Sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh và cách khắc phục
Sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh tuy hiếm gặp nhưng vẫn có sự ảnh hưởng nhất định đối với sức khỏe, sinh hoạt của mẹ bầu và trẻ nhỏ. Tình trạng bất ổn tâm lý này có thể xuất hiện bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là do quá trình sinh nở gặp nhiều khó khăn, sự thay đổi về nội tiết tố, thiếu sự quan tâm và chia sẻ của người thân.
Sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh – Nguyên nhân do đâu?
Sang chấn tâm lý hay còn được gọi là rối loạn stress sau sang chấn (Posttraumatic stress disorder – PTSD) là một trong những tổn thương tâm lý với những biểu hiện bất ổn sau khi trải qua hoặc chứng kiến các sự kiện, tình huống nguy hiểm, căng thẳng, đau khổ tột độ. Những sự kiện sang chấn này thường sẽ xuất hiện một cách đột ngột hoặc có thể dự báo trước và để lại hệ lụy vô cùng to lớn khiến người bệnh khó vượt qua được.
Trong đó, sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh tuy là một trong các tình trạng hiếm gặp nhưng vẫn có một vài trường hợp mắc phải và đối diện với rất nhiều khó khăn xảy ra trong cuộc sống. Tình trạng này có thể khởi phát bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau, các yếu tố về sức khỏe, môi trường, tâm lý đều có sự tác động qua lại khiến cảm xúc và tâm lý của chị em sau sinh trở nên rối loạn, vượt quá mức chịu đựng.
Đặc biệt hơn, sau sinh là giai đoạn vô cùng nhạy cảm về mặt cảm xúc, chính vì thế chỉ cần một tác động nhỏ kéo dài dai dẳng cũng đủ khiến cho mẹ bỉm trở nên buồn bã, chán nản và tuyệt vọng. Dù là người mạnh mẽ hay người yếu đuối thì khi trải qua giai đoạn sau sinh đều có nhiều khả năng bị tổn thương tâm lý và dẫn đến tình trạng sang chấn tâm lý ở nhiều mức độ khác nhau.
Tùy vào trường hợp khác nhau mà sang chấn tâm lý sau sinh sẽ khởi phát bởi những nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung thì chúng đều xuất phát bởi các lý do sau đây:
1. Quá trình sinh nở gặp nhiều khó khăn
Theo kết quả của một cuộc nghiên cứu chuyên khoa nhận thấy rằng, có từ 2 đến 5% các trường hợp phụ nữ sinh khó phát triển chứng sang chấn tâm lý sau đó. Tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Dawn Bailham đã từng chia sẻ rằng, quá trình sinh mổ khẩn cấp có thể liên quan ít nhiều đến tần suất xuất hiện các triệu chứng của sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh. Tuy nhiên, vẫn có các trường hợp sinh mổ có kế hoạch hoặc sinh thường gặp phải tình trạng này.
Các chuyên gia cho biết thêm, trong quá trình chuyển dạ, do tâm lý lo sợ, quá bất lực hoặc cảm giác bị phơi bày cơ thể trước mặt nhiều người khiến cho một số sản phụ cảm thấy bất an về mặt tâm lý và có thể dẫn đến sang chấn sau sinh. Đồng thời, việc phụ nữ không thể kiểm soát được quá trình sinh nở của bản thân cũng là nguyên nhân phổ biến gây tổn thương tâm lý.
2. Sự thay đổi nội tiết tố, biến đổi về ngoại hình
Trong thực tế, hầu hết các chị em phụ nữ sau khi sinh đều có sự thay đổi đột ngột về nội tiết tố, đồng thời cơ thể cũng sẽ trở nên sồ sề, kém sắc hơn. Nhiều chị em khi nhìn vào ngoại hình của mình không tránh khỏi cảm giác hoang mang, lo sợ bởi những vết rạn da, làn da nhăn nheo, đen sạm, các vết sẹo trên da, vết mổ sau khi sinh, cân nặng quá khổ và hàng loạt các vấn đề khác.
Sự biến đổi từ nội tâm cho đến ngoại hình khiến cho nhiều người cảm thấy “sốc” và không thể nào thích ứng kịp với mọi thứ. Đặc biệt là các chị em trước đây có thân hình mảnh mai, quyến rũ, làn da trắng sáng căng mịn thì càng dễ rơi vào trạng thái sang chấn, căng thẳng sau sinh.
3. Sức khỏe suy yếu sau sinh
Sau khi trải qua quá trình sinh nở vất vả thì chắc hẳn cơ thể của phụ nữ sẽ bị suy giảm rất nhiều. Trong thực tế có rất nhiều các bà mẹ cần phải nghỉ ngơi, tịnh dưỡng một thời gian dài mới có thể dần phục hồi được sức khỏe, quay lại với cuộc sống sinh hoạt trước đây. Tuy nhiên, họ vẫn không thể tránh khỏi những cơn đau nhức tay chân, mỏi lưng, sức khỏe cũng sẽ bị suy giảm đáng kể, không còn linh hoạt như trước.
Điều này khiến cho nhiều chị em bị hạn chế về các sinh hoạt hàng ngày, không thể mang vác các vật dụng quá nặng hoặc thậm chí phải dừng công việc hiện tại cho sức khỏe không cho phép. Bên cạnh đó, sau sinh phụ nữ còn phải bận bịu việc chăm sóc con cái, dường như không có nhiều thời gian để chú tâm cho bản thân. Nhiều người rơi vào tình trạng thiếu ngủ, ăn uống không đều độ, sức khỏe dần suy kiệt.
4. Khó khăn về mặt tài chính
Đây cũng là một trong các nguyên nhân có thể làm khởi phát tình trạng sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh. Quá trình mang thai, sinh nở và chăm sóc con cần tốn rất nhiều chi phí. Cũng chính vì thế mà có không ít các ông bố bà mẹ phải đau đầu tính toán, sắp xếp tài chính để chuẩn bị chào đón đứa con của mình chào đời.
Quá trình mang thai và sau sinh, phụ nữ dường như không ổn định về mặt tài chính, phần lớn gánh nặng kinh tế sẽ dựa vào người chồng. Đối với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc sinh con ngoài kế hoạch, không có chuẩn bị sẵn sàng về mặt kinh tế thì rất dễ rơi vào bế tắc, khủng hoảng sau khi sinh.
5. Gặp biến cố gia đình sau khi sinh
Như đã chia sẻ, sau khi sinh, phụ nữ trở nên nhạy cảm hơn so với bình thường. Họ sẽ xúc động, tổn thương và buồn bã về những sự việc, hiện tượng xảy ra xung quanh. Nếu trong thời gian này họ phải đối diện với những biến cố lớn như mất người thân, tai nạn, thất nghiệp, phá sản, bị bạo hành, ly hôn, mâu thuẫn với gia đình thì càng có nguy cơ rơi vào trạng thái sang chấn tâm lý.
6. Tiền sử rối loạn tâm thần
Những chị em phụ nữ đã có tiền sử mắc phải các vấn đề sức khỏe tâm thần, tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực sẽ có nhiều khả năng khởi phát các triệu chứng của sang chấn tâm lý sau khi sinh. Tuy rằng đã điều trị thành công trước đó nhưng sau khi sinh nở thì khả năng tái phát lại cũng chiếm tỉ lệ cao, mẹ bỉm dễ rơi vào tình trạng bị khủng hoảng tâm lý, trở nên tiêu cực và bi quan.
Lưu ý: Sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Các yếu tố gây sang chấn có khả năng đã xuất hiện từ trước, nó âm thần phát triển từ bên trong và sau khi sinh con, dưới sự tác động của hormone cùng với nhiều yếu tố ngoại cảnh khác khiến cho phụ nữ khởi phát các triệu chứng của bệnh.
Cách nhận biết phụ nữ sau sinh đang bị sang chấn tâm lý
Một nghiên cứu được tiến hành tại Anh nhận thấy rằng, đa phần các tình trạng sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh đều không được chẩn đoán hoặc có nhiều khả năng bị nhầm lẫn với chứng trầm cảm sau sinh. Cũng bởi hai vấn đề sức khỏe tâm lý này có những đặc điểm khá giống nhau, các biểu hiện cũng có phần tương tự.
Tuy nhiên, phương pháp điều trị của chúng sẽ khác nhau, chính vì thế cần phải nhận biết và xác định chính xác về tình trạng bất ổn tâm lý để đưa ra hướng giải quyết phù hợp. Dưới đây là một vài biểu hiện thường gặp ở các trường hợp bị sang chấn tâm lý sau sinh như:
- Luôn cảm thấy lo lắng, buồn chồn, bất an, buồn bã, chán nản, hoang mang, lo sợ về mọi thứ xảy ra xung quanh nhưng không thể xác định được nguyên do.
- Bị ám ảnh, đau khổ về các tình huống, sự kiện gây sang chấn.
- Nhạy cảm, kích động và dễ giật mình hơn.
- Rối loạn giấc ngủ, thường xuyên mất ngủ, ngủ không sâu giấc, mơ gặp ác mộng.
- Có xu hướng thu mình, tách biệt với xã hội và hạn chế tiếp xúc với các tình huống, con người, hình ảnh có liên quan hay gợi nhớ về ký ức đau buồn.
- Không còn hứng thú với bất kì hoạt động nào diễn ra xung quanh.
- Cơ thể trở nên kiệt sức, mệt mỏi, tim đập nhanh, rối loạn chức năng tình dục, đau nhức khắp người.
- Bị tê liệt về mặt cảm xúc, cảm thấy tội lỗi.
- Hình thành các suy nghĩ tiêu cực, nhìn nhận cuộc sống theo chiều hướng bi quan.
- Mất tập trung, hay ngồi thẫn thờ, lơ đễnh.
- Nhiều người có xu hướng tìm đến rượu bia, các chất kích thích, chất gây nghiện.
- Mất kiểm soát về hành vi, có thể tự làm hại bản thân và cả đứa con vừa mới sinh ra.
Các biểu hiện của sang chấn tâm lý sau sinh rất đa dạng, người bệnh có thể có những triệu chứng khác không được nêu trên đây. Ngay khi nhận thấy sự bất ổn diễn ra trong tâm lý, các mẹ bỉm cũng cần chủ động tìm gặp bác sĩ, chuyên gia để được thăm khám, tư vấn cụ thể.
Sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh ảnh hưởng như thế nào?
Sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh nếu không sớm được phát hiện và có biện pháp can thiệp phù hợp sẽ gây ra rất nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống của mẹ bỉm. Một số tác động thường gặp mà tình trạng này có thể gây ra như:
- Mẹ bỉm có xu hướng sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện nguy hiểm nhằm mục đích quên đi các sự kiện gây sang chấn.
- Rạn nứt và không thể duy trì tốt các mối quan hệ bạn bè, gia đình, vợ chồng.
- Thường xuyên mâu thuẫn, tranh cãi, xung đột với những người xung quanh.
- Có xu hướng sống tách biệt, xa lánh với mọi người, tự tạo cho bản thân không gian riêng, không hòa nhập với xã hội.
- Ảnh hưởng đến nhu cầu tình dục, đời sống hôn nhân gặp nhiều khúc mắc.
- Không có khả năng duy trì tốt công việc và cuộc sống lành mạnh.
- Ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc con nhỏ.
- Mất niềm tin vào cuộc sống, các mối quan hệ xung quanh.
- Có các hành vi tự hủy hoại bản thân, bốc đồng, hành hạ con cái.
Ngoài ra, các chuyên gia còn chia sẻ rằng, ở một số trường hợp, sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh còn có khả năng làm gián đoạn, cản trở sự gắn kết giữa mẹ và con nhỏ. Tiến sĩ, nhà nghiên cứu Stephen Joseph nói rằng “Một trong những đặc điểm của sang chấn tâm lý sau sinh là chai lì cảm xúc, cảm giác vô vọng trống rỗng hoặc cảm thấy cô độc”. “Điều này chỉ xuất hiện ở những người lần đầu tiên làm mẹ”.
Chắc hẳn rằng ai trong chúng ta cũng hiểu rằng giữa con cái và cha mẹ luôn có sợi dây kết nối vô cùng chặt chẽ. Từ thời điểm mang thai cho đến khi bé chào đời và khoảng thời gian dài sau đó, những suy nghĩ, hành vi của người mẹ luôn có sự tác động đến con cái. Cũng chính vì thế, nếu sau khi sinh, mẹ bỉm rơi vào trạng thái tiêu cực, bất ổn về mặt tâm lý thì trẻ nhỏ cũng sẽ có nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đồng thời, sang chấn tâm lý cũng là một trong các yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ khởi phát các chứng rối loạn tâm thần nguy hiểm sau sinh, điển hình là trầm cảm. Nếu các triệu chứng của bệnh không sớm được kiểm soát còn gia tăng khả năng khiến mẹ bỉm thực hiện các hành vi gây hại, đe dọa đến tính mạng của bản thân và trẻ sơ sinh.
Cách chữa trị sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh
Sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh nếu có thể kịp thời phát hiện và điều trị kiên trì thì vẫn có khả năng phục hồi tốt. Thông thường, đối với các trường hợp này sẽ được ưu tiên áp dụng liệu pháp tâm lý để giúp bệnh nhân nhìn nhận được các bất ổn trong tâm lý, tìm ra nguyên nhân gốc rễ gây bệnh. Tuy nhiên, việc điều trị sang chấn tâm lý cho phụ nữ sau sinh cũng gặp phải không ít khó khăn.
Thông thường các chuyên gia, bác sĩ phải cân nhắc áp dụng các biện pháp điều trị an toàn, hạn chế tối đa các tác dụng phụ gây hại cho sức khỏe cả mẹ lẫn bé. Để hiệu quả điều trị đạt được cao nhất, người bệnh cần phải tuân thủ đúng theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa.
Một số phương pháp có thể được cân nhắc áp dụng cho các trường hợp bị sang chấn tâm lý sau khi sinh ở phụ nữ như:
1. Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý là phương pháp điều trị chủ đạo đối với các trường hợp bị sang chấn tâm lý sau sinh, đặc biệt là những phụ nữ vẫn trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Đây là liệu pháp điều trị sử dụng ngôn ngữ giao tiếp để tác động vào tâm trí, suy nghĩ và hành vi của người bệnh, giúp họ dần ổn định và điều chỉnh cảm xúc của bản thân.
Các nhà trị liệu/ chuyên gia tâm lý sẽ trực tiếp trao đổi cùng bệnh nhân để giúp họ nhìn nhận được vấn đề của chính mình, tháo gỡ các nút thắt tâm lý, loại bỏ tốt các ám ảnh về sự kiện gây sang chấn. Thông qua các buổi trò chuyện, người bệnh cũng sẽ dần thay đổi tư duy, nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực và lành mạnh hơn.
Đồng thời, các chuyên gia tâm lý còn giúp bệnh nhân nâng cao các kỹ năng cần thiết để đối phó với stress, căng thẳng và các vấn đề khó khăn, thách thức có thể xảy ra trong cuộc sống. Cũng chính nhờ thế mà chị em có thể mau chóng ổn định được trạng thái tâm lý, cân bằng cuộc sống tốt hơn.
2. Sử dụng thuốc
Tuy rằng không có bất kì loại thuốc nào có thể điều trị dứt điểm được tình trạng sang chấn tâm lý. Cũng bởi triệu chứng của bệnh xuất phát từ những tổn thương do các sự kiện, tình huống đau khổ gây ra trong quá khứ hoặc hiện tại. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp cần thiết thì bác sĩ chuyên khoa cũng sẽ cân nhắc để kê đơn thuốc với mục đích kiểm soát và làm thuyên giảm các triệu chứng nguy hiểm của bệnh.
Nếu biểu hiện của sang chấn tâm lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống hàng ngày của người bệnh thì cần phải được kiểm soát nhanh chóng. Thông thường, bệnh nhân sẽ được kê đơn với một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo âu, thuốc chống loạn thần, thuốc an thần.
Tuy nhiên, việc dùng thuốc cho phụ nữ sau sinh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các trường hợp cho con bú trực tiếp bằng sữa mẹ. Cũng bởi những loại thuốc này có nguy cơ cao gây ra một số tác dụng phụ ảnh hưởng đến mẹ và bé. Chính vì thế, các bác sĩ sẽ cân nhắc về mặt lợi và hại để có thể kê đơn thuốc phù hợp. Trong trường hợp cần thiết, mẹ bỉm phải ngừng việc cho con bú để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ.
3. Hỗ trợ chăm sóc tại nhà
Song song với việc áp dụng các phương pháp điều trị chuyên khoa nêu trên thì người bệnh cũng sẽ được hướng dẫn một số cách tự chăm sóc và cải thiện sức khỏe tại nhà. Đồng thời, các thành viên trong gia đình cũng cần phải hỗ trợ và đồng hành với mẹ bỉm, động viên để họ có thêm niềm tin và sức mạnh để vượt qua được giai đoạn sang chấn này.
Một số điều mà mẹ bỉm cần lưu ý khi điều trị sang chấn tâm lý như:
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Ăn nhiều rau xanh, hoa củ quả, trái cây, các loại thịt cá giàu dưỡng chất. Đồng thời cần hạn chế các món ăn cay nóng, đồ ăn đóng hộp, chế biến sẵn chứa nhiều chất bảo quản độc hại.
- Cải thiện tốt chất lượng giấc ngủ, cần ngủ đủ giấc và duy trì giấc ngủ sâu. Nếu cảm thấy quá mệt mỏi và căng thẳng, chị em cũng nên nhờ đến sự trợ giúp của người thân để có được thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.
- Vận động, tập thể dục nhẹ nhàng, lựa chọn các bộ môn phù hợp với sức khỏe và thời gian của bản thân. Mẹ bỉm có thể đi bộ, tập yoga, thái cực quyền, áp dụng các bài tập hít thở, ngồi thiền cũng hỗ trợ rất tốt cho việc cải thiện sức khỏe tinh thần và nâng cao đề kháng, phục hồi thể chất sau sinh.
- Gia đình nên tạo điều kiện để mẹ bỉm có được không gian nghỉ ngơi, thư giãn thoải mái.
- Phụ nữ sau sinh cũng nên chủ động chia sẻ, tâm sự nhiều hơn với những người thân bên cạnh. Việc nói ra được những khó khăn, lo lắng, muộn phiền hay các ám ảnh về sự kiện sang chấn sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái và nhẹ lòng hơn. Đôi khi những người bên cạnh cũng có thể dành cho bạn những lời khuyên, lời động viên để bạn có thêm nhiều nghị lực đối phó và vượt qua sang chấn tâm lý.
- Học cách chăm sóc bản thân nhiều hơn, làm những điều mà mình yêu thích, tham gia vào các hoạt động tích cực để gia tăng sự hứng thú đối với cuộc sống.
- Gia đình, đặc biệt là người chồng nên dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc và chia sẻ với mẹ bỉm. Hãy cho họ biết rằng họ không cô đơn và xung quanh vẫn còn rất nhiều người yêu thương, quan tâm đến họ.
Thông tin bài viết trên đây đã giúp bạn đọc hiểu hơn về tình trạng sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh. Sau thời kì sinh nở, phụ nữ trở nên rất nhạy cảm về cả thể chất và tinh thần. Do đó, người thân cần phải thực sự quan tâm và dành nhiều sự yêu thương cho họ, giúp họ cân bằng tâm trạng và ổn định cuộc sống tốt hơn.
Tham khảo thêm:
- 5 Nguyên nhân gây sang chấn tâm lý ở tuổi dậy thì và hướng điều trị
- Thuốc dùng trong điều trị sang chấn tâm lý và lưu ý khi dùng
- Sang chấn tâm lý sau tai nạn và cách vượt qua
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!