Sang chấn tâm lý sau chiến tranh: Dấu hiệu nhận biết và chữa trị

Rate this post

Rất nhiều người lính trở về từ chiến trường phải đối mặt với các triệu chứng của sang chấn tâm lý sau chiến tranh. Chứng rối loạn này thường phát triển do người lính phải hứng chịu bom rơi đạn nổ và chứng kiến sự ra đi tàn khốc của đồng đội. Đây là trải nghiệm có thể gây ám ảnh cuộc sống hiện tại và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nên cần sớm có biện pháp chữa trị phù hợp.

sang chấn tâm lý sau chiến tranh
Sang chấn tâm lý sau chiến tranh là rối loạn tâm thần xảy ra khá phổ biến ở những người lính trở về từ chiến trường

Sang chấn tâm lý sau chiến tranh là gì?

Sang chấn tâm lý sau chiến tranh là một dạng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) khá phổ biến. Nó thường phát triển ở những người cựu chiến binh trở về từ chiến trường. Hoặc nó cũng có thể ảnh hưởng đến những ai đã từng chứng kiến những tổn thương, mất mát về tâm thần khi trải qua chiến tranh.

PTSD sau chiến tranh là một dạng chấn thương tâm lý quá sức chịu đựng của những người lính khi họ phải liên tục đối diện với sự ra đi tàn khốc của đồng đội và hàng loạt tiếng bom rơi đạn nổ trên chiến trường.

Chiến tranh thế giới thứ nhất là cuộc xung đột đầu tiên mà các chuyên gia nhận ra sự tồn tại của tình trạng tâm thần mà sau này được gọi là PTSD. Số lượng các vấn đề về tâm thần tăng lên đáng kể so với các cuộc chiến tranh trước đó. Điều này thúc đẩy các chuyên gia cố gắng có thêm nhiều nghiên cứu về vấn đề này.

Một số liệu thống kê tại Mỹ vào những năm 80 của thế kỷ XX chỉ ra rằng, có khoảng 15% nam giới và 9% nữ giới là lính Mỹ tham gia trực tiếp vào cuộc Chiến tranh Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi sang chấn tâm lý mãn tính. Ngoài ra, có khoảng 30% nam giới và 27% nữ giới gặp phải hội chứng này nhưng chỉ kéo dài ngắn hạn.

Một báo cáo khác được công bố vào năm 2012 chỉ ra, có khoảng 22% trong tổng số cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam phải chịu ảnh hưởng trực tiếp với PTSD sau chiến tranh. Đồng thời có 15.7% các trường hợp gặp phải ảnh hưởng gián tiếp ở cấp độ nhẹ hơn. Bên cạnh đó, một số bài báo cáo từ Quốc hội Mỹ còn nêu rõ, hệ quả đến từ PTSD sau chiến tranh Việt Nam cho đến nay vẫn còn tác động rất nhiều tới xã hội Mỹ.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Dấu hiệu nhận biết sang chấn tâm lý sau chiến tranh

Mặc dù bạn có thể phát triển các triệu chứng PTSD trong vài giờ hoặc vài ngày sau một sự kiện đau thương nhưng đôi khi các triệu chứng có thể xuất hiện trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Sang chấn tâm lý sau chiến tranh phát triển khác nhau ở mỗi người lính. Tuy nhiên đa phần đều xuất hiện 4 nhóm triệu chứng, bao gồm:

  • Nhắc nhở lặp đi lặp lại, liên tục về sự kiện đau buồn: Điều này bao gồm những suy nghĩ đau buồn, hồi tưởng và ác mộng mà bạn cảm thấy như sự kiện đang xảy ra một lần nữa. Bạn có thể trải qua các phản ứng tinh thần và thể chất cực độ trước những nhắc nhở về chấn thương. Chẳng hạn như tim đập nhanh, các cơn hoảng loạn, run rẩy không kiểm soát được.
  • Hết sức tránh những thứ khiến bạn nhớ tới sự kiện đau buồn: Bao gồm cả địa điểm, con người, suy nghĩ hoặc tình huống mà bạn gắn liền với ký ức tồi tệ. Bên cạnh đó, bạn còn có thể rút lui khỏi gia đình, bạn bè và mất hứng thú với các hoạt động hằng ngày.
  • Những thay đổi tiêu cực trong suy nghĩ và tâm trạng: Chẳng hạn như niềm tin tiêu cực quá mức về bản thân hoặc thế giới, cảm giác tội lỗi, sợ hãi hoặc xấu hổ dai dẳng. Bạn có thể thấy rằng khả năng trải nghiệm những cảm xúc tích cực bị giảm sút.
  • Luôn đề phòng, dễ bị kích động: Bạn có thể phản ứng theo cảm xúc với các biểu hiện cáu gắt, tức giận, hành vi liều lĩnh, khó tập trung, tăng cảnh giác và khó ngủ.
dấu hiệu sang chấn tâm lý sau chiến tranh
Sang chấn tâm lý sau chiến tranh khiến cho một người có cái nhìn tiêu cực quá mức về bản thân và luôn sống trong cảm giác tội lỗi

Ngoài các triệu chứng nêu trên thì người lính trở về sau chiến tranh cũng có nhiều khả năng phải đối mặt với một số vấn đề khác đi kèm. Chằng hạn như:

  • Lạm dụng chất: Số liệu thống kê chỉ ra rằng, có đến gần 1/3 các trường hợp bị sang chấn tâm lý sau chiến tranh rơi vào tình trạng lạm dụng chất. Họ xem các chất gây nghiện giống như một liều thuốc giúp họ giải tỏa lo lắng, căng thẳng và sợ hãi.
  • Trầm cảm: Trầm cảm được xem là một vấn đề tâm lý phổ biến có xu hướng đi kèm với PTSD. Có đến khoảng gần 50% bệnh nhân bị PTSD sau chiến tranh gặp phải các triệu chứng trầm cảm trong một thời điểm nào đó.
  • Các cơn đau dữ dội: Các cựu chiến binh thường phải đối mặt với những cơn đau mãn tính. Đau đớn có thể đến từ các thương tích do chiến tranh hay các bệnh lý có liên quan tới tuổi tác. Tuy nhiên chúng đều gắn liền mật thiết với tình trạng sang chấn tâm lý. Chính sự tác động qua lại này sẽ làm gia tăng cơn đau, nhiều người có thể bị căng cơ và đau đầu dữ dội.
  • Bệnh tim: PTSD sau chiến tranh được xem là một trong những yếu tố nguy cơ làm phát triển các vấn đề về tim mạch. Ngoài ra, người bị sang chấn tâm lý cũng có nhiều khả năng bị tiểu đường, trong khi đó đây lại là một yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim.

Sang chấn tâm lý sau chiến tranh có ảnh hưởng gì?

Thông qua các cuộc khảo sát, các chuyên gia cho biết, tình trạng sang chấn tâm lý sau chiến tranh gây ảnh hưởng sâu sắc đến cả sức khỏe và chất lượng cuộc sống của một người. Đa số người bệnh đều phàn nàn rằng họ cảm thấy mệt mỏi, đau nhức cơ thể, dễ bị cảm lạnh.

Ngoài ra, mức độ hài lòng về cuộc sống nói chung, đời sống hôn nhân, tình dục cũng như nhiều vấn đề khác đều trở nên kém đi. Họ cũng bày tỏ về những khó khăn trong việc làm cha mẹ, mức độ hạnh phúc hôn nhân thấp và tỷ lệ ly hôn ở mức cao.

Có một thực tế là rất nhiều người bị ảnh hưởng bởi sang chấn tâm lý sau chiến tranh tìm đến rượu, thuốc lá và chất kích thích để kiểm soát triệu chứng của họ. Tuy nhiên giải pháp này lại khiến cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn về lâu dài. Thậm chí gây ra các hành vi tự hủy hoại bản thân hoặc tự sát.

ảnh hưởng của PTSD sau chiến tranh
Nhiều người bị PTSD sau chiến tranh tìm đến thuốc lá và chất kích thích, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe

Người mắc chứng PTSD sau chiến tranh còn có nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề thể chất và tâm thần khác đi kèm. Điều này khiến cho việc chữa trị trở nên khó khăn hơn. Sang chấn tâm lý ở mức độ mạnh có thể khiến người bệnh ưa bạo lực, nghiện ngập hay thực hiện các hành vi lệch chuẩn.

Cách chữa trị sang chấn tâm lý sau chiến tranh

Việc chữa trị sang chấn tâm lý sau chiến tranh phải được bắt đầu ngay sau khi được chẩn đoán nhằm tạo điều kiện phục hồi tối ưu. Đồng thời ngăn ngừa sự phát triển thêm của các bệnh lý hay tình trạng suy giảm chức năng đi kèm.

Phương pháp tiếp cận đối với PTSD sau chiến tranh thường là đa mô thức, kết hợp thuốc, liệu pháp tâm lý cùng với các kế hoạch tự lực. Sự thuyên giảm hoàn toàn có thể đạt được trong khoảng 30 – 50% trường hợp. Nếu được điều trị thích hợp thì hầu hết bệnh nhân đều có thể cải thiện một phần.

1. Sử dụng thuốc

Điều trị bằng thuốc cho PTSD sau chiến tranh nhằm mục đích làm giảm các triệu chứng và giúp bệnh nhân ổn định tâm thần. Hiện có nhiều loại thuốc có hiệu quả tiềm năng và vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu.

Trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc thì bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân về tầm quan trọng của việc sử dụng thuốc hằng ngày và tiếp tục ngay cả khi triệu chứng cải thiện. Bởi việc dừng thuốc đột ngột có thể làm tăng mất ngủ, lo lắng, cáu kỉnh và trầm cảm.

Sang chấn tâm lý sau chiến tranh là một rối loạn mãn tính nên những bệnh nhân có phản ứng tích cực vẫn có thể cần tiếp tục điều trị vô thời hạn. Tại mỗi lần tái khám thì bác sĩ sẽ đánh giá việc tuân thủ điều trị, theo dõi phản ứng có hại cũng như đánh giá cải thiện triệu chứng.

Một số loại thuốc có thể được sử dụng bao gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm
  • Prazosin chẹn alpha
  • Thuốc chống loạn thần không điển hình
  • Propranolol (một loại thuốc chẹn beta không chọn lọc)
  • Benzodiazepine
  • Thuốc chống co giật
  • Thuốc ổn định tâm trạng

2. Tâm lý trị liệu

Một số can thiệp tâm lý trị liệu đã được chứng minh là có hiệu quả đáng kể trong việc chữa trị sang chấn tâm lý sau chiến tranh. Tuy nhiên, bạn cần tìm đến một chuyên gia tư vấn tâm lý có kinh nghiệm và kiến thức để đưa ra các lựa chọn phù hợp.

Huấn luyện tâm lý thường sẽ được tiến hành trước khi bắt đầu trị liệu nhằm nâng cao mức độ hiểu biết của người bệnh về PTSD sau chiến tranh, quá trình điều trị cũng như kỳ vọng hồi phục.

chữa trị sang chấn tâm lý sau chiến tranh
Tâm lý trị liệu là một phần quan trọng của kế hoạch điều trị sang chấn tâm lý sau chiến tranh

Các lựa chọn về liệu pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Lựa chọn được ưu tiên là liệu pháp hành vi nhận thức (CBT). CBT tập trung vào chấn thương có liên quan tới việc xác định và thách thức những niềm tin bị rối loạn chức năng. Đồng thời điều chỉnh chúng để cải thiện chức năng cũng như làm giảm các triệu chứng của PTSD.
  • Liệu pháp dựa trên sự tiếp xúc bao gồm đối mặt với hướng dẫn của chuyên gia tâm lý về những ký ức dựa trên nỗi sợ hãi không thể tránh được hoặc không thể chịu đựng được. Khi tiếp xúc nhiều lần với các kích thích sang chấn thì bệnh nhân sẽ giảm dần mức độ đau khổ cũng như cảm xúc tiêu cực.
  • Liệu pháp quản lý căng thẳng cũng là một liệu pháp tâm lý hữu ích trong việc kiểm soát chứng lo âu có liên quan đến sang chấn tâm lý sau chiến tranh. Chuyên gia sẽ dạy cho người bệnh các kỹ năng đối phó, thư giãn, ngừng suy nghĩ, suy nghĩ tích cực và kiểm soát hơi thở. Điều này giúp làm giảm phản ứng căng thẳng tăng cao.
  • Một kỹ thuật hiệu quả khác đó là giải mẫn cảm và tái xử lý chuyển động mắt (EMDR). Liệu pháp này giúp người bệnh tiếp cận và xử lý ký ức đau thương để đưa họ tới giải pháp thích ứng.
  • Liệu pháp nhóm cũng được chứng minh là có liên quan tới cải thiện triệu chứng và mang lại nhiều lợi ích khác. Bao gồm sự phát triển hỗ trợ giữa các thành viên trong nhóm cũng như bình thường hóa các triệu chứng và trải nghiệm.

3. Các giải pháp tự lực

Một số giải pháp tự chăm sóc thực sự có thể mang lại hiệu quả phục hồi sang chấn tâm lý sau chiến tranh. Bao gồm:

– Hoạt động thể chất:

Tập thể dục thường xuyên chính là chìa khóa cho các cựu chiến binh bị PTSD. Ngoài việc giúp đốt cháy adrenaline thì hoạt động thể chất còn giải phóng endorphin và cải thiện tâm trạng. Việc tập trung vào cơ thể khi tập thể dục còn giúp hệ thần kinh trở nên ổn định hơn.

Người bệnh có thể theo đuổi các hoạt động ngoài trời như đi bộ đường dài, leo núi, đi xe đạp, cắm trại,… Chúng có thể thách thức cảm giác dễ bị tổn thương và giúp bạn chuyển đổi trở lại cuộc sống “dân sự” tốt hơn.

phục hồi sang chấn tâm lý sau chiến tranh
Hoạt động thể chất có thể giúp cải thiện sức khỏe tinh thần cho người bị PTSD sau chiến tranh

– Tự điều chỉnh hệ thống thần kinh:

Sang chấn tâm lý sau chiến tranh có thể khiến bạn cảm thấy dễ bị tổn thương và bất lực. Tuy nhiên bạn vẫn có thể kiểm soát hệ thần kinh của mình. Khi bạn cảm thấy lo lắng, kích động hoặc mất kiểm soát thì có thể áp dụng một số mẹo dưới đây để thay đổi hệ thống kích thích và bình tĩnh lại:

  • Thở có chánh niệm: Để nhanh chóng lấy lại bình tĩnh trong mọi tình huống, bạn hãy hít thở 60 hơi. Điều cần làm là tập trung sự chú ý vào từng hơi thở ra. Ngoài ra bạn có thể áp dụng phương pháp thiền chánh niệm.
  • Cảm giác đầu vào: Bạn có thể thử nghiệm để tìm ra điều phù hợp nhất với mình. Bạn hãy nghĩ đến điều gì mang lại cho bạn sự thoải mái vào cuối ngày. Có thể nghe một bài hát, ngửi một mùi hương yêu thích hoặc vuốt ve thú cưng của bạn.
  • Kết nối lại tình cảm: Việc trốn tránh những ký ức mà bạn đã trải qua trong chiến đấu không làm chúng mất đi. Khi bạn càng cố gắng kìm nén chúng thì những suy nghĩ, hình ảnh và giấc mơ có thể trở nên tồi tệ hơn. Cách duy nhất giúp bạn chữa lành là kết nối lại với những gì bạn đã cảm thấy. Đây có thể là một bước đáng sợ nhưng bạn hoàn toàn có thể học cách kết nối lại với cả những cảm xúc khó chịu nhất.

– Kết nối với những người khác:

Đối với bất cứ cựu chiến binh nào bị PTSD thì điều quan trọng là phải tìm một người biết lắng nghe và không phán xét khi bạn muốn nói chuyện. Đó có thể là một người bạn thân hoặc một thành viên trong gia đình. Ngoài ra, bạn cũng có thể kết nối với những người khác bằng cách:

  • Tình nguyện: Dành thời gian của bạn vào các hoạt động tình nguyện chính là một cách tuyệt vời để vừa kết nối với những người khác lại vừa lấy lại cảm giác chủ động của bạn.
  • Tham gia nhóm hỗ trợ PTSD sau chiến tranh: Kết nối với các cựu chiến binh khác cũng đang phải đối mặt với các vấn đề tương tự có thể giúp cho bạn cảm thấy bớt bị cô lập hơn. Đồng thời còn được chia sẻ các mẹo hữu ích về cách đối phó với các triệu chứng và hướng tới sự phục hồi.

– Chăm sóc cơ thể:

Sang chấn tâm lý sau chiến tranh có thể khiến bạn tức giận, mất ngủ và gây khó khăn cho cơ thể bạn. Cuối cùng chúng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Do đó, việc chăm sóc bản thân là rất quan trọng. Các vấn đề cần chú ý bao gồm:

mẹo hỗ trợ phục hồi cho người bị PTSD sau chiến tranh
Những người bị sang chấn tâm lý sau chiến tranh được khuyên là nên chú ý đến chất lượng giấc ngủ
  • Dành thời gian để thư giãn
  • Tìm cách xả stress an toàn
  • Hỗ trợ cơ thể của bạn bằng một chế độ ăn uống lành mạnh
  • Ngủ đủ giấc và chăm sóc chất lượng giấc ngủ
  • Trách rượu, thuốc lá và ma túy

– Đối phó với hồi tưởng và ác mộng:

Những cựu chiến binh bị PTSD thường có hồi tưởng liên quan tới những ký ức về thị giác và thính giác khi chiến đấu. Cảm giác như mọi thứ đang xảy ra một lần nữa. Do đó điều quan trọng là phải tự trấn an bản thân rằng trải nghiệm đó hoàn toàn không xảy ra ở hiện tại.

Nếu bạn đang trải qua một đoạn hồi tưởng thì hãy thử sử dụng các giác quan để đưa bạn trở lại hiện tại. Có thể thử nghiệm để tìm điều phù hợp nhất với bạn:

  • Chuyển động: Bạn có thể chạy tại chỗ, nhảy lên và nhảy xuống, lắc đầu, xoa hai tay vào nhau,…
  • Xúc giác: Nắm một cục đá lạnh, chạm hoặc bám vào một vật an toàn, tự véo mình, xối nước lạnh lên mặt, chơi với một quả bóng,…
  • Thị giác: Hãy chớp mắt nhanh chóng, nhìn xung quanh hoặc kiểm kê những gì bạn thấy.
  • Âm thanh: Bạn có thể vỗ tay, dậm chân, bật nhạc lớn hoặc nói chuyện với chính mình (hãy nói với bản thân là bạn sẽ ổn và an toàn).
  • Mùi: Hãy ngửi thứ gì đó có thể liên kết bạn với hiện tại (chẳng hạn như cà phê, nước hoa, nước hoa của người thân,…) hoặc một mùi hương gợi lại cho bạn những kỷ niệm đẹp.
  • Nếm: Bạn có thể nhai một miếng kẹo cao su, ngậm bạc hà nồng, cắn vào thứ gì đó có vị chua hoặc cay, uống nước trái cây hoặc một cốc nước lạnh.

– Vượt qua cảm giác tội lỗi của bản thân:

Cảm giác tội lỗi rất phổ biến ở những người bị sang chấn tâm lý sau chiến tranh. Bạn có thể đã thấy những người bị thương hoặc bị giết, thường sẽ là đồng đội hoặc bạn bè của bạn.

Trong lúc này bạn không có thời gian để xử lý các sự kiện khi nó xảy ra. Tuy nhiên khi bạn trở về nhà thì trải nghiệm này sẽ trở lại ám ảnh bạn. Nó khiến bạn không ngừng đổ lỗi cho bản thân.

Chữa lành không có nghĩa là bạn sẽ quên đi tất cả những gì đã xảy ra hay những người đã chết. Đồng thời nó cũng không có nghĩa là bạn sẽ không hối tiếc. Điều quan trọng cần chú ý là bạn sẽ nhìn nhận vai trò của mình một cách thực tế hơn.

Đánh giá trung thực về trách nhiệm và vai trò của bản thân sẽ giúp bạn tiếp tục tốt hơn. Ngay cả khi bạn vẫn cảm thấy tội lỗi thì thay vì trừng phạt bản thân bạn hãy chuyển hướng năng lượng của mình vào việc tôn vinh những người đã mất.

Giúp đỡ một người bị sang chấn tâm lý sau chiến tranh

Khi bạn có một người thân yêu trở về từ chiến tranh và bị sang chấn tâm lý thì điều đó có thể gây tổn hại nặng nề tới mối quan hệ và cuộc sống gia đình của bạn. Bạn có thể sẽ phải gánh vác nhiều công việc gia đình hơn và phải đối phó với sự thất vọng của một người thân yêu không được mở lòng.

chăm sóc bệnh nhân bị sang chấn tâm lý sau chiến tranh
Nếu có người thân bị sang chấn tâm lý sau chiến tranh thì bạn nên dành thời gian cho họ nhiều hơn

Thậm chí bạn còn phải đối mặt với sự tức giận của họ hoặc các hành vi đáng lo ngại khác. Dưới đây là một số điều bạn có thể làm để giúp đỡ một người thân yêu bị sang chấn tâm lý sau chiến tranh:

  • Đừng coi thường các triệu chứng của sang chấn tâm lý: Nếu người thân của bạn có vẻ cáu kỉnh, xa cách, tức giận hoặc sống khép kín thì bạn hãy nhớ rằng điều này có thể không liên quan gì tới bạn hoặc mối quan hệ của bạn. Hãy chấp nhận nó như một phần của cuộc sống với người thân bị PTSD sau chiến tranh.
  • Đừng ép người thân của bạn nói chuyện: Nhiều người lính bị sang chấn tâm lý cảm thấy khó khăn khi nói về những trải nghiệm của họ. Bạn đừng bao giờ cố ép họ cởi mở mà hãy cho họ biết rằng bạn luôn ở đó nếu họ muốn nói chuyện. Điều này sẽ cung cấp cho họ sự thoải mái.
  • Hãy kiên nhẫn và hiểu biết: Người thân của bạn sẽ cần có thời gian để cảm thấy tốt hơn. Do đó bạn hãy kiên nhẫn với tốc độ phục hồi của họ. Có thể đề nghị hỗ trợ nhưng tuyệt đối không cố gắng chỉ đạo người thân của bạn.
  • Cố gắng dự đoán và chuẩn bị cho các yếu tố kích hoạt PTSD: Điều này có thể bao gồm điểm tham quan, âm thanh hoặc mùi nhất định. Nếu bạn biết điều gì gây ra các phản ứng khó chịu thì bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc giúp người thân của mình bình tĩnh trở lại.
  • Chăm sóc bản thân: Nếu bạn quá lo lắng cho người thân mà quên đi việc chăm sóc bản thân thì bạn chắc chắn sẽ bị kiệt sức. Do đó hãy dành thời gian cho bản thân và nên học cách quản lý căng thẳng. Bạn càng thoải mái, bình tĩnh và tập trung thì sẽ càng có thể giúp đỡ người thân của mình tốt hơn.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Sang chấn tâm lý sau chiến tranh gây ra rất nhiều ảnh hưởng cho cả sức khỏe và cuộc sống của bệnh nhân (thường là những cựu chiến binh trở về từ chiến trường). Ngoài thăm khám và can thiệp điều trị y tế thì việc áp dụng các mẹo tự lực hỗ trợ cũng như vai trò của người thân là rất quan trọng. Nghiêm túc trong điều trị sẽ giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực.

Tham khảo thêm:

ArrayArray
Rate this post
Array

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *