Bạo hành tinh thần nơi công sở: Cách nhận diện và đối phó
Nạn bạo hành tinh thần nơi công sở thường sẽ xảy ra giữa sếp với nhân viên hoặc giữa các đồng nghiệp với nhau. Tình trạng này sẽ càng trở nên tồi tệ nếu nạn nhân vẫn muốn tiếp tục công việc mà chấp nhận tất cả mọi hành vi quấy rối của đối phương.
Bạo hành tinh thần nơi công sở là gì?
Bạo hành tinh thần nơi công sở có thể hiểu đơn giản đó chính là những hành vi gây áp lực, quấy rối, kỳ thị, chơi xấu, vùi dập, vu oan, đố kị, cô lập một đối tượng nào đó trong môi trường làm việc công sở. Những hành vi, lời nói xúc phạm của họ sẽ làm ảnh hưởng nặng nề đối với tâm lý của nạn nhân. Các đối tượng bị bạo hành sẽ luôn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, sợ hãi, lo lắng mỗi khi đến làm việc tại công ty, đặc biệt là gặp gỡ người bạo hành tinh thần.
Thông thường tình trạng bạo hành tinh thần nơi công sở sẽ dễ gặp giữa sếp với nhân viên hoặc những đồng nghiệp làm cùng một công ty. Tiến sĩ Gary Namie cũng là Giám đốc Viện bạo hành công sở (Mỹ) nói rằng “Hầu hết các vụ bạo hành công sở là giữa sếp và nhân viên, ngoài ra nó còn xảy ra giữa nhân viên với nhau”.
Tình trạng này càng trở nên tồi tệ, mất kiểm soát nếu như người bị bạo hành không muốn mất việc hoặc thay đổi công việc hiện tại. Một phần cũng do thị trường làm việc đang ngày càng bị thu hẹp, sức cạnh tranh cao và khó tìm kiếm việc mới phù hợp nên họ chấp nhận tiếp tục làm việc dưới trướng của sếp hoặc làm cùng với những đồng nghiệp xấu tính.
Một điều đáng buồn đó chính là đa phần những nạn nhân của nạn bạo hành công sở luôn là những nhân viên có năng lực. William F, Badzmierowski – giám đốc của một trung tâm dịch vụ đào tạo nhân viên đã từng cho biết rằng “Những kẻ ưa bạo hành thường chọn mục tiêu là những nhân viên có năng lực thực sự hoặc được công nhận. Đó thường là nhân viên được cấp trên và đồng nghiệp đánh giá cao, được yêu mến vì tính ngay thẳng hoặc có một đặc điểm nổi bật nào đó”.
Không giống với nạn bạo hành thể chất, bạo hành tinh thần là hình thức chỉ sử dụng lời nói nhằm đả kích, lấn át, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của người khác. Tuy rằng những hành vi này không làm tổn hại đến sức khỏe thể chất nhưng nó lại gây ra hàng loại các tổn thương về mặt tâm lý. Các nỗi đau này đôi lúc sẽ kéo dài rất lâu, thậm chí nó còn nghiêm trọng hơn những vết thương về mặt thể xác.
Một số ví dụ về nạn bạo hành tinh thần nơi công sở
Vào năm 2014, một số chuyên gia đã thực hiện điều tra khoảng 10.000 nhân viên công sở làm việc tại Nhật Bản. Kết quả cho thấy rằng có khoảng 25,3% các trường hợp nói rằng họ đã từng là nạn nhân của bạo lực tinh thần ở nơi làm việc. Con số này ngày càng gia tăng mạnh mẽ, cho đến năm 2016 thì tỉ lệ đã lên khoảng 32,5%.
Một cuộc khảo sát khác cũng cho biết rằng, nhiều người chia sẻ họ đã ít nhất 1 lần bị bạo hành tinh thần nơi công sở hoặc chứng kiến các nạn nhân bị bạo hành. Một số trường hợp cụ thể như:
- Người bạo hành luôn quan sát, thăm dò, phán xét các hành động, lời nói của “mục tiêu” kể cả khi họ hoàn toàn không phạm phải lỗi sai.
- Sếp hoặc các nhân viên trong công sở thường xuyên bêu xấu, cô lập một đối tượng nào đó. Cố tình giao cho họ thật nhiều công việc, thậm chí là bắt họ làm thay việc cho người khác.
- Sếp liên tục sử dụng những lời nói chỉ trích, xúc phạm, hạ nhục danh dự đối với nhân viên. Thậm chí có thể khiển trách họ hàng tiếng đồng hồ vì một lý do không chính đáng nào đó.
- Tìm cách sỉ nhục, đùa cợt với người khác tại nơi đông người, thậm chí là trong những cuộc họp.
- Cố tình đánh giá năng lực, hạ thấp khả năng của một ai đó cho dù họ đã hoàn thành tốt công việc của mình.
- Có những hành vi không phù hợp, cố ý sàm sỡ, lợi dụng người khác tại nơi công sở.
- Thường xuyên sử dụng những lời nói thô tục, khiếm nhã, nhục mạ khiến người khác cảm thấy tổn thương.
- Đổ lỗi, vu oan, đặt điều nói xấu về những việc không có thực, ví dụ như nói bạn và sếp có tình ý với nhau, bạn nịnh hót nên mới được làm tại công ty,…
- Kỳ thị, xem thường, sỉ nhục vì những yếu tố như màu da, ngoại hình, tôn giáo,…
Bạn nên hiểu rằng, đối tượng bạo hành tinh thần nơi công sở có thể là bất kì ai, kể cả sếp tổng, sếp từng bộ phận, quản lý hoặc là chính những đồng nghiệp cùng phòng. Thông thường, các đối tượng mới đi làm, những người có năng lực thường được khen ngợi, những người có tính cách nhút nhát, ít nói, lầm lì sẽ dễ trở thành nạn nhân của tình trạng này.
WBI – Viện nghiên cứu về vấn đề Bắt nạt ở Công sở cũng đã từng đưa ra thông tin, có khoảng 61% các đối tượng bắt nạt công sở chính là quản lý trực tiếp điều hành chứ không phải là những sếp lớn. Trong thực tế, nạn bạo hành tinh thần nơi công sở không phải là tình trạng quá hiếm gặp. Tuy nhiên, tình trạng này cũng rất khó nhận biết, khó có thể chứng minh và đưa ra một hình thức xử phạt phù hợp nên vẫn chưa thể kiểm soát tốt.
Dấu hiệu nhận biết bạo hành tinh thần nơi công sở
Bạo hành tinh thần nơi công sở tuy không gây ra những tổn thương về mặt thể xác nhưng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của nạn nhân. Đồng thời những lời nói, hành vi thô bạo, xúc phạm của người khác có thể khiến cho một người cảm thấy nghi ngờ về năng lực của bản thân, từ đó họ cho rằng mình tội lỗi, vô dụng. Điều này gây tác hại nặng nề đối với chất lượng cuộc sống, làm suy giảm hiệu suất công việc.
Để phòng tránh những hậu quả mà nạn bạo hành tinh thần có thể gây ra ở nơi công sở thì bạn cần phải biết được các dấu hiệu nhận biết của nó. Nếu một người xuất hiện các triệu chứng sau thì có nhiều khả năng họ đang bị tra tấn tinh thần dữ dội:
- Luôn cảm thấy căng thẳng, lo lắng, bất an mỗi khi chuẩn bị đến công ty làm việc.
- Luôn có nhiều xu hướng tránh né việc trò chuyện với người khác, nhất là người bạo hành. Hoặc nếu bắt buộc phải trao đổi thì luôn cảm thấy lo sợ, bối rối.
- Khi đến công ty có thể làm gia tăng sự sợ hãi, khiến cho nạn nhân gặp phải các triệu chứng như khó thở, gia tăng huyết áp, ra nhiều mồ hôi.
- Rối loạn giấc ngủ, thường xuyên mất ngủ, ngủ không sâu giấc, hay mơ gặp ác mộng, các giấc mơ có thể về những nỗi ám ảnh xuất hiện khi đi làm.
- Cảm thấy mệt mỏi, chán chường, bế tắc sau mỗi lần đi làm về.
- Ám ảnh và sợ hãi mỗi khi liên tưởng đến công ty, những đối tượng bạo hành tinh thần của mình.
- Luôn có tâm thế lo sợ, rụt rè, hoang mang, không làm thể hiện hết năng lực của bản thân.
- Cô đơn vì bị tập thể, đồng nghiệp cô lập.
Nhiều người cho rằng, nếu môi trường làm việc không phù hợp, bạn liên tục cảm thấy lo sợ và hoảng loạn vì những sự bạo hành tinh thần của đồng nghiệp, cấp trên thì sao lại vẫn duy trì công việc này. Tuy nhiên, mỗi người sẽ có hoàn cảnh khác nhau, có người lựa chọn tiếp tục làm việc vì họ cần tiền, họ cần công việc có mức lương ổn định hoặc họ cảm thấy khó khăn khi phải tìm kiếm một việc làm khác.
Mặt khác, do liên tục nghe người khác chỉ trích, trách mắng, phê bình thậm tệ về bản thân mà đôi lúc họ nghĩ rằng mình thực sự vô dụng, bất tài nên cho dù công ty có đổi xử tệ bạc nhưng họ vẫn cố gắng để bám trụ. Một số khác vì bị cấp trên đe dọa, uy hiếp nên không dám phản kháng, chống cự.
Nếu liên tục phải chịu đựng những hành vi bạo hành tinh thần ở nơi công sở sẽ khiến cho sức khỏe và tâm lý của nạn nhân dần trở nên suy kiệt. Tình trạng căng thẳng, mất ngủ kéo dài có thể làm gia tăng nguy cơ mắc phải các vấn đề tâm thần nguy hiểm như trầm cảm, rối loạn lo âu, stress mãn tính,….
Tìm hiểu thêm: Nguy cơ trầm cảm nơi công sở và cách khắc phục
Cách ứng phó với bạo hành tinh thần nơi công sở
Trong thực tế không ai có thể cải thiện tốt tình trạng bạo hành tinh thần nơi công sở ngoài chính bản thân nạn nhân. Vì thế, để ứng phó tốt với tình trạng này bạn cần phải nhận thức được rõ ràng về hành vi và những lời nói xúc phạm của người khác dành cho mình. Sau đó, hãy thực hiện các biện pháp sau đây:
1. Mạnh dạn lên tiếng
Một trong những lý do khiến bạn trở thành nạn nhân của nạn bạo hành tinh thần nơi công sở đó chính là do sự im lặng và chịu đựng của bản thân. Nếu bạn cứ tiếp chịu đựng mà không lên tiếng để bảo vệ bản thân thì người khác sẽ cứ tiếp tục giày vò tinh thần và bạn sẽ mãi không thể thoát ra khỏi cái bóng của họ.
Bạn nên hiểu rằng, càng lẩn trốn thì càng đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận với những lời sỉ nhục, chế giễu, hạ nhục đó. Vì thế, điều bạn cần phải thực hiện đó chính là mạnh dạn lên tiếng và phản kháng ngay từ những lần đầu tiên để khẳng định giá trị của bản thân.
Điều này sẽ khiến cho người khác có cái nhìn e dè hơn về bạn và họ hiểu rằng bạn không dễ bị bắt nạt. Ví dụ như nếu trong một cuộc trò chuyện giữa các đồng nghiệp với nhau, có một ai đó đem ngoại hình của bạn ra đùa giỡn và bạn không hề cảm thấy vui vẻ vì điều đó thì có thể bộc lộ ngay tại đó hoặc tế nhị hơn hãy nhắn tin, gặp mặt riêng để nói rõ về những sự khó chịu của bạn.
Còn đối với trường hợp người bạo hành tinh thần của bạn là cấp trên, sếp lớn thì hãy bình tĩnh và nói chuyện riêng với họ. Đừng cố gắng tỏ thái độ hoặc vạch trần sự thật trước nơi đông người. Bạn nên lựa thời điểm thích hợp hoặc đặt một cuộc hẹn sau giờ làm việc để có thể nói chuyện nghiêm túc về vấn đề này. Cách xử lý này sẽ giúp bạn đảm bảo tốt được công việc và hạn chế được những xung đột tiếp theo có thể xảy ra.
2. Thu thập bằng chứng, ghi lại tình hình sự việc
Trong thực tế vẫn chưa có bất kì hình phạt nào cụ thể về hành vi bạo hành tinh thần nơi công sở. Ngoài ra, tình trạng này cũng rất khó nhận biết và xử lý bởi nó chỉ được biểu hiện bằng lời nói và không để lại bất kì thương tích nào trên cơ thể.
Do đó, để giúp bạn có thể ứng phó tốt với những đối tượng bạo hành thì việc ghi chép và thu thập bằng chứng là điều hết sức cần thiết. Bạn có thể ghi âm hoặc quay hình lại những lúc người đó phỉ báng, sỉ nhục, sử dụng những lời nói cực đoan, thô bạo đối với bạn.
Điều này sẽ giúp bạn có được đầy đủ thông tin để trình báo hoặc công bố cho mọi người biết về hành vi xấu xa của họ. Bởi những người bạo hành sẽ có xu hướng đổ lỗi, họ không bao giờ chịu thừa nhận và có trách nhiệm với những điều mình gây ra.
Vì thế nếu bạn chỉ nói suông mà không có bằng chứng cụ thể sẽ không thể vạch trần được bộ mặt thật của họ. Khi đã thu thập đủ thông tin thì bạn có thể gặp riêng họ để nói về vấn đề này hoặc nếu họ không có ý định sửa lỗi thì có thể báo cáo lên cấp trên, nội bộ công ty để được phân xử rõ ràng.
3. Khẳng định năng lực của bản thân
Thay vì cứ mãi nghĩ đến những lời nói miệt thị, chê bai của người khác thì bạn hãy chú tâm vào việc phát huy năng lực vốn có của chính mình. Kết quả mà bạn có được, những thành công mà bạn mang đến cho công ty sẽ giúp bạn thay đổi được cách nhìn của người khác dành cho bạn.
Trong tất cả các môi trường làm việc, người mang lại kết quả tốt lúc nào cũng sẽ được coi trọng và đánh giá cao. Đặc biệt, nếu người bạo hành tinh thần của bạn là sếp thì việc thể hiện tiềm năng, chứng tỏ năng lực và sự cống hiến vì công ty sẽ khiến cho sếp giảm bớt sự khắt khe đối với bạn. Hãy chứng minh cho họ thấy rằng vị trí này là thuộc về bạn và không ai có thể đảm nhiệm nó tốt hơn.
Tuy nhiên, để làm được điều này không phải là việc dễ dàng. Đầu tiên bạn cần phải tin tưởng vào năng lực của bản thân, dành thời gian trao dồi và cải thiện các kỹ năng cần thiết nhằm phục vụ tốt cho công việc. Hơn thế hãy tìm cách hạn chế tiếp xúc, gặp gỡ với những người bạo hành tinh thần để giảm bớt sự căng thẳng, bất an.
4. Chia sẻ với những người thân, bạn bè
Việc chia sẻ, tâm sự với những người thân thiết đôi khi không giúp bạn thoát khỏi tình trạng bạo hành tinh thần nơi công sở nhưng nó sẽ xoa dịu tâm hồn và giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Khi trò chuyện với người khác về những nỗi đau mà bản thân đang phải gánh chịu sẽ giúp bạn nhẹ lòng, giảm bớt sự căng thẳng và dễ chịu hơn rất nhiều.
Đồng thời những người bên cạnh có thể đưa ra cho bạn những lời khuyên hữu ích để bạn có thể đối mặt tốt với những khó khăn hiện tại. Hoặc nếu họ không có bất kì lời khuyên nào, chỉ cần họ chịu lắng nghe và đồng cảm với bạn cũng đủ giúp bạn cảm thấy thoải mái và vui vẻ hơn rất nhiều.
5. Cân nhắc đến việc tìm kiếm công việc mới
Nếu cảm thấy không thể thay đổi mọi việc tại công ty thì bạn hãy cân nhắc đến việc tìm kiếm một công việc mới. Tất nhiên khi rời khỏi công ty không đồng nghĩa với việc những lời đồn sai sự thật về bạn sẽ được chôn vùi. Đây chỉ là cách giúp bạn thoát khỏi những tổn thương và bắt đầu lại một công việc mới với những trải nghiệm thú vị hơn.
Thực tế, nếu tình trạng bạo hành tinh thần nơi công sở diễn ra trong thời gian dài thì nó sẽ có xu hướng trở thành sự cô lập của đám đông. Do đó, rất khó để bạn kiểm soát và thoát khỏi nó một cách triệt để. Vì thế, nếu cảm thấy môi trường làm việc hiện tại quá “độc hại” thì hãy mạnh mẽ để thoát khỏi chúng.
Bạn nên hiểu rằng, càng ở lại lâu thì bạn càng phải gánh chịu nhiều sự tổn thương. Những người gây ra các nỗi đau tinh thần sẽ không thể vì thế mà ngừng bắt nạt bạn, thậm chí họ càng cảm thấy hả hê và vui sướng vì điều đó. Do đó, nếu thực sự không thể chống chọi lại thì cách tốt nhất là nên tự tạo cho mình một con đường mới, một công việc mới.
Bạo hành tinh thần nơi công sở không phải là một tình trạng quá hiếm gặp. Rất nhiều nạn nhân vì một lý do nào đó mà không dám lên tiếng, luôn cố gắng chịu đựng và đối mặt với hàng loạt các tổn thương tâm lý. Hi vọng qua thông tin của bài viết trên đây bạn sẽ biết cách tự bảo vệ mình và ứng phó tốt với nạn bạo hành nguy hiểm này.
Tham khảo thêm:
- Bạo Hành Bằng Lời Nói: Những Ảnh Hưởng Tâm Lý Và Cách Ứng Phó
- Tổn Thương Tâm Lý Của Trẻ Sau Khi Cha Mẹ Ly Hôn
- Bạo Hành Tâm Lý Trong Tình Yêu: Biểu Hiện Và Cách Ứng Phó
- Ergophobia (hội chứng sợ làm việc): Lười biếng hay bệnh tâm lý?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!