Chấn thương tâm lý thời thơ ấu nguy hại hơn bạn tưởng

5/5 - (1 bình chọn)

Chấn thương tâm lý thời thơ ấu thực sự là mối nguy hại đối với quá trình phát triển thể chất và tư duy của trẻ. Nếu không có biện pháp can thiệp, trẻ lớn lên có thể phải đối mặt với những vấn đề tâm lý và gặp khó khăn, trở ngại trong công việc cũng như cuộc sống.

Chấn thương tâm lý thời thơ ấu
Chấn thương tâm lý từ thời thơ ấu là mối nguy hại đối với cuộc sống trong tương lai

Chấn thương tâm lý thời thơ ấu do đâu?

Chấn thương tâm lý thời thơ ấu là tình trạng phải đối mặt với những sự kiện có tính chất nghiêm trọng từ khi còn nhỏ. Tác động từ những sự kiện này gây tổn thương nghiêm trọng về mặt tâm lý, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ và thể chất. Ngoài ra, đây còn là “mầm móng” của nhiều vấn đề tâm lý, tâm thần ở trẻ em, thanh thiếu niên và kéo dài cả trong giai đoạn trưởng thành.

So với người lớn, trẻ nhỏ có nhân cách yếu, nhạy cảm và thiếu kinh nghiệm sống nên dễ bị tổn thương khi phải chứng kiến hoặc trải qua những sự kiện có tính chất nghiêm trọng. Những sự kiện này có thể là:

Bị lạm dụng:

Bị lạm dụng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chấn thương tâm lý từ thời thơ ấu. Lạm dụng có thể bao gồm cả thể chất, tinh thần và tình dục. Nếu bị những người thân yêu lạm dụng, nỗi đau thường sẽ sâu sắc hơn và ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, nhân cách của trẻ khi trưởng thành.

Chấn thương tâm lý tuổi thơ
Bị lạm dụng tình cảm, thể chất có thể khiến trẻ bị tổn thương sâu sắc về mặt tâm lý
  • Bị lạm dụng tình cảm: Gia đình không quan tâm đến cảm xúc của trẻ, thường xuyên la mắng, chửi rủa trẻ bằng những từ ngữ nặng nề. Tình trạng này thường gặp nhất ở gia đình chỉ có cha/ mẹ do người còn lại đã bỏ đi hoặc đã ly dị. Lúc này, trẻ sẽ trở thành đối tượng bị công kích và chỉ trích.
  • Bị lạm dụng tình dục: Trong những năm gần đây, tỷ lệ trẻ bị lạm dụng tình dục tăng lên rõ rệt và chủ yếu là do những người thân quen như họ hàng, ông bà, bạn bè của bố mẹ,… Việc bị lạm dụng tình dục từ khi còn quá nhỏ sẽ khiến trẻ hình thành nhận thức méo mó và có xu hướng tình dục bất thường (cuồng dâm hoặc lãnh cảm, cảm thấy kinh sợ về tình dục,…).
  • Lạm dụng thân thể: Trẻ nhỏ từng bị bạo hành, hay bị bố mẹ đánh đập,… rất dễ bị tổn thương tâm lý. Tổn thương này có thể theo trẻ đến khi trưởng thành và trẻ có khả năng sẽ là “thủ phạm” lặp lại các hành vi này đối với con cái.

Bị bỏ bê:

  • Bỏ bê cảm xúc: Tình trạng bỏ bê cảm xúc của trẻ cũng gây ra chấn thương tâm lý thời thơ ấu. Tình trạng này có thể xảy ra do những sự kiện như bố mẹ quá nghiêm khắc, không chú ý đến cảm xúc của con cái, cách giáo dục cứng nhắc hoặc thương yêu các anh chị em khác nhiều hơn trẻ. Ngoài ra, trẻ sống xa gia đình và không nhận được sự quan tâm của bố mẹ cũng bị tổn thương về mặt tâm lý.
  • Bị bỏ bê thể xác: Bố mẹ không quan tâm đến thể chất của con cái do quá bận rộn và thậm chí trẻ phải tự mình chăm sóc khi bị ốm. Mặc dù những sự kiện này không quá nghiêm trọng nhưng nếu không chữa lành tổn thương cho trẻ sớm, những sự kiện tương tự sẽ tiếp tục diễn ra và gây ra nhiều tổn thương về tâm lý.

Các sự kiện khác:

Ngoài bị lạm dụng và bỏ bê, chấn thương tâm lý thời thơ ấu cũng có thể xảy ra do nhiều sự kiện khác như:

chấn thương tâm lý thời thơ ấu
Chứng kiến bạo lực gia đình cũng là nguyên nhân gây ra chấn thương tâm lý thời thơ ấu
  • Chứng kiến cảnh bạo lực, xung đột trong gia đình thường xuyên. Sự kiện này dù không ảnh hưởng đến thể chất của trẻ nhưng cũng khiến cho tâm lý của trẻ bị tổn thương nghiêm trọng.
  • Chứng kiến bố mẹ lên cơn nghiện do lạm dụng rượu bia và chất kích thích.
  • Trải qua thời thơ ấu khó khăn do trong gia đình có người bị bệnh nặng – đặc biệt là các rối loạn tâm thần. Khi phải chứng kiến người thân có những ý nghĩ và hành vi bất thường như nỗ lực tự hại, tự sát, ám hại người khác, có các suy nghĩ điên rồ,… trẻ có thể bị ám ảnh và tổn thương tâm lý.
  • Gia đình không hạnh phúc, ly thân, ly hôn và thiếu vắng tình cảm của bố hoặc mẹ.
  • Chứng kiến người thân phạm tội và lao vào vòng tù tội.
  • Bị bạo lực học đường hoặc bị tẩy chay, cô lập
  • Trải qua tai nạn có tính chất nghiêm trọng
  • Bị mất người thân yêu liên tục (có thể mất đồng thời do tai nạn hoặc thời gian mất cách nhau không lâu do bệnh tật và một số nguyên nhân khác)
  • Từng bị bắt cóc hoặc suýt bị ám sát

Đặc điểm thường thấy ở người bị chấn thương tâm lý thời thơ ấu

Chấn thương tâm lý là tình trạng tổn thương nặng về mặt tâm lý. Khác với các cảm xúc tạm thời như buồn bã, căng thẳng, chán nản, chấn thương tâm lý gây ra những ảnh hưởng lâu dài và kéo dài cả trong giai đoạn trưởng thành. Đôi khi, một số người cố gắng che đậy cảm xúc thật bằng thái độ sống lạc quan và vui vẻ nhưng sâu bên trong là tâm hồn mỏng manh dễ bị tổn thương.

chấn thương tâm lý thời thơ ấu
Người từng bị chấn thương tâm lý từ thời thơ ấu thường sống khép kín và rất nhạy cảm, dễ tổn thương

Các đặc điểm thường thấy ở người bị chấn thương tâm lý thời thơ ấu:

  • Thường có cái nhìn bi quan về những sự việc trong cuộc sống
  • Tính cách e dè, thiếu tự tin và ngại thay đổi
  • Sống khép kín, ít có bạn bè thân thiết hoặc đôi khi có không bất cứ người bạn thân nào
  • Kỹ năng sống nghèo nàn, khả năng thích nghi kém và khó có thể ứng biến nếu có những sự kiện xảy ra bất ngờ.
  • Rất dễ bị căng thẳng, nhạy cảm khi phải đối mặt với stress. Đôi khi một số người bị chấn thương tâm lý thời thơ ấu còn thể hoảng loạn khi sự kiện xảy ra gợi nhắc đến những tổn thương trong quá khứ.
  • Rất thận trọng khi đưa ra quyết định, đặc biệt là những quyết định quan trọng. Vì quá thận trọng nên đôi khi có thể bỏ qua cơ hội để bản thân phát triển năng lực và thăng tiến trong sự nghiệp. Một số người trải qua chấn thương tâm lý thường lựa chọn các công việc an toàn, ổn định và ít phải giao tiếp chỉ để có đủ tài chính nhằm phục vụ cho những nhu cầu cơ bản của cuộc sống.
  • Thụ động cả trong công việc, các mối quan hệ,…
  • Những người phải sống trong gia đình không hạnh phúc có thể phải đối mặt với khủng hoảng tiền hôn nhân. Một số người có quyết định hủy hôn và sống độc thân vì không thể vượt qua sự sợ hãi của bản thân.
  • Người bị chấn thương tâm lý thời thơ ấu cũng gặp một số vấn đề về sức khỏe thể chất như dễ gặp ác mộng, cơ thể suy nhược, gầy yếu, cơ thể thấp bé (nếu chấn thương tâm lý xảy ra trước giai đoạn dậy thì),…
  • Một số người bị chấn thương tâm lý từ lúc nhỏ có thể hình thành suy nghĩ cực đoan về một số vấn đề trong cuộc sống.

Chấn thương tâm lý thời thơ ấu và nguy hại khôn lường

Chấn thương tâm lý thời thơ ấu ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển thể chất, tư duy và nhân cách khi trưởng thành. Trên thực tế, nhiều người cho rằng, thời gian sẽ giúp trẻ quên đi những chuyện đã qua. Tuy nhiên, những sự kiện có tính chất nghiêm trọng sẽ để lại nỗi đau không thể nào xóa mờ và gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của trẻ khi bước vào tuổi trưởng thành.

Nếu không được điều trị, chấn thương tâm lý thời thơ ấu có thể dẫn đến những mối nguy hại sau:

1. Thường xuyên căng thẳng thần kinh

Các nghiên cứu cho thấy, chấn thương tâm lý từ thời thơ ấu khiến hệ thần kinh trung ương trở nên nhạy cảm hơn. Do đó khi trưởng thành, những người này có xu hướng dễ căng thẳng thần kinh khi phải đối mặt với những vấn đề khó khăn, nan giải về tài chính, các mối quan hệ, công việc,…

chấn thương tâm lý thời thơ ấu
Tổn thương tâm lý từ thời thơ ấu gia tăng sự nhạy cảm của hệ thần kinh khiến cho cơ thể dễ bị stress hơn bình thường

Tổn thương tâm lý quá lớn cũng tạo ra tâm lý “chạy trốn”. Thay vì thẳng thắn đối mặt với vấn đề cần giải quyết, không ít người quyết định chạy trốn để tránh xung đột và mâu thuẫn. Cũng chính vì vậy mà phần lớn người bị sang chấn tâm lý từ thời thơ ấu đều lựa chọn những công việc nhàm chán, ít cạnh tranh và không phải tiếp xúc với nhiều người.

2. Tăng nguy cơ trầm cảm, lo âu

Sự nhạy cảm quá mức ở những người bị sang chấn tâm lý từ khi còn nhỏ cũng gia tăng nguy cơ trầm cảm và rối loạn lo âu. Đây đều là những vấn đề tâm lý, tâm thần phổ biến gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tinh thần và thể chất. Các chuyên gia nhận thấy, nguy cơ bị trầm cảm và lo âu tăng lên đáng kể nếu từng phải đối mặt với sự kiện tương tự ở thời thơ ấu.

Trầm cảm, rối loạn lo âu được xếp vào nhóm bệnh lý gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến bản thân người bệnh, đồng thời là gánh nặng cho cả gia đình và xã hội. Nhóm bệnh này chỉ đứng sau tim mạch về mức độ ảnh hưởng. Chính vì vậy, việc chữa lành tổn thương sau sang chấn tâm lý là vấn đề rất quan trọng.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

3. Dễ bị rối loạn giấc ngủ

Ở những người bị chấn thương tâm lý, trong tiềm thức luôn có sự ám ảnh nhất định về sự kiện gây ra sang chấn. Khi trưởng thành, những ám ảnh này vẫn ở ẩn sâu bên trong và đôi khi tái hiện qua giấc mơ, ác mộng. Do đó, chấn thương tâm lý từ thời thơ ấu cũng đi kèm với các rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, khó ngủ,…

4. Có nguy cơ rối loạn nhân cách cao

Chấn thương tâm lý từ thời thơ ấu đã được chứng minh có thể gây ra sự méo mó trong nhận thức và ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách. Sau khi phải đối mặt với sang chấn, bản thân trẻ bắt đầu có những suy nghĩ, quan niệm sai lệch. Nếu không được can thiệp kịp thời, những suy nghĩ lệch lạc này sẽ theo trẻ đến giai đoạn trưởng thành.

Đa phần những trường hợp bị rối loạn nhân cách đều phải đối mặt với chấn thương tâm lý từ thời thơ ấu. Những sự kiện này khiến trẻ hình thành trạng thái nhân cách bất thường với suy nghĩ, cách nhìn nhận không phù hợp với xã hội dẫn đến nhiều ảnh hưởng đối với các mối quan hệ, nghề nghiệp, học tập,…

chấn thương tâm lý thời thơ ấu
Chấn thương tâm lý từ thời thơ ấu có thể gia tăng nguy cơ bị rối loạn nhân cách ái kỷ (bệnh ái kỷ)

Các dạng rối loạn nhân cách được cho là liên quan đến chấn thương tâm lý từ thời thơ ấu bao gồm:

Các rối loạn nhân cách này không quá nghiêm trọng như rối loạn nhân cách chống đối xã hội hay các loại rối loạn nhân cách nhóm A. Tuy nhiên, về cơ bản, các trạng thái không bình thường của nhân cách đều ảnh hưởng đáng kể đến các kỹ năng xã hội, việc học, nghề nghiệp, cuộc sống hôn nhân,…

5. Ảnh hưởng đến việc học, nghề nghiệp

Chấn thương tâm lý từ thời thơ ấu ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình học tập. Theo các nghiên cứu đã được thực hiện, tổn thương tâm lý quá nghiêm trọng khiến não bộ giảm khả năng phát triển và có thể thoái hóa nhanh hơn so với bình thường. Nếu xảy ra ở trẻ em, các sang chấn tâm lý sẽ khiến cho trẻ gặp phải vấn đề về tư duy và giảm khả năng ghi nhớ.

Khi trưởng thành, năng lực hạn chế gây ra nhiều khó khăn khi tìm kiếm việc làm và chỉ có thể làm được những công việc không yêu cầu quá cao về chuyên môn. Ngoài ra, một số người vẫn duy trì được khả năng học tập tốt và có đầy đủ năng lực để thăng tiến trong sự nghiệp. Tuy nhiên, không ít người chỉ lựa chọn làm việc để duy trì cuộc sống, không thích cạnh tranh và đa phần đều né tránh những công việc phải tiếp xúc quá nhiều.

6. Làm giảm chất lượng cuộc sống trong tương lai

Nhìn chung, sang chấn tâm lý từ thời thơ ấu ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống tương lai bao gồm cả việc học tập, nghề nghiệp, các mối quan hệ và vị thế trong xã hội. Mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào mức độ của sang chấn và tác động từ gia đình, môi trường sống.

Thực tế, một số người có thể ổn định được phần nào tâm lý khi tìm được người bạn thật sự thấu hiểu và sẵn sàng đồng hành vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Hoặc được những thành viên trong gia đình chăm sóc và yêu thương sau khi bị sang chấn. Ngược lại, tổn thương tâm lý có thể trở nên sâu sắc hơn nếu liên tục gặp phải những sự kiện nghiêm trọng xảy ra trong cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp thiểu số tự nỗ lực vượt qua chấn thương tâm lý từ thời thơ ấu dù không có bất cứ sự hỗ trợ nào từ người thân, bạn bè.

7. Gia tăng nguy cơ tự sát, tự hại

Chấn thương tâm lý từ thời thơ ấu có thể gia tăng nguy cơ tự hại, tự sát. Bởi đây được xem là nguồn cơn của những vấn đề tâm lý như hội chứng Self Harm, trầm cảm, rối loạn lo âu và các rối loạn nhân cách. Nếu không được thăm khám và điều trị sớm, hệ lụy chung của những bệnh lý này là nghiện rượu bia, sử dụng chất gây nghiện, hình thành ý nghĩ, hành vi tự sát, tự hại,…

chấn thương tâm lý thời thơ ấu
Người bị chấn thương tâm lý từ thời thơ ấu dễ có hành vi tự hại và tự sát

Có thể thấy, chấn thương tâm lý từ thời thơ ấu thực sự là mối nguy hại lớn nếu không có biện pháp can thiệp. Ngoài ra, sang chấn tâm lý không được chữa lành cũng là nguồn cơn của những quan niệm lệch lạc, từ đó dẫn đến lối sống không phù hợp với xã hội và nguy cơ tù tội cao.

Lời khuyên cho người bị chấn thương tâm lý thời thơ ấu

Chấn thương tâm lý từ thời thơ ấu thật sự là nỗi ám ảnh với không ít người. Đối với gia đình có con cái bị tổn thương tâm lý do một số sự kiện có tính chất nghiêm trọng, nên cùng con cái vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tình yêu thương và sự quan tâm, chia sẻ của bố mẹ sẽ là phương thuốc tự nhiên giúp xoa dịu những cảm xúc tiêu cực và giúp trẻ bình ổn tâm lý trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, trong trường hợp sang chấn quá nghiêm trọng, nên cho trẻ tiếp nhận tham vấn và trị liệu tâm lý để chữa lành tổn thương trong tâm hồn. Nếu không có cơ hội chữa trị sớm, bạn cũng có thể trị liệu tâm lý khi đã bước qua giai đoạn trưởng thành. Việc trị liệu sẽ giúp thay đổi những quan niệm, suy nghĩ sai lệch, từ đó điều chỉnh hành vi và lối sống phù hợp hơn với xã hội.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Chấn thương tâm lý từ thời thơ ấu là mối nguy hại đối với cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Nếu không được chữa lành sớm, tổn thương tâm lý sẽ kéo dài gây ra những lệch lạc trong suy nghĩ, nhận thức và ảnh hưởng đáng kể đến quá trình học tập, làm việc.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *