Sang chấn tâm lý sau tai nạn và cách vượt qua
Sang chấn tâm lý sau tai nạn là tình trạng tổn thương tâm lý sau khi trải qua các tai nạn có tính chất nghiêm trọng như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, hỏa hoạn, cháy nổ,… Những sự kiện này khiến cho tinh thần, thể chất bị suy sụp nghiêm trọng và mất nhiều thời gian để có thể vượt qua.
Cách nhận biết sang chấn tâm lý sau tai nạn
Sang chấn tâm lý là tình trạng tâm lý bị tổn thương nghiêm trọng sau khi trải qua những sự kiện đe dọa đến cuộc sống và thể chất như thiên tai, mất người thân, phá sản, bị ngược đãi, lạm dụng và tai nạn. Trên thực tế, tai nạn là một trong những sự kiện thường gặp nhất gây sang chấn tâm lý.
Khi trải qua các tai nạn nghiêm trọng, một số cá nhân có thể hình thành các suy nghĩ lệch lạc, cảm xúc – tâm trạng bị rối loạn, tinh thần bất ổn, thể chất suy giảm,… Sang chấn tâm lý được xem là nguồn cơn của nhiều rối loạn tâm lý như rối loạn stress cấp tính (ASD), rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), rối loạn lo âu, trầm cảm và một số bệnh lý khác.
Sang chấn tâm lý sau các tai nạn nghiêm trọng để lại sự ám ảnh dai dẳng. Nếu không được điều trị sớm, trạng thái căng thẳng, kinh hoàng, bất lực, sợ hãi do sang chấn có thể kéo dài dẫn đến sự quá tải về thể chất và tinh thần.
Các dấu hiệu nhận biết sang chấn tâm lý sau tai nạn:
- Luôn có cảm giác sợ hãi, tội lỗi, thất vọng, bất lực, lo âu và hoảng loạn. Tâm trạng bất ổn và rất dễ bị kích động.
- Một số trường hợp còn gặp phải tình tê liệt cảm xúc và có cảm giác bản thân tách rời với mọi thứ xung quanh
- Bùng phát cơn hoảng loạn khi có ai đó nhắc về tai nạn đã xảy ra hoặc yêu cầu kể lại chi tiết vụ tai nạn.
- Thường có hành vi né tránh những địa điểm, không gian, đối tượng gợi nhắc đến tai nạn gây tổn thương tâm lý. Sự né tránh này gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với chất lượng cuộc sống.
- Giảm trí nhớ, kém tập trung và một số trường hợp có thể xuất hiện tình trạng quên phân ly (một dạng quên không do suy giảm trí nhớ với biểu hiện là quên mất một phần của vụ tai nạn)
- Xuất hiện những ý nghĩ không chủ ý về vụ tai nạn hoặc vụ tai nạn có thể được tái hiện trong giấc mơ, ác mộng và ảo tưởng. Khác với những ý nghĩ hay giấc mơ thông thường, sang chấn tâm lý tái hiện sự việc một cách chân thực. Người bệnh cảm nhận rõ sự đau khổ, cảm giác tuyệt vọng, bất lực,…
- Khó có thể duy trì được hiệu quả học tập và làm việc như trước. Người bệnh giảm các hoạt động thể chất, thường nằm im lìm hoặc ngồi im trong một thời gian dài. Đồng thời có xu hướng giảm hoặc mất hoàn toàn hứng thú với mọi thứ xung quanh.
Biểu hiện của sang chấn tâm lý sau tai nạn khá đa dạng. Ngoài những triệu chứng phổ biến trên, bệnh nhân cũng có thể gặp phải một số triệu chứng khác. Tùy vào biểu hiện lâm sàng, một số sang chấn tâm lý có thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán rối loạn stress cấp tính, rối loạn căng thẳng sau chấn thương, trầm cảm, rối loạn lo âu,…
Sang chấn tâm lý sau tai nạn có ảnh hưởng gì không?
Sang chấn tâm lý gây rối loạn cảm xúc, hành vi, nhận thức và thể chất. Tùy theo mức độ của vụ tai nạn và ngưỡng chịu đựng của mỗi người, các rối loạn này có thể được điều chỉnh và thuyên giảm sau một thời gian. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp phát triển thành các rối loạn tâm lý – tâm thần.
Theo các chuyên gia, tính chất của sự kiện gây sang chấn chỉ là một phần ảnh hưởng đến ngưỡng chịu đựng. Thực tế, ngưỡng chịu đựng với stress của mỗi cá thể còn bị chi phối bởi độ tuổi, giới tính, kỹ năng, kinh nghiệm sống,… Đây cũng là lý do vì sao trẻ em và nữ giới bị sang chấn tâm lý nặng và kéo dài hơn so với nam giới.
Sang chấn tâm lý sau tai nạn ít nhiều đều ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống. Ảnh hưởng đầu tiên của sang chấn là sự suy sụp về tinh thần, cơ thể suy nhược, mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, giảm khả năng tập trung khi học tập và làm việc.
Trường hợp kéo dài còn phát triển thành các rối loạn liên quan đến stress và một số bệnh tâm lý – tâm thần khác. Các bệnh lý này đều gia tăng nguy cơ sử dụng rượu bia, chất gây nghiện, thuốc lá. Một số người có thể hình thành ý nghĩ, hành vi tự hại và tự sát để giải thoát bản thân. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, những bệnh nhân này thường phải sống trong đau khổ, dằn vặt, chất lượng cuộc sống giảm sút và gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề thể chất.
Cách vượt qua sang chấn tâm lý sau tai nạn
Tai nạn và một số sự kiện không may có thể xảy ra trong cuộc sống theo cách mà không ai mong muốn. Tuy nhiên, nếu không nỗ lực để vượt qua, nỗi ám ảnh sau tai nạn sẽ đeo bám dai dẳng. Để thoát khỏi sang chấn tâm lý, bệnh nhân có thể áp dụng một số biện pháp tự cải thiện và can thiệp điều trị khi cần thiết.
1. Học cách chia sẻ với người khác
Các tai nạn nghiêm trọng có thể gây ra sự ám ảnh khủng khiếp khiến cho người bệnh luôn trong trạng thái sợ hãi, hoảng loạn và bất lực. Khi trải qua giai đoạn này, người bệnh sẽ chuyển sang buồn bã, tuyệt vọng, bi quan và chán nản. Một số người bắt đầu hình thành ý nghĩ sai lệch về nguyên nhân, hậu quả của vụ tai nạn và có xu hướng tự đổ lỗi cho bản thân.
Thay vì tự đối mặt với nỗi đau và kìm nén cảm xúc, bệnh nhân nên học cách chia sẻ với người khác. Khi chia sẻ, sự đồng cảm và thấu hiểu của những người xung quanh sẽ là “liều thuốc” chữa lành các tổn thương tâm lý. Các chuyên gia cũng nhận thấy, giao tiếp là cách thức để xoa dịu tinh thần tốt. Khi nói ra hết những suy nghĩ và cảm xúc trong lòng, bản thân người bệnh sẽ cảm giác nhẹ nhõm hơn. Từ đó có thể giảm đi nỗi ám ảnh về vụ tai nạn và trở lại trạng thái tâm lý bình thường.
2. Thực hiện một số liệu pháp thư giãn
Khi đối với với sang chấn tâm lý sau tai nạn, tâm lý chung của tất cả mọi người là buồn bã, bi quan, lo âu, căng thẳng,… Ngoài ra, một số người không tránh khỏi trạng thái hoảng loạn và sợ hãi tột độ khi vụ tai nạn được tái hiện thông qua giấc mơ, ác mộng, ý nghĩ không chủ ý hay được gợi nhắc qua lời nói của người khác.
Để kiểm soát các cảm xúc tiêu cực khi phải đối mặt với sang chấn tâm lý sau tai nạn, bạn có thể một số liệu pháp thư giãn như:
- Thiền định: Ngồi thiền đã được chứng minh là liệu pháp hỗ trợ trong điều trị các vấn đề tâm lý, tâm thần và giúp giải tỏa căng thẳng, phiền muộn trong cuộc sống. Khi ngồi thiền, não bộ sẽ được thư giãn hoàn toàn giúp người bệnh tìm được những giây phút thực sự bình yên và tĩnh lặng. Thiền định mỗi ngày có thể gạt bỏ nỗi ám ảnh và những rối loạn về tâm trạng sau khi trải qua sang chấn tâm lý.
- Các bài tập thư giãn: Ngoài thiền định, bệnh nhân cũng có thể thực hiện một số bài tập đơn giản tại nhà để thư giãn cơ, giải tỏa căng thẳng và giảm đau nhức xương khớp. Thực hiện các bài tập này đều đặn còn giúp cải thiện các triệu chứng thể chất do sang chấn tâm lý sau tai nạn gây ra. Đối với những người bị tổn thương thể chất sau tai nạn, nên kết hợp với các bài tập phục hồi chức năng để hồi phục sức khỏe nhanh chóng.
- Trà thảo mộc: Sử dụng trà thảo mộc cũng là biện pháp thư giãn thích hợp với người bị sang chấn tâm lý sau tai nạn. Hương thơm từ các loại trà giúp xoa dịu tâm trạng, giảm đau đầu và góp phần cải thiện giấc ngủ. Các loại trà thảo mộc thích hợp với người bị sang chấn tâm lý bao gồm trà hoa cúc, trà cam quế, trà mật ong, hoa nhài,…
Ngoài những liệu pháp trên, người bị sang chấn tâm lý sau tai nạn cũng có thể áp dụng một số biện pháp thư giãn khác như tắm nước ấm, viết nhật ký, chơi đùa với thú cưng, nghe nhạc, vẽ tranh, nghỉ ngơi,…
3. Xây dựng lối sống lành mạnh
Dù muốn hay không, tai nạn cũng đã xảy ra và để lại những thiệt hại đáng kể về thể chất, tinh thần. Thay vì chìm đắm trong buồn bã và đau khổ, người bệnh cần nỗ lực vượt qua nỗi đau và quay trở lại cuộc sống. Việc duy trì lối sống lành mạnh trong thời gian đầu có thể khá khó khăn. Tuy nhiên, lối sống khoa học sẽ giúp nâng đỡ thể trạng và góp phần xoa dịu những tổn thương tinh thần.
Cách xây dựng lối sống lành mạnh cho người bị sang chấn tâm lý sau tai nạn:
- Dành thời gian nghỉ ngơi và đảm bảo ngủ đủ giấc để hồi phục sức khỏe. Trong thời gian này, nên chia sẻ với những người xung quanh nỗi đau của bản thân. Tránh tình trạng đè nén cảm xúc gây ức chế tâm lý lâu dài.
- Quay trở lại học tập và làm việc khi cơ thể đã thật sự thoải mái. Nếu cảm thấy không thể duy trì được hiệu suất công việc, nên trao đổi với cấp trên để có thể làm việc một cách thoải mái hơn. Khi quay lại công việc sớm, người bệnh sẽ có động lực để vượt qua sang chấn tâm lý và có trách nhiệm hơn với cuộc sống của bản thân.
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý để phục hồi sức khỏe và chấn thương. Nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất để giải tỏa tâm trạng và giảm căng thẳng. Bên cạnh đó, nên xây dựng chế độ ăn cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng cần thiết.
- Khi bị sang chấn tâm lý sau tai nạn, không ít người có xu hướng suy nghĩ về nguyên nhân, hậu quả của tai nạn và cho rằng tất cả là lỗi của bản thân. Đây là phản ứng khó tránh khỏi khi tai nạn có tính chất nghiêm trọng xảy ra. Để khắc phục tình trạng này, người bệnh cần lên kế hoạch học tập – làm việc hợp lý và thêm vào các hoạt động thư giãn, giải trí cho khoảng thời gian rảnh rỗi. Tránh để bản thân có thời gian nghĩ đến những chuyện đã xảy ra và chìm đắm trong sự ám ảnh, buồn bã dai dẳng.
- Có thể tham gia các khóa tập yoga hoặc các khóa vẽ tranh, học nhạc cụ, kỹ năng,… để trau dồi năng lực và cải thiện sức khỏe. Đây cũng là cách giúp bệnh nhân có thể hòa nhập cộng đồng, tránh tình trạng tự cô lập và cách ly sau khi trải qua tai nạn nghiêm trọng.
4. Sử dụng thuốc
Trường hợp gặp các triệu chứng nghiêm trọng do sang chấn tâm lý sẽ được chỉ định dùng thuốc. Thuốc được dùng nhằm cải thiện các trạng thái tâm lý bất ổn như hoảng loạn, sợ hãi, kinh sợ, căng thẳng, buồn bã,… Ngoài ra, sử dụng thuốc cũng giúp giảm một số triệu chứng thể chất như đau đầu, mất ngủ,…
Các loại thuốc được sử dụng cho bệnh nhân bị sang chấn tâm lý sau tai nạn:
- Thuốc bình thần, gây ngủ
- Các loại thuốc chống trầm cảm (thường là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc SSRIs)
- Viên uống bổ não
- Vitamin và khoáng chất
5. Trị liệu tâm lý
Bên cạnh sử dụng thuốc, bệnh nhân bị sang chấn tâm lý sau tai nạn nên cân nhắc trị liệu tâm lý. Về cơ bản, thuốc chỉ cải thiện triệu chứng tạm thời. Vì vậy song song với sử dụng thuốc, bệnh nhân cân tiếp nhận trị liệu tâm lý để loại bỏ cảm giác kinh sợ, ám ảnh, lo âu, căng thẳng,… hoàn toàn.
Có khá nhiều liệu pháp tâm lý trị liệu được áp dụng cho bệnh nhân sang chấn tâm lý sau tai nạn. Tuy nhiên, phương pháp phổ biến nhất là liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT) và liệu pháp tiếp xúc (liệu pháp phơi nhiễm). Sau khi tham gia trị liệu, tâm lý của người bệnh có thể quay trở về trạng thái bình thường. Ngoài ra, bệnh nhân cũng được trang bị thêm những kỹ năng cần thiết để kiểm soát các tình huống căng thẳng trong cuộc sống.
Sang chấn tâm lý sau tai nạn ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý và thể chất. Do đó sau khi phục hồi chấn thương (nếu có), bệnh nhân cần phải được điều trị để vượt qua sang chấn. Tránh để tinh thần suy sụp kéo dài dẫn đến các rối loạn tâm lý và tâm thần nghiêm trọng.
Tham khảo thêm:
- Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì là gì? Nguyên nhân và cách vượt qua
- Hậu quả của sang chấn tâm lý đối với trẻ
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!