Hội chứng sợ đụng chạm (Haphephobia): gây phản ứng gì?
Hội chứng sợ đụng chạm là một trong các dạng ám ảnh sợ chuyên biệt rất hiếm gặp với đặc trưng là nỗi sợ hãi phi lý, quá mức khi phải đụng chạm, tiếp xúc thể chất với người khác. Theo nghiên cứu nhận thấy, nỗi sợ này thường sẽ có sự liên quan đến những ám ảnh về việc bị tấn công tình dục, đặc biệt là từ thời thơ ấu.
Hội chứng sợ đụng chạm (Haphephobia) là gì?
Hội chứng sợ đụng chạm hay còn được biết với tên khoa học là Haphephobia hoặc aphephobia, haphophobia, hapnophobia, haptephobia, haptophobia, thixophobia là một trong các dạng ám ảnh sợ chuyên biệt với nỗi ám ảnh có liên quan đến hành vi tiếp xúc. Thuật ngữ này dùng để nói đến những nỗi ám sợ hãi quá mức khi phải chạm hoặc bị chạm vào bất cứ ai. Trong một số trường hợp đặc biệt, người mắc hội chứng này có thể gia tăng mức độ sợ hãi khi phải va chạm vào người khác giới.
Nỗi sợ này có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Họ sẽ luôn có xu hướng né tránh việc đụng chạm vào bất kì người nào và sẽ cảm thấy khó chịu, hoảng loạn nếu vô tình va phải vào một ai đó. Họ sẽ tìm nhiều cách khác nhau để có thể từ chối việc đụng chạm với những người xung quanh, luôn có xu hướng đề phòng, tránh mọi tiếp xúc về thể chất.
Tuy nhiên, một điều đặc biệt đó chính là nỗi sợ này không đi kèm với bất kì các rối loạn lo âu nào, chẳng hạn như rối loạn lo âu xã hội hoặc các nỗi sợ về tình dục và sợ bị tổn thương. Hầu hết những người mắc hội chứng sợ đụng chạm vẫn có khả năng để xây dựng và duy trì các mối quan hệ thân thiết của mình, tuy nhiên họ sẽ cố gắng giữ khoảng cách nhất định và luôn trong tâm thế lo sợ bị đổ vỡ.
Cách nhận biết người mắc hội chứng sợ đụng chạm
Tùy vào mỗi trường hợp khác nhau mà mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cũng sẽ khác nhau. Biểu hiện đặc trưng nhất của hội chứng Haphephobia đó chính là cảm giác sợ hãi và lo lắng phi lý khi một ai đó chạm vào người. Các triệu chứng này thường sẽ tồn tại và kéo dài tối thiểu 6 tháng. Cụ thể như sau:
- Cảm thấy sợ hãi, lo lắng quá độ về việc đụng chạm và tiếp xúc với bất kì người nào đó.
- Luôn có xu hướng né tránh việc gần gũi, tiếp xúc với những người xung quanh.
- Hạn chế tối đa các tình huống hoặc hoạt động có khả năng va chạm vào người khác.
- Luôn có cảm giác lo lắng, sợ hãi việc có thể vô tình chạm vào người khác hoặc người khác có thể chạm vào cơ thể của mình.
- Họ có thể nhận biết được sự vô lý của nỗi sợ nhưng không có cách nào để kiểm soát và khống chế nó.
- Mất tập trung, chất lượng cuộc sống thấp.
Bên cạnh đó, khi có nguy cơ tiếp xúc hoặc lỡ va chạm vào một ai đó, người mắc chứng sợ đụng chạm cũng sẽ xuất hiện các triệu chứng thể chất như:
- Sợ hãi
- Run rẩy tay chân
- Ra nhiều mồ hôi
- Mất kiểm soát
- Tim đập nhanh
- Hơi thở gấp, dồn dập
- Đánh trống ngực
- Ngứa ran toàn thân
- Chóng mặt
- Buồn nôn
- Đau ngực
- Có cảm giác như bị mắc kẹt
- Cảm lạnh hoặc bốc hỏa
Đối với trường hợp trẻ nhỏ mắc phải hội chứng sợ đụng chạm khi bị va chạm thể chất sẽ có các biểu hiện như:
- La hét
- Khóc lóc
- Đóng băng, không nhúc nhích
- Giận dữ, kích động
- Bám víu vào người chăm sóc trẻ
Hội chứng sợ đụng chạm bắt nguồn từ đâu?
Các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định cụ thể về nguyên nhân gây ra hội chứng sợ đụng chạm. Tuy nhiên, họ cũng tìm ra được một vài yếu tố có liên quan, có khả năng làm khởi phát nỗi sợ hãi này. Theo chia sẻ của các nhà nghiên cứu thì, nguyên nhân của hội chứng Haphephobia cũng tương tự như các chứng ám ảnh sợ hãi cụ thể khác, nó thường liên quan đến những trải nghiệm tồi tệ trong quá khứ, yếu tố di truyền, lịch sử gia đình,….
- Những tổn thương tâm lý đã từng xảy ra trong quá khứ: Nếu một người nào đó đã từng trải qua những sự kiện, tình huống chấn thương, đau khổ trong quá khứ có liên quan đến vấn đề va chạm thân thể sẽ có nguy cơ phát triển nỗi sợ hãi này trong tương lai. Ví dụ như các trường hợp bị bạo lực gia đình, tấn công hoặc xâm phạm tình dục, cưỡng hiếp,…sẽ có sự sợ hãi nhất định về việc bị người khác chạm vào, từ đó dễ phát triển thành chứng Haphephobia.
- Tiền sử gia đình: Hành vi tránh né đụng chạm, sợ hãi việc bị va chạm vào người khác có thể bị ảnh hưởng hoặc học được từ những người xung quanh, đặc biệt là cha mẹ, những người thân thiết trong gia đình. Nếu như trong gia đình có người mắc phải hội chứng này hoặc các rối loạn lo âu có liên quan thì bạn cũng có nhiều khả năng bị Haphephobia.
- Tính cách: Những người có tính cách nhút nhát, hay sợ sệt, lo âu quá mức cũng có nhiều nguy cơ phát triển hội chứng hiếm gặp này.
- Do các bệnh lý tâm thần: Hội chứng Haphephobia cũng có thể là hệ lụy từ các vấn đề tâm lý như sang chấn tâm lý sau khi bị cưỡng hiếp, chứng sợ đám đông, rối loạn ám ảnh cưỡng chế,…
Dựa trên nghiên cứu và các số liệu thống kê nhận thấy, phụ nữ là đối tượng có nguy cơ mắc phải hội chứng sợ đụng chạm cao gấp 2 lần so với nam giới. Dựa vào Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, Phiên bản Thứ năm – Diagnostic and Statistical Mental Disorders, Fifth Edition (DSM – 5) thì có đến hơn 70% những người mắc hội chứng ám ảnh sợ hãi cụ thể tồn tại nhiều hơn 1 nỗi ám ảnh.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đã ghi nhận hội chứng sợ đụng chạm là một trong các dạng phát triển không có nguyên nhân cụ thể, điều này cũng phù hợp đối với các trường hợp mắc phải bất kì chứng ám ảnh cụ thể nào. Có rất nhiều trường hợp không thể ghi nhớ hoặc tìm ra nguyên nhân cụ thể khiến họ cảm thấy sợ hãi về việc đụng chạm vào người khác.
Những ảnh hưởng của hội chứng Haphephobia
Hội chứng sợ đụng chạm tuy không gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhưng lại là một trong những cản trở to lớn đối với cuộc sống, đặc biệt là việc xây dựng và duy trì tốt các mối quan hệ thân thiết, tốt đẹp. Mặc dù người Haphephobia vẫn có khả năng giao tiếp, kết nối và tạo dựng các mối quan hệ gia đình, xã hội, bạn bè.
Tuy nhiên, họ lại có xu hướng muốn né tránh việc đụng chạm, tiếp xúc gần với người khác. Điều này có thể khiến cho mọi người xung quanh cảm thấy khó chịu, nhiều người cho rằng do bạn chán ghét và không thích họ, từ đó gây nên những hiểu lầm, những sự rạn nứt.
Bên cạnh đó, vì nỗi sợ hãi của mình nên những người Haphephobia sẽ rất khó khăn trong việc yêu đương và kết hôn. Họ sợ hãi tình dục và không thể gần gũi với bất kì ai nên thường không có khả năng để bắt đầu một mối quan hệ yêu đương, thậm chí họ còn không thể tiến đến hôn nhân và phải chấp nhận cuộc sống cô đơn.
Những người mắc phải hội chứng sợ đụng chạm thường có cuộc sống tách biệt với mọi người. Họ hay né tránh các hoạt động hoặc tình huống có nhiều nguy cơ va chạm với người khác. Họ tự tạo nên khoảng cách với mọi người xung quanh và luôn tồn tại nỗi sợ hãi, lo lắng khi phải bước ra ngoài, đến những nơi đông người. Chính vì thế, họ sẽ bị hạn chế rất nhiều các hoạt động đời sống, không thể thoải mái làm những việc mà bản thân yêu thích, tham gia những hoạt động bổ ích bên ngoài xã hội.
Do đặc trưng là nỗi sợ hãi khi phải đụng chạm vào người khác nên họ cũng sẽ bị hạn chế về công việc, thường khó khăn trong việc làm việc nhóm hoặc các việc làm đòi hỏi phải có tính kết nối từ nhiều người. Những ai mắc phải hội chứng Haphephobia thường sẽ ưu tiên lựa chọn những việc làm mang tính độc lập để tránh làm ảnh hưởng đến người khác và chính bản thân mình.
Cách khắc phục hội chứng sợ đụng chạm
Hội chứng sợ đụng chạm là một trong các dạng ám ảnh sợ cụ thể hiếm gặp. Tuy nhiên rất may mắn là tình trạng này có thể điều trị thành công đến 90% nếu có thể phát hiện sớm và áp dụng tốt các biện pháp can thiệp. Một số biện pháp thường được áp dụng để cải thiện chứng Haphephobia như:
1. Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý là một trong các phương pháp luôn được ưu tiên áp dụng cho các trường hợp mắc phải một chứng ám ảnh sợ cụ thể nào đó. Việc được gặp gỡ và trò chuyện trực tiếp cùng với chuyên gia tâm lý/ nhà trị liệu sẽ giúp bạn dần điều chỉnh được suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bản thân. Có rất nhiều các liệu pháp được áp dụng để giúp kiểm soát và vượt qua được nỗi sợ hãi vô lý mà Haphephobia gây ra. Cụ thể như:
- Liệu pháp phơi nhiễm: Đây là phương pháp được đánh giá rất cao trong việc điều trị cho các trường hợp ám ảnh sợ cụ thể, trong đó có hội chứng sợ đụng chạm. Người bệnh sẽ được dần tiếp xúc với nỗi sợ hãi của mình theo từng cấp độ khác nhau (từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp) và họ sẽ được kiểm soát trong một môi trường an toàn tuyệt đối. Ví dụ như họ có thể bắt đầu suy nghĩ và tưởng tượng về việc bản thân va chạm với một người nào đó, sau đó sẽ thử đứng ở nơi đông người, tiếp xúc với diện tích nhỏ trong thời gian ngắn và tăng dần về sau.
- Liệu pháp hành vi và nhận thức (CBT): Với liệu pháp này, người bệnh sẽ được điều chỉnh về suy nghĩ, nhận thức và các hành vi sai lệch, chưa phù hợp của mình. Họ có thể nhìn nhận rõ về những nỗi sợ vô lý và tìm ra biện pháp khắc phục, thay đổi tốt cảm xúc, phản ứng tiêu cực của bản thân.
- Liệu pháp tiếp xúc thực tế ảo: Thời gian gần đây, liệu pháp này nhận được nhiều đánh giá tích cực về việc hỗ trợ thành công cho các trường hợp bị ám ảnh. Với phương pháp này, người bệnh sẽ được tiếp xúc an toàn và sẽ được kiểm soát với những tình huống, yếu tố gây sợ hãi mà không thực sự nguy hiểm.
2. Sử dụng thuốc
Thông thường đối với các trường hợp mắc phải hội chứng sợ đụng chạm sẽ không cần sử dụng đến thuốc điều trị. Tuy nhiên, nếu mức độ sợ hãi thể hiện quá mức hoặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người bệnh thì sẽ được cân nhắc áp dụng một vài loại thuốc để kiểm soát, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm, thuốc chẹn beta có khả năng làm giảm bớt cảm giác lo lắng, buồn phiền, bất an.
Những loại thuốc này thường sẽ được sử dụng song song cùng với liệu pháp tâm lý để gia tăng hiệu quả điều trị. Người bệnh cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định dùng thuốc của bác sĩ chuyên khoa để tránh gây ra những hệ lụy nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường trong quá trình dùng thuốc, bạn cần thông báo ngay với bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
3. Duy trì lối sống tích cực
Bên cạnh việc áp dụng tốt các biện pháp điều trị nêu trên thì những người mắc phải hội chứng sợ đụng chạm cũng cần chú ý cải thiện lối sống, trang bị cho bản thân những kỹ năng thư giãn, kiểm soát cảm xúc hiệu quả để dễ dàng vượt qua nỗi sợ này. Một số điều cần thực hiện như sau:
- Duy trì một chế độ tập luyện, vận động lành mạnh. Mỗi ngày nên dành ra khoảng 30 phút để đi bộ, chạy bộ, tập yoga, ngồi thiền, bơi lội,…Những bộ môn này điều có khả năng giúp gia tăng sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch. Đồng thời cải thiện tốt sức khỏe tinh thần, giảm stress hiệu quả.
- Nâng cao chất lượng giấc ngủ bằng cách tập thói quen ngủ sớm, duy trì việc ngủ và thức cùng một khung giờ trong ngày. Nếu cảm thấy khó ngủ cũng có thể áp dụng các biện pháp cải thiện như sử dụng tinh dầu thơm, nghe nhạc, thiền trước khi ngủ.
- Thiết lập một chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, tăng cường bổ sung rau củ, các loại thực phẩm sạch chứa nhiều khoáng chất, các loại vitamin cần thiết. Đồng thời, cần hạn chế và tránh xa những loại thực phẩm giàu chất béo, các món ăn chế biến sẵn, đóng hộp không tốt cho sức khỏe.
- Tuyệt đối không được lạm dụng rượu bia, các chất kích thích, chất gây nghiện.
- Chủ động chia sẻ nhiều hơn với mọi người xung quanh. Hãy nói với họ về nỗi sợ hãi của mình để họ có thể đồng cảm và thấu hiểu.
Hội chứng sợ đụng chạm tuy là một trong các tình trạng hiếm gặp nhưng lại gây nên nhiều ảnh hưởng lớn đối với sinh hoạt đời sống, làm cản trở các mối quan hệ. Mong rằng qua thông tin của bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu hơn về chứng ám ảnh sợ này và có cách ngăn chặn, điều trị, hỗ trợ cải thiện tốt nhất.
Tham khảo thêm:
- Hội chứng sợ chuột (Musophobia) và Liệu pháp khắc phục
- Hội chứng sợ gà (Alektorophobia): căn bệnh hiếm ở người
- Chứng sợ búp bê (Pediophobia) có biểu hiện thế nào?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!