Khủng hoảng hiện sinh: Biểu hiện và giải pháp giúp vượt qua
Khủng hoảng hiện sinh khiến cho con người dần rơi vào cảm giác tuyệt vọng sâu sắc. Nó khiến chúng ta liên tục tự chất vấn bản thân, thậm chí có ý định giết hại chính mình.
Khủng hoảng hiện sinh là gì?
Khủng hoảng hiện sinh còn có tên khoa học là Existential crisis. Đây là thuật ngữ nói đến cảm giác lo lắng, căng thẳng, bất an quá mức về ý nghĩa, mục đích về sự tồn tại và cuộc sống.
Những người mắc hội chứng này nghĩ rằng cuộc sống là sự vô nghĩa. Sự tồn tại của con người cũng như thế. Họ cho rằng mọi thứ điều có giới hạn. Vào một thời điểm nào đó, con người không thể tiếp tục tồn tại.
Người bệnh liên tục đặt ra những câu hỏi về sự tồn tại. Họ nghĩ về vị trí, ý nghĩ, vai trò của mình trong cuộc sống. Họ lo lắng, sợ hãi, căng thẳng và mâu thuẫn. Họ mất niềm tin và thất vọng về cuộc đời.
Loại khủng hoảng này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người bệnh. Thậm chí còn làm tăng nguy cơ trầm cảm, rối loạn lo âu, và thôi thúc hành vi tự hủy hoại.
Khủng hoảng hiện sinh có thể khởi phát ở bất kì lứa tuổi nào. Tình trạng này xuất hiện khi trải qua những sự mất mát, tổn thương to lớn. Tình trạng này bùng phát dữ dội sau Chiến tranh thế giới thứ 2.
Các kiểu khủng hoảng hiện sinh thường gặp
Khủng hoảng hiện sinh có thể tồn tại ở nhiều dạng khác nhau. Mỗi người mà họ có thể xuất hiện một hoặc nhiều các loại khủng hoảng sau đây:
1. Khủng hoảng cảm xúc và sự tồn tại
Một số người luôn chối bỏ, gạt đi những cảm xúc tiêu cực, đau khổ của bản thân. Tuy nhiên, điều này không mang lại hiệu quả mà ngược lại, nó khiến bạn phải sống trong tích cực độc hại.
Không sống thật với cảm xúc khiến họ mệt mỏi, lạc lõng và bất lực. Họ luôn phải giả tạo với chính mình. Họ tự tạo nên một lớp mặt nạ che giấu tổn thương, đau khổ.
2. Khủng hoảng ý nghĩa cuộc sống
Người khủng hoảng hiện sinh thường liên tục đặt ra các câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống. Họ sẽ tự chất vấn bản thân bằng những thắc mắc như “Mục đích sống của mình là gì?”, “Mình tồn tại với ý nghĩa gì?”, “Cuộc sống mang ý nghĩa thế nào?”.
Trong thực tế thì chẳng ai muốn trở thành người vô nghĩa. Chính vì thế, đôi lúc chúng ta cũng dừng lại và bắt đầu ngẫm nghĩ về ý nghĩa của cuộc đời. Đặc biệt là khi chúng ta mất dần định hướng cho bản thân.
Bạn không thể nào tìm ra được ý nghĩa của sự tồn tại. Bạn cảm thấy bản thân không đạt được những điều đáng mong đợi. Nhiều người cho rằng mình vô dụng, và liên tục thắc mắc về sự tồn tại.
3. Khủng hoảng kết nối và cô lập
Trong xã hội, chúng ta cần sự kết nối, tương tác lẫn nhau để cùng phát triển. Sự kết nối giúp đáp ứng tốt các nhu cầu cơ bản của cá nhân và tập thể.
Tuy nhiên, mỗi người lại là một cá thể riêng biệt. Chúng ta đôi lúc cũng cần có không gian riêng tư, có sự tự do, độc lập để thấu hiểu bản thân tốt hơn.
Cô lập và kết nối cần phải có sự cân bằng. Nếu một trong 2 yếu tố quá ít hoặc quá nhiều cũng có thể dẫn đến tình trạng khủng hoảng hiện sinh.
Ví dụ như khi một người cô lập quá nhiều trong thời gian dài có thể trở nên cô đơn, trầm cảm, trống vắng. Họ cảm thấy cuộc sống không còn ý nghĩa, các mối quan hệ xã hội cũng dần bị rạn nứt.
4. Khủng hoảng về cái chết
Khủng hoảng hiện sinh có thể xuất hiện khi con người bước vào một độ tuổi nhất định, đặc biệt là ở những người lớn tuổi. Tuổi già đang ập đến khiến họ lo sợ về sức khỏe, về cuộc đời và cái chết.
Những người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nan y cũng rất dễ rơi vào khủng hoảng cái chết. Họ tự cảm thấy bản thân không còn quá nhiều thời gian để sống, và liên tục tự hỏi về những điều từng làm trong quá khứ.
Đồng thời, họ cũng bắt đầu có cái nhìn sâu sắc, chân thực hơn về cái chết. Người bệnh bất an, căng thẳng và lo lắng tột độ về sự biến mất của mình trên cuộc đời.
Những lo lắng, suy nghĩ này khiến họ dần bị khủng hoảng, không thể kiểm soát được cảm xúc, hành vi và làm suy giảm chất lượng cuộc sống.
5. Khủng hoảng về trách nhiệm và sự tự do
Trong cuộc sống, ai cũng mong muốn tự do làm những điều mà mình thích, tự do đưa ra những quyết định, lựa chọn của bản thân. Tuy nhiên, tự do đồng nghĩa với việc bạn phải tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình.
Do đó nhiều người cảm thấy lo lắng, sợ hãi và luôn chần chừ trong mọi quyết định. Họ không dám chắc rằng hành động của mình là đúng đắn, và lo sợ về những hậu quả có thể xảy ra.
Biểu hiện của khủng hoảng hiện sinh
Khủng hoảng hiện sinh là một chuỗi các cảm giác tiêu cực, tồi tệ gắn liền với những nhu cầu tìm hiểu về ý nghĩa, mục tiêu của cuộc sống. Một số biểu hiện tiêu biểu bao gồm:
1. Trầm cảm
Phần lớn người khủng hoảng hiện sinh rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm. Họ sẽ dần cảm thấy mất hứng thú đối với những hoạt động xã hội bên ngoài, kể cả những việc mà bản thân đã từng yêu thích.
Đồng thời, họ cũng sẽ liên tục cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, căng thẳng, đau đầu, chóng mặt. Họ cảm thấy tuyệt vọng, đau khổ, cho rằng bản thân vô dụng, bất tài, không có giá trị trên đời.
Thậm chí nhiều người còn rơi vào trạng thái tội lỗi, oán trách bản thân về sự kiện trong quá khứ. Họ liên tục đặt ra câu hỏi về mục đích xuất hiện của mình. Họ cho rằng ai cũng chết, nên họ quyết định giải thoát bản thân.
2. Liên tục lo lắng
Khủng hoảng hiện sinh khiến người bệnh cảm thấy bất an, lo sợ, căng thẳng. Bất cứ điều gì cũng khiến họ bồn chồn, khó chịu và không thoải mái, kể cả sự tồn tại của bản thân.
Người bệnh sẽ luôn cảm thấy lo lắng, căng thẳng, và buồn rầu về các kế hoạch hoặc vị trí của bản thân đối với xã hội. Tình trạng này kéo dài và ngày càng trầm trọng.
Họ có thể liên tục suy nghĩ và bận tâm đến những điều khó lý giải, thậm chí là không có thực. Chẳng hạn như thế giới sau khi con người chết đi sẽ diễn ra như thế nào.
Khủng hoảng hiện sinh có nguồn gốc từ đâu?
Theo chia sẻ của các chuyên gia, khủng hoảng hiện sinh thường xuất hiện sau khi một người trải qua các sự kiện, tình huống gây tổn thương, mất mát quá lớn. Một vài yếu tố có thể kể đến như:
- Được chẩn đoán mắc phải chứng bệnh nan y nguy hiểm, hoặc đang gần kề với cái chết (do tuổi tác).
- Chứng kiến người thân yêu qua đời.
- Gặp phải các vấn đề về sức khỏe.
- Một sự thay đổi đột ngột và to lớn về cuộc sống, ví dụ như chấm dứt một mối quan hệ lâu năm, thay đổi công việc,…
- Có cảm giác không được hài lòng và thỏa mãn với cuộc sống hiện tại.
- Hối hận về những quyết định, hướng đi của bản thân.
- Bị dồn nén cảm xúc.
- Có cảm giác tội lỗi, ân hận về một điều gì đó.
Xem thêm: Cảm giác tội lỗi là gì? Biểu hiện và cách vượt qua
Giải pháp giúp vượt qua khủng hoảng hiện sinh
Khủng hoảng hiện sinh là sự lo lắng quá mức có liên quan đến nhận thức của mỗi con người về cuộc sống. Chính vì thế, bạn cần phải có thời gian để điều chỉnh và cân bằng mọi thứ.
Dưới đây là một số cách có thể giúp bạn dần thoát khỏi được cuộc khủng hoảng hiện sinh:
1. Tập thói quen viết lách
Khi rơi vào cuộc khủng hoảng, có lẽ bạn sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong việc bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ. Chính vì thế, hãy tập cách viết chúng ra từng trang giấy.
Hãy ghi lại những điều mà bạn cảm nhận được từ cuộc sống, những ý nghĩa mà bạn nhận được mỗi ngày. Việc lưu giữ lại cảm xúc có thể giúp bạn nhìn nhận nó một cách chính xác hơn.
Bạn cũng có thể tự trả lời cho các câu hỏi của bản thân mình, lưu giữ lại những cảm xúc, nghĩ về nỗi lo lắng của mình. Viết lách cũng là thói quen tốt để giải tỏa cảm xúc.
2. Nhìn nhận đa chiều
Để hạn chế những ảnh hưởng của khủng hoảng hiện sinh thì bạn cần bắt đầu học cách nhìn nhận vấn đề theo nhiều chiều hướng khác nhau. Hãy liệt kê cả những mặt lợi ích và hạn chế để có được cái nhìn khách quan, đa chiều.
Nếu bạn cứ mãi loay hoay với những nỗi lo lắng thì bạn sẽ mãi bị thâu tóm bởi những cảm xúc tồi tệ này. Thay vì thế, hãy tự tạo cho mình cơ hội để được thay đổi.
3. Kết nối, trò chuyện với mọi người xung quanh
Lo lắng và căng thẳng có thể xuất phát từ việc bạn không thể kết nối tốt với những người xung quanh. Do đó, xây dựng và thiết lập các mối quan hệ cũng giúp vượt qua khủng hoảng hiện sinh.
Có được những người bạn để chia sẻ, tâm sự về khó khăn, buồn phiền hàng ngày sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái. Nhờ đó bạn sẽ có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống.
Hãy liên hệ với những người thân trong gia đình, bạn bè thân thiết hoặc những người đồng nghiệp mà bạn tin tưởng. Bạn cũng có thể tham gia vào các hội nhóm, cộng đồng có tình trạng tương tự.
4. Thiền định
Thiền là một trong các cách hiệu quả và an toàn có thể giúp bạn tĩnh tâm, suy nghĩ tích cực và lạc quan hơn. Trong trạng thái thiền sẽ giúp bạn ổn định tâm trí, có thời gian suy nghĩ thấu đáo và tích cực hơn.
Nếu cảm thấy quá lo lắng và căng thẳng, bạn hãy thử ngồi thiền 15 đến 30 phút. Trong lúc thiền định hãy gạt bỏ hết những điều tiêu cực, những sự bất an, lo sợ.
Bạn chỉ tập trung vào những thứ vui vẻ, liên tưởng đến những điều tốt đẹp. Hãy dành cho bản thân thời gian để tận hưởng cuộc sống, để nghỉ ngơi và thư giãn.
5. Nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia
Nếu nỗi lo lắng, căng thẳng kéo dài dai dẳng thì bạn nên tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý. Chuyên gia có thể giúp bạn kiểm soát và cải thiện tốt tình trạng.
Nhà trị liệu sẽ ưu tiên áp dụng liệu pháp nhận thức và hành vi. Việc gặp gỡ trực tiếp chuyên gia tâm lý sẽ giúp bạn cải thiện suy nghĩ, cảm xúc và hành vi chưa đúng đắn.
Từ đó, bạn và chuyên gia cũng sẽ trao đổi về hướng khắc phục. Đôi bên tìm kiếm giải pháp phù hợp và hiệu quả nhất để điều chỉnh mọi thứ hướng tích cực, lành mạnh hơn.
Mỗi chúng ta đều sẽ ít nhất một lần trải qua những chênh vênh về ý nghĩa và mục tiêu của cuộc sống. Mong rằng qua bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu hơn về tình trạng này và có cách nhận biết, khắc phục hiệu quả.
Tham khảo thêm:
- Dấu hiệu nhận biết bị quá tải công việc và Các hệ lụy gây ra
- Hội chứng mệt mỏi kinh niên thường xuất hiện ở người nào?
- 10 Cách kiềm chế cảm xúc giúp bạn bình tĩnh hơn khi tức giận
- Chủ nghĩa khắc kỷ: Chìa khóa giúp bạn có cuộc sống tốt đẹp hơn
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!