Thuốc dùng trong điều trị sang chấn tâm lý và lưu ý khi dùng

Trên thực tế, không có loại thuốc nào có thể điều trị sang chấn tâm lý. Tuy nhiên, dùng thuốc đúng cách và hợp lý có thể làm giảm các triệu chứng thể chất, tâm thần do sang chấn gây ra.

thuốc điều trị sang chấn tâm lý
Thuốc được sử dụng trong điều trị sang chấn tâm lý chỉ có thể cải thiện triệu chứng và không thể chữa lành tổn thương tâm lý

Các loại thuốc điều trị sang chấn tâm lý thông dụng

Sang chấn tâm lý là phản ứng của cơ thể khi chứng kiến và trải qua những sự kiện có tính chất khủng khiếp như tai nạn nghiêm trọng, bị cưỡng bức, lạm dụng, gia đình phá sản, ly hôn,… Mức độ sang chấn sẽ phụ thuộc vào đặc điểm tính cách và kinh nghiệm sống của từng người. Tuy nhiên, nhìn chung các sự kiện này đều để lại những tổn thương nhất định về mặt tinh thần.

Sang chấn tâm lý có triệu chứng đa dạng nhưng đều có điểm chung là cảm xúc bất ổn, căng thẳng, sợ hãi, kinh hoàng và cảm xúc rời rạc, tê liệt. Ngoài ra, sang chấn còn gây ra nhiều triệu chứng thể chất do sự gia tăng đột ngột của hormone adrenalin và cortisol.

Phương pháp điều trị chính đối với sang chấn tâm lý là trị liệu tâm lý và không có loại thuốc nào có thể điều trị dứt điểm tình trạng này. Tuy nhiên, thuốc vẫn được cân nhắc sử dụng để làm giảm một số triệu chứng do sang chấn tâm lý gây ra. Thuốc còn được dùng trong liệu pháp tâm lý để nâng đỡ tinh thần và tối ưu hiệu quả trị liệu.

Vì thuốc chỉ được dùng để giảm triệu chứng và nâng đỡ tinh thần nên bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chỉ định. Loại thuốc và liều lượng sử dụng phụ thuộc vào triệu chứng, độ tuổi và khả năng đáp ứng. Dưới đây là những nhóm thuốc điều trị sang chấn tâm lý được sử dụng phổ biến nhất hiện nay:

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

1. Nhóm thuốc chống trầm cảm

Thuốc chống trầm cảm là nhóm thuốc thông dụng được dùng nhiều trong các trường hợp như lo âu, trầm cảm, bi quan, căng thẳng, đau mãn tính,… Trong trường hợp sang chấn tâm lý, nhóm thuốc này được dùng để cải thiện tình trạng buồn bã, đau khổ, bi quan, giảm khả năng tập trung, chán ăn và mất ngủ.

Thuốc chống trầm cảm mang lại hiệu quả rõ rệt nhưng phải mất từ 4 – 6 tuần mới phát huy tác dụng. Thuốc giúp giảm các triệu chứng tiêu cực và hạn chế các cơn hoảng loạn do sang chấn tâm lý gây ra. Nhóm thuốc này thường được sử dụng lâu dài để đạt được hiệu quả tốt nhất, từ đó giúp ổn định tinh thần và ngăn ngừa tình trạng tái phát.

Thuốc chống trầm cảm bao gồm nhiều nhóm thuốc, trong đó chất ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRIs), thuốc chống trầm cảm 3 vòng và chất ức chế monoamine oxidase (MAOIs) được sử dụng phổ biến. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng cụ thể của từng trường hợp để chỉ định nhóm thuốc phù hợp.

– Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs):

Các chất ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRIs) được sử dụng phổ biến trong nhiều trường hợp khác nhau. Nhóm thuốc này có ưu điểm là độ an toàn cao, lành tính và ít gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, SSRIs chỉ mang lại tác dụng sau 8 – 12 tuần nên cần được dùng lâu dài để đạt được hiệu quả đầy đủ.

Cơ chế của thuốc là ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin vào tế bào thần kinh, từ đó làm tăng nồng độ serotonin trong não bộ. Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh quan trọng, chi phối tâm trạng, hành vi ăn uống, tình dục, cảm giác thèm ăn, lo lắng, nhu động của đường tiêu hóa,…

thuốc điều trị sang chấn tâm lý
SSRIs là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị sang chấn tâm lý

Với cơ chế gia tăng nồng độ serotonin ở não bộ, các chất ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRIs) được sử dụng để nâng cao tâm trạng, tăng cảm giác thèm ăn và cải thiện chất lượng giấc ngủ sau khi trải qua sang chấn tâm lý. Ngoài ra, nhóm thuốc này cũng có thể dùng ở liều cao để điều trị chứng ám ảnh sau khi trải qua sự kiện sang chấn. Sau đó, thuốc sẽ được giảm liều và dùng duy trì trong thời gian dài.

Do thuốc có tác dụng chậm nên thời gian đầu thường được dùng phối hợp với thuốc an thần. Trong thời gian đầu sử dụng, nhóm thuốc này có thể gây rối loạn lo âu. Tác dụng phụ thường gặp bao gồm chóng mặt, mất ngủ, buồn nôn, rối loạn cương dương, giảm ham muốn, giảm cực khoái ở cả nam và nữ.

Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) được sử dụng phổ biến bao gồm:

  • Sertraline
  • Paroxetine
  • Fluoxetin
  • Fluvoxamine

Nên sử dụng SSRIs sau bữa ăn để tránh đau dạ dày. Trong thời gian sử dụng thuốc, cần chú ý đến những biểu hiện bất thường để kịp thời thông báo với bác sĩ trong trường hợp cần thiết.

– Thuốc chống trầm cảm 3 vòng:

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng là nhóm thuốc được sử dụng rất phổ biến. Tương tự như SSRIs, nhóm thuốc này cho hiệu quả chậm sau khoảng 8 – 12 tuần sử dụng. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng có tác dụng ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine cùng với các chất dẫn truyền thần kinh khác như muscarin, dopamine, histamine, epinephrine, acetylcholine,…

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng được dùng trong điều trị sang chấn tâm lý nhằm giảm ám ảnh, hoảng sợ và nâng cao cảm xúc. Nhóm thuốc này có tác dụng an dịu nên có thể cải thiện tình trạng mất ngủ, khó ngủ và giúp xoa dịu tinh thần ở bệnh nhân sang chấn tâm lý. So với SSRIs, thuốc chống trầm cảm 3 vòng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ hơn. Tuy nhiên, nhờ có hiệu quả cao, nhóm thuốc này vẫn được sử dụng trong một số trường hợp cần thiết.

thuốc điều trị sang chấn tâm lý
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng có tác dụng giảm hoảng loạn và nâng cao cảm xúc sau sang chấn

Các loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng được dùng trong điều trị sang chấn tâm lý:

  • Doxepin
  • Amitriptylin
  • Anafranil
  • Mianserin
  • Ludiomil

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng được sử dụng dài hạn để đạt được hiệu quả tối đa. Do đó, bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn về tác dụng phụ có thể gặp phải và các biện pháp cải thiện không dùng thuốc an toàn, hiệu quả.

– Chất ức chế monoamine oxidase (MAOIs):

Chất ức chế monoamine oxidase hiện nay ít được sử dụng do nhiều tác dụng phụ và có thể tương tác với nhiều loại thuốc, thức ăn và đồ uống. Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế enzyme monoamine oxidase – enzyme có vai trò phá vỡ các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ như serotonin, norepinephrine và dopamine.

Với cơ chế ức chế monoamine oxidase, thuốc MAOIs giúp tăng độ các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Qua đó giúp cải thiện tâm trạng, tăng cảm giác thèm ăn, tạo cảm giác ngủ ngon và chống hoảng loạn hữu hiệu. Tuy nhiên, MAOIs có thể tương tác với nhiều loại thuốc, thức ăn và có nguy cơ gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng nên ít khi được sử dụng.

thuốc điều trị sang chấn tâm lý
Chất ức chế monoamine oxidase hiện nay ít được sử dụng do tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng

Các loại thuốc ức chế monoamine oxidase thông dụng:

  • Phenelzine
  • Isocarboxazid
  • Selegiline

Trong thời gian sử dụng nhóm thuốc này, cần hạn chế một số thức uống, thực phẩm và không tùy tiện phối hợp với các loại thuốc khác. Tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng chất ức chế monoamine oxidase bao gồm buồn ngủ, buồn nôn, khô miệng, đau đầu, mất ngủ,…

2. Thuốc chống loạn thần

Thuốc chống loạn thần có thể được sử dụng trong quá trình điều trị sang chấn tâm lý. Đây là nhóm thuốc thông dụng được sử dụng để điều trị tâm thần phân liệt, tự kỷ và các rối loạn tâm thần có biểu hiện loạn thần (ảo giác, hoang tưởng, căng trương lực).

Thuốc chống loạn thần tác động đến các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ – đặc biệt là dopamine. Ngoài ra, thuốc còn ức chế tái hấp thu các chất dẫn truyền thần kinh khác như muscarinic, adrenergic, serotonin, dopamine,… Mỗi loại thuốc chống loạn thần sẽ có cơ chế và tác dụng khác biệt. Chính vì vậy, bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng và khả năng đáp ứng của từng trường hợp để chỉ định loại thuốc phù hợp.

thuốc điều trị sang chấn tâm lý
Thuốc chống loạn thần được sử dụng để giảm các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng, ảo giác,…

Thuốc chống loạn thần thường được sử dụng trong trường hợp sang chấn tâm lý có các biểu hiện loạn thần như ảo giác, hoang tưởng. Nhóm thuốc này mang lại hiệu quả cao trong việc giảm tình trạng kích động, lo lắng, ảo giác và hoang tưởng. Trong thời gian sử dụng, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn ngủ, táo bón, tăng cao và đau nhức khớp.

Các loại thuốc chống loạn thần được sử dụng phổ biến hiện nay:

  • Thuốc chống loạn thần thế hệ cũ: Promazine, Fluphenazine, Perphenazine, Levomepromazin,…
  • Thuốc chống loạn thần thế hệ mới: Aripiprazole, Amisulpride, Clozapine, Paliperidone, Quetiapine, Risperidone,…

Trong điều trị sang chấn tâm lý, bác sĩ thường ưu tiên dùng thuốc chống loạn thần thế hệ mới vì ít tác dụng phụ hơn so với thuốc thế hệ cũ. Nhóm thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ thường gặp như buồn ngủ, thiếu tỉnh táo, hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp thế đứng, táo bón, bí tiểu, nhìn mờ, khô miệng,…

3. Thuốc an thần nhóm benzodiazepine

Thuốc an thần nhóm benzodiazepine thường được sử dụng trong thời gian ngắn do có nguy cơ gây nghiện. Thuốc có thể được dùng đơn độc hoặc phối hợp với các loại thuốc chống trầm cảm. Nhóm thuốc này tác động lên thụ cảm thể GABA – acid gamma aminobutyric nhằm làm tăng ức chế synap trung gian của GABA.

Với cơ chế trên, thuốc an thần nhóm benzodiazepine tạo ra tác dụng giãn cơ, an thần, chống co giật và giảm lo âu. Do đó, thuốc được sử dụng để giảm tình trạng kích động, căng thẳng, sợ hãi, lo âu và căng cơ ở bệnh nhân sang chấn tâm lý. Khác với thuốc chống trầm cảm, nhóm thuốc này cho tác dụng nhanh chóng.

thuốc điều trị sang chấn tâm lý
Thuốc an thần nhóm benzodiazepine được dùng trong thời gian ngắn để tránh nguy cơ nghiện thuốc và lệ thuộc thuốc

Tuy nhiên, thuốc an thần benzodiazepine có khả năng gây nghiện cao nên chỉ được dùng trong thời gian ngắn với liều thấp nhất có hiệu quả. Trước khi ngưng thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định giảm liều từ từ để tránh hội chứng cai thuốc và các tác dụng không mong muốn khác. Tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc là chóng mặt, nhức đầu, buồn ngủ quá mức,…

Các loại thuốc an thần nhóm benzodiazepine được sử dụng phổ biến:

  • Diazepam
  • Tranxene
  • Alprazolam
  • Oxazepam
  • Chlordiazepoxide

Mặc dù có khả năng dung nạp tốt và cho hiệu quả cao nhưng để đảm bảo an toàn, không sử dụng thuốc an thần nhóm benzodiazepine cho trường hợp suy hô hấp, thiếu máu nặng, phụ nữ mang thai và người có tiền sử dị ứng với benzodiazepine. Ngoài ra, nên thận trọng khi dùng benzodiazepine cho người cao tuổi, người bị suy thận, suy tim và suy gan.

4. Thuốc chẹn beta

Thuốc chẹn beta thường được sử dụng để điều trị rối loạn nhịp tim, cao huyết áp, tăng nhãn áp,… Ngoài ra, nhóm thuốc này cũng có thể làm giảm các triệu chứng thể chất liên quan đến căng thẳng, lo lắng và sợ hãi quá mức. Do đó, bệnh nhân sang chấn tâm lý có thể được chỉ định một số loại thuốc chẹn beta bên cạnh thuốc có cơ chế thần kinh trung ương.

Cơ chế của thuốc chẹn beta là ức chế hoạt động của một số chất dẫn truyền thần kinh như noradrenaline và adrenaline, qua đó tạo ra tác dụng giãn mạch, làm chậm nhịp tim và gây co thắt phế quản. Thuốc có thể làm giảm tình trạng hồi hộp, bồn chồn, tăng huyết áp, chóng mặt, đau đầu và mất ngủ do tăng hormone cortisol và adrenaline khi đối mặt với sang chấn tâm lý.

Tương tự như thuốc an thần, nhóm thuốc này phải được giảm liều từ từ trước khi ngưng hẳn để tránh tác dụng phụ. Khi phối hợp thuốc chẹn beta và thuốc chống trầm cảm trong điều trị sang chấn, bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh hiện tượng tương tác.

Các loại thuốc chẹn beta được sử dụng trong điều trị sang chấn tâm lý bao gồm:

  • Bisoprolol
  • Acebutolol
  • Atenolol
  • Metoprolol

Thuốc chẹn beta có thể gây ra một số tác dụng phụ trong quá trình sử dụng như rối loạn cương dương, giảm ham muốn tình dục, táo bón, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt,… Khi gặp phải tác dụng ngoại ý, nên thông báo với bác sĩ để được tư vấn cách xử trí an toàn, kịp thời.

5. Thuốc kháng histamine

Thuốc kháng histamine được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh có cơ chế dị ứng như nổi mề đay mẩn ngứa, dị ứng thời tiết, dị ứng thức ăn, viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng,… Bên cạnh đó, nhóm thuốc này cũng được sử dụng để giảm nhẹ triệu chứng liên quan đến stress và sang chấn tâm lý.

Trong trường hợp bệnh nhân không thể dùng thuốc an thần benzodiazepine, bác sĩ sẽ xem xét sử dụng một số loại thuốc kháng histamine có tác dụng an thần. Với cơ chế an dịu thần kinh, thuốc có thể cải thiện tình trạng kích động, căng thẳng, lo lắng và tạo cảm giác ngủ ngon.

thuốc điều trị sang chấn tâm lý
Thuốc kháng histamine H1 có tác dụng an thần mạnh có thể được dùng trong điều trị sang chấn tâm lý

Có rất nhiều loại thuốc kháng histamine được sử dụng trên lâm sàng. Tuy nhiên, trong điều trị sang chấn tâm lý và các rối loạn tâm lý, tâm thần, Hydroxyzin được đánh giá là loại thuốc cho hiệu quả tốt nhất.

Chống chỉ định:

  • Phụ nữ mang thai và đang cho con bú
  • Dị ứng với bất cứ thành phần nào trong thuốc

Hydroxyzin tương đối an toàn khi dùng ngắn ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn có thể gặp phải các tác dụng phụ có mức độ nhẹ như viêm họng, buồn ngủ, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi và bồn chồn. Nếu gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng, bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ để được tư vấn hướng xử trí an toàn.

6. Thuốc nuôi dưỡng tế bào thần kinh

Ngoài các loại thuốc trên, bệnh nhân sang chấn tâm lý có thể được chỉ định dùng thêm các loại thuốc nuôi dưỡng tế bào thần kinh. Khi đối mặt sang chấn, não bộ bị ức chế nên khả năng nhận thức (tư duy), trí nhớ và mức độ tập trung đều suy giảm.

Sang chấn tâm lý thường xảy ra trong thời gian dài nên bệnh nhân có thể phải đối mặt với suy nhược thần kinh. Do đó, để quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi, bệnh nhân sẽ được dùng thêm một số loại thuốc nuôi dưỡng tế bào thần kinh. Các loại thuốc này giúp cải thiện hoạt động của não bộ, từ đó góp phần phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần sau sang chấn.

thuốc điều trị sang chấn tâm lý
Các loại thuốc nuôi dưỡng tế bào có thể được sử dụng để phòng ngừa và cải thiện suy nhược ở bệnh nhân sang chấn tâm lý

Các loại thuốc nuôi dưỡng tế bào thần kinh được dùng trong quá trình điều trị sang chấn tâm lý bao gồm:

  • Ginkgo Biloba (chiết xuất bạch quả)
  • Piracetam
  • Choline alfoscerate
  • Nicergoline
  • Vinpocetin

Nhóm thuốc này không phải là thuốc điều trị chính. Tuy nhiên, nhờ có khả năng cải thiện chuyển hóa của tế bào thần kinh nên thuốc thường được dùng dài hạn để cải thiện chức năng của não bộ.

7. Viên uống bổ sung vitamin, khoáng chất

Ngoài viên uống bổ não, một số bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thêm viên uống bổ sung khoáng chất và vitamin. Bệnh nhân có vấn đề tâm lý nói chung và sang chấn tâm lý nói riêng thường gặp phải tình trạng chán ăn, ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa và quá trình chuyển hóa. Do đó, cơ thể thường bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, sụt cân, suy nhược.

Để nâng đỡ thể chất và tinh thần, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng một số viên uống bổ sung khoáng chất và vitamin. Bác sĩ có thể chỉ định dùng thêm vitamin nhóm B để tái tạo và cải thiện chức năng của tế bào thần kinh.

Lưu ý khi dùng thuốc điều trị sang chấn tâm lý

Sử dụng thuốc không phải là lựa chọn tối ưu trong điều trị sang chấn tâm lý. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò của thuốc trong việc kiểm soát triệu chứng tâm thần, thể chất và ổn định tinh thần.

thuốc điều trị sang chấn tâm lý
Nên kết hợp dùng thuốc với trị liệu tâm lý để đạt hiệu quả cao nhất

Đa số các loại thuốc điều trị sang chấn tâm lý đều tiềm ẩn nhiều rủi ro và tác dụng phụ. Do đó, khi sử dụng, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định và cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý điều chỉnh liều lượng, ngưng thuốc đột ngột hoặc tùy tiện dùng phối hợp với các loại thuốc khác.
  • Chú ý các biểu hiện bất thường trong thời gian điều trị để kịp thời thông báo với bác sĩ trong trường hợp cần thiết.
  • Sử dụng thuốc chỉ giúp cải thiện triệu chứng tạm thời. Bệnh nhân nên can thiệp trị liệu tâm lý và thực hiện thêm các biện pháp hỗ trợ để chữa lành tổn thương tâm lý một cách triệt để.
  • Nguy cơ gặp phải tác dụng phụ của thuốc có thể tăng lên ở những trường hợp nghiện rượu bia, sử dụng thuốc lá, chất gây nghiện,… Do đó, trong thời gian điều trị, bệnh nhân cần thay đổi các thói quen này. Nếu được chỉ định dùng thuốc MAOIs, cần kiêng các loại đồ ăn, thức uống theo hướng dẫn của bác sĩ.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu
Bài viết đã tổng hợp các nhóm thuốc điều trị sang chấn tâm lý được sử dụng phổ biến hiện nay. Như đã đề cập, dùng thuốc không phải là lựa chọn tối ưu trong điều trị sang chấn. Do đó, bệnh nhân cần kết hợp sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý để phục hồi sức khỏe một cách toàn diện.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *