Rối loạn tích trữ: Nguyên nhân và Một số nguy hại đáng lo

Rối loạn tích trữ là một căn bệnh có liên quan đến vấn đề tâm lý, khá phổ biến ở người cao tuổi. Người bệnh có xu hướng liên tục tích trữ một khối lượng lớn các đồ vật, bao gồm cả đồ bỏ đi và để chúng một cách bừa bãi, lộn xộn. 

Rối loạn tích trữ là gì
Rối loạn tích trữ là tình trạng một người liên tục thu thập số lượng lớn các đồ vật xung quanh.

Rối loạn tích trữ là gì?

Rối loạn tích trữ hay còn có tên khoa học là Hoarding Disorder, đây là căn bệnh có liên quan đến một số vấn đề tâm thần. Nó có thể khởi phát ở bất kì đối tượng nào nhưng phổ biến hơn đối với những người già. Chứng bệnh này sẽ làm cho con người có xu hướng liên tục tích trữ và cất giấu số lượng lớn các loại đồ vật ở một nơi lộn xộn nào đó.

Người bệnh thường sẽ lưu trữ nhiều loại đồ vật khác nhau, có những món đồ mang giá trị nhưng cũng có những thứ không có giá trị hoặc thậm chí là hư hỏng, không thể sử dụng. Kết quả là các loại đồ vật đó liên tục được cất giữ với khối lượng lớn, không thể kiểm soát và phân bố hết được.

Những người mắc phải chứng rối loạn tích trữ thường sẽ cảm thấy lo lắng, đau khổ, tiếc nuối khi họ phải vứt bỏ một món đồ nào đó. Chính vì thế, họ luôn cất giữ lại những món đồ không có giá trị, không quan tâm đến việc nó có cần thiết hay không và liên tục tích lũy đồ đạc một cách thái quá.

Ví dụ như họ có thể giữ lại những quyển vở cũ, chiếc balo đã đứt quai, những lá thư tay, những vật dụng hư hỏng không còn sử dụng được nữa, những bộ quần áo cũ rách,…Hoặc thậm chí có nhiều trường hợp nghiêm trọng, do cảm giác tiếc nuối nên họ có thể thu thập cả những bao giấy, khăn ăn, tăm sau khi dùng tại quán ăn ngay cả khi chúng không còn sử dụng được.

Việc liên tục tích trữ đồ vật một cách không kiểm soát sẽ khiến cho không gian sống của bạn trở nên lộn xộn và chật chội. Căn nhà của bạn sẽ tràn ngập những đồ vật linh tinh, đồ đạc được để khắp mọi ngóc ngách, chiếm cả lối đi. Theo chia sẻ của các chuyên gia, tùy vào mức độ nhẹ hoặc nặng của các trường hợp mà số lượng đồ đạc được tích trữ sẽ khác nhau. Tình trạng này sẽ làm cản trở đến các sinh hoạt đời sống, gây ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của người bệnh.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn tích trữ

Cho đến hiện nay, nguyên nhân dẫn đến rối loạn tích trữ vẫn còn vướng phải nhiều sự tranh luận và chưa có bất kì lời giải thích cụ thể nào. Một vài nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, chứng rối loạn này có thể được hình thành dựa trên sự ảnh hưởng của một vài căn bệnh khác, chẳng hạn như sợ di chuyển, trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lo âu.

Bên cạnh đó, một vài ý kiến cho rằng, rối loạn tích trữ cũng có nhiều khả năng liên quan đến yếu tố gia đình, lịch sử gia đình đã từng mắc chứng rối loạn trí nhớ thì nguy cơ phát triển chứng rối loạn này cũng sẽ cao hơn so với mức bình thường. Thông thường, các triệu chứng của rối loạn tích trữ có thể khởi phát sớm từ 11 đến 15 tuổi và có nhiều xu hướng gia tăng khi độ tuổi càng cao. Theo số liệu thống kê thì căn bệnh này sẽ phổ biến hơn đối với người lớn tuổi.

nguyên nhân gây rối loạn tích trữ
Người lớn tuổi sẽ có khả năng cao mắc phải chứng Hoarding Disorder

Một vài yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh như:

  • Tiền sử gia đình: Có một sự liên kết khá chặt chẽ đối với các thành viên trong gia đình. Cụ thể là người bị rối loạn tích trữ có thể làm ảnh hưởng và tác động đến những người thân bên cạnh.
  • Tính cách: Những người có tính hay do dự, thiếu sự quyết đoán thì nhiều khả năng sẽ phát triển chứng rối loạn này.
  • Ảnh hưởng từ cuộc sống: Các sự kiện, tình huống gây căng thẳng, stress, áp lực trong cuộc sống như mất người thân, ly hôn, thất nghiệp, chia tay người yêu, phá sản, hỏa hoạn, tai nạn giao thông cũng có thể là yếu tố nguy cơ của rối loạn tích trữ.

Dấu hiệu nhận biết rối loạn tích trữ

Cần tránh nhầm lẫn giữa việc sưu tầm và rối loạn tích trữ. Những người có thói quen sưu tầm thường tập trung vào một lĩnh vực cụ thể nào đó và họ xem điều đó như một sự vinh hạnh, hãnh diện và tất nhiên nó không gây cản trở hay làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Họ sẽ tìm kiếm những mặt hàng cụ thể như tem, mô hình, túi xách và phân loại, sắp xếp chúng một cách ngay ngắn, gọn gàng, cẩn trọng từng món đồ. Còn đối với những trường hợp bị rối loạn tích trữ, họ sẽ có xu hướng thu thập tất cả những món đồ xung quanh, kể cả những vật vô giá trị, không còn sử dụng được và ngay bản thân họ cũng không có nhu cầu dùng đến.

Dấu hiệu đầu tiên để bạn có thể nhận biết được các trường hợp này đó chính là việc thường xuyên giữ lại những món đồ đã hư hỏng nặng, không còn sử dụng được nữa. Thông thường, triệu chứng này sẽ dễ khởi phát ở thanh thiếu niên, người trưởng thành và đặc biệt là người già cao tuổi. Cho đến độ tuổi trung niên, các triệu chứng của bệnh sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn, quá trình điều trị cũng gặp nhiều khó khăn.

dấu hiệu của bệnh rối loạn tích trữ
Người bị rối loạn tích trữ sẽ liên tục mua và thu thập các đồ vật không cần thiết.

Một số dấu hiệu thường gặp ở người bệnh rối loạn tích trữ bao gồm:

  • Mua và tích trữ quá nhiều đồ vật, vật phẩm không cần thiết.
  • Cảm thấy đau khổ, khó khăn trong việc vứt bỏ những đồ vật đang sở hữu, kể cả những món đồ đã sử dụng và không còn giá trị về tinh thần hay vật chất.
  • Có xu hướng lưu trữ tất cả mọi tệp tin, hình ảnh và cảm thấy không hài lòng khi phải xóa chúng đi.
  • Luôn cảm thấy cần phải tiết kiệm, lưu giữ những món đồ xung quanh và cảm thấy khó chịu khi phải nghĩ đến việc vứt bỏ chúng.
  • Không biết sắp xếp, thu dọn đồ vật một cách gọn gàng, ngăn nắp. Để mọi vật một cách bừa bãi, khiến cho không gian sống trở nên ngột ngạt.
  • Thiếu quyết đoán, hay do dự, trì hoãn mọi việc.
  • Gặp nhiều khó khăn trong việc lên kế hoạch hoặc tổ chức.
  • Những đồ vật mà người bệnh tích trữ sẽ được vứt lung tung, nằm ở mọi ngóc ngách của căn nhà.

Một số trường hợp rối loạn tích trữ không chỉ thu thập những vật dụng mà còn là cả các loài động vật. Họ có thể mua và nuôi hàng trăm những con thú, chúng có thể được nhốt bên ngoài hoặc thậm chí là ở trong nhà. Và đặc biệt là do số lượng động vật quá lớn nên chúng sẽ không được chăm sóc kỹ lưỡng, không đảm bảo được sức khỏe và cũng có thể trở thành mối đe dọa lớn đối với con người.

Vậy vì sao người mắc chứng rối loạn tích trữ lại muốn lưu giữ lại đồ vật?

  • Họ cho rằng những đồ vật đó là duy nhất và trong tương lai họ sẽ phải cần đến chúng.
  • Những vật phẩm này mang ý nghĩa lớn về mặt tinh thần, nó có thể là kỉ niệm với một ai đó xưa cũ, về một khoảnh khắc hạnh phúc nào trong quá khứ.
  • Họ cảm thấy thoải mái và an toàn hơn khi cất giữ những món đồ bởi họ cho rằng đó là sự tiết kiệm.
  • Họ không muốn lãng phí bất cứ điều gì.

Mối nguy hại đến từ rối loạn tích trữ

Rối loạn tích trữ phát triển theo nhiều mức độ khác nhau, càng lớn tuổi thì các triệu chứng sẽ càng trở nên nghiêm trọng. Việc để đồ vật lung tung, lộn xộn sẽ làm xáo trộn các sinh hoạt trong đời sống hàng ngày, khiến cho không gian nhà ở trở nên chật chội, ô nhiễm. Đồng thời, đồ đạc để bừa bộn cũng gia tăng nguy cơ bị té ngã, gây thương tích và dễ khiến bạn bị mắc kẹt trong đống đồ, khó di chuyển.

Bên cạnh đó, nếu bạn sống cùng gia đình hoặc bất kì người nào khác thì việc liên tục “tha” về số lượng lớn đồ đạc cũng khiến cho họ cảm thấy khó chịu và bực bội. Việc này làm ảnh hưởng rất lớn đối với các mối quan hệ, dễ dẫn đến xung đột, rạn nứt tình cảm. Hoặc thậm chí, người bệnh rối loạn tích trữ còn có thể bị cô lập xã hội, bị bạn bè, người thân xa lánh do sự bừa bộn và sở thích kì lạ của mình.

Ngoài ra, việc có quá  nhiều đồ đạc trong nhà khiến cho việc vệ sinh trở nên khó khăn, đồ vật bám nhiều bụi bẩn gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi sống lâu ngày trong không gian tù túng, chật hẹp, nhiều bụi sẽ khiến cho bạn dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là đường hô hấp. Cơ thể cũng có nhiều nguy cơ trở nên mệt mỏi, uể oải, sức đề kháng kém.

Rối loạn tích trữ còn có thể là yếu tố làm gia tăng nguy cơ bị hỏa hoạn, cháy nổ. Hoặc khi xảy ra tai nạn ngoài ý muốn, việc di chuyển và thoát khỏi hiện trường cũng trở nên khó khăn hơn so với bình thường. Những người mắc phải chứng bệnh này sẽ dần bị suy giảm về hiệu suất làm việc, họ khó có thể hoàn thành tốt các công việc, nhiệm vụ được giao.

Các chuyên gia còn cho biết thêm, không ít người bị rối loạn tích trữ cũng có khả năng phát triển các rối loạn sức khỏe tâm thần. Chẳng hạn như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn lo âu, trầm cảm. Tình trạng này cần phải nhanh chóng được can thiệp và điều trị trong thời gian nhất định để tránh những ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra.

Chẩn đoán rối loạn tích trữ

Để có thể chẩn đoán chính xác về tình trạng rối loạn tích trữ, chuyên gia sẽ dựa vào tiêu chuẩn của DSM – Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5), xuất bản bởi Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ. Một người được xác định mắc phải chứng rối loạn này khi họ đáp ứng các yếu tố sau đây:

  • Cảm thấy khó chịu kéo dài khi phải nghĩ đến việc vứt bỏ những vật gì đó mà mình đang sở hữu, kể cả khi chúng không còn sử dụng được nữa.
  • Không gian sống trở nên lộn xộn, bừa bộn.
  • Chất lượng cuộc sống, chức năng nghề nghiệp bị suy giảm nghiêm trọng.
  • Triệu chứng này không phải do bất kì các bệnh lý cơ thể nào khác gây ra.

Người bệnh sẽ được đánh giá tâm lý, hỏi về những câu hỏi có liên quan đến thói quen, sự tiết kiệm,…Sau khi xác định được cụ thể về mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp, bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân.

Cách điều trị rối loạn tích trữ

Quá trình điều trị rối loạn tích trữ đôi khi phải đối diện với nhiều thách thức bởi bản thân người bệnh sẽ không thể nhận biết được cụ thể về những ảnh hưởng to lớn của căn bệnh này đối với cuộc sống và sức khỏe của họ. Hoặc có thể hiểu theo một cách đơn giản là họ cho rằng đó không phải  là bệnh và họ hoàn toàn không cần thiết phải điều trị.

điều trị rối loạn tích trữ
Trị liệu tâm lý là phương pháp điều trị chính của người bệnh Hoarding Disorder

Để có thể giúp cho bệnh nhân cải thiện tốt căn bệnh này thì bác sĩ chuyên khoa thường sẽ ưu tiên áp dụng liệu pháp tâm lý kết hợp cùng một vài loại thuốc để kiểm soát tốt các cảm giác lo lắng, căng thẳng của họ. Cụ thể như:

1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu được xem là phương pháp điều chỉnh chủ chốt của các trường hợp mắc bệnh rối loạn tích trữ. Người bệnh sẽ được gặp gỡ và trao đổi trực tiếp cùng với chuyên gia để có thể nhìn nhận và điều chỉnh các suy nghĩ, thói quen, hành vi chưa phù hợp. Trong đó, liệu pháp nhận thức và hành vi sẽ được sử dụng phổ biến với mục đích:

  • Giúp người bệnh học được cách xác định và bỏ đi những suy nghĩ lệch lạc về việc liên tục tích trữ đồ đạc.
  • Hỗ trợ bệnh nhân cách đối phó và vượt qua những sự ham muốn, kích thích để sở hữu một vật phẩm nào đó.
  • Cải thiện tốt kỹ năng lựa chọn, đưa ra quyết định.
  • Học cách phân loại, sắp xếp đồ đạc để có thể dễ dàng từ bỏ những thứ không cần thiết.
  • Hướng dẫn cách dọn dẹp, bố trí nhà cửa gọn gàng.
  • Học cách tăng cường các hoạt động xã hội, giảm thiểu sự cô lập.

Quá trình trị liệu tâm lý có thể cần đến sự hỗ trợ của gia đình và những người thân, bạn bè bên cạnh. Đặc biệt là đối với những người già cao tuổi, khả năng duy trì hoạt động và nghị lực kém hơn mức bình thường nên cần sự trợ giúp nhiều của những người xung quanh.

2. Sử dụng thuốc

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) hiện vẫn chưa chấp thuận và công bố cụ thể về bất kì loại thuốc điều trị nào dành cho chứng rối loạn tích trữ. Tuy nhiên, thường thì người bệnh sẽ có kèm theo một số triệu chứng của rối loạn lo âu, trầm cảm. Họ cảm thấy buồn bã, khó chịu, căng thẳng khi phải từ bỏ một đồ vật nào đó.

Do đó, đối với các trường hợp nặng sẽ được cân nhắc để dùng thêm một số loại thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo âu để kiểm soát các triệu chứng bất thường. Người bệnh cần tuân thủ đúng theo các chỉ định sử dụng thuốc, uống thuốc đúng liều lượng, đúng giờ và tránh việc ngừng sử dụng thuốc đột ngột.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Rối loạn tích trữ có thể xuất hiện ở bất kì đối tượng nào và gây ra những cản trở nhất định trong cuộc sống của người bệnh. Do đó, ngay khi nhận thấy bản thân hoặc người thân bên cạnh có dấu hiệu cảnh báo về bệnh thì việc thăm khám và điều trị là rất cần thiết để không làm ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của mình lẫn những người xung quanh.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *