Nguy cơ trầm cảm do mạng xã hội – Hồi chuông cảnh báo giới trẻ

5/5 - (1 bình chọn)

Sự phát triển của thời đại công nghệ thông tin vừa đem đến những mặt lợi nhưng cũng tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần mỗi người. Một trong số đó chính là gia tăng nguy cơ trầm cảm do mạng xã hội, đặc biệt có tỷ lệ cao ở giới trẻ. Bạo lực mạng hay các thông tin tiêu cực mà “thế giới ảo” đem đến có thể khiến rất nhiều người phải sống trong đau khổ, thậm chí là tự sát nếu không được giúp đỡ kịp thời.

Nguy cơ trầm cảm vì mạng xã hội và thực trạng

Không khó để bắt gặp hình ảnh những người đang lướt các trang mạng xã hội, quay video hay chụp ảnh để đăng lên các trang mạng xã hội hiện nay ở bất cứ đâu, đặc biệt ở những nơi có cảnh đẹp, có đồ ăn ngon. Hàng loạt các ứng dụng mạng xã hội được ra đời như Facebook, Instagram, Zalo, Twitter và gần đây nhất là Tiktok.. Một người trẻ có thể sở hữu 4-5 tài khoản mạng xã hội.

Nguy cơ trầm cảm do mạng xã hội
Nguy cơ trầm cảm do mạng xã hội đang là một trong những vấn nạn nghiêm trọng có tỷ lệ cao ở giới trẻ hiện nay

Không thể phủ nhận sự phát triển của internet cùng sự ra đời của các trang mạng xã hội đã đem đến cho con người vô vàn lợi ích. Giờ đây chỉ với một chiếc điện thoại thông minh nhỏ gọn có kết nối internet, bạn có thể kết nối với bạn bè trên khắp tới giới, học tập và làm việc trực tuyến một cách tiện lợi. Việc nắm bắt hay cập nhật thông tin về dịch bệnh, giá cả, tìm kiếm các đối tượng nguy hiểm cũng được đưa đến cho người dân chỉ trong 1 nốt nhạc,

Bên cạnh vô vàn những lợi ích mà internet hay các trang mạng xã hội đem lại thì cũng không thể phủ nhận rằng chúng cũng gây ra vô vàn các hệ lụy tiêu cực. Theo các chuyên gia, các rối loạn tâm thần có liên quan đến việc sử dụng internet, chẳng hạn như trầm cảm do mạng xã hội đang là một trong những vấn đề gây nhức nhối và cực kỳ phổ biến hiện nay.

Thống kê cho thấy tỷ lệ người mắc các chứng rối loạn tâm thần do nghiện mạng xã hội đang ngày càng tăng cao. Thống kê năm 2009 – 2017 được đăng trên tạp chí chuyên ngành tâm lý học Journal of Abnormal Psychology tỷ lệ trầm cảm và suy nghĩ tự sát đã tăng đến 63% trong nhóm người ở độ tuổi 18 – 25. Trưởng nhóm nghiên cứu này, bà Jean Twenge cũng đã chỉ ra rằng,  mạng xã hội là một yếu tố dẫn đến tình trạng này tăng cao.

Một số thống kê khác về thực trạng sử dụng mạng xã hội hiện nay mà bạn cũng có thể quan tâm như

  • Tờ The National Missing Persons Coordination Centre cho biết có khoảng 87% người dân ở Úc lên Internet mỗi ngày.
  • Hiệp hội Tâm lý Mỹ thống kê thấy có khoảng 86% người trưởng thành ở Mỹ luôn trong trạng thái kiểm email, tin nhắn và mạng xã hội.
  • 10% trong số 2.000 người Mỹ đã thừa nhận rằng bản thân họ có thể lên các trang mạng xã hội đến 300 lần/ ngày
  • Thống kê năm 2005 cũng cho thấy tại Việt Nam, có tới 30 triệu người dùng Facebook, nhưng đến nay đã lên tới hơn 65 triệu dân, chủ yếu là độ tuổi 18-24 và trung bình mỗi người dùng 2,5 giờ/ngày để  hoạt động tại đây

Những con số này đã cho thấy mức độ ảnh hưởng rõ rệt của mạng xã hội đến đời sống con người như thế nào. Theo thông báo từ các chuyên gia của Đại học Y khoa Pittsburgh (Mỹ) trên tờ Daily Mail  thì việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội có mối liên hệ trực tiếp đến đến tâm thần, cụ thể là bệnh trầm cảm. Để biết cụ thể hơn, hãy tham khảo những số liệu sau

  • Một thống kê tại Anh đã chỉ ở những người nghiện internet nặng đều thừa nhận họ mệt mỏi vì sử dụng mạng xã hội thường xuyên.
  • Chuyên gia về Internet và sức khỏe tâm thần cũng Mubarak Rahmatullah chỉ ra rằng người nghiện mạng xã hội đều có xu hướng lệch lạc hành vi.
  • Sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên ngày càng đi xuống trong giai đoạn từ năm 2010, đây cũng là thời điểm các ứng dụng mạng xã hội được ra đời và phát triển mạnh mẽ hơn
  • Người sử dụng mạng xã hội trên 4-5 tiếng mỗi ngày cũng có xu hướng mắc trầm cảm cao hơn những người chỉ dùng 1 tiếng trở xuống.

Rất nhiều các nghiên cứu khác cũng đã thể hiện nguy cơ trầm cảm do mạng xã hội đang ngày càng tăng, đặc biệt ở các nhóm đối tượng như trẻ vị thành niên, phụ nữ. Giáo sư tâm lý học Ian Gotlib thuộc Đại học Stanford cũng đã khẳng định rằng ““Rõ ràng có sự tương quan: sự bùng nổ, phát triển nhanh chóng của mạng xã hội diễn ra cùng lúc tỷ lệ giới trẻ bị trầm cảm gia tăng nhanh” càng làm tăng độ tin cậy về thông tin này.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Triệu chứng trầm cảm do mạng xã hội

Trầm cảm do mạng xã hội cũng có các triệu chứng tương tự như các vấn đề trầm cảm thông thường, tuy nhiên người bệnh có hướng chìm đắm trong thế giới ảo, cảm xúc tuyệt vọng cũng nằm trong đó chứ không hoàn toàn tách biệt như các rối loạn trầm cảm thông thường. Tuy nhiên những tâm lý bất ổn của người bệnh dù có thể dễ dàng nhận thấy nhưng ít được chú ý tới.

 trầm cảm do mạng xã hội
Người bị trầm cảm do mạng xã hội tinh thần luôn u uất, mệt mỏi, dành trọn thời gian trên mạng xã hội, mất hứng thú với mọi hoạt động khác

Cụ thể, một số biểu hiện điển hình của những người trầm cảm do mạng xã hội như

  • Dành quá nhiều thời gian để lên mạng xã hội, cảm thấy không thể chịu được, bứt rứt nếu không kiểm tra tin nhắn, thông báo của mạng xã hội
  • Tách biệt bản thân với thế giới hiện thực bên ngoài và chìm đắm quá mức vào thế giới ảo, dần dần trở nên nghèo nàn các kỹ năng xã hội
  • Căng thẳng, lo lắng, kích động nếu không có điện thoại ở bên hoặc điện thoại hết pin hoặc không có mạng
  • Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ, thiếu ngủ vì lướt mạng xã hội cũng là triệu chứng của rất nhiều người trầm cảm do mạng xã hội. Những người này có thể thiếu ngủ chính bởi dành thời gian để lên các trang mạng xã hội
  • Mất dần các mối quan hệ thực tế ngoài xã hội bởi dành quá nhiều thời gian vào các mối quan hệ trên thế giới ảo, kể cả khi nó rất tiêu cực
  • Tính tình thay đổi, dễ cáu gắt, khó chịu, có các hành vi bốc đồng với những người xung quanh, khó kiểm soát cảm xúc. Đặc biệt ở các nhóm trẻ vị thành niên nếu bị cha mẹ cấm cản, không cho sử dụng mạng xã hội có thể trở nên cực kỳ kích động, thậm chí là xúc phạm cha mẹ hay ăn vạ để được sử dụng điện thoại hay lên mạng trở lại.
  • Người bị trầm cảm do mạng xã hội cũng có xu hướng trở nên tiêu cực hơn rất nhiều, đặc biệt với những người thường xuyên phải tiếp nhận các thông tin tiêu cực, thiếu văn minh, không lành mạnh
  • Khí sắc ngày càng sụt giảm, mệt mỏi, chán nản, ăn uống không ngon, càng càng cảm thấy tuyệt vọng hơn nhưng không thể nào ngừng việc vào mạng xã hội
  • Gặp một số vấn đề về thể chất như đau đầu, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa, choáng váng
  • Mất tập trung, lơ đãng, suy giảm chất lượng học tập và công việc
  • Cảm thấy bản thân vô dụng, thất bại, thua kém người khác
  • Cơ thể suy nhược, cân nặng giảm sút, cơ thể ngày càng gầy gò thiếu sức sống

Mạng xã hội làm tăng nguy cơ trầm cảm vì đâu?

Không thể phủ nhận sự ra đời từ các trang mạng xã hội đã đem đến cho mỗi người vô vàn các lợi ích, dù đó là học sinh, sinh viên, người làm công chức, người làm văn phòng, người làm công nhân, người làm nội trợ hay cả những người già. Lướt mạng xã hội đúng cách sẽ giúp bạn tiếp nhận được nhiều thông tin hữu ích, thư giãn tinh thần, giải trí sau một ngày học tập và làm việc mệt mỏi.

Nguy cơ trầm cảm do mạng xã hội
Những tin tức tiêu cực không thể kiểm soát, thiếu ngủ, sự cô lập về mặt tinh thần là nguyên nhân khiến mạng xã hội dễ gây trầm cảm ở nhiều người

Tuy nhiên mạng xã hội lại là thứ có khả năng gây nghiện cực kỳ mạnh, tác động mạnh mẽ đến đời sống đến tinh thần nếu bản thân không tự làm chủ được lý trí của mình. Trầm cảm do mạng xã hội có thể liên quan đến rất nhiều yếu tố và bất cứ ai cũng có thể bị tác động bởi các vấn đề này. Chẳng hạn

  • Tiếp nhận quá nhiều thông tin tiêu cực, thiếu lành mạnh: Dù các đạo luật về việc sử dụng mạng xã hội đã được ban hành tuy nhiên mỗi ngày chúng ta đều thấy không ít những thông tin tiêu cực tại đây. Những sự kiện về dịch bệnh, tai nạn giao thông, bạo hành có thể nhanh chóng kéo tinh thần của một người xuống khiến họ căng thẳng và tiêu cực hơn.
  • Cảm giác bị cô lập: nhiều người tìm đến mạng xã hội để giảm bớt cảm giác cô đơn nhưng ngược lại, nó lại càng làm gia tăng sự cô lập ở rất nhiều người khác, tăng nguy cơ hình thành hội chứng gọi là “FOMO” (Fear Of Missing Out) – Hội chứng sợ bỏ lỡ. Bạn thấy người ta bên nhau, điều này có thể làm tăng cảm giác cô đơn, ghen tị, cảm thấy bị bỏ rơi và xa lánh”, Gail Saltz – bác sĩ tại Bệnh viện New York Presbyterian cho rằng điều nay có thể khiến bạn cảm thấy xấu hổ và tăng các áp lực tâm lý hơn.
  • Áp lực đồng trang lứa: khi vô tình lướt Facebook và thấy những người cùng lứa tuổi đăng hình ảnh, tin tức về các thành tựu của bản thân khiến không ít người tránh khỏi cảm giác ghen tị, lo lắng, stress. Cảm giác thua kém, thất vọng về bản thân cũng là nguyên nhân làm tăng trầm cảm do mạng xã hội.
  • Sức ảnh hưởng của thế giới ảo: Bạn hoàn toàn có thể lập cho mình nhiều tài khoản mạng xã hội với danh tính ảo, tên tuổi ảo và thể hiện bản thân trên đó, thậm chí được nhiều người mến mộ, có thể thỏa thích làm nhiều thứ mà không ai biết bản thân là ai. Nhiều người bị chìm đắm trong thế giới ảo này đến mức không thể hòa nhập bình thường với cuộc sống hiện thực. Việc mất dần các kỹ năng xã hội hay các mối quan hệ bên ngoài đời thực cũng gia tăng nguy cơ trầm cảm do mạng xã hội ở hàng loạt đối tượng.
  • Tính cách: ở những người có tính cách tiêu cực, tâm lý yếu, người vốn đã sống nội tâm, ít nói khi phải tiếp nhận hàng loạt các thông tin tiêu cực trên mạng xã hội cũng khiến tinh thần dễ căng thẳng và suy sụp hơn. Ngoài ra những người có xu hướng cô đơn, người không có ai chia sẻ khi tìm đến mạng xã hội để giải trí cũng dần bị cuốn vào nó cũng không thể tìm cách thoát ra được.
  • Bạo lực mạng: đây cũng chính là một trong những vấn nạn gây trầm cảm do mạng xã hội gặp phải ở rất nhiều người.. Có những người là đối tượng bị bạo hành về cả  mặt thể chất ngoài đời thực và bị tấn công về mặt tinh thần trên mạng xã hội, thường xuyên bị bêu xấu, nhục mạ, hạ thấp danh dự. Trong khi đó một số người khác khi đưa ra các ý kiến trái chiều so với số đông trên mạng xã hội cũng có thể bỗng chốc trở thành đối tượng bị tấn công từ những người khác và cũng gây làm tăng nguy cơ trầm cảm.
  • Một số yếu tố khác: dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội thay thế cho việc tập thể dục, ngủ, hoặc các hỏa động sinh hoạt bình thường cơ bản khác cũng là nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng stress, nếu tiếp diễn trong thời gian dài và kết hợp với các ảnh hưởng tiêu cực khác cũng rất dễ gây ra trầm cảm.

Trầm cảm do mạng xã hội – hệ lụy nghiêm trọng không thể coi thường

Trầm cảm do mạng xã hội có thể gây ra hàng loạt các vấn đề không chỉ với cá nhân người bệnh mà trên cả toàn xã hội. Tỷ lệ bệnh nhân rối loạn tâm thần do các ảnh hưởng từ mạng xã hội gia tăng thực sự là một hồi chuông cảnh báo cần được chú ý để hạn chế tối đa các hệ lụy tiêu cực mà nó gây ra trên đời sống của mỗi người.

Bản thân những người bị trầm cảm do mạng xã hội ngày càng trở nên xa rời với cuộc sống, cô lập bản thân, tinh thần ngày càng tiêu cực bốc đồng hơn. Đặc biệt nhiều người thường muốn khỏa lấp sự cô đơn trống trải của bản thân thông qua phụ thuộc nhiều hơn vào mạng xã hội nhưng vô tình lại gặp phải các tác động tiêu cực ngược lại. Tinh thần ngày càng u uất, nặng nề hơn, ngày càng cảm thấy cô đơn hơn.

 trầm cảm do mạng xã hội
Trầm cảm do mạng xã hội nếu không sớm được kiểm soát có thể gây hệ lụy cho toàn xã hội bởi tất cả mọi người đều chỉ chú tâm vào chiếc điện thoại mà không quan tâm đến các giá trị thực tế khác

Hay việc trẻ nhỏ, thanh thiếu niên thiếu sự quan tâm từ gia đình hiện nay chưa thể ý thức được hết các hành vi của bản thân. Khi sử dụng mạng xã hội không đúng cách dễ chịu tác động từ phim ảnh hay văn hóa phẩm thiếu lành mạnh kết hợp với nhận thức còn hạn hẹp nên dần sai lệch về nhận thức, hành vi. Nhiều người cho dù mắc trầm cảm nhưng lại không được quan tâm nên mới có các hành vi bốc đồng như tấn công người khác, tự làm đau bản thân để giải tỏa cảm xúc.

Đặc biệt hiện nay trên các trang mạng xã hội còn có rất nhiều các hội nhóm mang tính chất tiêu cực, chẳng hạn như hội những người ghét cha mẹ hay hội những người muốn tự tử. Chính các hội nhóm này đã góp phần đẩy mạnh nguy cơ trầm cảm do mạng xã hội, kích động tâm trí những người đang có vướng mắc về mặt tâm lý thực hiện các hành vi tiêu cực, chẳng hạn như tự tử.

Một xã hội mà ai cũng phụ thuộc vào mạng xã hội, tinh thần u uất , tiêu cực, ai cũng chỉ toàn những suy nghĩ ích kỷ, ghen ghét cá nhân sẽ không thể nào phát triển. Hơn hết, điều này không đúng với mục tiêu được các nhà sáng lập đề ra khi tạo ra các trang mạng xã hội – chính là để giải trí và kết nối con người với thế giới.

Làm thế nào để vượt qua trầm cảm do mạng xã hội

Trầm cảm không chỉ là một nỗi buồn thông thường mà là một bệnh lý cầm được điều trị theo các phương pháp chuyên môn thì mới có thể đem đến những cải thiện tích cực nhất. Nhiều người bị trầm cảm do mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ nhưng lại không hề nhận ra, chỉ đến khi có các suy nghĩ hay hành vi tự sát mới phát hiện thì cũng đã quá muộn màng bởi các hệ lụy lúc này không hề đơn giản.

Hiện nay cũng có không ít các bệnh nhân phải nhập viện để điều trị các chứng rối loạn tâm thần có liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội. Tùy mức độ trầm cảm mà người bệnh có thể điều trị tại nhà hay phải điều trị nội trú để kiểm soát các trạng thái quá khích trong thời gian đầu. Các nhóm thuốc an thần, thống chống trầm cảm, thuốc giảm lo âu có thể giúp ích cho  bệnh nhân, tuy nhiên cũng gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn.

Trị liệu tâm lý mới là phương pháp chính được hướng tới cho những người bị trầm cảm do mạng xã hội hiện nay. Mục đích của phương pháp này chính là giúp người bệnh nhìn nhận rõ ràng vấn đề của bản thân, giải tỏa cảm xúc căng thẳng, đưa nhận thức của người bệnh trở về với thực tại đồng thời kiểm soát được các hành vi tiêu cực của bản thân.

Nguy cơ trầm cảm do mạng xã hội
Trị liệu tâm lý giúp bệnh nhân khôi phục dần các nhận thức cá nhân, gia tăng các kỹ năng cần thiết trong đời sống

Các liệu pháp tâm lý sẽ giúp bệnh nhân trầm cảm dần hòa nhập trở lại với xã hội, tập trung hướng đến những giá trị tích cực ở đời sống hiện thực. Đặc biệt với những người trầm cảm do nạn bắt nạt trên mạng xã hội, do thiếu sự quan tâm của gia đình hay do tác động từ các thông tin tiêu cực trên thế giới ảo càng cần được chăm sóc phụ hồi về mặt tâm lý đúng cách.

Bên cạnh đó người bị trầm cảm do những ảnh hưởng từ thế giới ảo cũng cần xây dựng một lối sống lành mạnh, luyện tập thể dục thể thao, thiền, ăn uống đúng cách, đảm bảo giấc ngủ để nâng cao cả thể thể chất và tinh thần. Sự hỗ trợ từ gia đình cùng sự quyết tâm từ người bệnh cũng đóng một vai trò to lớn trong việc ngăn chặn các hệ lụy từ trầm cảm đến cuộc sống mỗi người.

Giảm thiểu nguy cơ trầm cảm do mạng xã hội

Mạng xã hội không xấu nếu chúng ta biết sử dụng nó một cách đúng đắn, lành mạnh. Thực tế cho thấy có rất nhiều người đã thành công, đã khởi nghiệp, đã làm giàu chính nhờ tận dụng mạng lưới thông minh từ mạng xã hội. Thay đổi  lối sống lành mạnh, hướng đến những giá trị tích cực, nhìn nhận thực tại và chọn lọc các thông tin để tiếp nhận trên mạng xã hội sẽ đem đến cho bạn rất nhiều giá trị tích cực về mặt tinh thần.

Nguy cơ trầm cảm do mạng xã hội
Tìm kiếm vẻ đẹp của cuộc sống, gia tăng giá trị bản thân thông qua chính những điều bình dị nhất mỗi ngày

Vậy làm thế nào để trầm cảm do mạng xã hội?

  • Theo các chuyên gia, giảm thiểu thời gian sử dụng mạng xã hội sẽ làm giảm sự lo lắng, căng thẳng của bạn hơn mỗi ngày. Để làm được điều này, bạn cần phân chia thời gian sinh hoạt, làm việc hợp lý, chỉ sử dụng mạng xã hội trong thời gian cho phép ( dưới 3 tiếng/ ngày).
  • Sử dụng các ứng dụng giúp thông báo, nhắc nhở về thời gian sử dụng mạng xã hội hoặc đơn giản là hẹn giờ để đảm bảo bản thân không vượt qua thời gian tối đa lướt facebook, intagram.
  • Kiểm soát và chọn lọc các thông tin xuất hiện trên bảng tin của bạn. Bạn hoàn toàn toàn có thể làm được điều này thông qua việc tìm kiếm các từ khóa, tương tác với những bài viết mang tính chất tích cực, lạc quan, phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa người Việt.
  • Dành thời gian để tạo dựng các giá trị của bản thân ở đời thực thay vì chú tâm quá mức vào việc xây dựng một thế giới ảo lung linh. Chỉ có những giá trị nội tại của bản thân mới tồn tại mãi mãi, mới khiến bạn trở nên nổi bật và được ghi nhớ.
  • Tạo dựng các mối quan hệ tốt đẹp, tìm kiếm thông tin từ chính báo chí, các kênh thông tin truyền thông của Đảng và nhà nước, chẳng hạn như Thời sự VTV thay vì phụ thuộc việc nắm bắt thông tin trên các trang mạng xã hội.
  • Xây dựng một lối sống khoa học lành mạnh, đảm bảo ngủ đủ giấc, ăn đủ bữa, luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày, hướng bản thân đến cuộc sống khoa học nhất có thể
  • Thư giãn tâm trí bằng các biện pháp như đọc sách, chơi thể thao, gặp gỡ bạn bè, tắm nước ấm thay vì lướt mạng xã hội
  • Ngưng so sánh bản thân với bất cứ ai khác trên mạng xã hội
  • Đừng quá phụ thuộc vào mạng xã hội, những thông tin, hình ảnh, tài năng được đăng tải trên mạng xã hội đôi khi cũng chỉ là ảo mà thôi, bất cứ ai cũng có thể tạo ra được nên bạn cần chọn lọc các thông tin khoa học hơn
  • Hạn chế sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ, để điện thoại tránh xa vị trí nằm ngủ
  • Gia đình cũng cần kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội của con em, em tra và định hướng các kênh thông tin mà con tiếp thu mỗi ngày. Đặc biệt nếu trẻ còn quá nhỏ, chưa hoàn toàn đủ nhận thức với hành vi và lời nói của mình thì càng cần trao đổi và định hướng con một cách rõ ràng hơn, tránh việc con có các tư tưởng sai lệch không đúng đắn trên mạng xã hội.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu
Trầm cảm do mạng xã hội đang là một trong những vấn đề nan giải hiện nay cần được rất nhiều đơn vị cùng chung tay đưa ra giải pháp để phòng tránh các hệ lụy xấu có thể xuất hiện. Tập trung vào xây dựng bản thân ngay trong đời sống hiện thực bằng việc không ngừng cố gắng, khám phá chính mình, không bỏ cuộc và hoàn thiện hơn về nhân cách chính là điều Tạp chí tâm lý học muốn khuyến khích bạn thực hiện để tạo dựng những giá trị tốt đẹp nhất.

Có thể bạn quan tâm:

ArrayArray
5/5 - (1 bình chọn)
Array

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *