Thường lẩm bẩm nói chuyện một mình là dấu hiệu của bệnh gì?
Thường lẩm bẩm nói chuyện một mình là một trong các hành vi phổ biến có thể gặp ở bất kì đối tượng nào, đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên, ở một vài trường hợp, thói quen này cũng có thể là dấu hiệu để cảnh báo về một bệnh lý tâm thần nguy hiểm nào đó.
Thường lẩm bẩm nói chuyện một mình có phải là bất thường không?
Bạn đã có bao giờ tự ngồi trò chuyện một mình, tự ngẫm nghĩ và liên tưởng đến những cuộc hội thoại với một ai đó, tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng và nỗ lực nhiều hơn trong tương lai. Theo kết quả của các cuộc nghiên cứu chuyên khoa nhận thấy rằng, tự lẩm bẩm nói chuyện một mình là một trong các hành vi thường gặp và phổ biến ở mọi đối tượng khác nhau. Thông thường, chúng ta sẽ hay trò chuyện với chính mình về những việc xảy ra xoay quanh đời sống hoặc có thể tự nói chuyện định hướng cho bản thân.
Trong thực tế thì thói quen hay nói chuyện một mình không hẳn là một vấn đề bất thường, thậm chí nó còn có thể mang lại những lợi ích đối với một số trường hợp nhất định hoặc được xem là biểu hiện của những người có trí thông minh cao. Một nghiên cứu mới nhất hiện nay còn cho thấy rằng, những người thường hay nói chuyện một mình còn có nhiều khả năng sở hữu nhận thức cao và dễ đạt được hiệu quả trong công việc, học tập.
Chúng ta thường sẽ hay nói thầm trong đầu, đặc biệt là dễ rơi vào những cuộc hội thoại đơn độc vào lúc 3 giờ sáng. Bạn sẽ dễ tham gia vào các cuộc trò chuyện với những suy nghĩ của mình, từ liên tưởng ra những tình huống oái ăm và tự tìm ra câu trả lời cho chính bản thân. Độc thoại nội tâm không hẳn là một điều gì quá tồi tệ, ngược lại nó còn có thể giúp cho đầu óc được thư giãn, thoải mái hơn sau những căng thẳng, mệt mỏi.
Theo chia sẻ của một số chuyên gia, việc tự nói chuyện một mình cũng là một trong các cách hiệu quả giúp kiểm soát và điều hòa cảm xúc, giảm bớt lo lắng. Trong một nghiên cứu khoa học được thực hiện vào năm 2014, việc nói chuyện một mình còn có thể mang lại những lợi ích tích cực đối với các trường hợp mắc chứng rối loạn lo âu, đặc biệt là rối loạn lo âu xã hội.
Hành vi thường lẩm bẩm nói chuyện một mình có thể xuất hiện ở nhiều đối tượng khác nhau, phổ biến nhất là trẻ em ở độ từ 1 đến 5 tuổi. Trẻ có thể tự hóa thân thành những nhân vật hoạt hình hoặc những con vật mà trẻ yêu thích để tự kể chuyện, tự chơi một mình. Điều này được đánh già là bình thường và có thể giúp trẻ trở nên linh hoạt hơn trong việc sử dụng khả năng ngôn ngữ, giao tiếp tốt hơn.
Tuy nhiên, còn phải tùy thuộc vào mức độ của hành vi thường xuyên nói chuyện một mình của mỗi người để đánh giá về mức độ an toàn của nó. Đối với một vài trường hợp, hay lẩm bẩm, nói chuyện không rõ nội dung, nói một mình ở bất cứ đâu và nói ngay khi đang trò chuyện, giao tiếp với người khác thì đó có thể là một trong các dấu hiệu bất ổn về mặt tinh thần, thậm chí là dấu hiệu của các căn bệnh rối loạn tâm thần.
Khi nào nói chuyện một mình được xem là dấu hiệu bất thường:
- Thường xuyên lẩm bẩm một mình và không thể kiểm soát được điều đó.
- Hay nói những lời nói lộn xộn, không rõ ràng.
- Nói một mình mọi lúc, mọi nơi, nói trong những hoàn cảnh không phù hợp như đang hội họp, đang trò chuyện cùng người khác,…
- Kèm theo các cảm xúc không ổn định, trạng thái tâm lý mơ màng, không biểu hiện rõ sắc mặt, cử chỉ.
- Hành vi nói chuyện một mình liên tục diễn ra và kéo dài làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt hàng ngày.
- Nói chuyện một mình có kèm hoang tưởng, ảo giác
Nếu nhận thấy bản thân hoặc những người thân bên cạnh có những biểu hiện này, bạn cũng cần nhanh chóng tìm đến các cơ sở chuyên khoa uy tín và chất lượng để được thăm khám, chẩn đoán chính xác nhằm có phương pháp can thiệp phù hợp. Những vấn đề sức khỏe tâm thần nếu không được sớm điều trị hiệu quả sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe, làm suy giảm chất lượng cuộc sống hoặc thậm chí là đe dọa đến tính mạng của con người.
Hay nói chuyện một mình là dấu hiệu của bệnh lý nào?
Như đã chia sẻ, thường xuyên lẩm bẩm nói chuyện một mình không hẳn là một vấn đề bất thường. Tuy nhiên, nếu hành vi này này liên tục xảy ra và có kèm theo những triệu chứng khác lạ thì bạn cũng nên cẩn trọng bởi đó có thể là dấu hiệu cảnh báo về một bệnh lý tâm thần nguy hiểm nào đó. Cụ thể một số vấn đề sức khỏe tâm thần mà bạn có thể mắc phải nếu thường xuyên nói một mình như:
1. Tự kỷ
Tự kỷ hay còn gọi là rối loạn phổ tự kỷ là một tình trạng thường gặp ở trẻ em và khởi phát rất sớm ngay từ khi còn nhỏ. Tình trạng này cũng có nhiều khả năng gặp ở người lớn, đây được xem là một chứng rối loạn phức tạp liên quan đến hoạt động của hệ thần kinh và có sự ảnh hưởng to lớn đối với sức khỏe của não bộ. Những người mắc phải chứng bệnh này sẽ có một số khiếm khuyết về quan hệ nhân sinh, họ gặp nhiều khó khăn trong quá trình giao tiếp, không thể kiểm soát tốt suy nghĩ và hành vi của mình, sở thích cũng bị hạn chế hơn so với bình thường.
Các triệu chứng của người bệnh tự kỷ được biểu hiện rất đa dạng ở nhiều mức độ khác nhau. Đối với những trường hợp nhẹ chỉ gặp phải một số khuyết tật nhỏ, khi tình trạng bệnh phát triển nghiêm trọng hơn, các khiếm khuyết cũng dần gia tăng và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày của họ, thậm chí có nhiều trường hợp không thể tự chăm sóc bản thân mà cần nhờ đến sự hỗ trợ của người thân.
Khi mắc chứng tự kỷ, người bệnh dường như tự tách biệt bản thân với thế giới bên ngoài, họ thu mình lại và chỉ sống trong không gian an toàn của bản thân, không còn có nhu cầu được tâm sự, giao tiếp với bất kì ai. Chính vì thế bạn cũng sẽ dễ bắt gặp cảnh người tự kỷ hay ngồi chơi, nói chuyện một mình hoặc có một số trường hợp do hạn chế về ngôn ngữ nên chỉ phát ra những âm thanh khó hiểu, không rõ nội dung cụ thể mà họ đã từng nghe được trước đây.
Tự kỷ khởi phát từ khá sớm (từ trước 3 tuổi) những cũng có nhiều khả năng không được chẩn đoán khi còn nhỏ và kéo dài đến lúc trưởng thành. Triệu chứng của bệnh rất đa dạng và khác biệt ở từng trường hợp. Tuy nhiên, nếu nhận thấy họ có dấu hiệu thường xuyên nói lẩm bẩm một mình, giọng nói khó nghe, đơn điệu và kèm theo các dấu hiệu khác lạ thì cần được thăm khám sớm để có biện pháp can thiệp kịp thời.
2. Rối loạn lo âu
Những người thường xuyên lo lắng, căng thẳng hoặc mắc phải các chứng rối loạn lo âu cũng có nhiều khả năng hay nói chuyện một mình. Mục đích của họ đó chính là giúp kiểm soát cảm xúc của bản thân, ổn định trạng thái tâm lý để vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống. Người mắc phải chứng rối loạn này sẽ luôn cảm thấy lo lắng về mọi thứ diễn ra xung quanh, kể cả những tình huống, sự vật không mang tính chất nguy hiểm.
Cũng bởi sự lo lắng đó mà họ luôn có xu hướng tự nói một mình để trấn an bản thân, lấy lại sự bình tĩnh. Tùy vào mỗi dạng rối loạn lo âu khác nhau mà người bệnh cũng sẽ có những biểu hiện riêng biệt. Chẳng hạn như những người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), vì luôn lo sợ quên khóa cửa, quên tắt điện nên họ sẽ hay có xu hướng lẩm bẩm một mình để có thể ghi nhớ lại những việc bản thân đã làm trước đó.
3. Tâm thần phân liệt
Hành vi thường hay nói lẩm bẩm một mình cũng có thể là biểu hiện về trạng thái ảo giác, cụ thể là ảnh hưởng từ chứng tâm thần phân liệt. Đây là một vấn đề sức khỏe tâm thần vô cùng nguy hiểm và nghiêm trọng cần phải được can thiệp sớm, nhằm hạn chế tối đa các hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra đối với sức khỏe, đời sống của người bệnh.
Người mắc phải chứng bệnh này sẽ liên tục phải đối diện với những sự biến đổi nhanh chóng về suy nghĩ và hành vi, họ có nhiều khả năng rơi vào trạng thái ảo tưởng hoặc ảo giác. Tình trạng ảo giác sẽ khiến cho con người cảm nhận được những thứ không thực hoặc không tồn tại ở xung quanh, những điều mà họ nhìn, ngửi, nghe thấy chỉ xuất hiện trong tâm trí.
Trạng thái ảo giác do tâm thần phân liệt gây ra sẽ khiến cho người bệnh liên tục nghe thấy những tiếng nói, âm thanh và thúc giục họ phải trả lời lại. Đa phần những lời nói mà họ nghe được là những lời chửi bới, hạ nhục, khiêu khích và họ cảm nhận điều đó một cách chân thực nên rất dễ phản ứng lại. Đặc biệt, người mắc chứng tâm thần phân liệt cũng có nhiều xu hướng tách biệt với xã hội, rút lui khỏi các hoạt động đời sống.
4. Trầm cảm
Trầm cảm là một trong các vấn đề sức khỏe tâm thần thường gặp và có thể ảnh hưởng đến bất kì đối tượng nào, kể cả trẻ em đến người già cao tuổi. Đặc điểm nổi bậc của chứng bệnh này đó chính là trạng thái tâm lý buồn bã, tiêu cực, bi quan, buồn chán, tuyệt vọng và không còn bất kì hứng thú nào đối với các hoạt động giải trí trong đời sống. Người bệnh thường chọn cách thu mình lại, tránh tiếp xúc với những người xung quanh và hay suy nghĩ tiêu cực.
Do những cảm xúc tồi tệ cứ mãi xâm chiếm lấy tâm trí và toàn bộ cơ thể nên người bệnh cũng có nhiều xu hướng tự độc thoại với bản thân mình. Tuy nhiên, những lời nói của họ đa phần đều mang tính chất bi quan, tuyệt vọng, họ liên tục trách mắng bản thân mình, tự đổ lỗi và cho rằng mình là kẻ vô dụng, bất tài, là gánh nặng của gia đình và xã hội.
5. Loạn thần cấp
Thường xuyên nói chuyện một mình cũng có thể do sự ảnh hưởng từ chứng loạn thần cấp. Đây là một trong các vấn đề sức khỏe tâm thần khiến cho người bệnh bị thay đổi trạng thái tâm lý một cách nhanh chóng chỉ trong khoảng 14 ngày. Bệnh nhân sẽ chuyển đổi từ trạng thái bình thường, ổn định sang loạn thần và sẽ dần thuyên giảm trong khoảng vài ngày hoặc có thể là vài tháng.
Tình trạng này thường dễ xuất hiện đối với những người vừa trải qua các sự kiện gây sang chấn dữ dội như bị tai nạn, chứng kiến người thân đột ngột qua đời, phá sản, ly hôn, bị cưỡng hiếp, bạo hành,…Sau khi đối diện với những sự tổn thương tâm lý quá lớn, vượt quá sức chịu đựng của một người, họ sẽ dễ rơi vào trạng thái hoảng loạn, mất kiểm soát và xuất hiện các ảo giác, ảo tưởng.
Chính vì thế mà họ hay có hành vi tự nói chuyện một mình, có những phản ứng thái quá mà những người xung quanh khó có thể lý giải và thấu hiểu được. Tình trạng này cần được phát hiện và có biện pháp điều trị kịp thời để hạn chế việc để lại di chứng hoặc gây ra những hệ lụy nguy hiểm, làm gia tăng khả năng phát triển các chứng bệnh khác.
6. Rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực được đặc trưng bởi hai trạng thái tâm lý đối nghịch nhau. Người bệnh khi ở trong giai đoạn hưng cảm sẽ trở nên tràn đầy năng lượng, cảm thấy phấn khích, vui vẻ, hạnh phúc quá mức. Họ sẽ hoạt động liên tục không ngừng nghỉ, nhu cầu ngủ cũng giảm đi đáng kể, nói liên tục, nói nhanh, nói lớn. Thậm chí một số trường hợp còn liên tục nói một mình nhằm để giải tỏa nguồn năng lượng quá lớn trong cơ thể.
Ngược lại, khi bước vào giai đoạn trầm cảm, họ sẽ trở nên buồn chán, ủ rũ, không muốn thực hiện bất kì việc gì. Lúc này họ sẽ tự thu mình lại, không tiếp xúc với bất kì ai và cũng có khả năng lẩm bẩm một mình về những suy nghĩ tiêu cực của bản thân. Các giai đoạn cảm xúc thường sẽ liên tục thay đổi bất ngờ mà ngay chính bản thân người bệnh cũng không thể kiểm soát và đôi khi không thích ứng kịp với điều đó.
Thường nói chuyện một mình có nguy hiểm không?
Như đã nói, thói quen thường xuyên nói chuyện một mình là hành vi phổ biến và được đánh giá là bình thường, thậm chí đôi khi nó còn mang lại nhiều lợi ích cho một số trường hợp nhất định. Tuy nhiên, nếu một người liên tục lẩm bẩm một mình và có kèm theo các dấu hiệu bất thường về tâm lý cảnh báo về một bệnh lý rối loạn tâm thần nêu trên thì lại tiềm ẩn nhiều sự bất ổn.
Hầu hết các vấn đề sức khỏe tâm thần đều mang tính chất nguy hiểm và cần can thiệp nhanh chóng để hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống hàng ngày. Các triệu chứng của bệnh có thể tác động và làm suy giảm sức khỏe, chất lượng đời sống hoặc thậm chí là đe dọa đến tính mạng của con người. Ví dụ như những trường hợp trầm cảm nặng, tâm thần phân liệt ở trạng thái ảo giác có thể hình thành những hành vi tiêu cực, tự làm tổn thương bản thân hoặc cả những người xung quanh.
Ngoài ra, những cảm xúc tiêu cực và những sự bất ổn trong cảm xúc, suy nghĩ cũng có thể thúc đẩy người bệnh lạm dụng các chất gây nghiện, chất kích thích nguy hiểm. Điều này sẽ khiến cho sức khỏe của họ dần bị suy giảm, không còn khả năng để làm việc, chăm sóc bản thân. Đối với các trường hợp nặng không được điều trị kịp thời, những triệu chứng bất thường cứ liên tục kéo dài sẽ khiến cho bệnh nhân dễ hình thành những suy nghĩ tiêu cực, nhiều khả năng thực hiện hành vi tự sát nhằm giải thoát cho chính mình.
Làm sao để ngừng lẩm bẩm nói chuyện một mình?
Nếu hành vi thường xuyên nói chuyện một mình không xuất phát từ một chứng bệnh nguy hiểm nào và nó không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh thì bạn có thể không cần quá bận tâm đến điều đó. Tuy nhiên, nếu đây là dấu hiệu cảnh báo về một vấn đề sức khỏe tâm thần thì bạn cũng cần chú ý và nhanh chóng tiến hành thăm khám, điều trị càng sớm càng tốt.
Thông thường, đối với các trường hợp mắc phải chứng rối loạn tâm thần sẽ được ưu tiên áp dụng liệu pháp tâm lý và kết hợp thêm với một số loại thuốc để cải thiện. Tùy vào căn bệnh mà bạn mắc phải mà các chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc về việc đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Một số liệu pháp tâm lý thường được ưu tiên áp dụng như liệu pháp phơi nhiễm, liệu pháp nhận thức và hành vi, liệu pháp thôi miên, liệu pháp nhóm, gia đình hoặc liệu pháp cá nhân. Người bệnh cần phải kiên trì áp dụng tốt các biện pháp điều trị để có thể cải thiện tốt tình trạng hay nói lẩm bẩm một mình và khắc phục hiệu quả về căn bệnh mà bản thân đang mắc phải.
Đối với các trường hợp nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể được cân nhắc sử dụng thêm một vài loại thuốc điều trị. Ví dụ như trầm cảm sẽ được chỉ định dùng các loại thuốc chống trầm cảm nhằm khống chế tốt các triệu chứng nguy hiểm, hạn chế những hành vi tiêu cực và gia tăng sự đáp ứng với liệu pháp tâm lý.
Bệnh nhân cần phải kiên trì áp dụng tốt theo hướng dẫn của chuyên gia để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất, giúp cho tình trạng bệnh được cải thiện và dần ổn định về các sinh hoạt đời sống. Để quá trình cải thiện sức khỏe tâm thần được tốt hơn, bản thân mỗi người bệnh cũng nên xây dựng cho mình một chế độ sinh hoạt lành mạnh và tích cực, chú ý nhiều hơn đến giấc ngủ, chế độ dinh dưỡng, tăng cường rèn luyện thể dục thể thao.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể áp dụng các mẹo thư giãn tại nhà như tập yoga, thiền định, nghe nhạc, đọc sách, viết nhật kí để giảm thiểu về hành vi thường hay nói một mình của mình. Nếu cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi hãy chủ động chia sẻ nhiều hơn với những người xung quanh thay vì chịu đựng nó một mình. Việc có thể nói ra những khó khăn, lo lắng sẽ giúp bạn được thoải mái và dễ chịu hơn.Thường lẩm bẩm nói chuyện một mình là hành vi bình thường xuất hiện phổ biến ở nhiều người nhưng cũng có thể là dấu hiệu đáng lo ngại về một bệnh lý tâm thần nguy hiểm. Mong rằng qua thông tin của bài viết này, bạn đọc sẽ dễ dàng phát hiện ra những dấu hiệu bất thường của bản thân và cả những người bên cạnh để có thể kịp thời can thiệp, điều trị nhanh chóng.
Tham khảo thêm:
- Trẻ hay nói lẩm bẩm một mình: Biểu hiện bệnh lý cần chú ý
- Tự nhiên cười một mình là bệnh gì? Bình thường hay bất ổn?
- Hay cáu gắt là do đâu? Là tính cách hay dấu hiệu của bệnh
- Người hay khóc một mình là yếu đuối hay mắc bệnh đáng lo?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!