Bị bạn bè trêu chọc: Ảnh hưởng và cách giúp trẻ vượt qua
Trẻ bị bạn bè trêu chọc sẽ phải đối mặt với tổn thương tâm lý sâu sắc và gặp nhiều phiền toái khi học tập, kết bạn,… Trong nhiều trường hợp, trẻ có xu hướng che giấu việc bị bắt nạt nên gia đình cần phải chú ý đến những biết hiện bất thường và khéo léo giúp con vượt qua tình trạng này.
Những lý do khiến trẻ bị bạn bè trêu chọc
Trêu chọc là hành vi thường thấy ở trẻ nhỏ với mục đích đùa giỡn và tạo niềm vui. Tuy nhiên, trẻ còn khá nhỏ nên đôi khi không ý thức được lời nói của bản thân. Trong một số trường hợp, lời nói trêu chọc từ bạn bè có thể khiến trẻ bị tổn thương sâu sắc về tâm lý, trẻ trở nên nhạy cảm và thiếu tự tin.
Các hành vi trêu chọc, bắt nạt sẽ xuất hiện từ giai đoạn mẫu giáo, tiểu học và có thể xảy ra ở cả học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông. Các hành vi này có xu hướng giảm dần khi trẻ lớn hơn khi các con đã ý thức hơn về hành vi, lời nói của bản thân. Tuy nhiên, một số trẻ có thể phải đối mặt với các hành vi trêu chọc dai dẳng trong một thời gian dài.
Thông thường, trẻ nhỏ sẽ chọn các đối tượng yếu thế và có một số điểm khác thường để trêu chọc. Dù không phải lỗi của trẻ nhưng trẻ có những đặc điểm sau sẽ dễ bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt:
- Trẻ nhút nhát thiếu tự tin, sống khép kín và thu mình
- Trẻ mập mạp, béo phì và có sở thích ăn uống
- Trẻ gầy ốm, da ngăm đen và không có ngoại hình sáng như các bạn
- Trẻ có kết quả học tập kém, thường xuyên không làm bài tập, điểm số thấp và bị thầy cô phê bình trước lớp.
- Trẻ nói ngọng, giọng địa phương, dân tộc thiểu số, gia đình nghèo khó,…
- Trẻ hậu đậu, vụng về
- Trẻ có tác phong thiếu chỉn chu, quần áo nhàu nhĩ, tóc tai luộm thuộm,…
Những đặc điểm trên sẽ khiến trẻ trở thành đối tượng bị các bạn học khác trêu học và thậm chí là bắt nạt. Trẻ không chỉ bị tổn thương bởi các hành vi bạo lực mà còn cảm thấy xấu hổ, tủi nhục vì bị bạn bè bạo hành bằng lời nói. Vì vậy, gia đình cần phải quan tâm đến con trẻ để phát hiện kịp thời và có biện pháp khắc phục phù hợp.
Các dấu hiệu nhận biết trẻ bị bạn bè trêu chọc
Khi bị bạn bè trêu chọc, con có thể chia sẻ với gia đình để tìm kiếm sự giúp đỡ từ bố mẹ và anh chị em. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ có thể che giấu việc bị bắt nạt vì lo sợ gia đình la mắng và trách móc. Tình trạng này thường xảy ra ở những gia đình có cách giáo dục không phù hợp khiến con trẻ thiếu tự tin và tự đánh giá thấp bản thân.
Để kịp thời phát hiện và xử lý, bố mẹ cần phát hiện sớm tình trạng con bị bạn bè trêu chọc thông qua các dấu hiệu sau:
- Trẻ không tỏ ra hào hứng hay vui vẻ sau khi về nhà
- Thường trực sự buồn bã, bất an và đôi khi bày tỏ suy nghĩ bản thân vô dụng, yếu kém hơn các bạn khác trong lớp.
- Một số trẻ bày tỏ mong muốn được ở nhà, không muốn đến trường học hoặc có thể xin phép bố mẹ chuyển trường nhưng không nói rõ lý do.
- Trẻ trở nên tự ti, nhút nhát và không còn hoạt bát như xưa.
- Với những trẻ bị trêu chọc về ngoại hình, trẻ thường đặt câu hỏi về ngoại hình của bản thân cho bố mẹ và những thành viên khác trong gia đình.
- Trẻ hay lơ đễnh, thiếu tập trung khi học tập và đôi khi kết quả học tập có thể đi xuống.
- Trẻ hầu như không có bạn bè hoặc có rất ít bạn bè. Ngoài ra, trẻ cũng hiếm khi chia sẻ với gia đình những câu chuyện vui khi đến trường.
Khi nhận thấy con trẻ có những dấu hiệu này, gia đình nên trò chuyện nhẹ nhàng để con cái có thể thoải mái chia sẻ vấn đề đang phải đối mặt. Tránh tình trạng hỏi dồn dập và đe dọa trẻ phải nói sự thật khiến con lo lắng, bất an và có xu hướng giấu nhẹm mọi chuyện vì sợ bị gia đình la mắng.
Bị bạn bè trêu chọc và những ảnh hưởng đối với tâm lý
Khi bị bạn bè trêu chọc, con sẽ bị tổn thương tâm lý ít nhiều. Do đó, gia đình cần phải có sự quan tâm đúng mực để giúp con cái vượt qua tình trạng này và nhanh chóng lấy lại sự cân bằng. Nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình, trẻ sẽ phải đối mặt với tổn thương tâm lý trong một thời gian dài cùng với nhiều biến chứng, hậu quả nghiêm trọng khác.
Ban đầu, trẻ bị bạn bè trêu chọc sẽ có tâm lý sợ đến trường, trở nên nhút nhát và thiếu tự tin. Trẻ bị bắt nạt có xu hướng e ngại, không dám thể hiện năng khiếu hay ý kiến của bản thân vì lo sợ mọi người cười chê. Sau một thời gian, trẻ sẽ giảm thành tích học tập mặc dù vẫn rất chăm chỉ và không có dấu hiệu lười biếng. Nguyên nhân là do tâm lý của con trở nên bất ổn dẫn đến tình trạng giảm khả năng ghi nhớ và tiếp thu khi học tập.
Ngoài ra, những hành vi bắt nạt và trêu chọc diễn ra thường xuyên còn làm tăng nguy cơ mắc phải các vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm tuổi dậy thì, hội chứng tự ngược đãi bản thân, rối loạn ăn uống,… Nguy cơ mắc các rối loạn tâm lý sẽ tăng lên nếu trẻ phải đối mặt với áp lực học tập, gia đình không thấu hiểu và quá nghiêm khắc. Những ảnh hưởng này sẽ được ngăn chặn nếu gia đình phát hiện sớm và có biện pháp khắc phục kịp thời.
Làm sao để giúp trẻ vượt qua tình trạng bị bạn bè trêu chọc?
Khi con bị bạn bè trêu chọc, gia đình cần có sự hỗ trợ để giúp con đối phó với kẻ bắt nạt và tự tin hơn vào bản thân. Khác với người trưởng thành, trẻ nhỏ chưa có ý thức và hiểu biết sâu sắc về mọi vấn đề trong cuộc sống. Vì thế, trẻ rất dễ tự ti và cho rằng bản thân thấp kém hơn mọi người nếu liên tục bị đả kích bởi những hành vi và lời nói trêu chọc.
Để giúp con vượt qua tổn thương tâm lý khi bị bạn bè bắt nạt, bố mẹ có thể thử một số cách như sau:
1. Hướng dẫn con cách nói chuyện với kẻ bắt nạt
Như đã đề cập, đôi khi trẻ nhỏ không ý thức được lời nói và hành vi của bản thân. Vì vậy, bố mẹ nên hướng dẫn trẻ cách trò chuyện để kẻ bắt nạt ý thức hơn về những lời nói, hành vi của mình và dừng ngay việc bắt nạt người khác.
Gia đình nên hướng dẫn con trò chuyện một cách thiện chí với kẻ bắt nạt để đối phương biết rằng, những hành vi của họ rất quá đáng và vô tình khiến con bị tổn thương. Trong trường hợp đối phương có thiện chí, tình trạng bắt nạt sẽ chấm dứt và trẻ có thể thoải mái hơn khi đến trường.
Tuy nhiên nếu kẻ bắt nạt không lắng nghe, gia đình nên khuyên trẻ chấm dứt cuộc trò chuyện trước khi mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Hướng dẫn con cách trò chuyện với kẻ bắt nạt sẽ giúp con chủ động hơn trong cuộc sống, tránh tâm lý ỷ lại và phụ thuộc vào gia đình. Đồng thời cách này cũng sẽ giúp con trang bị kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng giao tiếp,… Sự hỗ trợ đằng sau của bố mẹ cũng sẽ giúp trẻ cảm nhận được tình cảm gia đình và biết rằng luôn có người thân ở bên cạnh.
2. Dạy con giữ bình tĩnh và chế ngự cảm xúc
Đối mặt với những hành vi trêu chọc và bắt nạt thường xuyên có thể khiến trẻ nảy sinh những hành vi bạo lực với bạn bè. Do đó khi nhận thấy con bị bạn bè bắt nạt, gia đình nên hướng dẫn con cách chế ngự cảm xúc và giữ bình tĩnh trước hành vi bắt nạt.
Tức giận là cảm xúc tự nhiên của con người nhưng nếu để cơn giận lấn át, con sẽ khó có thể kiểm soát hành vi của chính mình. Bố mẹ nên cho con biết rằng, cảm xúc giận dữ, cáu kỉnh sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Vì vậy ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, con cũng cần giữ sự bình tĩnh để tìm ra hướng giải quyết thỏa đáng nhất.
Trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc. Do đó, bố mẹ nên trang bị cho con một số kỹ năng như hít thở sâu, lờ đi lời nói, hành vi của kẻ bắt nạt và nghĩ đến những hậu quả xấu nhất có thể xảy ra. Những kỹ năng này không chỉ giúp trẻ tránh được những tình huống ngoài ý muốn mà còn rèn cho trẻ những phẩm chất tốt đẹp, cần thiết trong cuộc sống.
3. Khuyến khích trẻ thẳng thắn trao đổi với giáo viên
Trong trường hợp kẻ bắt nạt không dừng hành động trêu chọc, gia đình nên khuyến khích con thẳng thắn trao đổi với giáo viên. Nhiều bậc phụ huynh chủ động làm việc này thay con. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến trẻ hình thành tâm lý nhút nhát, ngại nói và phụ thuộc vào gia đình. Trong khi đó, việc khuyến khích con chủ động báo với thầy cô giáo sẽ giúp trẻ rèn tính cách mạnh mẽ, quyết đoán.
Ngoài ra, gia đình cũng nên hướng dẫn con cách trò chuyện với thầy cô để tránh lời nói bị cảm xúc lấn át. Biện pháp này không chỉ giúp trẻ vượt qua tình trạng bị bạn bè trêu chọc mà còn trang bị cho con kỹ năng giao tiếp và xử lý vấn đề. Với những kỹ năng này, con sẽ dễ dàng đối mặt và vượt qua những thử thách trong cuộc sống thay vì liên tục tìm kiếm sự giúp đỡ của gia đình.
4. Cải thiện những vấn đề mà con thường bị trêu chọc
Sau khi hướng dẫn con xử lý vấn đề bị bắt nạt, gia đình cũng nên giúp con cải thiện những đặc điểm thường bị bạn bè đem ra cười chê. Bởi nếu vẫn còn giữ những đặc điểm này, trẻ sẽ bị trêu chọc trong một thời gian dài cho dù có thay đổi môi trường học tập.
Đầu tiên, cần hướng trẻ đến thói quen ăn uống lành mạnh để giữ cân nặng ở mức vừa phải. Hướng dẫn con cách vệ sinh cá nhân, đảm bảo tác phong chỉn chu, gọn gàng khi đến trường. Ngoài ra, nên khuyến khích trẻ vui chơi, kết bạn và hòa đồng thay vì sống khép kín, tách biệt với bạn bè đồng trang lứa.
Nếu trẻ thường xuyên nói ngọng, gia đình có thể cho trẻ tham gia các khóa trị liệu ngôn ngữ đề điều chỉnh giọng nói chuẩn. Điều này không chỉ giúp trẻ thoát khỏi sự chê cười, bắt nạt của bạn bè mà còn tăng sự tự tin trong cuộc sống. Ngoài ra, nên khuyến khích con học tập chăm chỉ để đạt kết quả tốt. Thành tích học tập ấn tượng sẽ giúp con tự tin, chủ động trong cuộc sống và thoát khỏi những lời trêu chọc từ bạn bè.
5. Tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý
Nếu con trẻ bị tổn thương sâu sắc trước những hành vi trêu chọc và bắt nạt từ bạn bè, gia đình nên tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý. Liệu pháp tâm lý sẽ giúp trẻ giải tỏa những cảm xúc dồn nén, biết cách chế ngự và cân bằng cảm xúc của bản thân. Bên cạnh đó, liệu pháp này cũng sẽ giúp trẻ trang bị những kỹ năng cần thiết để vượt qua những tình huống khó khăn trong cuộc sống.
Can thiệp trị liệu tâm lý kịp thời sẽ giúp con trẻ vượt qua tổn thương tâm lý và tự tin hơn vào bản thân. Ngược lại, nếu để lâu dài, tổn thương tâm lý có thể trở nên sâu sắc và trẻ có nguy cơ mắc phải các vấn đề tâm lý, tâm thần. Ngoài ra, gia đình cũng nên tham gia trị liệu cùng với con cái để hiểu rõ hơn tâm lý của trẻ, qua đó có thái độ và cách ứng xử phù hợp.
Khi con bị bạn bè trêu chọc, gia đình cần có các biện pháp xử lý thấu đáo để giúp con vượt qua tình trạng này và trang bị thêm những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Nếu cần thiết, bố mẹ nên gặp trực tiếp thầy cô giáo trong trường hợp sự việc có tính chất nghiêm trọng. Bên cạnh đó, cần nâng đỡ tinh thần của con để tránh tổn thương tâm lý lâu dài.
Tham khảo thêm:
- Cyberbullying (Mối Đe Dọa Qua Mạng) Là Gì? Nguyên Nhân Và Ảnh Hưởng
- Trầm cảm ở học sinh: Nguyên nhân, hậu quả và cách phòng ngừa
- Gia đình không toàn vẹn ảnh hưởng tâm lý trẻ thế nào?
Con bị các bạn tẩy chay thì nên làm gì?