Trẻ hay nói lẩm bẩm một mình: Biểu hiện bệnh lý cần chú ý

5/5 - (1 bình chọn)

Trẻ thường hay nói lẩm bẩm một mình trong giai đoạn 1 – 5 tuổi do đang trong quá trình tiếp thu và học nói. Tuy nhiên trong một số trường hợp, tình trạng này có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề bất thường. Trang bị kiến thức hữu ích sẽ giúp bố mẹ phát hiện sớm những bất thường ở con trẻ và có hướng can thiệp kịp thời.

Trẻ hay nói lẩm bẩm một mình – Bình thường hay bất thường?

Không ít bậc phụ huynh tỏ ra lo lắng khi nhận thấy con trẻ hay nói chuyện và lẩm bẩm một mình. Tuy nhiên theo các chuyên gia khoa học, nói chuyện với chính mình không hẳn là hành vi bất thường. Trên thực tế không chỉ trẻ nhỏ mà người lớn cũng thường xuyên trò chuyện một mình.

Nói chuyện một mình có thể giúp giảm lo lắng, điều hòa cảm xúc và hiểu hơn về bản thân. Ở trẻ nhỏ, trò chuyện một mình sẽ giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ và có thể giao tiếp mạch lạc hơn. Trong giai đoạn từ 1 – 5 tuổi, trẻ sẽ có xu hướng nói chuyện và lẩm bẩm một mình vì đang trong quá trình tiếp thu và học nói.

Ở giai đoạn này, trẻ thường chơi các trò chơi tự biên tự diễn như chơi búp bê, chơi các trò chơi có các nhân vật quen thuộc như bác sĩ, cô giáo,… và thường sẽ tự nói chuyện thay cho các nhân vật. Trẻ cũng có thể tự mình đóng vai công chúa, hoàng tử, yêu quái và tự giao tiếp. Đây hoàn toàn là những hành động bình thường và phù hợp với sự phát triển của trẻ. Thậm chí, một số chuyên gia còn cho rằng, trẻ có những hành động này thường có khả năng ngôn ngữ phát triển, lanh lợi và chủ động hơn trong cuộc sống.

trẻ hay nói lẩm bẩm một mình
Trẻ hay nói lẩm bẩm một mình là vấn đề bất thường nếu đi kèm với các biểu hiện như cảm xúc không ổn định, khép kín, ít tương tác,…

Tuy nhiên, hay nói lẩm bẩm một mình cũng có thể là dấu hiệu bất thường khi:

  • Trẻ có xu hướng chơi một mình, nói chuyện một mình và không có nhu cầu tương tác với người khác (kể cả với những người thân trong gia đình).
  • Có biểu hiện chậm nói, từ ngữ rời rạc, vô nghĩa và có thói quen nhại lời hoặc lặp đi lặp lại những từ, cụm từ không có nghĩa rõ ràng.
  • Đi kèm với tính cách bất thường, cảm xúc không ổn định (ít cười nói, dễ cáu gắt, u sầu, buồn bã và đôi khi không biểu lộ bất cứ cảm xúc nào)
  • Tình trạng tự nói chuyện một mình diễn ra thường xuyên và kéo dài ngay cả khi trẻ đã đủ 6 tuổi

Thông thường khi đủ 6 tuổi, hành vi tự nói chuyện một mình sẽ thuyên giảm. Lúc này, trẻ sẽ yêu thích các trò chơi khác và thường chọn những trò chơi có thể tương tác với bạn bè. Nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường trên, gia đình cần chú ý để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Trẻ hay nói lẩm bẩm một mình là bệnh gì?

Nói chuyện một mình không hẳn là hành vi bất thường. Tuy nhiên nếu nhận thấy hành vi này xảy ra thường xuyên và đi kèm với các dấu hiệu khác lạ, bố mẹ nên chú ý hơn đến con trẻ. Trẻ hay lẩm bẩm một mình có thể là dấu hiệu của những bệnh lý sau đây:

1. Tự kỷ

Tự kỷ (rối loạn phổ tự kỷ) là hội chứng có liên quan đến rối loạn phát triển thần kinh. Hội chứng này khởi phát từ rất sớm với nguy cơ cao hơn ở bé trai. Trẻ bị tự kỷ sẽ có khiếm khuyết về tư duy dẫn đến bất thường về hành vi, ngôn ngữ, cảm xúc và khả năng tương tác xã hội kém.

trẻ hay nói lẩm bẩm một mình
Trẻ bị tự kỷ thường hay nói chuyện một mình, ngôn ngữ rời rạc và đa phần đều vô nghĩa

Trẻ tự kỷ thường sống trong thế giới riêng, không có nhu cầu tương tác và kết nối với bất cứ ai. Trẻ chọn cách chơi một mình, ít quấy khóc và thường xuyên nói chuyện với chính bản thân. Một số trẻ không có khả năng ngôn ngữ nhưng vẫn có trẻ biết nói. Tuy nhiên, trẻ thường nói những từ hoặc cụm từ tối nghĩa, không rõ nghĩa và có thể lặp đi lặp lại cụm từ một cách bất thường.

Nếu nhận thấy trẻ hay nói lẩm bẩm một mình, chậm nói và không có tương tác với những người xung quanh, bố mẹ nên cho trẻ thăm khám sớm. Tự kỷ gây ra ảnh hưởng toàn diện cả về thể chất và tâm thần. Do đó, trẻ mắc hội chứng này cần được can thiệp sớm để có thể cải thiện các khiếm khuyết, từ đó có cơ hội được học tập và làm việc một cách bình thường.

2. Trầm cảm

Trầm cảm là một dạng rối loạn cảm xúc phổ biến với tỷ lệ mắc bệnh chiếm 5% dân số thế giới. Nhiều người lầm tưởng, chỉ có người trưởng thành mới mắc phải chứng bệnh này. Tuy nhiên trên thực tế, trẻ nhỏ cũng có thể bị trầm cảm – đặc biệt là sau khi bố mẹ ly hôn, mất người thân đột ngột, bị lạm dụng tình cảm, thể chất,…

Trầm cảm đặc trưng bởi khí sắc trầm buồn. Trẻ mắc chứng bệnh này luôn buồn bã, đau khổ, chán nản, mất hứng thú và cơ thể giảm năng lượng rõ rệt. Trẻ không còn năng động, vui vẻ như trước, thay vào đó là thường xuyên nhốt mình trong phòng và nói chuyện một mình.

trẻ hay nói lẩm bẩm một mình
Trong một số trường hợp, trẻ hay nói lẩm bẩm một mình có thể là biểu hiện của bệnh trầm cảm

Nếu không được phát hiện sớm, trầm cảm có thể tiến triển nặng dẫn đến ý tưởng tự sát. Đã có không ít bệnh nhân trầm cảm vì không được kịp thời điều trị đã chọn cách tự kết liễu cuộc đời. Nếu nhận thấy trẻ hay nói lẩm bẩm một mình, tâm trạng buồn bã dai dẳng, mất hứng thú với các hoạt động và thay đổi thói quen ăn/ ngủ, gia đình cần cho trẻ thăm khám sớm. Tránh tình trạng trách móc, chì chiết khiến cho tinh thần trẻ suy sụp nghiêm trọng.

3. Loạn thần cấp

Trẻ hay nói chuyện lẩm bẩm một mình có thể là do loạn thần cấp. Loạn thần cấp là rối loạn tâm thần mà bệnh nhân chuyển từ trạng thái khỏe mạnh bình thường sang trạng thái loạn thần rõ rệt chỉ trong 1- 14 ngày. Với dạng loạn thần này, tình trạng có thể thuyên giảm sau vài ngày, vài tuần và tối đa là 2 – 3 tháng.

Trẻ nhỏ rất dễ phát triển chứng loạn thần cấp sau các sang chấn tâm lý như mất người thân, gia đình đổ vỡ, bố mẹ bị tai nạn nghiêm trọng,… Những biến cố quá lớn vượt quá ngưỡng chịu đựng khiến cho tinh thần của trẻ bị tổn thương và không tránh khỏi những rối loạn về mặt tâm thần.

Loạn thần cấp đặc trưng bởi ảo giác và hoang tưởng. Khi có các hoang tưởng, trẻ thường sẽ có hiện tượng trò chuyện một mình. Thậm chí một số trẻ có thể trở nên kích động khi xuất hiện ảo giác. Trẻ bị loạn thần cấp sẽ có cảm xúc bất ổn, hành vi bất thường và có xu hướng nói chuyện một mình. Khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường, bố mẹ nên cho trẻ thăm khám sớm. Nếu can thiệp điều trị kịp thời, loạn thần cấp có thể thuyên giảm nhanh và không để lại di chứng.

4. Tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt có thể là nguyên nhân khiến trẻ nhỏ có xu hướng nói lẩm bẩm một mình. Bệnh lý này đặc trưng bởi hoang tưởng, ảo giác, ngôn ngữ – tư duy thiếu tổ chức, cảm xúc cùn mòn và suy giảm nhận thức. Tâm thần phân liệt là dạng rối loạn tâm thần nghiêm trọng gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.

trẻ hay nói lẩm bẩm một mình
Trẻ bị tâm thần phân liệt thường hay nói chuyện một mình, cảm xúc cùn mòn và thường xuyên bị ảo giác, hoang tưởng

Bệnh lý này thường khởi phát trong độ tuổi 18 – 20 tuổi. Tuy nhiên, trẻ nhỏ cũng có thể mắc bệnh tâm thần phân liệt nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh và bản thân trẻ phải đối mặt với các biến cố từ khi còn nhỏ. Trẻ bị tâm thần phân liệt thường sẽ nói chuyện một mình nhưng ngôn ngữ thường không rõ ràng, nói những từ, cụm từ vô nghĩa hoặc câu nói lộn xộn, không đúng ngữ pháp.

5. Các vấn đề sức khỏe khác

Ngoài những vấn đề trên, trẻ hay nói lẩm bẩm một mình cũng có thể là biểu hiện của những bệnh lý khác như:

  • Chứng nhại lời
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
  • Rối loạn stress sau sang chấn

Hành vi tự nói chuyện một mình có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề bất thường. Nếu nghi ngờ trẻ có các vấn đề tâm lý, tâm thần, gia đình nên cho trẻ thăm khám sớm để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời các phương pháp điều trị.

Trẻ hay lẩm bẩm một mình nguy hiểm như thế nào?

Như đã đề cập, nói chuyện một mình đôi khi là hành động bình thường ở cả trẻ em và người lớn. Trẻ nhỏ từ 1 – 5 tuổi thường tự nói chuyện khi đang chơi trò chơi hoặc tự đóng vai trong các vở kịch. Tự nói chuyện là cách để trẻ tiếp thu ngôn ngữ và luyện khả năng giao tiếp.

Trong một số trường hợp, hay lẩm bẩm một mình có thể là dấu hiệu bất thường. Nếu trẻ thường xuyên nói chuyện một mình, sống khép kín, ít tương tác và có cảm xúc, hành vi bất thường, gia đình nên cho trẻ thăm khám sớm. Bởi đây là dấu hiệu của nhiều vấn đề tâm lý, tâm thần có mức độ nghiêm trọng.

Các bệnh lý tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phát triển thể chất lẫn tư duy của con trẻ. Trẻ mắc các bệnh lý này thường sẽ có khiếm khuyết về ngôn ngữ, hành vi, cảm xúc và tương tác xã hội. Nếu không được can thiệp trị liệu sớm, những khiếm khuyết này sẽ khiến trẻ gặp khó khăn khi học tập và khó có thể tìm kiếm việc làm trong tương lai.

Bên cạnh đó, một số trẻ có thể hình thành ý tưởng tự sát và có các hành vi tự hại để giải tỏa cảm xúc. Vì vậy, khi nhận thấy bất cứ dấu hiệu khác thường ở con trẻ, gia đình cần sắp xếp thời gian cho trẻ gặp bác sĩ chuyên khoa. Hiện nay, hầu hết các bệnh viện nhi đều đã có khoa Tâm lý, Tâm thần. Ngoài ra, gia đình cũng có thể lựa chọn các bệnh viện chuyên khoa Tâm thần nếu nhận thấy các triệu chứng của trẻ có mức độ nghiêm trọng.

Cách xử lý khi trẻ hay nói lẩm bẩm một mình

Khi nhận thấy trẻ hay nói lẩm bẩm một mình, tâm lý chung của các bậc phụ huynh là lo lắng và bất an. Một số người còn tự trấn an bản thân rằng đó là hành vi bình thường và con hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, chậm trễ thăm khám có thể khiến con bỏ lỡ mất “thời điểm vàng” cho việc điều trị.

Dưới đây là hướng xử lý đúng đắn khi nhận thấy con trẻ hay nói lẩm bẩm một mình:

1. Đưa trẻ đến gặp bác sĩ

Trước tiên, bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ thăm khám để đưa ra chẩn đoán và xem xét các phương pháp điều trị thích hợp. Trẻ nhỏ – đặc biệt là trẻ dưới 12 tuổi sẽ không có nhiều lựa chọn khi điều trị như người trưởng thành. Do đó, các bác sĩ sẽ phải cân nhắc kỹ để hạn chế tối đa tác dụng phụ của các phương pháp.

trẻ hay nói lẩm bẩm một mình
Trẻ hay nói lẩm bẩm một mình cần được thăm khám và trị liệu sớm

Hiện tại, hai phương pháp chính được cân nhắc cho trẻ có các vấn đề tâm lý, tâm thần là sử dụng thuốc và liệu pháp tâm lý. Trẻ bị tự kỷ sẽ được can thiệp thêm các phương pháp giáo dục đặc biệt để có thể cải thiện khả năng ngôn ngữ, gia tăng tương tác với những người xung quanh và học được cách bộc lộ, bày tỏ cảm xúc.

2. Các biện pháp hỗ trợ từ gia đình

Hay nói lẩm bẩm một mình thường xuất hiện ở những trẻ phải đối mặt với biến cố, sang chấn khi còn nhỏ và môi trường sống không lành mạnh. Điều này khiến cho tinh thần của bé không ổn định và dễ bị tổn thương bởi các yếu tố gây stress. Do đó ngoài các phương pháp điều trị, gia đình cần hỗ trợ để trẻ có thể phục hồi sức khỏe tinh thần nhanh chóng.

Các biện pháp hỗ trợ từ gia đình:

  • Mở rộng môi trường sống cho trẻ, tuyệt đối không giữ trẻ ở trong nhà mà nên cho trẻ đến các khu vui chơi để có cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc với bạn bè đồng trang lứa.
  • Bố mẹ và người thân trong gia đình nên thường xuyên trò chuyện để giúp trẻ cởi mở, tự tin hơn. Trò chuyện thường xuyên cũng giúp trẻ cải thiện khả năng ngôn ngữ và có thể giao tiếp lưu loát, mạch lạc.
  • Nên chú ý từ ngữ khi giao tiếp với trẻ, ưu tiên sử dụng các từ đơn giản và dễ hiểu.
  • Với trẻ bị tự kỷ, gia đình nên tìm hiểu các phương pháp giáo dục đặc biệt để giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ và biết cách sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp.
  • Cuối cùng, cần dành nhiều thời gian ở bên cạnh trẻ trong giai đoạn này. Sự quan tâm và đồng hành của gia đình chính là liều thuốc tốt nhất giúp trẻ cải thiện sức khỏe và hoàn thiện hơn về mọi mặt.

Trẻ hay nói lẩm bẩm một mình có thể là dấu hiệu bất thường. Nếu nhận thấy hành vi này xảy ra thường xuyên và bản thân trẻ có các biểu hiện khác lạ về hành vi, ngôn ngữ, cảm xúc,… gia đình nên chủ động đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa. Ngoài các phương pháp y tế, bố mẹ cũng cần dành thời gian cho con cái để giúp con vượt qua các vấn đề tâm lý, tâm thần.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *