Rối loạn giải thể nhân cách (Derealization) là gì? Cách điều trị
Rối loạn giải thể nhân cách là một chứng rối loạn phân ly được đặc trưng bởi cảm giác bị tách rời, ngắt kết nối với cơ thể và các suy nghĩ của bản thân. Các triệu chứng này sẽ xảy ra vào từng giai đoạn và kéo dài trong một khoảng thời gian hoặc có thể liên tục tái diễn. Về lâu dài, bệnh này có thể dẫn đến các chứng rối loạn tâm thần khác đặc biệt là stress nặng.
Rối loạn giải thể nhân cách / Tri giác sai thực tại là gì?
Rối loạn giải thể nhân cách hay còn được gọi với tên khác là tri giác sai thực tại. Đây là một trong các dạng rối loạn phân ly được đặc trưng bởi những khoảng thời gian có cảm giác như đang bị tách rời hoặc ngắn kết nối với chính cơ thể và suy nghĩ của bản thân. Chứng rối loạn này thường được người bệnh mô tả giống như cảm giác chính mình đang quan sát và theo dõi bản thân từ bên ngoài cơ thể hoặc nó giống như một giấc mơ.
Tuy nhiên, những đối tượng bị rối loạn giải thể nhân cách không bị phân ly khỏi thực tại, họ vẫn có thể nhìn nhận được mọi vấn đề và hiểu được những điều bất ổn đang xảy ra. Thông thường, các triệu chứng của bệnh sẽ xuất hiện theo từng giai đoạn và kéo dài trong một khoảng thời gian (có thể vài phút hoặc thậm chí là vài năm).
Các chuyên gia cho biết rằng, chứng rối loạn này có thể là triệu chứng của một số rối loạn khác, bao gồm rối loạn nhân cách, các hình thức gây nghiện, một số bệnh về não bộ hoặc các dạng co giật. Chứng bệnh này có liên quan đến sự trì trệ hoặc suy nhược của ý thức, bộ nhớ, nhận thức, sự chú ý. Vì thế khi một trong các chức năng bị tổn thương hoặc có lỗi sẽ khiến cho các triệu chứng bệnh xuất hiện.
Rối loạn giải thể nhân cách khiến con người có cảm giác hồn phân ly và nhìn thấy bản thân từ bên ngoài cơ thể.Tuy hiện nay thuật ngữ này vẫn chưa có quá nhiều người biết đến nhưng dựa vào số liệu thống kê nhận thấy có đến gần 50% người dân đã từng có trải nghiệm thoáng qua về cảm giác này. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 2% các trường hợp tồn tại đầy đủ các tiêu chí để có thể đưa ra kết luận rằng họ đang mắc phải chứng rối loạn giải thể nhân cách.
Chứng rối loạn này có thể khởi phát ở nhiều đối tượng khác nhau, không phân biệt nam hay nữ. Thông thường bệnh sẽ khởi phát vào khoảng độ từ 16 đến 17 tuổi. Bên cạnh đó, cũng có một vài trường hợp các triệu chứng bệnh xuất hiện từ sớm (ở thời thơ ấu). Theo thống kê thì chỉ có khoảng 25% các trường hợp khởi phát bệnh sau tuổi 25 và rất hiếm gặp bệnh khởi phát muộn sau 40 tuổi.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn giải thể nhân cách
Các triệu chứng của rối loạn giải thể nhân cách thường xuất hiện theo từng giai đoạn và biểu hiện khá đa dạng, phong phú. Một số trường hợp các triệu chứng xuất hiện và duy trì trong khoảng vài phút, vài giờ nhưng cũng có thể kéo dài liên tục trong khoảng vài tháng hoặc vài năm. Mức độ dao động về cường độ ở mỗi đối tượng cũng sẽ khác nhau theo từng mốc thời gian, tuy nhiên cũng có vài trường hợp các triệu chứng không thay đổi cường độ trong suốt nhiều năm.
Dựa vào nghiên cứu thì các triệu chứng của rối loạn giải thể nhân cách sẽ phân thành 2 nhóm như sau:
1. Những triệu chứng sai thực tại
Nhóm triệu chứng này đặc trưng bởi sự phân ly, tách rời với mọi thứ bao gồm cả con vật, con người, các đồ dùng,….Một số dấu hiệu nhận biết như:
- Nhìn nhận cuộc sống, thế giới xung quanh một cách vô hồn, không màu sắc, hầu hết các tương tác đều không được đáp trả.
- Có cảm giác như cơ thể bị tách biệt với mọi thứ, giống như cảnh tượng đang đi trong sương mù, xuất hiện trong giấc mơ hoặc có một lớp kính vô hình nào đó ngăn cách.
- Đôi lúc có cảm giác xa lạ đối với những thứ quen thuộc như nơi làm việc, nhà ở, phòng ngủ, người thân,…
- Tùy vào từng đối tượng khác nhau mà các triệu chứng sai thực tại cũng có phần khác biệt. Một số bệnh nhân có thể khó nhìn nhận được đúng kích thước, hình dáng của các sự vật xung quanh. Họ có thể nhìn thấy sự vật nhỏ hoặc lớn hơn, lắng nghe âm thanh với tần số khác.
- Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể nhận định sai về thời gian, họ có thể cảm thấy một ngày trôi qua quá nhanh hoặc quá chậm.
2. Các triệu chứng giải thể nhân cách
Tình trạng giải thể nhân cách có thể hiểu đó chính là cảm giác mà bản thân đang bị tách rời khỏi cơ thể của mình và nhìn nhận, quan sát cơ thể từ bên ngoài. Khi xuất hiện các triệu chứng này thì bản thân người bệnh sẽ có cảm giác rất ảo, giống như đang mơ.
- Cảm giác như bản thân đang vô định, lơ lửng, không có thực hoặc có cảm giác như cơ thể giống robot vì không thể tự kiểm soát được lời nói, hành vi của mình.
- Xuất hiện một số cảm nhận sai lệch, méo mó về bản thân, cụ thể như cơ thể, tay chân bị biến dạng, móp méo, đầu được lớp bông mềm bao bọc bên ngoài,…
- Ở giai đoạn này người bệnh sẽ có cảm giác bị tách rời rõ rệt giữa thể xác và cảm xúc, họ gần như không thể nhớ rõ được các sự kiện đã xảy ra.
- Một số đối tượng vẫn có thể ghi nhớ được sự việc nhưng sẽ không chắc chắn rằng những sự việc đó có thực hay không.
Dù gặp phải bất kì triệu chứng thuộc nhóm nào thì người bệnh vẫn cảm thấy có sự khó chịu nhất định. Tùy vào sự dao động về mức độ và khoảng thời gian kéo dài mà bệnh nhân có thể chấp nhận sự thay đổi bất thường này nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi, nặng nề, lo lắng, bất an. Một vài trường hợp nghiêm trọng người bệnh có thể trở nên điên loạn, mất kiểm soát.
Các triệu chứng của rối loạn giải thể nhân cách có thể dễ bị nhầm lẫn với tình trạng loạn thần. Tuy nhiên, người bệnh có thể phân biệt được hai bệnh lý này vì đối với những đối tượng bị loạn thần sẽ xuất hiện các ảo giác, hoang tưởng và không thể nhận thức được mọi việc. Còn đối với người bị tri giác sai thực tại vẫn sẽ nhận biết được những trải nghiệm bất thường của mình là có thực.
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn giải thể nhân cách
Hiện nay, nguyên nhân dẫn đến rối loạn giải thể nhân cách vẫn chưa được chứng minh cụ thể. Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà khoa học thì bệnh lý này thường sẽ khởi phát sau khi người bệnh trải qua các cơn stress trầm trọng. Bên cạnh đó, một số yếu tố như đặc điểm tính cách, môi trường, di truyền cũng có thể làm gia tăng nguy cơ phát triển bệnh.
Một số nguyên nhân có thể gây nên tình trạng rối loạn giải thể nhân cách như:
- Tiền sử gia đình: Cũng giống như các chứng rối loạn khác, bệnh tri giác sai thực tại cũng có thể xuất hiện do yếu tố di truyền. Một vài nghiên cứu đã nhận thấy rằng những đối tượng mắc phải rối loạn giải thể nhân cách thường sẽ có người thân như bố mẹ, anh chị em ruột có tiền sử bị suy giảm chức năng thần kinh hoặc các rối loạn tâm thần nặng.
- Thời thơ ấu từng bị sang chấn tâm lý: Qua quá trình khảo sát và tìm hiểu, các chuyên gia nhận thấy rằng hầu hết những đối tượng mắc bệnh đều đã có những kí ức xấu ở thời thơ ấu. Họ đều bị sang chấn tâm lý do bị lạm dụng tình dục, bị bỏ rơi, bạo hành,…Đây cũng chính là một trong các nguyên nhân khiến cho các triệu chứng khởi phát từ sớm.
- Ảnh hưởng bởi đặc điểm tính cách: Những người có tính cách rụt rè, nhút nhát, tự ti, không dám đối mặt với khó khăn thì sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn so với bình thường. Khi phải trải qua các tình huống cản trở, tồi tệ họ thường có xu hướng muốn thoát ra khỏi thực tại nên dễ hình thành các cảm giác tách rời, phân ly khỏi cơ thể.
- Từng chứng kiến mâu thuẫn, bạo lực trong gia đình: Trẻ em rất nhạy cảm và dễ tổn thương nên nếu ngay từ nhỏ trẻ đã phải chứng kiến những hình ảnh bạo lực của gia đình thì khi lớn lên rất dễ rơi vào trạng thái rối loạn giải thể nhân cách. Lúc này sẽ dần mất đi kết nối với các thành viên xung quanh và tự tạo cho mình một tấm chắn vô hình để tách biệt khỏi xã hội.
- Gặp phải các sự kiện sang chấn bất ngờ: Một số sự kiện gây sang chấn bất ngờ như phá sản, mất người thân, tai nạn nghiêm trọng,…có thể gây ra tình trạng stress nặng kéo dài sau đó dẫn đến rối loạn giải thể nhân cách.
Rối loạn giải thể nhân cách có nguy hiểm không?
Rối loạn giải thể nhân cách tuy là một chứng bệnh còn khá mới mẻ với nhiều người nhưng trong thực tế nó chiếm đến 1- 2 % dân số tổng thế giới. Các triệu chứng sẽ thường khởi phát sau những cơn stress nặng và có thể tự cải thiện mà không cần đến các biện pháp điều trị chuyên khoa. Tuy nhiên, cũng không ít các trường hợp bị rối loạn giải thể nhân cách kéo dài liên tục và chuyển biến thành bệnh mãn tính, kháng trị.
Các triệu chứng của bệnh nếu cứ liên tục kéo dài sẽ gây nên sự khó chịu cho người bệnh, đồng thời làm cản trở đến rất nhiều các sinh hoạt đời sống hàng ngày. Sự sai lệch, méo mó trong cảm nhận sẽ khiến cho bệnh nhân dần mất đi cảm xúc, họ cảm thấy lo lắng, sợ hãi khi phải đối mặt với thực tại. Hơn thế, một số trường hợp người bệnh còn bị mất hoàn toàn các chức năng xã hội, kèm theo đó là hàng loạt các triệu chứng của rối loạn lo âu và trầm cảm.
Cảm giác như đang lơ lửng, vô định, không xác thực được cảm xúc, không thể kết nối với cơ thể khiến cho nhiều người cảm thấy hoang mang. Họ gặp khó khăn trong việc kết bạn, khó tìm được một công việc lâu dài và không thể kết hôn hoặc duy trì một mối quan hệ bền chặt. Hơn thế, một số trường hợp do muốn nhanh chóng thoát khỏi nhưng cảm giác mơ hồ nên đã lạm dụng các chất kích thích hoặc thậm chí là nghĩ đến việc tự sát.
Cách chẩn đoán rối loạn giải thể nhân cách
Rối loạn giải thể nhân cách thường sẽ được chẩn đoán dựa vào các biểu hiện lâm sàng có trong tiêu chí DSM -5. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành thăm khám sức khỏe tổng quát, tiếp đến đánh giá về mức độ sức khỏe tâm thần và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết. Đồng thời, chuyên gia cũng sẽ trao đổi về các yếu tố nguy cơ gây bệnh để có phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Nếu một người đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sau thì có thể được chẩn đoán mắc phải bệnh rối loạn giải thể nhân cách:
- Người bệnh xuất hiện các giai đoạn kéo dài hoặc thường xuyên tái phát cá triệu chứng của giải thể nhân cách và tri giác sai thực tại hoặc tồn tại cả hai.
- Các triệu chứng của bệnh gây nên nhiều cảm giác đau khổ và suy giảm, ảnh hưởng đến chức năng sinh hoạt, học tập, công việc,…
- Dù trong trạng thái bị tách biệt, phân ly với cơ thể nhưng người bệnh vẫn nhận thức và biết rõ được những bất thường của bản thân.
Bên cạnh đó, phải loại bỏ các yếu tố gây bệnh khác như rối loạn hoảng sợ, rối loạn trầm cảm, rối loạn tâm thần hoặc các rối loạn phân ly khác do sử dụng quá nhiều các chất gây nghiện. Để có thể loại trừ chính xác các nguyên nhân này thì chuyên gia sẽ tiến hành xét nghiệm nước tiểu, test tâm lý, thực hiện điện não đồ – EEG, MRI.
Hướng điều trị rối loạn giải thể nhân cách
Thông thường, đối với các trường hợp bị rối loạn giải thể nhân cách sẽ được ưu tiên áp dụng biện pháp trị liệu tâm lý. Nếu tình trạng bệnh chuyển biến nặng hoặc người bệnh có xuất hiện kèm theo một số triệu chứng của các rối loạn khác như lo âu, trầm cảm thì sẽ được chỉ định sử dụng thêm một số loại thuốc phù hợp.
1. Trị liệu tâm lý
Như đã chia sẻ ở trên, rối loạn giải thể nhân cách thường sẽ khởi phát sau cơn stress nặng và có nguồn gốc từ các sang chấn nặng nề từ thời thơ ấu. Cũng chính vì thế mà cách tốt nhất để khắc phục được các triệu chứng bệnh đó chính là tiến hành trị liệu tâm lý. Trước khi tiến hành can thiệp và trị liệu thì các chuyên gia tâm lý cũng sẽ tìm hiểu và khai thác được các yếu tố gây stress, biết được rõ nguyên nhân gốc rễ của bệnh để có thể áp dụng đúng liệu pháp phù hợp.
Nhờ vào quá trình trao đổi và trò chuyện trực tiếp mà người bệnh cũng sẽ hiểu được các vấn đề của bản thân và dần điều chỉnh chúng theo chiều hướng tích cực hơn. Bên cạnh đó, các chuyên gia còn giúp người bệnh tháo gỡ được những nút thắt trong lòng để có thể cân bằng và ổn định hơn về trạng thái tâm lý.
Tùy vào mỗi tình trạng bệnh khác nhau mà các chuyên gia, bác sĩ tâm lý sẽ cân nhắc áp dụng các liệu pháp trị liệu phù hợp nhất. Một số phương thức thường được áp dụng cho các bệnh nhân bị rối loạn giải thể nhân cách như:
- Liệu pháp nhận thức – hành vi: Đây là liệu pháp thường xuyên được áp dụng đối với những người bệnh tri giác sai thực tại. Nhờ vào liệu pháp này mà người bệnh được giảm bớt các cảm giác cho rằng bản thân không có thực.
- Kỹ thuật hành vi: Người bệnh sẽ dễ dàng kiểm soát được hành vi của bản thân trong thời gian xuất hiện các triệu chứng. Nhờ vào đó mà người bệnh có thể duy trì tốt các công việc, hoạt động hàng ngày và giảm bớt các cảm giác khó chịu, hoang mang.
- Trị liệu giác quan: Khi áp dụng biện pháp này người bệnh sẽ được hướng dẫn chơi một số loại nhạc cụ, chạm hoặc sờ vào những vật có nhiệt độ khác nhau,….để có thể gia tăng sự kết nối với cuộc sống xung quanh.
- Liệu pháp tâm động: Với liệu pháp này, các chuyên gia sẽ khuyến khích người bệnh nói ra những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực của bản thân từ đó giúp họ điều chỉnh và nâng cao cảm giác lạc quan, tích cực.
Nhờ vào quá trình trị liệu tâm lý mà người bệnh có thể hiểu rõ hơn về bản thân, biết cách kiểm soát và khống chế các triệu chứng tiêu cực. Sau khi đã giải quyết tốt các triệu chứng mà bệnh gây ra thì các chuyên gia tâm lý sẽ hướng dẫn cho người bệnh cách kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân, nâng cao các kỹ năng đối phó với stress, căng thẳng để hạn chế tối đa tình trạng tái phát.
2. Điều trị bằng thuốc
Cho đến hiện nay vẫn chưa có bất kì loại thuốc nào được chứng minh cụ thể về công dụng đặc trị chứng rối loạn giải thể nhân cách. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp bệnh có triệu chứng nặng hoặc kèm theo các dấu hiệu của trầm cảm, rối loạn lo âu thì có thể được cân nhắc sử dụng một số loại thuốc để kiểm soát tạm thời.
Thông thường, đối với các trường hợp này sẽ được kê đơn với một số loại thuốc như:
- Lamotrigine
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs)
- Thuốc đối kháng opioid
- Thuốc giải lo âu
Việc sử dụng thuốc không chỉ giúp khống chế tốt các triệu chứng gây khó chịu mà còn làm hạn chế nguy cơ tự sát ở người bệnh. Tuy nhiên, các loại thuốc này có nhiều nguy cơ gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn. Vì thế người bệnh cần phải cẩn thận và tuân thủ đúng theo các chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý thay đổi liều lượng hoặc ngừng sử dụng thuốc đột ngột.
Rối loạn giải thể nhân cách là một trong các chứng rối loạn phân ly khá phổ biến và có thể xuất hiện ở nhiều đối tượng khác nhau. Hi vọng qua thông tin của bài viết bạn đọc sẽ hiểu thêm về chứng bệnh này để có thể kịp thời phát hiện và điều trị đúng cách, hạn chế các hệ lụy nguy hiểm về sau.
Tham khảo thêm:
- Rối loạn nhân cách hoang tưởng (PPD) là gì?
- Biểu hiện của người ái kỷ và cách khắc phục
- Rối loạn nhân cách ranh giới là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị
- Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD): Cách nhận biết và chữa trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!