Hội chứng rối loạn hành vi giấc ngủ Rem là gì?

Rối loạn hành vi giấc ngủ Rem (Rem Sleep Behavior Disorder – RBD) là một dạng rối loạn giấc ngủ đặc trưng bởi các hành vi bất thường như la hét, chửi rủa, cười lớn, đánh đấm, kích động,… xảy ra trong giấc ngủ Rem. Nguyên nhân gây bệnh chưa được biết rõ nhưng thường có liên quan đến thoái hóa hệ thần kinh trung ương.

hội chứng rối loạn hành vi trong giấc ngủ rem
Hội chứng rối loạn hành vi trong giấc ngủ Rem (RBD) chủ yếu gặp ở nam giới từ 50 tuổi trở lên

Hội chứng rối loạn hành vi giấc ngủ Rem là gì?

Giấc ngủ Rem là thuật ngữ đề cập đến một giai đoạn của chu kỳ ngủ, kéo dài từ 1.5 – 2 giờ đồng hồ. Giai đoạn này còn được gọi là ngủ mơ với đặc điểm là ngủ rất sâu, mắt cử động nhanh, cơ thể bị tê liệt cơ tạm thời và thường xuyên có các giấc mơ. Tuy nhiên ở người bị rối loạn hành vi trong giấc ngủ Rem, tình trạng tê liệt cơ có thể không xảy ra hoặc xảy ra không đầy đủ dẫn đến tình trạng phát sinh các hành vi kịch tính, bạo lực trong giấc ngủ.

Tóm lại, rối loạn hành vi trong giấc ngủ Rem (Rem Sleep Behavior Disorder – RBD) là hội chứng đặc trưng bởi các hành vi bất thường xảy ra trong giai đoạn ngủ mắt cử động nhanh (giấc ngủ Rem). Hành vi ở từng bệnh nhân có sự khác biệt nhưng thường là nói mớ và các hành vi bạo lực như đấm đá, vẫy tay,… Các hành vi này có thể vô tình làm tổn thương người nằm chung giường và chính bản thân người bệnh. Mức độ bạo lực của các hành vi có thể tăng lên nếu bệnh nhân có các cơn ác mộng hoặc giấc mơ với nội dung bạo lực, khủng khiếp.

Theo số liệu thống kê, hội chứng này xảy ra chủ yếu người trên 50 tuổi và gặp nhiều hơn ở nam giới, rất hiếm khi xảy ra ở trẻ em và nữ giới. Nguy cơ mắc bệnh tăng lên ở những người mắc các bệnh lý liên quan đến thoái hóa thần kinh trung ương như teo đa hệ thống, sa sút trí tuệ, thoái hóa sụn khớp thần kinh, bệnh Alzheimer hay bệnh Parkinson,…

Nguyên nhân gây rối loạn hành vi giấc ngủ Rem

Đến nay các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây rối loạn giấc ngủ Rem. Tuy nhiên qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy người mắc hội chứng này thường có các vấn đề liên quan đến nhận thức và thần kinh.

Hội chứng rối loạn hành vi giấc ngủ Rem
Các chuyên gia nhận thấy, sự suy thoái của hệ thần kinh trung ương có liên quan đến rối loạn hành vi trong giấc ngủ Rem

Một số yếu tố có liên quan đến rối loạn hành vi trong giấc ngủ Rem:

  • Có các bệnh thoái hóa thần kinh: Như đã đề cập, người mắc các vấn đề liên quan đến thoái hóa thần kinh như bệnh thể Lewy lan tỏa (sa sút trí tuệ thể Lewy), teo đa hệ thống, bệnh Parkinson,… có nguy cơ bị rối loạn hành vi trong giấc ngủ Rem (RBD) cao hơn người bình thường. Ngoài ra, một số trường hợp có thể phát triển các bệnh lý này sau 12 – 13 năm bị hội chứng RBD.
  • Mắc chứng ngủ rũ: Chứng ngủ rũ là một trong những rối loạn giấc ngủ khá phổ biến, đặc trưng bởi tình trạng buồn ngủ quá mức vào ban ngày đi kèm với mất trương lực cơ đột ngột. Bệnh nhân dễ gặp phải tình trạng ảo giấc, ác mộng và bóng đè. Mặc dù chưa tìm thấy mối liên hệ những các chuyên gia nhận thấy, người mắc chứng ngủ rũ có khả năng phát triển hội chứng rối loạn hành vi giấc ngủ Rem cao hơn.
  • Một số yếu tố khác: Ngoài ra, chứng rối loạn hành vi trong giấc ngủ Rem còn có liên quan đến một số yếu tố như là nam giới trên 50 tuổi, từng có các bệnh thoái hóa cơ tim, có các vấn đề về chức năng điều hòa, vấn đề nhận thức, rối loạn lo âu (thường là rối loạn stress sau sang chấn), tác dụng phụ của một số loại thuốc, ảnh hưởng của quá trình cai nghiện rượu,…

Rất nhiều trường hợp mắc đồng thời chứng rối loạn hành vi trong giấc ngủ Rem với các rối loạn giấc ngủ khác như chứng ngủ rũ, rối loạn vận chuyển chân tay định kỳ, ngưng thở khi ngủ,… Một số nghiên cứu gần đây còn cho thấy mối liên hệ giữa RBD với tiền sử chấn thương đầu, hút thuốc lá và tính chất công việc phải tiếp xúc thường xuyên với thuốc trừ sâu.

Biểu hiện rối loạn hành vi trong giấc ngủ Rem

Giấc ngủ Rem đặc trưng bởi hiện tượng mất trương lực cơ chân, tay tạm thời cùng với chuyển động mắt nhanh, cơ thể ngủ sâu và đôi khi có xuất hiện một số giấc mơ. Tuy nhiên ở những người mắc hội chứng RBD, vì một vài lý do, chân và tay hoàn toàn không bị mất trương lực. Do đó, thay vì có giấc mơ như thông thường, bệnh nhân có thể phát sinh các hành vi nhằm phản ứng, đối phó với các nội dung trong giấc mơ và các cơn ác mộng.

 rối loạn hành vi giấc ngủ Rem
Người mắc hội chứng RBD có thể xuất hiện các hành vi bất thường như rời khỏi giường, la hét, đánh đấm trong giấc ngủ Rem

Các dấu hiệu nhận biết rối loạn hành vi trong giấc ngủ Rem:

  • Người bệnh thực hiện các hành vi trong giấc ngủ Rem, thường là khua tay chân, đá, đấm túi bụi hoặc thậm chí bệnh nhân có thể nhảy ra khỏi giường và trốn chạy. Các hành vi này thường là phản ứng tự vệ do bệnh nhân nằm mơ bị rượt đuổi, tấn công bạo lực,…
  • Người bệnh cũng có thể có những cảm xúc chân thực như khóc, xúc động, cười lớn, trò chuyện, la hét và thậm chí là chửi rủa vì nằm mơ thấy bị người khác xúc phạm hoặc gặp phải các biến cố nặng nề.
  • Bệnh nhân mắc hội chứng này có thể nhớ lại giấc mơ rất chi tiết và sống động. Trong khi người bình thường có thể quên hoàn toàn giấc mơ hoặc chỉ nhớ được một phần nhất định.
  • Các triệu chứng của hội chứng RBD khởi phát đột ngột hoặc từ từ, có thể xảy ra vài lần trong một đêm nhưng cũng có khi chỉ xuất hiện vài lần trong một thời gian dài. Hội chứng này thường trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian nếu không được thăm khám và điều trị.

Người bệnh có thể nhận thấy các dấu vết tổn thương do những hành vi bạo lực xảy ra trong giấc ngủ như chân tay bầm tím, có vết xước, chảy máu,… Nếu ngủ chung với người khác, người xung quanh có thể bị đánh thức bởi tiếng ồn từ giọng nói và đôi khi bị tổn thương do các hành vi bạo lực của bệnh nhân.

Rối loạn hành vi giấc ngủ Rem có nguy hiểm không?

Rối loạn hành vi giấc ngủ Rem là một dạng rối loạn giấc ngủ thường gặp ở nam giới cao tuổi. Các hành vi bạo lực, la hét, kích động trong giấc ngủ có thể khiến những người xung quanh bị ảnh hưởng, tỉnh giấc giữa đêm và khó ngủ trở lại. Thậm chí bệnh nhân có thể gây tổn thương chính mình và người ngủ chung do các hành vi bạo lực có tính chất nghiêm trọng như đánh đấm, xô đẩy,…

Một số bệnh nhân nhận thấy bệnh tình của bản thân có thể lựa chọn sống tách biệt và cách ly để tránh ảnh hưởng với những người xung quanh. Nếu không được thấu hiểu, bệnh nhân có thể mắc phải chứng rối loạn lo âu và trầm cảm. Ngoài ra, một số người còn sử dụng rượu bia với hy vọng ngủ sâu giấc và giảm các hành vi bạo lực trong giấc ngủ Rem. Tuy nhiên, việc lạm dụng rượu bia có thể gia tăng các hành vi bạo lực và tần suất gặp phải ác mộng.

Bên cạnh những ảnh hưởng trên, người mắc chứng rối loạn hành vi trong giấc ngủ Rem còn có thể gặp phải các vấn đề liên quan đến suy thoái hệ thần kinh trung ương như bệnh Parkinson (khoảng 38% trường hợp phát sinh triệu chứng sau khoảng 12 – 13 năm) và sa sút trí tuệ. Do đó, bệnh nhân có các biểu hiện của hội chứng RBD bắt buộc phải thăm khám thường xuyên để tránh các triệu chứng chuyển biến nặng và phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến hệ thần kinh trung ương.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Chẩn đoán hội chứng rối loạn hành vi giấc ngủ Rem

Rối loạn hành vi trong giấc ngủ Rem dễ bị nhầm lẫn với một số rối loạn giấc ngủ khác. Để chẩn đoán hội chứng này, bác sĩ sẽ khai thác triệu chứng (thường là các dấu vết tổn thương sau khi ngủ dậy hoặc lời nói của người ngủ chung với bệnh nhân), đồng thời khai thác tiền sử cá nhân và gia đình.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu như:

  • Khám tổng quát và khám thần kinh: Các rối loạn hành vi trong giấc ngủ có thể là hệ quả của một số bệnh toàn thân và các vấn đề về thần kinh. Do đó, bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe tổng quát và thần kinh để phát hiện ra những vấn đề bất thường. Ngoài ra, bước này còn giúp bác sĩ xác định các rối loạn giấc ngủ mắc đồng thời với RBD như chứng ngủ rũ, ngưng thở khi ngủ,…
  • Đo đa ký giấc ngủ: Đo đa ký giấc ngủ là xét nghiệm quan trọng trong chẩn đoán hội chứng rối loạn hành vi trong giấc ngủ Rem. Để thực hiện xét nghiệm này, bệnh nhân cần phải ngủ lại phòng khám/ bệnh viện nhằm thuận tiện cho quá trình xét nghiệm. Đo đa ký giấc ngủ giúp bác sĩ đánh giá được nồng độ oxy trong máu khi ngủ, hoạt động của não, phổi, tim, nhịp thở, chuyển động của chân tay, giọng nói. Với bệnh nhân nghi ngờ bị RBD, các bác sĩ sẽ đặt máy quay để đánh giá các hành vi bất thường xảy ra trong giấc ngủ Rem.

Đối với hội chứng rối loạn hành vi giấc ngủ Rem, các bác sĩ thường sử dụng tiêu chuẩn ICSD-3 của Bảng phân loại quốc tế về rối loạn giấc ngủ (International Classification of Sleep Disorders) để chẩn đoán bệnh. Các tiêu chí chẩn đoán hội chứng này bao gồm:

  • Các hành vi bất thường trong giấc ngủ Rem như trò chuyện, chửi rủa, khóc lóc, cười lớn, đánh đấm, vung tay chân, nhảy ra khỏi giường,… lặp đi lặp lại và thường có liên quan đến nội dung trong giấc mơ.
  • Bệnh nhân nhớ rõ các giấc ngủ một cách chi tiết, sống động.
  • Có hiện tượng tăng hoạt động cơ trong giấc ngủ Rem.
  • Khi thức giấc sau giấc mơ, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, không bị mất phương hướng và bối rối.
  • Các biểu hiện của RBD không phải là biểu hiện của các rối loạn giấc ngủ khác, rối loạn tâm thần do lạm dụng chất gây nghiện,…

Sau khi được chẩn đoán, bệnh nhân sẽ được tư vấn điều trị. Vì các triệu chứng của hội chứng này nghiêm trọng dần theo thời gian nên bệnh nhân cần phải thăm khám thường xuyên. Hơn nữa, rối loạn hành vi trong giấc ngủ Rem thường là dấu hiệu ban đầu của các vấn đề liên quan đến thoái hóa thần kinh như teo cơ đa hệ thống, bệnh Parkinson, sa sút trí tuệ thể Lewy,… nên việc khám và theo dõi thường xuyên là rất cần thiết.

Các phương pháp điều trị rối loạn hành vi giấc ngủ Rem

Hiện tại, chưa có phương pháp hiệu quả trong điều trị rối loạn giấc ngủ Rem. Mục tiêu của điều trị là bảo vệ bệnh nhân và người ngủ chung giường khỏi các hành vi bạo lực. Một số loại thuốc cũng có thể được sử dụng để giảm các giấc ngủ có tính chất bạo lực, từ đó cải thiện những hành vi bất thường của bệnh nhân trong giấc ngủ Rem.

Các phương pháp điều trị hội chứng RBD:

1. Các biện pháp bảo vệ bệnh nhân và người ngủ chung

Các hành vi bạo lực như đánh đấm, vung tay chân,… có thể gây tổn thương người ngủ cùng và chính bản thân người bệnh. Do đó, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn các biện pháp bảo vệ để giảm thiểu tổn thương cho chính mình và người ngủ chung.

  • Cất các vật dụng có khả năng gây tổn thương ở trên giường và xung quanh giường như các vật nhọn sắc, cứng, vũ khí,…
  • Nên sử dụng nệm hoặc giường thấp để giảm thiểu tổn thương nếu bệnh nhân có ý định nhảy ra khỏi giường. Hoặc có thể hàn thanh chắn ở cạnh giường để tránh tình trạng bị lăn xuống đất trong khi ngủ.
  • Đảm bảo trên giường ngủ chỉ có nệm, gối và chăn. Loại bỏ tất cả các vật dụng gây vướng víu, không cần thiết.
  • Đóng kín cửa sổ và cửa chính khi ngủ để đảm bảo bệnh nhân không di chuyển ra khỏi phòng. Bởi một số bệnh nhân có thể gặp phải tai nạn do cố gắng chạy thoát vì giấc mơ có nội dung bị tấn công, bạo lực.
  • Khi triệu chứng chưa được kiểm soát, bệnh nhân nên ngủ riêng để tránh gây tổn thương cho những người xung quanh. Người thân có thể quan sát bệnh nhân từ xa thông qua camera để có thể hỗ trợ khi nhận thấy các biểu hiện bất thường.

2. Sử dụng thuốc

Một số loại thuốc có thể được dùng để cải thiện rối loạn hành vi trong giấc ngủ Rem. Mục đích của sử dụng thuốc là giảm các hành vi bạo lực khi ngủ và giúp bệnh nhân ngủ sâu, hạn chế các giấc mơ và ác mộng.

rối loạn hành vi giấc ngủ Rem
Bệnh nhân bị hội chứng RBD có thể được chỉ định dùng viên uống chứa Melatonin hoặc Clonazepam

Một số loại thuốc được sử dụng khi điều trị hội chứng RBD bao gồm:

  • Clonazepam: Clonazepam được sử dụng với liều khoảng 0.5 – 2mg trước khi đi ngủ. Thuốc có tác dụng giảm các hành vi bạo lực có thể gây tổn thương bệnh nhân và những người xung quanh. Tuy nhiên, khả năng dung nạp thuốc tương đối thấp nên cần sử dụng dài hạn để tránh tái phát.
  • Chế phẩm chứa melatonin: Melatonin là hormone được tuyến tùng sản xuất nhằm tạo cảm giác buồn ngủ và giúp ngủ ngon, ngủ sâu giấc hơn. Một số nghiên cứu cho thấy, sử dụng các viên uống bổ sung melatonin có thể cải thiện các triệu chứng của RBD. Các chế phẩm này mang lại hiệu quả tương tự như Clonazepam nhưng ít tác dụng phụ và an toàn hơn.

Hội chứng rối loạn hành vi trong giấc ngủ Rem ảnh hưởng chủ yếu đến thể chất của người bệnh và người ngủ chung. Do đó, điều trị chủ yếu là giảm thiểu các tổn thất về thể chất do các hành vi bạo lực trong giấc ngủ. Tuy nhiên, hội chứng này là biểu hiện đầu tiên của các bệnh lý suy thoái thần kinh trung ương nên bệnh nhân cần được thăm khám và theo dõi thường xuyên trong một thời gian dài.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Hội chứng rối loạn hành vi giấc ngủ Rem là một rối loạn giấc ngủ gặp chủ yếu ở nam giới từ 50 tuổi trở lên. Hiếm khi bệnh nhân có thể nhận rõ bản thân mắc chứng bệnh này nên những người xung quanh cần quan tâm và khuyến khích người bệnh thăm khám nếu nhận thấy các hành vi bất thường xảy ra trong giấc ngủ.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Bình luận

  1. Huỳnh van tài says: Trả lời

    Ba e dag bi hoi chung rbd này. Đã di khám nhieu bv vè than kinh o sg. Bs cho dung thuôc nhung uong cung k thây hiêu quả mấy

Trả lời Huỳnh van tài Hủy trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *