh tâm thần phân liệt thể thanh xuân nếu không được phát hiện và có biện pháp can thiệp phù hợp sẽ dễ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Chẳng hạn như:

  • Gia tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.
  • Hình thành các suy nghĩ tiêu cực, bi quan, thực hiện hành vi tự sát.
  • Lạm dụng chất kích thích, chất gây nghiện
  • Mất dần khả năng tự chăm sóc bản thân, vệ sinh cá nhân.
  • Xung đột, mâu thuẫn, rạn nứt mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.
  • Không còn khả năng để tìm kiếm và duy trì công việc, nguy cơ nghèo đói cao.
  • Suy giảm kết quả học tập, khả năng tiếp nhận thông tin kém.
  • Trở thành thành phần xấu, tệ nạn xã hội
tác hại rối loạn tâm thần thể thanh xuân
Bệnh nhân luôn phải chịu đựng sự dày vò tinh thần với việc liên tục gặp ảo giác, hoang tưởng và dễ dẫn đến suy nghĩ tiêu cực hoặc thậm chí là hành vi tự sát.

Theo chia sẻ từ một số người mắc phải chứng bệnh tâm thần phân liệt thể thanh xuân thì việc sử dụng thuốc lá sẽ giúp họ gia tăng sự tập trung. Tuy nhiên, thói quen này sẽ làm cho họ gặp phải nhiều khó khăn và trở ngại trong việc dùng thuốc, làm suy giảm công dụng của thuốc điều trị và dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nặng nề hơn.

Như lời khuyên của các chuyên gia thì tâm thần phân liệt và cả tâm thần phân liệt thể thanh xuân đều là các tình trạng bệnh nghiêm trọng và kéo dài suốt đời. Chính vì thế, việc nhận thức được tầm nguy hiểm của bệnh có sự liên quan lớn đối với việc phát hiện và tuân thủ yêu cầu điều trị. Gia đình và bạn bè cũng cần phải nhiệt tình hỗ trợ, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để người bệnh được thăm khám và chữa trị.

Chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt thể thanh xuân

Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt thể thanh xuân thì người bệnh cần chủ động hơn trong việc thăm khám và chẩn đoán tại các bệnh viện uy tín, chất lượng. Dựa vào Tiêu chuẩn chẩn đoán hiện hành của Tổ chức Y tế Thế giới về các rối loạn tâm thần và hành vi (ICD-10) thì để xác định một người mắc phải chứng bệnh này thì họ cần phải đáp ứng những yêu cầu sau đây:

  • Phải có tối thiểu một triệu chứng rõ ràng, nếu trong trường hợp không có các dấu hiệu cụ thể thì ít nhất phải tồn tại 2 triệu chứng điển hình như ngôn ngữ trở nên lộn xộn, không tự kiểm soát, hoang tưởng bị kiểm tra, liên tục nghe thấy các âm thanh, tiếng nói vang lên trong đầu,…
  • Tần suất xuất hiện của các triệu chứng nhiều, tồn tại cụ thể và rõ ràng tối thiểu 1 tháng hoặc có thể kéo dài dai dẳng hơn.
  • Đối với các trường hợp người bệnh có xuất hiện các triệu chứng nêu trên nhưng chỉ kéo dài trong khoảng dưới 1 tháng thì cần nhanh chóng thực hiện chẩn đoán rối loạn thần cấp tương tự như tâm thần phân liệt để có thể xác định được cụ thể tình trạng bệnh lý, hạn chế việc đưa ra kết quả nhầm lẫn.
chẩn đoán rối loạn tâm thần thể thanh xuân
Chẩn đoán rối loạn tâm thần thể thanh xuân được dựa theo tiêu chuẩn của ICD – 10 và bệnh nhân cần có ít nhất 1 triệu chứng rõ ràng đễ xác định chính xác bệnh.

Bên cạnh đó, các bác sĩ, chuyên gia cũng sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm cần thiết như:

  • Chụp CT scan não, IRM não để chẩn đoán hình ảnh.
  • Siêu âm não, lưu huyết não, điện não đồ.
  • Cho người bệnh thực hiện các bài đánh giá trắc nghiệm tâm lý và một số thang lượng giá. Chẳng hạn như: trắc nghiệm nhân cách (MMPI…), test Rorschach, TAT…, MMSE – trắc nghiệm nhận thức hay một số dạng trắc nghiệm thang giá (PANSS), bài trắc nghiệm trí tuệ (PMS, K-ABC…).
  • Xét nghiệm nước tiểu và máu và thực hiện một số xét nghiệm về chức năng của các cơ quan liên quan khác bên trong cơ thể như thận, gan, dịch não tủy.
  • X – quang, siêu âm

Sau đó, các bác sĩ chuyên khoa sẽ tổng hợp và xem xét tất cả các kết quả xét nghiệm để có thể đưa ra nhận định chính xác nhất về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Từ đó, có thể cân nhắc đến việc đề ra phác đồ điều trị phù hợp giúp người bệnh mau chóng khắc phục các triệu chứng bất thường.

Hướng điều trị bệnh tâm thần phân liệt thể thanh xuân

Phương pháp và thời gian điều trị bệnh tâm thần phân liệt thể thanh xuân còn phải phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, sự đáp ứng của từng bệnh nhân và rất nhiều các yếu tố khác. Người bệnh sẽ được chỉ định điều trị nội trú hoặc ngoại trú để thuận tiện cho việc theo dõi và khắc phục các triệu chứng của bệnh.

Ngay khi các dấu hiệu bất thường đã biến mất nhưng người bệnh vẫn phải tuân thủ đúng theo phác đồ của chuyên gia, tránh tình trạng ngừng điều trị sẽ làm gia tăng nguy cơ tái phát nghiêm trọng hơn. Sau đây là một số biện pháp phổ biến và hiệu quả thường có thể được chỉ định áp dụng cho người bệnh tâm thần phân liệt thể thanh xuân như:

1. Hóa dược liệu

Sử dụng thuốc là phương pháp luôn được sử dụng để có thể điều trị tốt cho các trường hợp bệnh tâm thần phân liệt thể thanh xuân. Tùy vào cơ địa và tình trạng bệnh của mỗi người mà bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc lựa chọn loại thuốc phù hợp nhất. Hiện nay thì các loại thuốc nhóm an thần và thuốc chống loạn thần được dùng phổ biến với mục đích kiểm soát tốt trí não của người bệnh.

thuốc trị bệnh tâm thần phân liệt thể thanh xuân
Sử dụng thuốc là phương pháp hiệu quả và phổ biến nhất đối với người bệnh tâm thần phân liệt.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng kết hợp thêm với các nhóm thuốc sau:

  • Nhóm thuốc chống lo âu
  • Thuốc điều hòa khí sắc
  • Thuốc chống Parkinson
  • Thuốc ức chế cholinesterase
  • Một số loại thuốc bổ sung vitamin tổng hợp, giúp nhuận gan mật, gia tăng tuần hoàn máu.
  • Đối với các trường hợp bệnh nghiêm trọng thì sẽ được cân nhắc áp dụng phương pháp choáng điện.

Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc này đều có khả năng gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn nên người bệnh cần phải thật cẩn trọng khi dùng. Thông thường, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc với liều lượng thấp, sau đó mới bắt đầu tăng dần để cơ thể dễ dàng đáp ứng và kết quả điều trị cũng đạt cao hơn.

Để phát huy tốt công dụng của thuốc thì người bệnh cần phải tuân thủ nghiêm đúng theo chỉ định của bác sĩ. Uống thuốc đúng giờ, đúng thuốc, đúng liều lượng và tuyệt đối không được ngừng sử dụng thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ điều trị. Nếu trong quá trình sử dụng, cơ thể có xuất hiện các dấu hiệu bất thường khác thì cần thông báo ngay với chuyên gia để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

2. Liệu pháp sốc điện

Theo đánh giá của các chuyên gia thì liệu pháp sốc điện có thể mang lại hiệu quả điều trị tốt đối với tình trạng tâm thần phân liệt thể căng trương lực. Tuy thế, các thể bệnh khác, gồm có bệnh tâm thần phân liệt thể thanh xuân vẫn nhận được kết quả tốt nếu áp dụng phương pháp này cho những tình trạng kháng điều trị, bệnh nhân bị kích động mạnh hoặc có hành vi muốn tự sát nhiều lần.

liệu pháp sốc điện trị rối loạn tâm thần
Liệu pháp sốc điện được hoạt động bằng cách gắn các điện cực vào đầu kích thích thay đổi nguyên lý dẫn truyền thần kinh bên trong não bộ, nhờ vậy có thể tác động tích cực đến tình trạng tâm thần phân liệt thể thanh xuân.

Hiểu một cách đơn giản nhất thì liệu pháp sốc điện chính là quá trình sử dụng dòng điện để có thể kiểm soát và hạn chế những tác động tiêu cực đối với não bộ. Người bệnh sẽ được gắn các điện cực vào phần đầu và dùng thiết bị chuyên dụng để theo dõi. Bác sĩ sẽ điều chỉnh dòng điện phù hợp để chúng đi sâu vào trong, nhờ đó tạo ra những cú giật nhỏ với mục đích điều chỉnh nồng độ những chất dẫn truyền thần kinh bên trong não bộ.

3. Trị liệu tâm lý

Song song với các biện pháp điều trị nêu trên thì trị liệu tâm lý cũng góp phần quan trọng và cần thiết đối với quá trình phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân bị tâm thần phân liệt thể thanh xuân. Thông qua việc trò chuyện cùng với chuyên gia tâm lý, người bệnh sẽ dần nhìn nhận ra được những hành vi, suy nghĩ bất thường của mình và điều chỉnh chúng theo chiều hướng tích cực hơn.

Một số liệu pháp có thể được áp dụng như:

  • Liệu pháp cá nhân
  • Liệu pháp nhóm
  • Liệu pháp gia đình
  • Liệu pháp tái thích ứng xã hội

Bên cạnh đó, chuyên gia trị liệu còn giúp người bệnh rèn luyện và nâng cao một số kỹ năng cần thiết như kiểm soát cảm xúc, đối mặt và xử lý với khó khăn, giải tỏa căng thẳng, kỹ năng giao tiếp xã hội để người bệnh dần tái hòa nhập tốt với cộng đồng và hạn chế tình trạng tái phát.

Thông tin bài viết trên đây đã giúp cho bạn đọc phần nào hiểu hơn về chứng bệnh tâm thần phân liệt thể thanh xuân. Bên cạnh việc tuân thủ các biện pháp điều trị thì người bệnh cũng phải xây dựng và duy trì lối sinh hoạt lành mạnh để góp phần giúp bệnh tình mau chóng được thuyên giảm.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *