Rối loạn tâm thần tuổi học đường: Nguyên nhân và cách nhận biết
Rối loạn tâm thần tuổi học đường đề cập đến những vấn đề tâm lý xảy ra ở học sinh và sinh viên. Trước áp lực học tập tăng cao, cách giáo dục không phù hợp của gia đình, nhà trường,… tình trạng này đang có xu hướng tăng lên đáng kể.
Thực trạng rối loạn tâm thần tuổi học đường
Rối loạn tâm thần là thuật ngữ đề cập đến tất cả các vấn đề sức khỏe gây ra những bất thường về mặt cảm xúc, tư duy và hành vi. Nếu như trước đây các rối loạn tâm thần chủ yếu gặp ở người trưởng thành và người cao tuổi thì trong những năm gần đây, trẻ trong độ tuổi học đường cũng là đối tượng có nguy cơ cao.
Rối loạn tâm thần tuổi học đường khiến các em có các biểu hiện khác thường, đôi khi hình thành tâm lý chống đối và phản kháng. Tuy nhiên, nhà trường và gia đình thường quy chụp những hành vi này là do con trẻ hư hỏng, không nghe lời và hỗn hào người lớn.
Việc quy chụp một cách không có căn cứ khiến con trẻ bị tổn thương sâu sắc và phải tự mình đối mặt với những cảm xúc tiêu cực. Vì chưa có hiểu biết sâu sắc và kinh nghiệm sống còn nghèo nàn nên trẻ thường có những giải tỏa tiêu cực nhất như các hành vi chống đối, phản kháng lại người lớn với mục đích thu hút sự quan tâm, các hành vi tự hủy hoại bản thân, sử dụng rượu bia, chất kích thích,…
Các khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, khoảng 20% trẻ em và trẻ vị thành niên có dấu hiệu rối loạn tâm thần. Trong đó, hơn 50% trường hợp khởi phát vào thời điểm 14 tuổi. Ngoài ra, các khảo sát với quy mô rộng hơn cũng được thực hiện và kết quả cho thấy 8 – 18% trẻ trong độ tuổi đi học phải đối mặt với những vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Ở Việt Nam, số lượng trẻ em và trẻ vị thành niên mắc phải các rối loạn tâm thần dao động từ 8 – 29%. Trong đó, chiếm tỷ lệ cao nhất là rối loạn tăng động giảm chú ý với tỷ lệ 14.1%, rối loạn cảm xúc với 11.5% và kế tiếp là rối loạn hành vi chiếm 9.2%. Khi nghiên cứu sâu hơn, các chuyên gia nhận thấy, tỷ lệ trẻ bị rối loạn tâm thần có xu hướng cao hơn ở những thành phố lớn. Điều này cho thấy những ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại, áp lực từ gia đình, nhà trường và xã hội đối với tâm lý của học sinh, sinh viên.
Trước thực trạng tỷ lệ rối loạn tâm thần học đường tăng mạnh, các trường học cũng đã đẩy mạnh công tác tham vấn tâm lý học đường để giúp các em giải tỏa vướng mắc về tâm lý và có những phương án xử lý kịp thời. Ngoài ra, gia đình cũng cần trang bị kiến thức về rối loạn tâm thần và nắm bắt tâm lý con cái để kịp thời giúp con vượt qua những bất ổn về cảm xúc.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn tâm thần tuổi học đường
Rối loạn tâm thần có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ 2 – 3 tuổi mới bắt đầu đi mẫu giáo. Do đó, gia đình không nên chủ quan trước những biểu hiện bất thường của con trẻ. Các triệu chứng rối loạn tâm thần tuổi học đường sẽ có sự khác biệt rõ rệt tùy vào độ tuổi, tính cách và vấn đề mà trẻ gặp phải.
Tuy nhiên nhìn chung, rối loạn tâm thần sẽ gây ra những bất ổn về cảm xúc, suy nghĩ và hành vi. Vì vậy, trẻ thường có những biểu hiện như:
- Đối với trẻ từ 2 – 5 tuổi, trẻ dễ gặp phải tình trạng rối loạn lo âu chia ly trong khoảng thời gian đầu rời xa người thân. Biểu hiện của tình trạng này là lo lắng, căng thẳng, quấy khóc vì không muốn phải xa bố mẹ. Trẻ có biểu hiện sợ đến trường và những nơi xa lạ không có người thân quen.
- Trẻ từ 6 tuổi trở lên dễ gặp phải tình trạng rối loạn hành vi và rối loạn tăng động giảm chú ý. Hai bệnh lý này đều đặc trưng bởi những hành vi bất thường. Trong đó, rối loạn hành vi được thể hiện qua hành vi lừa dối, hung hăng, thiếu nhân tính với con người và động vật. Trẻ mắc chứng bệnh này sẽ thực hiện hành vi với mục đích đạt được quyền lợi, mong muốn mà không quan tâm đến những người xung quanh. Trong khi, rối loạn tăng động giảm chú ý đặc trưng bởi tình trạng khó tập trung và gia tăng các hoạt động thể chất, gần như không thể ngồi yên và giữ im lặng.
- Khi lên cấp 2 và cấp 3, áp lực học tập, mâu thuẫn với gia đình, thầy cô và bạn bè sẽ khiến trẻ phải đối mặt với nhiều rối loạn tâm thần hơn như trầm cảm, rối loạn lo âu, hội chứng Self-Harm,…
- Đối với trẻ lớn, rối loạn tâm thần thường biểu hiện qua một số dấu hiệu như cảm xúc bất ổn, thường xuyên căng thẳng, lo lắng, bi quan, dễ cáu kỉnh và không kiểm soát được cơn giận. Trẻ thường có hành vi chống đối hoặc sống thu mình, tách biệt với gia đình.
- Các triệu chứng tâm thần khiến trẻ phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe thể chất như mất ngủ, sụt cân, chậm phát triển chiều cao, trí nhớ suy giảm, người xanh xao do thiếu hụt vi chất dinh dưỡng,… Một số trẻ có biểu hiện ăn uống quá mức và tăng cân đột ngột do ảnh hưởng của stress, trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác.
Rối loạn tâm thần tuổi học đường có biểu hiện khá đa dạng. Ở giai đoạn đang phát triển, đôi khi trẻ sẽ có lời nói và hành vi không phù hợp. Tuy nhiên, cha mẹ cần theo dõi sát sao và định hướng để bồi dưỡng nhân cách cho con cái thay vì chì chiết, trách móc và tạo áp lực quá lớn.
Nguyên nhân gây rối loạn tâm thần tuổi học đường
Trẻ em tuổi học đường sẽ phải đối mặt với những thay đổi về tâm sinh lý trong quá trình phát triển. Ngoài ra, trẻ chưa có kiến thức và kinh nghiệm sống vững vàng nên khó nhận định đúng – sai và chưa ý thức hoàn toàn được hành vi của bản thân. Chính vì vậy, trẻ không tránh khỏi tình trạng bất ổn về cảm xúc và hành vi.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không có hiểu biết về các vấn đề tâm lý mà chủ yếu quan tâm đến thể chất và kết quả học tập của các con. Hệ quả là con không được quan tâm về đời sống tình cảm và phải đối mặt với các rối loạn tâm thần.
Theo các chuyên gia tâm lý, rối loạn tâm thần tuổi học đường thường bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:
1. Thay đổi môi trường đột ngột
Các rối loạn tâm thần thường xảy ra khi các em thay đổi môi trường đột ngột (lên cấp 1, cấp 2, cấp 3 hoặc chuyển trường). Trẻ nhỏ thường thiếu kỹ năng thích nghi và phải mất nhiều thời gian để có thể quen dần với thầy cô, bạn bè và các quy định mới của trường học. Do đó, không ít trẻ phải đối mặt với căng thẳng và lo âu trong khoảng thời gian này.
Trong trường hợp có mâu thuẫn và phải đối mặt với những sự việc xảy ra không mong muốn, tâm lý của trẻ sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Rất nhiều trẻ có biểu hiện trầm cảm và rối loạn lo âu khi thay đổi môi trường. Tuy nhiên, người lớn thường xem nhẹ vấn đề này và cho rằng thời gian sẽ giúp con quen với môi trường mới. Suy nghĩ chủ quan, phiến diện của bố mẹ khiến con phải đối mặt với căng thẳng và nhiều rối loạn tâm thần tuổi học đường.
2. Áp lực học tập
Có thể nói, áp lực học tập là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra những vấn đề tâm lý, tâm thần ở trẻ em tuổi học đường. Những năm gần đây, chương trình học thay đổi và nặng hơn trước rất nhiều khiến học sinh phải dành nhiều thời gian cho việc học, thậm chí không có đủ thời gian để ngủ nghỉ và vui chơi.
Không chỉ bị áp lực bởi chương trình học, không ít phụ huynh quá kỳ vọng vào con cái khiến cho con bị căng thẳng và mệt mỏi quá mức. Bên cạnh đó, nhiều trẻ tự tạo áp lực để bản thân trở nên nổi bật và không thua kém so với bạn bè. Tuy nhiên, ý nghĩa thực sự của học tập là trau dồi kiến thức và rèn luyện những đức tính tốt. Tình trạng áp lực quá mức không chỉ khiến kết quả học tập giảm sút, trẻ đến trường với tâm trạng chán nản, mệt mỏi mà còn gia tăng nguy cơ mắc phải các rối loạn tâm thần.
3. Mâu thuẫn với thầy cô, bạn bè
Khi bước vào giai đoạn dậy thì, tâm sinh lý của trẻ sẽ có nhiều thay đổi. Do đó, trẻ có thể mâu thuẫn với thầy cô giáo và bạn bè. Những vấn đề này tưởng chừng như không đáng kể nhưng lại khiến tâm lý của trẻ bị tổn thương sâu sắc.
Trong những năm gần đây, không khó để bắt gặp tình trạng nhiều trẻ có dấu hiệu trầm cảm, hoảng loạn do bị thầy cô giáo trách phạt, đối xử không công bằng, bạn bè tẩy chay và bạo hành bằng lời nói. Nếu bố mẹ không có sự quan tâm đúng mực, con trẻ có thể mắc phải các chứng rối loạn tâm thần. Ngoài những ảnh hưởng đến sức khỏe, những tổn thương tâm lý do các chứng bệnh này gây ra cũng khiến cho trẻ hình thành quan niệm lệch lạc và méo mó về nhân cách.
4. Bố mẹ thiếu sự thấu hiểu
Khi còn nhỏ, bố mẹ dễ dàng nắm bắt tâm lý của con cái. Tuy nhiên khi con trưởng thành, bố mẹ rất khó để thấu hiểu con muốn gì và nghĩ gì. Ở lứa tuổi này, tâm sinh lý của trẻ có nhiều thay đổi và bản thân trẻ cũng bắt đầu hình thành chính kiến riêng. Do đó, trẻ muốn được gia đình tôn trọng và đối xử như một người trưởng thành.
Bố mẹ thiếu sự thấu hiểu chính là nguyên nhân phổ biến dẫn đến các vấn đề tâm lý ở trẻ – đặc biệt là với trẻ trong độ tuổi dậy thì. Khi không được bố mẹ thấu hiểu, con cái sẽ có xu hướng sống xa cách và tách biệt. Do đó, trẻ thường ít chia sẻ và tự xử lý mọi việc xảy ra trong cuộc sống thay vì hỏi ý kiến bố mẹ. Tuy nhiên, với kinh nghiệm sống còn hạn chế, trẻ dễ đưa ra những quyết định sai lầm. Đối mặt với những thử thách trong cuộc sống, trẻ rất dễ mắc phải các rối loạn tâm thần nếu không có gia đình hỗ trợ.
5. Các sự kiện có tính chất sang chấn
Ngoài những nguyên nhân trên, rối loạn tâm thần tuổi học đường cũng có thể xảy ra khi đối mặt với những sự kiện có tính chất sang chấn như:
- Bố mẹ ly hôn, ly dị
- Mất người thân đột ngột
- Gia đình đối mặt với khủng hoảng kinh tế
- Bị bạo hành bởi bạn bè, bố mẹ
- Thất bại trong vấn đề tình cảm
- Kết quả học tập kém, không như trẻ mong đợi
- Chứng kiến các sự việc có tính chất khủng khiếp
Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn tâm thần tuổi học đường. Trong đó, sự thay đổi đột ngột của tâm sinh lý là yếu tố quan trọng. Đây là lý do trẻ ở tuổi dậy thì có nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần cao hơn trẻ ở những lứa tuổi khác.
Rối loạn tâm thần tuổi học đường có nguy hiểm không?
Rối loạn tâm thần tuổi học đường đang trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Không khó để tìm thấy các bài báo đề cập đến tình trạng học sinh bị trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn tăng động giảm chú ý, loạn thần và stress. Trong đó, nhiều trẻ không có cơ hội tiếp cận với các biện pháp chăm sóc sức khỏe kịp thời dẫn đến tình trạng tự hại và tự tử. Thống kê cho thấy, tự tử là nguyên nhân tử vong thứ 2 chỉ sau tai nạn giao thông ở các đối tượng có độ tuổi từ 15 – 29.
Thực tế cho thấy, đa phần phụ huynh đều không có hiểu biết sâu sắc về các rối loạn tâm thần học đường. Điều các bậc làm cha làm mẹ quan tâm nhất là kết quả học tập của con cái và sức khỏe thể chất. Khi nhận thấy con có những biểu hiện bất thường, bố mẹ thường cho rằng con hư hỏng, phá phách do nhiễm thói xấu từ bạn bè mà không hề biết rằng đây chính là triệu chứng của các vấn đề tâm lý.
Rối loạn tâm thần ở tuổi học đường gây ra sự đau khổ nhất định cho các em. Khi đối mặt với những cảm xúc tiêu cực, các em thường giải tỏa theo những cách cực đoan nhất như uống rượu bia, lạm dụng chất, tham gia các băng nhóm, tự rạch tay, quan hệ tình dục không an toàn và có những hành vi lệch lạc, không phù hợp với lứa tuổi,…
Ngoài ra, các rối loạn tâm thần còn ảnh hưởng đến sức khỏe và khiến học sinh, sinh viên gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập. Ảnh hưởng của những bệnh lý này khiến sức khỏe và trí nhớ suy giảm, do đó trẻ thường có kết quả học tập kém mặc dù đã rất nỗ lực. Thành tích học tập không như mong muốn lại làm gia tăng mức độ stress và khiến các triệu chứng của rối loạn tâm thần trở nên trầm trọng hơn.
Các vấn đề tâm lý kéo dài còn là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất như rối loạn giấc ngủ, giảm trí nhớ, rối loạn tiêu hóa, tăng huyết áp, sụt cân, chán ăn, rối loạn kinh nguyệt,… Những tác động này khiến trẻ chậm phát triển về thể chất và thấp còi hơn bạn bè đồng trang lứa.
Xem thêm: Rối loạn tâm thần chia sẻ (Folie A Deux): Cần chú ý cảnh giác
Cách khắc phục các rối loạn tâm thần tuổi học đường
Rối loạn tâm thần tuổi học đường gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với cuộc sống và sức khỏe của trẻ. Để con trẻ phát triển lành mạnh, gia đình cần phát hiện sớm những biểu hiện bất thường và có các biện pháp khắc phục phù hợp.
1. Gia đình cần quan tâm và chia sẻ
Khi nhận thấy trẻ có những biểu hiện bất thường, bố mẹ cần thể hiện sự quan tâm và chia sẻ với con cái. Ban đầu, trẻ có thể cảm thấy không thoải mái và ngại đề cập đến những vấn đề bản thân đang phải đối mặt. Tuy nhiên, tình trạng sẽ dần cải thiện sau một thời gian ngắn nếu bố mẹ trò chuyện một cách khéo léo và tinh tế.
Nếu như trước đây bố mẹ kiểm soát con quá nghiêm ngặt và giáo dục hà khắc, con sẽ luôn có tâm thế phòng thủ. Trong trường hợp khó khăn khi trò chuyện cùng con, bố mẹ có thể nhờ sự trợ giúp từ anh chị em ruột của trẻ, ông bà và một số người thân khác.
Khi trò chuyện với trẻ, cần tránh tình trạng hỏi dồn dập khiến trẻ cảm thấy khó chịu và không sẵn sàng chia sẻ những vấn đề bản thân đang đối mặt. Thay vào đó, nên tạo không khí thoải mái cho buổi trò chuyện, tránh tình trạng gắt gỏng và đe dọa trẻ. Bố mẹ có thể bắt chuyện và tạo sự tin tưởng bằng cách kể lại những câu chuyện đã gặp phải khi ở lứa tuổi của con.
Xây dựng mối quan hệ tin cậy có vai trò rất quan trọng để trẻ chấp nhận thăm khám và điều trị. Nếu gia đình không tạo tâm lý ổn định trước, trẻ sẽ có phản ứng quá khích nếu bị yêu cầu đến gặp bác sĩ tâm lý. Chính vì vậy, bước đầu tiên để giúp các con vượt qua rối loạn tâm thần tuổi học đường là sự quan tâm, chia sẻ và đồng cảm của gia đình.
Hơn ai hết, con cái cần sự hỗ trợ của bố mẹ trong suốt quá trình phát triển. Tùy vào độ tuổi của trẻ, bố mẹ cần điều chỉnh cách giáo dục và ứng xử sao cho phù hợp nhất. Tránh tình trạng quá nghiêm khắc, kiểm soát và kỳ vọng quá nhiều khiến trẻ cảm thấy ngột ngạt, bí bách trong chính gia đình của mình.
2. Cho trẻ thăm khám và điều trị
Sau khi trẻ đã thoải mái tâm sự và chia sẻ, gia đình nên đưa ra lời khuyên về việc trẻ nên tìm gặp bác sĩ tâm lý. Trẻ có thể cảm thấy khó chịu với đề nghị này. Do đó, bố mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu rằng, bác sĩ tâm lý sẽ giúp trẻ điều chỉnh cảm xúc và thoát khỏi những suy nghĩ bi quan, tiêu cực. Đồng thời có thêm kỹ năng để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và biết cách giảm stress lành mạnh.
Hãy để trẻ biết rằng, bất cứ ai cũng phải đối mặt với các vấn đề tâm lý trong một giai đoạn của cuộc đời. Vì vậy, chủ động tìm sự trợ giúp của bác sĩ tâm lý là điều hoàn toàn bình thường. Nếu có thể, gia đình nên thăm khám và trị liệu cùng để trẻ cảm thấy an tâm, thoải mái hơn.
Hiện tại, sử dụng thuốc và liệu pháp tâm lý là phương pháp chính cho các rối loạn tâm thần tuổi học đường. Ngoài trị liệu cá nhân, gia đình cũng nên tham gia trị liệu cùng để hiểu hơn tâm lý của con, từ đó điều chỉnh cách ứng xử phù hợp và hỗ trợ con trẻ trong quá trình điều trị. Bố mẹ cũng có thể tư vấn tâm lý để điều chỉnh cách giáo dục đúng đắn và thấu hiểu tâm lý của con.
3. Khuyến khích trẻ học tập, vui chơi lành mạnh
Bên cạnh điều trị y tế, bố mẹ nên khuyến khích trẻ học tập và vui chơi lành mạnh. Nên khích lệ trẻ học tập chăm chỉ và cố gắng đạt điểm cao nhưng tuyệt đối không tạo áp lực bằng cách trách móc và chì chiết. Ngoài ra, có thể tạo cảm hứng cho con bằng cách cho trẻ ứng dụng kiến thức sách vở vào thực tế và cho con khám phá thế giới để tìm ra ưu điểm, sở thích của bản thân.
Sau giờ học, bố mẹ không nên cho con học thêm quá nhiều. Thay vào đó, chỉ nên cho con học các môn yếu kém để cải thiện và học thêm một số lớp kỹ năng, năng khiếu mà con mong muốn. Tạo điều kiện để con có thể vui chơi lành mạnh nhằm giảm stress và mệt mỏi sau những giờ học căng thẳng.
Học tập, vui chơi lành mạnh sẽ giúp điều chỉnh những bất ổn về tâm sinh lý của trẻ trong độ tuổi học đường. Ngoài ra, khi được vui chơi và nghỉ ngơi, trẻ sẽ học tập tốt hơn và đạt được thành tích tương xứng với những nỗ lực đã bỏ ra.
Phòng ngừa rối loạn tâm thần tuổi học đường
Rối loạn tâm thần tuổi học đường gây ra nhiều ảnh hưởng đối với đời sống tinh thần, sức khỏe và chất lượng cuộc sống của trẻ. Chính vì vậy, gia đình và nhà trường cần có những hiểu biết sâu sắc hơn về tâm lý của các em.
Các biện pháp giúp phòng ngừa rối loạn tâm thần tuổi học đường:
- Không đặt nặng thành tích khiến các em bị căng thẳng và áp lực quá mức.
- Tổ chức các hoạt động ngoại khóa như các khóa học kỹ năng, cuộc thi thể thao, câu lạc bộ vui chơi, giải trí,…
- Tổ chức các khóa dạy nghề cơ bản để định hướng nghề nghiệp và giúp các em xác định được sở thích, đam mê của bản thân.
- Giáo dục các em về sức khỏe tâm thần và hướng dẫn các kỹ năng giải tỏa stress lành mạnh.
- Nâng cao ý thức của học sinh, sinh viên về ảnh hưởng của chất gây nghiện, rượu bia và các thói quen không lành mạnh khác.
- Tổ chức các buổi tọa đàm để các em có cơ hội chia sẻ tâm tư, tình cảm. Ngoài ra, nhà trường cũng nên có phòng tham vấn tâm lý để học sinh có thể tìm đến khi gặp phải mâu thuẫn với gia đình, bạn bè, thầy cô giáo,…
- Giáo viên cần quan tâm đến tâm lý của học sinh để các em có động lực vượt qua nghịch cảnh và những thất bại trong cuộc sống. Đồng thời liên lạc với gia đình để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Rối loạn tâm thần tuổi học đường đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Trước thực trạng này, gia đình và nhà trường cần có biện pháp điều chỉnh để giúp các em bình ổn tâm lý và học tập với trạng thái tinh thần tốt nhất.
Tham khảo thêm:
- Tác hại của bia rượu tới thần kinh như thế nào?
- La mắng con cái thường xuyên ảnh hưởng thế nào đến tâm lý trẻ?
- Áp lực từ bạn bè là gì? Ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý trẻ?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!