Làm sao để kiếm soát chứng rối loạn lưỡng cực?
Rối loạn lưỡng cực là bệnh mãn tính, có tính chất tái phát, tái diễn thường xuyên và tiến triển suốt đời. Vì lý do này, bệnh nhân học cách kiểm soát rối loạn lưỡng cực để bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hướng dẫn cách kiểm soát rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực là một trong những dạng rối loạn cảm xúc thường gặp với tỷ lệ mắc bệnh khoảng 1% dân số thế giới. Bệnh lý này đặc trưng bởi các giai đoạn rối loạn hưng cảm, hưng cảm nhẹ, trầm cảm hoặc giai đoạn hỗn hợp. Bệnh khởi phát chủ yếu ở người từ 20 – 40 tuổi với tỷ lệ đồng đều ở cả nam và nữ giới.
Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra căn nguyên của rối loạn lưỡng cực. Qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia ủng hộ giả thuyết bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền và sự mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ.
Hiện nay, chưa có phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm bệnh rối loạn lưỡng cực. Do đó, bệnh nhân sẽ phải điều trị suốt đời. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị hiện nay cũng chỉ có thể hạn chế tỷ lệ bệnh tái phát và không thể ngăn chặn bệnh hoàn toàn. Vì lý do này, bệnh nhân cần kết hợp thêm với các biện pháp chăm sóc để kiểm soát thành công rối loạn lưỡng cực.
Rối loạn lưỡng cực ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống. Sau mỗi đợt bệnh tái phát, cuộc sống của bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề như mất việc, thu nhập không ổn định, gia tăng mâu thuẫn trong các mối quan hệ,… Do đó, học cách kiểm soát rối loạn lưỡng cực là vô cùng cần thiết.
Dưới đây là những cách đơn giản giúp bệnh nhân quản lý và kiểm soát hiệu quả chứng rối loạn lưỡng cực:
1. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn
Sử dụng thuốc là phương pháp chính trong điều trị rối loạn lưỡng cực. Thuốc được dùng trong cả giai đoạn tấn công và giai đoạn điều trị củng cố. Loại thuốc được sử dụng sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, độ tuổi và mức độ đáp ứng của từng bệnh nhân.
Sử dụng thuốc giúp cắt nhanh các cơn rối loạn cảm xúc bao gồm trầm cảm, hưng cảm, hưng cảm nhẹ và giai đoạn hỗn hợp. Sau đó, bác sĩ sẽ giảm liều và chỉ cho bệnh nhân dùng một nhóm thuốc để phòng ngừa tái phát. Hiện tại, dùng thuốc đều đặn chính là cách hiệu quả nhất có thể kiểm soát chứng rối loạn lưỡng cực.
Dù vậy, sử dụng thuốc chỉ có thể hạn chế nguy cơ tái phát nên bệnh nhân vẫn có thể tái phát bệnh. Tuy nhiên, tần suất tái phát và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng sẽ thuyên giảm đáng kể so với những trường hợp không điều trị củng cố.
Theo thống kê, khoảng 90% bệnh nhân đều tái phát bệnh khi ngưng thuốc. Ngược lại, những trường hợp điều trị củng cố theo đúng chỉ định sẽ có thời gian ổn định bệnh kéo dài, bệnh ít tái phát và mức độ cũng ít nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, sử dụng thuốc cũng tạo điều kiện để bệnh nhân ổn định tinh thần và phục hồi các chức năng cần thiết cho cuộc sống.
2. Can thiệp trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý là một phần của kế hoạch điều trị rối loạn lưỡng cực. Trong điều trị tấn công, liệu pháp này thường chỉ được áp dụng cho giai đoạn trầm cảm. Sau khi các cơn rối loạn cảm xúc được kiểm soát, bệnh nhân cũng có thể được trị liệu tâm lý để ổn định tâm trạng, thay đổi nhận thức sai lệch và các hành vi không phù hợp.
Sau các cơn trầm cảm, chuyên gia sẽ tập trung giúp bệnh nhân nâng cao sự tự tin, lòng tự trọng để tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong cuộc sống. Chuyên gia cũng sẽ giúp người bệnh nhận ra giá trị của bản thân và học cách phát huy năng lực trong công việc.
Sau cơn hưng cảm, chuyên gia sẽ giúp bệnh nhân nhận thức được hậu quả của các hành vi liều lĩnh, học cách kiềm chế cảm xúc và hành vi. Chuyên gia cũng sẽ hướng người bệnh đến những mục tiêu thực tế thay vì đặt ra các mục tiêu, kế hoạch vĩ mô không thể thực hiện.
Ngoài ra, bệnh nhân rối loạn lưỡng cực cũng sẽ được trị liệu gia đình và trị liệu theo nhóm. Đối với trị liệu gia đình, chuyên gia sẽ giúp người bệnh nhận ra vai trò của gia đình, cảm nhận được tình cảm và sự quan tâm của những người xung quanh. Liệu pháp này cũng giúp những thành viên trong gia đình biết cách ứng xử để tránh làm tổn thương tâm lý của người bệnh.
Những bệnh nhân rối loạn lưỡng cực tham gia trị liệu tâm lý thường dễ dàng hòa nhập và ổn định cuộc sống. Ngược lại, bệnh nhân không can thiệp trị liệu sẽ bị tái phát bệnh thường xuyên. Đồng thời gặp không ít khó khăn trong công việc, các mối quan hệ và những khía cạnh khác của cuộc sống.
3. Trang bị kỹ năng giải tỏa căng thẳng
Căng thẳng được xem là yếu tố làm tái phát hoặc làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh rối loạn lưỡng cực. Do đó, bệnh nhân nên trang bị kỹ năng giải tỏa căng thẳng để kiểm soát bệnh thành công.
Có khá nhiều cách kiểm soát stress, bệnh nhân rối loạn lưỡng cực có thể áp dụng những cách đơn giản sau:
- Ngồi thiền được xem là biện pháp giảm stress hữu hiệu. Trong trạng thái thiền, tâm trí sẽ được thư giãn, từ đó giúp giải tỏa những phiền muộn và căng thẳng trong cuộc sống. Hơn nữa, ngồi thiền còn giúp điều hòa các cơ quan trong cơ thể và giảm những triệu chứng thể chất do rối loạn lưỡng cực gây ra.
- Dành thời gian nghỉ ngơi sau những giờ làm việc căng thẳng. Nếu bị rối loạn lưỡng cực hoặc các rối loạn tâm thần khác, bệnh nhân nên tránh làm việc cường độ cao, lựa chọn những công việc có giờ giấc ổn định và chỉ nên làm việc từ 6 – 8 giờ đồng hồ/ ngày.
- Massage, bấm huyệt cũng giúp giảm căng thẳng hiệu quả. Ngoài ra, các biện pháp này còn giúp cải thiện tình trạng căng cơ gây đau mỏi vai gáy và đau nửa đầu.
- Bệnh nhân cũng có thể uống trà thảo mộc, viết nhật ký, chăm sóc cây cối, thú cưng, áp dụng liệu pháp mùi hương,… để giải tỏa căng thẳng, phiền muộn.
Giải tỏa stress kịp thời giúp giảm đáng kể các triệu chứng của rối loạn lưỡng cực. Ngoài ra, học cách kiểm soát căng thẳng cũng giúp hạn chế nguy cơ bệnh tái phát, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
4. Học cách đối phó với những tình huống không thuận lợi
Những tình huống không thuận lợi trong cuộc sống sẽ khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái căng thẳng, muộn phiền, lo lắng, bi quan,… Bên cạnh việc giải tỏa cảm xúc tiêu cực, bệnh nhân cần chủ động đối phó với những tình huống này. Có như vậy, sức khỏe tinh thần của người bệnh mới ổn định lâu dài và hạn chế tối đa tái phát bệnh.
Kỹ năng đối phó với những tình huống không thuận lợi sẽ được chuyên gia tâm lý hướng dẫn trong quá trình trị liệu. Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống với mọi người để được đồng cảm, thấu hiểu và đưa ra lời khuyên hữu ích. Kinh nghiệm sống của những người xung quanh sẽ giúp bệnh nhân nhìn nhận sự việc khách quan hơn, từ đó tìm ra phương án và cách giải quyết phù hợp nhất.
5. Đảm bảo chất lượng giấc ngủ
Các chuyên gia nhận thấy, giấc ngủ ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Ở bệnh nhân rối loạn lưỡng cực, sự thay đổi bất thường của giấc ngủ (thời gian ngủ, chất lượng giấc ngủ,…) có thể là điều kiện để bệnh tái phát. Trên thực tế, những bệnh nhân bị mất ngủ kéo dài sẽ tái phát giai đoạn hưng cảm, hưng cảm nhẹ hoặc giai đoạn hỗn hợp cách đó không lâu.
Hơn nữa, chất lượng giấc ngủ thấp đồng nghĩa với việc bệnh nhân dễ bị suy nhược, ăn uống kém, giảm khả năng tập trung, ghi nhớ,… Ngoài ra, mất ngủ thường xuyên cũng làm gia tăng mức độ căng thẳng, buồn bã trong các cơn trầm cảm. Thông thường, bệnh nhân sẽ được điều trị nếu bị mất ngủ 3 ngày liên tiếp để tránh tái phát bệnh. Do đó, một trong những cách để kiểm soát rối loạn lưỡng cực hiệu quả là đảm bảo ngủ đủ giấc.
Để ngủ đúng giờ và đủ giấc, bệnh nhân có thể thực hiện các biện pháp sau đây:
- Kiêng đồ uống chứa cồn, caffeine và các món ăn khó tiêu hóa vào buổi tối.
- Tăng cường bổ sung thực phẩm chứa nhiều chất xơ, lợi khuẩn và tryptophan.
- Có thể uống sữa ấm và các loại trà thảo mộc có tác dụng an thần trước khi đi ngủ.
- Ngồi thiền hoặc đi bộ nhẹ nhàng vào ban đêm cũng giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ đáng kể.
- Tập hít thở sâu, massage, tắm nước ấm, ngâm chân,… cũng là những cách giúp ngủ ngon và ngủ sâu giấc bệnh nhân rối loạn lưỡng cực nên áp dụng.
Đảm bảo chất lượng giấc ngủ giúp bệnh nhân kiểm soát tốt chứng rối loạn lưỡng cực. Bên cạnh đó, ngủ đủ giấc còn giúp cải thiện sức khỏe thể chất và hạn chế các vấn đề như cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn tiền đình, đau đầu,… do các vấn đề tâm lý, tâm thần gây ra.
6. Xây dựng chế độ ăn cân bằng
Chế độ ăn uống ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tinh thần. Các chuyên gia cho biết, ăn uống không điều độ và thiếu khoa học có thể làm gia tăng mức độ lo lắng, căng thẳng và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe thể chất. Ngược lại, một chế độ ăn cân bằng sẽ giúp người bệnh có sức khỏe tốt và tinh thần ổn định.
Ngoài ra, các vitamin, khoáng chất, axit béo và chất chống oxy hóa cũng giúp ích rất nhiều trong việc giải tỏa căng thẳng và cân bằng cảm xúc. Vì vậy, để kiểm soát rối loạn lưỡng cực thành công, bệnh nhân cũng cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng.
Chế độ ăn giúp kiểm soát rối loạn lưỡng cực hiệu quả:
- Kiêng các loại thực phẩm làm gia tăng mức độ lo lắng, căng thẳng như thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo bão hòa và gia vị.
- Hạn chế ngũ cốc đã qua tinh chế, thay vào đó nên ưu tiên các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch, lúa mì đen,…
- Tăng cường bổ sung nấm, rau xanh, trái cây, các loại đậu và hạt để cung cấp cho cơ thể hàm lượng vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa dồi dào.
- Đảm bảo ăn đủ 3 bữa/ ngày và cân đối thành phần dinh dưỡng trong bữa ăn.
- Nếu có dấu hiệu suy nhược, bệnh nhân nên tăng thêm 2 bữa phụ/ ngày. Trong các bữa phụ, nên dùng sữa chua, các loại hạt sấy khô, trái cây tươi, sữa,… để cung cấp thêm đạm và năng lượng cho cơ thể.
- Trong trường hợp có các bệnh nền, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cách xây dựng thực đơn ăn uống phù hợp.
Mặc dù không phải là yếu tố chính nhưng xây dựng chế độ ăn cân bằng giúp ích rất nhiều trong việc kiểm soát và quản lý chứng rối loạn lưỡng cực. Ngoài ra, bệnh nhân có các vấn đề tâm lý và tâm thần khác cũng nên chú ý về chế độ dinh dưỡng.
7. Tránh rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện
Rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện đều làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng rối loạn lưỡng cực. Ngoài ra, cồn, nicotin và chất gây nghiện có thể gây mất ngủ, mệt mỏi và suy nhược. Những yếu tố này đều tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần và có thể khiến rối loạn lưỡng cực tái phát liên tục.
Đa số những bệnh nhân rối loạn lưỡng cực nghiện rượu và nghiện chất đều có tiên lượng xấu. Bệnh nhân không chỉ với đối mặt với những ảnh hưởng của rối loạn lưỡng cực mà còn gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe thể chất. Bên cạnh đó, nghiện rượu và nghiện chất cũng làm gia tăng các rối loạn tâm thần khác như loạn thần, rối loạn hoang tưởng,…
8. Hạn chế lượng caffeine mỗi ngày
Bệnh nhân rối loạn lưỡng cực không nhất thiết phải kiêng cữ hoàn toàn caffeine. Thậm chí, các bác sĩ còn khuyến khích bệnh nhân nên uống trà hoặc cà phê vào sáng sớm để tránh tác dụng an thần của thuốc điều trị. Tuy nhiên, caffeine là chất gây hưng phấn thần kinh nên cần tránh sử dụng quá nhiều – đặc biệt là sau bữa trưa.
Uống quá nhiều trà và cà phê sẽ khiến cho hệ thần kinh bị kích thích liên tục. Từ đó gây căng thẳng, gia tăng mức độ lo lắng, buồn phiền và ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ. Do đó, bệnh nhân rối loạn lưỡng cực nên kiểm soát lượng caffeine dung nạp trong ngày.
9. Tập thể dục hằng ngày
Tập thể dục mỗi ngày là cách kiểm soát chứng rối loạn lưỡng cực hiệu quả. Luyện tập giúp thư giãn cơ bắp, điều hòa nhịp tim, nhịp thở và ổn định huyết áp. Thói quen tập thể dục mỗi ngày giúp kiểm soát các triệu chứng thể chất có liên quan đến rối loạn lưỡng cực, đồng thời cải thiện giấc ngủ và giúp bệnh nhân ngủ ngon giấc hơn.
Trong thời gian tập luyện, cơ thể sẽ giải phóng endorphin có tác dụng thư giãn, tạo cảm giác phấn chấn, hạnh phúc và lạc quan. Do đó, thói quen tập luyện mỗi ngày sẽ giúp bệnh nhân rối loạn lưỡng cực giữ được tinh thần vui vẻ, tránh căng thẳng và phiền muộn. Tinh thần ổn định chính là “chìa khóa” để quản lý thành công các rối loạn tâm thần nói chung và rối loạn lưỡng cực nói riêng.
10. Chủ động thăm khám khi cần thiết
Như đã đề cập, rối loạn lưỡng cực là bệnh mãn tính, có khuynh hướng hay tái phát và tiến triển suốt đời. Do đó, bệnh nhân cần nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường để kịp thời thăm khám và điều trị. Chủ động thăm khám giúp bệnh nhân cắt nhanh các cơn rối loạn cảm xúc, từ đó hạn chế những ảnh hưởng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra, thăm khám sớm cũng giúp rút ngắn thời gian điều trị rối loạn lưỡng cực và tránh tình trạng phải can thiệp các phương pháp tác động vào não bộ. Đa phần những trường hợp điều trị kịp thời đều có đáp ứng tốt và các cơn rối loạn cảm xúc được kiểm soát hoàn toàn sau vài tháng. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục điều trị củng cố bằng thuốc để phòng tránh tái phát.
Để kiểm soát rối loạn lưỡng cực thành công, cần sự nỗ lực của bệnh nhân và gia đình. Nếu tích cực điều trị và có chế độ chăm sóc, sinh hoạt hợp lý, bệnh nhân có thể giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng của bệnh lý này đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Tham khảo thêm:
- Sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực và những điều cần biết
- Rối loạn lưỡng cực có nguy hiểm không? Có chữa khỏi được không?
- Rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp là gì?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!