Tâm lý bất ổn: Dấu hiệu và hướng khắc phục hiệu quả
Tâm lý bất ổn thường xảy ra sau khi trải qua những biến cố lớn trong cuộc sống hoặc phải chịu áp lực, căng thẳng trong thời gian dài. Những bất ổn về tâm lý sẽ gây xáo trộn cảm xúc, hành vi và suy nghĩ dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Tâm lý bất ổn là gì?
Tâm lý bất ổn là trạng thái tâm lý không ổn định, bất thường với sự xáo động của cảm xúc, hành vi và suy nghĩ (tư duy). Trong cuộc sống, sẽ có lúc bạn phải đối mặt với trạng thái này do căng thẳng, áp lực và những biến cố bất ngờ. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của sự việc cũng như khả năng chịu đựng stress của từng người, tâm lý bất ổn sẽ có biểu hiện và thời gian kéo dài khác nhau.
Trạng thái tâm lý không ổn định thường sẽ được điều chỉnh sau một thời gian. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp trạng thái này trở nên nghiêm trọng hơn dẫn đến nhiều vấn đề tâm lý như stress (căng thẳng), trầm cảm, rối loạn lo âu và các rối loạn tâm thần khác.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ stress và bất ổn tâm lý ngày càng gia tăng do áp lực của cuộc sống. Mặc dù các vấn đề tâm lý ngày càng phổ biến nhưng rất nhiều người chưa biết cách nhận diện cũng như cải thiện vấn đề mà bản thân đang gặp phải. Để có cơ thể khỏe mạnh toàn diện, ngoài những vấn đề về thể chất, bạn nên trang bị cho mình thông tin hữu ích về sức khỏe tinh thần nói chung và tâm lý bất ổn nói riêng.
Nguyên nhân khiến tâm lý bất ổn
Tâm lý được hiểu nôm na là hiện tượng tinh thần xảy ra bên trong cơ thể, đó có thể là hành vi, cảm xúc và suy nghĩ (tư duy). Những hiện tượng này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất cũng như chất lượng cuộc sống. Theo các chuyên gia tâm lý, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho tâm lý trở nên bất ổn. Trong đó phổ biến nhất là những nguyên nhân sau:
- Căng thẳng trong công việc
- Mâu thuẫn, xung đột trong gia đình
- Những thay đổi khi mang thai, sau khi sinh, dậy thì,…
- Áp lực tài chính
- Áp lực đồng trang lứa
- Liên tục đối mặt với nhiều biến cố như chia tay, mất người thân, thất nghiệp, tai nạn, đại dịch Covid,…
Nhìn chung, tất cả các yếu tố không thuận lợi trong cuộc sống đều có thể khiến cho tâm lý trở nên bất ổn. Tuy nhiên, một số người hoàn toàn có thể vượt qua những vấn đề trên mà tâm lý không bị ảnh hưởng nhiều. Nguyên nhân là do bản thân mỗi người sẽ có ngưỡng chịu đựng stress khác nhau.
Người có khả năng chịu đựng tốt sẽ dễ dàng đối mặt, vượt qua và nhanh chóng lấy lại tinh thần. Ngược lại, những người có tính cách yếu đuối, lòng tự trọng thấp, tự ti,… có thể phải mất một thời gian dài để đưa tâm lý trở về trạng thái ổn định. Do đó ngoài nguyên nhân trực tiếp là áp lực và stress, tâm lý bất ổn có thể hình thành khi có những yếu tố thuận lợi sau:
- Tính cách nhút nhát, khép kín, yếu đuối, nhạy cảm,…
- Chưa có nhiều kinh nghiệm sống, gia đình chiều chuộng và bảo bọc quá mức
- Cơ thể có một số vấn đề sức khỏe thể chất và tâm thần
Những yếu tố này làm gia tăng nguy cơ gặp phải tình trạng tâm lý bất ổn và nhiều vấn đề tâm lý khác.
Các dấu hiệu nhận biết tâm lý bất ổn
Tâm lý bất ổn biểu hiện qua nhiều dấu hiệu khác nhau. Tùy theo mức độ bất ổn, các triệu chứng ở từng người có thể không giống nhau. Tuy nhiên nhìn chung, tâm lý bất ổn đều gây ra những thay đổi tiêu cực về cảm xúc, hành vi và tư duy (suy nghĩ).
Tâm lý bất ổn có dấu hiệu khá đa dạng nhưng nhìn chung sẽ có những biểu hiện sau đây:
1. Tâm trạng thay đổi nhanh chóng
Một trong dấu hiệu rõ ràng nhất của tâm lý bất ổn là tâm trạng, cảm xúc không ổn định. Trong giai đoạn này, tâm trạng thường thay đổi nhanh chóng. Bạn có thể chuyển từ trạng thái vui vẻ, hào hứng sang trạng thái buồn bã, cáu gắt chỉ trong vài phút.
Tuy nhiên, bạn cần phân biệt thay đổi tâm trạng sinh lý do các nguyên nhân thông thường như mang thai, hành kinh,… với cảm xúc bất ổn do tâm lý. Nếu có liên quan đến tâm lý bất ổn, tình trạng này thường sẽ kéo dài trong nhiều ngày và mức độ cũng nghiêm trọng hơn so với các nguyên nhân sinh lý thông thường.
2. Cư xử, phản ứng khác với trước đây
Ở trạng thái tâm lý bất ổn, không chỉ cảm xúc mà hành vi và tư duy cũng có sự thay đổi. Đa phần những người bị bất ổn tâm lý đều hành xử khác với bình thường. Nếu như bình thường, bạn có thể dễ dàng đón nhận và xử lý những tình huống phát sinh thì ở trạng thái tâm lý bất ổn, bạn gần như “bùng nổ” và chọn cách nổi nóng, tức giận hoặc buông xuôi trước hoàn cảnh.
Trong trạng thái tâm lý bất ổn, đa phần mọi người đều rất dễ cáu kỉnh và nổi nóng. Bạn có thể giận dữ trong tất cả những tình huống không thuận lợi và hành xử hoàn toàn khác với tính cách trước đây. Biểu hiện này thường thấy ở người có tâm lý không ổn định sau khi trải qua những biến cố, áp lực trong cuộc sống như áp lực tài chính, mất người thân, tai nạn,…
3. Tinh thần bứt rứt, không thoải mái
Ở trạng thái tâm lý ổn định, bạn mới có thể có được tinh thần thoải mái tuyệt đối. Ngược lại, nếu tâm lý đang bất ổn, tinh thần luôn ở trong tình trạng bứt rứt và vô cùng khó chịu. Ngay cả khi không có vấn đề gì xảy ra, bạn vẫn không cảm thấy thoải mái và rất khó có thể trấn tĩnh bản thân nếu có những vấn đề phát sinh bất ngờ.
Trong giai đoạn này, tâm lý trở nên vô cùng nhạy cảm và bạn có thể hành xử khiến cho mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Nếu không có sự can thiệp và hỗ trợ kịp thời, các vấn đề trong cuộc sống có thể nghiêm trọng dần khiến cho sức khỏe thể chất và tinh thần bị suy kiệt.
4. Căng thẳng trong các mối quan hệ
Khi tâm lý bất ổn, những mối quan hệ xung quanh cũng trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Tất cả những tác động từ người khác đều có thể khiến bạn khó chịu. Nếu như trước đây, bạn dễ dàng thấu hiểu, đồng cảm và bỏ qua cho họ thì giờ đây, bạn trở nên gắt gỏng và liên tục xung đột với những người xung quanh.
Một số người còn tỏ ra khó chịu khi mọi người quan tâm quá nhiều đến mình. Trong giai đoạn này, tất cả các mối quan hệ đều có thể xảy ra mâu thuẫn và xung đột. Tuy nhiên nếu ổn định lại tinh thần nhanh chóng, các mối quan hệ sẽ dần được cải thiện và đối phương cũng sẽ dần hiểu hơn về tính cách, con người bạn.
5. Chán nản, mất cảm hứng
Tâm lý bất ổn thường đi kèm với hiện tượng chán nản, mệt mỏi và mất cảm hứng trong cuộc sống lẫn công việc. Não bộ chỉ có hoạt động tốt nếu tinh thần và thể chất ở trạng thái tốt nhất. Nếu tâm lý đang có nhiều xáo trộn, việc tập trung hoàn toàn cho công việc gần như là không thể.
Khi đang bất ổn, bạn hãy cố gắng hoàn thành công việc và xin nghỉ phép một thời gian để bản thân ổn định trở lại. Bởi những xáo trộn về mặt tâm lý có thể khiến bạn mệt mỏi, suy sụp – đặc biệt là khi phải đối mặt liên tục với áp lực công việc.
6. Thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt
Nhiều người không thể duy trì thói quen ăn uống và sinh hoạt khi tâm lý bất ổn. Những xáo trộn về cảm xúc, suy nghĩ và hành vi khiến bạn trở nên chán ăn, ăn uống không ngon miệng và thường xuyên mất ngủ. Nguyên nhân có thể là do hiện tượng tăng cortisol hoặc suy nghĩ quá nhiều khiến não bộ hoạt động và bị kích thích quá mức.
7. Không làm chủ được cảm xúc, hành vi
Trong trường hợp tâm lý bất ổn nghiêm trọng, bạn có thể không làm chủ được cảm xúc và hành vi của chính mình. Trong giai đoạn này, bạn sẽ thường xuyên cảm thấy cảm xúc như muốn bùng nổ. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng bạn không thể kiềm chế cơn giận cũng như cảm giác nóng nảy và cáu gắt.
Cảm xúc bùng nổ sẽ kéo theo những hành vi bất thường như gây hấn với người khác, thường xuyên có các hành vi tiêu cực để giải tỏa cảm xúc như đấm tay vào tường. Thậm chí một số người còn tự làm tổn thương bản thân để giải tỏa cảm xúc đang “chực chờ” bùng nổ.
8. Suy nghĩ tiêu cực
Trong giai đoạn tâm lý bất ổn và xáo trộn, suy nghĩ của bạn có xu hướng tiêu cực hơn so với bình thường. Mỗi một sự việc xảy ra trong giai đoạn này đều khiến cho bạn trở nên bi quan và thù ghét mọi thứ. Bạn cho rằng bản thân là người bất hạnh, kém may mắn, vô dụng và không có bất cứ thế mạnh nào.
Tâm lý bất ổn thể hiện rõ qua ba khía cạnh là suy nghĩ, hành vi và cảm xúc. Nếu nhận thấy cả ba khía cạnh này đều có sự xáo trộn, bạn nên có biện pháp ổn định lại tâm lý. Bởi tâm lý không ổn định có thể kéo theo nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe thể chất và tâm thần.
Ảnh hưởng của tâm lý bất ổn đối với sức khỏe và cuộc sống
Tâm lý có mối liên hệ mật thiết với sức khỏe tổng thể. Tất cả những xáo trộn liên quan đến tâm lý đều khiến cho sức khỏe và cuộc sống phải đối mặt với nhiều ảnh hưởng. Ảnh hưởng đầu tiên bạn có thể dễ dàng nhận thấy là tinh thần luôn căng thẳng, bứt rứt và rất khó có thể thoải mái hoàn toàn.
Ở trạng thái tâm lý bất ổn, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì sự tập trung và đảm bảo hiệu suất trong công việc. Nếu tình trạng không được cải thiện sớm, cả công việc và những khía cạnh như các mối quan hệ, tài chính,… đều sẽ xuất hiện vô số các vấn đề.
Bên cạnh đó, tâm lý bất ổn cũng sẽ kéo theo nhiều vấn đề sức khỏe như stress, đau đầu, mất ngủ, tiêu hóa kém, căng cơ,… Nghiêm trọng hơn, một số người có thể tìm đến rượu bia, thuốc lá và chất kích thích, thậm chí là có các hành vi tự hủy hoại để giải tỏa cảm xúc. Tâm lý bất ổn là tiền đề của nhiều vấn đề liên quan đến tâm lý, tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm,… Do đó, cần có hướng khắc phục kịp thời để điều chỉnh lại những xáo trộn về cảm xúc, suy nghĩ và hành vi.
Tâm lý bất ổn làm sao để khắc phục?
Tâm lý bất ổn gây ra nhiều hậu quả đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Để đưa tâm lý về trạng thái ổn định, bạn có thể áp dụng một số biện pháp khắc phục sau:
1. Quản lý, loại bỏ các yếu tố gây stress
Nguyên nhân dẫn đến tâm lý bất ổn là các tác nhân gây stress như công việc căng thẳng, không thuận lợi, áp lực tài chính, mâu thuẫn, xung đột trong các mối quan hệ, bản thân gặp phải các vấn đề sức khỏe,… Để ổn định lại tinh thần, bạn nên loại bỏ các yếu tố gây stress. Nên học cách loại bỏ những căng thẳng trong cuộc sống. Đây là cách giúp bạn giữ tinh thần ổn định và quản lý tốt hơn cảm xúc của chính mình.
Stress là một phần tất yếu trong cuộc sống. Vì vậy, cần trang bị cách đối mặt, thích nghi và quản lý các yếu tố này vì việc né tránh là điều không thể. Trước tiên, bạn cần xác định nguyên nhân khiến cho tinh thần bị xáo trộn và tìm ra giải pháp cho từng vấn đề. Trên thực tế, có một số vấn đề bạn không thể thay đổi. Trong trường hợp này, lời khuyên dành cho bạn là nên thay đổi suy nghĩ, đón nhận mọi việc với tinh thần lạc quan để có bình ổn lại tâm lý trong thời gian sớm nhất.
2. Tổ chức lại lối sống
Trong giai đoạn tâm lý bất ổn, rất khó để có thể duy trì lối sống lành mạnh. Tuy nhiên, lối sống thiếu khoa học sẽ khiến cho cả tinh thần và thể chất tụt dốc không phanh. Để có thể ổn định lại cảm xúc, suy nghĩ và hành vi, bạn nên tổ chức lại lối sống.
Lối sống khoa học giúp cải thiện tình trạng tâm lý bất ổn, xáo trộn:
- Cố gắng ngủ đúng giờ, đủ giấc, tránh thức khuya vì giấc ngủ có thể xoa dịu cảm xúc và giúp bạn bình tĩnh hơn trước những tình huống phát sinh trong cuộc sống.
- Tránh xa rượu bia, thuốc lá và chất kích thích.
- Ăn uống điều độ, ưu tiên các loại thực phẩm giúp cải thiện tâm trạng như rau xanh, sữa chua, trái cây, các loại ngũ cốc nguyên cám, cá, thịt trắng,… Chế độ dinh dưỡng cân bằng sẽ giúp nâng cao sức khỏe thể chất, đồng thời hỗ trợ cải thiện tinh thần và bình ổn lại cảm xúc.
- Nếu có thể, bạn nên dành 30 phút mỗi ngày để tập thể dục. Hoạt động thể chất giúp giải tỏa căng thẳng và ổn định lại cảm xúc. Bên cạnh đó, tập thể dục thường xuyên cũng giúp bạn ngủ ngon giấc và cải thiện được các vấn đề giấc ngủ có liên quan đến tâm lý bất ổn, stress,…
- Dành thời gian nghỉ ngơi, tránh làm việc quá 8 – 9 giờ/ ngày.
3. Trang bị các kỹ năng giảm căng thẳng
Như đã đề cập, căng thẳng thần kinh đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Thay vì trốn tránh, bạn cần trang bị cho bản thân những kỹ năng giải tỏa stress. Các biện pháp này sẽ giúp bạn giảm căng thẳng, áp lực, ổn định cảm xúc và nhanh chóng vượt qua những xáo trộn về mặt tâm lý.
Cải thiện tâm lý bất ổn bằng một số biện pháp giảm căng thẳng sau:
- Học cách hít thở sâu và ngồi thiền mỗi ngày. Cách này có thể giúp bạn giải tỏa stress và những cảm xúc tiêu cực như tức giận, nóng nảy, cáu gắt, buồn bã, chán nản,…
- Viết nhật ký là cách giải tỏa stress hữu hiệu bạn có thể thử. Thay vì giữ những suy nghĩ tiêu cực, hãy viết tất cả suy nghĩ của bản thân. Duy trì thói quen này sẽ giúp bạn nhanh ổn định lại tâm lý, đồng thời hiểu hơn về bản thân.
- Trong thời gian này, bạn nên dành nhiều thời gian cho bản thân. Nên yên tĩnh thư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng, có thể dùng thêm các loại trà thảo mộc có tác dụng an thần và giảm stress để nhanh chóng bình ổn lại tâm lý.
- Ngoài những cách trên, bạn cũng có thể thử một số cách giảm căng thẳng và bình ổn tâm lý như liệu pháp mùi hương, tắm nước ấm, massage, nghe nhạc tần số cao, chơi với thú cưng,…
- Để thư giãn tuyệt đối, bạn nên tránh xa mạng xã hội và gần gũi hơn với thiên nhiên. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thiên nhiên thực sự có hiệu quả trong việc giải tỏa cảm xúc tiêu cực và cải thiện những xáo trộn về mặt tâm lý.
Những biện pháp giải tỏa stress phần nào sẽ giúp bạn bình ổn lại tâm lý. Nếu kiên trì áp dụng kết hợp với lối sống lành mạnh, sức khỏe tinh thần sẽ được cải thiện dần theo thời gian.
4. Học cách chia sẻ
Khi đối mặt với biến cố và áp lực, một số người cảm thấy không thoải mái khi chia sẻ điều này với bạn bè và người thân. Lúc này, bạn có thể dành thời gian cho riêng mình để có thể suy ngẫm và lấy lại bình tĩnh. Khi cảm xúc đã ổn định hơn, bạn có thể chia sẻ những khó khăn mà bản thân phải đối mặt với gia đình và bạn thân.
Chia sẻ là cách để bạn gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực trong lòng. Hơn nữa, đây cũng là cách để bạn cảm nhận rõ những giá trị mà bản thân đang sở hữu, đó là sự quan tâm, yêu thương của những người xung quanh. Ngoài cách chia sẻ với người khác, bạn có thể viết nhật ký hoặc gọi điện thoại đến tổng đài tư vấn tâm lý để được chia sẻ câu chuyện của mình.
Việc nói ra những suy nghĩ giấu kín trong lòng sẽ giúp bạn cảm thấy nhẹ nhàng và dễ dàng đón nhận mọi việc đã xảy ra. Khi chia sẻ, lời khuyên từ những người xung quanh cũng sẽ giúp bạn có cái nhìn khách quan hơn, từ đó tìm ra giải pháp cho các vấn đề bản thân đang phải đối mặt.
5. Tìm sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý
Trong trường hợp không thể tự ổn định lại tâm lý, bạn nên tìm gặp chuyên gia tâm lý. Trên thực tế, những biến cố lớn trong cuộc sống như tai nạn, ly hôn, ly thân, mất người thân,… có thể khiến cho cảm xúc bị xáo trộn trong một thời gian dài. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, nhiều khả năng bạn sẽ phải đối mặt với trầm cảm và rối loạn lo âu.
Chuyên gia tâm lý sẽ giúp bạn lấy lại tinh thần, học cách chấp nhận những việc đã xảy ra và đón nhận chúng với thái độ tích cực nhất. Tư vấn tâm lý kịp thời có thể ngăn chặn những vấn đề tâm lý nghiêm trọng và giúp bạn lấy lại cuộc sống bình thường như trước đây.
Trong cuộc sống, sẽ có lúc bạn không tránh khỏi những bất ổn về mặt tâm lý. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bạn có thể đón nhận và biết cách cải thiện những bất thường về cảm xúc, hành vi, suy nghĩ,… của chính mình. Hy vọng qua những chia sẻ từ Tạp chí tâm lý học, bạn có thể tìm ra giải pháp cho vấn đề mà bản thân đang phải đối mặt.
Tham khảo thêm:
- Hay cáu gắt là do đâu? Là tính cách hay dấu hiệu của bệnh
- Cách kiểm soát cảm xúc sau những biến cố lớn
- Sang chấn tâm lý là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và cách chữa trị
- Cảm giác bản thân vô dụng, vô giá trị thì làm gì là tốt nhất?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!