Hội chứng mê sảng ký sinh trùng (Ekbom Syndrome)
Hội chứng mê sảng ký sinh trùng (Ekbom Syndrome) là một dạng rối loạn tâm thần khá hiếm gặp, đặc trưng bởi niềm tin mãnh liệt rằng bản thân bị nhiễm mầm bệnh hay có ký sinh trùng ngọ nguậy dưới da họ. Những ảo giác phi lý, mơ hồ, không có căn cứ này gây ra rất nhiều tác hưởng tiêu cực đến tinh thần, sức khỏe và sinh hoạt thường ngày nếu không sớm kiểm soát.
Hội chứng mê sảng ký sinh trùng (Ekbom Syndrome) là gì?
Hội chứng mê sảng ký sinh trùng có tên khoa học là Ekbom Syndrome được đánh giá một trong những dạng rối loạn tâm lý, tâm thần vô cùng kỳ lạ. Người mắc hội chứng này luôn có một niềm tin chắc chắn và mãnh liệt rằng bản thân đang mắc một bệnh nhiễm trùng nào đó hay có những con côn trùng, ký sinh trùng đang ngọ nguậy dưới da khiến bản thân họ vô cùng ngứa ngáy.
Cần hiểu rằng niềm tin này của họ hoàn toàn sai trái, không có thực tuy nhiên không điều gì có thể làm thay đổi suy nghĩ của người bệnh. Kể cả sau khi đã làm đầy đủ các xét nghiệm kiểm tra, được bác sĩ giỏi nhất thăm khám họ cũng không tin tưởng, cho rằng bác sĩ không có đủ năng lực chuyên môn để tìm ra bệnh cho mình.
Nỗi ám ảnh phi lý ở hội chứng mê sảng ký sinh trùng thậm chí có thể khiến những người bệnh hình thành ảo giác, hoang tưởng, ám ảnh nghiêm trọng, tác động đến toàn bộ cuộc sống. Họ không ngừng làm đủ mọi cách để chứng minh rằng mình thật sự có bệnh và chắc chắn sẽ tìm ra, bỏ bê mọi hoạt động hay các nhu cầu khác.
Một số khái niệm khác cũng thường được dùng cho hội chứng này như hoang tưởng côn trùng (Delusional infestation), ảo giác ký sinh trùng (delusory parasitosis), mê sảng dermatozoic, bệnh tâm thần ký sinh (psychogenic parasitosis), chứng cảm giác kiến bò (formication), Mê sảng của sự phá hoại”. Trong Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và vấn đề sức khỏe liên quan ICD – 10 sử dụng thuật ngữ Hội chứng mê sảng ký sinh trùng khi đề cập đến Ekbom Syndrome.
Chứng mê sảng ký sinh trùng thường xuất hiện phổ biến hơn ở nữ giới, đặc biệt là người ngoài độ tuổi 50 hơn là nam giới. Các nguyên nhân gây bệnh vẫn còn đang là vấn đề gây tranh cãi, chưa rõ ràng khiến việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn. Mặt khác bản thân người bệnh cũng thường không chấp nhận rằng mình mắc bệnh tâm thần.
Ekbom Syndrome được xếp trong dạng phụ của rối loạn cơ thể, tuy nhiên Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần (DSM-5) hiện chưa công nhận đây là bệnh tâm thần. Dù vậy hầu như hội chứng này được điều trị theo hướng điều trị các bệnh tâm thần.
Biểu hiện hội chứng mê sảng ký sinh trùng
Một trường hợp mắc hội chứng mê sảng ký sinh trùng được các chuyên gia chia sẻ là một người phụ nữ 66 tuổi, bà cảm thấy vô cùng khó chịu về chứng ngứa mãn tính mình và cho rằng có liên quan đến bệnh ghẻ. Thậm chí người phụ nữ này còn chuyển nhà nhiều lần và đanh rất nhiều thời gian trong ngày để vệ sinh nhà cửa, ghế sofa vì cho rằng lũ bọ đang gặm nhấm chiếc ghế của bà.
Các bác sĩ đã thực hiện một vài xét nghiệm y khoa nhưng không tìm thấy các dấu vết tương ứng do Pediculus humanus corporis hoặc Sarcoptes scabiei ( Rận và ghẻ). Tuy nhiên sau đó bà lại gửi đến những mẫu xác côn trùng và khẳng định rằng mình đã lấy được từ dưới da, trong phân và đờm của bản thân. Mặc dù trên cơ thể bà có những dấu vết lở loét, trầy xước ở một số vị trí nhưng tất cả các nghiên cứu xét nghiệm đều không thể tìm ra dấu vết của bất cứ loại ký sinh trùng nào trên cơ thể, bao gồm cả các loại nằm trong mẫu mô mà bà đem tới.
Tuy nhiên, bất chấp các kết quả xét nghiệm chuyên môn hay sự tư vấn của bác sĩ giỏi nhất, bà vẫn không tin rằng mình không có bệnh nào, không tìm ra loại ký sinh trùng nào và cho rằng y học thất bại. Hàng loạt các mẫu mô được cho là côn trùng được bà lấy ra từ cơ thể được gửi tới nhưng xét nghiệm lại chỉ tìm thấy chỉ, mẫu thức ăn, bụi, ngũ cốc, bùn..
Chỉ trong 3 tháng bà đã gặp rất nhiều bác sĩ, chuyên gia, thực hiện rất nhiều xét nghiệm để chứng minh rằng niềm tin của mình là đúng, tuy nhiên tất cả mọi kết quả đều trái ngược. Bà thậm chí từ chối việc kiểm tra vết thương, điều trị y khoa mà tự làm lành các tổn thương trên da bằng cách bôi thuốc trừ sâu để tiêu diệt các côn trùng đang ẩn nấp phía dưới.
Người phụ nữ này sau đó đã được chẩn đoán là mắc hội chứng mê sảng ký sinh trùng và cần nhanh chóng tiếp nhận điều trị để tránh làm tình trạng tiến triển xấu đi. Đây chính là những biểu hiện rõ ràng nhất của Ekbom Syndrome mà bất cứ ai cũng có thể nhận diện.
Cụ thể hơn, một số dấu hiệu điển hình của hội chứng mê sảng ký sinh trùng như
- Luôn có niềm tin vững chắc rằng bản thân bị mắc các bệnh do ký sinh trùng, chẳng hạn như ghẻ lở, giun, nấm.. hoặc đang có sợi chỉ, ký sinh, giun, sán làm tổ dưới da
- Ekbom Syndrome khiến người bệnh xuất hiện ảo giác xúc giác, nghĩa là có cảm giác ngứa ngáy, tê râm ran, khó chịu, châm chích ở các vị trí mà người đó cho rằng đang có ký sinh trùng trú ngụ (chứng cảm giác kiến bò). Chẳng hạn như khi họ tin rằng mình bị ghẻ lở họ có xu hướng ngứa ngáy dữ dội ở các kẽ tay, trong eo hay khuỷu tay..
- Không ngừng gãi hay chà xát vào các vị trí mà họ tin rằng bị nấm, ghẻ; thậm chí cào đến chảy máu hay một số người còn dùng nhíp, dao để “đào bới” da tìm ra ký sinh trùng khiến da bị tổn thương da nghiêm trọng, điều này họ cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn
- Không có bất cứ điều gì, bao gồm cả chẩn đoán của bác sĩ; chuyên gia da liễu hay đã thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu có thể làm thay đổi suy nghĩ của người bệnh
- Người mắc hội chứng mê sảng ký sinh trùng sẽ không ngừng tìm kiếm các bằng chứng chứng minh mình thực sự mắc bệnh. Chẳng hạn chỉ cần thấy một dấu vết nào đó trên da họ sẽ cho rằng chính là dấu hiệu của ký sinh trùng để lại, hay nếu vô tình nhìn thấy xác một loại côn trùng nào đó xung quanh, đôi khi những mẫu vật không liên quan cũng có thể cho rằng nó được “chui ra” từ cơ thể mình và yêu cầu bệnh viện xét nghiệm (được gọi là “dấu hiệu bao diêm”, “dấu hiệu túi zip” bởi người bệnh thường đặt mẫu vật vào hộp/ túi zip để đưa đến bệnh viện). Một số khác thì chụp ảnh để cung cấp các tư liệu cho bác sĩ
- Mất ngủ, căng thẳng, lo âu, tâm lý dễ kích động, đặc biệt khi những người xung quanh hay bác sĩ không tin rằng họ mắc bệnh
- Hầu như không thể sinh hoạt, làm việc hay học tập một các bình thường do người bệnh luôn cảm thấy ngứa ngáy khó chịu, không thể tập trung làm bất cứ điều gì
Nguyên nhân hội chứng mê sảng ký sinh trùng
Theo các chuyên gia, hầu hết những người mắc hội chứng mê sảng ký sinh đều từng có lịch sử từng đến những địa điểm có thể bị côn trùng hay ký sinh trùng tấn công, chẳng hạn bể bơi công cộng, các khu rừng rậm hay nguồn nước bị ô nhiễm. Đây chính là cơ sở để họ có niềm tin rằng mình bị nhiễm bệnh do côn trùng hay ký sinh trùng và không ngừng cho rằng bản thân đã đúng.
Tuy nhiên, việc đi đến các địa điểm này không hoàn toàn là nguyên nhân gây bệnh bởi Ekbom Syndrome là một rối loạn tâm lý, thần kinh chứ không bị kích hoạt do côn trùng cắn. Các chuyên gia chỉ ra một số yếu tố có liên quan đến nguyên nhân gây hội chứng mê sảng ký sinh trùng bao gồm
- Mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh: các tài liệu cũng chỉ ra ở các bệnh nhân mắc hội chứng mê sảng ký sinh trùng có sự mất cân bằng về các dopamine trong não bộ, cụ thể là mức dopamine trong đại bào tăng lên ( điều này cũng có liên quan đến mức độ căng thẳng, stress lo lắng kéo dài tăng lên). Sự rối loạn trong hoạt động của vòng vân – đồi thị – vỏ đại não có liên quan chính đến những ảo giác, thị giác của bệnh nhân Ekbom Syndrome.
- Tuổi tác và giới tính: Thống kê cho thấy Ekbom Syndrome chủ yếu xảy ra ở phụ nữ và ngoài độ tuổi 50 ( chính xác hơn là đang trong thời điểm mãn kinh). Ngoài ra ít giao tiếp xã hội cũng là đặc điểm được đề cập ở các đối tượng này.
- Sử dụng ma túy/ thuốc/ chất kích thích: việc lạm dụng các chất có tính chất gây nghiện và kích thích thần kinh như cocaine, amphetamine chính là yếu tố tạo ra các ảo giác khiến họ tin rằng đang có ký sinh trùng làm tổ dưới da. Ngoài ra một số nhóm thuốc được dùng trong điều trị trầm cảm, lo âu dài ngày cũng có thể gây ra hiện tượng này. Tình trạng này được dùng thuật ngữ chuyên môn là “bọ cocaine”, tuy nhiên có xu hướng giảm hay biến mất khi thuốc/ chất kích thích đó hết tác dụng.
- Tiền sử gia đình: nếu trong gia đình từng có người mắc hội chứng mê sảng ký sinh trùng, một số bệnh tâm lý tâm thần khác hoặc có các vấn đề về nội tiết di truyền cũng được cho là có nguy cơ mắc bệnh cao hơn
- Biến chứng từ các bệnh lý: Những người đã hoặc đang mắc một số bệnh lý về tâm thần, thần kinh, chẳng hạn mất trí nhớ, tâm thần phân liệt, trầm cảm, mê sảng, bệnh Parkinson, bệnh Huntington , hay ở một số bệnh nhân rối loạn ám ảnh cưỡng chế cũng có thể tìm thấy các triệu chứng này.
- Hội chứng mê sảng nhiễm ký sinh trùng nguyên phát: xuất hiện trên các bệnh nhân có hệ thần kinh khỏe mạnh, tinh thần bình thường với cơ chế gây bệnh phức tạp và chưa rõ nguyên nhân, có xu hướng xuất hiện âm thầm từ trước đó, kéo dài trong nhiều năm và gặp rất nhiều khó khăn trong điều trị. Bác sĩ cũng cho rằng ở dạng này đa phần người bệnh có các đặc điểm giống với rối loạn ám ảnh cưỡng chế, chẳng hạn như sạch sẽ quá mức
Ngoài ra, một số hội chứng khác được cho là có liên quan đến nguyên nhân kích hoạt, khởi phát các triệu chứng của Ekbom Syndrome bao gồm
- Hội chứng cai nghiện ở những người nghiện rượu
- Bệnh kleptoparaitosis mê sảng
- Hội chứng Morgellons
- Trầm cảm và rối loạn lo âu kéo dài
- Các chấn thương não bộ và hệ thần kinh
Hội chứng mê sảng ký sinh trùng nguy hiểm như thế nào?
Niềm tin phi lý nhưng vô cùng vững chắc chính là vấn đề gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, tinh thần, sức khỏe của người bệnh. Không có bất cứ điều gì, bao gồm cả bác sĩ hay các kết quả xét nghiệm có thể làm thay đổi niềm tin của người bệnh ( khi chưa được điều trị). Người bệnh không ngừng tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức hay tiền bạc chỉ để chứng minh niềm tin của mình.
Trạng thái hoang tưởng, ảo giác trong hội chứng mê sảng ký sinh trùng càng kéo dài, mức độ tổn thương về thể chất của người bệnh càng tăng lên. Họ không ngừng gãi hay thậm chí là dùng dao để “đào bới” trên cơ thể để tìm được nơi ký sinh trùng làm tổ đến mức da toàn những vết lở loét, vết sẹo.
Việc da bị trầy xước và không được làm lành và bảo vệ đúng cách cũng có thể trở thành nguyên nhân khiến người bệnh thực sự mắc một bệnh da liễu nào đó. Các hành vi như dùng chất tẩy rửa, hóa chất hay thậm chí là một số loại thuốc nguy hiểm nhằm mục tiêu “diệt tận gốc” những loại côn trùng, ký sinh trùng cũng khiến bản thân người bệnh gặp nhiều nguy hiểm.
Một số khác cũng có hành vi tự tử khi bản thân họ không chịu được cảm giác ngứa ngáy, châm chích đến “phát điên”, cảm thấy không ai có thể giúp được nên chọn cách tự giải thoát. Đặc biệt nếu hội chứng mê sảng ký sinh trùng chính là hậu quả của trầm cảm thì nguy cơ này càng tăng cao hơn.
Sự ám ảnh quá mức cũng như cảm giác ngứa ngáy râm ran cũng làm suy giảm nghiêm trọng đến các khía cạnh trong cuộc sống thường ngày hay các mối quan hệ của người bệnh. Chẳng hạn họ hầu như không thể đi làm vì không thể tập trung và dành quá nhiều thời gian để chứng minh bản thân bị bệnh. Hay khi có một ai đó không tin, họ có thể trở nên vô cùng bực tức và kích động.
Chẩn đoán hội chứng mê sảng ký sinh trùng
Không có các chẩn đoán cụ thể để xác minh hội chứng mê sảng ký sinh trùng mag cần thực hiện nhiều biện pháp đồng thời. Đầu tiên bác sĩ cần trò chuyện để hiểu rõ các biểu hiện, cảm xúc mà người bệnh gặp phải. Bác sĩ cũng sẽ tìm hiểu về tiền sử bệnh lý hay những địa điểm, những nơi người bệnh đã tiếp xúc trong thời gian gần để xác định liệu có liên quan đến các loại côn trùng, ký sinh trùng hay không.
Trên da người bệnh đã có nhiều vết trầy xước nên cần thực hiện các kiểm tra da liễu chuyên môn mới có thể xác định. Ngoài ra cũng cần thực hiện các xét nghiệm thần kinh, xét nghiệm nội tiết tố để tránh nguy cơ nhầm lẫn với các bệnh lý có triệu chứng tương tự khác.
Cụ thể, một số xét nghiệm thường được thực hiện để chẩn đoán hội chứng mê sảng ký sinh trùng bao gồm
- Xét nghiệm máu, tốc độ lắng hồng cầu,
- Xét nghiệm CRP
- Sinh thiết và và phân tích các mẫu da trong phòng thí nghiệm
- Xét nghiệm bảng chuyển hóa toàn diện
- Xét nghiệm nước tiểu để tìm chất độc
- Kiểm tra các chỉ số hormone, nội tiết tố
- Các xét nghiệm não bộ hay hệ thần kinh khác
- Xét nghiệm vitamin
Tuy nhiên hầu hết người bệnh thường tìm đến các bệnh viện, phòng khám có chuyên môn về da liễu trong khi Ekbom Syndrome lại là vấn đề có liên quan đến tâm lý – tâm thần. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người phát hiện bệnh và điều trị khá chậm trễ.
Điều trị hội chứng mê sảng ký sinh trùng
Điều khó nhất trong quá trình điều trị hội chứng mê sảng ký sinh trùng chính là thuyết phục họ tin rằng, vấn đề mình đang gặp phải là vấn đề tâm lý và chấp nhận điều trị. Tuy nhiên hầu như người bệnh không chấp nhận điều này, không tuân thủ theo các chỉ định của bác sĩ mà chỉ luôn không ngừng tìm kiếm bằng chứng chứng minh bản thân đang bị ký sinh trùng tấn công.
Để điều trị hội chứng mê sảng ký sinh trùng rất cần có sự hỗ trợ từ gia đình để kiểm soát được các triệu chứng, hành vi của người bệnh đảm bảo tuân theo chỉ dẫn. Thuốc và liệu pháp tâm lý sẽ được kết hợp đồng thời để đảm bảo mang đến hiệu quả tốt nhất.
Trị liệu tâm lý
Tâm lý trị liệu được coi là biện pháp chính nhằm điều chỉnh lại nhận thức, tư duy của người bệnh về tình trạng của bản thân. Mục tiêu của các liệu pháp tâm lý chính là trấn an bệnh nhân thuyết phục họ tin rằng bản thân không bị các bệnh nhiễm ký sinh trùng, không bị côn trùng cắn từ đó loại bỏ các hành vi gãi hay gây tổn thương cho da.
Liệu pháp nhận thức hành vi hay liệu pháp phơi nhiễm được chỉ định phổ biến trong trị liệu tâm lý cho người mắc hội chứng mê sảng ký sinh trùng. Liệu pháp thư giãn và kiểm soát cảm xúc cũng được chỉ định song song để tinh thần bệnh nhân thả lỏng hơn, hạn chế các trạng thái kích thích, bốc đồng dẫn tới các hành vi không mong muốn.
Thông qua trò chuyện, người bệnh cần hiểu được rằng suy nghĩ lệch lạc của họ đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực như thế nào và bản thân điều chỉnh nó.Việc thiết lập mối quan hệ tin cậy giữa nhà trị liệu và bệnh nhân cũng là tiền đề quan trọng để trị liệu có hiệu quả bởi đa phần người bệnh thường thấy bản thân bị cô lập, không ai tin tưởng mình.
Điều trị bằng thuốc
Một số loại thuốc cũng được đánh giá cần thiết cho người mắc hội chứng mê sảng ký sinh trùng, tùy vào tình trạng của từng bệnh nhân. Phổ biến nhất là nhóm thuốc chống loạn thần, chẳng hạn pimozide, risperidone, Aripiprazole và ziprasidone.. Một số nhóm thuốc dùng trong điều trị trầm cảm, lo âu hay điều chỉnh hormone cũng được chỉ định nếu có liên quan.
Tuy nhiên chỉ khoảng hơn một nửa bệnh nhân Ekbom Syndrome có cải thiện tốt nhờ thuốc. Mặt khác các nghiên cứu cũng cho thấy đa phần các loại thuốc dùng trong điều trị hội chứng mê sảng ký sinh trùng đều có gây ra nhiều tác dụng phụ, thậm chí một số bệnh phản tác dụng, cảm thấy ám ảnh, ngứa ngáy khó chịu hơn.
Việc dùng thuốc trong hội chứng mê sảng ký sinh trùng cần đảm bảo có sự chỉ định từ bác sĩ chuyên môn. Thuốc thường sẽ được giảm dần liều lượng trước khi dừng hẳn để hạn chế trạng thái phụ thuộc vào thuốc hay các biểu hiện bất thường khi đột ngột ngừng thuốc.
Điều trị tại nhà
Gia đình cần tham gia trị liệu và chăm sóc cho người bệnh bởi không phải tất cả bệnh nhân đều tin tưởng và chấp nhận thực hiện theo chỉ định tù bác sĩ hay nhà trị liệu. Nếu không có sự hợp tác hay tin tưởng từ bệnh nhân thì không có bất cứ biện pháp nào có thể mang lại hiệu quả. Thực hành một lối sống lành mạnh hơn cũng mang đến nhiều lợi ích cho bệnh nhân trong quá tình này.
Một số biện pháp điều trị và chăm sóc tại nhà được bác sĩ, chuyên gia khuyến khích cho người mắc hội chứng mê sảng ký sinh trùng bao gồm
- Duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, đảm bảo ngủ đủ giấc để tinh thần luôn tỉnh táo, bình tĩnh nhìn nhận mọi vấn đề
- Khiến bản thân bận rộn để quên đi cảm giác ngứa ngáy, châm chích. Chẳng hạn tập trung làm việc, đọc sách, dọn dẹp nhà cửa để không có thời gian nghĩ đến cảm giác ngứa
- Hạn chế bơi lội, tiếp xúc với nguồn nước bẩn, đi đến những nơi nhiều côn trùng để tránh làm da bị kích ứng thật sự, đặc biệt nếu trên da có các vết thương, vết xước chưa lành
- Thiền nguyện hay yoga có thể giúp ích cho người bệnh đáng kể trong việc duy trì cảm xúc ổn định, kiểm soát được trạng thái ngứa ngáy hay các hành vi kích thích
- Gia đình nên hỗ trợ người bệnh trong việc dọn dẹp nhà cửa thường xuyên bởi nếu vô tình thấy xác các loại côn trùng hoàn toàn có thể kích hoạt các biểu hiện của hội chứng mê sảng ký sinh trùng bùng phát trở lại
- Bổ sung một chế độ dinh dưỡng phù hợp, đặc biệt là sắt và vitamin B12 ; ưu tiên các nhóm thực phẩm lành mạnh, có nguồn gốc rõ ràng
- Tuyệt đối không sử dụng bia rượu, thuốc lá hay các loại chất kích thích nếu tinh thần chưa hoàn toàn ổn định
- Thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ, chuyên gia để có kết quả khả quan nhất
Vẫn còn rất nhiều vấn đề trong hội chứng mê sảng ký sinh trùng chưa được các nhà khoa học làm rõ dẫn đến rất nhiều hạn chế tồn tại trong quá trình điều trị. Người mắc Ekbom Syndrome cần xây dựng và duy trì lối sống tích cực, lành mạnh lâu dài bởi các triệu chứng hoàn toàn có thể bị kích hoạt nếu tâm lý bị suy yếu và không ổn định.
Có thể bạn quan tâm:
- Hội chứng Tourette là gì? Biểu hiện và cách điều trị hiệu quả
- Hội chứng Lithromantic: Dấu hiệu nhận biết và cách vượt qua
- Hội chứng sợ ánh sáng (Heliophobia) là gì? Cách vượt qua
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!