Cynophobia: Chứng sợ chó thường thấy ở người nào?

Rate this post

Chứng sợ chó Cynophobia thường xuất hiện nhiều ở những đứa trẻ sau khi bị chó cắn, đa phần là các bé gái. Nỗi ám ảnh về việc bị chó tấn công có thể theo một người đến khi trưởng thành, khiến họ luôn tìm mọi cách để tránh né việc tiếp xúc, nhìn thấy hay thậm chí là nghe thấy tiếng sủa của những chú chó. Điều này có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của người bệnh.

Cynophobia – chứng sợ chó là gì?

Chó là một loài vật cực kỳ phổ biến, thậm chí được coi là một người bạn, một thành viên trong gia đình, được chăm sóc như một con người. Một chú chó được chăm sóc tốt thậm chí có thể biểu đạt và hiểu được cả ý chủ nhân, bởi thế loài động vật này được đánh giá là cực kỳ thông minh và được con người yêu thương. Dù vậy, vẫn có rất nhiều người mắc hội chứng sợ chó tới mức ám ảnh, căng thẳng, run rẩy mỗi khi nhìn thấy loài động vật này.

Chứng sợ chó
Chứng sợ chó được đặc trưng bởi những cảm xúc lo lắng, ám ảnh thái quá với loài chó

Hội chứng sợ chó có tên khoa học là Cynophobia – thuộc nhóm rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt. Cynophobia là thuật ngữ được kết hợp giữa hai tiếng Hy Lạp, trong đó  κύων kýōn – phiên âm là Cyno có nghĩa là chó và phobia là nỗi sợ, nỗi ám ảnh được thể hiện quá mức. Đây cũng là một trong những dạng thuộc hội chứng sợ động vật cực kỳ phổ biến, chiếm đến khoảng 36% (bao gồm cả chó và mèo).

Theo Tiến sĩ Timothy O. Rentz hiện đang làm việc tại Phòng thí nghiệm nghiên cứu rối loạn lo âu của Đại học Texas – Hoa Kỳ, nỗi sợ rắn hay nhện phổ biến hơn nhưng mức trầm trọng của sợ chó lại cao hơn, khiến người bệnh yếu ớt bởi chó là loại động vật cực kỳ phổ biến, hầu như có thể thấy hằng ngày, mức độ tấn công cũng cao, đặc biệt ở những chú chó hoang, chó thả rông.

Hội chứng sợ chó có xu hướng cao gặp ở trẻ em, những người thiếu hiểu biết hoặc đã từng bị chó tấn công. Trong cuốn Những nỗi sợ điển hình do tác giả Bruce J Timothy và Sanderson W.C viết dựa trên chính những ca can thiệp tâm lý trị liệu có thực, nỗi sợ này thường có mặt ở những năm 5 tuổi và có thể kết thúc năm 13 tuổi. Dù vậy nếu có không hướng can thiệp phù hợp, rất nhiều đối tượng cũng mang nỗi sợ này đến cả khi trưởng thành.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Biểu hiện của hội chứng sợ chó

Mức độ phản ứng của những người mắc chứng sợ chó sẽ khác nhau, tùy theo những trải nghiệm tiêu cực từ khóa khứ, nhưng nói chung đều được biểu hiện ở mức độ thái quá, thậm chí là có phần phi lý so với những cảm xúc bình thường. Những trạng thái này là hoàn toàn tự nhiên, không phải lo người đó thể hiện quá lố, thậm chí trạng thái căng thẳng của họ có thể khiến những người xung quanh lo lắng theo.

Chứng sợ chó
Cynophobia khiến người bệnh luôn tìm cách bỏ chạy ngay khi thấy hình bóng của chó

Các biểu hiện của chứng sợ chó Cynophobia được biểu hiện rõ ràng nhất khi họ đối diện trực tiếp với nỗi sợ của mình – chính là gặp những chú chó. Cụ thể

  • Trạng thái hoảng loạn, lo âu quá mức được thể hiện khi gặp chó như run rẩy, tăng huyết áp, nhịp thở ngắn, tim đập nhanh, toát mồ hôi, có xu hướng tìm cách bỏ chạy, la hét thậm chí có thể nôn mửa hay ngất xỉu.
  • Trạng thái lo lắng có thể xảy ra với mọi loại chó, dù là chó to hay nhỏ, các giống chó ta hay chó ngoại
  • Luôn tìm mọi cách để tránh phải gặp những con chó hay dù chỉ là nhìn thấy chó, tránh tuyệt đối mọi việc tiếp xúc gần
  • Cơn hoảng loạn khiến người mắc chứng sợ chó có thể gặp ác mộng nếu họ nhìn thấy chó, thậm chí dù chỉ nghĩ đến loài vật này cũng khiến họ căng thẳng
  • Có những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực về loại động vật này, luôn phản ứng thái quá khi nhìn thấy hoặc nghe thấy ai đó nhắc đến chó
  • Cynophobia còn khiến người bệnh có xu hướng nhảy cảm quá mức với tiếng hay mùi của chó để tìm cách né tránh nhanh chóng nhất

Thực tế bản thân người mắc chứng sợ chó  hoàn toàn có thể ý thức được nỗi sợ của họ có phần quá mức, tuy nhiên không thể nào kiểm soát được những cảm xúc của bản thân khi nhìn thấy loài động vật này. Nỗi sợ của họ dần tăng lên mỗi ngày và gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống bởi việc thấy chó ở công viên, ngoài đường, quán ăn là điều cực kỳ bình thường hiện nay.

Nguyên nhân gây chứng sợ chó

Những trái nghiệm tiêu cực từ quá khứ liên quan đến sự tấn công của những chú chó chính là nguyên nhân hàng đầu khiến rất nhiều người mắc chứng sợ chó Cynophobia. Bên cạnh đó yếu tố môi trường hoặc tác động từ những người xung quanh cũng được cho là có liên quan mật thiết với nỗi ám ảnh này.

Chứng sợ chó
Từng bị chó tấn công có thể là nguyên nhân làm hình thành nỗi sợ này

Tuy nhiên thực tế các chuyên gia vẫn chưa thể xác định chính xác cơ chế hình thành bệnh, chỉ có thể tạm xác nhận các yếu tố liên quan như

  • Ám ảnh từ quá khứ: ở những người từng bị chó tấn công, đặc biệt có gây thương tích rất dễ khiến một người cảm thấy không còn an toàn khi thấy loài động vật mà họ vốn tưởng là “bạn” này. Bị chó cắn cũng được xếp vào một dạng sang chấn tâm lý. Đặc biệt điều này rất xảy ra ở trẻ em, các bé gái hay phụ nữ bởi các đối tượng này tâm lý rất yếu nên dễ bị tác động bởi các cảm xúc tiêu cực. Theo các chuyên gia, chứng sợ chó thường được bộc lộ mạnh mẽ trong khoảng từ 5-9 tuổi nhưng Tiến sĩ Willem A. Hoffmann và Lourens H  đã xác định rằng, nỗi sợ này hoàn toàn có thể kéo dài đến 20 tuổi thậm chí là suốt đời.
  • Ảnh hưởng từ môi trường sống: nếu trong gia đình có một người mắc Cynophobia hoặc chứng kiến ai đó bị chó tấn công thì nỗi sợ chó cũng dần hình thành ở người đó. Hoặc nếu gia đình thường xuyên hù dọa, nói với con rằng chó là loài động vật đáng sợ, không cho con lại gần hay chơi cùng cũng khiến cho đứa trẻ hình thành tâm lý đây là loại động vật nguy hiểm nên luôn cảm thấy sợ hãi và tìm cách né tránh.
  • Giới tính: như đã nói, trẻ em và giới tính nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bởi những đối tượng này thường có tâm lý khá yếu, dễ bị ám ảnh hơn cả. Thống kê cũng cho thấy  75% đến 90% bệnh nhân mắc chứng này chính là phái nữ.
  • Một số yếu tố khác: ở một số người có đặc tính hay lo âu, việc coi thời sự hay một bộ phim hay thậm chí đọc một bài báo có hình ảnh chó tấn công người cũng có thể khiến họ cảm thấy đây là loài động vật không an toàn nên cần tránh xa. Ngoài ra một số chuyên gia cũng chỉ ra rằng nỗi sợ này cũng có liên quan đến mũi tiêm phòng dại, bệnh viện, màu áo trắng.

Hệ lụy từ chứng Cynophobia

Chó là một trong những loài động vật cực kỳ phổ biến, bất cứ ở đâu bạn cũng có thể thấy hình ảnh những chú chó ở ngoài đường, có thể là chó hoang hoặc thú cưng của người khác. Thậm chí hiện nay người ta còn cực kỳ yêu quý loài động vật này, coi như một thành viên trong gia đình, được tận hưởng các chăm sóc không khác gì con người . Chứng sợ chó Cynophobia khiến những người này trở nên ám ảnh, lo lắng việc ra ngoài sẽ gặp chó nên có xu hướng trốn tránh trong nhà, không muốn ra ngoài.

Chứng sợ chó
Chứng sợ chó có thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng xấu đến cuộc sống, các mối quan hệ và công việc của người bệnh

Chứng sợ chó Cynophobia cũng làm cản trở rất nhiều đến các mối quan hệ, con người hay công việc của người bệnh. Chẳng hạn họ có thể từ chối gặp gỡ hay đến nhà ai đó chơi chỉ vì nhà người đó có nuôi một con chó. Hoặc họ cũng hầu như phải từ chối các công việc yêu thích, công việc ngoài trời nếu có tỉ lệ có khả năng tiếp xúc với những con chó hơn.

Bên cạnh đó theo các chuyên gia, ở những người mắc chứng sợ chó Cynophobia ở mức độ cao hoàn toàn có thể phát triển thành trầm cảm, rối loạn lo âu hay rối loạn lo âu xã hội bởi họ thường có xu hướng tránh né tối đa việc ra ngoài để tạo cho bản thân cảm giác được an toàn.

Thực tế nỗi sợ dù ít hay nhiều, dù liên quan đến bất cứ tác nhân nào cũng gây ra vô vàn ảnh hưởng đến đời sống của người đó. Một người lúc nào cũng mang nỗi sợ, nỗi lo lắng quá mức, cơ thể lúc nào cũng ở trạng thái sẵn sàng chạy trốn thì tinh thần không thể nào thoải mái được.

Hướng điều trị chứng sợ chó

Chứng sợ chó Cynophobia đã được đưa vào DSM-IV-TR – Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, Phiên bản Thứ tư, Sửa đổi Văn bản” nên việc xem xét các triệu chứng và đưa ra kết luận chính xác có phần dễ dàng hơn. Người bệnh nên đến các bệnh viện chuyên khoa tâm thần hay các trung tâm tâm lý để được thăm khám và có hướng điều trị chính xác nhất.

Các chuyên gia sẽ thông qua tiền sử bệnh lý, cảm xúc hay những sự kiện trong quá khứ để chẩn đoán. Nếu các cảm xúc lo âu, căng thẳng này đã kéo dài ít nhất 6 tháng sẽ được chẩn đoán là chứng sợ chó Cynophobia. Tùy mức độ mà chuyên gia sẽ chỉ định các hướng điều trị khác nhau.

Trị liệu tâm lý

Chăm sóc trị liệu tâm lý là biện pháp chính được hướng tới cho người mắc chứng sợ chó để kiểm soát được nỗi lo âu quá mức của họ. Mục tiêu của liệu pháp này là thay đổi nhận thức của người bệnh với loài chó, gỡ bỏ những ám ảnh từ quá khứ, từ đó nâng cao chất lượng đời sống tinh thần và giúp người bệnh thoải mái hơn trong cuộc sống hằng ngày.

Chứng sợ chó
Chăm sóc tâm lý gỡ bỏ những ám ảnh từ quá khứ là phương pháp được chỉ định chính cho bệnh nhân Cynophobia

Trị liệu tâm lý sẽ không dùng thuốc mà thông qua việc trò chuyện, chia sẻ để đi sâu vào trong tiềm thức, nắm bắt được cốt lõi tạo ra nỗi sợ hãi của người bệnh, từ đó tìm các loại bỏ nó một cách phù hợp. Người bệnh cần thực sự trung thực trong suốt quá trình chia sẻ với nhà trị liệu về cảm xúc, về những trải nghiệm từ quá khứ để có hướng điều trị tốt nhất.

Một số liệu pháp chính được hướng đến cho những người mắc chứng sợ chó  như

  • Liệu pháp nhận thức hành vi: nhà trị liệu sẽ giúp người mắc Cynophobia nhìn nhận rõ những suy nghĩ của mình đã gây tác động đến hành vi, cảm xúc của mình như thế nào, tự đánh giá lại nhận thức của bản thân để có cái nhìn đúng đắn hơn. Những suy nghĩ, nhận thức đúng đắn, tích cực sẽ được thay thế cho những nhìn nhận sai lệch ban đầu để hướng tới một cuộc sống bình thường, lạc quan.
  • Liệu pháp phơi nhiễm: nhà trị liệu sẽ tạo một không gian, môi trường phù hợp để người bệnh tiếp xúc trực tiếp với nỗi sợ theo cấp độ tăng dần. Thông qua việc tiếp xúc này có thể khiến người bệnh dần thích nghi với nỗi sợ hãi, các cảm xúc lo âu hay phản ứng kích động cũng được thuyên giảm dần. Chẳng hạn nhà trị liệu có thể cho người mắc chứng sợ chó bàn đầu nhìn vào hình vẽ một chú chó, rồi là hình chó thật, xem video, nhìn qua chính và cuối cùng là trực tiếp sờ vào một chú chó. Kích thước chú chó cũng có thể tăng lên theo từng giai đoạn. Nhà trị liệu cũng đồng thời hướng dẫn người bệnh cách đối diện với căng thẳng để vượt qua trạng thái này trong suốt quá trình thực hiện liệu pháp.
  • Một số liệu pháp khác: Liệu pháp giải cảm ứng có hệ thống, thôi miên hay Liệu pháp Giải mẫn cảm và Tái xử lý Chuyển động Mắt (EMDR) có thể giúp ích rất nhiều để người bệnh có thể nhanh chóng vượt qua nỗi sợ của bản thân.

Người mắc chứng sợ chó nếu đáp ứng tốt với các liệu pháp trị liệu sẽ sớm lấy lại tinh thần, dám đối diện với nỗi sợ hãi của bản thân. Khi người bệnh đã dám nhìn hay tiếp xúc gần với chó tức là việc điều trị đã thực sự mang đến kết quả tốt.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Dùng thuốc

Hiện không có bất cứ loại thuốc nào có thể giúp một người loại bỏ được nỗi lo âu hoàn toàn mà chỉ giúp xoa dịu thần kinh tạm thời, từ đó hạn chế các trạng thái kích thích hay căng thẳng quá mức. Thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm hay thuốc chẹn beta thường được chỉ định phổ biến nhất cho những bệnh nhân mắc chứng rối loạn lo âu này.

Tuy nhiên hầu hết các nhóm thuốc cho người mắc chứng sợ chó Cynophobia đều kèm theo nhiều tác dụng phụ ngoài mong muốn, chẳng hạn như mệt mỏi, buồn ngủ nên tuyệt đối không được lạm dụng. Hãy tuân thủ đúng chỉ định từ bác sĩ, chuyên gia để đảm bảo có kết quả tốt nhất, hạn chế tối đa mọi tác dụng phụ không tốt.

Chăm sóc và điều trị tại nhà

Muốn sớm vượt qua chứng sợ chó thì bản thân người bệnh cũng cần phải chủ động và quyết tâm hơn trong điều trị tại nhà. Một lối sống lạc quan tích cực, một tinh thần khỏe mạnh sẽ giúp người bệnh có đủ dũng khí để đối mặt với nỗi sợ hãi của bản thân. Bác sĩ và các chuyên gia  cũng luôn đưa ra những hướng dẫn cần thiết để bản thân người bệnh có thể tự chăm sóc tại nhà tốt nhất.

Chứng sợ chó
Đọc sách và thử nuôi chú cún khi tinh thần đã ổn hơn chính là cách tốt nhất để người bệnh vượt qua nỗi ám ảnh của bản thân

Một số phương pháp có thể giúp ích cho người mắc chứng sợ chó Cynophobia trong quá trình chăm sóc tại nhà để sớm vượt qua tình trạng này như

  • Đọc các cuốn sách về loài chó để hiểu rõ hơn về loài động vật này. Thực tế đây là loài động vật cực kỳ thông minh và có tình cảm, luôn thể hiện sự trung thành với chủ nhân. Trường hợp chó tấn công người nếu không phải do bệnh dại thì thường do chúng bị giật mình hay các yếu tố kích thích từ bên ngoài, chúng cảm nhận rằng có nguy hiểm nên việc chúng tấn công chính là cách để tự bảo vệ bản thân. Hiểu về điều này có thể giúp bạn có cách đối phó và xử lý tốt hơn nếu gặp chó để tránh các trường hợp bị chó tấn công.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, đảm bảo ngủ đủ giấc, tránh tình trạng thiếu ngủ.
  • Tránh xa căng thẳng trong suốt quá trình điều trị.
  • Duy trì đời sống tinh thần khỏe mạnh bằng cách tập thể dục thể thao hằng ngày
  • Khi đã dần cảm thấy ổn hơn, bạn có thể trực tiếp thử nuôi một chú chó nhỏ. Việc tiếp xúc với chó hằng ngày không chỉ giúp giảm đi nỗi sợ mà thậm chí còn hình thành tình yêu thương với loài động vật đặc biệt này nữa đó.
  • Người mắc chứng sợ chó nên nhờ đến sự hỗ trợ của người thân, chẳng hạn ở giai đoạn đầu khi vẫn đang cảm nhận được nỗi sợ, bạn nên nhờ cha mẹ đi ra ngoài cùng hay ở bên khi bạn cần tiếp xúc với những chú chó
  • Tránh xem các bộ phim, bài báo hay hình ảnh mang tính chất tiêu cực về loài chó. Thay vào đó xem các bộ phim hoạt hình dễ thương, những câu chuyện về sự dũng cảm, thông minh, trung thành về loài vật này để tăng thêm tình yêu thương, giảm đi nỗi sợ hãi của bản thân.

Tất nhiên trong thực tế vẫn còn một vài giống chó khá hung dữ như  Pitbull, Chó ngao Bull, giống chó chăn cừu… tuy nhiên nếu chúng được huấn luyện đúng cách, được chủ nhân trang bị các dụng cụ rọ mõm, dây xích chỉn chu thì cũng không quá nguy hiểm. Dù vậy không chỉ với người mắc chứng sợ chó mà cả mỗi chúng ta cũng nên cẩn thận hơn khi tiếp xúc.

Chứng sợ chó có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống, tinh thần, công việc và cả các mối quan hệ của người bệnh nên cần tìm hướng cải thiện càng sớm càng tốt. Rõ ràng khi tìm hiểu sâu hơn, chúng ra hoàn toàn có thể thấy chó thực sự là “bạn”, một “người vệ sĩ” trung thành chứ không phải là kẻ thù. Hãy dựa từ chính sự thật này để có thể sớm vượt qua nỗi sợ của bản thân, hòa mình vào thế giới bên ngoài để có một cuộc sống hạnh phúc nhất.

Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *