Thuốc chống loạn thần: Cơ chế và tác dụng phụ cần lưu ý

Thuốc chống loạn thần được sử dụng phổ biến trong điều trị các rối loạn tâm thần. Cơ chế chính của thuốc là ức chế dopamin ở thụ thể D2 cùng với các chất dẫn truyền thần kinh khác. Nhóm thuốc này mang lại hiệu quả cao nhưng tiềm ẩn khá nhiều tác dụng ngoại ý.

thuốc chống loạn thần là gì
Thuốc chống loạn thần được sử dụng phổ biến trên lâm sàng, đặc biệt là trong điều trị tâm thần phân liệt

Thuốc chống loạn thần là gì?

Thuốc chống loạn thần còn được gọi là thuốc an thần kinh, được sử dụng phổ biến trong điều trị các rối loạn tâm thần có biểu hiện loạn thần (ảo giác, hoang tưởng, ảo thanh, rối loạn suy nghĩ,…). Trước đây, nhóm thuốc này chủ yếu được dùng trong điều trị tâm thần phân liệt nhưng hiện tại đã được sử dụng cho các bệnh tâm thần khác.

Thuốc chống loạn thần chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ do cơ chế phức tạp và tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ. Đây là một trong bốn nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trên lâm sàng bên cạnh thuốc chống trầm cảm, thuốc điều hòa khí sắc và thuốc giải lo âu.

Nhìn chung, thuốc chống loạn thần mang lại hiệu quả cao trong quá trình điều trị và có thể ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng về thể chất cùng với các khía cạnh khác của cuộc sống. Tuy nhiên, nhóm thuốc này tiềm ẩn khá nhiều tác dụng ngoại ý. Hiểu biết về thuốc chống loạn thần sẽ giúp chính bệnh nhân và người nhà nắm rõ tác dụng, liều dùng, phát hiện sớm và xử trí kịp thời tác dụng ngoại ý.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Cơ chế của thuốc chống loạn thần

Cơ chế chung của thuốc chống loạn thần là ngăn chặn/ ức chế dopamine – một chất dẫn truyền thần kinh trong não. Tuy nhiên, cơ chế có sự khác biệt ở từng loại thuốc cụ thể. Ngoài ra, một số loại thuốc còn có tác dụng ức chế histamine H1, alpha 1 và muscarin.

1. Ức chế dopamine

Tất cả các loại thuốc chống loạn thần đều có tác dụng ức chế dopamine ở thụ thể D2. Tùy vào vị trí của thụ thể D2, thuốc sẽ có hiệu quả và tác dụng phụ khác nhau. Cụ thể:

  • Ức chế D2 ở vùng phễu não: Vùng phễu não nằm ở tuyến yên với vùng dưới đồi thị và bên dưới ở đáy não giữa. Ức chế dopamine thụ thể D2 ở vị trí này sẽ làm tăng prolactin trong máu với những biểu hiện như tăng cân, giảm chức năng tình dục, làm tăng quá trình loãng xương sau mãn kinh, rối loạn kinh nguyệt và tăng tiết sữa.
  • Ức chế D2 ở vùng trung viền: Có tác dụng giảm các triệu chứng dương tính ở bệnh nhân tâm thần phân liệt như kích động, ảo giác, hoang tưởng,…
  • Ức chế D2 vùng nhân đen thể vân: Gây ra các rối loạn về vận động với biểu hiện là triệu chứng ngoại tháp (run rẩy, múa giật, rung giật cơ, khó nuốt, cứng cơ, khó giữ thăng bằng,…).
  • Ức chế D2 vùng trung vỏ não: Ở bệnh nhân tâm thần phân liệt, vùng trung vỏ não là nơi thiếu sẵn thụ thể dopamine. Do đó, việc ức chế D2 ở vị trí này sẽ làm nghiêm trọng các triệu chứng âm tính như mất hứng thú, ham muốn, bàng quan, thờ ơ, giảm trí tuệ, ngôn ngữ nghèo nàn, ít biểu lộ cảm xúc và thu mình, sống tách biệt.

2. Ức chế muscarinic

Bên cạnh tác dụng ức chế dopamine, thuốc chống loạn thần còn có tác dụng ức chế hệ ức chế muscarinic. Tác dụng này thể hiện qua các triệu chứng sau:

  • Ngủ gà
  • Tiểu khó
  • Nhìn mờ
  • Táo bón
  • Khô miệng

3. Các cơ chế khác

Ngoài ra, một số loại thuốc chống loạn thần còn có các cơ chế như:

  • Ức chế histamine H1: Tác dụng tăng cân, gây ngủ.
  • Tác dụng lên thụ thể alpha 1: Gây chóng mặt và hạ huyết áp.

Phân loại thuốc chống loạn thần

Thuốc chống loạn thần được chia thành 2 loại là thuốc chống loạn thần điển hình và thuốc chống loạn thần không điển hình. Về cơ bản, hai nhóm thuốc này không có sự khác biệt về hiệu quả nhưng khác biệt rõ về tác dụng ngoại ý.

Hiện tại, các chuyên gia vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, so sánh tác dụng phụ của hai nhóm thuốc để tìm ra giải pháp tối ưu trong quá trình điều trị các rối loạn tâm thần – đặc biệt là các bệnh tâm thần mãn tính bệnh nhân phải sử dụng thuốc dài hạn.

1. Thuốc chống loạn thần thế hệ cũ (điển hình)

Thuốc chống loạn thần điển hình còn được gọi là thuốc chống loạn thần thế hệ cũ hoặc thế hệ I. Nhóm thuốc này đã có từ những năm 1950 và hiện nay vẫn được sử dụng rất phổ biến. Thuốc chống loạn thần điển hình có tác dụng chẹn thụ thể dopamine D2 và tác dụng không chọn lọc với thụ thể D1, D3, D4 và D5. Với cơ chế này, thuốc giúp người bệnh giữ được trạng thái bình tĩnh nhưng không làm giảm ý thức.

thuốc chống loạn thần có mấy nhóm
Thuốc chống loạn thần thế hệ cũ (điển hình) ức chế chọn lọc thụ thể D2 và không chọn lọc thụ thể D1, D3, D4, D5

Nhờ có tác dụng giảm kích thích và đưa tinh thần trở về trạng thái cân bằng, thuốc chống loạn thần thế hệ I được sử dụng cho hầu hết các bệnh nhân có biểu hiện kích động – dù nguyên nhân là rối loạn tâm thần hay các bệnh thực thể như tổn thương não, sảng do nhiễm độc. Nhóm thuốc chống loạn thần thế hệ I được chia thành 3 nhóm dựa vào mức độ tác dụng, bao gồm:

  • Nhóm 1: Nhóm 1 bao gồm các loại thuốc có tác dụng an thần mạnh và tác dụng ngoại tháp, kháng muscarin chỉ ở mức vừa phải. Nhóm thuốc này bao gồm Promazin, Levomepriomazin và Clorpromazin.
  • Nhóm 2: Nhóm thứ 2 có tác dụng an thần vừa phải, tác dụng ngoại tháp yếu hơn nhóm 1 và 3 nhưng tác dụng kháng muscarin rõ.
  • Nhóm 3: Tác dụng ngoại tháp mạnh hơn nhóm 1 và 2 nhưng tác dụng an thần và kháng muscarin yếu. Các loại thuốc thông dụng bao gồm Perphenazine, Proclorperazin, Fluphenazin và Trifluoperazine.

Thuốc chống loạn thần thế hệ cũ cho tác dụng nhanh nên thường được dùng trong các đợt cấp tính. Hiện tại, loại thuốc này được cung cấp miễn phí cho bệnh nhân tâm thần phân liệt.

Các loại thuốc chống loạn thần điển hình được sử dụng phổ biến:

  • Chlorpromazine
  • Benperidol
  • Fluphenazine
  • Haloperidol
  • Pimozide
  • Zuclopenthixol
  • Promazine
  • Trifluoperazine

2. Thuốc chống loạn thần thế hệ mới (không điển hình)

Thuốc chống loạn thần thế hệ mới còn được gọi là thuốc chống loạn thần không điển hình/ thế hệ II. Nhóm thuốc này xuất hiện từ những năm 1990 và hiện tại được sử dụng đồng thời với nhóm thuốc chống loạn thần điển hình. Thuốc cho tác dụng chậm hơn nhưng ít tác dụng nên thường được dùng lâu dài cho bệnh nhân điều trị ngoại trú.

Nếu như thuốc chống loạn điển hình chỉ tác dụng chọn lọc lên dopamine D2 thì thuốc thế hệ mới tác động nhiều hơn đến các thụ thể. Cơ chế có sự khác biệt rõ rệt giữa các loại thuốc. Ngoài tác dụng lên dopamin, thuốc còn ức chế muscarin, histamin H1, alpha 1 và serotonin.

Cụ thể như sau:

  • Quetiapine đối kháng thụ thể D1, D2, histamin H1, alpha 1, serotonin
  • Risperidon tác dụng đối kháng histamin H1, alpha 1, serotonin và thụ thể D2
  • Paliperidone là chất chuyển hóa của Risperidon nên cũng có tác dụng ức chế thụ thể D2, histamine, serotonin tuýp 2, alpha.
  • Clozapine có tác dụng ức chế muscarin, histamin H1, thụ thể D1, D2 và serotonin tuýp 2
  • Amisulpride có tác dụng đối kháng chọn lọc với dopamine ở thụ thể D2 và D3
  • Aripiprazole là chủ vận một phần thụ thể D2, đối kháng serotonin tuýp 2,…

Thuốc chống loạn thần thế hệ mới có cơ chế đa dạng nhưng về cơ bản không có khác biệt về hiệu quả đối với thuốc thế hệ cũ. Tuy nhiên, cơ chế khác biệt dẫn đến các tác dụng phụ không giống nhau. Hiện nay, thuốc chống loạn thần thế hệ mới được dùng trong điều trị ngoại trú lâu dài do ít phát hiện tác dụng phụ và được đánh giá an toàn hơn thuốc thế hệ cũ.

Thuốc chống loạn thần và chỉ định điều trị

Thuốc chống loạn thần là một trong những loại thuốc được sử dụng phổ biến trên lâm sàng. Nhóm thuốc này được dùng trong các trường hợp sau:

thuốc chống loạn thần có mấy nhóm
Thuốc chống loạn thần được dùng để điều trị nhiều bệnh lý như rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt, rối loạn hoang tưởng,…
  • Tâm thần phân liệt
  • Các rối loạn phân liệt cảm xúc
  • Rối loạn lưỡng cực
  • Trầm cảm có triệu chứng loạn thần
  • Rối loạn loạn thần do các bệnh nội khoa
  • Sa sút trí tuệ và mê sảng
  • Loạn thần do lạm dụng chất
  • Rối loạn hoang tưởng
  • Rối loạn nhân cách ranh giới
  • Rối loạn phát triển lan tỏa
  • Bệnh Huntington
  • Hội chứng Tourette
  • Các bệnh thần kinh hiếm gặp như chứng múa vung nửa người/ múa vung bán thân (Hemiballismus) và chứng múa vung (Ballismus)

Tác dụng phụ khi dùng thuốc chống loạn thần

Thuốc chống loạn thần là nhóm thuốc tác động lên hệ thần kinh nên gây ra khá nhiều tác dụng phụ. Tác dụng ngoại ý có sự khác nhau giữa 2 nhóm thuốc thế hệ I và thế hệ II. Trong đó, nhóm thuốc thế hệ II ít tác dụng phụ nên được ưu tiên dùng trong điều trị ngoại trú kéo dài.

Các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc chống loạn thần:

1. Hội chứng ác tính do thuốc chống loạn thần

Hội chứng ác tính là phản ứng nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng. Hội chứng này có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào trong quá trình điều trị. Các triệu chứng sẽ tiến triển trong 24 – 72 giờ và kéo dài từ 10 – 14 ngày nếu không can thiệp điều trị. Các triệu chứng gây ra bởi hội chứng ác tính rất khó chẩn đoán và thường bị nhầm lẫn với loạn thần nặng. Hội chứng có tỷ lệ từ 20 – 30% và gặp nhiều hơn ở nam giới – đặc biệt là người trẻ tuổi.

Các biểu hiện nhận biết hội chứng ác tính khi sử dụng thuốc chống loạn thần:

  • Mất vận động
  • Cứng cơ nặng
  • Loạn trương lực cơ
  • Sốt cao
  • Tăng nhịp tim
  • Tăng huyết áp (có thể dẫn đến suy tim mạch)
  • Kích động
  • Lú lẫn
  • Chứng không nói

Ngay khi nhận thấy các triệu chứng này, cần thông báo ngay với bác sĩ để được xử trí kịp thời. Sau khi xử trí, bệnh nhân sẽ được đổi sang loại thuốc ít có nguy cơ hơn.

2. Các tác dụng phụ liên quan đến an thần

Thuốc chống loạn thần ức chế histamine H1 nên có thể gây ra tác dụng an thần và Chlorpromazine là loại thuốc có tác dụng an thần, gây buồn ngủ mạnh nhất. Các tác dụng phụ liên quan đến an thần bao gồm:

tác dụng phụ thuốc chống loạn thần
Buồn ngủ, lờ đờ,… là tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc chống loạn thần
  • Buồn ngủ
  • Lờ đờ
  • Thiếu tỉnh táo

Tác dụng phụ liên quan đến an thần không nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên, điều này ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh. Cách tốt nhất là sử dụng thuốc 1 lần/ ngày vào buổi tối để hạn chế các tác dụng phụ và có được giấc ngủ sâu hơn nhờ tác dụng an thần của thuốc.

3. Tác dụng phụ lên tim

Với cơ chế ức chế dopamine và alpha 1, thuốc chống loạn thần sẽ gây ra hàng loạt các tác dụng phụ lên tim mạch. Cụ thể, nhóm thuốc này làm giảm co bóp tim, tăng tốc độ lưu hành catecholamine, tiêu hủy enzyme co bóp trong tế bào cơ tim, kéo dài thời gian trơ của tế bào cơ tim, kéo dài thời gian dẫn truyền nhĩ thất,…

Các tác dụng phụ lên tim mạch có thể gặp phải khi dùng thuốc:

  • Hạ huyết áp
  • Thuyên tắc tĩnh mạch
  • Bệnh cơ tim
  • Rối loạn nhịp tim

Ngoài ra, một số trường hợp có thể đột tử trong thời gian dùng thuốc và nguyên nhân thường là do loạn nhịp tim, hội chứng ác tính, sốc tim, sốt ác tính và co giật. Chính vì vậy, những người có vấn đề về tim cần phải được xem xét kỹ lưỡng trước khi dùng thuốc.

4. Hạ huyết áp thế đứng

Dopamine không chỉ chi phối tâm trạng mà còn có tác dụng tăng co bóp cơ tim và kích thích tim. Với tác dụng ức chế dopamine và thụ thể alpha, thuốc chống loạn thần có thể gây hạ huyết áp thế đứng. Tác dụng phụ này thường sẽ xuất hiện trong vài ngày đầu sử dụng và sẽ thuyên giảm dần sau một thời gian.

Hạ huyết áp thế đứng có các biểu hiện như:

  • Nhìn mờ
  • Hoa mắt
  • Chóng mặt
  • Đau đầu
  • Đau mỏi không rõ ràng ở vùng vai gáy
  • Mệt mỏi
  • Lơ mơ
  • Ngất xỉu

Hạ huyết áp thế đứng là tác dụng phụ khó tránh khỏi khi sử dụng thuốc chống loạn thần. Để hạn chế tác dụng phụ này, bệnh nhân cần được hướng dẫn nên đứng dậy từ từ, bổ sung muối trong chế độ ăn, mang bít tất chặt, tránh rượu bia, caffeine hoặc có thể phải dùng một số loại thuốc hỗ trợ.

5. Tác dụng phụ do anticholinergic ngoại biên

Thuốc chống loạn thần có tác dụng ức chế acetylcholine – chất dẫn truyền thần kinh có trong hệ thần kinh trung ương và ngoại biên. Ở hệ thần kinh ngoại biên, acetylcholine giữ vai trò co bóp cơ tim, dạ dày vàchi phối mọi chuyển động của các cơ quan. Thuốc chống loạn thần có tác dụng anticholinergic ngoại biên nên sẽ gây ra các tác dụng phụ như:

  • Buồn, nôn mửa
  • Bí tiểu
  • Táo bón
  • Nhìn mờ
  • Giãn đồng tử
  • Khô miệng
  • Khô mũi

6. Tác dụng phụ huyết học

Trong thời gian sử dụng, thuốc chống loạn thần có thể gây ra các tác dụng phụ huyết học như:

  • Giảm bạch cầu hạt
  • Giảm tiểu cầu
  • Ban xuất huyết

Các tác dụng phụ huyết học ít gặp trong thời gian sử dụng thuốc và thường có mức độ nhẹ, có thể tự thuyên giảm.

7. Tác dụng phụ về da và mắt

Tác dụng phụ về da và mắt là tác dụng ngoại ý thường gặp khi sử dụng thuốc chống loạn thần. Hầu hết các tác dụng phụ này đều có thể cải thiện bằng một số biện pháp không dùng thuốc.

tác dụng phụ thuốc chống loạn thần
Trong thời gian dùng thuốc, bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng phụ về da và mắt

Các tác dụng phụ về da và mắt:

  • Nổi mẩn ngứa, phát ban, mụn nước và các đốm xuất huyết (thường xuất hiện trong những tuần đầu và có thể tự thuyên giảm)
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Viêm da dị ứng
  • Thay đổi màu da sang màu nâu vàng, màu nâu, sau đó chuyển sang màu đỏ tía, xanh, xám,… Tuy nhiên, tác dụng phụ này không ảnh hưởng đến sức khỏe và sẽ thuyên giảm sau khi được đổi loại thuốc khác.
  • Các tác dụng phụ về mắt thường là nhiễm sắc tố võng mạc bất hồi phục, lú lẫn về đêm, khó khăn khi nhìn vào ban đêm. Thậm chí, một số trường hợp có thể bị mù khi dùng thuốc nên phải kiểm soát chặt chẽ liều lượng sử dụng.

Để hạn chế tác dụng phụ về da và mắt, bệnh nhân cần tuân thủ liều lượng được bác sĩ chỉ định. Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp, thoa kem chống nắng và che chắn kỹ trước khi ra ngoài.

8. Các tác dụng phụ khác

Ngoài những tác dụng phụ trên, thuốc chống loạn thần cũng gây ra một số tác dụng ngoại ý khác như:

  • Giảm ngưỡng động kinh dẫn đến nguy cơ bị co giật –nhất là với người bệnh có tổn thương não và tiền sử động kinh.
  • Tác dụng phụ liên quan đến tăng tiết hormone prolactine như mất kinh, tăng tiết sữa, chứng vú to, bất lực ở nam giới và giảm ham muốn, khoái cảm tình dục ở nữ giới.
  • Vàng da do tăng men gan trong quá trình điều trị. Sau đó có thể xuất hiện một số tác dụng phụ khác như nổi ban đỏ và sốt nhẹ.
  • Tăng khả năng chuyển hóa dẫn đến tình trạng ăn uống quá mức và tăng cân.

Tương tác thuốc

Tương tác thuốc có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc chống loạn thần với các loại thuốc khác.

tác dụng phụ thuốc chống loạn thần
Dùng rượu bia trong thời gian điều trị có thể gia tăng tác dụng ức chế hệ thần kinh và gây ra nhiều tác dụng phụ

Một số loại thuốc được xác định có thể tương tác với các loại thuốc chống loạn thần bao gồm:

Một số lưu ý khi dùng thuốc chống loạn thần

Thuốc chống loạn thần được sử dụng phổ biến trong điều trị các rối loạn tâm thần, an thần trước khi phẫu thuật và giảm biểu hiện loạn thần do các bệnh lý nội khoa. Vì thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương nên tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ. Trước khi sử dụng thuốc chống loạn thần, cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Thông báo với bác sĩ các vấn đề sức khỏe đang gặp phải để được xem xét loại thuốc phù hợp. Ngoài ra, cần kiểm tra chức năng gan, thận và tim mạch trong suốt quá trình dùng thuốc.
  • Thuốc chống loạn thần gây ra khá nhiều tác dụng phụ trong quá trình sử dụng. Do đó, bệnh nhân và người nhà cần được trang bị thông tin về tác dụng phụ của thuốc để kịp thời phát hiện và xử trí.
  • Thuốc không được khuyến cáo sử dụng cho người cao tuổi do có nguy cơ mất trí nhớ, đột tử và đột quỵ. Ngoài ra, loại thuốc này còn gia tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường và rối loạn lipid máu.
  • Thuốc có tác dụng an thần nên làm giảm khả năng tập trung, đồng thời gây ra trạng thái lơ mơ và buồn ngủ trong thời gian sử dụng. Để đảm bảo an toàn, nên hạn chế điều khiển phương tiện giao thông và tránh làm việc trên cao. Ngoài ra, nên tránh đưa ra những quyết định quan trọng trong thời gian sử dụng thuốc chống loạn thần.
  • Không tự ý dùng thuốc chống loạn thần khi đang mang thai và cho con bú.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu
Thuốc chống loạn thần là nhóm thuốc quan trọng trong quá trình điều trị tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, các rối loạn phân liệt cảm xúc, trầm cảm có biểu hiện loạn thần,… Tuy nhiên, nhóm thuốc này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro và tác dụng phụ. Do đó, bệnh nhân và người nhà cần trang bị những thông tin cần thiết để kịp thời phát hiện và xử trí kịp thời.

Tham khảo thêm:

4.6/5 - (26 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *