Tâm thần phân liệt và rối loạn đa nhân cách có khác nhau?

Tâm thần phân liệt và rối loạn đa nhân cách là hai khái niệm rất hay bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, chúng lại là hai căn bệnh hoàn toàn khác nhau cả về bản chất và các biểu hiện bên ngoài.

Tâm Thần Phân Liệt Và Rối Loạn Đa Nhân Cách
Tâm thần phân liệt và rối loạn đa nhân cách là hai căn bệnh rất hay bị nhầm lẫn với nhau

Làm sao để phân biệt rối loạn đa nhân cách và tâm thần phân liệt?

Rối loạn đa nhân cách và tâm thần phân liệt là hai hội chứng hoàn toàn khác nhau nhưng chúng lại rất hay bị nhầm lẫn, đặc biệt là trên truyện hoặc các phim ảnh. Rất nhiều người đánh đồng hai khái niệm này lại với nhau và cho rằng chúng giống hệt nhau.

Trong thực tế, hai vấn đề sức khỏe này đều là các bệnh lý nguy hiểm về tâm thần thường bị xã hội kỳ thị và xa lánh. Nếu người bệnh không sớm được phát hiện và có biện pháp can thiệp kịp thời thì có thể gây ảnh hưởng đến bản thân và cả những người xung quanh.

Hầu như những người mắc phải hai chứng bệnh này đều xuất hiện các hành vi bất ổn trong một thời điểm nào đó. Lúc này họ có thể biến thành một người khác, đôi lúc họ không thể tự kiểm soát được bản thân mà làm hại đến sức khỏe của bản thân hoặc đe dọa đến tính mạng của những người xung quanh.

Tuy vậy nhưng về bản chất, nguyên nhân gây bệnh, hình thái biểu hiện, các biện pháp điều trị của tâm thần phân liệt và rối loạn đa nhân cách lại ít có điểm chung. Việc nhầm lẫn trong quá trình chẩn đoán bệnh có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm, đặc biệt là áp dụng biện pháp cải thiện không phù hợp khiến bệnh không thể thuyên giảm, thậm chí còn phát sinh nên nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn.

Vì thế, để tránh nhầm lẫn giữa tâm thần phân liệt và rối loạn đa nhân cách thì bạn có thể dựa vào một số thông tin sau đâu:

1. Khái niệm

1.1 Rối loạn đa nhân cách

Rối loạn đa nhân cách có tên tiếng anh là Multiple Personality Disorder – MPD thuộc vào tổ hợp những hội chứng có mối liên quan đến chấn thương tâm lý, hậu chấn thương tâm lý, rối loạn căng thẳng cấp tính,…Sau các cuộc chấn thương tâm lý nặng nề xảy ra thì các nhân cách mới bắt đầu hình thành và chiếm lấy một phần của cơ thể. Mỗi nhân cách xuất hiện nhằm mục đích giải quyết và ứng phó với các tình huống khó khăn.

Những người mắc phải chứng rối loạn tâm thần này sẽ tồn tại ít nhất hai nhân cách tách rời trong cùng một cơ thể. Các nhân cách này tuy sống cùng một thể xác nhưng lại có nhiều xu hướng đối đầu nhau. Chúng sẽ xuất hiện vào các thời điểm khác nhau, hoàn toàn không có ký ức hoặc biết được sự tồn tại của nhau.

Theo nghiên cứu nhận thấy rằng, chứng rối loạn đa nhân cách chính là tình trạng một cá nhân thường xuyên quên đi một số dữ liệu, thông tin, sự kiện quan trọng của bản thân. Từ đó, gây nên những lỗ hổng trong ký ức, họ không thể ghi nhớ được những việc mà bản thân đã làm khi nhân cách khác tồn tại.

1.2 Tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt được xếp vào một nhóm những rối loạn não ở mức độ nghiêm trọng, đây là một dạng rối loạn phát triển nguy hiểm. Tình trạng này được đặc trưng bởi sự suy giảm về quá trình suy nghĩ cùng sự thiếu hụt các kỹ năng đáp ứng cảm xúc điển hình. Những người mắc phải chứng bệnh này sẽ thường xuyên gặp phải ảo giác, bị rối loạn cảm xúc, hành vi, trí nhớ không được đảm bảo, một số trường hợp còn xuất hiện các triệu chứng của trầm cảm.

Khác với rối loạn đa nhân cách, người bị tâm thần phân liệt chỉ xuất hiện ảo giác, họ có thể nghe, nhìn, ngửi thấy những hình ảnh, mùi thơm, sự việc nào đó không có thực. Thực ra đây không phải là một nhân cách khác của người bệnh mà nó chỉ là sự gián đoạn trong suy nghĩ và cảm nhận của họ.

2. Triệu chứng đặc trưng

Để có thể phân biệt cụ thể về hai chứng bệnh tâm thần phân liệt và rối loạn đa nhân cách bạn nên tập trung tìm hiểu về triệu chứng của bệnh. Có thể các hành vi, biểu hiện của bệnh có những nét tương đồng và hơi giống nhau nhưng về bản chất chúng lại hoàn toàn khác biệt.

Tâm Thần Phân Liệt Và Rối Loạn Đa Nhân Cách
Dựa vào triệu chứng bạn có thể phân biệt được rối loạn đa nhân cách và tâm thần phân liệt

Nếu có thể nắm rõ thông tin và hiểu được bản chất của các triệu chứng bệnh thì bạn cũng sẽ tránh được việc nhầm lẫn giữa hai căn bệnh nguy hiểm này. Cụ thể các triệu chứng của bệnh như sau:

2.1 Rối loạn đa nhân cách

  • Người bệnh tồn tại nhiều nhân cách khác nhau. Mỗi bệnh nhân sẽ có ít nhất hai nhân cách riêng biệt thay phiên và liên tục kiểm soát hành vi của người bệnh.
  • Có các khoảng trống trong ký ức: Đối với những người bị rối loạn đa nhân cách sẽ không thể ghi nhớ được trọn vẹn các lời nói, hành động mà bản thân đã làm khi ở nhân cách khác. Trong ký ức của họ luôn có một khoảng đen và họ nghĩ rằng bản thân đã ngủ trong thời gian đó.
  • Những người xung quanh có thể thấy sự đối lập trong nhân cách của người bệnh. Người bệnh thường sẽ có tính cách chính là nhút nhát, rụt rè, yếu đuối, dễ bắt nạt Các nhân cách mới sẽ khác biệt so với nhân cách thật của chủ thể, ví dụ như chống đối, cá tính, nham hiểm,…
  • Khi các nhân cách mới xuất hiện sẽ chi phối và kiểm soát toàn bộ các suy nghĩ, hành vi, cảm xúc của người bệnh. Sau khi trở về với nhân cách thật, chủ thể sẽ không thể nhớ được những gì bản thân đã làm.
  • Người bệnh rối loạn đa nhân cách cũng có thể quên đi những thông tin, sự kiện quan trọng có liên quan đến bản thân, chẳng hạn như các cuộc hẹn, nơi sinh sống, nơi làm việc, sở thích, bạn bè,…
  • Bệnh nhân còn có nhiều nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn ăn uống, lạm dụng rượu bia, muốn tự sát, bị cưỡng chế, thay đổi cảm xúc đột ngột,…
  • Một số trường hợp nếu các nhân cách chung sống hòa bình với nhau thì người bệnh cũng sẽ không gặp nhiều khó khăn trong quá trình sinh hoạt, quan hệ xã hội.
  • Các nhân cách mới của người bệnh có thể xuất hiện ngay sau khi họ trải qua các sự kiện gây chấn thương.

2.2 Tâm thần phân liệt

  • Người bệnh tồn tại các hoang tưởng như tự cao, bị hãm hại, bị chi phối. Họ luôn có cảm giác bản thân có một siêu năng lực vượt trội nào đó hoặc cho rằng có ai đó đang theo dõi và muốn ám sát họ.
  • Bệnh nhân có thể nghe thấy các giọng nói lạ hoặc âm thanh vang lên trong đầu hoặc cứ văng vẳng bên tai. Ảo thanh thường là các âm thanh mang tính chất tiêu cực như tiếng cười nhạo, chửi bới, buộc tội, trách móc,…Khi nghe thấy những âm thanh kì lạ, bệnh nhân cũng có kèm theo một số phản ứng phù hợp như bịt tai, thu mình, quát tháo, la hét, nổi điên,…
  • Những người mắc chứng tâm thần phân liệt thường luôn ở trong trạng thái lo sợ, hoảng loạn, bất an, họ có xu hướng thu mình lại và không muốn gần gũi, tiếp xúc với bất kì ai.
  • Giảm sự biểu lộ về tình cảm, người bệnh sẽ không có quá nhiều phản ứng tích cực trước những sự kiện vui hoặc cũng không tỏ thái độ ủ rũ trước những vấn đề đau buồn. Một số trường hợp còn có thể phản ứng ngược lại với bình thường, chẳng hạn như cười khi buồn và khóc khi vui.
  • Bệnh nhân tâm thần phân liệt hoàn toàn không thể tự nhận thức được tình trạng sức khỏe của bản thân. Họ không nghĩ rằng mình bị bệnh và có thể từ chối việc thăm khám bác sĩ, không chấp nhận những lời nhận xét hay chẩn đoán mắc bệnh tâm thần.
  • Người bệnh có nhiều xu hướng tách rời khỏi cuộc sống thực tại và họ gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt đời sống hàng ngày.
  • Bệnh nhân luôn trong trạng thái sợ hãi, lo lắng, hoang tưởng bởi các triệu chứng bệnh có thể xuất hiện thường xuyên vào bất cứ lúc nào.
  • Mất đi ý muốn làm việc, họ trở nên thẫn thờ nhưng đây hoàn toàn không phải do sự lười nhác. Người bệnh dường như không thể tiếp tục việc học tập hoặc theo đuổi công việc của mình. Nếu tình trạng bệnh chuyển biến nặng hơn đôi khi bệnh nhân còn không thể tự hoàn thành các công việc đơn giản hàng ngày, kể cả vệ sinh cá nhân.

Có thể thấy các triệu chứng của rối loạn đa nhân cách và tâm thần phân liệt có một số điểm tương đồng. Tuy nhiên về đặc tính lại hoàn toàn khác nhau. Đối với những người đa nhân cách sẽ tồn tại nhiều nhân cách riêng biệt và kiểm soát mọi hành vi của người bệnh. Ngược lại, bệnh nhân tâm thần phân liệt lại không có nhiều nhân cách, các ký ức của họ liền mạch và không bị đứt quãng.

3. Nguồn gốc gây bệnh

Để phân biệt chính xác về hai chứng bệnh rối loạn đa nhân cách và tâm thần phân biệt bạn cũng có thể dựa vào nguyên nhân gây ra bệnh. Tuy rằng cả hai bệnh lý vẫn chưa thể xác định được cụ thể lý do khởi phát bệnh nhưng các nhà khoa học cũng đã chỉ ra được một số yếu tố nguy cơ. Cụ thể như sau:

Tâm Thần Phân Liệt Và Rối Loạn Đa Nhân Cách
Mỗi căn bệnh sẽ có nguồn gốc nguyên nhân riêng biệt

3.1 Rối loạn đa nhân cách

  • Các đối tượng từng bị lạm dụng tình dục, cưỡng hiếm
  • Những trẻ em từng bị bạo hành thể xác hoặc tinh thần ngay từ khi rất nhỏ
  • Do một số sự kiện gây sang chấn như cha mẹ ly hôn, người thân đột ngột qua đời, phá sản, tai nạn,..
  • Sự ảnh hưởng của thiên tai, động đất, sóng thần, lũ lụt, sạt lở,…

3.2 Tâm thần phân liệt

  • Do sự thay đổi của cấu trúc não, tai nạn làm ảnh hưởng đến độ dày của vỏ não, các vấn đề về chấn thương, não thất bị giãn rộng,…
  • Yếu tố di truyền cũng là nguyên nhân chiếm tỉ lệ lớn gây nên tình trạng tâm thần phân liệt. Các nhà khoa học cho biết rằng nếu trong gia đình có người thân từng mắc phải chứng bệnh này hoặc các vấn đề tâm lý khác thì nguy cơ mắc bệnh của những thành viên khác chiếm khoảng 10%.
  • Sự tác động của một số yếu tố môi trường làm cho con người phải thường xuyên đối mặt với căng thẳng, stress.
  • Sự biến đổi đột ngột của các chất dẫn truyền thần kinh não bộ, đặc biệt là glutamat và dopamin .
  • Phụ nữ mang thai gặp phải các vấn đề sức khỏe như thiếu chất dinh dưỡng, mang thai khi đã quá lớn tuổi, sử dụng một số thuốc có tác động đến thần kinh của trẻ nhỏ.
  • Các xung đột gia đình, cha mẹ thường xuyên mâu thuẫn, bất hoà cũng có thể là yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc phải tâm thần phân liệt.

Như vậy có thể thấy tình trạng rối loạn đa nhân cách chủ yếu xuất phát từ các sang chấn tâm lý. Các nhân cách mới có thể xuất hiện ngay sau khi một người trải qua các sự kiện đau buồn, tổn thương nghiêm trọng. Theo đó các bác sĩ tâm thần cũng cho biết những yếu tố sang chấn tâm lý không đủ khả năng để làm khởi phát bệnh tâm thần phân liệt mà nó có thể là hệ quả hoặc là yếu tố góp phần tác động.

4. Mức độ nguy hiểm và sự ảnh hưởng của bệnh

Đa phần những người mắc chứng rối loạn đa nhân cách vẫn có thể sinh hoạt bình thường. Cuộc sống và các mối quan hệ của họ cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Các nhân cách khác của người bệnh có thể đối lập hoặc dung hòa với chủ thể nhưng chỉ cần nó không xuất hiện quá đột ngột thì cũng không gây nên nhiều tác động tiêu cực đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân.

Còn đối với các trường  hợp mắc bệnh tâm thần phân liệt, người bệnh sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong cuộc sống bởi họ liên tục gặp phải các hoang tưởng, ảo giác. Bệnh nhân sẽ dễ mất kiểm soát khi các triệu chứng đột ngột xuất hiện và kiểm soát cảm xúc, hành vi của họ. Người bệnh cũng thường xuyên có những hành vi bất thường mang tính bạo lực khiến cho mọi người xung quanh có cái nhìn tiêu cực về họ.

Tuy nhiên, để đánh giá và xác định cụ thể xem chứng bệnh nào có mức độ nguy hiểm hơn còn phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố và tình trạng của mỗi người bệnh. Cả hai chứng bệnh nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân và những người xung quanh.

Mỗi bệnh lý đều có tính chất nguy hiểm và gây nên nhiều tác động tiêu cực đối với đời sống và sức khỏe. Do đó, việc kịp thời phát hiện và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh góp phần rất quan trọng đối với quá trình phục hồi sức khỏe của bệnh nhân. Do cả hai chứng bệnh có sự tương đồng và rất dễ nhầm lẫn nên cần được bác sĩ có trình độ chuyên môn cao trực tiếp thăm khám và chẩn đoán cụ thể.

5. Hướng điều trị bệnh

Nếu nghi ngờ một người mắc phải chứng rối loạn đa nhân cách hay tâm thần phân liệt thì các bác sĩ cũng sẽ tiến hành thăm khám tổng quát, tìm hiểu về bệnh sử và đề nghị bệnh nhân thực hiện một vài bài test đánh giá. Sau đó người bệnh cũng sẽ được áp dụng một số biện pháp xét nghiệm cần thiết để góp phần mang lại kết quả chẩn đoán chính xác nhất.

Sau khi biết được người bệnh mắc phải vấn đề sức khỏe tâm thần nào thì bác sĩ cũng sẽ cân nhắc đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Cụ thể như sau:

1. Rối loạn đa nhân cách

Ở những người bệnh rối loạn đa nhân cách chủ yếu sẽ được ưu tiên áp dụng liệu pháp tâm lý để cải thiện các triệu chứng bệnh. Thông qua quá trình trị liệu bệnh nhân sẽ hiểu và nhìn nhận được các vấn đề mà bản thân đang gặp phải. Đồng thời, các chuyên gia cũng sẽ áp dụng những liệu pháp phù hợp để giúp người bệnh khơi lại được nhân cách chính của mình và phát triển nó một cách mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng sẽ được thôi miên để có thể gợi nhớ về những hành vi đã thực hiện khi ở nhân cách khác. Chuyên gia sẽ giúp cho người bệnh tháo gỡ từng vấn đề sang chấn, giải quyết triệt để nguyên căn gây ra bệnh để tránh tình trạng tái phát về sau.

Đa phần những người bệnh rối loạn đa nhân cách sẽ không đáp ứng tốt với phương pháp sử dụng thuốc. Tuy nhiên đối với một số trường hợp cần thiết, người bệnh có xuất hiện kèm theo các triệu chứng của lo âu, trầm cảm, mất ngủ, rối loạn cảm xúc thì cũng sẽ được cân nhắc sử dụng một số loại thuốc hỗ trợ để kiểm soát tốt.

2. Tâm thần phân liệt

Trong khi đó, phương pháp dùng thuốc lại vô cùng cần thiết và hiệu quả đối với bệnh nhân bị tâm thần phân liệt. Các loại thuốc điều trị có thể giúp kiểm soát tốt các triệu chứng bệnh, giảm thiểu các suy nghĩ, hành vi bất thường của bệnh nhân. Thông thường, bác sĩ tâm thần sẽ kê đơn thuốc dựa vào triệu chứng và mức độ đáp ứng bệnh của mỗi người. Các loại thuốc thường được chỉ định như thuốc an thần, thuốc chống loạn thần, thuốc bổ não.

Song song với đó thì tâm lý trị liệu cũng có thể được khuyến khích áp dụng để giúp cho quá trình cải thiện bệnh được thành công hơn. Các chuyên gia tâm lý sẽ giúp bệnh nhân điều chỉnh tốt hành vi, cảm xúc của mình. Đồng thời hướng dẫn họ nâng cao các kỹ năng sống cần thiết, giúp bệnh nhân sớm hòa nhập với cộng đồng, chấp nhận và phối hợp tốt với phác đồ điều trị của chuyên gia.

Quá trình điều trị rối loạn đa nhân cách và tâm thần phân liệt cũng cần có sự hỗ trợ tốt từ gia đình, xã hội. Những người xung quanh cũng nên tìm hiểu thông tin về bệnh và tránh tình trạng kỳ thị, tỏ thái độ xa lánh đối với bệnh nhân. Hãy dành cho họ những lời động viên, an ủi để giúp họ có thêm động lực vượt qua căn bệnh quái ác và hòa nhập tốt hơn với cuộc sống.

Bài viết trên đây đã đưa ra một số thông tin giúp bạn đọc phân biệt được chứng rối loạn đa nhân cách và tâm thần phân liệt. Ngay khi nhận thấy các biểu hiện của bệnh, bạn cũng cần chủ động tiến hành thăm khám và chẩn đoán tại các cơ sở chuyên khoa uy tín để kịp thời điều trị.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

4.9/5 - (37 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *