Rối loạn hoảng sợ ở trẻ: Nguyên nhân và hướng điều trị
Rối loạn hoảng sợ ở trẻ em có triệu chứng tương tự như người trưởng thành. Bệnh lý này ảnh hưởng nhiều đến khả năng học tập, phát triển tư duy và thể chất của trẻ. Hiện tại, sử dụng thuốc, liệu pháp hành vi, nhận thức đã được chứng minh mang lại hiệu quả cao trong điều trị.
Rối loạn hoảng sợ ở trẻ là bệnh gì?
Rối loạn hoảng sợ ở trẻ là một thể lâm sàng của rối loạn lo âu với đặc điểm là các cơn hoảng sợ bùng phát đột ngột, có tính chất kịch phát. Các cơn hoảng sợ kéo dài khoảng 5 – 20 phút hoặc hơn đi kèm với nỗi sợ mạnh mẽ, tột độ và các triệu chứng thể chất.
Rối loạn hoảng sợ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và trẻ em cũng có thể mắc phải chứng bệnh này. Theo thống kê, rối loạn hoảng sợ là một trong những thể rối loạn lo âu khá phổ biến với tỷ lệ mắc bệnh khoảng 1.6% dân số. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc bệnh có xu hướng tăng lên và trẻ hóa.
Các rối loạn lo âu nói chung và rối loạn hoảng sợ nói riêng đều gây ra những ảnh hưởng sâu sắc đối với chất lượng cuộc sống, sức khỏe thể chất và tinh thần. Đối với trẻ nhỏ, chứng bệnh này ảnh hưởng nhiều đến quá trình phát triển tư duy (nhận thức) và hình thành nhân cách.
Nhận biết rối loạn hoảng sợ ở trẻ em
Rối loạn hoảng sợ có triệu chứng rất rõ ràng và dễ nhận biết. Nếu chú ý, gia đình có thể phát hiện trẻ có các biểu hiện bất thường sau:
- Cơn hoảng sợ kịch phát với đặc điểm sợ hãi quá mức, khuôn mặt thể hiện rõ sự sợ hãi tột độ và kinh hoàng
- Cơn hoảng sợ kéo dài trong khoảng 5 – 20 phút hoặc đôi khi là 1 giờ đồng hồ
- Trong cơn hoảng sợ, trẻ thường có nỗi sợ bản thân sẽ bị phát điên, sắp chết hoặc mất kiểm soát.
- Trẻ em thường có biểu hiện khóc lóc và la hét dữ dội trong các cơn hoảng sợ.
- Các cơn hoảng sợ bùng phát mà không có dấu hiệu báo trước và có thể xảy ra ở bất cứ hoàn cảnh nào.
- Các cơn hoảng sợ có tính chất tái phát nhiều lần và khoảng cách của các cơn dao động từ vài tuần cho đến vài tháng.
- Đối mặt với các cơn hoảng sợ liên tục khiến trẻ sợ phải ra ngoài, luôn trong trạng thái căng thẳng, lo âu và hành vi có sự thay đổi rõ rệt.
- Việc bùng phát cơn hoảng loạn ở nơi đông người khiến trẻ né tránh đến những nơi công cộng – đặc biệt là những nơi mà mình từng phát bệnh. Trẻ có thể từ chối sử dụng phương tiện công cộng, không muốn ra khỏi nhà hoặc chỉ chấp nhận đi ra ngoài khi có người thân đi cùng.
- Các cơn hoảng sợ thường tự phát nhưng sau một thời gian, các cơn hoảng sợ thường xảy ra vào một số tình huống và môi trường nhất định.
Ngoài nỗi sợ kinh hoàng, trẻ thường có các triệu chứng thể chất đi kèm trong các cơn hoảng sợ bao gồm:
- Ra nhiều mồ hồi – đặc biệt là ở tay, chân
- Đánh trống ngực, mạch nhanh
- Thở nông, nhịp thở nhanh
- Có cảm giác nghẹt thở
- Khó chịu và đau thắt ngực
- Đau bụng
- Buồn nôn
- Run tay chân
- Mất thăng bằng
- Choáng váng, chóng mặt
- Đôi khi có rối loạn giải thể nhân cách/ tri giác sai thực tại
- Có cảm giác chết lặng
- Cơ thể nóng bừng hoặc lạnh cóng
Rối loạn hoảng sợ thường đi kèm với ám ảnh sợ khoảng trống nhưng cũng có những bệnh nhân không có nỗi ám ảnh này. Ám ảnh sợ khoảng trống là nỗi sợ vô lý, dai dẳng về những nơi xa lạ, những nơi không có lối thoát và đặc biệt là những không gian không có người thân quen.
Nguyên nhân gây rối loạn hoảng sợ ở trẻ
Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây rối loạn hoảng sợ ở trẻ vẫn chưa được xác định. Dù vậy, những nghiên cứu được thực hiện đã cho thấy bệnh lý này có liên quan đến những yếu tố sau đây:
- Bất thường ở hệ thống GABA benzodiazepine: Các chuyên gia nhận thấy, đa số bệnh nhân bị rối loạn hoảng sợ đều có đáp ứng với thuốc an thần nhóm benzodiazepine. Các chuyên gia tiến hành nghiên cứu và nhận thấy bệnh nhân mắc chứng bệnh này đều có hiện tượng giảm số lượng các thụ cảm thể benzodiazepine ở thùy trước trán và hồi hải mã. Ngoài ra, nồng độ GABA ở vùng chẩm cũng giảm 22% so với người bình thường.
- Gen di truyền: Rối loạn hoảng sợ là bệnh có tính chất di truyền. Tỷ lệ mắc chứng bệnh này ở người bình thường là 2.3%. Tuy nhiên nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh, khả năng bị rối loạn hoảng sợ sẽ dao động khoảng 24.7%. Điều này cho thấy vai trò rõ rệt của của gen di truyền đối với cơ chế bệnh sinh của rối loạn hoảng sợ.
So với các dạng rối loạn lo âu khác, cơ chế bệnh sinh và căn nguyên của rối loạn hoảng sợ còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Mặc dù vậy, các phương pháp điều trị đã được cải tiến và hoàn toàn có thể kiểm soát bệnh hiệu quả.
Rối loạn hoảng sợ ở trẻ có nguy hiểm không?
Rối loạn hoảng sợ ở trẻ em hay người lớn đều gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng. Sự tái phát liên tục của các cơn hoảng sợ khiến trẻ trở nên lo âu, căng thẳng, sợ hãi khi ra ngoài và không thể tập trung hoàn toàn cho việc học. Về lâu dài, sức khỏe và chất lượng cuộc sống của trẻ đều bị suy giảm đáng kể.
Nếu không điều trị sớm, rối loạn hoảng sợ ở trẻ có thể gây ra các biến chứng như:
- Giảm khả năng học tập và tiếp thu
- Trẻ không có bạn bè, bị xa lánh, cô lập và sống khép kín
- Hình thành các ám ảnh cụ thể như sợ không gian trống, sợ đi thang máy, sợ đi máy bay,… Thông thường, nỗi sợ sẽ liên quan đến không gian mà trẻ bùng phát cơn hoảng sợ.
- Gia tăng nguy cơ trầm cảm, rối loạn lo âu, stress, hội chứng tự hủy hoại bản thân,…
- Khi lớn lên, trẻ sẽ phải đối mặt với tình trạng khó tìm kiếm việc làm do năng lực kém. Sống cô độc vì không tìm kiếm được bạn đời hoặc có thể kết hôn nhưng nhiều khả năng sẽ ly dị.
- Trong trường hợp xấu nhất, rối loạn hoảng sợ có thể khiến trẻ thực hiện hành vi tự sát để giải thoát bản thân.
Các biến chứng nặng nề do rối loạn hoảng sợ gây ra có thể phòng ngừa được. Nếu trẻ được thăm khám và điều trị kịp thời, bệnh tình sẽ được kiểm soát và hiếm khi gây ra các biến chứng kể trên. Điều trị sớm cũng giúp trẻ phục hồi nhanh và có thể học tập, phát triển như bạn bè đồng trang lứa.
Các phương pháp điều trị rối loạn hoảng sợ ở trẻ
Rối loạn hoảng sợ có thể được kiểm soát nếu điều trị sớm và đúng cách. Đối với trẻ nhỏ, các phương pháp điều trị sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh tác dụng ngoại ý. Theo thống kê, đa phần trẻ em bị rối loạn hoảng sợ đều có đáp ứng tốt với điều trị. Tuy nhiên, vẫn sẽ có trường hợp tái phát nên cần điều trị củng cố lâu dài.
1. Liệu pháp hóa dược
Liệu pháp hóa dược là một trong những phương pháp điều trị chính đối với bệnh rối loạn hoảng sợ ở trẻ em. Trong đó, thuốc chống trầm cảm là nhóm thuốc chính. Thuốc an thần benzodiazepine thường được dùng trong giai đoạn đầu trong thời gian chờ thuốc chống trầm cảm phát huy tác dụng.
Các loại thuốc được dùng trong điều trị rối loạn hoảng sợ ở trẻ em:
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Các loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng như Imipramin, Desipramin, Doxepin,… được sử dụng khá phổ biến trong điều trị rối loạn hoảng sợ ở trẻ em. Tác dụng chính của thuốc là ngăn chặn các cơn hoảng sợ kịch phát.
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs): SSRIs được sử dụng phổ biến trong điều trị rối loạn lo âu ở trẻ em nói chung và rối loạn hoảng sợ nói riêng. Nhóm thuốc này được ưa chuộng vì độ an toàn cao và ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, dùng SSRIs có thể thúc đẩy hành vi tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên trong một số trường hợp. Do đó, gia đình cần theo sát bệnh nhân trong quá trình điều trị.
- Thuốc an thần nhóm benzodiazepine: Thuốc an thần nhóm benzodiazepine mang lại hiệu quả cao trong điều trị rối loạn hoảng sợ ở trẻ. Tuy nhiên, thuốc có thể gây nghiện và ảnh hưởng đáng kể đến khả năng học tập và trí nhớ của trẻ. Thuốc thường được dùng ngắn hạn trong khoảng 1 tháng với SSRIs. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định dùng SSRIs đơn lẻ trong một thời gian dài để ổn định bệnh và ngăn chặn tái phát.
Các loại thuốc chống trầm cảm như SSRIs và thuốc chống trầm cảm 3 vòng đều cho tác dụng chậm. Khoảng 4 – 12 tuần sau khi điều trị, thuốc mới có thể cắt hoàn toàn cơn hoảng sợ. Do đó, thuốc an thần phải được dùng trong thời gian đầu để cắt nhanh cơn hoảng sợ kịch phát.
Trẻ sẽ được dùng thuốc ở liều tấn công trong 6 tháng, sau đó dùng 1/2 liều tấn công trong ít nhất 30 tháng để tránh tái phát. Tùy theo đáp ứng của từng trường hợp, một số trẻ có thể ngừng thuốc hoàn toàn mà không bị tái phát bệnh nhưng cũng có trường hợp phải dùng thuốc suốt đời.
2. Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý được thực hiện song song với liệu pháp hóa dược. Mục tiêu của phương pháp này là giúp trẻ kiểm soát nỗi sợ, học cách đối phó khi cơn hoảng sợ bùng phát và ổn định tâm lý. Bên cạnh đó, trẻ cũng được trang bị những kỹ năng cần thiết để dễ dàng hòa nhập, giao tiếp với mọi người.
Các liệu pháp tâm lý được áp dụng cho trẻ bị rối loạn hoảng sợ:
- Liệu pháp động thái tâm lý: Liệu pháp động thái tâm lý được thực hiện sau khi bệnh nhân đã được cắt cơn hoảng sợ kịch phát bằng thuốc. Liệu pháp này giúp cải thiện các rối loạn hành vi và cảm xúc của bệnh nhân. Liệu pháp động thái tâm lý được thực hiện 2 lần/ tuần trong ít nhất 3 tháng. Nghiên cứu cho thấy, liệu pháp này giúp giảm tái phát cơn hoảng sợ, giải tỏa cảm xúc lo âu, trầm cảm và hoảng sợ hiệu quả.
- Liệu pháp nhận thức: Liệu pháp nhận thức giúp trẻ nâng cao nhận thức và giải thích được các triệu chứng bản thân gặp phải. Ngoài ra, liệu pháp này cũng giúp trẻ giảm cảm giác sợ hãi tột độ, từ đó giúp hạn chế tái phát và cải thiện đáng kể các triệu chứng thể chất trong cơn hoảng sợ.
- Liệu pháp hành vi: Liệu pháp hành vi được thực hiện nhằm hướng dẫn trẻ cách tập thở để kiểm soát nỗi sợ và thư giãn cơ thể. Theo nghiên cứu, liệu pháp này mang lại hiệu quả trên 80% trẻ can thiệp trị liệu trong vòng 12 tuần.
Liệu pháp tâm lý mang lại hiệu quả cao trong điều trị rối loạn hoảng sợ ở trẻ em. Tuy nhiên, liệu pháp này cần được thực hiện song song với liệu pháp hóa dược để mang lại kết quả tốt nhất. Nếu trẻ gặp khó khăn về giao tiếp và thiếu hụt kỹ năng xã hội, gia đình có thể cho trẻ tham gia các lớp trị liệu, tư vấn để dễ dàng hòa nhập cộng đồng.
Cách chăm sóc trẻ bị rối loạn hoảng sợ
Trẻ bị rối loạn hoảng sợ luôn trong trạng thái căng thẳng, lo sợ và đôi khi cẩn trọng quá mức. Trẻ mắc chứng bệnh này thường chán ăn, chậm phát triển thể chất và khó có thể tập trung tốt cho việc học. Do đó, gia đình cần có biện pháp chăm sóc để giúp trẻ cải thiện sức khỏe và phục hồi nhanh chóng.
Cách chăm sóc trẻ bị rối loạn hoảng sợ:
- Gia đình nên động viên, an ủi trẻ kiên trì điều trị. Không nói nặng lời hay so sánh trẻ với những trẻ khác.
- Tránh tâm lý quá nặng nề và chăm sóc trẻ quá mức vì điều này sẽ khiến trẻ cho rằng bản thân là gánh nặng của gia đình. Người thân trong nhà nên nhờ trẻ làm những công việc đơn giản, khen ngợi để củng cố lòng tin và gia tăng lòng tự trọng cho trẻ.
- Chú ý chế độ dinh dưỡng để trẻ phát triển tốt về thể chất. Ngoài ra, nên hạn chế thức ăn chứa nhiều đường, chất béo bão hòa để tránh gia tăng thêm sự lo lắng và căng thẳng. Bổ sung nhiều rau xanh, sữa chua, hạt và các loại trái cây để hỗ trợ cải thiện tâm trạng cho trẻ.
- Trẻ bị rối loạn hoảng sợ thường căng thẳng và khó có thể thư giãn. Do đó, gia đình nên tập thể dục cùng nhau, nuôi thêm thú cưng và tổ chức các trò chơi tập thể nhằm giúp trẻ giải tỏa và ổn định cảm xúc.
- Hỗ trợ trẻ trong quá trình học tập, không nên đặt ra áp lực và đề cao thành tích. Thay vào đó, nên khuyến khích trẻ học tập để tích lũy kiến thức và phát triển thêm năng khiếu.
- Trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để tự tin hơn hơn trong cuộc sống.
Rối loạn hoảng sợ ở trẻ em ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Can thiệp sớm có thể giúp trẻ ổn định bệnh tình và quay trở lại cuộc sống bình thường như trước. Một số trẻ có thể phải dùng thuốc suốt đời nhưng điều trị giúp hạn chế những ảnh hưởng đối với cuộc sống, sức khỏe và ngăn chặn được hành vi tự sát.
Tham khảo thêm:
- Rối loạn hoảng sợ có nguy hiểm không? Chữa khỏi được không?
- Chăm sóc và phòng ngừa rối loạn lo âu tái phát
- 10 Địa Chỉ Khám Tâm Lý Cho Trẻ Ở TPHCM Uy Tín
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!