Vô cảm là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và hậu quả của sự vô cảm
Vô cảm giống như một loại “dịch bệnh” đang ngày càng lây lan mạnh hơn, đặc biệt ở những người trẻ hiện nay. Lối sống tiêu cực này gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho toàn xã hội. Bài viết sẽ làm rõ vô cảm là gì và các vấn đề xoay quanh tình trạng này.
Vô cảm là gì?
Hiểu một cách đơn giản nhất, “vô” tức là không, “cảm” là cảm xúc, tức “vô cảm” là người không có cảm xúc, người thờ ơ, lãnh cảm, không quan tâm đến những người khác hay những vấn đề xảy ra xung quanh, hay còn được gọi là “máu lạnh”. Những người có lối sống vô cảm thường chỉ quan tâm đến một mình bản thân họ, không có cảm xúc gì trước nỗi đau, sự khó khăn của người khác, kể cả khi đó là người thân.
Cần hiểu rằng “vô cảm” có thể bao hàm cả “lạnh lùng” nhưng không phải người nào trông “lạnh lùng” cũng có lối sống vô cảm. Người có tính cách lạnh lùng thường không thích thể hiện cảm xúc nhưng có rất nhiều người thuộc kiểu “ngoài lạnh trong nóng” dù họ không thể hiện ra ngoài mặt nhưng lại có một trái tim ấm áp, biết quan tâm và giúp đỡ người khác. Trong khi đó với người vô cảm họ luôn dửng dưng trước mọi vấn đề và hầu như không có ý định giúp đỡ bất cứ ai.
Không ít những hình ảnh đáng buồn về sự vô cảm của con người được lên án hiện nay chẳng hạn câu chuyện xe tải chở bia bị đổ và hàng loạt người chạy ra “hôi bia” hay thấy người bị tai nạn không giúp mà chỉ lấy điện thoại ra quay vẫn là những vấn đề nhức nhối của xã hội được bàn tán rất nhiều. Đây chính là những biểu hiện rõ nhất của lối sống vô cảm.
Thực trạng vô cảm hiện nay trong xã hội
Vô cảm là một vấn đề xã hội ngày càng được quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh cuộc sống hiện đại với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và truyền thông. Dưới đây là một số điểm nổi bật về thực trạng vô cảm hiện nay trong xã hội.
- Gia tăng vô cảm trong xã hội: Theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sự vô cảm, hay còn gọi là sự suy giảm khả năng đồng cảm, đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Sự bùng nổ của các mạng xã hội và công nghệ số, mặc dù giúp kết nối mọi người, lại đang làm giảm sự tương tác trực tiếp, dẫn đến sự thờ ơ và thiếu quan tâm đến cảm xúc của người khác.
- Vô cảm trong các mối quan hệ cá nhân: Một nghiên cứu từ Đại học Michigan (University of Michigan) chỉ ra rằng sinh viên đại học hiện nay thể hiện mức độ đồng cảm thấp hơn 40% so với các sinh viên từ hai thập kỷ trước. Nghiên cứu này cho rằng sự vô cảm đang trở nên phổ biến hơn, có thể do lối sống cá nhân hóa và sự tập trung vào công nghệ thay vì các mối quan hệ xã hội trực tiếp.
- Vô cảm trong các vụ việc cộng đồng: Thực trạng vô cảm còn thể hiện rõ trong các tình huống khẩn cấp hoặc các vụ việc cộng đồng. Hiện tượng Bystander Effect (Hiệu ứng đứng nhìn), được ghi nhận trong nhiều nghiên cứu tâm lý, mô tả việc mọi người có xu hướng không can thiệp vào các tình huống cần trợ giúp khi có nhiều người xung quanh, dẫn đến sự thờ ơ và thiếu trách nhiệm cộng đồng.
Thực trạng vô cảm hiện nay đang là một thách thức lớn đối với sự phát triển của xã hội và tình cảm con người
Biểu hiện của vô cảm
Các biểu hiện rõ ràng nhất của lối sống vô cảm bao gồm:
- Thờ ơ, lãnh cảm, bàng quan, không có cảm xúc với mọi vấn đề xung quanh cuộc sống.
- Thiếu sự đồng cảm với đau khổ, khó khăn của mọi người, muôn vật, muôn loài xung quanh.
- Hời hợt trong mối quan hệ giữa người – người, người – vật hoặc với mọi vấn đề xung quanh
- Thấy người tốt bị ức hiếp không bảo vệ, thấy kẻ ác làm điều xấu cũng không lên tiếng
- Luôn chỉ đề cao lợi ích bản thân, nhưng cũng có những người thậm chí chỉ “sống cho có”, họ thậm chí còn chẳng quan tâm đến chính mình.
- Luôn cảm thấy trống rỗng, mất cảm xúc với mọi thứ, kể cả bản thân, không buồn phiền khi bị chê trách, không vui khi được khen ngợi.
- Khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ, không biết lắng nghe hay giúp đỡ người khác
- Không có ý định giúp người khác, luôn cho rằng đó không phải việc của mình, sợ phiền hà nên thường bỏ qua, ngay cả khi có người cầu xin sự giúp đỡ trước mặt
- Lời nói và cảm xúc tiêu cực, thường nhắm đến người khác, có thể làm tổn thương những người xung quanh bằng những lời nói vô cảm, độc địa của mình.
- Cảm thấy gượng gạo khi nói chuyện với người khác, lạc lõng trống rỗng khi đến những nơi đông người.
- Không quan tâm đến những người xung quanh, chẳng hạn cha mẹ ốm không biết hỏi thăm giúp đỡ, đi học về chỉ vào phòng, dửng dưng với cả chính người thân.
- Luôn cảm thấy nghi ngờ xung quanh, không có niềm tin vào bất cứ điều gì
- Không cảm xúc trước những đau đớn của người khác, chẳng hạn người khác bị bạo lực không can ngăn mà còn xúi dục để cuộc chiến diễn ra nghiêm trọng hơn.
- Không có định hướng, không cảm thấy hy vọng nhiều vào điều gì, sống như không có khát vọng.
Một ví dụ điển hình khác về sự vô cảm rất thường gặp hiện nay chính là tình trạng “bạo lực” ngôn từ trên mạng xã hội, trước những con người không hề quen biết nhau. Chẳng hạn khi một người đăng những bài viết tiêu cực, nói rằng muốn tự tử thì thay vì khuyên ngăn, chia sẻ không ít người lại bình luận rằng “chết đi”; “nói là phải làm”; khiến những người này suy sụp hoàn toàn và chọn cách giải thoát. Dù vậy những người đã bình luận những điều xấu xí trên chẳng hề thấy có lỗi mà thậm chí còn cho rằng “vậy là đáng”.
Nguyên nhân của sự vô cảm
Sự vô cảm xuất phát từ lối sống cá nhân, ích kỷ, muốn hưởng thụ, dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, hoặc bị cuốn vào áp lực công việc, cuộc sống mà ít quan tâm đến người xung quanh. Thiếu sự dạy dỗ về cảm xúc từ gia đình và xã hội cũng làm cho chúng ta dễ trở nên thờ ơ với các sự việc cũng như cảm xúc của người khác. Cụ thể như sau:
1. Ảnh hưởng từ lối giáo dục vị kỷ
Sự vô cảm có thể bắt đầu được hình thành từ lối giáo dục vị kỷ, chỉ hướng tới cá nhân của cả gia đình và nhà trường. Tính cách của một người có thể được hình thành sự ích kỷ, thiếu đồng cảm bởi những người cha, người mẹ của họ là như thế. Tất nhiên không phải ai cũng như vậy nhưng khi sống cùng trong một gia đình thì ít nhiều cũng rất dễ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Những lối giáo dục khiến một người dễ rơi vào trạng thái vô cảm như:
- Sống trong một gia đình có cha mẹ không quan tâm đến con cái, thường xuyên dùng lời nói hay bạo lực để đay nghiến nhau.
- Cha mẹ luôn dạy con phải vượt trên người khác, luôn cho mình là nhất, không được quan tâm đến những người xung quanh, thậm chí làm cả những hành vi kém trung thực để có thể vượt trội hơn mọi người.
- Trẻ được sống trong một gia đình có cha mẹ quá chiều chuộng, luôn đáp ứng mọi yêu cầu của con cái cũng dễ hình thành tâm lý coi thường xung quanh, không quan tâm đến những người khác, vô cảm với mọi thứ, chỉ ích kỷ nghĩ về mình.
- Học tập hay làm việc trong một ngôi trường quá quan tâm đến thành tích mà không quan tâm đến trau dồi nhân cách và đạo đức. Chẳng hạn việc trường đưa ra quy định ai đứng chót bảng sẽ bị đưa lên khiển trách trước toàn trường, điều này có thể làm học sinh làm mọi cách, kể cả những “thủ đoạn xấu” để không bị đứng cuối.
- Những người có tính cách nhút nhát, sống nội tâm, luôn lo lắng mọi thứ, dần dần cũng sợ giao tiếp xã hội, sợ những điều mình làm sẽ bị những người xung quanh đánh giá nên dần cũng chọn cách vô cảm với những thứ xung quanh để có lối sống thoải mái hơn.
2. Ảnh hưởng từ môi trường sống tiêu cực
Môi trường sống thực sự có tác động rất lớn đến quá trình hình thành nhân cách của mỗi người, thậm chí nó có thể biến một người từ tích cực thành tiêu cực, người một người nồng nhiệt với cuộc sống trở nên vô cảm, chỉ hướng tới những lợi ích cho bản thân. Thực tế đây cũng là một hiện trạng thực tế đang gặp ở rất nhiều người hiện nay.
Một số tác nhân cụ thể từ môi trường sống có thể khiến con người hình thành lối sống vô cảm như
- Quá nhiều áp lực trong cuộc sống, chẳng hạn như gia đình và công ty luôn áp đặt thành tích, tiền bạc quá lớn. Bản thân họ phải “gồng gánh” với những áp lực của bản thân, không còn thời gian quan tâm đến những thứ xung quanh, lâu dần trở nên vô cảm với mọi thứ.
- Liên tục bị hãm hại, lừa dối khiến những người này bị ám ảnh, sợ hãi cho rằng lòng tốt của mình sẽ tiếp tục làm bản thân bị liên lụy. Chẳng hạn có những trường hợp sau khi đưa người bị tai nạn vào bệnh viện lại bị người nhà nạn nhân đánh, đòi bồi thường vì cho rằng chính họ là người gây tai nạn.
- Sự tiêu cực dẫn đến lối sống vô cảm còn ảnh hưởng rất nhiều bởi mạng xã hội hiện nay. Sự phát triển của thời đại công nghệ hiện đại đặc biệt là mạng xã hội khiến bạn có thể kết nối với tất cả mọi người trên thế giới chỉ qua một chiếc điện thoại. Chỉ cần lập một tài khoản ảo, không cần nêu rõ danh tính là bạn có thể đi bình luận ở khắp mọi nơi. Không ít người đã lợi dụng điều này để đưa ra những lời nói tiêu cực, ác ý đến những người mà họ chẳng hề quen biết. Hay đây chính là vấn nạn “anh hùng bàn phím” đang cực kỳ nhức nhối trên mạng xã hội hiện nay.
- Chìm đắm quá nhiều trong thế giới ảo cũng khiến rất nhiều người quên đi đâu mới là cuộc sống thực tại. Có không ít người chơi game giỏi, được yêu thích trong game, chỉ biết sống trong những trận chiến online trong khi dửng dưng hoàn toàn với mọi người đời thực. Trên mạng xã hội họ xây dựng một hình tượng tốt đẹp bao nhiêu, luôn biết quan tâm đến người khác nên được rất nhiều người hâm mộ, trong khi đó ở người đời họ lại là những người vô cảm, ích kỷ, vô tổ chức, coi thường những người xung quanh.
Tác hại của sự vô cảm với xã hội
Khi giữa con người và con người không có sự tương tác với nhau, không biết quan tâm đến nhau mà chỉ biết nghĩ đến cá nhân mình sẽ là một xã hội khủng hoảng. Một xã hội không có sự liên kết, ích kỷ, thiếu đồng cảm thì không thể nào phát triển, cuộc sống ngày càng lạc hậu bởi mọi người không đồng lòng phát triển và bảo vệ tổ quốc.
Để giải phóng đất nước khỏi 1000 năm đô hộ chính nhờ là tinh thần “Lá lành đùm lá rách”; “Anh em như thể tay chân” của dân tộc Việt Nam, đây cũng là tinh thần truyền thống dân tộc được hướng tới từ bao đời nay. Nếu không có được tinh thần này, ai cũng sợ hãi việc đứng lên giành lại quyền lợi dân tộc sẽ nguy hại cho tính mạng, ai cũng sợ vượt ra chiến trường cứu đồng đội sẽ hy sinh thì chắc chắn không có được độc lập tự do như hiện nay.
Hậu quả của sự vô cảm là khiến con người ngày càng trở nên cách xa nhau, xã hội dần mất đi tính cộng đồng, mọi người ai cũng chỉ chăm chăm vào bản thân mình. Thật đáng buồn khi hiện thực vẫn luôn xảy ra sự vô cảm với nhau, thấy người gặp tai nạn mà không giúp hay thậm chí là ăn trộm đồ của những người bị tai nạn. Hay việc con người dùng chính lời nói, ngôn từ của mình để hủy hoại một người mà họ chẳng hề quen biết.
Cảm xúc chính là thứ nuôi sống tâm hồn chúng ta, điều này mang ý nghĩa như sự vô cảm là một tâm hồn “chết”. Sống một cuộc sống mà không có niềm tin, không có đam mê, không có sự đồng cảm và cũng không có bạn bè thì sẽ tẻ nhạt biết chừng nào. Những hệ lụy từ lối sống vô cảm không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, tập thể mà còn liên quan đến toàn xã hội.
Đáng buồn là sự vô cảm hiện nay lại giống như một loại “virus” có khả năng phát triển và lây lan mạnh mẽ nên không hề khó để bắt gặp trong xã hội thường ngày. Và hơn hết, để điều trị loại virus này không hề dễ dàng một chút nào, đòi hỏi cần có sự chung tay của cả xã hội.
Cách thoát khỏi lối sống vô cảm
Như đã nói, sự vô cảm là một vấn nạn có thể lan nhanh nhưng lại không hề dễ để giải quyết. Bản thân chúng ta có thể từng là nạn nhân của sự vô cảm hoặc cũng chính là hiện thân của sự vô cảm. Dù là trong trường hợp nào, nỗ lực thay đổi bản thân lạc quan hơn, hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn để có thể làm gia tăng những giá trị tích cực hơn để lan tỏa đến xung quanh, đẩy lùi sự tiêu cực từ “virus vô cảm”.
Tất nhiên một cá nhân chưa là chưa đủ nhưng sự thay đổi của một người sẽ dần được nhân rộng ra. Một con đom đóm chưa đủ để thắp sáng khu rừng nhưng nó hoàn toàn có thể thu hút, “kêu gọi” những người “đồng nghiệp” để rừng sâu được chiếu sáng rực rỡ hơn. Sự chung tay của xã hội, đặc biệt là gia đình và nhà trường trong việc trau dồi cả giá trị đạo đức, tinh thần tương thân tương ái cũng cực kỳ quan trọng nếu muốn sớm đẩy lùi sự vô cảm.
- Nhà nước và nhà trường hay các ban ngành xã hội liên quan cần đẩy mạnh các hoạt động, chương trình giáo dục, những kỹ năng sống giúp lan truyền tình thương, tính tương thân thương ái giữa con người với con người, con người với động vật hay với mọi vấn đề xung quanh cuộc sống.
- Đánh thức sự đồng cảm, tinh thần yêu thương giúp đỡ lẫn nhau qua các hoạt động như đến nhà tình thương, đến các mái ấm, đến các bệnh viện có những người có hoàn cảnh khó khăn.
- Lan tỏa sự quan tâm, trái tim nhiệt huyết và nồng nhiệt đến những người xung quanh, kể cả khi họ là một người vô cảm, luôn chỉ biết đến bản thân. Chính sự ấm áp của bạn có thể làm sưởi ấm trái tim lạnh giá của một người, giúp họ cảm thấy được tầm quan trọng của tình yêu thương giữa con người với con người.
- Những người bị vô cảm nên bắt đầu bằng việc quan tâm, chăm sóc hay hỏi han chính cha mẹ, người thân của mình. Ban đầu việc này có thể khó khăn, thậm chí việc phải suy nghĩ xem nên quan tâm người khác thư thế nào có thể khiến bạn mệt mỏi, nhưng chắc chắn bạn sẽ nhận được rất nhiều điều ngọt ngào khác mà những người xung quanh đáp trả cho tình cảm của bạn.
- Học cách suy nghĩ tích cực, lạc quan hơn, tâm niệm ” cho đi là còn mãi”. Trong cuộc sống cần phải có người xấu, người tốt thì đó mới thực sự là xã hội. Đừng vì 1 con sâu mà bỏ đi cả bó rau sạch. Chỉ cần bạn sống tốt, chắc chắn sẽ luôn nhận được những điều tốt đẹp, chỉ là có thể muộn hơn một chút. Vì vậy đừng đánh giá trị lương thiện của bản thân chỉ vì những người không xứng đáng.
- Luôn hướng về những giá trị tích cực, học cách suy nghĩ lạc quan hơn, buông bỏ mọi oán hận. Bất kể vấn đề nào cũng có hai mặt, chỉ cần bạn nghĩ khác thì nó sẽ xoay chuyển theo một hướng khác. Tất nhiên để học cách suy nghĩ tích cực thì không hề là điều dễ dàng nhưng chỉ cần bạn suy nghĩ chậm lại, phân tích các mặt của vấn đề bạn sẽ thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
- Nếu cảm thấy bản thân hay những người xung quanh rơi vào tình trạng vô cảm và không thể thoát ra được thì hãy thử gặp gỡ các chuyên gia tâm lý. Họ sẽ giúp thân chủ gỡ bỏ được những nút thắt trong lòng, xóa bỏ quá khứ, thay đổi nhận thức để hướng về những giá trị tích cực hơn.
Dù có rất nhiều sự kiện đáng tiếc xảy ra khiến xã hội lên án về lối sống vô cảm nhưng đây vẫn đang là thực trạng xảy ra ở hằng ngày, khắp mọi nơi, từ mạng xã hội ảo đến đời sống thực. Bản thân mỗi chúng ta cần học cách sống lạc quan tích cực hơn và lan truyền cảm hứng này đến khắp mọi người để hướng đến một xã hội yêu thương, nhân ái và đoàn kết hơn.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
- Nguy cơ trầm cảm do mạng xã hội – Hồi chuông cảnh báo giới trẻ
- Chứng sợ giao tiếp xã hội là gì? Nguyên nhân và cách khắc phục
- Cảm giác xấu hổ là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và cách vượt qua
- Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD): Triệu chứng và chữa trị
Nhắc đến vô cảm là trong đầu lóe ngay lên hình ảnh cả 1 đám đông lôi điện thoại ra quay chụp người gặp nạn nhỉ
Như một thói quen 😀 Kiểu nó ăn sâu vào trong đầu hình ảnh đấy rồi :v
Xem mấy phim Hàn có nhân vật phẫu thuật phần não liên quan về cảm xúc thế là người như robot, vô cảm, k vui k buồn. kể ra thì cũng gọi là tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến nhưng làm người mà lãnh đạm thì bỏ qua nhiều điều tươi đẹp của cuộc sống lắm
Vô cảm nói thì nhiều người thấy vui vui, hài hài nhưng nghĩ kỹ thì mình thấy nguy hiểm í. người sống mà không có cảm xúc còn đáng sợ hơn là những người bộp chộp có sao nói vậy.
tại một XH vội vã nên đã tạo cho mọi người một sự vô cảm không hề nhẹ. Mình thì đơn giản lắm, có lần đang đi đường thì gặp 1 bạn nằm úp mặt xuống đất. mình đi qua hai vòng mà vẫn thấy bạn ấy nằm như vậy, xung quanh gần cái đèn đỏ, có vài người cùng dừng đèn đỏ với mình, họ nói với nhau. Ai mà ác vậy trời, đụng xe chết người ta mà bỏ chạy, khi nghe những câu nói ấy, mình thật sự thấy đau lòng, mình nghĩ chắc người thân của bạn ấy đang đợi bạn ấy, vậy mà nhưng tiếc là không ai có hàng động giúp đỡ, mình thì lại ko mang theo đt, nhưng nhà lại gần đấy nên mới chạy về nhà lấy đt gọi cho anh tổ dân phố, thật ra cũng chả nghĩ đc gì nhiều chỉ mau chóng giúp đc cho bạn ấy cái gì lúc đấy mình sẽ làm.
Đọc những chuyện như thấy thấy ấm lòng hẳn! Cảm ơn bạn đã chia sẻ câu chuyện
những câu như “thương người như thể thương thân” giờ khó tìm thấy trong xã hội lăm. Thực ra cũng là sợ làm ơn mắc oán, rồi xã hội nhiều loại người có khi muốn giúp xong lại ngại rắc rối nên thôi tặc lưỡi bước qua
Vâng nhưng cũng có nhiều người vô cảm là bệnh luôn ạ. Kiểu như bị thờ ơ, lãnh đạm với mọi việc, k cảm xúc. Điều đó cũng r nguy hiểm
Thế bị bệnh thì đi chữa
“Mạnh ai nấy sống”, “Phải ai tai nấy”
Tôi tin nhiều người muốn giúp, nhiều người cảm thấy áy náy khi đi qua, bởi con người ai cũng có lòng trắc ẩn trước cảnh hoạn nạn, nhưng tại sao họ không dừng lại để giúp? Bởi họ không muốn gặp rắc rối hoặc thậm chí là tai họa bởi lòng tốt của chính họ. Chỉ tội cho những người gặp nạn thực sự cần giúp đỡ.
E từng gặp vấn đề trong giao tiếp với mọi người trong nhà, ngoài xã hội và kể cả chính mình. Em có ý thức rằng mình cần kiểm soát cảm xúc, đặt mục tiêu học tập… Nhưng lại k có động lực để hoàn thành, làm việc gì cũng hời hợt đến mức đủ để đạt, k cần quá giỏi và luôn cảm thấy k được thấu hiểu, k có ai sẻ chia, đồng cảm.Dần dần dẫn đến việc em ngại giao tiếp, tranh luận, trở nên khép kín khi ở lớp hay trong gia đình có việc gì thì tâm lý là sao cũng đc, thế nào cũng đc, k ý kiến. Cho đến 1 hôm e xem clip người ta bạo lực với con mèo mà em không có cảm xúc thương xót con mèo hay tức giận với hành động đó thì thấy bản thân mình thực sự có vấn đề gì đó rồi. Em nói với bố mẹ và được đi gặp chuyên gia tâm lý trị liệu và đăng ký tham gia 3 tháng. Được gỡ rối và giải quyết vấn đề từ tận gốc, quay về các trải nghiệm từ bé gây ảnh hưởng tới tâm lý hiện tại chứ không chỉ xử lý tình trạng trước mắt đâu. bây giờ em cam nhận rõ ràng về cuộc sống, về những người thân yêu bên cạnh em. Trước đây đi học theo phong trào nhưng sau khi đi trị liệu thì phát hiện ra bản thân có năng khiếu về hình họa, màu sắc nên em xin bố mẹ cho đi học vẽ rồi ạ.
Hay quá bé ơi. E đi tâm lý bên nào đó
dạ ở e ở Hà Nội nên qua Trung tâm NHC ở Trần Duy Hưng ấy chị
Ok bé! C cảm ơn nhé!
Nhanh gọn lên facebook lập caí nick clone rồi thoải mái muốn nói gì cũng đc, chẳng ai biết mình là ai, ở đâu. Thế nên bây giờ sợ nhất là vào đọc cmt trên mạng xã hội, 80% là tiêu cực.
Miinhf đã hủy theo dõi, hủy like hết các page drama, showbiz vì sợ bị ảnh hưởng bởi mn tranh luận trong đó. Gọi là thằng nọ thằng kia dù người ta đáng tuổi bố mình. Hay có khi người ta gặp nạn mà vẫn còn soi được áo với túi hàng hiệu gì. Đến chịu luôn
Bố mẹ cần để ý, quan tâm tới con cái. Nếu con có biểu hiện vô cảm quá mức thì nên mang con đi khám tâm lý xem sao. nhất là ở lứa tuổi thanh thiếu niên, bây giờ lại còn tiếp xúc nhiều với mạng xã hội, hội nhóm rất nhiều, khó mà kiểm soát thông tin mỗi ngày các con tiếp nhận. Xảy 1 ly là đi 1 dặm ngay.
Đúng đó ạ, nhà tôi thấy con cứ chúi mũi vào điện thoại, k nói năng gì với bố mẹ. k có sở thích, k mcuj tiêu học tập, k giao du bạn bè nên phải cho đi khám tâm lý ngay. May lắm vì đến nơi thì con có dấu hiệu của mất cân bằng cảm xúc, trầm cảm nhẹ rồi. Bố mẹ để ý con nhiều vào, nhất là các con cấp 2, cấp 3 mà lơ là đi 1 cái thì khó mà biết hậu quả
Em xin địa chỉ nhà mình đi khám ạ
bên Nhc ở chỗ Trung hòa e nhé. E ở miền Nam thì HCM có 1 cái đấy,e alo ngay hotline 0965898008 để hỏi cụ thể chi tiết nhé
thôi cho con nó thoải mái hết cỡ rồi lớn lên nó chịu mà.
Ở nước ngoài có người đi tù vì vô cảm đấy
Hồi còn nhỏ mik bị ba má thiên vị với e gái, lúc nào cũng cảm thấy bị hắt hủi nên đâm ra ghét e gái, và nhủ trong lòng từ giờ trở đi sẽ ghét tất cả những đứa là con thứ 2 trong gia đình. Từ tổn thương và suy nghĩ ngày bé đó mà mik thực sự đã ghét nhiều người chỉ vì họ thực sự là con thứ 2 trong các ace. Sau đó thấy rằng cuộc sống vốn bất công nên mình cũng chẳng cần p thương xót ai cả. Giờ đọc các bài về taaml ý, mik thấy bản thân có lẽ bị ám ảnh tâm lý thật rồi 🙁
Trường hợp của bạn có vẻ giống như “tổn thương đứa trẻ bên trong đấy” /watch/?v=590701912390655
Cười trên nỗi đau của người khác k còn xa lạ nữa với xã hội bây giờ
K biết mình gà mờ hay sống bình an quá mà trộm vía rất ít gặp trường hợp sống vô cảm.
Đôi khi cuộc sống giống như câu ngu ngơ hưởng thái bình bn ạ. Thôi bình an là hạnh phúc rồi, nhưng đừng ngây thơ quá nhé heheee
Thực ra nhiều người vô cảm vì k có niềm tin vào cuộc sống, vào mọi người xung quanh. Một khi mất niềm tin, con người ta vô tâm mọi việc và vô cảm với mọi thứ, dù lòng tốt không hề thiếu trong bản chất mỗi con người.
Giúp người bị nạn đưa tới bệnh viện là bị giữ lại làm thủ tục các kiểu, rồi thân nhân tới mà người bị nạn bất tỉnh không khéo bị ăn đòn. Rồi lỡ nạn nhân qua đời thì lại dính đến pháp luật.
Mấy năm trước còn có vụ a tài xế cứu cháu bé đã bị nghi là bắt cóc đó nên đôi khi muốn giúp lắm nhưng lại sợ rước phiền phức cho bản thân
nhưng đặt bản thân là người găp nạn mà bị người khác bỏ rơi thì khổ lắm 🙁