Hội chứng nghiện nhổ tóc (Trichotillomania) là gì? Cách trị
Hội chứng nghiện nhổ tóc (Trichotillomania) là một dạng rối loạn tâm thần khiến người bệnh liên tục tự bứt tóc một cách vô thức và không thể kiểm soát được bởi điều này khiến họ cảm thấy thoải mái hơn. Căng thẳng tâm lý là nguyên nhân chính dẫn tới hội chứng này khiến người bệnh trở nên thiếu thẩm mỹ, tổn thương da đầu cùng rất nhiều hệ lụy tiêu cực khác.
Hội chứng nghiện nhổ tóc (Trichotillomania) là gì?
Bạn có bao giờ tự bứt một vài sợi tóc và bỗng nhiên cảm thấy thật “đã”, giống như bao nhiêu căng thẳng dường như tan biến, dần dần bạn trở nên vô thức tự bứt tóc chính mình mỗi khi thấy stress, bức bối, hoặc bất cứ thời điểm nào mà không thể tự kiểm soát? Nếu có các đặc điểm này, rất có thể bạn đã mắc phải hội chứng nghiện nhổ tóc – Trichotillomania.
Hội chứng nghiện nhổ tóc (Trichotillomania) là một dạng rối loạn tâm thần khá phổ biến, còn được gọi với những tên khác như nhổ tóc bệnh lý, hội chứng nghiện giật tóc hay rối loạn giật tóc. Người mắc hội chứng này thường có xu hướng nhổ tóc từ da đầu hoặc lông từ lông mày, lông mi và các vùng lông khác trên cơ thể một cách không kiểm soát, dẫn đến tình trạng rụng tóc, lông rõ rệt.
Thuật ngữ Trichotillomania có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ đại và được đề xuất bởi bác sĩ da liễu người Pháp François Henri Hallopeau, trong đó “trich” có nghĩa là lông hay tóc; “till” nghĩa là kéo giật và “mania” có nghĩa là điên rồ, cuồng nộ. Một số tài liệu cũng có thể sử dụng thuật ngữ trichotillosis.
Hầu hết mọi người đều không nhận ra bất thường cho tới khi tình trạng nhổ tóc gây ra những tác hại nghiêm trọng về mặt thẩm mỹ được thể hiện một cách rõ ràng. Một số người thậm chí còn chuyển sang nhổ lông tay, lông chân, lông mày hay nhổ râu ở nam giới, nói chung bất cứ vị trí nào cho phép họ kéo, vặn, xoắn, nhổ đều khiến cho họ cảm thấy dễ chịu.
Một thống kê cho thấy có đến 200.000 người tại Mỹ mắc tật nghiện nhổ tóc, tuy nhiên đa phần những người này thường luôn cố gắng giấu giếm, trốn tránh sự bất ổn của mình thay vì công khai vì cảm thấy lo lắng và xấu hổ. Đây là nguyên nhân khiến hội chứng nghiện nhổ tóc ngày càng tiến triển bất thường và gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Trichotillomania được một số chuyên gia là một rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD. Hội chứng nghiện nhổ tóc thuộc nhóm rối loạn bốc đồng và có các hành vi mang tính nghi thức ( cưỡng chế) đi kèm với hành vi bứt tóc. Do đó các chuyên gia đánh giá triệu chứng của hai dạng rối loạn này khá tương đồng, thậm chí có thể hoán đổi cho nhau và áp dụng biện pháp điều trị tương đương.
Mới đây Tật nhổ tóc cũng đã được phân loại vào nhóm rối loạn ám ảnh cưỡng chế trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần (DSM-5) phiên bản mới nhất. Tuy nhiên cần hiểu rằng, dù Trichotillomania có thể do ám ảnh cưỡng chế gây ra, nhưng chẩn đoán cuối cùng vẫn phải là Trichotillomania.
Đối tượng nguy cơ của hội chứng Trichotillomania
Hội chứng này thường có xu hướng xuất hiện ở nhóm trẻ 10-13 tuổi; hoặc ở đầu giai đoạn trưởng thành và ảnh hưởng đến khoảng 1-2% dân số thế giới, trong đó 80-90% đều là nữ giới.
Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Di truyền học: Nếu có người thân trong gia đình mắc hội chứng nghiện nhổ tóc hoặc các rối loạn ám ảnh cưỡng chế khác, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.
- Rối loạn tâm lý: Những người gặp phải căng thẳng, lo âu, hoặc trầm cảm có nguy cơ phát triển hội chứng nhổ tóc cao hơn. Một số người cũng có thể kèm theo các rối loạn khác như rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), hoặc các rối loạn hành vi khác.
- Tuổi dậy thì: Tuổi từ 10-13 là giai đoạn mà hội chứng này thường khởi phát, có thể do các thay đổi hormone và áp lực tâm lý trong giai đoạn này.
Việc nhận biết sớm các dấu hiệu và tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý có thể giúp kiểm soát và điều trị hiệu quả hội chứng này.
Dấu hiệu hội chứng nghiện nhổ tóc
Các hành vi nhổ tóc thường bắt đầu từ thói quen của người bệnh, sau đó mới phát triển thành hội chứng nghiện nhổ tóc, đặc biệt nếu có các yếu tố căng thẳng, stress tác động. Từ các hành vi có ý thức, Trichotillomania phát triển thành các hành vi vô thức, người bệnh tự động thực hiện một cách không kiểm soát, đôi khi chính họ cũng không nhận ra mình vừa làm như thế.
Một số dấu hiệu đặc trưng của hội chứng nghiện nhổ tóc bao gồm
- Liên tục lặp lại các hành vi nhổ tóc, bứt tóc không kiểm soát; có thể thực hiện trong bất cứ thời điểm nào, không gian nào, hoàn cảnh nào
- Không ý thức được hành vi nhổ tóc nên cũng hầu như không thể ngăn cản bản thân nhổ tóc
- Không chỉ tóc, người mắc Trichotillomania còn có xu hướng bứt cả lông mi, lông mày, râu hay lông tay, lông chân. Thậm chí những người nghiện nhổ tóc có thể bứt lông động vật hay tóc của búp bê đồ chơi, lông từ quần áo, hay kéo các loại sợi tuy nhiên vẫn không thể cho họ cảm giác thả lỏng bằng việc nhổ tóc mình
- Thường trong trạng thái căng thẳng trước khi nhổ tóc hoặc bứt rứt không yên nếu chống lại hành vi này
- Cảm giác thoải mái, thả lỏng, nhẹ nhõm, kích thích, vui vẻ, hào hứng xuất hiện sau mỗi lần nhổ tóc, đây cũng là yếu tố không họ không thể ngừng được cảm giác muốn bứt tóc
- Hầu hết những người mắc hội chứng nghiện nhổ tóc cũng kèm theo các tình trạng như nghiện cắn móng tay, cắn môi hay cấu vào da
- Một số hành vi cưỡng chế xuất hiện kèm theo, chẳng hạn kiểm tra chân tóc; tìm kiếm một loại tóc đặc biệt ( tóc trắng, tóc xoăn, tóc ngứa .. bởi việc vô tình nhổ những sợi tóc này thường khiến họ dễ chịu hơn những loại tóc bình thường); đảm bảo việc nhổ tóc phải được thực hiện theo một quy trình, chuẩn mực riêng của mình, chẳng hạn một số bệnh nhân nữ có tóc dài nên có xu hướng cuốn tóc vào ngón tay trước khi nhổ, kéo tóc xuống răng để cắn…
- Ở trẻ em, chúng thường sử dụng tay thuận và nhổ tóc ở các vị trí thấp, dễ với tay, chẳng hạn như trán, thái dương..
- Quan sát những người mắc hội chứng nghiện nhổ tóc sẽ có những vết xước, bầm máu hoặc đỏ da ở trên đầu do tổn thương nang lông liên tục
- Có thể xuất hiện tình trạng rối loạn nhịp tim trong một vài trường hợp ( tuy nhiên đây là hệ quả từ trạng thái căng thẳng kéo dài, không xuất phát từ Trichotillomania một cách trực tiếp)
- Do ảnh hưởng từ một số vấn đề tâm lý, tinh thần căng thẳng nên những người này cũng có thể xuất hiện các xu hướng tự cô lập bản thân
- Người mắc Trichotillomania trong thời gian dài có thể có xu hướng dùng tóc giả hay đội mũ để che dấu những mảng hói trên da đầu
- Cảm thấy rằng việc nhổ tóc không làm ảnh hưởng đến sức khỏe hay các hoạt động trong đời sống xã hội khác nên không ngừng được việc thực hiện
Bản thân người bệnh thường không tự ý thức được các hành vi của bản thân là nguy hiểm, đặc biệt nếu hội chứng nghiện nhổ tóc xuất hiện trên trẻ nhỏ. Mặt khác một số người có thể ý thức được các hành vi của mình là bất thường nhưng không thể nào kiểm soát được, mỗi khi họ giật mình nhận ra thì đều thấy bản thân đã tự nhổ tóc xong rồi.
Nguyên nhân hội chứng nghiện nhổ tóc
Một số người bệnh cho biết, ban đầu họ cảm thấy da đầu bớt ngứa và thoải mái hơn nếu vô tình nhổ được những “sợi tóc ngứa”, dần dần họ trở thành thói quen, mỗi khi cảm thấy bứt rứt, khó chịu. Tuy nhiên để hình thành Trichotillomania, cần có một vài yếu tố khác tác động, đa phần đều liên quan sự căng thẳng trong tâm lý.
Tất nhiên cơ chế bệnh sinh của hội chứng nghiện nhổ tóc vẫn chưa được xác minh một cách rõ ràng, đây là vấn đề chung trong hầu hết các dạng rối loạn lo âu. Tuy nhiên các chuyên gia cũng đã chỉ ra các yếu tố có nguy cơ cao làm bùng phát các triệu chứng Trichotillomania bao gồm
- Gen: Một vài nghiên cứu khoa học trong những năm gần đây đã tìm thấy một gen chung phổ biến ở các bệnh nhân mắc hội chứng nghiện nhổ tóc. Gen này giống một gen có tính chất “gây nghiện”, có khả năng di truyền qua nhiều thế hệ. Bởi vậy nếu trong gia đình có người mắc Trichotillomania thì tỷ lệ những thế hệ sau đó mắc bệnh cũng rất cao.
- Căng thẳng tâm lý: Hầu hết những người được chẩn đoán mắc tật nhổ tóc đều công nhận họ đã rơi vào trạng thái căng thẳng, stress, lo âu trong suốt một thời gian dài. Cảm giác bứt tóc thật sự giúp họ có cảm giác thoải mái, thả lỏng, thư giãn nên mới không kiểm soát được việc thực hiện. Các chuyên gia cho biết, cảm giác đau có thể làm áp chế cảm giác căng thẳng, lo âu nên hầu hết những người bị stress nặng đều có xu hướng tự làm đau bản thân.
- Những bất thường trong não bộ: một số nghiên cứu cũng chỉ ra có những bất thường trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thần kinh và não bộ, chẳng hạn như sự tăng/ giảm bất thường của một số chất dẫn truyền thần kinh cũng là nguyên nhân kích thích người bệnh có xu hướng bứt tóc không kiểm soát
- Các rối loạn tâm lý – tâm thần khác: hội chứng nghiện nhổ tóc cũng được cho là hệ quả từ một số dạng rối loạn tâm thần khác, chẳng hạn như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn sử dụng chất, rối loạn stress sau sang chấn,…
- Một số yếu tố khác: tuổi tác ( chủ yếu trong độ tuổi đầu niên thiếu); giới tính ( đa phần là nữ giới); người có tính cách hướng nội ( một số ý kiến cho rằng người hướng nội không muốn cảm xúc của mình làm phiền đến những người xung quanh nên mới có xu hướng làm tổn thương bản thân để giải tỏa) cũng là một số yếu làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Cần hiểu rằng rối loạn giật tóc do không do các nguyên nhân ám ảnh hoặc căng thẳng về ngoại hình (rối loạn khiếm khuyết cơ thể), tuy nhiên sau đó vẫn có thể phát triển thành hội chứng này.
Tác hại của hội chứng nghiện nhổ tóc
Trichotillomania là một dạng rối loạn tâm thần được phân loại trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần (DSM-5) có thể gây ra bất nhiều hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh đời sống của người bệnh. Tuy nhiên hầu các biểu hiện của hội chứng nghiện nhổ tóc trong thời gian đầu đều bị bỏ qua, chỉ khi nó tiến triển với mức độ nghiêm trọng hơn mới bắt đầu phát hiện.
Một số tác hại do hội chứng nghiện nhổ tóc gây ra bao gồm
- Ảnh hưởng về thẩm mỹ: việc nhổ tóc liên tục không kiểm soát khiến người bệnh mất thẩm mỹ nghiêm trọng, da đầu hói thành từng mảng và sưng tấy do tổn thương lỗ chân lông. Mái tóc lởm chởm sẽ khiến các cô nàng ngày càng trở nên thiếu tự tin về ngoại hình, thậm chí là bị bạn bè trêu chọc
- Các vấn đề về da: tổn thương lỗ chân lông liên tục cùng việc sử dụng các loại hóa chất ( dầu gội, dầu xả hay có thể là nhuộm tóc) sẽ khiến da đầu bị viêm nhiễm nghiêm trọng dẫn tới tình trạng xót hoặc sưng tấy da đầu.
- Biến chứng thành Trichotillophagia: theo các chuyên gia, hội chứng nghiện nhổ tóc có thể biến chứng thành Trichotillophagia – hội chứng ăn tóc. Nhiều người nhổ tóc xong liền ăn tóc, dẫn tới các hệ lụy nguy hiểm cho các cơ quan hệ tiêu hóa, thậm chí có nguy cơ thủng dạ dày.
- Tăng nguy cơ các rối loạn tâm thần: Trichotillomania kéo dài cũng làm tăng nguy mắc các dạng rối loạn tâm lý khác, chẳng hạn như trầm cảm, rối loạn lo âu, gia tăng mức độ căng thẳng và nguy cơ tự sát. Do xấu hổ về ngoại hình nên những người này cũng có xu hướng không muốn ra ngoài, tự cô lập bản thân với xã hội nên mức độ căng thẳng càng không thể giải tỏa.
- Ảnh hưởng đến các hoạt động trong đời sống: Trichotillomania khiến người bệnh hầu như không thể tập trung vào bất cứ điều gì hoàn toàn, dẫn tới thường trễ nải trong học tập, công việc. Người trưởng thành nếu làm các công việc cần ngoại hình, nấu nướng cũng hầu như không thể tiếp tục. Mặt khác những vấn đề về ngoại hình cũng rất dễ khiến người bệnh bị bạn bè trêu chọc, xấu hổ làm ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng các mối quan hệ.
Các chuyên gia đánh giá hội chứng nghiện nhổ tóc thường có xu hướng kéo dài mãn tính và bản thân người bệnh cũng luôn tìm cách giấu giếm bệnh. Do đó hầu hết các trường hợp khi được phát hiện đều kèm theo rất nhiều biến chứng nghiêm trọng nên tuyệt đối không được chủ quan.
Biện pháp chẩn đoán Trichotillomania
Chẩn đoán hội chứng nghiện nhổ tóc (trichotillomania) thường dựa trên việc đánh giá lâm sàng của bác sĩ tâm lý hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần. Các bước chẩn đoán thường bao gồm:
Đánh giá triệu chứng: Bác sĩ sẽ hỏi về thói quen nhổ tóc, bao gồm tần suất, vị trí nhổ tóc, và mức độ nghiêm trọng của việc rụng tóc. Các triệu chứng phổ biến bao gồm rụng tóc rõ rệt trên da đầu, lông mày hoặc các khu vực khác của cơ thể.
Tiêu chuẩn chẩn đoán: Theo DSM-5 (Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần), để chẩn đoán trichotillomania, các triệu chứng phải đáp ứng các tiêu chí sau:
- Nhổ tóc lặp đi lặp lại, dẫn đến rụng tóc có thể nhìn thấy.
- Cố gắng nhưng không thành công trong việc giảm hoặc ngừng nhổ tóc.
- Hành vi này gây ra sự đau khổ hoặc suy giảm chức năng trong công việc, xã hội, hoặc các lĩnh vực quan trọng khác của cuộc sống.
- Hành vi này không thể được giải thích bằng các rối loạn tâm thần khác hoặc một tình trạng y tế khác (như rụng tóc do bệnh lý da liễu).
Đánh giá tâm lý: Bác sĩ có thể thực hiện các bài kiểm tra tâm lý để đánh giá mức độ lo âu, căng thẳng, hoặc các rối loạn tâm thần khác có thể liên quan.
Loại trừ các nguyên nhân khác: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cần thực hiện các xét nghiệm y tế hoặc gửi bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa khác để loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây rụng tóc, chẳng hạn như các rối loạn da liễu.
Quá trình chẩn đoán cần phải chi tiết và toàn diện để đảm bảo rằng trichotillomania được phân biệt rõ ràng với các rối loạn khác và để xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp.
Biện pháp điều trị hội chứng nghiện nhổ tóc
Cần thực hiện một số chẩn đoán chuyên môn để xác định chính xác hội chứng nghiện nhổ tóc, tránh nguy cơ nhầm lẫn với một số rối loạn tâm thần khác. Bác sĩ cần thực hiện các biện pháp thăm khám lâm sàng để xác định các mảng trống trên da đầu là do rụng tóc hay thực sự do việc bứt tóc. Xét nghiệm máu hay
Bác sĩ cũng có thể quan sát các phản ứng, hành vi hay cảm xúc của người bệnh họ giật tóc; tình trạng tâm lý hiện tại để xác định liệu có liên quan đến các rối loạn tâm lý không. Chẳng hạn hỏi người bệnh có cảm thấy hạnh phúc, thoải mái, thả lỏng hơn khi bứt tóc hay không.
Thực tế hiện nay vẫn chưa có bất cứ phương pháp nào được công nhận là đặc trị cho hội chứng nghiện nhổ tóc. Để điều trị dứt điểm hội chứng này cần phải kết hợp nhiều yếu tố, đặc biệt là sự quyết tâm của người bệnh, quyết tâm vượt lên chính mình để chiến thắng “thói quen” vô bổ của bản thân.
Trị liệu tâm lý
Hội chứng nghiện nhổ tóc là một dạng rối loạn tâm thần và các liệu pháp tâm lý trị liệu thường được chỉ định phổ biến nhất nhằm mục tiêu chính là điều chỉnh lại nhận thức, hành vi không phù hợp của người bệnh. Nhà trị liệu cần đi sâu vào tâm thức để tìm hiểu nguồn gốc gây bệnh, từ đó xây dựng lộ trình can thiệp điều trị phù hợp nhất.
Giáo dục tâm lý hành vi được đánh giá cực kỳ hữu ích cho Trichotillomania, đặc biệt nếu là trẻ nhỏ. Một số liệu pháp được đánh giá có ích cho người mắc hội chứng nghiện nhổ tóc như
- Đảo ngược thói quen (HRT): được đánh giá là nhận thức – tâm lý có kết quả tích cực nhất với những người mắc hội chứng nghiện nhổ tóc. Mục tiêu của phương pháp này là giúp người bệnh ý thức được về tình trạng của mình và hướng dẫn các hành vi khác lành mạnh thay thế, từ đó loại bỏ dần thói quen này.
- Liệu pháp trị liệu hành vi nhận thức (CBT): Nhằm mục đích giúp người bệnh thư giãn, hiểu hơn về tình trạng sức khỏe tâm lý của bản thân. Chuyên gia tâm lý sẽ hướng tới việc thay thế, điều chỉnh tư duy tiêu cực trong Trichotillomania bằng những nhận thức đúng đắn, tích cực hơn.
- Liệu pháp thư giãn: hội chứng nghiện nhổ tóc đa phần xuất phát từ những căng thẳng trong tâm trí, do đó chuyên gia cũng cần hướng dẫn người bệnh những biện pháp thư giãn, đối mặt với căng thẳng để vượt qua các trạng thái kích thích tâm lý nếu có ở cả hiện tại lẫn tương lai.
- Liệu pháp nhóm và hỗ trợ đồng đẳng: nhà trị liệu có thể thiết lập các nhóm với những người có cùng tình trạng để các bệnh nhân có thể hỗ trợ qua lại, giúp đỡ nhau, chia sẻ với nhau về suy nghĩ hay cảm xúc, từ đó vượt qua trạng thái này một cách có hiệu quả.
Các kết quả đánh giá trên thực tế đều cho thấy, các liệu pháp tâm lý thực sự có ích với những người mắc hội chứng nghiện nhổ tóc. Người bệnh cũng được khuyến khích nên sống cùng người thân và gia đình để được kiểm soát các triệu chứng phù hợp. Gia đình cũng được đề nghị trao đổi với nhà trị liệu tâm lý để biết cách chăm sóc hỗ trợ người bệnh tại nhà đúng hướng.
Điều trị hóa dược
Một số loại thuốc có thể được đề nghị cho người bệnh nhằm mục đích xoa dịu tâm trí, cảm xúc, kiểm soát được các hành vi thôi thúc bứt tóc tạm thời. Không có thuốc đặc trị cho hội chứng nghiện nhổ tóc mà chỉ có thể làm trấn an, giảm mức độ các triệu chứng khác xuất hiện, từ đó giảm tần suất các hành vi nhổ tóc đáng kể.
Các nhóm thuốc được chỉ định sử dụng phổ biến cho hội chứng Trichotillomania bao gồm
- Chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng, chẳng hạn như Clomipramine
- Thuốc chẹn Dopamine nồng độ thấp
- Thuốc chống loạn thần không điển hình, chẳng hạn như Olanzapine
- N-acetylcysteine (một dạng chất chủ vận glutamatergic) được đánh giá có thể gây ra phản ứng tích cực với người trưởng thành, nhưng có thể không phù hợp với trẻ em
- Thuốc chống co giật cũng có thể được chỉ định trong một vài trường hợp
Việc dùng thuốc đôi khi có thể gây ra một vài tác dụng phụ không mong muốn, chẳng hạn mệt mỏi hay uể oải hơn. Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối liều dùng, cách dùng được ghi chép trong đơn thuốc của bác sĩ chuyên môn để đảm bảo việc điều trị đạt kết quả khả quan nhất.
Các biện pháp tự kiểm soát tại nhà
Với hội chứng nghiện nhổ tóc, bên cạnh các biện pháp điều trị với bác sĩ và các liệu pháp tâm lý, sự quyết tâm của người bệnh là cực kỳ quan trọng. Nhiều người dù dùng thuốc hay làm việc với chuyên gia trị liệu nhưng vẫn nghĩ rằng “chỉ nhổ tóc thêm một nữa chắc sẽ không sao” thì sẽ không thể nào vượt qua được nỗi ám ảnh của chính mình.
Bác sĩ và các chuyên gia khuyến khích một số biện pháp có thể giúp ích để vượt qua cảm giác muốn bứt tóc ở hội chứng Trichotillomania như
- Hạn chế việc để tay ngưng hoạt động, điều này có thể vô thức làm tay tự đưa lên bứt tóc. Làm các công việc cần sử dụng tay nhiều, cầm nắm đồ đạc có thể làm giảm ham muốn bứt tóc đáng kể
- Nếu đang rơi vào trạng thái muốn giật tóc, có thể nắm chặt bàn tay hoặc sử dụng các loại bóng bóp tay ( chẳng hạn bóng thường dùng trong vật lý trị liệu chức năng cho tay)
- Chia sẻ nỗi lo lắng của bản thân với những người xung quanh để tìm sự trợ giúp. Chẳng hạn nếu bạn đang cảm thấy muốn bứt tóc thì việc nói chuyện với một ai đó có thể làm giảm nhu cầu này
- Người mắc hội chứng nghiện nhổ tóc nên tham khảo các liệu pháp thư giãn, chẳng hạn như thiền, yoga để học các kiểm soát cảm xúc, thư giãn, điều chỉnh nhận thức của bản thân theo hướng lành mạnh hơn
- Chuyển hướng sự chú ý của tâm trí để không nghĩ đến việc bứt tóc, chẳng hạn tập trung đọc một cuốn sách, đi dạo, nhảy nhót theo âm nhạc..
- Tránh xa bia rượu, thuốc lá hay các loại chất kích thích bởi những chất này có thể kích thích căng thẳng và muốn giựt tóc hơn
- Duy trì thói quen vận động hằng ngày, đảm bảo nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc để tinh thần sớm hồi phục về trạng thái cân bằng, thư giãn
Cách phòng ngừa hội chứng nghiện giật tóc
Hiện tại, không có phương pháp phòng ngừa hoàn toàn cho hội chứng nhổ tóc (trichotillomania) do nguyên nhân của nó còn chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Tuy nhiên, có một số biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ phát triển hoặc kiểm soát triệu chứng của hội chứng này:
- Quản lý căng thẳng và lo âu: Do căng thẳng và lo âu có thể làm tăng nguy cơ nhổ tóc, việc học các kỹ thuật quản lý căng thẳng như thiền, yoga, và các phương pháp thư giãn khác có thể giúp giảm thiểu hành vi này.
- Xây dựng nhận thức về hành vi: Việc nhận ra các tình huống hoặc cảm xúc gây ra hành vi nhổ tóc và tìm cách tránh hoặc kiểm soát chúng có thể giúp giảm nguy cơ. Thực hành liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) đặc biệt là liệu pháp đảo ngược thói quen, có thể giúp người bệnh học cách kiểm soát hành vi của mình.
- Hỗ trợ từ môi trường xung quanh: Gia đình và bạn bè có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người mắc hội chứng trichotillomania bằng cách khuyến khích các thói quen lành mạnh và động viên tinh thần.
- Chăm sóc tâm lý thường xuyên: Tham gia các buổi tư vấn tâm lý thường xuyên với các chuyên gia tâm lý có thể giúp ngăn chặn hành vi nghiện nhổ tóc trước khi nó trở thành một thói quen khó kiểm soát.
- Giữ cho tay bận rộn: Sử dụng các phương pháp thay thế để giữ cho tay bận rộn như chơi đàn, đan lát, vẽ tranh, hoặc các hoạt động tương tự có thể giúp ngăn chặn hành vi nhổ tóc.
Những biện pháp này chủ yếu giúp quản lý triệu chứng và giảm tần suất hành vi nhổ tóc, thay vì phòng ngừa hoàn toàn bệnh lý này
Hội chứng nghiện nhổ tóc (Trichotillomania) có thể được cải thiện nếu người bệnh duy trì thói quen sống lành mạnh và tuân thủ đúng hướng dẫn, chỉ định từ bác sĩ, chuyên gia tâm lý. Hội chứng nghiện nhổ tóc có thể gây ra nhiều hệ lụy khó lường nên bất cứ ai phát hiện bản thân hay người xung quanh đang có hành vi này cần nhanh chóng thăm khám và có biện pháp can thiệp càng sớm càng tốt.
Nguồn tham khảo: msdmanuals.com, nhs.uk/mental-health/conditions/trichotillomania/
Có thể bạn quan tâm:
- Hội chứng ám ảnh cân nặng – Nguy cơ rối loạn ăn uống
- Hội chứng sợ ánh sáng (Heliophobia) là gì? Cách vượt qua
- Chứng sợ gương (Catoptrophobia): Làm gì để vượt qua?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!