Sang chấn tâm lý ở tuổi dậy thì do đâu? Hướng điều trị
Sang chấn tâm lý ở tuổi dậy thì thường có liên quan đến những trải nghiệm tiêu cực, đặc điểm tính cách, cách giáo dục của gia đình,… Dậy thì là thời kỳ chuyển tiếp giữa giai đoạn trẻ em và trưởng thành nên những tổn thương tâm lý sẽ để lại ảnh hưởng sâu sắc nếu không được điều trị.
Sang chấn tâm lý ở tuổi dậy thì là gì?
Sang chấn tâm lý là tình trạng tâm lý bị tổn thương do phải trải qua hoặc chứng kiến những sự kiện, tình huống có tính chất nghiêm trọng. Những sự kiện này thường tác động mạnh và gây ra áp lực vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể. Khi đối mặt với sang chấn tâm lý, cả sức khỏe thể chất và tinh thần đều xuất hiện các phản ứng bất thường.
Trên thực tế, mặc dù cùng trải qua và chứng kiến một sự việc nhưng có một số người bị sang chấn, số còn lại có thể bị stress và dễ dàng vượt qua. Điều này phụ thuộc vào tác động của sự kiện đối với cá nhân mỗi người, đặc điểm tính cách, độ tuổi,… Trong đó, trẻ trong độ tuổi dậy thì và người ở đầu độ tuổi trưởng thành là đối tượng có nguy cơ sang chấn cao hơn.
Sang chấn tâm lý ở tuổi dậy thì là trạng thái tâm lý bị tổn thương với biểu hiện chính là sợ hãi tột độ, căng thẳng, bất lực, kinh hoàng, vô vọng và bi quan. Trong bối cảnh stress ngày càng leo thang, tỷ lệ trẻ ở tuổi dậy thì bị sang chấn tâm lý cũng không ngừng gia tăng. Thực trạng này cho thấy việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho các em ở giai đoạn nhạy cảm chưa thực sự được quan tâm.
Các biểu hiện sang chấn tâm lý tuổi dậy thì
Sang chấn tâm lý tuổi dậy thì có biểu hiện đa dạng với mức độ khác nhau ở từng trẻ. Đặc điểm chung của các triệu chứng liên quan đến sang chấn là khởi phát đột ngột. Ban đầu, trẻ sẽ có các cảm xúc, hành vi bất thường với cường độ dữ dội, sau đó chuyển sang trạng thái u uất, trầm mặc và thường sẽ đi kèm với các triệu chứng thể chất.
Các dấu hiệu nhận biết sang chấn tâm lý ở tuổi dậy thì:
- Ban đầu, trẻ có biểu hiện tê liệt, sợ hãi và tách rời ý thức.
- Sau đó, trẻ sẽ chuyển sang trạng thái buồn bã, đau khổ, vô vọng, bi quan và tự đổ lỗi. Một số trẻ có biểu hiện lo âu, hoảng loạn và dễ kích động.
- Trẻ có các hành vi bất thường như né tránh tiếp xúc với môi trường, hoàn cảnh và đối tượng gợi nhắc đến sự kiện sang chấn.
- Mất đi hứng thú, niềm vui trong học tập và các sở thích trước đây.
- Một số có biểu hiện rối loạn hành vi với hành vi phá phách, chống đối.
- Khuôn mặt trẻ luôn thể hiện rõ sự căng thẳng, hầu như không bao giờ thư giãn và luôn đề phòng, cảnh giác quá mức.
- Bị ám ảnh về sự kiện gây ra sang chấn, sự kiện có thể xuất hiện liên tục trong ý nghĩ hoặc giấc mơ.
- Trí nhớ kém, khả năng tập trung giảm, trẻ thường xuyên mất ngủ và gặp ác mộng.
- Trẻ có xu hướng sống khép kín, ít giao tiếp.
Khi đối mặt với sang chấn, hạch hạnh nhân ở bên trong não bộ sẽ kích thích sản xuất hormone adrenalin và cortisol. Sự gia tăng đột ngột của các hormone này tạo ra đáp ứng sinh lý với sang chấn dẫn đến một loạt các triệu chứng kể trên.
So với người trưởng thành, trẻ ở tuổi dậy thì chưa có đủ kinh nghiệm sống, tính cách chưa được định hình rõ ràng nên đa phần đều không biết cách vượt qua sang chấn. Trên thực tế, rất nhiều trẻ ở độ tuổi này bị tổn thương tâm lý ngay cả với những sang chấn nhỏ.
Nguyên nhân gây sang chấn tâm lý ở tuổi dậy thì
Sang chấn tâm lý thường khởi phát sau khi trải qua sự kiện có tính chất nghiêm trọng. Tuy nhiên, sự kiện chưa đủ để gây tổn thương tâm lý, bằng chứng là nhiều người cùng chứng kiến sự kiện nhưng chỉ có một số người phải đối mặt với sang chấn.
Các chuyên gia cho rằng, sang chấn tâm lý tuổi dậy thì liên quan đến những sự kiện có tính chất nặng nề, trải nghiệm cá nhân và đặc điểm tính cách của trẻ. Ngoài ra, những vấn đề như cách giáo dục của gia đình, môi trường sống không lành mạnh,… là những yếu tố gia tăng nguy cơ.
Các nguyên nhân thường gặp gây sang chấn tâm lý tuổi dậy thì:
1. Do các sự kiện có tính chất nghiêm trọng
Các sự kiện có tính chất nghiêm trọng được xem là nguyên nhân chính gây sang chấn tâm lý nói chung và sang chấn tâm lý tuổi dậy thì nói riêng. Đối với trẻ ở tuổi dậy thì, các sự kiện có thể gây ra sang chấn bao gồm:
- Bị cưỡng bức, lạm dụng tình dục
- Bạo lực học đường
- Môi trường học tập quá khắc nghiệt và trẻ thất vọng nặng nề do thành tích kém
- Hành vi tự sát của người thân hoặc bạn bè thân thiết
- Chứng kiến tai nạn nghiêm trọng, khủng bố, cướp giật,…
- Trải qua tai nạn nghiêm trọng
- Gia đình ly tán, phá sản đột ngột
Trong độ tuổi dậy thì, trẻ đang có những thay đổi về tâm sinh lý nên tinh thần thường không ổn định. Những sự kiện có tính chất nghiêm trọng xảy ra vào thời điểm này sẽ khiến trẻ bị sốc và sang chấn nặng.
2. Trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ
Trẻ có những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ dễ bị tổn thương tâm lý khi chứng kiến hoặc trải qua sự kiện có tính chất nghiêm trọng. Những trải nghiệm này khiến cho tâm lý của trẻ nhạy cảm hơn bình thường. Do đó khi đối mặt với sang chấn, những cảm xúc trong quá khứ được kích hoạt và xuất hiện với cường độ mạnh mẽ.
Theo các chuyên gia, nguy cơ sang chấn tâm lý tuổi dậy thì tăng lên đối với trẻ có gia đình tan vỡ, chứng kiến hành vi bạo lực của bố mẹ, từng bị cưỡng bức, xâm hại, trải qua tai nạn nghiêm trọng,… Những trải nghiệm này khiến cảm giác căng thẳng ẩn giấu bên trong bùng phát với cường độ mạnh.
3. Sự nhạy cảm của tâm sinh lý
Không thể phủ nhận sự nhạy cảm sẵn có ở tuổi dậy thì là yếu tố gia tăng nguy cơ sang chấn tâm lý. Khi bước vào giai đoạn dậy thì, các cơ quan trong cơ thể sẽ có những thay đổi rõ rệt. Sự nhạy cảm ở giai đoạn này khiến trẻ dễ bị rối loạn cảm xúc, hành vi, stress (căng thẳng) và đôi khi là trầm cảm.
Khi đối mặt với sự kiện nghiêm trọng, trẻ ở tuổi dậy thì sẽ dễ bị tổn thương hơn. Trên thực tế, không ít trẻ bị sang chấn ngay cả với những sự kiện nhỏ như áp lực học tập, mâu thuẫn với gia đình, thầy cô nghiêm khắc và tranh cãi với bạn bè. Những sang chấn nhỏ có thể khiến trẻ bị căng thẳng, hình thành hành vi chống đối và có thể bùng phát rối loạn phân ly (hội chứng cuồng loạn Hysteria).
4. Đặc điểm tính cách
Tính cách của trẻ ở tuổi dậy thì thường chưa rõ ràng. Tuy nhiên, đa phần trẻ ở độ tuổi này đều có tính cách nhạy cảm, thích được chú ý,… Theo các chuyên gia, sang chấn tâm lý tuổi dậy thì thường gặp ở trẻ có tính cách yếu đuối, nhạy cảm, phụ thuộc và thiếu kinh nghiệm, kỹ năng sống.
Ngược lại, những trẻ có tính cách mạnh mẽ, quyết đoán và dạn dĩ ít phải đối mặt với stress và sang chấn. Đây là lý do gia đình và nhà trường cần phải có cách giáo dục phù hợp để hướng con trẻ đến những phẩm chất tốt đẹp.
5. Cách giáo dục, quan tâm của gia đình
Có thể nói, cách giáo dục của gia đình ảnh hưởng lớn đến con trẻ. Phương pháp giáo dục hà khắc, cực đoan hoặc nuông chiều quá mức đều khiến trẻ có nguy cơ cao bị sang chấn tâm lý tuổi dậy thì. Những cách giáo dục này đều tạo cho trẻ tâm lý không ổn định và dễ bị tổn thương khi đối mặt, chứng kiến những sự kiện có tính chất nghiêm trọng.
Ngoài ra, phản ứng của cha mẹ trước những sự kiện trong cuộc sống cũng ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Nếu bố mẹ là người thiếu kiềm chế và thể hiện cảm xúc quá khích trước mặt con cái, trẻ cũng sẽ có phản ứng tương tự khi đối mặt với những sự kiện sang chấn.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra sang chấn tâm lý tuổi dậy thì, trong đó 5 yếu tố trên được xem là có vai trò chính.
Ảnh hưởng của sang chấn tâm lý tuổi dậy thì
Sang chấn tâm lý tuổi dậy thì ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe, nhân cách và chất lượng cuộc sống của trẻ. Trạng thái căng thẳng, tăng cảm xúc và tinh thần bất ổn do sang chấn khiến trẻ khó có thể tập trung cho việc học. Bên cạnh đó, sang chấn còn khiến trẻ đánh mất các mối quan hệ do tính cách bất thường và xu hướng sống khép kín, ít giao tiếp.
Dậy thì là giai đoạn chuyển giao giữa trẻ em và người lớn. Do đó, những tác động trong giai đoạn này có vai trò rất quan trọng đối với quá trình hình thành nhân cách. Sang chấn tâm lý không được điều trị khiến trẻ phát triển những tính cách như bi quan, phụ thuộc, nhạy cảm, yếu đuối và tinh thần không ổn định.
Sau khi trải qua sang chấn, trẻ thường hình thành những suy nghĩ bi quan, sai lệch và làm lung lay nhận thức về đạo đức. Các chuyên gia nhận thấy, những trẻ bị tổn thương tâm lý thường có xu hướng phạm tội cao, nhiều khả năng sẽ sử dụng rượu bia, chất gây nghiện,… Những trẻ này rất khó có thể thành công do thiếu hụt kiến thức, khả năng nhận thức kém và tự ti, rụt rè.
Sang chấn tâm lý cũng thể phát triển thành các vấn đề tâm lý, tâm thần mãn tính như rối loạn stress sau sang chấn, trầm cảm, rối loạn lo âu,… Trải nghiệm tiêu cực từ sự kiện sang chấn cũng là tiền đề gây ra các rối loạn tâm lý trong tương lai.
Ngoài ra, sự kéo dài của sang chấn tâm lý cũng ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất. Hormone cortisol và adrenaline tăng cao gây ức chế các hormone cần thiết cho quá trình phát triển về chiều cao, cân nặng và sự hoàn thiện của các cơ quan sinh sản. Chính vì vậy, sang chấn tâm lý tuổi dậy thì cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh những ảnh hưởng lâu dài.
Các phương pháp điều trị sang chấn tâm lý tuổi dậy thì
Sang chấn tâm lý tuổi dậy thì cần được điều trị sớm để bảo vệ sức khỏe và hạn chế những ảnh hưởng đối với cuộc sống. Trị liệu tâm lý được xem là phương pháp chính vì mang lại hiệu quả cao và lâu dài. Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể được xem xét sử dụng thuốc trong một số trường hợp cần thiết.
Các phương pháp điều trị sang chấn tâm lý tuổi dậy thì:
1. Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý là phương pháp hiệu quả nhất đối với sang chấn tâm lý tuổi dậy thì. Liệu pháp này được thực hiện nhằm giúp trẻ chữa lành tổn thương và ổn định tinh thần. Bên cạnh đó, liệu pháp tâm lý còn giúp trẻ điều chỉnh hành vi, cảm xúc, trang bị kỹ năng để đối phó với stress và gia tăng sự thích nghi với cuộc sống.
Các liệu pháp tâm lý được áp dụng trong trường hợp sang chấn tâm lý tuổi dậy thì:
- Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT): Liệu pháp nhận thức hành vi là phương pháp tâm lý trị liệu được đánh giá cao và áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Liệu pháp này giúp trẻ thay đổi suy nghĩ lệch lạc, không phù hợp, từ đó tác động tích cực đến nhận thức và hành vi.
- Giải mẫn cảm chuyển động nhãn cầu và tái nhận thức (EMDR): EMDR là liệu pháp mang lại hiệu quả cao đối với phục hồi sau sang chấn tâm lý. Khi chuyển động mắt, trẻ sẽ hồi tưởng lại sự kiện sang chấn. Thông qua cảm xúc và tiến triển tâm lý của trẻ, chuyên gia sẽ tìm ra phương án để giúp trẻ vượt qua những cảm xúc tiêu cực và phục hồi sức khỏe tinh thần.
- Liệu pháp soma: Liệu pháp soma là một trong những phương pháp tâm lý được áp dụng cho trẻ bị sang chấn tâm lý. Liệu pháp này tiếp cận trẻ một cách toàn diện từ cảm xúc, tâm trí và cơ thể. Mục tiêu của liệu pháp soma là tạo động lực từ những trải nghiệm tiêu cực, giải tỏa căng thẳng và lo lắng.
Ngoài những phương pháp trên, một số liệu pháp tâm lý khác cũng có thể được cân nhắc cho trẻ dậy thì đang đối mặt với sang chấn tâm lý.
2. Sử dụng thuốc
Không có loại thuốc nào được khuyến cáo dùng để điều trị sang chấn tâm lý. Tuy nhiên, thuốc có thể được cân nhắc sử dụng để giảm sự lo lắng, trầm cảm cùng với một số triệu chứng thể chất.
Các nhóm thuốc được dùng để điều trị sang chấn tâm lý tuổi dậy thì bao gồm:
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc an thần, giải lo âu
- Thuốc chẹn beta
- Một số loại thuốc bổ não, vitamin và khoáng chất
Dùng các loại thuốc này trong giai đoạn dậy thì tiềm ẩn không ít rủi ro. Do đó, bác sĩ sẽ đánh giá giữa rủi ro và nguy cơ trước khi chỉ định thuốc cho trẻ.
3. Các biện pháp hỗ trợ
Khi điều trị sang chấn tâm lý tuổi dậy thì, gia đình và nhà trường cần hỗ trợ để giúp trẻ phục hồi tâm lý hoàn toàn. Bên cạnh đó, bản thân trẻ cũng cần được giáo dục và trang bị kiến thức để biết cách chăm sóc cho bản thân.
Các biện pháp hỗ trợ điều trị sang chấn tâm lý tuổi dậy thì:
- Gia đình, nhà trường cần thể hiện sự quan tâm đúng mực, kiên nhẫn giúp trẻ ổn định cuộc sống và loại bỏ những yếu tố gây stress trong học tập.
- Tìm cách chia sẻ để trẻ được giải tỏa cảm xúc. Khi trò chuyện cùng trẻ, nên tôn trọng trẻ bằng cách lắng nghe không phán xét. Trong giai đoạn này, không nên đưa ra lời khuyên mà chỉ nên động viên và an ủi trẻ.
- Khuyến khích trẻ tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Nên cho trẻ chơi các bộ môn khơi gợi sự tò mò, khám phá như đạp xe, leo núi, bơi lội,… Tập thể dục đều đặn vừa giúp cải thiện sức khỏe thể chất vừa giúp trẻ giải tỏa cảm xúc và ổn định lại tinh thần.
- Hướng dẫn trẻ một số kỹ năng kiểm soát căng thẳng, lo lắng như ngồi thiền, hít thở sâu, viết nhật ký,…
- Giúp trẻ xây dựng lối sống khoa học và cân bằng. Một chế độ ăn hợp lý, ngủ đủ giấc, tránh xa rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện sẽ giúp ích rất nhiều trong việc phục hồi sau sang chấn.
- Không nên tạo áp lực cho trẻ trong học tập cũng như cuộc sống. Cả gia đình nên dành thời gian cùng nhau vui chơi, sinh hoạt để gia tăng mối liên kết giữa các thành viên, đồng thời nuôi dưỡng tình yêu thương, sự chia sẻ và cảm thông cho trẻ.
- Khuyến khích trẻ vui chơi, tham gia các câu lạc bộ để tăng khả năng hòa nhập và tự trang bị các kỹ năng xã hội cần thiết.
- Trong thời gian điều trị, gia đình cần đồng hành và theo sát trẻ. Sự hỗ trợ của gia đình có vai trò quan trọng trong quá trình chữa lành tổn thương và giúp con trẻ cảm nhận sâu sắc vai trò của người thân trong cuộc sống.
Sang chấn tâm lý ở tuổi dậy thì ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển thể chất và tâm thần của trẻ. Gia đình, nhà trường cần phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường để trẻ có cơ hội được thăm khám và trị liệu sớm. Dậy thì là giai đoạn vô cùng nhạy cảm nên gia đình cần quan tâm nhiều hơn đến tâm lý của con bên cạnh sức khỏe thể chất và kết quả học tập.
Tham khảo thêm:
- Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì là gì? Nguyên nhân và cách vượt qua
- Các rối loạn tâm lý tuổi dậy thì thường gặp ở trẻ vị thành niên
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!