Trầm cảm trước và sau hôn nhân do đâu? Cách khắc phục
Trầm cảm trước và sau hôn nhân là tình trạng thường gặp ở những cặp vợ chồng. Nguyên nhân chủ yếu chính là do những áp lực, căng thẳng của việc chuẩn bị đám cưới hoặc những điều vỡ mộng sau khi kết hôn. Chứng bệnh này không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh mà còn tác động đến mối quan hệ vợ chồng, gây mất hạnh phúc trong gia đình.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trầm cảm trước và sau hôn nhân
Kết hôn là một bước ngoặt mới rất quan trọng đối với cuộc đời của mỗi con người. Khi bước vào cuộc sống hôn nhân, cả hai đều phải cố gắng vun đắp và xây dựng cho mình một gia đình hạnh phúc và lâu dài với những kế hoạch tương lai tươi sáng.
Điều này cũng khiến cho rất nhiều người cảm thấy lo lắng, hồi hộp, bỡ ngỡ, trong lòng tràn đầy những cảm xúc. Thậm chí việc kết hôn còn khiến cho nhiều người rơi vào trạng thái trầm cảm khi những nỗi lo cứ kéo dài và không tìm ra cách giải quyết.
Theo số liệu thống kê thì tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm trước và sau hôn nhân ở phụ nữ sẽ cao hơn so với nam giới. Cũng bởi khả năng chịu áp lực của phụ nữ kém hơn, đồng thời họ thường có nhiều suy nghĩ và dự định cho tương lai. Nếu việc chuẩn bị lễ cưới hoặc cuộc sống sau hôn nhân không được tốt đẹp như ý muốn cũng sẽ khiến họ bị căng thẳng, tuyệt vọng, lâu dần dẫn đến trầm cảm.
Trầm cảm trước và sau hôn nhân có thể khởi phát bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Những yếu tố đó đều làm gia tăng sự căng thẳng, áp lực quá mức khiến cho đối tượng không thể kiểm soát và khống chế được. Nếu có thể hiểu rõ các nguyên nhân gây ra bệnh cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho việc phòng tránh và điều trị trầm cảm.
1. Trầm cảm trước hôn nhân khởi phát do đâu?
Trước hôn nhân là thời đẹp rất đẹp bởi cả hai đều đang mong ngóng và chờ đợi đến thời khắc hạnh phúc khi bước vào lễ đường với những tràng vỗ tay và chúc phúc từ mọi người xung quanh. Thế nhưng khi bước vào giai đoạn chuẩn bị cho lễ cưới sẽ khiến họ cảm thấy áp lực và căng thẳng.
Bởi để chuẩn bị cho một hôn lễ hoàn chỉnh và trọn vẹn cả hai phải sắp xếp rất nhiều công việc. Điều này cũng chính là nguyên nhân chính gây nên những áp lực, căng thẳng trước hôn nhân.
Một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm trước hôn nhân như:
- Lo lắng, căng thẳng khi phải chuẩn bị và lo toan nhiều thứ cho lễ cưới, ví dụ như danh sách khách mời, thuê áo cưới, mâm quả, sính lễ,….
- Áp lực bởi kinh tế và tiền tổ chức tiền cưới. Đặc biệt là những trường hợp không biết chi tiêu khiến cho số tiền đám cưới vượt quá mức dự định.
- Một trong cả hai chưa chuẩn bị sẵn sàng cho việc kết hôn. Một số trường hợp các cặp vợ chồng phải cưới bất ngờ vì có thai, gia đình ép buộc khiến cho họ cảm thấy bối rối và xuất hiện nhiều nỗi lo.
- Đôi lúc việc kết hôn chỉ được quyết định trong một khoảnh khắc hạnh phúc nào đó. Nhiều người vẫn chưa chắc chắn rõ về tình cảm của mình dành cho đối phương. Điều này cũng gây nên nhiều sự trăn trở và suy nghĩ trước khi kết hôn.
- Ám ảnh và lo lắng khi phải dọn về ở chung với gia đình chồng, sợ gặp phải cảnh mẹ chồng nàng dâu, lo lắng về trách nhiệm, công việc nhà,…
- Lo sợ hạnh phúc gia đình không được trọn vẹn sau hôn nhân.
- Sợ rằng việc kết hôn sẽ gây ảnh hưởng đến công việc, nhan sắc, vóc dáng, thời gian của bản thân.
- Những cặp đôi không được sự đồng ý của hai bên gia đình hoặc không nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ phía những người xung quanh.
2. Trầm cảm sau hôn nhân là do nguyên nhân gì?
Trong thực tế cho rất nhiều người luôn mơ ước về cuộc sống hôn nhân đầy màu hồng. Tuy nhiên, điều này cũng khiến cho không ít người cảm thấy hụt hẫng và vỡ mộng sau khi kết hôn. Đôi lúc cuộc sống hôn nhân cần bạn phải nỗ lực hơn bình thường rất nhiều. Điều này cũng có thể khiến cho nhiều người cảm thấy ngột ngạt và khó chịu. Nếu không được giải tỏa kịp thời cũng sẽ làm gia tăng nguy cơ gặp phải một số vấn đề về tâm lý, gây nên căn bệnh trầm cảm.
Cụ thể một số yếu tố có thể gây nên tình trạng trầm cảm sau hôn nhân như:
- Vỡ mộng vì cuộc sống hôn nhân không giống như những điều đã tưởng tượng.
- Áp lực về tài chính sau khi kết hôn tăng cao làm cho nhiều người cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức.
- Xảy ra xung đột, tranh cãi giữa vợ chồng hoặc đối với gia đình hai bên.
- Thường xuyên gặp gỡ đối phương, bị kiểm soát về thời gian khiến cho nhiều người cảm thấy chán nản.
- Những cuộc hôn nhân do ép buộc, miễn cưỡng khiến cuộc sống sau đó trở nên không hạnh phúc.
- Cả hai cưới nhau ở độ tuổi quá trẻ, chưa thể tự chủ về tài chính hoặc chưa có suy nghĩ chín chắn.
- Đối phương xuất hiện những tính xấu mà bạn chưa hề biết trước đó và không thể chấp nhận. Điều này khiến bạn cảm thấy chán ghét và không muốn cố gắng thêm cho cuộc sống hôn nhân.
- Bị bạo hành
- Áp lực từ việc sinh con, nuôi dạy con cái.
Triệu chứng của trầm cảm trước và sau hôn nhân
Những triệu chứng của người bị trầm cảm trước và sau hôn nhân cũng tương tự như các trường hợp thông thường, đặc trưng bởi khí sắc trầm buồn, ủ rũ, chán nản, không còn hứng thú đối với bất kì hoạt động nào xảy ra xung quanh. Tuy nhiên, tùy vào giai đoạn bệnh mà các biểu hiện cũng sẽ có phần đặc trưng riêng biệt.
1. Biểu hiện trầm cảm trước hôn nhân
Các triệu chứng của trầm cảm trước hôn nhân thường sẽ khởi phát vào giai đoạn chuẩn bị đám cưới và có thể kéo dài dai dẳng sau đó.
- Nhạy cảm, dễ cáu gắt, nóng giận với những sự việc hoặc những đối tượng xung quanh.
- Không hứng thú đối với bất kì việc gì, kể cả việc chuẩn bị đám cưới.
- Mất tập trung, thường xuyên lơ đãng, không chú ý vào những việc đang làm.
- Phản ứng quá mức đối với những sự việc nhỏ nhặt, đơn giản.
- Luôn trong trạng thái căng thẳng, lo lắng.
- Rối loạn giấc ngủ, thường xuyên khó ngủ, trằn trọc không ngủ được hoặc hay mơ gặp ác mộng.
- Xuất hiện các ý định tiêu cực như muốn hủy đám cưới, bỏ trốn, chia tay người yêu,….
- Luôn trong trạng thái mệt mỏi, thiếu sức sống.
2. Biểu hiện trầm cảm sau hôn nhân
Trầm cảm sau hôn nhân thường sẽ hiếm khi khởi phát ngay sau đám cưới mà sẽ xuất hiện sau đó một khoảng thời gian. Cũng bởi sau khi mới kết hôn, cuộc sống vợ chồng vẫn còn tràn ngập tiếng cười, gia đình vẫn chưa xảy ra quá nhiều tranh cãi hay xung đột không đáng có.
Tuy nhiên, sau khi sống cùng nhau một thời gian chắc chắn cả hai bên sẽ xuất hiện những vấn đề mâu thuẫn, nếu tình trạng này thường xuyên xảy ra cũng khiến cho căn bệnh trầm cảm dễ xuất hiện.
Một số triệu chứng trầm cảm sau hôn nhân như:
- Thường xuyên cáu gắt, nóng giận hoặc tranh cãi với vợ/ chồng về những vấn đề nhỏ nhặt.
- Luôn xét nét đối phương hoặc những người xung quanh, cảm thấy khó chịu và bực bội với những việc mà họ làm, cho dù trước đây vẫn cảm thấy thoải mái, dễ chịu.
- Luôn có cái nhìn không tốt về bạn đời, cảm thấy họ giả dối, không hoàn hảo, không tâm lý,….
- Không còn hứng thú với việc quan hệ vợ chồng hoặc thậm chí cả việc gần gũi, ôm ấp.
- Luôn cảm thấy tuyệt vọng, hối hận trước quyết định kết hôn của mình.
- Nếu xuất hiện các mâu thuẫn đối với gia đình chồng thì thường có xu hướng muốn về nhà cha mẹ ruột.
- Thường xuyên khóc lóc không rõ nguyên nhân.
Những triệu chứng này thường khiến nhiều người lầm tưởng đó là do tính cách hoặc áp lực, mệt mỏi hàng ngày tạo nên. Vì thế, hầu hết những trường hợp bị trầm cảm trước và sau hôn nhân thường phát hiện khá muộn. Lúc này các triệu chứng bệnh cũng xuất hiện liên tục kèm theo những biểu hiện bất thường với các hành vi, suy nghĩ tiêu cực có thể gây hại cho bản thân. Tình trạng này cũng gây nhiều cản trở đối với quá trình điều trị bệnh.
Trầm cảm trước và sau hôn nhân dẫn đến hệ lụy gì?
Trầm cảm là một căn bệnh nguy hiểm, nó có thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống hàng ngày hoặc thậm chí là tính mạng của người bệnh. Nếu tình trạng này không được sớm phát hiện và áp dụng các biện pháp điều trị kịp thời sẽ làm cho người bệnh dần trở nên suy kiệt, không thể thực hiện được bất cứ công việc gì và có thể tự sát bất cứ lúc nào.
Các chuyên gia sức khỏe tâm thần cho biết rằng, các triệu chứng của bệnh trầm cảm kéo dài sẽ làm cho hệ miễn dịch bị suy giảm nghiêm trọng và làm gia tăng nguy cơ mắc phải các chứng bệnh về dạ dày, tim mạch, huyết áp hoặc các bệnh rối loạn tâm thần khác.
Đối với những trường hợp bị trầm cảm trước và sau hôn nhân còn có thể làm rạn nứt các mối quan hệ, gây nên những xung đột, mâu thuẫn không đáng ở giữa vợ chồng. Những đối tượng bị trầm cảm luôn cảm thấy bản thân vô dụng, họ cảm thấy tuyệt vọng và chán nản với mối quan hệ hiện tại và luôn cáu gắt, khó chịu với đối phương. Nếu các vấn đề, khúc mắc này không được giải tỏa và khắc phục đúng cách sẽ làm cho mối quan hệ càng trở nên bế tắt.
Bên cạnh đó, những người bị trầm cảm thường khởi phát từ các áp lực, căng thẳng trước và sau hôn nhân, họ sẽ khó nhận biết được những điều bất thường đang xảy ra đối với bản thân. Đôi khi những điều khó chịu trong lòng không được giải quyết sẽ khiến họ xuất hiện các hành vi bất thường như la hét, ném đồ đạc, quát mắng những người xung quanh.
Những cặp đôi có người bị trầm cảm trước và sau hôn nhân thường sẽ có nguy cơ ly hôn rất cao. Nếu cả hai không thể phát hiện được tình trạng bệnh trầm cảm có thể nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn, họ cảm thấy chán ghét và muốn lẫn trốn đối phương. Nếu tình trạng này kéo dài dai dẳng sẽ khiến cho họ tuyệt vọng và dần đi đến quyết định kết thúc mối quan hệ hiện tại.
Bên cạnh đó, một số trường hợp trầm cảm nặng còn có thể dẫn đến những hành vi tự sát hoặc làm hại chính bản thân mình. Khi các cảm xúc tiêu cực cứ liên tục xuất hiện và chi phối tâm trí của người bệnh khiến cho họ không tìm ra được lối thoát và giải pháp cuối cùng đó chính là tự tử. Do đó, ngay khi nhận thấy các biểu hiện của bệnh bạn cần chủ động tiến hành thăm khám và chẩn đoán tại các cơ sở chuyên khoa uy tín để được hướng dẫn phương pháp điều trị phù hợp, hạn chế các hệ lụy nguy hiểm có thể xảy ra.
Cách khắc phục chứng trầm cảm trước và sau hôn nhân
Cũng giống như các trường hợp khác, trầm cảm trước và sau hôn nhân cũng sẽ được điều trị bằng các biện pháp như trị liệu tâm lý, sử dụng thuốc và yếu tố gia đình. Tuy nhiên, tùy vào mức độ bệnh của mỗi người mà các bác sĩ tâm thần sẽ cân nhắc để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
1. Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý là phương pháp được ưu tiên áp dụng cho các trường hợp bị trầm cảm. Bởi phương pháp này vừa mang lại hiệu quả tốt vừa đảm bảo được an toàn cho người bệnh. Bằng cách sử dụng ngôn ngữ giao tiếp để trò chuyện với người bệnh mà các chuyên gia sẽ biết được mức độ biểu hiện và nguyên nhân gốc rễ gây ra các triệu chứng của trầm cảm. Từ đó, chuyên gia sẽ giúp bệnh nhân nhìn nhận được những vấn đề của bạn thân và giúp cho họ tự tìm cách khắc phục hiệu quả nhất.
Tâm lý trị liệu là phương pháp điều trị không sử dụng đến thuốc, có thể áp dụng được cho nhiều đối tượng khác nhau. Sau quá trình trị liệu bệnh nhân sẽ dần hồi phục được sức khỏe một cách tự nhiên, hạn chế được tình trạng tái phát bệnh về sau. Bên cạnh đó, người bệnh cũng sẽ được học cách kiểm soát cảm xúc và đối mặt với những tình huống khó khăn trong cuộc sống, nhờ đó mà họ biết cách cân bằng tâm trạng tốt hơn.
2. Sử dụng thuốc điều trị
Đối với những tình trạng trầm cảm trước và sau hôn nhân nặng thì cần đến sự can thiệp của một số loại thuốc chống trầm cảm. Các loại thuốc này tuy không có tác dụng điều trị tận gốc nhưng sẽ giúp kiểm soát tốt các triệu chứng của bệnh, đồng thời hạn chế được nguy cơ tự sát. Một số loại thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng như: thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc ức chế tái hấp thu trên serotonin và norepinephrine (SNRI), chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), các chất ức chế monoamin oxydase (MAOIs),…
Tuy nhiên, tất cả các loại thuốc này đều có thể gây ra một số tác dụng phụ cho người dùng. Vì thế, bệnh nhân cần phải cẩn thận và tuân thủ đúng theo các chỉ định dùng thuốc của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không được thay đổi liều lượng hoặc ngưng sử dụng thuốc đột ngột. Nếu trong thời gian dùng thuốc nhận thấy bất kì triệu chứng khác lạ nào cũng cần báo ngay với chuyên gia để được xử lý và ngăn chặn kịp thời.
3. Sự hỗ trợ từ gia đình, người thân
Đối với những trường hợp bị trầm cảm trước và sau hôn nhân thì yếu tố gia đình đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là chồng/ vợ. Những người thân trong gia đình nên dành nhiều thời gian để quan tâm và chia sẻ với bệnh nhân. Chồng hoặc vợ nên chú ý dành nhiều sự yêu thương và chăm sóc cho đối tượng để họ cảm thấy thoải mái và an tâm hơn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia tâm lý thường khuyến khích người nhà tham gia vào quá trình trị liệu tâm lý để có thể hiểu hơn về căn bệnh này cũng như cách chăm sóc người bệnh. Những thành viên trong gia đình nên đồng hành và dành nhiều lời động viên, khuyến khích người bệnh. Chẳng hạn như hỗ trợ họ trong việc chuẩn bị lễ cưới, tạo cho họ không gian thoải mái để sinh hoạt, làm những điều bản thân yêu thích, hạn chế các cuộc tranh luận, cãi vã trong gia đình,…
Ngoài ra, quá trình điều trị cũng cần nhiều sự nỗ lực và cố gắng từ bản thân người bệnh. Bệnh nhân cũng nên xây dựng và nhanh chóng thay đổi các thói quen sinh hoạt hàng ngày của mình. Cụ thể như:
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh.
- Thường xuyên vận động, tập luyện thể dục thể thao
- Đảm bảo được giấc ngủ chất lượng, ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày và nên ngủ trước 23 giờ.
- Tham gia vào các hoạt động tập thể, cộng đồng để thư giãn tốt hơn.
- Cởi mở hơn trong việc giao tiếp và tâm sự cùng những người mà bản thân tin tưởng.
- Tự tạo niềm vui và sở thích mới bằng những việc đơn giản như nấu ăn, nghe nhạc, xem phim, đọc sách, vẽ tranh, nhảy múa,….
- Học cách suy nghĩ tích cực, nhìn nhận vấn đề theo hướng lạc quan hơn.
- Sắp xếp công việc một cách hợp lý, hạn chế làm việc quá sức.
Cách phòng tránh trầm cảm trước và sau hôn nhân
Trầm cảm trước và sau hôn nhân là một căn bệnh hết sức nguy hiểm. Vì thế, để hạn chế và phòng tránh được tình trạng này bạn nên chuẩn bị cho mình một tinh thần thật tốt và thực hiện theo các lời khuyên sau đây:
- Chỉ nên kết hôn khi bản thân cảm thấy thực sự sẵn sàng. Không nên vì bất cứ lý do nào mà ép buộc bản thân phải kết hôn sớm.
- Dành thời gian tìm hiểu và chỉ nên đưa ra quyết định kết hôn với người mình yêu và yêu mình thực sự.
- Chuẩn bị tâm lý vững vàng để có thể thích nghi và bắt đầu một cuộc sống mới.
- Làm quen và tìm hiểu về gia đình của đối phương để tránh bỡ ngỡ khi về ở cùng nhau.
- Nên trao đổi và trò chuyện thẳng thắng với đối phương về quan niệm hôn nhân, điều này sẽ giúp cả hai hiểu nhau hơn và tránh được những mâu thuẫn sau khi kết hôn.
- Sắp xếp và lên kế hoạch cụ thể cho tiệc cưới, nếu công việc quá nhiều thì có thể nhờ đến sự hỗ trợ và giúp đỡ của những người thân xung quanh, không nên ôm đồm quá nhiều việc vào bản thân.
- Nên tổ chức lễ cưới theo khả năng tài chính của bản thân tránh gây nên những áp lực kinh tế về sau.
- Bạn có thể đăng kí tham gia vào các lớp học tiền hôn nhân trước khi kết hôn.
- Nếu trong quá trình sinh sống với nhau có xảy ra mâu thuẫn thì nên nhanh chóng giải quyết, tránh việc dồn nén quá lâu cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.
Bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu thêm về tình trạng trầm cảm trước và sau hôn nhân. Hi vọng bạn đọc có thể nắm được những kiến thức cần thiết để sẵn sàng bước vào cuộc sống hôn nhân, giúp cho đình luôn vui vẻ, hạnh phúc và tràn ngập tình yêu thương.
Tham khảo thêm:
- Trầm Cảm Sau Sinh: Nguyên nhân, biểu hiện và hướng chữa trị
- Nguy cơ trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh: nhận biết và phòng ngừa
- Cách chữa trầm cảm tại nhà không dùng thuốc bạn nên biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!