Những biến chứng của rối loạn lo âu cần cảnh giác

Rate this post

Giảm hiệu quả làm việc – học tập, tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, lạm dụng chất và nghiện rượu bia là những biến chứng thường gặp của rối loạn lo âu. Các biến chứng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây ra nhiều phiền toái và làm giảm chất lượng cuộc sống.

biến chứng của rối loạn lo âu
Tìm hiểu biến chứng của rối loạn lo âu sẽ giúp bạn đọc hình dung rõ hơn mức độ nghiêm trọng của bệnh lý này

Những biến chứng của rối loạn lo âu bạn cần biết

Rối loạn lo âu đặc trưng bởi tình trạng lo lắng, sợ hãi và phiền muộn kéo dài, quá mức so với mức độ của đối tượng và tình huống trong cuộc sống. Đôi khi, người bệnh có thể lo âu về những vấn đề mơ hồ và không xác định được nguồn căn cụ thể. Theo số liệu thống kê, rối loạn lo âu là chứng bệnh tâm lý phổ biến nhất hiện nay và gặp nhiều hơn ở nữ giới.

Sự lo âu quá mức và kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng mà còn tác động đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Người bị rối loạn lo âu dành nhiều thời gian để suy nghĩ về những tình huống, đối tượng gây ra sự sợ hãi, lo lắng. Kết quả là tâm trạng trở nên buồn chán, uể oải, dễ cáu gắt và tức giận. Ngoài ra, lo âu quá mức còn gây suy giảm trí nhớ, mất ngủ và ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.

Thực tế, sức khỏe tâm thần ít được quan tâm hơn so với các bệnh lý thể chất. Nhiều người lầm tưởng, rối loạn lo âu chỉ ảnh hưởng đến tâm lý và cảm xúc mà không biết rằng, bệnh lý này gây ra rất nhiều biến chứng nếu để kéo dài và chậm trễ trong việc điều trị. Để hiểu rõ hơn mức độ nghiêm trọng của bệnh lý này, bạn đọc nên tìm hiểu về các biến chứng của rối loạn lo âu:

1. Hiệu suất lao động, học tập sụt giảm

Hiệu suất học tập, lao động suy giảm là biến chứng đầu tiên của rối loạn lo âu. Khác với người bình thường, người mắc chứng bệnh này không thể kiểm soát nỗi sợ và sự lo lắng thái quá của bản thân – ngay cả khi bệnh nhân nhận thấy sự lo âu là quá mức, vô lý và không cần thiết.

Lo âu thông thường chỉ diễn ra trong vài ngày và sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, rối loạn lo âu gây ra sự lo lắng và sợ hãi dài hạn (ít nhất 6 tháng liên tục). Điều này ảnh hưởng đến khả năng tập trung, trí nhớ và giấc ngủ khiến người bệnh giảm tiếp thu, hay mắc phải sai sót và thiếu tính linh hoạt trong công việc.

biến chứng của rối loạn lo âu
Bệnh nhân rối loạn lo âu thường không thể duy trì hiệu quả học tập và làm việc như trước đây

Những vấn đề xảy ra trong học tập và công việc lại tiếp tục làm gia tăng mức độ lo âu, phiền muộn ở người mắc chứng bệnh này. Về lâu dài, một số bệnh nhân gần như không thể học tập và làm việc bình thường.

Ngoài ra, người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội, chứng sợ đám đông và khoảng trống thường phải giáo dục trong môi trường đặc biệt do nỗi sợ quá mức về không gian, đám đông và các tình huống xã hội. Tình trạng này gây ra nhiều phiền toái và giới hạn khả năng học tập, phát triển của mỗi cá nhân.

2. Giảm các mối quan hệ cá nhân, xã hội

Tâm trạng của người bị rối loạn lo âu khá bất ổn do bị nỗi sợ và sự lo lắng lấn chiếm. Người mắc chứng bệnh này thường rơi vào trạng thái uể oải, buồn chán, nhạy cảm, dễ tức giận và cáu gắt. Hơn nữa, người bị rối loạn lo âu thường tự mình suy nghĩ về nỗi sợ của bản thân và ít chia sẻ cùng với những người xung quanh nên không nhận được sự đồng cảm. Dần dần, các mối quan hệ cá nhân và xã hội giảm đi đáng kể.

Bên cạnh đó, tính tình hay cáu gắt và dễ tức giận cũng khiến người bệnh gặp nhiều xung đột trong gia đình, trường học và nơi làm việc. Người bệnh gần như không cố gắng cứu vãn những mối quan hệ này mà chỉ tập trung suy nghĩ về đối tượng và tình huống gây ra sự sợ hãi.

Chính vì vậy, bệnh nhân dần mất đi những mối quan hệ thân thiết trong cuộc sống. Đa phần người mắc chứng rối loạn lo âu chỉ duy trì mối quan hệ với gia đình và 1 – 2 người bạn thân thiết hoặc thậm chí là không có bạn bè.

3. Tăng nguy cơ lạm dụng chất, nghiện rượu bia

Vấn đề mà người bị rối loạn lo âu phải đối mặt là tình trạng lo lắng quá mức, thường trực và không cách nào có thể kiểm soát nỗi lo của bản thân. Tình trạng này dẫn đến việc không ít người lựa chọn dùng rượu bia và chất gây nghiện để giải tỏa sự lo lắng, buồn bã.

Các chất gây nghiện có thể ức chế thần kinh trung ương, mang đến cảm giác sảng khoái và thư giãn trong một thời gian ngắn. Khi cảm giác này qua đi, người bệnh sẽ phải đối mặt với nỗi lo lắng và sự sợ hãi nặng nề hơn. Vì quá sợ hãi và hoảng loạn nên bệnh nhân có xu hướng tiếp tục dùng rượu bia, chất gây nghiện và hút thuốc lá.

biến chứng của rối loạn lo âu
Không ít bệnh nhân lựa chọn lối sống thiếu lành mạnh để giải tỏa căng thẳng, lo âu và phiền muộn

Lựa chọn lối sống thiếu khoa học được các chuyên gia lý giải là cách bệnh nhân rối loạn lo âu “chống đối” lại với sự lo lắng không thể kiểm soát. Tuy nhiên, các thói quen không lành mạnh lại làm tăng mức độ nghiêm trọng của nỗi lo và các cảm xúc tiêu cực.

Hơn nữa, dùng rượu bia và chất gây nghiện còn gây suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung, đau đầu, thiếu máu não và gia tăng nguy cơ mắc phải các rối loạn do nghiện chất. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân có thể phải đối mặt với rất nhiều biến chứng nặng nề.

4. Làm nghiêm trọng các bệnh sẵn có

Khi lo lắng, hormone cortisol và adrenaline tăng mạnh. Trong trường hợp lo âu và sợ hãi chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn, nồng độ hormone trong máu sẽ nhanh chóng ổn định trở lại và ít khi ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên nếu tình trạng kéo dài, hormone sẽ được sản xuất liên tục dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe.

Hormone cortisol làm gia tăng nhịp tim, tăng nhịp thở và nồng độ đường huyết trong máu. Ngoài ra, sự gia tăng quá mức của cortisol còn gây ức chế miễn dịch và làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan (ngoại trừ não bộ và tim mạch).

biến chứng của rối loạn lo âu
Lo lắng, phiền muộn và sợ hãi kéo dài có thể gia tăng mức độ của các bệnh lý sẵn có

Bên cạnh đó, hormone adrenaline cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề thể chất. Hormone này được sản sinh khi cơ thể sợ hãi, căng thẳng và lo âu. Sự gia tăng dài hạn của adrenaline làm tăng áp lực lên các cơ quan hô hấp, tim mạch và não bộ. Đối với những người có sẵn các bệnh lý ở những cơ quan này, tình trạng tăng hormone adrenaline có thể khiến triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn và gia tăng nguy cơ gặp phải các biến cố tim mạch.

Ngoài các bệnh lý tim mạch và nội tiết, rối loạn lo âu cũng làm nghiêm trọng các bệnh cơ xương khớp, da liễu, tiêu hóa và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Đây cũng là lý do vì sao người bị rối loạn lo âu có tuổi thọ thấp hơn người khỏe mạnh (đã loại trừ những trường hợp mất do tự sát).

5. Tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính

Không chỉ làm nghiêm trọng các bệnh sẵn có, rối loạn lo âu kéo dài còn tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, thiếu máu não, rối loạn tiền đình, mất ngủ, đau nhức xương khớp, rối loạn tiêu hóa,… Nguyên nhân là khi bị lo âu và căng thẳng, não bộ sẽ gửi tín hiệu đến các cơ quan trong cơ thể dẫn đến tình trạng rối loạn chức năng. Về lâu dài, toàn bộ cơ quan trong cơ thể sẽ xuất hiện những vấn đề bất thường.

Hiện nay, các nghiên cứu về ảnh hưởng của trầm cảm và rối loạn lo âu đối với sức khỏe thể chất đều cho thấy, cả hai bệnh lý này tác động nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất. Đồng thời là nguyên nhân hàng đầu gây cao huyết áp, đau nửa đầu và mất ngủ mà nhiều người không chú ý đến.

6. Trầm cảm thứ phát

Trầm cảm thứ phát là biến chứng thường gặp ở người bị rối loạn lo âu và stress kéo dài. Trầm cảm là một dạng rối loạn khí sắc đặc trưng bởi sự giảm thấp của cảm xúc, người bệnh luôn buồn chán, uể oải, mất hứng thú, giảm năng lượng, thiếu lòng tự trọng và luôn tự ti về bản thân. Chứng bệnh này thường phát triển do bệnh nhân lo âu quá mức, buồn chán và tự cô lập bản thân với cộng đồng.

biến chứng của rối loạn lo âu
Trầm cảm thứ phát là biến chứng thường gặp của rối loạn lo âu

Cả trầm cảm và rối loạn lo âu đều là những vấn đề tâm lý nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Sự buồn bã, bi quan do trầm cảm kết hợp với trạng thái lo âu thái quá của rối loạn lo âu gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống. Ở những người mắc đồng thời hai bệnh lý này, quá trình chẩn đoán và điều trị thường gặp nhiều khó khăn hơn.

7. Có ý nghĩ và hành vi tự sát

Tự sát là biến chứng nặng nề nhất của rối loạn lo âu và các chứng bệnh tâm lý khác. Vì không thể kiểm soát sự lo lắng quá mức của bản thân nên người bệnh rất dễ buồn bã, chán nản và tự cách ly với xã hội. Về lâu dài, người bệnh gần như không còn mục đích sống và mọi cảm xúc tích cực đều bị nhấn chìm bởi nỗi sợ, sự lo âu, phiền muộn và căng thẳng.

Để thoát khỏi bế tắc và hàng loạt các cảm xúc hỗn độn, không ít người bắt đầu hình thành ý nghĩ và hành vi tự sát. Trên thực tế, tỷ lệ tự sát do rối loạn lo âu không cao như trầm cảm. Tuy nhiên, trường hợp mắc đồng thời với trầm cảm thứ phát và lạm dụng chất gây nghiện cũng có thể gia tăng nguy cơ phát sinh các hành vi tự hủy hoại, đe dọa đến tính mạng của bản thân.

8. Trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội

Để giảm sự sợ hãi và hoảng loạn, bệnh nhân rối loạn lo âu có xu hướng né tránh với những đối tượng, tình huống trong cuộc sống. Dần dần, người bệnh tự cô lập bản thân và giới hạn phạm vi học tập, làm việc. Thông thường, người mắc chứng bệnh này thường chỉ ra ngoài khi cần và dành nhiều thời gian ở trong nhà.

Thậm chí, người mắc chứng sợ xã hội, đám đông và sợ không gian gần như không thể đi ra ngoài nếu không có bạn bè thân thiết và người thân đi cùng. Vì vậy trong trường hợp không được điều trị, bệnh nhân sẽ dần trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.

Cách phòng tránh biến chứng của rối loạn lo âu

Rối loạn lo âu có thể điều trị hoàn toàn mà không gây ra các biến chứng nặng nề. Do đó, ngay khi nhận thấy bản thân lo lắng thái quá, kéo dài và không kiểm soát được nỗi lo, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám, đánh giá tâm lý và điều trị y tế.

Đối với rối loạn lo âu, điều trị bao gồm sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh để vượt qua sự lo âu, phiền muộn và dễ dàng hơn trong việc kiểm soát các cảm xúc tiêu cực.

biến chứng của rối loạn lo âu
Khám và điều trị sớm là cách hiệu quả nhất giúp phòng ngừa biến chứng của rối loạn lo âu

Nếu tích cực điều trị và chăm sóc, chứng bệnh này sẽ nhanh chóng được kiểm soát. Thực tế, một số bệnh nhân có thể phải sống chung với bệnh suốt đời – nhất là các rối loạn lo âu ám ảnh sợ. Tuy nhiên về cơ bản, điều trị giúp chế ngự sự sợ hãi, giảm lo âu, căng thẳng và hỗ trợ bệnh nhân bình thường hóa cuộc sống.

Hy vọng qua những thông tin về biến chứng của rối loạn lo âu, bạn đọc đã hiểu rõ hơn mức độ nghiêm trọng của bệnh lý này. Từ đó chủ động hơn trong việc thăm khám và điều trị khi nhận thấy bản thân có những biểu hiện bất thường. Song song với tăng cường sức khỏe thể chất, mỗi người cũng cần có những biện pháp để cải thiện, duy trì đời sống tinh thần để hạn chế nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *