Cảm Giác Xấu Hổ Là Gì? Biểu Hiện Thường Gặp Và Cách Vượt Qua

5/5 - (2 bình chọn)

Cảm giác xấu hổ là một cảm xúc phổ biến được tạo ra từ những niềm tin tiêu cực về bản thân, nhất là khi bạn bị chỉ trích, từ chối hoặc vạch trần. Sự xấu hổ ảnh hưởng đến cả suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của một người. Ngừng tự phê bình, cởi mở với người khác và phản ứng hiệu quả hơn khi xấu hổ có thể giúp bạn hạn chế ảnh hưởng và xây dựng quan niệm đúng đắn hơn về bản thân.

cảm giác xấu hổ
Xấu hổ là cảm xúc rất phổ biến trong cuộc sống mà bất cứ ai cũng có thể từng gặp phải

Cảm giác xấu hổ là gì?

Xấu hổ là một cảm xúc tự ý thức cao độ xuất phát từ những suy nghĩ tiêu cực và tự phê phán bản thân. Nó thường hình thành từ những sự việc và tình huống không mong muốn, có thể xuất hiện khi bạn bị đánh giá tiêu cực, chỉ trích, từ chối hoặc vạch trần.

Khi đối mặt với cảm giác xấu hổ thì bạn thường sẽ thừa nhận rằng bản thân đã mắc phải sai lầm. Đôi khi nó đi kèm với cảm giác dằn vặt, tồi tệ, tự trách móc bản thân, thấy bản thân không xứng đáng, không có giá trị.

Xấu hổ có thể gây ra sự khó chịu và khiến bạn căng thẳng. Nó thường đi kèm với sự lúng túng, bối rối, đỏ mặt, tư thế khúm núm, cúi đầu và ánh mắt nhìn xuống. Trong một số trường hợp, xấu hổ quá mức còn dẫn tới phản ứng bật khóc và các hành vi kích động.

Hầu hết ai cũng từng trải qua một số lần có cảm giác xấu hổ vào một thời điểm nào đó. Sự xấu hổ thoáng qua thường không gây ra vấn đề đáng quan ngại. Trong khi đó, xấu hổ độc hại, kéo dài thường là dấu hiệu của các tình trạng sức khỏe tâm thần tiềm ẩn. Chẳng hạn như trầm cảm, lo lắng hoặc rối loạn căng thẳng sau chấn thương.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Mặc dù xấu hổ được xếp vào nhóm cảm xúc tiêu cực nhưng nguồn gốc của nó lại đóng vai trò quan trọng trong sự tồn tại của con người. Nếu không xấu hổ thì bạn có thể không cảm thấy cần thiết phải tuân thủ theo các chuẩn mực văn hóa, giá trị đạo đức hoặc tuân theo luật lệ.

Nguyên nhân dẫn đến cảm giác xấu hổ

Bất cứ sự tự đánh giá tiêu cực hoặc phê bình nào đều có thể dẫn tới cảm giác xấu hổ. Cảm giác này thường xảy ra khi một người quá chú trọng vào những khuyết điểm, sai lầm và những đặc điểm tiêu cực đã nhận thức được.

Trong những khoảnh khắc xấu hổ, người ta sẽ đánh mất sức mạnh, khả năng và các phẩm chất tích cực của mình. Đôi khi những niềm tin tự phê bình này có một phần là sự thật nhưng chúng thường bị bóp méo và phóng đại rất nhiều khi so sánh với sự đánh giá khách quan hơn về tính cách của một người.

Mọi người có thể cảm thấy xấu hổ khi phải đối mặt với bất cứ tình huống hiện tại, quá khứ hoặc tưởng tượng trong tương lai có khả năng gây ra đánh giá tiêu cực về bản thân. Tuy nhiên nó chủ yếu xảy ra khi sự bất an hiện tại hoặc niềm tin tiêu cực được bộc lộ.

Những cảm giác bất an hiện có này thường sẽ phát triển sớm trong cuộc sống để đối phó với những trải nghiệm đau đớn khi bạn bị từ chối, chỉ trích hoặc bị tổn thương. Những trải nghiệm “xấu hổ” này sẽ khiến cho một người nội tâm hóa những niềm tin tiêu cực về bản thân. Đồng thời coi những sai lầm hoặc khiếm khuyết về tính cách cụ thể là những mối đe dọa khiến cho họ không được yêu mến hoặc chấp nhận.

bị chỉ trích nhiều sinh ra xấu hổ
Cảm giác xấu hổ thường xuất hiện khi một người bị chỉ trích và có những ý nghĩ tiêu cực về bản thân

Những trải nghiệm đau thương như lạm dụng tình cảm, tình dục hoặc thể chất, bị bỏ rơi hoặc các hình thức ngược đãi khác trong thời thơ ấu đều là những trải nghiệm có sự tương quan chặt chẽ với sự xấu hổ sau này trong cuộc sống. Những đứa trẻ trải qua các loại chấn thương này có xu hướng đổ lỗi và phát triển niềm tin tiêu cực về bản thân giống như một cách để hiểu về những gì đã xảy ra với chúng.

Sự xấu hổ có thể phát triển để đối với các trải nghiệm thời thơ ấu đau đớn phổ biến nhưng có thể không được coi là chấn thương. Tuy nhiên chúng có những tác động tình cảm lâu dài tương tự. Chẳng hạn như:

  • Bị so sánh với anh chị em thời thơ ấu và tiếp tục so sánh tiêu cực bạn với họ bây giờ
  • Bị la mắng vì mắc lỗi và những thành viên trong gia đình nói với nhau rằng bạn thật tệ
  • Sai lầm khiến cho người khác bị tổn thương và không thể nào tha thứ cho bản thân
  • Bị bắt nạt ở trường vì ngoại hình hoặc một số đặc điểm khác khiến bạn trở nên xấu hổ
  • Nhận được tình yêu mà bạn cảm thấy có điều kiện dựa trên thành tích của bạn trong thể thao hoặc ở trường học
  • Lớn lên trong một ngôi nhà, nơi mà bạn cảm thấy xấu hổ khi bộc lộ hoặc nói về cảm xúc
  • Có một bí mật gia đình được bảo vệ sâu sắc mà bạn bắt buộc phải giữ nó
  • Cảm thấy xấu hổ vì bạn đã lớn lên ở đâu hoặc như thế nào, bạn có bao nhiêu tiền,…
  • Cha mẹ hoặc người chăm sóc đã có những kỳ vọng quá cầu toàn hoặc không thực tế về bạn
  • Có cha mẹ vắng mặt và tin rằng bạn không được họ yêu thương
  • Thường xuyên bị so sánh, chỉ trích hoặc phản đối

Cảm giác xấu hổ có xuất hiện khi phản ứng với một trải nghiệm hay không còn phụ thuộc vào cách giải thích của một người về lý do tại sao điều gì đó lại xảy ra. Khi một người cảm nhận được trải nghiệm đau đớn và luôn tin rằng đó là do sai sót hoặc khuyết điểm cá nhân mà họ mắc phải thì rất có thể họ sẽ cảm thấy xấu hổ. Trẻ em và thanh thiếu niên dễ gặp phải tổn thương nhất bởi các nội tâm này. Tuy nhiên những trải nghiệm đau đớn khi trưởng thành cũng có thể dẫn tới sự xấu hổ bên trong.

Biểu hiện của cảm giác xấu hổ

Tất cả các vấn đề về cảm xúc và tâm lý đều có liên quan tới những thay đổi rõ rệt trong cách mà một người suy nghĩ, cảm nhận và hành xử. Dưới đây là một số kiểu suy nghĩ, cảm xúc và hành vi đặc trưng được ghi nhận ở những người trải qua cảm giác xấu hổ:

Về mặt suy nghĩ:

  • Suy nghĩ chín chắn hơn về tương lai
  • Suy nghĩ tiêu cực và tự phê bình, thường quá tập trung vào những sai sót
  • Nghi ngờ về những thất bại trong quá khứ và những lời từ chối
  • Đánh giá thấp khả năng và sức mạnh của bản thân
  • Cá nhân hóa các sự kiện cùng với các trải nghiệm tiêu cực
  • Nghi ngờ và không tin tưởng vào người khác nhiều hơn
  • Dự đoán, sợ hãi những thất bại hoặc sợ bị từ chối trong tương lai
  • Tập trung quá mức vào bản thân và rất ít nhận thức về người khác
biểu hiện của cảm giác xấu hổ
Cảm giác xấu hổ có thể khiến cho một người suy nghĩ tiêu cực và tự trách móc, phê bình bản thân

Về mặt cảm xúc:

  • Cảm thấy xấu hổ hoặc bị làm nhục
  • Khẩn trương lẩn trốn hoặc rút lui khỏi người khác
  • Cảm thấy nhỏ bé, yếu ớt, bất lực hoặc “đóng băng”
  • Cảm thấy buồn nôn
  • Cảm thấy tê liệt, tách rời hoặc bị mất kết nối với hiện tại
  • Cảm thấy bị kích thích quá mức, hưng phấn hoặc quá nhạy cảm
  • Cáu kỉnh, bốc đồng hoặc nóng nảy
  • Thất thường, cảm xúc không ổn định

Về mặt hành vi cư xử:

  • Các hành vi tự hủy hoại bản thân như sử dụng rượu và ma túy
  • Cô lập, trốn tránh và rút lui khỏi những người khác
  • Phòng thủ, đẩy người khác ra xa và luôn luôn cảnh giác
  • Tránh các tình huống khó khăn hoặc không quen thuộc
  • Tự phá hoại các cơ hội hoặc mối quan hệ
  • Thỏa hiệp hoặc giải quyết ít hơn do sợ thất bại
  • Không bảo vệ bản thân hoặc nói lên nhu cầu cũng như mối quan tâm
  • Giả vờ hoặc xuyên tạc bản thân nhằm che giấu những điều đáng xấu hổ

Một số ví dụ về sự xấu hổ:

  • Cảm thấy không hấp dẫn về một bộ phận cụ thể của cơ thể hay một đặc điểm thể chất cụ thể
  • Đổ lỗi cho bản thân vì đã trở thành nạn nhân của lạm dục thể chất, tình cảm hoặc tình dục
  • Việc lặp đi lặp lại những tương tác hoặc các sai lầm đáng xấu hổ trong tâm trí
  • Cảm thấy bản thân như một kẻ mạo danh ở trường học hoặc nơi làm việc và lo lắng về việc người khác sẽ phát hiện ra
  • So sánh với những người khác được cho là tốt hơn, thông minh hơn, hấp dẫn hơn hoặc dễ mến hơn
  • Sự bất an xuất phát từ việc không có khả năng làm hài lòng bạn tình hoặc thiếu kinh nghiệm tình dục
  • Nhớ lại nhiều lần những lời từ chối trong quá khứ, đồng thời tránh các tình huống mà những lời từ chối này có thể tái diễn
  • Có những kỳ vọng không thực tế hoặc không thể thực hiện được về việc làm mọi thứ một cách hoàn hảo
  • Cảm thấy như một người cha mẹ tồi do một lần thiếu kiên nhẫn hoặc tương tác thô bạo với con cái
  • Cảm thấy vô cùng xấu hổ khi thẻ tín dụng bị từ chối
  • Hoảng sợ sau khi tiết lộ điều gì đó cá nhân hoặc dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc
  • Cảm thấy mình là một người kinh khủng vì có một suy nghĩ không chuẩn mực hoặc “không trong sáng”

So sánh cảm giác xấu hổ và tội lỗi

Cảm giác xấu hổ và tội lỗi thường bị nhầm lẫn. Tuy nhiên chúng mô tả những trải nghiệm cảm xúc bắt đầu và kết thúc ở những nơi hoàn toàn khác nhau. Hiểu một cách đơn giản nhất thì cảm giác tội lỗi là cảm giác tồi tệ về điều gì đó bạn đã làm. Trong đi đó xấu hổ lại là cảm giác tồi tệ về chính con người của bạn.

cảm giác xấu hổ và cảm giác tội lỗi
Cảm giác xấu hổ thường rất dễ bị nhầm lẫn với cảm giác tội lỗi

Cả cảm giác xấu hổ và tội lỗi đều có khả năng gây ra bởi những tình huống tương tự nhau. Tuy nhiên chúng biểu hiện khác nhau và thúc đẩy những phản ứng khác nhau. Một số khác biệt chính có thể quan sát được giữa hai cảm giác này bao gồm:

Cảm giác tội lỗi:

  • Cảm thấy tồi tệ về điều gì đó bạn đã làm
  • Đánh giá một hành động là đúng hay sai
  • Thất bại là kết quả của một quyết định kém
  • Kích hoạt sự tự phản ánh
  • Lo lắng về tác hại của sự lựa chọn
  • Thúc đẩy giải quyết vấn đề
  • Dẫn đến lời xin lỗi và cố gắng sửa chữa lòng tin
  • Liên quan đến trách nhiệm cần giải trình
  • Có thể bảo vệ các mối quan hệ
  • Có xu hướng thúc đẩy thay đổi hành vi
  • Cảm thấy khó chịu
  • Liên quan đến việc đánh giá các hành động và sự lựa chọn
  • Thường được thể hiện là sự thất vọng

Cảm giác xấu hổ:

  • Cảm thấy tồi tệ về một số phần của con người bạn
  • Đánh giá một người là tốt hay xấu
  • Thất bại chính là kết quả của một sai sót cá nhân
  • Kích hoạt sự tự phê bình
  • Lo lắng về việc bị người khác đánh giá
  • Thúc đẩy sự suy ngẫm
  • Dẫn đến việc rút lui và mất kết nối với những người khác
  • Liên quan đến việc đổ lỗi cho bản thân
  • Có thể hủy hoại các mối quan hệ
  • Có xu hướng giảm động lực thay đổi
  • Cảm thấy không thể chịu đựng được
  • Liên quan tới việc đánh giá bản sắc và giá trị bản thân
  • Thường được thể hiện dưới dạng tức giận

Cảm giác xấu hổ có ảnh hưởng như thế nào?

Cảm giác xấu hổ và sức khỏe tinh thần có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Một thứ có thể kích hoạt và làm trầm trọng thêm thứ còn lại. Sự xấu hổ dai dẳng có mối tương quan chặt chẽ với lòng tự trọng kém và ý nghĩ tiêu cực về bản thân. Điều này phản ánh nền tảng bản sắc của một người, đồng thời ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của những gì mà họ nghĩ, cảm thấy và làm.

Ý nghĩ tiêu cực về bản thân, lòng tự trọng thấp và sự xấu hổ có thể liên quan tới một số vấn đề sức khỏe tâm thần khác nhau. Xấu hổ thường được quan sát thấy nhiều nhất ở những người trầm cảm, lo âu xã hội, tức giận và chấn thương. Ngoài ra, cảm giác này còn phổ biến ở những người bị rối loạn nhân cách hoặc rối loạn ăn uống.

Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng, việc trải qua mức độ xấu hổ quá mức cũng làm tăng nguy cơ mắc một loạt các hành vi nguy cơ cao. Chẳng hạn như sử dụng các chất kích thích, tự làm hại bản thân hoặc tự tử.

luôn xấu hổ có ảnh hưởng gì
Cảm giác xấu hổ kéo dài có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến trầm cảm, lo lắng

Nếu bạn đã từng trải qua sự xấu hổ thì bạn sẽ biết rằng nó có thể tác động tiêu cực đến cuộc sống của bạn. Một số tác động tiêu cực tiềm ẩn phải kể đến bao gồm:

  • Làm cho bạn cảm thấy như bạn đang có điều gì đó không ổn hoặc bạn đang thiếu sót
  • Có thể dẫn tới rút lui khỏi xã hội
  • Có thể dẫn đến nghiện (chẳng hạn như chi tiêu, tình dục, rượu, ma túy,…)
  • Khiến bạn trở nên phòng thủ và đổi lại khiến người khác bị xấu hổ
  • Có thể dẫn bạn đến việc bắt nạt người khác nếu chính bạn đã từng bị bắt nạt
  • Khiến bạn thổi phồng cái tôi của mình nhằm che giấu niềm tin rằng bạn không có giá trị (đây là kiểu tính cách tự ái)
  • Dẫn đến các vấn đề sức khỏe thể chất
  • Xấu hổ có thể liên quan đến trầm cảm và buồn bã
  • Khiến bạn cảm thấy cô đơn, trống rỗng hoặc mệt mỏi
  • Dẫn đến chủ nghĩa hoàn hảo nhằm cố gắng chống lại cảm giác xấu hổ
  • Có thể khiến bạn tương tác với những người làm hài lòng bạn
  • Khiến bạn hạn chế nói vì lo sợ nói sai
  • Gây ra các hành vi cưỡng bách hoặc quá mức, chẳng hạn như làm việc quá sức, ăn kiêng nghiêm ngặt, dọn dẹp quá mức hoặc có tiêu chuẩn quá cao nói chung,…

Bạn có thể thấy rằng, hầu hết tác động của sự xấu hổ đều dẫn tới những hành vi tạo ra một vòng luẩn quẩn. Tức là sự xấu hổ có thể khiến bạn có những hành vi dẫn đến cảm giác xấu hổ gia tăng. Hoặc những hành vi này có thể gây ra bất lợi cho bản thân và tạo ra các vấn đề sức khỏe thể chất hoặc tâm thần tiềm ẩn.

Cách vượt qua cảm giác xấu hổ

Cảm giác xấu hổ dường như là một phần tất yếu trong cuộc sống của con người. Tuy nhiên nếu thường xuyên cảm thấy xấu hổ hoặc cảm xúc này gây ra những ảnh hưởng đáng kể thì bạn cần học cách chế ngự.

chế ngự sự xấu hổ
Xấu hổ là cảm xúc bình thường của con người nhưng nếu lúc nào cũng xấu hổ thì ta nên học cách chế ngự nó

Để vượt qua cảm giác xấu hổ, bạn có thể áp dụng một số mẹo đơn giản sau đây:

1. Tự cười với chính bản thân mình

Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, tiếng cười và sự hài hước đều là những thành phần then chốt đối với sức khỏe tổng thể. Cách dễ dàng nhất để bạn vượt qua sự lo lắng xuất phát từ khoảnh khắc xấu hổ đó là hãy tự cười với chính mình và cười vào tình huống vừa xảy ra. Điều này giúp bạn dễ dàng khiến cho người khác cùng cười với mình thay vì chú ý vào cảm giác xấu hổ của bạn.

Thật ra, xấu hổ là một cách tuyệt vời để kết nối bản thân bạn với người khác. Bởi đây là điều mà bất cứ ai cũng phải trải nghiệm vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống. Nếu bạn sẵn sàng cười với bản thân mình thì khoảnh khắc xấu hổ có thể sẽ trở thành điểm bắt đầu tuyệt vời cho một cuộc trò chuyện thú vị hoặc quá trình kết bạn mới.

Bạn cũng có thể cố gắng để biến tình hình trở nên hài hước hơn. Nếu bạn tiếp cận tình huống với một sự hài hước phù hợp thì nó sẽ trở nên ít xấu hổ hơn và trông giống như một trò đùa vui.

2. Hít thở sâu

Khi đối mặt với cảm giác xấu hổ thì bạn có thể gặp phải các tình trạng căng thẳng, lúng túng, lo lắng quá mức hay thậm chí bật khóc vì xúc động. Lúc này hãy hít thở sâu để giữ bình tĩnh và vượt qua sự xấu hổ. Bạn cần hít sâu bằng mũi rồi thở ra bằng miệng để giúp điều chỉnh nhịp tim, nhịp thở và ổn định cảm xúc.

Lặp lại kỹ thuật thở này khoảng vài lần bạn sẽ cảm thấy sự lúng túng, căng thẳng và xấu hổ giảm đi đáng kể. Ngoài ra các triệu chứng thể chất đi kèm như tim đập nhanh, thở nông, đỏ mặt, tay chân nóng bừng,… cũng sẽ được cải thiện một cách nhanh chóng.

cách vượt qua cảm giác xấu hổ
Khi gặp phải khoảnh khắc xấu hổ thì bạn nên cố gắng hít thở sâu để giữ bình tĩnh và ổn định cảm xúc

3. Biết cách phản ứng khi xấu hổ

Một số cách phản ứng có thể giúp bạn giảm bớt cảm giác xấu hổ bao gồm:

  • Xin lỗi khi phù hợp: Nếu bạn cảm thấy xấu hổ do bạn đã làm một điều gì không đúng với ai đó thì bạn nên xin lỗi họ một cách chân thành.
  • Cười trừ: Khoảnh khắc xấu hổ có thể trở nên hài hước nếu bạn thể hiện được sự vô tư. Để cười trừ, hãy biến tình huống gây xấu hổ thành một trò đùa.
  • Nhanh chóng vượt qua nó: Con người thường sẽ không tập trung chú ý quá lâu. Do đó bạn không cần phải kéo dài tình huống gây xấu hổ. Bạn có thể tinh tế thay đổi chủ đề và chuyển hướng tập trung vào một điều khác.
  • Giảm thiểu sự cố: Bạn không nên thu hút sự chú ý của người khác. Thay vào đó hãy tự nói với bản thân rằng tình huống mà bạn vừa trải qua không quá xấu hổ. Ngoài ra bạn cũng có thể rút ra bài học từ khoảnh khắc xấu hổ đó.

4. Giải quyết suy nghĩ và cảm xúc của bản thân

Nhanh chóng giải quyết suy nghĩ và cảm xúc của bản thân cũng là một cách giúp làm giảm cảm giác xấu hổ. Một số điều bạn cần chú ý bao gồm:

  • Tách bản thân ra khỏi cảm xúc của chính mình: Nếu bạn đang gặp rắc rối trong việc đối phó với khoảnh khắc xấu hổ thì bạn có thể giữ khoảng cách với cảm xúc của chính mình. Có thể suy nghĩ về bản thân dưới góc độ của một người thứ ba.
  • Gây sao nhãng cho bản thân: Bạn nên cho phép mình có thời gian để có thể quên đi hành động đáng xấu hổ mà bạn đã thực hiện. Có khá nhiều mẹo nhỏ sẽ giúp ích cho bạn như xem phim, đọc sách, chơi game, nghe nhạc,…
  • Hướng sự chú ý về hiện tại: Hành động gây xấu hổ đã diễn ra trước thời điểm hiện tại. Bạn nên biết rằng khoảnh khắc đó đã qua đi và lúc này bạn nên hướng sự tập trung vào thời điểm hiện tại hoặc tương lai để đối phó với sự xấu hổ.
  • Tách bản thân khỏi tình huống: Nếu bản thân bạn thật sự cảm thấy lúng túng thì hãy quan sát xem liệu có thể tách ra khỏi tình huống đó một cách phù hợp hay không. Bạn có thể nói rằng mình cần đi vệ sinh hoặc phải nhận một cuộc điện thoại quan trọng.

5. Tìm gặp chuyên gia tâm lý

Trong một số trường hợp, cảm giác xấu hổ có xu hướng kéo dài khiến bạn lo lắng, mệt mỏi, căng thẳng và bi quan. Hơn nữa bạn lại không biết cách chế ngự cảm giác của mình do tính cách yếu đuối, nhút nhát hoặc thiếu kỹ năng sống. Nếu gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc thì rất có thể bạn cũng đang mắc phải một số vấn đề tâm lý.

chế ngự cảm giác xấu hổ
Nếu không thể tự mình chế ngự cảm giác xấu hổ thì bạn nên tìm đến chuyên gia tâm lý

Lúc này bạn nên sớm chủ động tìm gặp chuyên gia tư vấn tâm ký. Chuyên gia sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn vấn đề mà bản thân bạn đang phải đối mặt. Đồng thời cung cấp cho bạn những kỹ năng để điều chỉnh cảm xúc tốt hơn. Ngoài ra chuyên gia còn có thể phát hiện sớm các bất thường trong cảm xúc và suy nghĩ của bạn để kịp thời can thiệp.

Hạn chế cảm giác xấu hổ xuất hiện

Cảm giác xấu hổ đôi khi có thể xuất hiện ở những tình huống rất bình thường. Để hạn chế điều này, bạn có thể thực hiện một số giải pháp sau đây:

  • Từ bỏ theo đuổi sự hoàn hảo: Cố gắng để được hoàn hảo trong bất cứ khía cạnh nào của cuộc sống đều là kỳ vọng không thực tế. Nó có thể khiến bạn cảm thấy giá trị bản thân bị hạ thấp. Hơn nữa còn cảm thấy xấu hổ khi không đạt được tiêu chuẩn mong muốn. Nếu bản thân đặt mục tiêu quá cao và phi thực tế thì chính bạn sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn của sự xấu hổ và lòng tự trọng thấp.
  • Tránh suy nghĩ trầm ngâm: Đắm mình trong cảm xúc tiêu cực rất dễ biến thành cảm giác xấu hổ và tự ghê tởm bản thân. Bạn nên nhớ rằng, việc suy nghĩ trầm ngâm sẽ làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Thậm chí có thể dẫn đến trầm cảm hay lo âu xã hội.
  • Tự thương yêu bản thân: Thay vì tự trách móc và có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân thì bạn hãy đối xử tốt với chính mình. Bạn nên quan sát cẩn thận hành vi của mình, biết lùi lại và không để bản thân vướng vào kiểu tư duy tự hủy hoại. Có thể thử viết nhật ký thể hiện nhận thức về cảm xúc và cho thấy bạn xứng đáng được yêu thương, ủng hộ.
  • Không nên quá tập trung vào quá khứ: Đối với một số người thì cảm xúc xấu hổ có thể làm tê liệt con người hiện tại của họ. Bạn hãy nhớ rằng quá khứ chỉ là quá khứ, bạn không thể nào thay đổi hoặc hủy bỏ nó. Hãy bỏ lại sự xấu hổ trong quá khứ và hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.
  • Thể hiện tính linh hoạt: Bạn hãy cởi mở hơn, hào phóng và linh hoạt hơn khi nhìn nhận thế giới xung quanh. Đồng thời cố gắng kiềm chế, đừng quá xét đoán người khác. Hãy trau dồi một thái độ cởi mở hơn trong cách mà bạn nhìn nhận xã hội và con người. Điều này có thể tác động trở lại cách mà bạn thường xuyên nghĩ về bản thân.
  • Gạt bỏ ảnh hưởng từ người khác: Nếu có nhiều suy nghĩ tiêu cực thì có thể đây là sản phẩm được tạo ra từ những người xung quanh. Thậm chí có thể là từ thành viên gia đình hoặc bạn bè thân thiết. Để xóa bỏ cảm giác xấu hổ thì bạn cần hạn chế tiếp xúc với các cá nhân “độc hại”. Họ là những người khiến bạn vấp ngã thay vì nâng đỡ bạn.
  • Nuôi dưỡng chánh niệm: Liệu pháp dựa trên chánh niệm có thể giúp bạn tự chấp nhận bản thân. Đây là một kỹ thuật tốt dẫn dắt bạn tìm hiểm về cảm xúc và không gây ra bất cứ sự xúc động cao độ nào. Điều này giúp bạn mở lòng đón nhận trải nghiệm theo một cách lành mạnh thay vì cố gắng né tránh.
  • Biết chấp nhận: Hãy biết chấp nhận những điều mà bạn không thể thay đổi ở bản thân. Chấp nhận cũng có nghĩa là biết thừa nhận khó khăn và nhận thức được rằng bạn có thể chịu đựng được cảm giác đau đớn ở giây phút hiện tại.

Phản ứng trước cảm giác xấu hổ của người khác

Trong cuộc sống, bất cứ ai cũng đã từng có những lần rơi vào cảm giác xấu hổ. Nếu thấy người khác đang cảm thấy xấu hổ thì bạn nên biết cách cư xử đúng mực. Bởi phản ứng của bạn ảnh hưởng rất nhiều đến cảm xúc của họ ngay lúc đó.

phản ứng khi thấy ai đó xấu hổ
Nếu thấy ai đó đang xấu hổ thì bạn cần cảm thông với họ thay vì trêu ghẹo hay cười cợt

Những lời khuyên dành cho bạn bao gồm:

  • Cảm thông với họ: Nếu bản thân bạn gặp phải khoảnh khắc xấu hổ thì thật sự không phải là điều vui vẻ gì. Do đó bạn không nên hành động theo cách khiến người đang bị xấu hổ cảm thấy tồi tệ hơn. Bạn hãy đồng cảm với họ và có thể nhắc nhở họ về khoảng thời gian mà điều tương tự cũng từng xảy ra với bạn hoặc với một ai đó mà bạn biết.
  • Thay đổi chủ đề: Khi người đó biết rằng bạn đã chứng kiến khoảnh khắc đáng xấu hổ của họ thì bạn có thể nhìn nhận điều này. Tuy nhiên bạn hãy nhanh chóng đổi chủ đề. Hãy tỏ thái độ cấp bách như thể bạn muốn hỏi một điều gì đó nhưng lại quên mất.
  • Không nên trêu ghẹo người đó: Khi họ đang thật sự cảm thấy xấu hổ thì bạn không nên thêm dầu vào lửa bằng cách đùa giỡn về nó. Mặc dù sự hài hước là cách tốt giúp xoa dịu sự lúng túng nhưng bạn chỉ nên sử dụng nó khi bản thân bạn chính là người đang cảm thấy xấu hổ.
  • Giả vờ như bạn không biết chuyện gì đã xảy ra: Giải pháp này có thể áp dụng khi người đó không thật sự chú ý đến bạn khi họ thực hiện một điều nào đó đáng xấu hổ. Bạn có thể giả vờ như chính hành động của bạn cũng đang khiến bạn cảm thấy lúng túng. Nếu người đó trông có vẻ ngại ngùng thì bạn có thể xin lỗi và nói rằng bạn đã sao nhãng vì một việc cá nhân nào đó.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Cảm giác xấu hổ thực sự không hề dễ chịu. Mỗi người sẽ trải qua cảm xúc này ở các mức độ khác nhau. Nếu sự xấu hổ thực sự là một vấn đề đối với bạn thì hãy cố gắng thay đổi suy nghĩ, niềm tin và thái độ đối với bản thân. Tìm gặp chuyên gia tâm lý là rất cần thiết khi mà bạn không thể tự mình vượt qua cảm xúc khó chịu này.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *