Bệnh Hysteria là gì? Triệu chứng, điều trị và chăm sóc
Bệnh Hysteria là một dạng rối loạn tâm thần kinh được phát hiện và xếp vào nhóm bệnh loạn thần phân ly với tần suất nhiều hơn đối với nữ giới. Việc nâng cao nhận thức về hội chứng này sẽ giúp cộng đồng hiểu và chia sẻ nhiều hơn với những người đang chịu đựng nó.
Bệnh hysteria là gì?
Bệnh hysteria hay còn gọi là rối loạn phân ly là một dạng rối loạn tâm thần xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính, nhưng phổ biến nhất ở phụ nữ trong độ tuổi 14 – 25. Bệnh thường xuất hiện do những căng thẳng tâm lý bị kìm nén trong thời gian dài, dẫn đến các triệu chứng như kích động, la hét, co giật đột ngột. Mặc dù đã được ghi chép từ thời Ai Cập cổ đại, tỷ lệ mắc bệnh ở người ngoài 45 tuổi lại khá thấp.
Hội chứng hysteria không chỉ xảy ra ở cá nhân mà còn xuất hiện dưới dạng cuồng loạn tập thể (mass hysteria) với hàng loạt người có cùng biểu hiện các triệu chứng tương tự trong một khoảng thời gian ngắn mà không rõ nguyên nhân.
Lịch sử đã ghi nhận nhiều sự kiện nổi bật liên quan đến hysteria tập thể như sự kiện “dịch nhảy” năm 1374 tại Aachen (Đức), sự kiện “Salem Witch Trials” tại Massachusetts (Mỹ) vào năm 1692. Những trường hợp này khiến nhiều người hoảng loạn, có các hành vi không kiểm soát, thậm chí có người tử vong do kiệt sức.
Hysteria còn xuất hiện dưới hình thức khác là women hysteria (hội chứng hysteria nữ) với sự kiện đáng chú ý “Dancing Plague” tại Strasbourg (Pháp) năm 1518, nơi hàng trăm người nhảy múa điên cuồng đến kiệt sức. Cùng với đó là tình trạng “Penis Panic” ở châu Á, châu Phi, khi nhiều người cảm thấy dương vật của mình co rút lại mà không rõ lý do.
Triệu chứng của bệnh hysteria
Bệnh hysteria thường xuất hiện với nhiều triệu chứng phức tạp, đa dạng, đột ngột, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và cơ thể của người bệnh. Những biểu hiện này thường khó kiểm soát và có xu hướng gia tăng khi được chú ý:
- Biểu lộ cảm xúc thái quá: Người bệnh thường xuyên biểu lộ cảm xúc một cách quá mức, khóc lóc, giận dữ vô cớ, thể hiện những hành vi kịch tính hóa.
- Cơn hysteria: là hiện tượng co giật hoặc vật vã xuất phát từ chấn thương tâm lý. Người bệnh thường có các động tác không kiểm soát như đập tay chân, gào thét, hoặc tự làm tổn thương bản thân như xé quần áo, bứt tóc. Cơn hysteria thường kéo dài 15 – 20 phút, lâu hơn khi người bệnh nhận được nhiều sự chú ý từ xung quanh.
- Rối loạn vận động: Các biểu hiện run rẩy, co giật, đập đầu, uốn cong người và hành động không tự ý khác thường xảy ra, nhất là khi có người xung quanh.
- Xuất hiện ảo giác: Người bệnh có thể tưởng tượng ra những hình ảnh, âm thanh, ký ức không có thật.
- Giảm cảm giác đau: Bệnh nhân có thể mất cảm giác ở một số vùng cơ thể mà không theo quy luật của các dây thần kinh cảm giác.
- Rối loạn chức năng giác quan: Có thể bị mù, điếc, mất vị giác đột ngột nhưng khi kiểm tra y khoa thì các cơ quan này vẫn hoạt động bình thường.
- Rối loạn hành vi và tư duy: Người bệnh mất khả năng kiểm soát hành vi, trở nên hoang tưởng, thực hiện hành động vô lý như bỏ nhà ra đi hay có ý nghĩ kịch tính hóa mọi thứ.
- Bị co cứng: Sau một cú sốc tâm lý, người bệnh có thể bị co cứng cơ thể, không thể di chuyển thực hiện các hoạt động bình thường trong một khoảng thời gian nhất định.
Nguyên nhân gây bệnh hysteria là do đâu?
Hysteria là một rối loạn tâm lý phức tạp với nhiều nguyên nhân khác nhau và bệnh thường phát sinh khi có sự kết hợp giữa yếu tố sau đây:
- Chấn thương tâm lý: Những cú sốc tinh thần, sang chấn tâm lý từ thời thơ ấu hay trải nghiệm tiêu cực gây ra cảm giác lo sợ và bi quan kéo dài.
- Môi trường sống áp lực: Áp lực từ công việc, học tập, cuộc sống hàng ngày khiến tâm lý căng thẳng, mệt mỏi, dễ bị tổn thương.
- Tâm lý kìm nén: Những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, buồn bã, sợ hãi bị dồn nén dẫn đến sự bùng nổ không kiểm soát.
- Rối loạn tâm lý: Hysteria có thể xuất hiện ở những người mắc các rối loạn tâm lý khác như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách.
- Yếu tố di truyền: Mặc dù không phải nguyên nhân chính, di truyền có thể góp phầ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh cho các thành viên trong gia đình.
Bệnh hysteria có nguy hiểm không?
Mặc dù hội chứng hysteria không còn được coi là một bệnh lý riêng biệt trong y học hiện đại, nhưng các triệu chứng liên quan vẫn có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Tổn thương cơ thể: Khi rơi vào cơn hysteria, người bệnh có thể vô tình làm hại bản thân, gây ra tổn thương vật lý không kiểm soát được, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
- Rối loạn cảm giác: Gặp vấn đề về giác quan như mù đột ngột, điếc không rõ nguyên nhân, mất khứu giác và vị giác, khiến người bệnh rơi vào lo lắng.
- Rối loạn tâm thần khác: Nếu kéo dài, hysteria có thể dẫn đến ảo giác và suy giảm trí nhớ, đồng thời tạo điều kiện phát triển các bệnh tâm thần khác như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn cảm xúc,…
Cách chẩn đoán bệnh hysteria
Chẩn đoán hysteria hiện nay được thực hiện theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Tâm thần Mỹ (1994). Quá trình chẩn đoán đòi hỏi bác sĩ phải xem xét kỹ lưỡng các triệu chứng, tiền sử bệnh lý cùng các yếu tố tâm lý liên quan. Bên cạnh đó, các xét nghiệm cần thiết cũng được thực hiện để loại trừ các nguyên nhân gây bệnh lý khác. Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ cần xác định rõ các tiêu chuẩn sau:
- Xuất hiện một hay nhiều triệu chứng liên quan đến chức năng thần kinh, hoạt động tự chủ gây nên biểu hiện giống như mắc bệnh thần kinh, bệnh lý nội khoa
- Triệu chứng thường xuất hiện và trở nên nghiêm trọng hơn sau các xung đột tâm lý
- Các triệu chứng không phải do bệnh nhân cố tình giả vờ hay tạo ra mà xuất hiện tự nhiên và không thể kiểm soát được.
- Loại trừ các nguyên nhân khác khi bác sĩ không thể giải thích đầy đủ các triệu chứng bằng các bệnh lý nội khoa khác
- Triệu chứng làm suy giảm trách nhiệm nghề nghiệp, xã hội cùng lĩnh vực quan trọng khác trong cuộc sống của người bệnh, đồng thời yêu cầu phải được đánh giá và điều trị y tế
- Triệu chứng không chỉ giới hạn rối loạn chức năng tình dục, không xuất hiện độc lập trong quá trình rối loạn phân ly và không được giải thích tốt hơn bởi một rối loạn tâm thần khác
Cách điều trị bệnh Hysteria
Để ngăn ngừa tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, việc hiểu rõ các phương pháp điều trị là hoàn toàn cần thiết nhằm cải thiện sức khỏe tâm lý và mang lại sự ổn định trong cuộc sống hàng ngày.
1. Trị liệu tâm lý
Phương pháp điều trị bệnh hysteria thường được áp dụng để người bệnh kiểm soát tình trạng tâm lý và hành vi chính là liệu pháp tâm lý trị liệu. Các biện pháp như liệu pháp ám thị và thôi miên có thể giúp bệnh nhân giảm căng thẳng, thư giãn và trở nên tỉnh táo. Trong quá trình điều trị, việc tìm hiểu nguyên nhân gây ra vấn đề tâm lý cũng được thực hiện để đưa ra phương án hỗ trợ phù hợp.
Trong các buổi trị liệu, người bệnh hysteria được khuyến khích nghỉ ngơi để tránh căng thẳng, đồng thời được hướng dẫn cách kiểm soát cảm xúc. Nhà trị liệu sử dụng các kỹ thuật ám thị, thôi miên để tác động lên tâm trí nhằm giúp bệnh nhân giải quyết các vấn đề ẩn sâu trong tiềm thức.
Quá trình điều trị cũng yêu cầu sự thấu hiểu và tôn trọng từ phía nhà trị liệu, tránh những thái độ cực đoan như coi thường, quá lo lắng. Với những bệnh nhân nhạy cảm, liệu pháp ám thị có thể giúp bản thân dần dần nhận ra bản chất của bệnh và tiến tới việc hồi phục tâm lý lâu dài.
2. Điều trị bằng thuốc
Trong trường hợp bệnh hysteria nặng, việc điều trị bằng thuốc có thể được áp dụng dưới sự chỉ định chặt chẽ của bác sĩ:
- Các loại thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm liều thấp thường được sử dụng để ổn định tinh thần, giảm bớt lo âu và cải thiện giấc ngủ.
- Đối với những trường hợp cần thiết, truyền dịch có pha canxi hoặc kali được thực hiện để ngăn chặn tình trạng co giật.
- Các loại thuốc như benzodiazepin được dùng để kiểm soát triệu chứng, hỗ trợ quá trình hồi phục hiệu quả.
Cách chăm sóc bệnh nhân hysteria
Việc điều trị hiệu quả không chỉ dựa vào thuốc men mà còn phụ thuộc vào cách chăm sóc hàng ngày cũng như sự hỗ trợ từ mọi người xung quanh:
Chăm sóc tại nhà:
- Gia đình cần thể hiện sự quan tâm chân thành và động viên bệnh nhân, tránh thái độ thờ ơ. Không nên để sự lo lắng thái quá làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, mà hãy duy trì thái độ lạc quan và động viên hợp lý.
- Nếu bệnh nhân đang gặp cơn khủng hoảng, cần cách ly khỏi áp lực và xung đột để giảm triệu chứng với không gian yên tĩnh.
- Dạy bệnh nhân cách hít thở sâu giúp điều hòa nhịp thở và giảm lo âu. Tạo điều kiện để người bệnh thực hành thường xuyên trong không gian thoáng đãng.
Chăm sóc bởi bác sĩ:
- Các liệu pháp xoa bóp, bấm huyệt theo chỉ định của bác sĩ có thể giúp giảm đau nhức, thư giãn các cơ.
- Kiểm soát việc sử dụng thuốc, đảm bảo bệnh nhân hysteria dùng đúng cách và đúng liều lượng. Đồng thời theo dõi tác dụng phụ và thông báo kịp thời cho bác sĩ nếu có dấu hiệu bất thường.
- Điều dưỡng cần đồng hành cùng bệnh nhân, hỗ trợ và giải thích về các liệu pháp tâm lý. Đồng thời tôn trọng và phối hợp chặt chẽ với bác sĩ để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.
Việc chăm sóc bệnh nhân hysteria đòi hỏi sự kết hợp tốt giữa sự chăm sóc từ gia đình và khả năng chuyên nghiệp từ bác sĩ. Chính sự đồng cảm và thái độ tích cực sẽ giúp người bệnh nhận được sự hỗ trợ cần thiết nhằm hồi phục sức khỏe nhanh chóng.
Cách phòng ngừa bệnh hysteria
Để tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và cả những người bên cạnh thì bệnh nhân hysteria cần phải biết cách cân bằng cuộc sống, tránh những nguy cơ mắc phải hội chứng bằng những biện pháp như:
- Làm cho tinh thần thoải mái: Luôn duy trì một thái độ lạc quan, vui vẻ, hạn chế căng thẳng, mệt mỏi kéo dài.
- Tìm cách thư giãn: Thư giãn bằng các hoạt động như thiền, yoga, chạy bộ, đi bộ, trò chuyện với bạn bè, viết nhật ký để giải tỏa những suy nghĩ tiêu cực.
- Chế độ ăn uống khoa học: Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết với rau xanh, trái cây, ngũ cốc, sữa. Cùng với đó hạn chế tiêu thụ chất kích thích, thức ăn nhanh, và đồ ăn đóng hộp.
- Tránh lạm dụng chất kích thích: Hạn chế hoặc tốt hơn nên tránh xa rượu bia, thuốc lá, cà phê, các chất gây nghiện khác.
- Ngủ đủ giấc: Đảm bảo có được giấc ngủ chất lượng với thời gian ngủ từ 7 – 8 tiếng mỗi đêm ở người lớn.
- Luyện tập thể dục thể thao: Dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục cho tinh thần sảng khoái hơn.
- Tập thở đúng cách: Các bài tập hít vào sâu và thở ra chậm giúp cải thiện tâm trạng và tăng cường tuần hoàn máu.
- Cân bằng lịch trình: Sắp xếp thời gian học tập, làm việc hợp lý và dành thời gian nghỉ ngơi đầy đủ.
- Giáo dục sức khỏe từ sớm: Học cách quản lý cảm xúc và rèn luyện ý chí từ khi còn nhỏ, tránh các chấn thương tâm lý bằng cách tạo ra môi trường sống và học tập tích cực.
Hiện nay, vẫn có không ít các trường hợp mắc phải bệnh hysteria với nhiều dạng khác nhau. Vì thế mỗi người cần tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp và biết cách xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh để phòng tránh nguy cơ mắc phải chứng bệnh kỳ lạ này.
Có thể bạn quan tâm:
- 10 Dạng Bệnh Tâm Lý Thần Kinh Thường Gặp Hiện Nay
- Bài test đánh giá mức độ rối loạn nhân cách của bạn
- Rối loạn giải thể nhân cách (Derealization) là gì? Cách điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!