Rối loạn giả bệnh: Nguyên nhân và cách khắc phục

Rối loạn giả bệnh là một dạng bệnh tâm lý nghiêm trọng. Bệnh nhân sẽ lừa dối người khác bằng cách giả bệnh, cố tình bị bệnh hoặc cố ý thực hiện các hành vi tự làm tổn thương bản thân mà không vì bất kì mục đích hay lợi ích gì. 

Rối Loạn Giả Bệnh
Rối loạn giả bệnh là một dạng rối loạn tâm thần nặng với các biểu hiện phức tạp

Rối loạn giả bệnh là gì?

Rối loạn giả bệnh hay còn gọi là rối loạn giả tượng (tên tiếng anh là Factitious Disorder) là một dạng rối loạn tâm thần hết sức nghiêm trọng. Người bệnh sẽ cố tình giả bệnh, tự gây thương tích cho bản thân hoặc cố gắng làm cho mình bị bệnh thực sự để lừa dối người khác rằng bản thân đang bị bệnh.

Những triệu chứng bệnh có thể biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng. Chẳng hạn như người bệnh có thể phóng đại, nói quá về các triệu chứng đang có sẵn hoặc nặng hơn là hội chứng Munchausen. Bệnh nhân có thể tự tạo ra các biểu hiện hoặc thậm chí là làm giả các giấy tờ, xét nghiệm y khoa nhằm thuyết phục người khác rằng bản thân đang bị bệnh và cần phải được điều trị.

Một điều đặc biệt đó chính là những hành vi bịa đặt của người bệnh sẽ không vì bất cứ mục đích hay lợi ích nào của cá nhân. Nếu cố tình bịa ra chuyện bị bệnh để nghỉ làm, không phải đi học hoặc để thắng một cuộc cá cược nào đó thì không được gọi là rối loạn giả bệnh.

Người thực sự mắc phải hội chứng rối loạn giả bệnh là khi bản thân họ biết rằng mình đang tạo ra các triệu chứng nhưng lại không biết rõ lý do nào khiến mình làm như thế hoặc không biết rằng bản thân có những biểu hiện bất thường. Cũng bởi vì các biểu hiện phức tạp nên căn bệnh này rất khó để nhận biết, quá trình điều trị cũng gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân gây nên hội chứng rối loạn giả bệnh

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác nhận được cụ thể nguyên nhân gây ra hội chứng rối loạn giả bệnh. Tuy nhiên, dựa vào kết quả các rất nhiều cuộc khảo sát và nghiên cứu chuyên khoa nên họ cũng đã đưa ra một vài yếu tố nguy cơ như sau:

  • Những người đã từng bị bệnh nặng khi còn nhỏ
  • Trẻ em từng bị chấn thương về mặt thể chất hoặc tâm lý. Ví dụ như trẻ từng bị lạm dụng về thể chất, tình cảm, tình dục,…
  • Thời thơ ấu từng trải qua các bệnh lý nghiêm trọng hoặc gia đình có người ốm nặng, chết do bệnh tật hoặc bị bỏ rơi.
  • Từng nhận được sự quan tâm, chăm sóc của người khách khi mắc bệnh.
  • Các bệnh nhân bị rối loạn nhân cách sẽ có nhiều nguy cơ bị rối loạn giả bệnh hơn so với bình thường, nhất là rối loạn nhân cách ranh giới. Đối với trường hợp này rất khó nhận biết bởi người bệnh có đầu óc nhạy bén, linh hoạt, thông minh và nhiều thủ đoạn tinh vi.
  • Người có lòng tự trọng thấp, có nhận thức kém về bản thân.
  • Người bệnh trầm cảm cũng là đối tượng có nhiều nguy cơ mắc phải chứng rối loạn giả bệnh.
  • Những người có khao khát, mong muốn được bác sĩ thăm khám hay nhân viên y tế quan tâm, chăm sóc.
  • Rối loạn giả bệnh cũng sẽ phổ biến hơn đối với những người làm việc ở lĩnh vực y tế, có sự am hiểu nhất định về y khoa.

Triệu chứng của rối loạn giả bệnh

Những triệu chứng của rối loạn giả bệnh thường sẽ có sự liên quan đến hành vi bắt chước bệnh, cố ý tự tạo ra bệnh hoặc gây thương tích, tổn thương cho bản thân. Hoặc đôi khi bệnh nhân chỉ là phóng đại, nói quá về các triệu chứng hiện có của mình hay giả bộ yếu ớt, mệt mỏi để đánh lừa những người xung quanh.

Người bệnh sẽ cố gắng tìm cách giấu kín những hành vi lừa gạt của bản thân. Vì thế những người bên cạnh rất khó để nhận biết các biểu hiện bên ngoài chính là một phần của những bất ổn vên trong tâm lý của họ.

Rối Loạn Giả Bệnh
Người bệnh sẽ luôn cố gắng ngụy tạo các triệu chứng bệnh lý ngoài cơ thể

Các chuyên gia cho biết rằng, bệnh nhân rối loạn giả bệnh hoàn toàn nhận thức được những hành vi, biểu hiện của bản thân. Thậm chí họ đủ ý thức để biết rằng những điều mà mình làm có thể khiến cho bản thân bị bệnh thực sự hoặc đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe nhưng họ vẫn thực hiện.

Người bệnh sẽ tiếp tục tìm cách lừa dối mặc dù không nhận được bất kì lợi ích hay phần thưởng gì từ việc này. Kể cả khi người khác đưa ra những lập luận, bằng chứng phản bác lại căn bệnh của họ thì họ vẫn cố gắng hoàn thành “vai diễn” của mình.

Một số triệu chứng thường gặp của người bị rối loạn giả bệnh như:

  • Có sự hiểu biết nhất định về các bệnh lý đang gặp phải, thường xuyên sử dụng những thuật ngữ y khoa
  • Các triệu chứng của bệnh thường không nhất quán, biểu hiện mơ hồ, không rõ ràng
  • Bệnh càng trở nên trầm trọng và nặng nề hơn nhưng không tìm ra được nguyên nhân.
  • Người bệnh hoàn toàn không đáp ứng tốt với các biện pháp điều trị theo phác đồ.
  • Bệnh nhân không muốn bác sĩ, nhân viên y tá trao đổi hay trò chuyện với bạn bè, người thân.
  • Người bệnh thường xuyên lui đến các cơ sở y tế để thăm khám, thậm chí có thể sử dụng tên giả.
  • Rất hay ở lại bệnh viện nhưng rất ít người thân đến thăm khi nhập viện.
  • Thường xuyên yêu cầu, mong muốn được thăm khám, thực hiện các xét nghiệm hay các cuộc phẫu thuật.
  • Trên cơ thể có nhiều vết sẹo mổ cũ để lại hoặc đã từng làm rất nhiều các thủ thuật y khoa trước đó.
  • Hay tranh cãi, phản bác lại các chẩn đoán của bác sĩ, nhân viên y tế.

Nếu rối loạn giả bệnh không được sớm phát hiện và can thiệp đúng cách sẽ càng phát triển nghiêm trọng hơn, nhiều trường xuất hiện các hành vi áp đặt lên người khác hay còn gọi là hội chứng Munchausen uỷ quyền hay rối loạn giả bệnh uỷ quyền.

Rối Loạn Giả Bệnh
Hội chứng Munchausen uỷ quyền là tình trạng người bệnh cố ý áp đặt bệnh tật lên một người khác

Lúc này người bệnh sẽ cố ý nói dối với mọi người rằng một ai đó đang mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo hoặc có các triệu chứng về bệnh tâm thần. Để chứng minh cho điều này, người bệnh cũng có thể thực hiện các hành vi gây thương tích, bệnh tật cho người nào đó nhằm hoàn thành mục đích lừa dối người xung quanh.

Những người mắc phải chứng rối loạn giả bệnh này thường sẽ cho rằng đối phương đang mắc phải một chứng bệnh nghiêm trọng nào đó và cần phải được điều trị. Tình trạng này thường sẽ dễ gặp ở  những bậc phụ huynh muốn hãm hại, làm tổn thương con cái. Các hành động giả dối này có thể khiến con cái bắt buộc phải điều trị khi không cần thiết hoặc thậm chí là đối mặt với những tình huống đe dọa tính mạng.

Vậy làm sao để người bị rối loạn giả bệnh có thể ngụy tạo triệu chứng bệnh?

Những người mắc phải hội chứng rối loạn giả bệnh thường rất thành thạo và thông tin trong việc tự tạo ra các triệu chứng giả, thậm chí họ có thể cố ý làm bản thân bị bệnh hoặc tự làm tổn thương chính mình. Vì thế, những người thân bên cạnh và bác sĩ thường rất khó nhận biết được đó là bệnh thật hay giả.

Rối Loạn Giả Bệnh
Người bệnh có thể bịa ra tiền sử bệnh lý để lừa gạt bác sĩ, nhân viên y tế

Người bệnh có thể tạo ra các triệu chứng bệnh bằng những cách sau:

  • Bịa ra tiền sử bệnh lý: Bệnh nhân có thể kể với bạn bè, người thân, bác sĩ về tiền sử bệnh không có thật. Ví dụ như họ có thể nói rằng mình từng bị nhiễm HIV hoặc gặp phải một chứng bệnh hiểm nghèo như ung thư. Thậm chí họ còn cố tình làm giả các kết quả xét nghiệm, hồ sơ bệnh án để chứng minh là lời mình nói.
  • Phóng đại các triệu chứng hiện có: Họ thường thể hiện một cách thái quá về những triệu chứng hiện có của bản thân, cố gắng làm trầm trọng vấn đề. Chẳng hạn như khi họ bị đau đầu ở mức độ bình thường nhưng họ có thể trở nên quằn quại, đau đớn tột độ, chóng váng, ngất xỉu,…
  • Tự tạo ra các triệu chứng bệnh: Người bệnh có thể giả hoặc cố tình tạo ra các triệu chứng như đau dạ dày, buồn nôn, mắc ói, co giật, bất tỉnh, ngất xỉu,…
  • Tự làm tổn thương chính mình: Người bệnh có thể tự rạch tay, đánh đập bản thân, tự dùng thuốc để ngụy tạo bệnh tật, tự tạo vết thương hoặc có thể tiêm vào cơ thể những loại vi khuẩn, xăng, phân,…
  • Giả tạo kết quả: Bệnh nhân có thể cố ý tác động đến các dụng cụ y tế hoặc kết quả xét nghiệm để làm lệch lạc đi phán đoán của chuyên gia. Họ có thể tự làm nóng nhiệt kế, cố ý cho thêm dung dịch khác vào nước tiểu xét nghiệm,…

Người bệnh rối loạn giả bệnh hoàn toàn có đủ nhận thức về nguy cơ chấn thương, tử vong do các hành vi lừa gạt của bản thân. Tuy nhiên, họ không thể tự kiểm soát được hành động của mình và không thể chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác.

Ngay cả khi có người đưa ra những bằng chứng trái ngược để tố cáo họ thì người bệnh vẫn không chấp nhận và từ chối việc can thiệp các biện pháp điều trị tâm thần. Vì thế, nếu nhận thấy người thân có dấu hiệu phóng đại, giả bệnh thì bạn nên chọn cách nói chuyện nhẹ nhàng với họ.

Trong quá trình trao đổi nên tránh việc biểu hiện các cảm xúc tức giận, cáu gắt, không dùng những lời nói, thái độ phán xét, đối đầu với người bệnh. Bạn có thể khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động lành mạnh bên ngoài, giúp củng cố lối sống của họ. Tuy nhiên, khi nhận thấy người bệnh có những hành vi tự làm tổn hại đến bản thân hoặc cố gắng tự sát thì cần đưa họ đến thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa để được hỗ trợ kịp thời.

Rối loạn giả bệnh để lại biến chứng gì?

Theo nhận định của các chuyên gia thì rối loạn nghi bệnh có mức độ nguy hiểm cao hơn so với tình trạng rối loạn giả bệnh. Nếu người bệnh rối loạn lo âu bệnh tật chỉ có sự lo lắng quá mức về tình trạng sức khỏe của bản thân thì người mắc phải chứng giả bệnh lại tìm mọi cách để thực hiện các hành vi khiến cho bản thân bị bệnh.

Thậm chí bệnh nhân còn có thể làm những điều đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của bản thân. Hơn thế, những trường hợp bệnh thường sẽ có kèm các triệu chứng khác của rối loạn tâm thần nên việc chẩn đoán và điều trị lại càng gặp nhiều khó khăn.

Một số biến chứng, hậu quả mà căn bệnh này có thể gây ra như:

  • Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe vì thường xuyên thực hiện các ca phẫu thuật, tiểu phẫu không cần thiết.
  • Gặp phải chấn thương hoặc thậm chí là tử vong do các bệnh lý tự tạo ra.
  • Có nhiều xu hướng lạm dụng rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích có hại.
  • Thực hiện các ca phẫu thuật cắt chi, loại bỏ nội tạng không cần thiết.
  • Chất lượng cuộc sống của người bệnh bị suy giảm nghiêm trọng, các mối quan hệ dần bị rạn nứt.
  • Tác động tiêu cực đến đời sống của những người xung quanh.
  • Ảnh hưởng đến tình hình tài chính của gia đình vì phải liên tục tiến hành thăm khám, điều trị bệnh.

Chẩn đoán rối loạn giả bệnh thế nào?

Thông thường các bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng để chẩn đoán về tình trạng rối loạn giả bệnh. Tuy nhiên, quá trình thăm khám và chẩn đoán bệnh thường gặp nhiều khó khăn bởi người bệnh sẽ không hợp tác. Bệnh nhân có thể khai báo không trung thực, báo cáo giả về tiền sử bệnh lý, các triệu chứng bệnh đang gặp phải,…hoặc người bệnh thực sự mắc bệnh nhưng đó là do họ cố ý gây ra.

Rối Loạn Giả Bệnh
Quá trình chẩn đoán rối loạn giả bệnh thường sẽ gặp rất nhiều khó khăn

Một người được nghi ngờ mắc phải hội chứng rối loạn giả bệnh sẽ có các biểu hiện như:

  • Tình trạng bệnh diễn tiến không phù hợp.
  • Tiền sử bệnh lý mơ hồ, không xác thực rõ ràng
  • Không có nguyên nhân cụ thể cho tình trạng bệnh hoặc chấn thương đang gặp phải.
  • Dù đã được điều trị theo đúng phác đồ nhưng các triệu chứng bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc thậm chí là càng trở nên nặng nề.
  • Các triệu chứng bệnh có sự mâu thuẫn hoặc không có sự nhất quán đối với kết quả xét nghiệm.
  • Người bệnh từ chối đưa hồ sơ y khoa đã từng thăm khám trước đây, ngăn cản việc bác sĩ trao đổi với người thân.
  • Phát hiện người bệnh cố ý nói dối hoặc tự ý gây thương tích cho bản thân.

Sau khi đánh giá cụ thể về các triệu chứng của người bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện các bước sau đây:

  • Phỏng vấn và trao đổi trực tiếp với người bệnh
  • Yêu cầu người bệnh đưa ra hồ sơ y khoa trước đây
  • Nói chuyện và khai thác thông tin từ các thành viên trong gia đình.
  • Thực hiện các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán cụ thể về bệnh lý thực sự.

Cách khắc phục tình trạng rối loạn giả bệnh

Quá trình điều trị rối loạn giả bệnh thường gặp nhiều khó khăn và cho đến nay vẫn chưa có liệu pháp tiêu chuẩn cho căn bệnh này. Thông thường bệnh nhân sẽ không chấp nhận việc áp dụng các biện pháp điều trị bệnh tâm lý. Tuy nhiên, họ vẫn sẽ tiếp nhận chữa bệnh nếu bác sĩ tâm lý có thể nhẹ nhàng tiếp cận và không phán xét.

Tùy vào từng tình trạng bệnh khác nhau mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc đưa ra các điều trị phù hợp. Cụ thể như:

1. Tiếp cận nhẹ nhàng, không phán xét

Nếu thẳng thắn và trực tiếp nói với người bệnh rằng họ đang mắc phải một vấn đề sức khỏe tâm thần thì có thể khiến cho trở nên kích động, nóng giận, cá giác và vô cùng khó chịu. Khi ấy họ cũng sẽ có xu hướng xa lánh và luôn ở trong tâm thế phòng thủ. Việc này sẽ làm cho mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân đột ngột bị chấm dứt gây nên nhiều cản trở cho quá trình cải thiện bệnh.

Phản ứng thường gặp của người bệnh nếu bác sĩ có thái độ phán xét ngay từ đầu đó chính là cố gắng tranh cãi, phản biện và sau đó sẽ tìm đến một cơ sở, bệnh viện khác để chẩn đoán bệnh. Người bệnh sẽ tiếp tục thực hiện điều này cho đến khi tìm gặp bác sĩ đưa ra chẩn đoán phù hợp với mong muốn của họ.

Ngược lại, nếu bác sĩ nhẹ nhàng tiếp cận, không vội vàng phán xét, nhận định về tình trạng sức khỏe thì bệnh nhân có thể tiếp tục chấp nhận điều trị. Lúc này người bệnh sẽ cảm thấy thoải mái, an tâm hơn và tránh được tình trạng tức giận quá mức. Thường thì bác sĩ nên tạo ra một yếu tố bên ngoài nào đó để giúp cho người bệnh tránh được cảm giác xấu hổ khi bị vạch trần hành vi lừa dối của mình.

Sau đó bác sĩ hãy nhẹ nhàng và giải thích cặn kẽ về những biện pháp được áp dụng cho người bệnh. Lúc này người bệnh sẽ nghĩ rằng đây là liệu pháp nhằm giải quyết cho bệnh lý mà mình cố tình tạo ra nên họ sẽ vui vẻ và chấp thuận tốt các yêu cầu của chuyên gia. Nhờ đó mà họ có thể thoải mái hơn với sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý để củng cố tốt những hành vi sai lệch của mình.

Quá trình tiếp cận đối với người mắc bệnh rối loạn giả bệnh là một trong thử thách lớn, đặc biệt là những bệnh nhân có sự hiểu biết rộng về các kiến thức y khoa. Vì thế, việc chẩn đoán và tiếp cận cần phải được thực hiện bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệm, có khả năng nắm bắt và kiểm soát tâm lý, suy nghĩ tốt.

2. Một số phương pháp điều trị

Để điều trị rối loạn giả bệnh, các bác sĩ thường sẽ tập trung vào việc kiểm soát tốt tình trạng tổn thể thay vì chỉ chú tâm vào điều trị các triệu chứng bệnh. Quá trình cải thiện bệnh có thể bao gồm các biện pháp như:

  • Bệnh nhân được chăm sóc bởi một bác sĩ chính: Người bệnh sẽ chỉ thăm khám và điều trị duy nhất với một bác sĩ để có được kế hoạch chữa bệnh đúng đắn. Hạn chế tình trạng khám và điều trị tại nhiều bệnh viện khác nhau.
  • Liệu pháp tâm lý: Tùy vào từng tình trạng và mức độ bệnh của mỗi người mà các chuyên gia sẽ cân nhắc áp dụng liệu pháp phù hợp. Thường thì người bệnh rối loạn giả bệnh sẽ được ưu tiên sử dụng liệu pháp nhận thức và hành vi để kiểm soát tốt căng thẳng, nâng cao kỹ năng đương đầu và thay đổi tốt các suy nghĩ, hành động sai lệch của bản thân. Bên cạnh đó, liệu pháp gia đình cũng được khuyến khích áp dụng để những thành viên bên cạnh sẽ hiểu hơn về tình trạng bệnh và có cách cư xử, chăm sóc bệnh phù hợp.
  • Sử dụng thuốc: Nếu người bệnh có xuất hiện kèm theo các triệu chứng của rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn nhân cách thì sẽ được chỉ định kết hợp điều trị với một số loại thuốc phù hợp.
  • Nhập viện: Đối với các trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân xuất hiện các hành vi tự làm tổn hại đến bản thân hoặc tự sát thì cần được yêu cầu nhập viện trong thời gian ngắn để theo dõi và hạn chế các hậu quả nghiêm trọng.

Bài viết trên đây đã giúp bạn đọc hiểu thêm về tình trạng rối loạn giả bệnh và đưa ra một số hướng khắc phục phù hợp. Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh hãy động viên bệnh nhân tiến hành thăm khám và điều trị để phòng tránh tốt các hậu quả nguy hiểm.

Tham khảo thêm:

 

4.6/5 - (66 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *